GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014

BẢN TIN 09

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Do một vài trở ngại ngoài ý muốn, bản tin 09 mãi hôm nay mới được gửi đi. Sau bản tin này còn 40 bài dự thi, bình thường sẽ được giới thiệu trong 4 bản tin nữa. Chúng tôi hy vọng các bản tin sau sẽ phát hành nhanh hơn.

Trong bản tin này, chúng tôi xin giới thiệu 7 truyện dự thi mới của Giải Viết Văn Đường Trường 2014. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người. Xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

Nếu quý độc giả phát hiện bài dự thi nào sao chép, copy ý tưởng, hoặc chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 24-4-2014

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 14-063

VỊ CỦA BIỂN

Người ta vẫn ví cánh buồm chuyên chở bao khát khao và hi vọng, cánh buồm vượt trùng dương của đấng nam nhi, cánh buồm mang hoài bão của tuổi trẻ về tận chân trời, cánh buồm nung nấu lí tưởng cao đẹp của đời người. Thế nhưng, có khi nào chính cánh buồm ngoài khơi kia lại lấy đi ước mơ của bao trẻ thơ nơi đây?

Thức dậy từ tinh sương, Nhân lang thang trên bờ cát dài, cảm nhận vị tanh mát của biển sau một đêm. Cô thích đi thụt lùi để nhìn thấy dấu chân mình in trên mặt cát mờ dần theo từng đợt sóng. Dường như tất cả chỉ là phù vân, xuất hiện rồi mất đi trong thoáng chốc. Cô nhặt nhạnh những vỏ sò nhỏ đủ màu sắc bỏ vào túi như một bảo bối. Những con sò nhỏ bé này chắc bị sóng biển tối qua đẩy vào, nó vẫn chưa kịp trở về biển – Nhân thầm nghĩ. Thỉnh thoảng vướng vào chân cô đôi cọng rong biển, chẳng biết chúng từ phương trời nào trôi dạt vào đây. Lúc mỏi chân, Nhân ngồi xuống, dùng ngón tay viết vẽ những gì cô thích. Rồi yên lặng ngồi ngắm bình minh lên. Từng đợt sóng trắng xóa nối tiếp nhau tung vào bờ. Con sóng vào đến bờ rồi nhẹ nhàng rút về lòng biển, nhường chỗ cho những đợt sóng khác. Nhưng nhiều lúc, nó chưa kịp trở ra đã hợp cùng con sóng tiếp làm nên đợt mạnh hơn đập vào bờ. Cõi lòng Nhân nhẹ tênh, thênh thang như biển cả. Cô nhắm mắt, thả mình trên bãi cát để cảm nhận hơi nước trong làn gió đang rít rát vào khuôn mặt mình. Hình như vị của biển đang ngấm dần vào khuôn mặt cô. Cô suy nghĩ những lời nói đơn sơ của hai đứa nhỏ tối qua. Rất tự nhiên, rất đỗi bình thường, nhưng Nhân vẫn thấy một cái gì chua xót khi ngẫm lại.

Buổi tối hôm qua, sau khi nướng cá, hát hò và rượt bắt còng thỏa thích, nhóm bạn cùng các em học sinh ra về, còn Nhân cố ngồi thêm vài phút trong yên tĩnh để suy ngẫm cuối ngày. Thảo và Phương xích lại gần cô, dựa đầu mình vào bờ vai cô như một điểm tựa tinh thần.

- Cô ơi, nhanh quá! Thấm thoắt đã hơn một tháng. Cuối tuần này các thầy cô phải đi rồi. Thảo buồn rầu đáp.

Nhân im lặng chốc lát nhìn vào cõi mênh mang của biển. Thảo và Phương chuẩn bị lên lớp 7. Hai cô bé khác nhau về ngoại hình nhưng lại rất thân với nhau. Thảo mang dáng nét của một người con vùng biển: nước da rám nắng, chắc khỏe, mái tóc vàng khô vì ngấm nhiều nước mặn cùng nắng gắt. Còn Phương nhìn vẻ mong manh, yếu ớt, nước da trắng và đôi mắt to tròn. Em thấp hơn Thảo gần một cái đầu. Cả hai cùng học khá tốt, chăm chỉ và ngoan ngoãn, là những học trò cưng trong lớp Nhân chủ nhiệm.

- Ừ, hết tuần này thầy cô phải lên lại phố để học. Cô đi, hai đứa có còn nhớ cô không?

- Có chứ cô! Phương nhanh miệng đáp. Làm sao quên được những buổi học thú vị, vui vẻ. Em rất thích bài VCK mà cô tập cho bọn em ngày đầu tiên.

VCK là bài “Vì Chúa Ki-tô” mà Nhân tập cho bọn trẻ hát mỗi buổi đầu giờ, để các em ý thức việc mình học cũng là vì danh Chúa thêm sáng tươi.

- À cô ơi, cô học xong đại học có đi tu không cô? Phương hỏi tiếp.

- Cô cũng chưa xác định chắc chắn em à. Nhưng cô thích phục vụ giữa đời, làm việc bác ái Tông đồ đó em. Nhân trả lời với nụ cười trìu mến.

- Em và bạn Thảo rất thích đi tu cô à. Nhưng mà…

- Có chuyện gì hở em?

- Không biết chúng em có học hết cấp ba được không.

- Sao thế em? Ai cũng có thể học hết cấp ba mà.

- Giữa thị trấn đâu có trường hở cô. Muốn học thì phải đi qua đèo, lên trên kia mới có trường để học, Bọn em sẽ phải thuê trọ, ở xa gia đình. Không biết ba mẹ có đồng ý không nữa.

- Ừ, cô quên mất. Nhưng chắc không sao đâu em.

- Nhiều anh chị phải nghỉ học đó cô. Con trai thì đi theo ba phụ giúp đánh cá. Còn con gái cùng mẹ bán cá, phơi cá khô hoặc ở nhà làm ghẹ.

Người dân làng chài cần nhiều lao động nên các em thường phải bỏ dở. Nhưng cái quan trọng là ở đây chưa có trường cấp ba. Các em muốn học phải đi qua còn đèo Phước Tượng ngoằn ngoèo, dốc dác, cũng cách nhà mấy chục cây chứ đâu gần. Nhân khẽ thở dài:

- Các em học được, chắc là cha mẹ sẽ cho học tiếp đó. Đừng lo.

- Dạ, chúng em cũng muốn vậy. Sang năm cô lại về hè với chúng em nhé!

- Ừ, cô thích về đây lắm! Nếu nhóm tiếp tục chọn điểm đến là nơi đây. Cha xứ và bà con lại quý mến, niềm nở hết sức. Cô đi sẽ rất nhớ lúc Cha vừa đánh đàn ghita vừa hát cho chúng ta nghe, nhớ những đĩa ghẹ mà các bác xung quanh thỉnh thoảng mang tới bằng cả tình thương, nhớ nhất là mấy đứa đó, học giỏi lại dễ thương.

- Cô hứa là sẽ trở lại đó nha!

Nhân xoa đầu, cười trừ rồi ôm chúng trong vòng tay bé nhỏ của mình. Ba cái đầu chụm một cùng dõi mắt vào màn đêm xa xăm. Ngoài khơi, đèn thuyền đánh cá dàn hàng ngang khiến người ta cứ ngỡ bên kia là bờ, là dãy đèn của một con đường. Chỉ cần đi ra khoảng xa xa thôi, chúng ta sẽ tới đất liền của một quốc gia khác…

Nhân không thể làm gì để thay đổi cuộc sống hay tương lai của các em. Cô gái trẻ cũng không thể làm xuất hiện một ngôi trường giữa lòng thị trấn vùng vịnh xinh đẹp. Nhưng một điều cô có thể làm là cùng với các thầy dòng, đem niềm vui, tình yêu thương, kiến thức cho các em nhỏ nơi đây vào dịp hè sang năm.

Hít sâu và nhẹ nhàng thở, Nhân mở mắt. Mặt trời đã bắt đầu lộ rõ, đội biển khơi nhô lên. Những cánh buồm đang hướng vào bờ sau một đêm đánh bắt. Đã tới lúc rồi! Mình sẽ đến và trao yêu thương cho các em qua những buổi học cuối cùng của khóa hè…

 

 

Mã số: 14-064

CHỌN

Cuộc đời đâu phải chỉ là một con đường thẳng, nó có rất nhiều ngã rẻ nhưng liệu mình có chọn đúng con đường mà Ngài mong muốn. Chúa ơi, con phải đi hướng nào mới đúng đây? Con thật sự không biết phải chọn con đường nào? Con thật sự mệt mỏi lắm rồi. Ngài có nghe những lời con nói không? Một mình lặng lẽ bước trên bãi biển dài vô tận tôi chỉ biết dãi bày nổi niềm với Ngài. Nhiều người hỏi tôi rằng tại sao hay ra biển một mình? Tôi chỉ nhìn họ cười không trả lời. Tôi hay ra biển một mình không phải vì tôi thích biển mà là vì chính nơi này tôi mới có thể cảm nhận rằng Ngài luôn luôn ở bên tôi. Từ nhỏ, tôi được nghe một câu chuyện từ một chị giáo lí viên mà nó theo tôi suốt đến bây giờ, có một bé gái hay than vãn với Chúa rằng những lúc nó gặp khó khăn, tại sao lại không thấy Ngài ở bên cạnh, trong khi những người lớn nói rằng Ngài luôn ở bên ta mỗi lúc mỗi nơi. Ngài đã trả lời với nó rằng con hãy ra biển mà xem, khi mà con buồn con có thể tự đi thì dấu bước chân ở đằng sau của con thì đó chính là dấu chân của ta, ta không thể làm cho con hết buồn nhưng ta có thể đi cùng với con hết suốt cuộc đời. Còn khi con quá mệt mỏi, thì dấu chân đó là của ta vì lúc này ta đã cõng con trên lưng, lúc con quá mệt mỏi thì làm sao có thể tự đi được. Từ đó về sau em bé không còn than vãn gì nữa và luôn tin tưởng rằng Ngài luôn ở bên. Không chỉ có em bé đó mà tôi cùng tin tưởng điều đó. Và từ đó, mỗi khi gặp chuyện buồn hay những khó khăn tôi thường ra biển một mình để được gần Ngài và lấy thêm chút sức lực để có thể bước tiếp.

 Ngồi ở bãi biển gần hai tiếng đồng hồ nỗi buồn phần nào đã vơi đi, tôi tính đứng lên đi về thì bắt gặp một chị tầm khoảng hai mươi lăm đang ngồi khóc một mình. Tôi nhẹ nhàng tiến lại gần, đưa cho chị đó sấp giấy và ngồi xuống gần chị. Không biết phải bắt đầu từ đâu, tôi đành im lặng cho đến khi chị ngừng khóc.

- Chị đang có chuyện buồn ah? _Tôi hỏi

- Cảm ơn em vì tập khăn giấy, hôm nay là ngày đám cưới của người yêu của chị.

- Ah, em xin lỗi.

- Không sao đâu em tất cả mọi chuyện rồi sẽ ổn mà.

- Mà sao hai người chia tay vậy?

- Chị là người công giáo, còn gia đình anh ấy theo đảng nên không thể theo đạo.

- Em cũng là người công giáo nè, chuyện tình của chị buồn nhỉ, mà nếu hai người yêu nhau thật lòng thì đạo ai nấy giữ cũng được mà đâu quan trọng chuyện đó.

- Anh ấy cũng nói vậy nhưng chị không thích vậy vì chừng sau sẽ rất khổ, con sinh ra sẽ theo ai đây? Theo chị thì rất khó vì chắc ba mẹ của anh đó sẽ không chịu đâu. Nên thôi đành phải chia tay, để cả hai cảm thấy nhẹ nhõm

- Chị quen anh ấy được bao năm rồi?

- Bốn năm chứ đâu có ít gì?

- Uả mà anh ấy không biết nhà chị theo đạo ha?

- Không từ đầu chị đã nói là chị là người công giáo rồi và hỏi anh ấy có thể theo đạo được không anh ấy chắc chắn là theo được, cho đến khi chị kêu anh ấy về xin ba mẹ rồi đi đăng kí học giáo lí, thì ba me anh ấy không cho theo đạo.

- Ác sao không hỏi ngay từ đầu mới quen?

- Tại anh ấy chắc chắn theo đạo được nên chị cứ nghĩ là anh ấy đã nói rồi.

- Thôi mọi chuyện Chúa đã sắp đặt sẵn chị đừng buồn nữa nha.

- Uh cảm ơn em nha, mà em có chuyện gì buồn hay sao mà ra biển một mình thế?

- Dạ nhưng giờ thì hết rồi ah. Em hay ra biển mỗi khi có chuyện buồn. Tôi cười

- Giống chị thế, kể từ khi nghe câu một câu chuyện thời còn bé thì chị đã đã tập thói quen ra biển mỗi khi gặp chuyện gì nan giải không giải quyết được, ra đây đầu thông suốt hẳn. Sẳn tiện tiếp thêm chút sức lực.

- Đừng nói là giống câu chuyện của em nghe nha.

Thế là tôi liền kể lại câu chuyện của tôi nghe cho chị. Và hai chị em cùng phá nhau lên cười, thì ra câu chuyện của tôi cũng là câu chuyện của chị, không ngờ mọi chuyện lại trùng hợp vậy. Và thế là hai chị em cứ nói cho đến khi trời sẩm tối. Khi tôi trở về nhà thì câu nói của chị cứ làm tôi suy nghĩ mãi, tình yêu ở trần thế Ngài tạo ra là để cuộc sống này nó bớt đi nhàm chán nên nó không tồn tại vĩnh cửu, một người yêu em thật lòng cho đến mấy thì một ngày họ cũng sẻ bỏ em mà đi, để lại cho em biết bao nhiêu là nổi đau. Còn Ngài thì luôn luôn theo ta. Thế thì có đáng khi em đánh đổi tình yêu trần thế với tình yêu cúa Ngài. Tôi rất buồn cho chuyện tình của chị nhưng cũng phần nào rất hâm mộ chị. Chị đã can đảm từ bỏ tình yêu trần thế mà chọn tình yêu của Ngài. Trước mặt tôi đã gặp rất nhiều người chối bỏ tình yêu của Ngài mà chọn tình yêu trần thế, điều đó chứng tỏ rằng chị có niềm tin rất mạnh ở Ngài. Lúc đầu tôi cứ nghĩ là chỉ có mình tôi ngốc nên mới tin vào câu chuyện nhưng không phải vậy, chỉ trong thành phố nhỏ tôi còn thấy người tin vào câu chuyện này thì tôi nghĩ không chỉ có tôi và chị mà chắc chắn còn có nhiều người tin vào câu chuyện này. Kể từ sau ngày gặp mặt hai chị em cũng hay liên lạc với nhau. Mọi chuyện dường như đã được Ngài sắp đặt sẵn như muốn khẳng định rằng không cách này thì cũng là cách khác Ngài luôn muốn chia sẻ nổi buồn của tôi và chị nói riêng cũng như con cái của Ngài nói chung. Ngài luôn muốn chúng ta luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, luôn sống và thực hành đúng ý của Ngài. Tuy con đường của Ngài chỉ cho ta đi rất là chong gai, nhiều khó khăn gian khổ, nhưng luôn tin tướng rằng trên con đường đó không chỉ có mình ta bước mà còn có Ngài luôn luôn cùng song hành với ta thì hãy cố gắng bước tiếp vì cuối con đường chính là quê thật của mỗi chúng ta.

 

Mã số: 14-065

ĐỒNG HỒ MẠ VÀNG

Người hành khất già nua đều đặn ngồi trước cửa nhà thờ. Không ai biết ông ta từ đâu đến. Cũng chẳng biết ông bao nhiêu tuổi. Nhưng trông có vẻ già lắm! Cứ sau thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần, ông lại xuất hiện với chiếc nón lá cũ kỹ và bộ quần áo tả tơi bẩn thỉu, ngửa tay xin bố thí.

Bỗng có một hôm, cậu bé ngạc nhiên hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, hôm nay sao không thấy ông già đâu hả mẹ?

- Ừ mẹ cũng chẳng biết, chắc hôm nay ông đi kiếm sống nơi khác rồi đấy con ạ - bà mẹ trả lời. Thôi con cứ giữ lại số tiền con dành cho ông, tuần sau có thể ông sẽ quay lại.

Một tuần. Hai tuần. Rồi ba tuần… Cậu bé vẫn cứ đợi mà chẳng thấy bóng dáng ông lão ăn xin đâu cả.

Đúng ngày lễ Giáng Sinh, cậu bé nhận được một món quà rất dễ thương: một chiếc đồng hồ mạ vàng cùng lá thư của ông lão ăn xin mà cậu đã trông đợi bấy lâu nay.

“Cám ơn cháu nhiều lắm, cậu bé có tấm lòng nhân hậu! Cháu đã cho ông tất cả. Hai ngàn, năm ngàn mỗi tuần? Nó không hẳn là thứ ông cần. Cám ơn ánh mắt trìu mến và nụ cười trẻ thơ đã giúp ông cảm nhận được tình thương. Chút quà này là số tiền ông dành dụm suốt mấy tháng qua. Vì không đủ sức để mang quà đến cho cháu nên ông mới nhờ người mang hộ. Chúc cháu sống vui và giúp ích được nhiều cho những người bất hạnh xung quanh. Hẹn gặp nhau trên quê hương vĩnh cửu, nơi không còn đau buồn. Ông sẽ luôn nhớ tới cháu!”

Sau ngày đó, cậu bé không còn nghe tin gì về ông lão nữa. Mặc dù cậu và mẹ đã cố đi tìm hết các làng, các chợ. Cậu đã tìm được bóng hình ông lão nơi những người ăn xin mà cậu gặp trên đường đi.

Cậu bé trân trọng giữ mãi chiếc đồng hồ của ông lão và rất hãnh diện về nó. Mỗi khi có ai đến gõ cửa trước nhà, cậu luôn niềm nở tiếp đón, vì cậu tin rằng chia sẻ với người cơ bần không chỉ là thể hiện một tình thương nhưng còn là trân trọng một tấm lòng. Bài học này cậu đã khắc ghi trong tim từ thuở bé thơ với lời dạy bảo của cha mẹ và lời nhắn nhủ của cụ già đã khuất năm xưa.

 

 

Mã số: 14-066

TIẾNG LÒNG

Trời vẫn lất phất mưa, kẹp xấp vé số bên nách hắn bước vội ra đường ngay từ sáng tinh sương.

Hắn chưa bao giờ có một ngày thảnh thơi. Không đi bán vé số thì đâu có ai bố thí cho mẹ con hắn miếng cơm mỗi ngày.

Có lẽ hắn đã quen dần với tiếng chó sủa mỗi khi bước ra đường từ buổi sớm. Dân làng cũng không lấy gì làm lạ. Bởi mỗi sáng họ đều nghe tiếng chó sủa theo từng bước chân của thằng nhóc bán vé số, con bà hai mù ở trong xóm rồi.

Vé số đây! Vé số đầy! Chú mua giúp cháu tờ vé số đi! Hắn vừa đi vừa rao.

Với vóc dáng chưa đầy một thước, khuôn mặt hiền như cục đất của hắn, ai ai cũng thương tình. Tội nghiệp, hiền quá! Người mua một tờ, kẻ mua vài ba tờ. Ngày nào cũng vậy, hắn bán xong 50 tờ vé số thì trời đã đứng bóng rồi. Hắn lại lửng thửng quay về, bụng đói meo. Vừa đi vừa gặm một ổ bánh mì, trông rất tội nghiệp.

Hắn nghe rất nhiều lần, những lời bàn tán về hắn dọc theo lối đi quen thuộc từng ngày của hắn. Nhiều người bảo, “dễ thương thế mà sao lại đi

bán vé số”, người khác nói: “tội nghiệp, con nhà ai mà hiền thế”… hắn nghe, nhưng chẳng quan tâm lắm. Hắn chỉ quan tâm đến những tờ vé số bán được hằng ngày mà thôi.

Kệ người ta, hắn nghĩ như thế và lại bước đi.

Về trước cổng nhà thờ xóm nhỏ, cách nhà hắn chưa đầy một cây sô, hắn thấy có đông trẻ con tụ tập ở đó. Dừng chân lại. Hắn rón rén tới gần để xem có gì không.

Lại là sách! Hắn thờ dài… sách đâu có ăn được đâu mà người ta bu lại đông như thế nhỉ? Hắn tự hỏi. Rồi không hiểu sao, hắn lại tò mò, chen lấn và chui vào được gần chỗ trưng bày sách. Trước mắt hắn là một lô sách truyện thiếu nhi, nằm ngổn ngang trên bãi cỏ. Hắn vớ tay lấy một cuốn, hắn ngắm nghía một hồi, cặp mắt sáng hoắc của hắn bắt đầu dò dẫm theo từng trang sách.

Hắn mải mân mê cuốn sách mà quên đi đến lúc phải về kẻo mẹ đợi ở nhà. Hắn vội đặt cuốn sách lại chỗ cũ. Lúc này chỉ còn một mình hắn và người chủ nhân của kho sách kiên nhẫn đứng đợi.

Thôi cháu cầm cuốn sách đi, về nhà đọc xong, tuần sau mang trả cho cô tại điểm này nhé! Người bán sách nhẹ nhàng bảo hắn.

Mừng quá! Hắn lại cầm cuốn sách lên, kẹp bên nách, không quên nói lời cám ơn:

“Cám ơn cô, cháu về ạ!

****

Sau khi cơm nước cho mẹ xong, hắn bắt đầu lấy cuốn sách mới tậu về lúc sáng đem ra đọc. Hắn dò dẫm đọc, vừa đọc vừa đánh vần. Dường như câu chuyện trong sách làm hắn quên rằng phải đi ngủ sớm để ngày mai còn đi bán vé số nữa.

Hắn nằm thẳng người trên giường, hai chân vắt chéo nhau, một tay cầm sách đặt lên ngực, tay kia gác trên trán như một cụ già đang đăm chiêu suy nghĩ sự đời. Hắn nhắm nghiền mắt lại, chốc chốc lại mở ra, chép miệng, hít hít mấy cái rồi nâng sách lên đọc tiếp. Hắn dò dẫm đọc, không biết hắn có hiểu câu chuyện trong sách không nữa. Nhưng nhìn bộ dạng của hắn thì có lẽ hắn rất thấm thía câu chuyện trong sách. Mà cũng lạ thật, từ nhỏ tới lớn hắn có đi học đâu mà biết đọc.

Trời càng lúc càng về khuya, hắn nghe rất rõ âm thanh của màn đêm. Gió vẫn cứ rít rít bên khung cửa sổ nhà hắn, tiếng lách cách của những tờ lá chuối càng lúc càng rõ hơn. Hắn vẫn nằm mân mê cuốn sách.

Hắn lại trở mình, đưa tay lên thành giường để tắt đèn. Hắn lăn qua lăn lại hoài mà không thể ngủ được. Hắn cũng không hiều vì sao lại khó ngủ đến thế.

Tiếng rít rít của gió và lách cách của tàu lá chuối khiến hắn không thể nào ngủ được. Lại thò tay lên đầu giường bật đèn đọc sách. Chợt hắn thấy hơi lành lạnh trong người khi nghe tiếng mèo tru trếu rượt đuổi nhau. Hắn bắt đầu run run vì tiếng kêu rợn người giữa đêm khuya vắng vẻ như thế. Hắn lại tắt đèn, quấn kín chăn lên người, trùm luôn cả đầu, cố ý để ru giấc ngủ khỏi sự quấy rối của những tiếng động. Hắn lại trở mình, tiếng động vẫn chui qua tấm chăn đắp kín đầu của hắn. Hắn quyết định cuốn mình nằm co ro trong chăn.

Trời bắt đầu chuyển dần sang ngày mới mà hắn vẫn cứ ngủ. Bịt kín chăn, nằm co ro trên giường. Hôm nay là ngày hắn thảnh thơi nhất, vì mặt trời đã ngoi lên khỏi ngọn dừa mà hắn vẫn miên man trong giấc ngủ. Hắn đang mơ một giấc mơ tuyệt đẹp như câu chuyên hắn mân mê suốt đêm qua. Hắn không bao giờ biết rằng trên thực tế, hắn vẫn là một đứa trẻ thất học, bán vé số để kiếm tiền nuôi mẹ. Giấc mơ chỉ là ảo tưởng. Rồi hắn cũng sẽ sớm nhận ra rằng, để kiếm sống qua ngày, hắn lại phải lầm lũi bước đi trước khi mặt trời mọc với xấp vé số trên tay. Học đường không có cửa cho hắn ngay từ khi hắn chào đời rồi. Có còn gì đâu mà mơ với mộng.

Hắn khẽ lăn người, thò đầu ra khỏi chăn, hai tay dụi dụi vào mắt mấy cái cho tỉnh ngũ. Hắn ngồi thừ trên giường, nhìn nét mặt buồn buồn của hắn mà thấy tội nghiệp. Hắn là người biết rõ hơn ai hết vì sao hắn buồn. Hắn biết ngày hôm nay hắn sẽ không có cái gì để nhét vào bụng rồi. Buồn hơn nữa là mẹ hắn sức khỏe càng ngày càng yếu. Mẹ sẽ ra sao nếu hắn không tìm được chút gì đó để cho mẹ no lòng. Tội nghiệp hắn quá!

 

 

Mã số: 14-068

NHỮNG MÙA GIÁNG SINH KỲ DIỆU

Sau thánh lễ đêm Giáng Sinh, Quân tản bộ trong khuôn viên của Tu viện. Dừng lại trước hang đá mà anh em Quân đã cùng nhau làm, Quân nghiêng mình nhìn ngắm tượng Chúa Hài Đồng và suy nghĩ về những điều kỳ diệu Chúa đã làm trên cuộc đời Quân. Chúa đã cho Quân gặp Hùng, người bạn cùng phòng trọ và giờ cũng là anh em trong gia đình ứng sinh với Quân và cuộc đời cậu đã bước sang một trang hoàn toàn mới.

Ngày làm giấy tờ nhập học, Quân đã gặp Hùng, một chàng trai đậm chất miền Trung cả về giọng nói lẫn tính cách. Đôi bạn tỏ ra rất hợp tính nhau nên đã mướn phòng trọ ở chung, nhưng chỉ có một điều khác: Hùng là một tín hữu Công Giáo còn Quân thì không. Tuy vậy, Quân vẫn đồng ý để Hùng tự do tín ngưỡng nơi phòng trọ và không bao giờ lên tiếng mỉa mai về đạo. Hai đứa gắn bó với nhau trong những buổi lên lớp, trong những bữa cơm chỉ toàn là rau luộc, trong những trận bóng đá Ngoại Hạng Anh hấp dẫn để rồi sáng hôm sau phải chạy vội chạy vàng đến lớp vì ngủ quên…

Giáng Sinh đầu tiên ở Sài Gòn, Hùng rủ Quân cùng đi dự lễ. Quân ngập ngừng một lúc rồi cũng đồng ý chỉ vì không muốn làm bạn mất hứng và cũng vì tò mò nữa. Quân không hiểu sao nhiều người đạo Công Giáo lại tin vào những điều vô lý như vậy. Và cả Hùng nữa, anh bạn thông minh vậy chỉ nên tin vào khoa học như Quân thôi. Ngồi cạnh Hùng, Quân rất nghiêm trang và chăm chú nghe đọc Kinh Thánh cùng với bài giảng của linh mục làm cho nhiều người lầm tưởng cậu là một thầy tu. Lúc đầu vì tò mò nên Quân nghe, nhưng rồi những câu Kinh Thánh, những lời giảng của linh mục và cả những bài Thánh Ca đã xoáy sâu vào lòng Quân. Những tưởng chỉ có những người nhẹ dạ nên mới dễ bị lừa, nhưng giờ Quân cũng như đang chìm vào cơn mê ấy. Chính đêm Giáng Sinh hôm đó, Chúa đã tìm đến gõ cửa lòng Quân và mời gọi cậu mở cửa đón Ngài. Quân bắt đầu có những suy tư về bản thân mình và đôi khi còn hỏi Hùng về Chúa Giêsu, về đạo Công Giáo. Hùng tỏ ra rất hứng thú về sự thay đổi này nơi con người Quân. Một buổi chiều muộn, trên đường đi học về, Quân ngập ngừng:

- Hùng, tớ…muốn…theo đạo. Cậu giúp tớ được chứ?

- Được, tất nhiên là được rồi. - Hùng vỗ vai Quân, vui vẻ đáp.

Ngay ngày hôm sau, Hùng dẫn Quân đến gặp cha Hiền, phụ trách nhóm Sinh viên Công Giáo của trường và cha đã đồng ý dạy Giáo lý cho Quân. Thế là mỗi tối thứ 7 và Chúa Nhật hằng tuần, Quân đều đến học với cha Hiền. Quân cũng trình bày với ba mẹ và mặc dù không thích, họ vẫn tôn trọng tự do của Quân. Mấy ngày trước lễ Giáng Sinh năm thứ hai đại học, Quân được Rửa tội. Sau thánh lễ, Quân bắt tay Hùng:

- Cảm ơn cậu rất nhiều, nếu không gặp cậu thì mãi mãi mình vẫn không được biết Chúa.

- Mình đâu có công gì, chính Chúa đã tự tìm đến cậu đấy chứ.

- Nhưng dù sao thì cậu cũng là cầu nối mà. Mình thật may mắn hơn biết bao người Hùng ạ, chí ít là với những người trong gia đình của mình.

 Ngoài phố, xe cộ tấp nập, người người vui chơi Giáng Sinh nhưng có nhiều người rồi cũng như Quân mấy năm về trước thôi, chẳng hiểu gì về ý nghĩa thực sự của đêm Giáng Sinh. Quân thầm nguyện cầu cho những người thân của mình và cả những người chưa được ơn nhận biết Chúa, hy vọng một ngày nào đó, Chúa cũng sẽ đến tìm họ. Rồi Quân cũng tham gia nhóm Sinh viên Công Giáo và hoạt động rất tích cực. Được sự giúp đỡ của cha Hiền và các thầy dòng Tên, nhóm được sinh hoạt, tĩnh tâm hàng tháng và đi tông đồ đến các bệnh viện, trại phong hay những vùng sâu vùng xa của Tổ quốc. Sau những hoạt động ấy, có một động lực nào đó cứ luôn thôi thúc Quân. Nhưng lúc đó, Quân vẫn chưa hiểu bởi lẽ cậu mới theo đạo. Quân tìm đến cha Hiền để giãi bày tâm sự. Là một linh mục giàu kinh nghiệm trong việc hướng dẫn ơn gọi, cha biết rõ ý Chúa đang mời gọi Quân bước vào đời sống dâng hiến. Cha cũng tận tình giải đáp cho Quân và khuyên cậu suy nghĩ và cầu nguyện thêm. Thật bất ngờ khi Hùng cũng có cùng tâm tình như Quân và hai người đã xin vào tìm hiểu dòng Tên.

Nhưng đường đời đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ theo ý muốn của con người. Sự chọn lựa của Quân ngay từ đầu đã gặp gian nan, sóng gió. Cả gia đình và họ hàng Quân kịch liệt phản đối chuyện cậu đi tu. Ba Quân còn tìm đến tận phòng trọ quát thẳng vào mặt Hùng:

- Mày dụ nó phải không? Bọn mày tính "được đằng chân lên đằng đầu" hả?

- Không phải đâu ba, đó là ý của con mà. - Quân thanh minh.

- Cái thằng bất hiếu. Tao cho mày ăn học bao năm mà giờ mày đòi bỏ hết sao? Mày trả ơn tao thế à? Không tu tiếc gì hết, mày đừng có mà bị mấy đứa nó lừa.

Rồi ông dịu giọng:

- Con nghĩ lại đi, sao con dại thế? Định ở vậy để làm không công cho người ta cả đời hay sao? Rồi còn ba mẹ nữa, con không thương ba mẹ à?

- Con…con…

Quân đã hơi xao xuyến. Thực sự Quân rất yêu mến ơn gọi mà cậu mới được thắp lên, nhưng còn ba mẹ thì sao? Quân đã nợ ba mẹ quá nhiều rồi. Cậu ngập ngừng:

- Để con suy nghĩ đã.

Ba đi rồi, lòng Quân rối bời. Chứng kiến từ đầu, Hùng hiểu rõ tâm trạng của Quân nhưng Hùng có thể làm được gì bây giờ. Người đời có cái nhìn hoàn toàn khác với người môn đệ Chúa Ki-tô, con đường Chúa đi là con đường ngược với thế gian. Nhưng bây giờ quyết định là ở Quân. Quân đang bị giằng co giữa một lý tưởng sống cao đẹp với sự quyến luyến của tình cảm gia đình. Nhiều đêm, Hùng thấy Quân cứ trằn trọc mãi. Nhưng rồi, Tình Yêu Chúa đã chiến thắng. Quân chấp nhận bước vào con đường mà thế gian cho là điên dại. Quân và Hùng đã gia nhập Ứng sinh dòng Tên vào mùa Giáng Sinh năm thứ ba đại học.

Và đêm nay, khi ngồi trước hang đá nhỏ này, Quân lại nhớ về một năm qua trong nhà Ứng sinh. Quân đã trưởng thành hơn rất nhiều trong mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Nhưng đó cũng là một năm đầy thử thách với một ứng sinh còn non nớt như Quân. Không một cú điện thoại, không một lời hỏi thăm từ gia đình và họ hàng. Quân cũng đã chủ động gọi về nhà nhiều lần nhưng hễ nghe giọng Quân là đầu giây bên kia lại tắt máy. Quân có cảm tưởng như mình đã bị loại hoàn toàn ra khỏi tổ ấm yêu thương đã một thời gắn bó. Có tiếng bước chân gấp gáp, Quân quay lại. Hùng bước tới, thở dốc:

- Hùng…tìm Quân…mệt muốn chết. Quân có điện thoại, tới phòng máy nghe đi.

- Chắc lại là thằng Nam gọi đến hỏi về bài vở ấy mà.

Dù nói vậy nhưng trong lòng Quân vẫn muốn người gọi là người bấy lâu Quân vẫn chờ. Tiếng điện thoại reo, Quân nhấc máy:

- Dạ alô, Quân xin nghe!

Đầu dây bên kia vẫn im lặng.

- Dạ alô!

- Ba đây con trai.

- Dạ ba…con chào ba! Ba mẹ…có khỏe không ạ? - Quân hỏi, giọng run run.

- Ba mẹ đều khỏe. Còn con, con vẫn ổn chứ?

- Vâng thưa ba, con sống rất tốt. Nhưng con nhớ, rất nhớ ba mẹ và các em.

- Mai là Noel phải không? Con dẫn thằng Hùng ghé chơi nha. Thôi, ba cúp máy đây, ngày mai về rồi nói chuyện. Cho ba gửi lời chúc tới mấy người trong nhà nha.

- Dạ vâng, con cảm ơn ba. Con chào ba!

Quân gác máy, lòng trào dâng một nỗi xúc động, hai hàng nước mắt chảy xuống gò má. Quân khóc vì hạnh phúc, vui sướng. Dù ba chỉ nói với Quân một ít câu thôi nhưng chẳng sao, như thế là Quân vui lắm rồi. Đã một năm rồi, Quân luôn chờ đợi trong hi vọng rằng một ngày nào đó ba mẹ sẽ hiểu cho nỗi lòng của cậu. Đêm nay, Hài Nhi Giêsu đã ôm hết cái lạnh để Quân có được một đêm Giáng Sinh thật ấm áp. Ngày mai, Quân sẽ kể cho ba mẹ nghe thật nhiều về Giêsu, người mà Quân đang bước theo; về cộng đoàn mà Quân đang sống với những anh em từ khắp mọi miền đất nước nhưng đều cùng chung một chí hướng. Với Quân, Giáng Sinh luôn mang đến điều kì diệu, lạ lùng. Biết đâu, mùa Giáng Sinh tới, điều kì diệu ấy sẽ đến với gia đình Quân, hy vọng là thế.

 

Mã số: 14-069

GIẤC MƠ CÓ CHÚA Ở CÙNG

Ba Nó sinh ra trong một gia đình lương dân, thậm chí ông bà nội rất mê tín. ba sinh thiếu tháng nên ai cũng nghĩ là ba sẽ chết. Ông bà nội nghèo và chẳng còn hy vọng cứu sống cậu con trai duy nhất. Trong hoàn cảnh ấy, có một vợ chồng nhà kia biết tin và tìm đến xin ba về nuôi vì ông bà hiếm hoi. Đó là lý do Nó có hai nguồn gốc, hai dòng máu, hai ông nội và hai bà nội.

Bà nội nuôi của Nó là một phụ nữ đạo đức. Sự hiếm hoi của bà giống như những người phụ nữ trong Kinh Thánh mà Nó biết, như bà Sa-ra (St 16, 1), hay bà An-na (1Sm 11)… Nó nghĩ bà nội cũng đã khấn xin Chúa nhưng cách Chúa làm thì chẳng giống ai và chẳng ai thấu được. Chúa muốn bà cưu mang một sinh linh “người ngoại” đang thoi thóp giống như vị công chúa người Ai Cập đã cứu vớt Mô-sê từ dưới dòng sông Nin (Xh 2, 6-10).

Vậy là ba được mang về và rửa tội tại xóm Đô và bắt đầu ơn gọi Kitô hữu.

Mẹ Nó sinh ra trong một gia đình đạo dòng, nhà có 6 người con, mẹ là thứ 5. Khi lên 8 bà ngoại mất, 15 tuổi ông cũng ra đi. Bác cả thay ông bà lo cho các dì và cậu.

Rồi một ngày kia, vào đầu những năm của thập niên 70, trong ý định của Chúa, một cuộc hôn nhân hơi “khập khiễng” được diễn ra. “Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”, lời ấy đã vang lên trong ngày lễ cưới của ba mẹ Nó. Nó nghe mẹ kể đó là một lễ cưới hết sức giản đơn: Không nến, không hoa cũng chẳng áo váy, chỉ có tiếng chuông nhà thờ rời rạc không át nổi những tiếng máy bay gầm rú dưới vòm trời.

Lúc ấy, ba hơn mẹ 10 tuổi, mẹ về nhà chồng với hồi môn của các bác là một chiếc nhẫn và vài bộ đồ cũ. Còn món quà lớn nhất mà vì yêu mến nên mẹ đã nhận đó là 4 đứa con chồng đang nheo nhóc vì mất mẹ. Dì Nguyệt- người phụ nữ đầu tiên trong cuộc đời ba, cũng là người bạn thân của mẹ, dì đã ra đi khi chị cả 9 tuổi và chị út mới 9 tháng.

Hồi đó, các bác bên ngoại ai cũng cản vì sợ mẹ phải chịu thiệt thòi. Bởi người đời thường nói rằng:

“Đói lòng ăn nắm lá sung

Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”

Mẹ biết tất cả những khó khăn ấy nhưng mẹ vẫn tự nguyện chấp nhận thay dì Nguyệt gánh vác giang sơn nhà chồng.

Nó thấy cuộc đời mẹ gắn liền với hai chữ “chịu đựng”. Bản chất của hai từ ấy sẽ dễ khiến người ta hiểu rằng trong đó tồn tại sự bất công. Nhưng Nó không nghĩ vậy, mẹ đã “chịu” chấp nhận vì yêu ba, vì giữ lời hứa với bạn và vì thương những đứa con nheo nhóc mồi côi mẹ quá sớm. Mẹ “đựng” tất cả trong trái tim bao dung thuần chất của một người phụ nữ Việt.

Ba năm sau, mẹ lần lượt sinh 5 chị em nó. Xóm Đô, thị trấn Úc Sơn những năm cuối thập niên 80 hoang sơ nhưng thanh bình và yên ả lạ thường. Chế độ tem phiếu vừa kết thúc năm 1986, bao trùm xã hội là một nền kinh tế khó khăn. Người người, nhà nhà đều ra sức, khẩn trương lao động để mong thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Gia đình Nó cũng không ngoại lệ trong số ấy.

Đồng lương ít ỏi của ba và công việc đồng áng của mẹ không đủ trang trải cho cả nhà. Xong ngày mùa, dư chút thời gian rảnh là mẹ lại tranh thủ buôn chợ này, chạy chợ khác để có thêm chút thu nhập. Mẹ không bao giờ phân biệt “con chồng” hay “con mình”. Mỗi năm vào ngày giỗ của dì, Mẹ vẫn lo làm cơm sum họp để các con cầu nguyện cho dì.

Ngày Nó vào lớp 1, mẹ đã sắm cho nó một bộ quần áo mới, một cuốn tập tô và cây bút chì cùng cái túi cước, loại túi thịnh hành của lũ trẻ con lúc bấy giờ. Được đi học, Nó sung sướng như một ngày trọng đại nhất cuộc đời. Sự thiếu thốn của giấy bút không làm Nó chán ngán với những con chữ. Mảnh sân con đầy nắng chính là cái bảng, là cuốn tập lớn nhất mà nó từng có. Nó lượm những viên ngói vụn làm phấn rồi thỏa thích vẽ lên đó đủ thứ. Khi là bảng chữ cái nguệch ngoạc, lúc thì là những hình tròn méo mó và cả những con số ngược. Một lần không chọn được một góc sân nào trống và nhẵn hơn để thể hiện tác phẩm của mình. Thế là con bé ngây thơ cầm cục than đen chạy lại phía bức tường trắng mới quét vôi và vẽ lên đó những gì Nó muốn. Nó đâu lường trước được hậu quả nếu bức tranh “vĩ đại” đó bị phát hiện. Và chính những cái “phết” rát mông của anh hai khiến nó chừa cái thói vẽ lên tường.

Ngày Nó xưng tội, rước lễ lần đầu là một kỉ niệm khó phai. Dù đã học thuộc lòng bản mẫu xưng tội và được bà quản Chi căn dặn rất kỹ nhưng khi bước lên tòa giải tội, nó run rẩy như thể đến trước tòa phán xét, đến nỗi nó xưng cả cái tội không có “tội bỏ kinh ngày Chúa Nhật một tháng 10 lần”.

Nó chỉ cảm thấy bớt sợ hơn, khi vị linh mục già có đôi mắt hiền như ông tiên đặt tay trên đầu Nó, rồi Nó hé miệng để Ngài đặt chiếc Bánh Trắng nhỏ nơi đầu lưỡi. Nó vui sướng vì được rước Chúa.

Quãng đời tươi đẹp nhất của Nó là thời niên thiếu. Nó bắt đầu có những người bạn thân và những kỷ niệm tuổi thơ. Nó hãnh diện vì nằm trong đội dâng hạt của xóm. Dâng Hạt là một hình thức tưởng nhớ đến Mẹ Maria trong cuộc Thương Khó của Chúa Con. Những đứa trẻ mặc áo dài trắng, chắp tay, xếp hai hàng đứng trước bàn thờ, giáo dân ở dưới hát lên lời kinh truyền thống. Khi đến chữ “Mẹ” tất cả cúi đầu cung kính, đến chữ “Con Người” hay chữ “Chúa” thì tất cả quỳ xuống đều tăm tắp.

Những lời kinh đó vang trong tim nó cho dù bây giờ người ta không còn giữ truyền thống Dâng Hạt như xưa.

“Maria mẹ thảm sầu

Tâm hồn từ mẫu cao sâu tuyệt vời

Hai hàng nước mắt tuôn rơi

Đứng bên thập giá con người hiến thân

Lòng người đau đớn vô ngần

Tựa như gươm sắc bạo tàn đâm thâu…”

Sau Mùa Chay, Nó mong mỏi chờ đến tháng 5 để được Dâng Hoa Đức Mẹ và đó cũng là kỳ nghỉ hè. Nó không phải lo lắng đến sách vở, bài học… Để có thể thỏa thích rong chơi trên những cánh đồng với lũ bạn chăn trâu, với diều, với gió, với những chú cào cào… Nó thích nhất là được leo lên những sườn đồi tím ngát hoa sim, hoa mua và bẻ những cành đẹp nhất để dâng Mẹ. Về sau nó mới phát hiện ra vì sao nó yêu màu tím đến thế. Có lẽ cũng bắt nguồn từ cái thủa ấy.

Có một bài thơ của Giang Nam mà Nó thuộc nằm lòng vì từng câu, từng chữ thật giống tuổi thơ của Nó quá!

“Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Ai bảo chăn trâu là khổ?

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc…”

Những trò chơi dân gian đã ăn sâu vào ký ức của Nó. Thời nay chúng chẳng còn thấy dấu vết hay chút âm hưởng nào ngay tại trên chính làng quê đang dần bị đô thị hóa của Nó.

Trẻ con bây giờ chẳng còn biết đến cái thú vị khi tụm đầu chơi ô quan, chơi chuyền bằng những chiếc que được vót nhẵn bóng hay cả những bài đồng dao dí dỏm: Như thả đải ba ba, rồng rắn lên mây.

“Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến của nhà trời

Lạy cậu, lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ngồi xệp xuống đây”

Có lần khi chơi thả đỉa ba ba, Nó bị thằng bạn túm áo làm xoạc mất cả một ống tay, thế là con bé ngồi khóc hu hu ăn vạ làm hắn sợ tím mặt.

“Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo tiền như nước

Dổ mắm đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà ấy phải chịu”

Nó nghĩ, sẽ chẳng có gì mua được những thứ niềm vui vô tư, vô lo của một thời như thế.

Năm lớp 7, Nó được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Đó là một Thánh Lễ trang trọng và đông người nhất mà nó từng thấy khi ấy. Chính Chúa Giêsu đã đặt Ấn Tín Chúa Thánh Thần trên trán để Nó “ngày càng thêm vững mạnh, thêm khôn ngoan trước mặt Chúa và người ta. ” (Lc 2, 52).

Những năm đó, môn học Nó say mê hơn cả là môn địa lí. Ba mẹ mừng rỡ khi Nó mang về giải nhất cấp tỉnh môn học ấy. Nhưng điều làm Nó vui thích không chỉ là những tấm bằng khen mà là những điều Nó hiểu biết được từ môn học thú vị ấy. Nó đặt câu hỏi: Tại sao các hành tinh lại chuyển động rất trật tự như thế? Trái đất tự quay quanh trục của nó mất 24 giờ, mặt trăng lại quay quanh trái đất, trái đất lại quay quanh mặt trời mất 365 ngày tương đương với 1 năm, rồi các mùa được sinh ra theo con vần của vũ trụ cứ đều đặn như đã có một lịch trình…

Mặc dù đã được đọc sách và nghe cô giảng nhưng nó cũng không cảm thấy thỏa đáng vì Niềm Tin nhỏ bé trong nó dường như mạnh hơn Khoa học. Nó lẩm bẩm: Chỉ có Thiên Chúa là Người tạo dựng lên vũ trụ này, chính Người điều khiển chúng. Nó yêu các loài hoa dại và những triền đồi xanh mướt cây cỏ. Nó thấy vẻ đẹp của chúng là một lời tuyên xưng rõ ràng nhất.

Ngược lại với môn địa lý thì Nó rất ghét môn sinh học. Bởi khi học về lịch sử tiến hóa của con người, cô và các bạn thường hay mỉa mai các giáo lý và cách giải thích của đạo công giáo. Những lúc ấy, Nó đã quá sợ sệt và nhút nhát không dám ý kiến gì trước những lời lập luận của họ. Mà giả như Nó có đủ can đảm đứng lên thì Nó cũng chẳng thể nói cho họ hiểu được. Bởi kiến thức giáo lý của Nó còn quá non nớt, vả lại Ơn Đức Tin là một món quà vô giá không phải ai Chúa cũng ban phát. Nó chắc mẩm điều đó trong lòng như để tự biện hộ cho mình.

Ở nhà, mẹ vẫn luôn thúc giục ba và anh em nó đọc kinh sáng, tối. Có những buổi vì cả ngày rong chơi mỏi cẳng nên khi đọc kinh Nó ngủ gật liên tục. Thi thoảng Nó lại bị mẹ cốc đầu. Mẹ bắt Nó đọc kinh bà thánh Anna trước khi ngủ và xin bà giữ gìn bảo vệ luôn. Để bây giờ, thói quen ấy gắn bó với Nó ngay cả khi không có mẹ ở bên.

Năm cuối phổ thông, mẹ nó ốm nặng, các anh chị, người thì lấy chồng xa, người thì đi làm… Nó cùng Ba lo việc đồng áng thay mẹ, Nó vừa phải đạp xe 13 cây số đến trường, tan học lại vô bệnh viện chăm mẹ. Có lúc, Nó khóc nấc lên vì quá mệt. Nó ước lúc ấy có Chúa giúp nó một tay thì đỡ tủi thân hơn biết bao. Và rồi cũng chẳng hiểu nổi sức mạnh nào khiến nó vượt qua? Khi nó đậu tốt nghiệp cũng chính là ngày mẹ ra viện. Nó vui mừng khôn tả.

Mười hai năm học, giấc mơ đại học không thành. Nước mắt Nó lại lăn dài trên trang nhật ký. Nhưng Nó không bỏ cuộc vì nó biết bỏ cuộc dù trong suy nghĩ thôi cũng là một thất bại rồi. Nó ôn và thi lại.

Có lần mẹ nói: Mẹ muốn con đi tu, nếu có đậu đại học không biết mẹ có còn sống mà lo cho con được không? Thì ra lúc ấy mẹ đã linh tính trước về sức khỏe của mình.

Ngày nó bước chân vào giảng đường là một ngày không có mẹ ở bên. Nó trách Chúa thật nhiều vì đã không để mẹ ở lại cạnh nó cho đến ngày hạnh phúc ấy.

Nước mắt bắt đầu trở thành một phần cuộc sống của Nó nơi đô thành. Cái “vỏ ốc” nó trốn là “vỏ ốc” của cô đơn và tủi thân vô đáy. Càng đi sâu nó càng thấy chặt chội và khó thở.

Thi thoảng ngồi trước Chúa trong ngôi thánh đường thanh vắng, Lời mẹ lại vẳng lên trong thâm tâm nó. Nhưng rồi cuộc sống lại xô Nó đi…

Với chiếc xe đạp cũ, Nó lang thang khắp các trường đại học để phát tờ rơi cho một trung tâm anh ngữ, khi thì nhận ủi vải giúp một của hiệu may trên phố Láng. Rồi có những sớm mùa đông khi hai đứa bạn co tròn trong chiếc chăn ấm thì Nó phải đi giúp việc cho quán bún riêu gần nhà, rồi bưng bê, bán hoa, đan khăn thuê… Có những ngày hè nóng nực, Nó nằm co tròn trên chiếc chiếu cói mà mồ hôi in hằn vết người, mấy cuốn sách vứt lung tung, máy tính còn đang đánh dở bào báo cáo thực tập, nhạc không lời rân rỉ nho nhỏ, quạt máy quay ò ò, điện thoại nằm lăn lóc ngủ theo Nó, tô mỳ tôm ăn chưa kịp rửa… Nó đang dồn sức cho bài vở và kỳ thi cuối.

Giảng đường là nơi nó lĩnh hội được nhiều kiến thức thực tế nhưng đó không bao giờ là nơi tinh tuyền nhất. Nó vẫn thấy được những tiêu cực thường như cơm bữa của cả thầy lẫn trò. Những kẻ chẳng nhọc công bao nhiêu vẫn cõng trên lưng những con điểm thật to. Còn những “con mọt sách” nghèo thì chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận sự thật. Báo cáo của nó, không tiền, không quà chỉ dừng lại ở điểm 8, không đủ cho một tấm bằng giỏi như mục tiêu của Nó đặt ra.

Hà Nội rất đẹp và Nó cũng rất yêu mảnh đất ấy nhưng dường như nó quá bon chen và ngột ngạt. Có nhiều lần đi trên phố đông người, Nó thấy dưới chân cầu, nơi xó chợ còn có rất nhiều những số phận hẩm hiu đang co ro trong chiều mưa nặng hạt. Trước cổng trường thân quen vẫn còn biết bao mầu áo nâu bạc phếch vất vả, dãi dầu với những ghánh hàng rong. Nghịch lại với những cảnh ấy là những cảnh giàu sang, sống phung phí, buông thả của những cô cậu học trò con nhà đại gia.

Nó bỗng thấy: Hà Nội đủ rộng lớn để người ta lạc mất nhau và lại tìm thấy nhau trong cuộc đời. Nó cũng đủ khắc nghiệt để cướp đi những giấc mơ cao đẹp thời tuổi trẻ của một ai đó. Nhưng Hà Nội cũng đủ bao dung để ban thêm cho nó một điều thật quý giá, để biết trân trọng cuộc đời này hơn. Nó ngộ ra rằng: Cuộc sống khó khăn giúp nó thêm mạnh mẽ vì phải đối mặt và tìm cách vượt qua và Nó luôn tin một điều rằng: Chúa không để nó bị thử thách quá sức, nhưng khi bị thử thách Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để nó có sức chịu đựng. (1Cr 10, 13).

Quá khứ của Nó chẳng có hình hài, tuổi thơ của Nó không có gương mặt, mọi biến cố cũng chẳng có tính cách, mấy năm sinh viên cũng trôi vèo trong chớp mắt. Tất cả như một giấc mơ. Nó không tự hào đó là một giấc mơ đẹp nhưng Nó tự hào vì giấc mơ ấy có Chúa ở cùng. Lời mẹ khi xưa lại vang lên trong tim nhỏ. Nó thổn thức khi đứng trước ngã ba cuộc đời. Từ lâu, Nó cứ chờ đợi một câu trả lời từ chính thâm tâm. Từ trời cao, Nó cũng mong nhận được một lời khuyên của mẹ cho quyết định của Nó, quyết định khi chọn cho mình ngã rẽ có dòng chỉ dẫn: “God’s way”…

 

Mã số: 14-071

NHỮNG CÁNH THƯ GỬI ĐI NƯỚC TRỜI

Sài Gòn chiều nay se lạnh, cái lạnh man mác giống hệt tiết trời đầu đông quê chị. Nó làm chị nhớ quê nhà và nhớ những em nhỏ của chị lạ lùng!

Hôm chị Thu về Bắc, chị định gửi cho các em mấy khóm hoa violet mà không kịp. Chị Thu về, cu Bin cũng về, vậy là chị chẳng còn người thân nào dưới vòm trời này nữa. Cũng chẳng còn chỗ để về thăm trong những ngày nghỉ vội. Quay qua, quay lại mà đã 3 Mùa Chay chị xa quê, xa lũ nhỏ rồi.

Ngày chị đi giàn nho xanh um màu lá. Các em không nhìn chị, cũng chẳng ngỏ một lời từ biệt. Chị cũng lặng thinh, bỏ lại tất cả để theo đuổi một lý tưởng mà người ta cho rằng là quá mơ hồ và liều lĩnh. Chị đi vội, chưa kịp thực hiện lời hứa là trồng cho các em mấy khóm violet - loài hoa tím nhỏ mà các em rất thích. Bây giờ nhìn những đóa violet bên lan can nhà ai, chị lại thấy mình thật là thiếu sót.

Cuộc sống của chị bây giờ là những giờ kinh, giờ lễ, những công việc bổn phận nho nhỏ và những tiếng cười bên những đứa nhỏ dễ thương. Công việc của chị là coi sóc những đứa trẻ mồ côi và tàn tật tại trung tâm Bừng Sáng. Mặc dù đôi khi cũng bộn bề công việc, học hành, cả những suy tính và lo lắng cho tương lai nhưng ở chốn này chị thật sự tìm thấy bình an. Có lẽ vì có Chúa và bóng hình ngây thơ của lũ trẻ luôn bên chị. Chị yêu chúng và yêu luôn cả những tiếng cười khanh khách, trong veo không chút gợn mây của chúng.

Chị ngồi bên ô cửa, đặt bút hí hoáy viết thư cho các em của chị ở quê nhà. Một thói quen chị hay làm mỗi dịp rảnh. Một chị bạn đi ngang qua vô tình thấy được, liền thắc mắc: 

- Ủa, bộ chị Khánh mới nhận em nuôi hay sao? Em tưởng chị là út cưng rồi chứ? 

Chị mỉm cười đùa lại: 

- Út hờ thôi, em còn nhiều em lắm, nếu chị muốn làm quen, em sẽ giới thiệu. . .

Nếu chị không nói ra thì chắc sẽ chẳng có ai hiểu được điều mà chị đã kí kết với bản thân mình cách đây 4 năm.

Chị nhớ như in vào Lễ Tro năm ấy, khi chị Cúc chở các em từ bệnh viện huyện về nhà thờ. Vị cha già, cùng mấy anh chị giáo lý viên đang chuẩn bị tập hát. Tất cả đều sững sờ khi trông thấy mặt mũi các em tím tái, thân thể, tay chân thì đầy những vết bầm dập, rớm máu… Không thấy đứa nào khóc, bởi các em đâu còn khóc được. Chị thắt lòng quay đi cho giọt nước mắt rớt xuống.

Đêm ấy, chị đã mơ thấy các em, chị thấy rất nhiều máu nhỏ xuống, rớt trên những lá nho khô rụng dưới nền gạch. Chị không nhìn rõ khuôn mặt của một em nào, chỉ thấy rất rất nhiều những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu đang run lên, và những tiếng rên ri rỉ. Các em đông nghít, giàn nho trơ trụi lá không thể cản được cơn gió Đông Bắc cuối mùa. Chị lấy chiếc khăn len trên cổ, thấm những vết thương đầy máu ấy… Tỉnh giấc, nước mắt ướt gối. . . Chị hứa với bản thân: "Từ hôm nay các em sẽ là em ruột của chị…"

Từ đó, chị vẫn hay trò chuyện với các em bằng những tin nhắn SMS gửi lên Trời. Mùa Chay năm nay lạ lắm! Bởi chị gặp lại những giấc mơ có màu máu. Chị không phải là người duy tâm hay tin vào những điều nhảm nhí nhưng tự trong lòng, chị cảm thấy một nỗi lo sợ và bất an…

Có những đêm chẳng ngủ được, nằm đếm máy bay trên ngọn mãng cầu nhà hàng xóm, chị lại nghĩ về các em và Mùa Chay năm ấy. Chị thủ thỉ trong lòng rồi lại cầm bút viết:

“Nghe đâu, Thái Nguyên đang mưa phùn và rét Nàng Bân? Lạnh lắm phải không các em?

Hôm qua, ghé một trang báo, chị bỗng có cảm giác bồng bềnh, lạnh sống lưng khi nhìn thấy mấy tấm hình đầy máu, giống hết cảnh tượng ngày chị gặp các em. Bên cạnh đó là dòng chữ: 

“Bệnh viện đa khoa Thanh Bình mỗi ngày hơn 40 ca phá thai…”. Những đứa trẻ này đồng cảnh với các em. Người lớn đã đẩy chúng ra khỏi dạ mẹ khi mới 20, 22 tuần tuổi. Thậm chí khi các em đã đầy đủ hình hài rồi, xinh xắn như một con búp bê nhỏ… Vậy mà người lớn vẫn nhẫn tâm bóp nghẹt và quăng các em ra đời …

Chị không có quyền xét đoán họ hay lên án xã hội này bởi quyền ấy là của Thiên Chúa. Chị chỉ muốn làm điều gì đó cho các em trong dịp mừng lễ Phục Sinh này… Làm gì được? Khi thế giới của hai chúng ta thật khác nhau? Cầu Nguyện cho các em nhé! Chị sẽ làm điều ấy.

Nhìn những chiếc lá phượng mỏng manh ngoài góc vườn kia, chị lại thấy cuộc đời các em cũng chẳng khác gì những chiếc lá, thậm trí còn không được tự do, thanh thản bằng chúng.

Ơn gọi của lá là dự phần làm nên sự sống. Đẹp làm sao sự chào đời của những chiếc lá non. Mỗi chiếc lá là một công trình. Nhưng những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa ấy lại bị hái xuống bởi những bàn tay thân quen, là cha, là mẹ hay những người mạo danh là “lương y, từ mẫu”… Nhựa chảy ra mà họ không hề có một chút cảm thương. Lá chết nhẹ tựa gió bay còn các em thì đớn đau bội phần…

Viết thư này chị không muốn nhắc lại chuyện xưa, bởi nó có thể làm các em buồn. Nhưng xin cho chị viết những lời này để chuyển đến những người lớn ngoài kia nữa. Bởi rất có thể Giáng Sinh này nhiều người bạn nhỏ như các em lại bị giết chết. Chị mong cái động từ “PHÁ THAI” sẽ biến mất trong cuốn từ điển của con người. Nếu không được, thì chỉ mong nó đừng qúa bành trướng trong xã hội này.

Thế giới chị đang sống đây còn quá nhiều bạo tàn và phũ phàng hơn những gì người ta tưởng các em ạ! Người ta say sưa nói về sự sống, mải mê trước bao triết lý đẹp của cuộc đời. Nhưng có mấy ai nhìn ra những cái chết của những đứa bé ngay giữa lòng sự sống. Với các em và các bạn nhỏ khác, có lẽ Sống như là một cái gì gì đó chợt đến rồi chợt đi. Các em được một lần lóe sáng giữa cõi âm u rồi một lần vụt tắt giữa trời giông tố để rồi lại lặng lẽ trở về như một phần tử vô danh giữa lòng đất mẹ.

Nhưng đừng buồn các em nhé! Hãy cứ mỉm cười hạnh phúc vì các em đang là những công dân Nước Trời đó! Người ta không cho các em quyền Sống nhưng các em có quyền hãnh diện vì điều ấy. Mẹ Maria và Cha Giuse cùng Hài Nhi Giêsu sẽ là gia đình mới của các em. Chúc các em một mùa Phục Sinh tràn đầy ánh sáng và ấm áp trong vòng tay của Chúa Nhân Lành.

Thương các em thật nhiều!

Chị của các em…”

Trên sự trống rỗng màu trắng của những trang giấy, Chị tin Chúa sẽ lấp đầy những thiệt thòi mà những người lớn vô tâm đã làm tổn thương các em của chị.

Chị cẩn thận gấp tờ giấy có nét chữ tròn trịa rồi bỏ vô một cái bao thư có viền màu tím nhạt, bên ngoài chị không quên ghi thêm hai dòng chữ:

From: Chị Khánh                             

To: Gửi các Thiên Thần nhỏ trong Nước Trời.