GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013 – BẢN TIN 04

 

 

Giải Viết văn Đường Trường không nhằm tìm những truyện ngắn thật hay nhưng nhằm phát hiện và cổ vũ những người có năng lực muốn dấn thấn cho văn xuôi Kitô giáo. Dù số bài dự thi ít ỏi, cho đến cuối bản tin số 4 này, ban tổ chức đã bắt đầu tìm gặp được những cây bút như thế.

Giải Viết Văn Đường Trường tổ chức trao giải 6 năm liền (2013-2018) cho những truyện ngắn có nội dung Kitô giáo và ấn hành giới thiệu các tuyển tập truyện ngắn cho các tác giả đạt giải.

Do thông tin giới hạn, nhiều người chưa kịp biết thể lệ để tham gia. Vì thê Ban Tổ chức quyết định gia hạn nhận bài đến 15-4-2013. Những ai chưa rõ thể lệ, xin mời xem

- Bản Thể Lệ Giải Viết Văn Đường Trường

- Chương trình tìm kiếm và xây dựng tài năng văn xuôi cho văn học công giáo

tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

 

Chúng tôi ước mong quý vị giúp giới thiệu chương trình này rộng rãi để có thêm nhiều bạn trẻ dự thi. Đồng thời chúng tôi cũng rất mong được quý vị hảo tâm hỗ trợ tài chính cho giải thưởng.

Chân thành cám ơn.

 

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

Tòa Giám Mục Qui Nhơn

116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn

ĐTDĐ: 0935-424-449; gopnhattho@yahoo.com

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số 13-015

MẠCH NƯỚC NGẦM

 

Nghi nhắm mắt lại, thấy từng ánh sáng bạc rớt xuống, rớt xuống, mỗi lúc một nhiều cho đến lúc tựa hồ một cơn mưa sao băng tạo nên một vệt sáng dài, nhưng lại mất hút khi vừa chạm vào đất, như thể đất đã chờ sẵn để nuốt không thể sót một tia sáng nào, rồi biến những tia sáng đó thành một dòng chảy ánh sáng sâu trong lòng đất. Và khi giọt sáng cuối cùng rơi xuống, mọi sự lại chìm trong bóng tối...

Nghi không mở mắt ra, không phải vì cô tiếc nuối hay muốn tận hưởng dư âm của cơn mưa ánh sáng đó, nhưng cô muốn xuyên thấu lòng đất để biết bằng cách nào những giọt sáng lại có thể chảy trong lòng đất, như thể một mạch nước ngầm. Nghi cũng muốn nhìn vào bóng tối, cái còn lại sau khi giọt sáng cuối cùng lịm tắt. Lòng thanh thản, cô muốn thấy cái sẽ hiện hình trong cái dày đặc đêm…

* * *

Một mạng sống bị loại bỏ khi Nghi và Vũ quyết định không thể có con vào lúc này. Lý do là cả hai chưa làm lễ cưới. Nhưng dường như đó không phải là nguyên nhân quan trọng nhất, bởi vì Nghi biết có một giáo xứ mà vị linh mục ở đó sẵn sàng dạy giáo lý và cử hành Bí tích Hôn phối cho bất cứ đôi nào đến xin mà không đòi hỏi những thủ tục rắc rối, trừ giấy chứng nhận Rửa tội, Thêm sức và tình trạng độc thân. Vì vậy, nếu muốn, Nghi và Vũ có thể đến đó và chỉ mất hơn một tháng để học giáo lý hôn nhân, sau đó có thể cử hành lễ cưới để hợp thức hóa cái thai. Mà đó cũng chẳng phải là giải pháp duy nhất. Nghi đã chẳng thấy đầy người Công Giáo đi làm thuê ở trọ, cứ sống chung với nhau rồi sinh con đẻ cái mà chẳng cần phải làm lễ cưới gì đó sao. Lý do xã hội cũng không phải là vấn đề đáng quan tâm. Xã hội bây giờ khác xưa lắm rồi, người ta không còn lên án những cô gái chưa chồng mà chửa; cũng chẳng còn cô gái chửa hoang nào bị gọt đầu bôi vôi hay nhốt rọ thả sông, cùng lắm là vài ba tiếng xì xầm sau lưng của các bà già cổ hủ hay những kẻ rảnh việc nhiều chuyện, nhưng họ nói mãi rồi cũng sẽ chán. Lý do chính là cả hai thấy mình chưa sẵn sàng để tiếp nhận thêm thành viên thứ 3 vào “tổ ấm” của họ. Cả hai bằng lòng với cái hiện tại của mình và không muốn bị xáo trộn.

Nghi và Vũ không mất nhiều thời gian lắm cho quyết định phá thai này. Kỹ năng làm việc giúp họ đi đến quyết định nhanh chóng. Nêu lên những lý do và chọn điều gì phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của mình, những lý do khác sẽ được coi là thứ yếu và bị loại bỏ dễ dàng.

Vũ thẳng thắn : - Anh mới lên trưởng phòng. Áp lực công việc không cho phép anh có thời gian chăm sóc em lúc thai nghén, lại càng không thể có thời gian cho con lúc này.

Nghi không chất vấn những lý do của Vũ. Cô chỉ hình dung bao nhiêu thứ rắc rối khi mang thai, những mệt mỏi cô phải chịu, nhất là khi cô phải ở một mình những lúc Vũ đi công tác. Hơn nữa, Nghi cũng không muốn nuôi con một mình. Dù sao, giữa Nghi và Vũ cũng chưa có gì ràng buộc chính thức, cả hai chỉ đang sống thử. Vũ có thể bỏ cô bất cứ lúc nào, và cũng có thể là cô sẽ chia tay khi thấy không còn hợp với Vũ nữa.

Nghi thừa thông minh và dư tiền để giải quyết cái thai của mình một cách nhẹ nhàng và ít đau đớn nhất. Nhưng vốn vẫn đặt sức khỏe lên hàng đầu, Nghi xin nghỉ dưỡng bệnh một tuần để tránh những hậu quả về sau do phá thai. Nhưng đó lại là một quyết định sai lầm đối với Nghi (hay là một cơ may cho cô ?). Thay vì được nghỉ dưỡng để hồi phục sức khỏe, tinh thần Nghi lại sa sút nghiêm trọng. Mọi sự đã không đơn giản như Nghi nghĩ. Trí thông minh của Nghi đã không thể thấy trước được những hậu quả khi cô quyết định phá thai. Ngay ngày đầu tiên, khi vừa đặt lưng xuống nệm, Nghi chưa kịp tận hưởng cảm giác thoải mái trong không khí thanh vắng và dễ chịu của mùi hương hoa hồng mà Nghi rất thích, thì chính cái thanh vắng lại là môi trường để cảm giác tội lỗi bắt đầu xuất hiện và tấn công cô. Là người có óc thực tế, Nghi rất ngạc nhiên khi cảm giác đó xâm chiếm cô. Nghi vẫn quan niệm rằng, sự day dứt lương tâm chỉ là kết quả của những lo sợ về sự trừng phạt vì những điều mình làm mà những người yếu bóng vía hay tưởng tượng ra. Còn Nghi, khi đi phá thai đã không hề hình dung đó là giọt máu chứa đựng sự sống, càng không nghĩ đó sẽ là một con người. Nghi đủ mạnh mẽ (và cả lạnh lùng) để nghĩ việc phá thai chỉ đơn giản là bỏ đi một cái gì đó không cần thiết, thậm chí là gây cản trở cho hạnh phúc của cô. Nghi đã cố hết sức tránh không để cho mình nghĩ vẩn vơ. Vì thế, Nghi không thể hiểu nổi tại sao có những day dứt và những cơn mơ ám ảnh cô. Trong giấc ngủ chập chờn, Nghi nghe như có tiếng em bé khóc gọi mẹ, nhưng tuyệt nhiên không thấy một đứa bé nào. Tiếng khóc không rõ ràng nhưng làm Nghi rợn hết cả người. Vốn là người mạnh mẽ, Nghi tìm mọi cách để thoát khỏi tiếng khóc đầy ám ảnh đó, cô đọc sách, xem phim, mở nhạc thật lớn... Nhưng dường như mọi cố gắng của Nghi đều vô ích, tiếng khóc đó như mũi khoan, cứ khoan xoáy vào tận nơi sâu thẳm của Nghi khiến cô gần như lúc thức cũng nghe thấy. Và cho đến đỉnh điểm, khi tiếng khóc đó gào lên thành một lời buộc tội rằng Nghi là kẻ giết người thì Nghi biết mình hoàn toàn gục ngã.

 

– Chúng ta phải đi xưng tội !

Nghi nói như người mộng du khi dựng Vũ dậy vào lúc nửa đêm. Vũ biết Nghi có vấn đề, nhưng “luật tôn trọng” không cho phép Vũ gặng hỏi khi Nghi không muốn nói. Vũ nhẹ nhàng :

 

– Bây giờ là nửa đêm rồi, có gì sáng mai chúng ta nói.

Nghi tiếp tục mà không cần nghe Vũ nói gì :

 

– Chúng ta đã giết người ! Chúng ta phải đi xưng tội !

Vũ thở dài. Anh ngạc nhiên khi nghe Nghi nói như thế. Anh không thể tưởng tượng được chuyện phá thai lại làm cho Nghi bị suy sụp nhanh chóng như vậy. Bởi cũng như Nghi, anh đã nghĩ thật đơn giản rằng, anh chưa sẵn sàng để đón đứa con, và anh có quyền từ chối nó. Từ chối đón nhận một người, như anh vẫn quen từ chối những con người gây cản trở cho công việc của anh. Thế thôi. Như vậy là giết người sao ? Theo như Nghi nói, thì cái thai mới chỉ là giọt máu thôi mà, có thực sự nghiêm trọng để phải gọi là giết người không ? Nhưng Vũ đã không biết tất cả những gì đang diễn ra trong tâm hồn Nghi, cái gì đang dày vò, cắn rứt Nghi.

 

  Được rồi. Để anh sắp xếp thời gian.

Khi một người không bình tĩnh, người còn lại không tranh cãi, và người kia phải nhận ra điều đó để dừng lại. Đó là một trong những luật mà Vũ và Nghi đã đặt ra khi quyết định sống chung. Nhưng dường như Nghi chẳng còn nhớ luật lệ gì nữa, cô nói gần như gào lên :

 

– Ngày mai. Ngay ngày mai chúng ta phải đi xưng tội. Chúng ta đã giết người.

Trong thoáng chốc, Vũ có cảm tưởng như anh bị lôi vào cái cảm giác tội lỗi của Nghi. Những động từ “xưng tội”, “giết người” làm anh cảm thấy khó chịu. Cũng như Nghi, anh cố gắng tìm mọi cách để thoát ra khỏi điều đó. Anh không muốn mình rơi vào tình trạng giống như Nghi. Thật ra thì khuôn mặt của Nghi trong những ngày vừa qua đã ám ảnh anh. Nghi trông khốn khổ, nhăn nhúm như bị ai đó nhàu nhò, bóp nghiến… Anh với tay lấy cho Nghi liều thuốc ngủ, còn anh, chong mắt nhìn lên trần nhà. Trong bóng tối lờ mờ của ánh đèn ngủ, Vũ nhận ra mình bất lực. Thật sự thì anh đã không thể làm gì được cho Nghi, cũng như cho chính anh để có thể thoát ra khỏi tình trạng này. Có thể nơi anh, sự giày vò không lớn như Nghi, nhưng chắc chắn, có cái gì đó đang diễn ra trong tâm hồn đã đè bẹp sự mạnh mẽ, lạnh lùng và quyết đoán nơi những người có óc thực tế và sống lý trí như anh và Nghi. Bất giác Vũ cảm thấy anh và Nghi (là những con người) thật đáng thương…

Có lẽ Nghi đúng. Sáng mai, anh sẽ xin nghỉ làm để đưa Nghi đi xưng tội. Vũ quyết định như vậy trước khi trôi vào cơn mộng mị của riêng mình.

* * *

… Mạch nước ngầm, nó chảy sâu trong lòng đất. Người ta có thể đi trên nó mà không biết, người ta cũng có thể quên lãng hoặc chẳng bao giờ quan tâm nghĩ đến nó. Nhưng không vì thế mà nó cạn khô, không vì thế mà nó không ngừng tích tụ cho mình những giọt nước tinh khiết nhất, để bất cứ khi nào con người cần đến, con người nhớ ra và đào bới tìm kiếm, nó lại trào vọt một dòng nước trong suốt không chỉ đủ mạnh để cuốn trôi những dơ bẩn, không chỉ đủ nhiều để thỏa mãn những cơn khát, mà cái chính là nó sẽ đem lại sự sống. Vì khi cần đến sự sống, hay để phục vụ cho sự sống, con người sẽ tìm đến những mạch nước ngầm.

Mã số 13-017          

CHẶNG ĐƯỜNG ƠN GỌI

(Thân tặng chị Yến - người chị tuyệt vời của em)

 

1.

Làm sao tôi có thể quên nổi dấu ấn ngày đầu tiên được bước chân vào Tu Viện của Hội Dòng Mến Thánh Gía Phát Diệm, dù nay tôi đã lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn thiêng liêng, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời, trong ơn gọi tu trì- lựa chọn của tôi.

Nhìn lại hành trình ơn gọi cho đến ngày hôm nay tôi nhận thấy tình thương Chúa dành cho tôi thật bao la và lớn lao. Trong những tháng ngày sống trong nhà Chúa và cả những bước ngoặt của cuộc đời dâng hiến, tôi cảm nghiệm thấy Chúa đã thương cho tôi được sinh ra, được làm con Người và là môn đệ của Chúa. Chính tình yêu vô tận của Người đã luôn bảo bọc, giữ gìn tôi trong từng hơi thở, từng giây phút, những lúc vui mừng cũng như những lúc buồn đau. Và đặc biệt ở riêng cá nhân tôi là những lúc gặp khó khăn, trắc trở, thử thách về bệnh tật, cả những lúc trong cuộc sống với con người đầy yêu đuối, mỏng dòn của chính tôi. Nhưng Chúa đã ban sức mạnh cho tôi nhận ra thánh ý của Người, muốn ở nơi tôi, qua gia đình, Hội Dòng và tất cả mọi người…

Đối với bản thân tôi khi chọn con đường dâng hiến tôi thấy thật hạnh phúc và yêu thích. Nhưng để bước đi trên con đường ấy được vững bước, kiên tâm, bền lòng theo lựa chọn của mình thì tôi nghĩ nó không đơn giản chút nào. Để đạt được đích điểm, đỉnh cao của ước mơ tử thuở bé của mình, nhìn lại, thấy mình cũng thật mạnh mẽ đi theo tiếng Chúa mời gọi. Bởi biết  bao nhiêu điều tác động, những xôn xao, những lôi cuốn của điều này điều kia, của vật này, vật nọ… Với bao nhiêu những đam mê vẫy gọi đã làm cho tôi lo lắng không biết mình có vượt qua được không? Đấy là suy nghĩ tự nhiên nhất của tôi hồi ấy. Còn bây giờ thì tôi thấy mình đã rất bình an, chỉ lo chu toàn công việc bổn phận mỗi ngày. Tôi hoàn toàn phó thác cho Chúa thất thảy mọi sự.

2.

Nhìn lại những năm qua tôi thấy mình gặp không thiếu những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời dâng hiến, từ khi mới là một cô bé vừa tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông chập chững bước vào đời tu, cho đến khi đã lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn.

Đúng là thưở ban đầu “ Tình yêu Đức Kitô đã thúc bách tôi”. Thật là mãnh liệt và mạnh mẽ. Phải chăng là thánh ý riêng của Người? Cha mẹ, bà nội đều hoàn toàn không muốn, không đồng ý cho tôi bước vào đời tu chỉ vì những lý do rất đơn sơ là như: “Gia đình, dòng họ nhà ta không có ai đi tu thì làm sao con theo được?” và “Đi, không may mà về thì lúc đó bố mẹ già mất rồi, ai nuôi con?”. Cho đến bây giờ, bố mẹ vẫn chưa hết lo lắng, vì tôi ốm đau bênh tật. Nhưng đồi với tôi, tôi quyết tâm lắm, hứng khởi lạ kì, mong sao mình sẽ thuyết phục được bố mẹ gật đầu. Mặc dù ngày đó còn trẻ nít lắm, chưa biết tu cụ thể là gì, đời sống tu trì sẽ ra sao? Những nghĩ: Mình thích đi tu là đi vậy thôi. Gần nhà tôi cũng gần một công đoàn Mến Thánh Gía nhỏ, thê là tôi bị “ ảnh hưởng” thật hồn nhiên. Ngày bố mẹ đồng ý, tôn trọng sự lựa chọn của tôi, đồng ý cho tôi được vào Dòng, tôi vui như vỡ òa, xúc động không sao kìm được những giọt nước mắt của hạnh phúc lã chã rơi. Nhớ hôm được tiến vào cộng đoàn Hướng Đạo chỉ có bố mẹ và em trai Duy Thành, trong lòng tôi rất hăng hái, phấn khởi thật nhiều. Dẫu biết rằng sau đó tôi rất thương và nhớ bố mẹ cùng mọi người.

Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc trôi đi đẹp như nhung. Tuy bước đầu có nhiều bỡ ngỡ với những công việc lạ nhưng được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các chị em, của Bề Trên tôi vui vẻ đón nhận, chu toàn tốt mọi công việc được giao phó.

Sau ba năm tìm hiểu, tôi được tiến lên Tiền Tập Viện. Thế nhưng trước hông ân đó, Chúa gửi cho tôi một biến cố. Tai nạn đến với tôi. Đó là ngày lễ mừng Kính Thánh Phê-rô – quan thầy cha Minh Hưởng, Bề Trên cử hai chị em đi chúc mừng Cha. Trước khi đi, Bà có dặn đi đường cẩn thận. Nhưng thật chẳng may, vừa ra khỏi đường khoảng chừng 20 phút, chị em tôi bị xô xe vào một bác đi ngược chiều do trượt phanh tay lái. Mọi người chứng kiến xuýt xoa, cứ tưởng hai chị em ngã xe đau lắm? Chính Chúa đã giữ gìn hai chị em tôi, thiên thần bản mệnh đã nâng đỡ, phù giúp. Cả hai chỉ bị trầy sước nhẹ một chút, còn bác kia thì may mà không sao cả. Xe có bị hỏng hóc và được sửa chữa lại, hai chị em tôi lại tiếp tục lên đường, trở về nhà Dòng vẫn bình an, tốt đẹp.

Thời gian Tiền Tập viện hai năm trôi qua cũng rất mau. Đó là quãng thời gian, năm tháng được yêu thích nhất của tôi. Được sống cùng với các chị em chan hòa, thắm thiết, có những chuyện buồn, chuyện vui, những trải nghiệm mỗi ngày.

Sau hai năm đó tôi chuẩn bị được tiến lên Tập viện. Khi đã công bố các chị em được tiến lên, trong đó có cả tôi, mọi người đều mừng khôn xiết. Thế là tất cả mọi chị em đều được tiến bước vào ngôi nhà của Chúa Thánh Thần. Là thời gian hạnh phúc bậc nhất của đời dâng hiến. Trong thời gian chờ ngày tiến lên lớp Tập viện, Chúa gửi tới cho tôi một món quà lớn hơn lần  trước.

 Hôm đó cả gia đình Hội Dòng đang tấp nập chẩn bị cho ngày lễ khấn trọn đời của lớp khóa 2009. Tôi cũng bận rộn với công việc dọn nhà và đón tiếp các đoàn khách. Một niềm đau không may xảy tới. Tôi bị sự cố: Đứt gân chân trái. Khi sự việc xảy đến, tôi vô cùng buồn bã. Vì công việc của tôi còn quá nhiều, chưa xong mà mọi người ai ai cũng đều bận cả. Bây giờ tôi lại ngồi im một chỗ thế này thì là thật tệ! Nhưng biết làm sao được đây? Dù tôi đã gồng mình, gắng sức nhưng ôi, vết đứt gân cứ đau nhói, buốt lên từng cơn tê tái. Tôi đã bật khóc vì biết mình bất lực, không làm được gì trong ngày trọng đại… Thật chẳng thể ngờ, vết đứt lại quá nguy hiểm, tôi phải lên bệnh viện thành phố chữa trị. Tôi chỉ biết phó thác, trông cậy nơi Chúa. Và tôi tự hứa nếu có chạy chữa cho lành vết thương mất nhiều thời gian thì tôi sẵn sàng chấp nhận ở lại. Tôi phải kiêng đi lại trong vòng 3 tháng dài. Rồi ngày tiến lên Tập viện cũng tới gần, trong lòng không khỏi lo lắng về đôi chân của mình, không biết sau này có đi lại được không? Và thầm nghĩ một điều chắc chắn xảy đến cho tôi là phải ở lại thêm một năm nữa. Tâm trạng tôi vô cùng xáo trộn, buồn phiền, lo cho bố mẹ: Vì thương con bị đau chân, con vẫn chưa được tiến… Ngày qua ngày mọi người ai cũng đến động viên, khích lệ tôi “cố lên, vui vẻ đón nhân”… Tôi chỉ biết cám ơn tấm lòng cảm thông, quan tâm của mọi người và xin hợp ý thêm lời cầu nguyện cho tôi. Thực sự tôi đã cảm động vì Chúa đã thương tôi vô vàn, biểu hiện là như mọi người luôn dành cho tôi những tình cảm đơn sơ, chân thành: Các Bà lớn tuổi mà còn đưa cho tôi từng bát cháo, có gì cho nấy. Chị em thay phiên nhau dìu tôi từng bước đi khi còn đi lại khó khăn… Con thật ngỡ ngàng trước tình yêu bao la mà Ngài đã dành cho con. Và thật may, những khó khăn, đau đớn đã rủ nhau biến đâu mất tiêu nhanh chóng, tôi sớm bình phục.

Một buổi chiều, Bà tổng quản nhiệm đến thăm tôi và hỏi:

- Con có buồn không khi con biết mình ở lại ?

Tôi cười và nhẹ nhàng trả lời Bà:

- Thưa Bà, con sẵn sàng. Vì Chúa đã muốn con như thế. Tuy nhiên, con cũng không tránh được nỗi buồn khi con phải tách rời khỏi các chị em cùng lớp…

Sau đó Bà ân cần nói:

- Con nghĩ được như thế là tốt lắm! Nhưng Chúa thương gọi con, nên con vẫn được tiến lên Tập viện.

Tôi cũng mừng lắm chứ!

3.

Trôi đi hai năm Tập viện trong an yên, bình ổn, không có gì đáng lo ngại xảy đến với tôi cả. Cho đến khi chuẩn bị bỏ phiếu tiến đến ngày vĩnh khấn, tất cả chị em đều được đi khám bệnh tổng quát. Thật bất ngờ, không hiểu tại sao lớp tôi có tới sáu chị mắc bệnh về xương khớp. Hôi Dòng cũng rất băn khoăn, lo lắng xét duyệt. Quyết định cuối cùng của Hội Dòng là tất cả các chị em bị bệnh ở lại chữa trong vòng một năm. Khi được Bề Trên gọi tất cả các chị em cũng vui vẻ đón nhận. Riêng tôi lại mắc căn bệnh sỏi thận, có thể chữa mau khỏi hơn bằng cách tán sỏi. Sau đó tôi được phép về nhà quê để điều trị, sau hai tháng tôi được lành bệnh và quay trở về Hôi Dòng.

Cứ hằng năm, các chị em sắp được vĩnh khấn sẽ tập trung về hết để hồi tâm trong vòng ba tháng linh thao, chuẩn bị lãnh nhận hồng ân cao quý, thiêng liêng. Năm đó là năm diễm phúc đặc biệt của tôi, Hội Dòng tổ chức thánh lễ tuyên khấn trọn đời cho các chị em trong lớp tôi vào lễ Suy tôn Thánh Giá. thật là một dịp đặc biệt, một dấu ấn sâu đậm chẳng thể nào quên.

4..

Nhìn lại chặng đường đã đi qua tôi thấy rằng “Tất cả là hồng ân”. Và cuộc đời dâng hiến không phải lúc nào cũng êm trôi mà đôi khi phải có những lúc khó khăn, thách thức về tinh thần cũng như thể xác thì thực sự cuộc đời dâng hiến mới có ý nghĩa và có giá trị công phúc trước mặt Chúa. Tôi nghĩ rằng, cuộc đời tôi sẽ còn nhiều Thánh Giá Chúa gửi đến nữa. Tôi luôn luôn xin Chúa giúp tôi biết làm những điều Chúa muốn và đem lại niềm vui cho mọi người là tôi an tâm, vững bước trên chọn lựa số một của mình rồi. Chặng đường ơn gọi phía trước còn dài, mong rằng Chúa sẽ luôn giúp sức, ban ơn đỡ nâng để tôi luôn vui tươi đón nhận tất cả.

 

Mã số 13-018

 

MÓN QUÀ CHÚA ĐÃ TẶNG

 

Vừa tan ca làm, tôi vội vã đến thẳng nhà thờ để kịp dùng cơm cùng với Cha sở, chắc giờ này cha vẫn đang đợi tôi. Cũng gần đến Noel rồi, chỉ ít bữa nữa việc chuẩn bị cũng sẽ hoàn tất nên tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi đến làm cho kịp. Tôi rất yêu quý cha, tôi cũng biết Cha cố có tình cảm tốt đẹp vô cùng đối với tôi. Mấy hôm liền, biết tôi đi thẳng từ xưởng đến nhà thờ làm, sợ tôi ngại, cha đã cố tình vờ dọn cơm đúng giờ tôi đến để mời tôi ăn chung. Hôm qua, cha đã đề nghị tôi đi làm rồi tới ăn cơm với cha sau đó vào giúp việc nhà thờ luôn.

Tôi lập gia đình đã hơn hai năm, những ngày tháng thử thách gian khổ dường như vẫn dài lê thê. Gia đình nhỏ của tôi thiếu thốn nhiều thứ, đến bữa cơm hằng ngày cũng chẳng thể chu toàn. Vợ chồng tôi cố gắng bao nhiêu cũng chỉ đủ trang trải những bữa ốm đau của đứa con trai đầu lòng. Tôi vào Đạo bằng con đường hôn nhân, tôi không chắc mình là một người hiểu biết Giáo lý hơn ai khác nhưng tôi hiểu mình phải làm gì để trở thành một tín hữu tốt, một người con của Thiên Chúa. Tôi biết mình phải hy sinh, phục vụ cho Chúa, tôi vẫn cố gắng tranh thủ bất kỳ thời gian nào để có thể đến giúp việc khi nhà thờ cần. Cha sở xứ đạo nơi tôi sinh sống là người mà tôi mang ơn, cũng như là người thầy mà tôi luôn học hỏi. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, Cha đã tạo điều kiện cho tôi rất nhiều. Tôi chỉ làm ở xưởng một ca vào buổi sáng, buổi chiều ai thuê tôi bốc vác thì tôi làm. Công việc không cố định cho nên khi nhà thờ cần giúp việc trang trí chuẩn bị lễ, cha đã bảo tôi làm cả buổi chiều đến tối, rồi Cha gửi tiền công cho tôi, chắc chẳng ai đến phục vụ nhà Chúa mà lại được nhận tiền như tôi.

Hôm nay cũng như mọi khi tôi đi làm, nhưng vừa bước tới cổng tôi đã nhìn thấy một chiếc túi nilon màu đen đặt ngay dưới đất. Thoạt nhìn cái túi, tôi cứ tưởng đó là túi rác ai đó vô ý ném trước sân nhà thờ cho nên cúi xuống nhặt để lát mang ra sân sau đốt chung với đống lá cây luôn. Tôi đặt tạm nó ở góc sân nhà xứ, dùng cơm với cha xong, nhìn thấy tôi mang cái túi đi ra sân sau tìm bật lửa đốt rác Cha liền hỏi:

- Túi gì vậy con?

- Túi rác Cha à, con thấy ai ném nó trước cổng nhà thờ, để con mang đi đốt cho khỏi mất vệ sinh, chẳng biết ai mà vô ý thế.

Tôi vừa trả lời vừa tiện tay mở túi. Nhưng bất ngờ quá, tôi chẳng thể nói nên lời, tôi chìa chiếc túi ra cho Cha xem. Bên trong hộp giấy là 2 khuôn hình gỗ vẫn còn rất mới. Một khuôn hình là ảnh chân dung Chúa Hài Đồng với vầng hào quang rạng ngời, khuôn hình thứ hai là gia đình Thánh Giu-se, Thánh Giu-se đang làm mộc, Chúa Giê-su cũng giúp người và Đức Mẹ Maria đang khâu vá, bức ảnh của một gia đình hạnh phúc và mẫu mực mà tôi vẫn hướng mình sống theo.

Cha đặt hai khuôn ảnh lên bàn, nét mặt buồn xa xăm, đôi mắt nheo lại để lộ bao nếp nhăn, nơi khóe mắt dường như đang giấu một giọt nước. Cha chỉ bảo tôi đó là ảnh người ta trả. Nhưng tôi hiểu có lẽ ai đó đã từng chuộc những bức ảnh này về để thờ, nhưng giờ chắc họ đã không giữ Đạo nữa rồi. Sau một hồi im lặng, Cha nhìn tôi rồi nói:

- Người ta không cần bức hình này nhưng Cha nghĩ con xứng đáng có nó, chẳng phải bao lâu nay con vẫn ao ước có ảnh thờ sao. Cha tặng con và Cha cũng biết Thiên Chúa muốn tặng con, bởi vì bao người ra vào sân nhà thờ nhưng chẳng ai buồn nhặt nó lên cả, nhất định con là người mà Chúa đã chọn để gìn giữ nó.

Tay tôi run run nhận hai khuôn hình từ Cha. Trong lòng tôi khi ấy vui khôn xiết, đã bao lâu tôi vẫn mong muốn được treo tấm ảnh Chúa trong nhà của mình, bây giờ tôi lại được tặng những hai bức ảnh.

- Cha cho con nhiều quá rồi con không thể nhận không thế này được, hay là Cha trừ vào tiền công làm của con đi.

Cha bật cười, lắc đầu vào nói:

- Đây không phải là Cha cho con đâu, mà là chính Chúa tặng con, Cha chỉ gửi giúp thôi, con hãy nhận đi.

Món quà mà Thiên Chúa tặng đó được treo trang trọng trên vách chính nhà tôi đã hơn hai mươi năm. Trong suốt quãng thời gian đó đã có bao thăng trầm, bao sự thay đổi, cái vách treo không còn là cái vách nhà đất trộn lá tranh nữa mà giờ đây đã là nhà gạch mái tôn. Khuôn gỗ ngày đó đã sờn phai chẳng còn ánh màu sơn, nét vẽ cũng đã bạt theo năm tháng. Thế nhưng trong tôi cảm giác của giây phút đón nhận món quà vẫn luôn hiện hữu mỗi khi lặng ngắm bức hình. Đây chỉ là một trong số vô vàn món quà Thiên Chúa đã tặng tôi, đó là điều sau bao năm qua tôi mới nhận ra. Ngài đã ban tặng ta biết bao món qua hằng ngày trong cuộc đời ta, ấy vậy mà ta đâu có nhận ra, ta vẫn cứ thầm oán trách Người sao chẳng đoái xem ta, chẳng trợ giúp ta. Mỗi sáng thức dậy ta nhận được món quà thời gian, lại thêm một ngày ta được sống. Mỗi giờ trôi qua ta lại nhận thêm biết bao nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong cuộc sống. Mỗi phút trôi qua ta nhận được bao tình cảm mến thương của tha nhận. Mỗi giây trôi qua ta lại đón nhận thêm bao ánh nhìn trìu mến, bao nụ cười thiết tha… Không thể đếm hết được những món quà mà Thiên Chúa đã trao tặng cho ta nhưng ta có ý thức được tấm lòng nhân từ yêu thương đó chưa? Sự trao tặng không mong được hồi đáp đó phải chăng đã bị ta lãng quên?

 

 

Mã số 13-019

 

TRONG LÒNG BÀN TAY

 

Trong cuộc đời mỗi người luôn có những điều bản thân mình chẳng hề mong đợi nhưng vẫn đến, vẫn xảy ra. Không mong đợi bởi theo suy nghĩ của ta kết quả nó mang lại chẳng tốt đẹp gì. Tuy nhiên nhưng thực tế đã chứng minh được rằng những việc không mong đợi chưa hẳn đã là xấu. Bởi lẽ có những điều không ngờ đến, không tính trước mới có thể có những kết quả tốt đẹp mà đến cả trong mơ ta cũng không dám mơ đến. Ba tôi và mẹ tôi đã có một “happy ending” mà đến tận bây giờ, trong những bữa cơm gia đình, ba vẫn luôn nói với chúng tôi rằng đây là điều hạnh phúc mà ba chưa bao giờ dám mơ đến.

Những ngày đầu của tuổi 20 tràn đầy sức sống và khát khao, một người thanh niên đã đem ném tất cả vào những canh bạc thâu đêm, những bữa nhậu nơi công xưởng cứ triền miên. Với dáng vẻ gầy gò, tuổi 20 dường như không hiện hữu trên khuôn mặt đó, sự u buồn nơi đôi mắt sâu, thâm quầng vì thức đêm, thêm vào đó là hàm râu quai nón rậm rạp, tất cả như nhân đôi số tuổi hiện tại của ba. Tôi vẫn giật mình khi nhìn người đàn ông trong tấm ảnh đó và nhìn ba tôi của hôm nay, dường như đó không phải là ba. Những ngày đó ba tôi đi làm ở hợp tác xã mành trúc. Việc làm cũng không mấy nặng nhọc, lại tính theo sản phẩm cho nên ba chẳng nôn nao gì và chẳng cần cố gắng mấy, cứ thư thả nhởn nhơ vừa làm vừa chơi. Phía nội tôi cũng khá giả cho nên ba cũng không lo chuyện cơm áo thường ngày hay phụ giúp gì, số tiền lương đó chỉ dành cho những cuộc giải trí khuây khỏa mà thôi. Ngoài giờ làm việc ba vẫn thường ở lại xưởng hoặc đi chơi với bạn bè chứ không thích về nhà.

Năm đó, mẹ tôi 19 tuổi. Cô gái 19 ngày đó không những gây ấn tượng với mọi người bởi mái tóc dài, đen huyền được tết rết dài tận ngưỡng chân mà con bởi sự siêng năng chăm chỉ, cần mẫn. Mẹ tôi là chị cả trong gia đình, mẹ phải nghỉ học từ lớp 5 để nhường cho các cậu và dì tôi đi học. Bằng sự tháo vát đảm đang của mình, mẹ đã cán đáng một phần công việc trong gia đình, giảm bớt gánh nặng cho ông bà ngoại. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình gương mẫu theo Đạo qua nhiều đời mà mọi người vẫn quen gọi là Đạo dòng. Cho dù không khá giả lắm nhưng trong gia đình luôn rộn ràng tiếng cười nói, ông bà tôi luôn răn dặn con cái những lẽ sống đẹp và luôn quan tâm chu đáo đến tâm tư từng người. Dù chịu nhiều thiệt thòi trong gia đình, nhưng đến bây giờ mẹ tôi luôn thấy tự hào vì điều đó. Sự hy sinh của mẹ đã không vô nghĩa khi cậu dì tôi đều được học hành và có nghề nghiệp ổn định.

Một ngày bình thường như bao ngày khác, mặt trời vẫn mọc ở phương Đông. Thế nhưng hôm đó lại là ngày khởi đầu cho tất cả đối với ba. Ngày ba gặp mẹ tôi với những ấn tượng ban đầu “fall in love”. Buổi sáng hôm đó ba bực bội khi phải dậy sớm đi nhận sản phẩm thay cho người bạn đã nhậu xỉn từ tối hôm trước. Năm giờ sáng của những ngày đông, mặt trời vẫn chưa được đánh thức, ba tôi từ khu nhà bảo vệ đi đến nhà xưởng nữ, nơi những bức mành được hoàn thiện ở công đoạn cuối cùng. Những bữa như hôm nay là ngày đúng hẹn giao sản phẩm cho nên mọi người tập trung sớm để phân loại và kiểm tra lại trước khi đem giao. Đúng ra giờ này phải tập trung đông đủ, nhưng khi ba đến chỉ mới vài ba người đứng thành một nhóm nói chuyện. Không khí lạnh của ngày đông lạnh lẽo làm trì trệ mọi việc hơn một chút. Ba tôi tiến đến nhà xưởng và hé mắt vào nhìn. Hành động này sau này ba tôi vẫn cười khi kể lại cho tôi. Ba bảo chẳng hiểu sao lúc đó ba lại nhìn vào nhà xưởng làm gì. Hình ảnh đầu tiên làm ba tôi rất ngạc nhiên. Một cô gái đang năm gối đầu trên những tấm mành, trên tay vẫn đang cầm hờ một mắt sặc, có vẻ cô gái đó đang ngủ rất say. Sau những ngạc nhiên ban đầu, ba nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào. Dưới nền nhà tấm mành vẫn còn dang dở, ba đã đoán được cô gái đó đã ở đây cả đêm để thức làm cho kịp giao sản phẩm. Ông chợt nghĩ đến việc chỉ một lát nữa nếu kiểm kê sản phẩm mà tấm rèm này chưa xong thì cô gái này sẽ bị ghi điểm trừ khi chấm công và sẽ bị trừ tiền lương. Chẳng hiểu sự thôi thúc từ đâu, ba tôi đã ngồi xuống ghép những mắt sặc còn lại vào tấm mành để hoàn thiện nó, cho đến khi chỉ còn một mắt cuối cùng, mắt sặc đó nằm trong bàn tay của cô gái. Ba tôi đã rất lưỡng lự, lấy hết can đảm ba mới có thể đưa tay lấy mắt sặc, nhưng bàn tay đó không đủ khéo léo hay là tại giây phút định mệnh mà bàn tay Chúa trời đã sắp đặt sẵn đã đến? Cô gái đó đã giật mình thức dậy, phản ứng đầu tiên trong chuỗi phản xạ của con người khi bị bất ngờ đã được ấn định đó là hốt hoảng. Trước khi kịp định thần lại, cô gái đã kịp giật lại tấm mành từ tay ba. Nhưng cũng nhờ vậy mà cô đã kịp nhận ra tấm mành dang dở đang được hoàn tất. Ba đã chìa mắt rèm cuối cùng cho cô gái và bước ra ngoài để làm công việc của mình. Không một lời giải thích, ba để lại cho cô gái đó sự tò mò cũng như lời cảm ơn chưa kịp thốt ra. Sau lần đó, ba chú ý và muốn tìm hiểu về cô gái đó. Ba tôi bảo rằng ba đã rất khó hiểu khi những người mà ba hỏi thăm đã luôn nói cho ba biết cô gái đó theo Đạo - bằng một thái độ hết sức dè chừng với ba. Thái độ đó càng thôi thúc ba mong muốn được trò chuyện trực tiếp để lý giải. Vâng, cô gái đó không phải ai khác mà chính là mẹ tôi.

Thắc mắc của ba tôi mãi chưa thể trả lời. Một lần ba tôi đã lén đi theo mẹ vào chiều thứ bảy sau khi mẹ xin về sớm để đến nhà thờ. Suốt cả buổi lễ, dù đứng phía ngoài để khỏi bị mọi người chú ý, ba vẫn chăm chú lắng nghe những lời giảng của linh mục. Thật là trùng hợp. Bai giảng hôm đó lại nói về tình yêu tha nhân, với bài Tin mừng “Anh em tha thứ cho nhau” (Lc 17,3b-4). Ba tôi rất tâm đắc khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, khi Phê-rô hỏi Người phải thứ cho anh em mấy lần nếu bị họ xúc phạm. Chúa đã trả lời: “Thầy không bảo là bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy”. Ba cảm thấy rằng sự khoan dung đó thật tốt đẹp, nếu ai cũng làm được chỉ một nửa như vậy thôi thì cuộc sống này sẽ tốt hơn nhiều. Người con gái đó chắc hẳn đã thấm nhuần những lời dạy này, cho nên luôn chan hòa, giúp đỡ mọi người. Sau buổi lễ ba cũng đi theo mẹ nhưng giữ một khoảng cách xa hơn. Vì mải miết đuổi theo những dòng suy nghĩ mà ba tôi đã vô tình đụng xe vào người đi xe đạp ngược chiều. Nhiều người tập trung lại giúp đỡ ba và người đi xe ngược chiều kia. Thật may mắn là chẳng có ai bị thương nặng. Trong số những người tốt bụng giúp đỡ đó có mẹ tôi. Cuộc gặp lần thứ hai này ngoài mong đợi của ba. Đúng hơn ba tôi chẳng muốn bị mẹ bắt gặp trong tình huống này. Thế nhưng nó lại là cơ hội cho cả ba và mẹ. Nhận ra người cùng làm ở hợp tác xã, lại từng giúp đỡ mình, mẹ tôi đã vội vàng đỡ ba dậy, hỏi han xem ba có bị thương không. Trên quãng đường về nhà, thế cục đã thay đổi, ba chẳng phải làm “cái đuôi” nữa mà trở thành người bạn chung đường về.

Ba tôi vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc nhưng ba đã dám khẳng định thái độ đó là của những người rỗi hơi không đâu đi ganh tị với người khác. Mẹ luôn chăm chỉ với công việc, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, là một người con hiếu thảo trong gia đình. Khi được biết về gia đình êm ấm của mẹ, ba tôi đã ước mong có thể có một gia đình chỉ bằng một nửa như thế thôi cũng được. Và những tình cảm cùng ước mơ đó đã là nền tảng vững chắc để ba đưa ra quyết định sẽ theo đuổi mẹ để cùng mẹ xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ngày ba mang rượu đi nói mẹ tôi, cũng là ngày ba hứa trước bàn thờ Chúa, trước tất cả mọi người hai bên gia đình, ba sẽ sửa đổi bản thân. Từ bỏ những tật xấu, từ bỏ rượu chè, cờ bạc, sẽ đi học Đạo để cưới mẹ.

Lời hứa đó đã trở thành hiện thực. Giờ đây nhìn lại, ba cảm ơn tất cả những ấn tượng ban đầu tốt đẹp về mẹ, về lí tưởng Đạo tốt đẹp của mẹ. Ba bảo trước khi gặp mẹ, mấy lần ba cũng đã cố gắng cải tạo chính bản thân nhưng vẫn thất bại. Ấy vậy mà động lực nào đã giúp ba vượt bao cám dỗ để quay trở lại, thay đổi chính mình? Ba tôi tin vì những ngày đó ba được học hỏi về Đạo, nhìn thấy hướng đi, lẽ sống mới cho cuộc đời mình mà ba mới có quyết tâm như vậy. Ba tin chính Thiên Chúa là Người đã sắp xếp tất cả, luôn dõi theo và luôn giúp đỡ khi ba yếu lòng trước khó khăn. “- Trong cuộc đời ba, có đôi lúc bình lặng tâm hồn sau bao xô bồ cuộc sống, nhìn anh em con vui cười hòa thuận lớn lên, ba luôn cảm ơn quá khứ, cảm ơn Thiên Chúa vì hạnh phúc này chính là hồng ân mà Người đã ban cho. Mọi sự đều trong tay Người sắp xếp.” Bàn tay Thiên Chúa đã sắp đặt tất cả. Bàn tay quyền năng ban hồng ân đi khắp chốn. Bàn tay đó luôn đưa ra để nắm lấy bao cánh tay vươn lên cầu cứu, cũng như luôn sắp xếp guồng quay cuộc sống thật đều đặn. Mọi việc luôn trong lòng bàn tay Người. Chúng ta phải luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Người để có thể hưởng trọn hồng phúc, bình an.

 

 

Bài 13-020

 

CHUÔNG CHIỀU

 

Ba vị đạo sĩ lên đường. Bấy giờ, ngôi sao họ đã nhìn thấy ở phương Đông lại hiện ra, dẫn lối cho họ đến tận nơi ở của Hài Nhi mới dừng lại... (trích Kinh Thánh)

 

Bà cụ ngủ rồi. Cô gái gấp sách, đặt lên bệ cửa sổ. Thoáng chút gió. Cô đóng bớt một cánh cửa. Sắp hết chiều. Nắng muộn trốn trong những cụm mây đỏ ối hắt ra lửng lơ giữa trời, trông như những dòng tơ mảnh, thoáng thấy thoáng không. Ước gì bây giờ được nghe một tiếng chuông giáo đường! Cô gái bật cười. "Mình lại bị "lây" bà cụ mất rồi". Cô quay sang dém chăn cho bà. Bà nằm trên chiếc ghế mây. Chiếc ghế có hai chân hình cánh cung thuôn dài, cong cong như kiểu bập bênh ngựa gỗ. Ghế bập bênh và ngựa gỗ. Một cách nào đó, về già chính là trở lại tuổi thơ. Chẳng thế mà gần đây bà lại bảo cô đọc Kinh Thánh cho bà nghe. Kinh Thánh, một dạng cổ tích của người Do Thái. Cô nghĩ thế. Đọc Kinh Thánh, một cách xem cổ tích kiểu người già đây mà!

– Mấy giờ rồi chị! Đã chuông chưa!

Bà cụ đột ngột tỉnh giấc.

– Hơn năm giờ bà ạ! Chuông từ lúc nãy rồi!

– Thế à?

Cô không biết bà có buồn hay không, bởi gương mặt người già, vốn đã được định hình bằng những nếp nhăn, thật khó để nhận ra chút cau mày phật ý.  Ngày cô nhận việc chăm sóc bà, chị con gái chỉ vào chiếc máy hát cũ:

– Chốc chốc thì bật cho bà nghe nhé!

Trong máy có cuộn băng thu sẵn tiếng chuông nhà thờ.

– Ngày xưa nhà tôi ở khu Công giáo. Không theo đạo nhưng mẹ tôi nghiện nghe chuông lễ. Nếu không vì làm ăn thua lỗ phải bán căn nhà ấy thì... – Chị con gái chép miệng – Cũng may, bà già rồi, mắt, tai nghễnh ngãng cả...

Nhưng chẳng mấy khi cô bật cái máy ấy. Cô không thích dối người khác. Cô luôn nghĩ cái thật bao giờ cũng hơn. Thế nên cô dành thời giờ đưa bà đến những nhà thờ quanh vùng. Chiều hiu hắt, một già một trẻ cạnh nhau. Chuông xao xác đổ, như từng cơn ký ức dội xuống lòng. Bà ứa nước mắt. Tấm màng mờ nhoè bao năm bọc lấy con ngươi bỗng như mủn ra. Bà trông rõ ràng một vùng đồi đất nâu bạc phếch, những vạt cây còi cọc cháy nắng. Gió lơ phơ đẩy những xác cầu gai xơ xướp lăn tồng tộc. Một thiếu nữ rón rén chạy. Gương mặt rất quen. Có vẻ như cô đang theo dấu người con trai đi phía trước. Chàng trai ấy vì hình dáng thanh mảnh quá nên như hoà vào trong nắng chói loa loá. Bất ngờ anh quay lại. Không trông rõ mặt, chỉ biết khoé miệng vẽ một nét cười...

Rồi chuông ngưng. Chút thanh âm rắc trong thinh không đã tan mất. Lại chẳng một chút sáng, lại mắt như đêm đen, sợi dây ký ức bị cắt dứt, bà dò dẫm trong nhớ nhớ, quên quên...

– Tối rồi! Mình về bà nhé! Cháu sẽ đọc Kinh Thánh cho bà nghe!

Cô gái với tập sách trên bệ cửa sổ, giở ra.

– Hôm qua cháu đọc đến đoạn nào nhỉ? Đây rồi! Ba vị đạo sĩ lên đường. Bấy giờ, ngôi sao họ đã nhìn thấy ở phương Đông lại hiện ra, dẫn lối cho họ đến tận nơi ở của Hài Nhi mới dừng lại... 

Một kết thúc có hậu! Các câu chuyện cổ tích bao giờ cũng kết thúc có hậu! Cuối cùng ba kẻ có lòng cũng tìm được minh Chúa của mình. Nhờ ánh sao soi đường. Còn bà, những tiếng chuông ấy có dẫn bà tìm được ký ức?

Khuya vắng. Cô gái mở cửa sổ. Trời rất trong. Sao chi chít thắp bừng cả một vùng cổ tích. Ai nấy đều ngủ. Bà cụ cũng ngủ. Không, họ đang thức đấy chứ! Họ thức trong những giấc mơ. Mỗi giấc mơ là một cuộc hành trình. Và trong hành trình của chính mình thì người ta không ngủ. Người ta thức để chờ một ánh sao dẫn đường. Mọi cuộc hành trình đều cần một ánh sao dẫn đường. Cô gái khép cửa sổ. Cô cầu mong một ánh sao dẫn đường sẽ rơi vào giấc mơ của bà cụ. Nhưng cô đâu biết bà đang tiếp tục hành trình của mình theo những nhịp chuông rung. Mỗi nhịp chuông rung là một lớp phong toả ký ức xưa cũ lại bong ra. Mỗi nhịp chuông rung là một tiếng gõ vào cánh cửa quên lãng. Cứ gõ, gõ mãi cho đến lúc trí nhớ xuất hiện. Phải rồi, bà nhớ có một miền quê nghèo; một ngôi nhà thờ lớn bằng vài ba mảnh sân nhà, vách đóng cọc tre và mái lợp lá; một vị linh mục già; một chú giúp lễ trẻ măng dáng người mảnh khảnh... và một thiếu nữ ngoại đạo thường lén theo sau chú giúp lễ mỗi lần trông thấy chú có việc đi qua làng...

Cô gái giơ tay ra phía ngoài hiên. Trời đang mưa. Chiều nay cô đưa bà đi nghe chuông thì gặp mưa. Cô xoay lưng chắn mưa cho bà. Ngọn đèn đường nhập nhoạ vài vệt sáng loang trên lưng áo cô. Còn bà cụ hoàn toàn chìm trong tối. Không có những tiếng chuông bà hoàn toàn chìm trong tối. Mơ hồ quên, nhớ. Vô định như những hạt mưa rải giữa trời...

Cô gái cúi nhìn nhìn đồng hồ trên tay. Chắc phải còn lâu mới về nhà được. Mưa chưa ngớt. Không khí hoai nồng mùi ẩm mốc. Bậc thềm trú mưa hẹp lại vì có thêm người. Một chị phụ nữ dẫn một bé gái tấp vào. Cô bé phụng phịu, rơm rớm nước mắt. Chị phụ nữ cau mày:

– Còn đứng đó hờn dỗi gì nữa! Cái tội trốn học giáo lý là lớn lắm nhé! Lát nữa về mẹ sẽ méc ba đánh đòn!

Cô bé vung tay, giậm chân.

– Nhưng giáo lý khó lắm! Con đã thức mấy đêm rồi mà vẫn không thuộc!

Cử động của cô bé làm những chiếc chuông nhỏ trang sức trên vòng tay, vòng chân phát ra tiếng leng keng. Tiếng động rất nhỏ, tiếng chuông rất nhỏ, nhưng trong một giây không gian xung quanh bất ngờ im ắng, bà cụ bỗng nghe ra một chuỗi ngân nga xao động vỗ về. Bà lại thấy người thiếu nữ ấy. Cô đang vơ vẩn ngó nghiêng dưới nền đất, thi thoảng lén xoay sang nhìn người con trai đang cắm cúi ghi chép gì đó từ trong sách ra một quyển tập.

– Em vẫn chưa thuộc bài giáo lý tuần trước à?

Chàng trai ngừng tay, ngẩng lên nhìn thiếu nữ. Cô lập tức cúi gằm mặt, ấp úng.

– Khó, khó quá! Em chẳng hiểu gì cả, làm sao mà thuộc! Tại sao Chúa Trời lại có ba ngôi? Tại sao đến ba ngôi vẫn chỉ là một Chúa? Tại sao Cha, Con và Thánh Thần lại ngang bằng nhau?

Chàng trai khẽ mỉm cười:

– Này em, ngày còn bé em có chơi rước đèn trung thu không? À, hoặc là buổi tối nhà em có thắp nến không?

Thiếu nữ không trả lời, chau mày nhìn chàng trai lom lom. Chàng trai buông bút, hướng mắt lên mỏm đồi xa, nơi cây thánh giá được dựng đơn sơ đang đứng yên trầm mặc.

– Có bao giờ em tách được ánh sáng và sức nóng ra khỏi ngọn nến không? Có bao giờ cây nến cháy mà lại không ánh sáng, không có sức nóng toả ra không? Thiên Chúa ba ngôi chính là như thế. Ba ngôi, nhưng chỉ một Chúa mà thôi!

Mỗi lần ngồi một mình trong tối, thiếu nữ lại thắp một ngọn nến. Kìa giọt sáp lung linh đang nhảy nhót giữa tim đèn hay chính là ánh mắt anh mỗi khi giảng giải Kinh Thánh. Lòng vẩn vơ những mối cảm xúc phiền phức, thiếu nữ hết giở rồi lại gấp tập sách giáo lý, không hay ngọn nến đã cháy đến giọt cuối cùng.

Bà cụ ngồi yên trong tối. Khách trú mưa hết vào lại ra. Một chiếc xe máy đang lượn là vòng vèo chợt rẽ vào hiên. Người đàn ông cầm lái lảo đảo bước xuống, moi chiếc di động đang reo ầm ĩ ra khỏi túi, bật nút, hét toáng lên:

– Gọi gì mà gọi hoài! Nghỉ lễ một bữa thì có làm sao! Đang nhậu ngon lành! Làm mất hứng không! 

Điện thoại vừa ngắt, lại ngay lập tức đổ chuông. Người đàn ông vất luôn chiếc điện thoại xuống đường, leo lên xe máy, lảo đảo chạy đi. Thật lạ, chuông lần này đổ thật lạ, sa sả cứ như là... Có lần bà cụ đã nghe một thiếu nữ nói với một chàng trai bằng giọng điệu này.

– Anh thật là...! Lễ lạy ngày nào chẳng giống ngày ấy? Hơn kém gì nhau mà quan với chẳng trọng!

Chàng trai im lặng bỏ đi. Thiếu nữ mấy lần định giơ tay với rồi lại thôi. Tuổi trẻ mà, trăm suối ngàn sông có khi cạn chỉ vì một câu nói! Được ít lâu, thiếu nữ theo gia đình đi xa. Niềm nao nức say mê học đạo nhạt dần trước ồn ào, rộn rã phố thị. Chờ khi trai trẻ qua rồi, đi gần giáp một vòng đời người, lại quay về những ước mong thơ trẻ. Muốn đọc một đoạn Kinh Thánh. Muốn nghe chuông lễ chiều chiều. Muốn thắp nến ngồi học giáo lý. Muốn về xem lễ một lần trong ngôi nhà thờ lợp mái lá trên gò đồi đất nâu.

Lại có người ghé vào trú mưa: một ông cụ và một chú bé. Ông cụ đẩy chú bé vào trong, dùng tay vuốt bớt nước sũng trên vai áo cậu. Cậu bé tháo chiếc túi vải đang đeo, dỡ những thứ bên trong ra: một quyển sách, chai dầu, chiếc chén đồng, cái chuông nhỏ... Cậu vắt ráo cái túi, lại lần lượt bỏ từng thứ một vào bên trong. Cầm chiếc chuông nhỏ, cậu hoa tay lắc lắc liên hồi. Ông cụ từ tốn.

– Đừng nghịch nữa con! Làm phiền mọi người!

Cậu bé nheo mắt.

– Mong cho mau hết mưa Cha nhỉ! Kẻo lỡ buổi tĩnh tâm tối mất!

Ông cụ gật đầu, nhè nhẹ xoa đầu cậu bé.

 Tiếng chuông, lại cả tiếng nói nữa, quen quá! Bà cụ ngoảnh lại, run rẩy.

– Ông, ông đấy phải không?

Bà nhoài người lên phía trước, những muốn nắm níu những xưa cũ vừa tìm lại. Cô gái vội đỡ lấy bà.

– Bà, bà gọi cháu ạ?

Bà cụ loay hoay.

– Ông ấy, ông ấy đâu!

Cô gái nghiêng sang ông cụ, nói khẽ.

– Mắt bà cháu bị loà! Mà dạo gần đây cụ lại có vẻ như mong ngóng ai đấy! Ông thông cảm ạ!

Ông cụ gật đầu, cúi xuống, nắm nhẹ tay bà lão.

– Vâng, là tôi đây! Là tôi đây mà!

Bà cụ hết khóc lại cười.

– Bây giờ tôi vào đạo có được không ông? Có kịp không ông?

Bà bỗng nấc lên, rồi không nói nữa. Ông cụ bảo cậu bé lấy chiếc chén đồng ra hứng nước mưa trước hiên. Ông đổ nước trên trán bà và đọc:

– Tôi rửa bà nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...

Qua mấy phút yên tĩnh, cô gái nhận ra bà cụ đã không còn thở nữa. Bà đã đi. Một hành trình mới. Một miền đất mới. Chắc chắn bà sẽ đến nơi. Cô nghĩ thế. Bà đã gặp được ánh sao dẫn đường rồi.


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả