Thứ ba tuần 32 thường niên

Khiêm nhường trong phục vụ

(Lc 17,7-10)

 

          1. Tiếp tục chương 17, Đức Giêsu  đã dựa vào dụ ngôn người đầy tớ của ông chủ để dạy các Tông đồ tinh thần khiêm nhường trong phục vụ. Đức Giêsu dạy bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác đều là bổn phận.  Chúng ta không nên huênh hoang, tự đắc với những gì mình làm được vì tất cả mọi sự đều do Chúa ban. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, nên phải có thái độ khiêm tốn khi phục vụ.

 

          2. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn các môn đệ đề cao cảnh giác trước tính kiêu ngạo của những người biệt phái và luật sĩ. Họ quan niệm Thiên Chúa như một ông chủ hà khắc, chi li, thưởng phạt tùy theo công đức của mỗi người. Chính vì thế mà họ coi những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí... là những việc lành  mà Thiên Chúa buộc phải thưởng  bội hậu cho họ. Hình ảnh của người đầy tớ tự cho mình là người  vô dụng mà Đức Giêsu sử dụng trong mạch văn này có ý nói rằng, con người không có bất cứ quyền nại đến công nghiệp của mình  để buộc Thiên Chúa ban ơn cho mình. Thiên Chúa ban ơn cho con người một cách nhưng không, và để đáp lại ân huệ của Ngài, con người chỉ có thể nói lên lòng tri ân và phó thác mà thôi. Tất cả cuộc sống của mình, tất cả những gì mình làm được, con người chỉ có thể  và dâng lên Thiên Chúa như một đáp đền và phó thác mà thôi (Hiền Lâm).

 

          3. Tin Mừng hôm nay còn mời gọi chúng ta  nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta : có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ánh trên gương mặt  của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo  vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Đức Giêsu đã khẳng định:”Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận  mà thôi”. Đầy tớ là người làm tất cả mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Đức Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã không xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha sao (R.Veritas) ?

 

          4. Người đầy tớ trong câu chuyện cũng hữu dụng đấy chứ. Vì hữu dụng, ông chủ mới nuôi đầy tớ trong nhà. Quả thật, hằng ngày người ta làm việc đủ thứ việc  nào là đồng áng, nào là chăn chiên; lại còn phục vụ bàn ăn cho chủ. Nhưng người đầy tớ của Chúa thì vừa vô dụng, vừa hữu dụng. Vô dụng bởi vì Chúa là Đấng hoàn hảo vô cùng. Chúng ta có làm công kia việc nọ gọi là làm cho Chúa  thì cũng không vì thế mà Chúa được hoàn hảo hơn. Nhưng hữu dụng ở chỗ Ngài muốn chúng ta cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa ngõ hầu “làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn”, trong đó mưu ích cho chính chúng ta nữa (5 phút Lời Chúa).

 

          5. Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường. Bởi vì tất cả những khả năng, những thành công, những việc lớn nhỏ chúng ta làm được đều do Chúa ban, không có Chúa chúng ta không làm gì được và cũng không làm được gì. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, nên không được huênh hoang tự đắc, nếu huênh hoang đề cao cái tôi, khuếch đại giá trị của mình, tự cho mình là có công trạng hay không có mình thì không xong hay không hoàn thành được. Đó là kiêu ngạo mà thôi. Xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn biết làm việc trong ý hướng ngay lành và nhất là trong tinh thần khiêm nhường.

 

 

          6. Truyện : Khiêm tốn là một điều khó.

          Một thầy rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy.

          Một người trong bọn họ nói :”Từ thời Salomon đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy”. Người khác nói:”Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Abraham”. Người thứ ba nói :”Chắc chắn sự kiên nhẫn của thấy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp”. Người thứ tư thêm vào:”Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Maisen và thầy mà thôi”.

          Vị rabbi tỏ ra bồn chồn không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi :”Ông có nghe họ ca tụng ông không” ?

          Ông liền trả lời :“Có”. Nhưng vợ ông lại hỏi :”Thế tại sao ông lại tỏ thái độ bực tức như thế” ? Vị rabbi than phiền :”Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Lễm

                                                                             Đà Lạt