Thứ sáu tuần 34 thường niên

Dụ ngôn cây vả

(Lc 21,29-33)

 

          1. Sau khi giải thích cho các môn đệ về những điềm báo trước về việc Đền thờ và thành Giêrusalem bị sụp đổ, Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để chứng thực cho điều Ngài vừa dạy.  Chúng ta biết mọi sự Chúa dựng nên  đều tuân theo một quy luật tự nhiên của nó. Cũng vậy, cây vả đến mùa thì đâm bông nảy lộc, thì đồng thời cứ dấu hiệu đó, người ta biết mùa hè đã đến gần. Như vậy, khi thấy “những điều đó (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.

 

          2. Đức Giêsu báo trước trong ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sẽ có những điềm lạ xẩy ra trên trời dưới đất làm mọi người kinh sợ. Dĩ nhiên các môn đệ muốn biết ngày nào viếc ấy xẩy ra, Nhưng Đức Giêsu không nói rõ mà chỉ đưa ra dụ ngôn về cây vả để báo trước ngày đó.

          Những người ở ngoài Bắc chúng ta dễ hiểu điều Đức Giêsu nói đây. Cây cối cứ mùa đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Nhìn xem cây cối có thể biết thời tiết, hoặc nói đến hình thức cây cối người ta biết ở vào tháng nào, ví dụ :

                                                Cỏ non xanh tận chân trời

                                       Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

                                                (Nguyễn Du, truyện Kiều)

          Không cần phải có câu “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, ai cũng biết ngay là đã cuối mùa xuân, sắp sang hạ.

 

          3. Để diễn tả chân lý cho người nghe dễ hiểu, người ta thường dùng những ví dụ dựa vào những sự vật, biến cố, công việc trong đời sống thường nhật để giải thích. Ở đây, diễn tả biến cố Chúa đến trong ngày cánh chung, Đức Giêsu dựa vào hình ảnh cây vả cũng như cây khác, để làm nổi bật giáo huấn của Chúa về ngày cánh chung.  Bên Thánh địa cứ vào tháng ba, cây vả nảy lộc bất luận trời nóng hay lạnh, hạn hán hay mưa lụt. Cứ thấy cây vả đâm chồi nảy lộc là biết gần đấn mùa hè.

          Cũng một cách như cây vả là điềm báo mùa hè, thì khi thấy thiên tai xẩy ra cũng là điềm báo thành Giêrusalem bị sụp đổ, và do đó cũng là những điềm báo Nước Thiên Chúa đã gần đến, mà Matthêu (24,32-35) và Marcô (13,28-31) nói về biến cố cánh chung (Trần Hữu Thành).

 

          4. Một lần nữa, Đức Giêsu khẳng định :”Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi”(Mc 13,32). Đúng vậy, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thì Ngài biết điều đó, nhưng với tư thế là con người nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết.

          Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế ? Thánh Augustinô đã trả lời dứt khoát :”Việc này hoàn toàn  nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa”. Nơi khác, ngài còn nói :”Đức Giêsu không cho biết ngày của ta , để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người”.

          Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới nhưng chúng ta biết chắc chắn ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày  mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.

 

          5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức để đọc được ý nghĩa của từng biến cố cuộc sống. Mỗi biến cố xẩy đến là một dấu chỉ  mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa : mỗi biến cố xẩy đến đều ẩn chứa một tiếng gọi của Ngài.  Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận ơn Chúa trong cuộc sống. Nhạy bén với những dấu chỉ hiện tại. Hướng lòng về những chuyện tương lai. Hành động đón chờ  phải là hành động  của kẻ đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế tỉnh thức chờ đợi để đón nhận ơn Chúa.

          6. Truyện : Dấu chỉ thời đại.

          Một nhà thám hiểm Tây phương lạc đường giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trong cát nóng. Thỉnh thoảng ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi.

          Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông ta tự nghĩ rằng :”Đây chỉ là một ảo ảnh. Trong thực tế trước mắt  ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước chân tiếp tục đi.

          Không bao lâu sau đó, có hai người du mục  tình cờ đi qua lối đó. Họ bắt gặp một cái xác người. Một người trong họ đã thốt lên :”Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này”?

          Nhưng người bạn lắc đầu giải thích :”Ông ta là một người Tây phương. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng nên không nhận ra  những dấu chỉ của Chúa”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt