NGÀY THỨ BA, 12/03

 

THEO CHÚA GIÊSU NGƯỢC DÒNG

Thánh Giuse và Chúa Giêsu

thường nói về sự kiến tạo một thế giới khác.

Như Thánh Giuse và Chân phước Anrê, chúng ta phải theo Chúa Giêsu cả trong khi phải đi ngược dòng. Ngay sau khi Giáng sinh, sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã làm cho Thánh Giuse gặp xáo trộn. Thánh nhân đã che chở Chúa khỏi kẻ thù. Người đã sống phần lớn cuộc đời mình với Chúa, đã thấy Chúa lớn lên, đã bồng ẵm Chúa, và cùng với Chúa và Đức Mẹ xây dựng Thánh Gia. Trong lúc dạy nghề mộc cho Chúa, Thánh nhân đã cùng Chúa mơ ước việc tái tạo một thế giới mới. Chúa Giêsu, người con dấu ái, đã chia sẻ những ước mơ canh tân của Thánh Cả.

Chúa Giêsu đã đặt mình trong niềm hy vọng cứu thế. Ngài sinh ra với thân xác, sống như những người đồng thời, chịu khó nghèo, bị áp bức. Ngài thuộc gia đình bình dân, đơn thường, tại xứ Palestina, thuộc quyền Đế quốc Rôma, lệ thuộc về kinh tế, thuế vụ, phải miễn cưỡng xuất cảng phần lớn sản phẩm nông nghiệp.

Quan tâm đến hạnh phúc của người dân.

Chúa Giêsu tự đặt mình sống hòa nhịp với những người nghèo của Đức Giavê, những người mong chờ ngày cứu độ. Chúa đến với dự kiến của Thiên Chúa hằng sống, Đấng giải thoát dân Ngài khỏi cảnh nghèo đói (Nl 15:4-18). Chúa đem Tin Mừng đến cho những người nghèo và giải thoát những kẻ bị áp bức (Lc 4:18-19). Chúa đến thể hiện những niềm hy vọng của dân, những niềm hy vọng đã được nảy sinh và nuôi dưỡng bởi các ngôn sứ. Chúa bận tâm trước hết đến hạnh phúc người dân, trả lại nhân vị cho những bệnh nhân, những người bị khinh miệt, nữ giới, những người bị lãng quên đủ loại : "Ta đến cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Phúc Âm trình bày cho chúng ta một Đức Giêsu mà mối bận tâm thứ nhất của Ngài là sự tự do và nhân phẩm. Đó là những giá trị phải được coi là quan trọng hơn các luật lệ : "Ngày sabbat được dựng nên vì con người chứ không phải con người vì ngày sabbat”
(Lc 6:5).

Khi những người thấp bé

làm xáo trộn những người quyền thế.

Chân phước Anrê đã bị quyến rũ bởi Đấng Thiên Chúa tự hạ trở nên bé nhỏ, để những người bé nhỏ được nên lớn lao. Người muốn bắt chước Đấng Thiên Chúa tự hạ rất thấp, lui tới với dân nghèo, với những con người bị gạt ra bên lề xã hội. Từ hang đá tới thập giá, Chúa Giêsu đã theo sát con đường tự hạ, bị bóc lột : "Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô tự thân là Đấng giàu có, đã vì anh em trở nên khó nghèo, để nhờ sự khó nghèo của Ngài, anh em nên giàu có” (2Cr 8:9).

Chúa Giêsu đã cảm thông với dân Ngài, đã khóc trước những đau khổ của cuộc sống con người. Ngài đã đồng hóa với những người yếu thế. Người nghèo khó, thấp hèn, đói khát, bị bỏ rơi "chính là Ta" ! (Mt 25). Thánh Giuse chắc hẳn đã chia sẻ lòng từ tâm với Chúa ngay khi Chúa còn tuổi thơ. Chúa Giêsu có dự tính đảo lộn trật tự những người quyền bính và trở nên dấu chống đối. Cũng như tất cả những người làm cha, Thánh Giuse đã phải sống những giờ đầy lo âu đối với trào lưu phản kháng đó.

Nào chúng ta đã chẳng trở thành một Kitô giáo quá lặng yên, không còn dám phản đối những thế lực bất công tàn bạo của thế giới này đó sao ?

Chúng ta phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, đi ngược dòng trong thời đại chúng ta như Thánh Giuse và Chân phước An-rê.

Ghi chú : Đọc Lời nguyện (tr.8) và Tụng ca (tr.29).


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà