Thứ năm tuần 31 thường niên

Lòng thương xót và thứ tha của Chúa

(Lc 15,1-10)

 

          1. Thấy Đức Giêsu hay gần gũi những người tội lỗi lại còn đồng bàn với họ, nhóm biệt phái và luật sĩ trách cứ Chúa. Do đó, Đức Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Ngài xót xa khi một người  rơi vào tình trạng tội lỗi, do đó, Ngài thiết tha cứu người tội lỗi. Hai dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị mất nói lên tấm lòng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng đón nhận chúng ta và Ngài vô cùng sung sướng khi chúng ta biết mở lòng đón nhận sự tha thứ và tình thương của Ngài.

 

          2. Hình ảnh con chiên bị lạc vì nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngn suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta  cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội thánh. Đó là điều làm chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về.

 

          3. Thật cảm động trước thái độ ân cần của người chủ chiên đối với con chiên đi lạc : chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó lên vai mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế : chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng : thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh thiên đàng :”Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tỗi lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân (Carôlô).

 

          4. Giá trị của những vật bị mất : một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.

          Công khó đi tìm : không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.

          Niềm vui tìm được những vật đã mất : trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa : Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.

 

          5. Cách nói phóng đại trong dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị mất” diễn tả niềm vui của Thiên Chúa lớn lao dường nào khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải. Quả thật, Thiên Chúa đã phải buồn lòng bao nhiêu khi con cái mình lạc đường, thì Ngài sẽ vui mừng hơn gấp bội khi thấy dù chỉ là một người con trở về chính lộ. Lòng thương xót của Thiên Chúa dạt dào đến mức khiến Ngài cũng trở nên “yếu đuối, mềm lòng” luôn sẵn sàng tha thứ một khi tội nhân tỏ lòng sám hối ăn năn. Thiên Chúa muốn cho người tội lỗi hối cải đến mức như Ngài không còn e ngại gì nữa, mà còn chấp nhận để cho lòng tốt và tình yêu của mình bị lợi dụng (5 phút Lời Chúa).

 

          6. Đức Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Đức Giêsu duy nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng :”Hãy vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc”. Như thế, đối với Đức Giêsu, Đấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi mà xếp loại vào những người bị kết án suốt đời (Mỗi ngày một tin vui).

 

          7. Truyện : Thiền sư Sengai.

          Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai.  Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thỏa thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền rời cái ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng  thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám phá ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu.  Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh :”Sáng sớm trời lạnh lắm, con phải cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người để tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt