TRẢ LẼ QUÁ KHỨ

 

Những ngày cuối năm ai ai cũng mải miết chạy đua với thời gian để kịp đón cái tết vội vã. Tết năm nay không vội mà cũng chẳng chậm chạp. Dường như nó bị kéo lỳ với tốc độ hoành hành của covid 19. Đã ba cái xuân sắp qua đi, cả thế giới sống trong hoảng sợ và chưa một cái tết nào có thể bình an. Có lẽ đến lúc này, ai ai cũng nhận ra giá trị quí báu của những thứ bình an đời thường. Rất đơn giản, rất dung dị nhưng khi vuột mất rồi mới thấy trân quí.

Hoảng sợ mãi, lo lắng mãi, hồi hộp mãi, cầu khấn mãi… rồi cũng tới lúc người ta đón nhận được. Đón nhận cái bất toàn của cuộc sống mà con virus quái ác mang lại. Thế nên, tết  năm nay lại đến, người sợ vẫn sợ, người vui vẫn vui, người khóc vẫn khóc… Cuộc sống cứ chậm chạp trôi theo tốc độ lây truyền kinh hãi của corona virus.  

Thế nhưng, điều quan trọng là có được mấy ai thức tỉnh sau biến cố kinh hoàng của thời đại này. Dường như, cả thế giới ai cũng biết, xuân này không thể gọi xuân đoàn viên vì đã có biết bao nhiêu gia đình mất đi người thân qua những cơn đại dịch thần tốc và thực tế nó còn chưa kết thúc. Thậm chí, có gia đình tất cả đều lần lượt ra đi để cho chỉ kẻ chết khóc thương kẻ chết. Thật là một bi thảm kinh hoàng.  

Cái tết không còn được đoàn viên nữa là một nỗi đau, nỗi bất hạnh lớn lao cho tất cả những ai mất đi người thân. Và cũng là cơ hội cho những kẻ làm con biết trân trọng giây phút hiện tại để mà hiện diện bên người thân của mình trong những ngày đoàn viên ngắn ngủi và đầy lo lắng này.

Có thế mới thấy không gì đáng sợ bằng cái chết. Cái chết là tột cùng của đau khổ bởi sự chia lìa, xa cách. Thế nhưng, với Thiên Chúa, chết lại là một bước ngoặt để đưa ta đến một cuộc sống khác hơn, một cuộc sống không bao giờ phải chết nữa, cũng chả còn đau khổ, chả còn nước mắt.

Hôm nay, Chúa Giêsu đã vào hội đường để công khai tuyên bố sứ mệnh cứu chuộc của mình. GIữa muôn vàn đau khổ và bất ổn của cuộc sống, Ngài đã xuất hiện để cho ta niềm hy vọng vào một ngày mai ngập tràn hạnh phúc: “Thần khí Chúa ngữ trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4, 18)

Niềm an ủi, niềm hy vọng và cũng là cứu cánh duy nhất của con người là còn tồn tại tình yêu, sức mạnh, quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sống giữa thế gian ngập tràn đau khổ và thử thách, nhưng con người vẫn còn có một con đường cứu độ giúp họ kiên vững vượt qua.

Thế nên, cho dẫu có ba cái tết trôi qua hoặc còn bao nhiêu cái tết nữa chúng ta phải sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, đề phòng dịch bệnh thì cũng vậy. Hãy cảm ơn Chúa vì giây phút hiện tại này mình còn đang được sống. Tương lai cũng là của Ngài, chỉ có quá khứ là của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ lấy mất quá khứ của ai. Ngài cũng chả bao giờ đánh đổi chúng. Ngài luôn luôn tẩy trừ chúng để trở nên lễ vật dâng hiến Ngài.

Con người thường hay đau khổ, hối tiếc về quá khứ, lo lắng về tương lai và thất vọng với hiện tại. Thế nhưng, quá khứ thật sự không bao giờ mất đi, nó tồn tại vĩnh cửu như tình yêu  bất diệt vậy. Ai nói rằng tôi đã quên sạch quá khứ, đó là kẻ nói dối. Ai nói rằng tôi đã “delete” sạch sẽ quá khứ cũng chỉ là kẻ hai lòng. Quá khứ gắn liền với đời người và nó cũng chính là phần máu thịt của cơ thể. Quá khứ tạo nên con người, làm sao chúng có thể biến mất được cơ chứ. Có chăng, chúng chỉ là đang tồn tại trong tiềm thức, trong kí ức chỉ chực chờ một làn gió nhẹ thổi qua cũng đủ để làm bùng lên ngọn lửa thiêu rụi hiện tại.

Cứ mỗi dịp xuân về là dịp để người ta sống chậm lại một chút để dành thời gian cho gia đình. Đó có thể là thời gian để chỉnh trang lại nhà cửa sao cho khang trang hơn. Đó cũng có thể là quét tước, dọn dẹp, mua sắm… Căn nhà trần thế cũng như mái ấm tâm hồn ta vậy. Có lẽ ai đã từng dọn nhà đón tết người ấy không khỏi kinh hoàng vì những tầng lớp bụi bẩn được đóng dày, đóng nấc theo thời gian 365 ngày. Nào là mạng nhện, nào là rác rưởi, nào là mớ hỗn độn của những vật dụng ít khi dùng đến. Và một cuộc tổng don dẹp, sắp xếp, loại bỏ diễn ra. Và đương khi đối diện với việc dọn dẹp, cũng chính là lúc bạn có cơ hội để sống chậm lại, nhìn về quá khứ… Ủa thì ra, tôi cũng đã có những thời gian sống làm người như thế chăng. Ủa thì ra, tôi cũng đã từng biết khóc, biết đau khổ, biết tổn thương như thế chăng.

Còn cơ hội để mà nhìn lại mình đó là một diễm phúc. Và còn nhìn thấy mình trong quá khứ đó là một vinh hạnh. Ít ra bạn còn là chính bạn. Ít ra, bạn không đánh mất chính mình. Như đã nói, không ai có thể tẩy sạch được quá khứ, mà đúng hơn mỗi người đều phải trả lẽ cho quá khứ của mình. Vậy quá khứ của tôi có là niềm hạnh phúc cho tôi hay chính là con đường đưa tôi tới diệt vong?

Người dọn nhà đón tết nào mà chả đặt nghi vấn: Bụi bẩn, rác rưởi, mạng nhện ở đâu ra mà bừa bộn thế? Cũng vậy, kẻ năng đào bới tâm hồn mình cũng sẽ chẳng nguôi tự vấn: trái tim tôi vì sao đã rách nát, đam mê như tổ nhền nhện, giăng kín tâm hồn tôi, trói chặt trái tim tôi khiến nó không thể thoát ra. Xuân mới, tết đến, dọn nhà đón tết đã đành, tôi còn cần phải dọn sạch tâm hồn, để khoác trên mình tấm áo mới đón Chúa xuân ngự đến.

Lạy Chúa, hôm nay Ngài đã vào hội đường và hiên ngang loan báo sứ mệnh trước toàn thể nhân loại. Một sứ mệnh có bóng hình con nơi ấy, đó chính là niềm tin vào ơn cứu độ của Ngài. Con biết mình thật tội lỗi và nghèo hèn. Nghèo hèn đến độ không có lấy một tấm áo trắng để nghênh đón Chúa xuân. Tội lỗi khiến con ngày càng rời xa Chúa. Nhưng tréo ngoe thay, càng thấy mình bất xứng con lại càng nhớ đến Ngài nhiều hơn. Có lẽ đó chính là quá khứ của con. Quá khứ những trải nghiệm thiêng liêng với Ngài không gì có thể đánh tráo. Thế nên, dù tốt lành hay tội lỗi, con vẫn luôn còn có Ngài. Cho đến tận bây giờ con mới chợt hiểu ra quá khứ luôn luôn tồn tại và nó không bao giờ biến mất, Thiên Chúa cũng chẳng lấy nó đi, Ngài chỉ biến đổi nó, từ một trái tim tan vỡ trở nên trái tim biết yêu thương. Xin cho con tình yêu thương để con có thể tha thứ, bao dung và hòa nhã. Xin cho con niềm tin để con có thể đứng vững trước ba thù đang bủa vây cắn xé con. Xin cho con hy vọng, để kiên trì chờ đợi và kiên vững bước đi. Xin cho con ở mãi bên Ngài để quá khứ mãi mãi là của con…

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.