GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 01

 

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Giải Viết Văn Đường Trường đang được tổ chức là một nỗ lực khiêm tốn mang theo một số ước vọng cụ thể:

- Tạo sân chơi cho các bạn trẻ (dưới 40 tuổi) tập viết truyện ngắn và rèn luyện ngòi bút qua cuộc thi kéo dài 6 năm (năm 2015 này là năm thứ 3).

- Tập hợp những truyện ngắn tốt có nội dung Kitô giáo để giới thiệu, tổ chức in ấn và xuất bản trong một tủ sách văn học Công giáo.

- Tổ chức gặp gỡ các tác giả nhân ngày trao giải để những người cầm bút có dịp tiếp xúc quen biết nhau, cùng nhau thảo luận trao đổi và hướng đến một định hướng chung và cách làm việc chung cho văn học Công giáo.

- Lễ trao giải hằng năm được tổ chức vào buổi chiều lễ Thánh Matthêu, bổn mạng giới cầm bút, 21-9, và tiếp nối bằng cuộc hành hương kỷ niệm sinh nhật của nhà thơ Hàn Mạc Tử vào hôm sau, 22-9. Những người cầm bút ở những nơi khác nhau không về dự được đều có thể hiệp thông cầu nguyện từ xa. Hy vọng với một nhịp sinh hoạt đều đặn hằng năm như thế, sẽ tăng thêm cảm hứng cho những người có khát vọng dâng tài năng văn thơ của mình để ca tụng Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh, rồi dần dần có thể trở thành một ngày hội ngộ truyền thống của giới cầm bút Công giáo.

Ước mong quý độc giả và các cây bút truyện  ngắn ở khắp nơi tích cực vận động để có thêm nhiều tác giả hưởng ứng và tiếp tục tham gia cuộc thi.

Xin mời xem Bản Thể Lệ Giải Viết Văn Đường Trường đính kèm cuối bản tin này.

Xin trân trọng giới thiệu 7 tác phẩm dự thi đầu tiên mới được chọn qua vòng sơ tuyển. Một số bài không lọt qua vòng loại do chưa phải là truyện ngắn (chỉ mang dạng chia sẻ tâm tình, tùy bút hoặc kể chuyện), do kết cấu và hành văn lủng củng, chưa thống nhất ý tưởng, hoặc do lấy lại câu chuyện từ một truyện nào đó (phóng tác chứ không phải là sáng tác). Nếu quý độc giả phát hiện bài nào chỉ là phóng tác, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Các bạn tham gia dự thi, nếu muốn làm giàu kinh nghiệm viết truyện ngắn, nên vào Google và gõ: “Cách viết truyện ngắn”. Có nhiều bài chia sẻ có thể đáp ứng nhu cầu rèn luyện kỹ thuật viết truyện ngắn của bạn.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đang hỗ trợ giới thiệu và cổ vũ chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 01-12-2014

Thay lời Ban Tổ chức

 

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ


BÀI DỰ THI

 

Mã số: 15-003

 

HẠT GIỐNG NẢY MẦM

 

Lần thứ 3, anh cầm chai rượu lên rồi lại bỏ xuống. Không uống rượu, anh muốn nổi loạn, anh muốn ném chai rượu cho nó vỡ toang, anh muốn gào lên thật to điều gì đó. Thế nhưng điều mà anh làm lại là ngồi im lặng, cứng đờ và lạnh ngắt, những giọt nước mắt đau khổ cũng không lăn xuống nữa. Câu nói cuối cùng của Bà Năm như gáo nước lạnh tạt vào mặt làm anh choáng váng, tỉnh cả người.

Hồi chiều lúc đi làm về, bà Năm ghé qua nhà, thấy anh ngồi ủ rủ bên chai rượu trước tấm hình của vợ con, bà nói :

- Bây lại uống rượu nữa à ?  Tao nghĩ bây buồn như vậy đủ rồi, hơn nửa năm rồi còn gì. Suốt ngày bây buồn bã như vậy con Loan với hai đứa nhỏ nó vui sao ?

Như mọi khi, anh chẳng buồn trả lời. Từ lâu rồi, anh để ngoài tai mọi lời khuyên lơn, an ủi hay hỏi thăm của mọi người.

Bà Năm nói tỉnh bơ như với một người xa lạ :

-  Nhìn bây thấy bắt chán. Bây sống mà còn tệ hơn chết. Thà bây chết theo mẹ con nó cho rồi, khỏi phải buồn bã khóc lóc suốt ngày như vậy chi cho mệt.

Bất giác, anh gào lên như đứa trẻ chịu nhiều điều ấm ức :

- Bà tưởng dễ chết lắm à, muốn chết là chết được sao.

Bà Năm bật cười :

- Ha, cuối cùng thì bây cũng chịu mở miệng. Bây biết là sống chết có số có phần, đâu phải muốn sống là sống, muốn chết là chết, vậy bây còn buồn bã ấm ức gì nữa.

- Nói như bà Năm thì ra con người cũng chỉ như con chó con mèo sao ?  Mà con chó kia kìa, con nó chết nó còn biết buồn…

- Thằng đây nói như vậy là bậy rồi, ai mà nói con người cũng như con chó con mèo chứ. Mà tao có cấm bây buồn đâu, nhưng bây sống thì phải sống cho ra người. Bây thương mẹ con nó thì bây cầu nguyện cho mẹ con nó mau được lên thiên đàng, phù hộ cho bây

Anh cắt lời bà Năm, giọng mai mỉa :

- Cầu nguyện với chẳng cầu nguyện… Cầu nguyện có thể làm cho người chết sống lại được sao ?  Lại còn thiên đàng với hỏa ngục... Lên thiên đàng rồi thì sao ?  Toàn chuyện hoang đường…

- Bây nói vậy mà nghe được a. Đức tin của bây để đâu rồi ?

Anh cười cay đắng :

- Đừng nói đến chuyện đức tin ở đây. Bà cứ thử là con đi rồi hẳn nói đến chuyện đức tin. Tin để làm gì ?  Tin thì được cái gì chứ ? ...

- Ah cái thằng này ! Tin để sống cho ra người ; tin để có thể trỗi dậy từ đống đổ nát của đau khổ, vì đau khổ đâu phải là tiếng nói cuối cùng ; tin để thấy cái được trong cái mất ; tin để… Ui, tao mà kể thì đến sáng mai

Anh nổi nóng :

- Vậy bà nói đi, con được cái gì trong cái mất của vợ con con chứ ?  Được ba cái xác không hồn, được cái cô đơn, được người ta thương hại đến không dám nói một lời khuyên lơn, được một cái hố trống rỗng và cả những ánh mắt nghi ngờ. Đó, tin để được nhiêu thứ đó…Nếu là con, bà còn tin nữa không ?

Bà Năm trả lời anh vẫn với cái giọng nửa đùa nửa thật :

- Ờ há, biết đâu tao còn tệ hơn bây. Nhưng mà cũng chưa chắc à… Ủa, mà được mất bây phải hỏi Chúa chứ sao hỏi tao. Bà Năm đây có phải là người có quyền ban phát hạnh phúc hay bất hạnh đâu.

Anh nổi giận thật sự :

- Hỏi Chúa…Hỏi Chúa… hỏi đã một ngàn lần rồi. Không có Chúa nào trả lời cả bà có biết không ! Chúa cũng chết luôn rồi.

Bà Năm nói như không biết đến cơn giận của anh :

- Bây nói chuyện vô lý. Bây hỏi đến cả ngàn lần thì khi Chúa trả lời bây vẫn còn lo hỏi, làm sao bây nghe được mà dám nói Chúa không trả lời.

Rồi bà Năm buông tiếng thở dài, giọng thất vọng :

- Ây…Vậy mà xưa giờ, cả xứ này cứ trông vào bây là đứa ngoan đạo, ai cũng muốn giống như bây. Thì ra…

Bà Năm bỏ lửng câu nói rồi bỏ về, không để cho anh kịp đối lại.

Quả thực trong xứ đạo nhỏ bé này, gia đình anh được coi là một gia đình gương mẫu, cả về đời lẫn đạo. Hai vợ chồng anh tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, anh tham gia ca đoàn, chị làm giáo lý viên, giáo xứ cần làm gì, anh chị chẳng nề quản thời gian hay tiền của để ủng hộ, giúp đỡ. Tuy không giàu có, nhưng gia đình anh sống hòa thuận, hạnh phúc, cũng chẳng bao giờ to chuyện xích mích với ai. Mọi người nhìn gia đình anh mến mộ, các cha mẹ trong xứ lấy gia đình anh ra làm gương để dạy dỗ con cái, như thể hạnh phúc của gia đình anh là phần thưởng tất yếu của một đời sống ngoan đạo. Không phải là anh không biết điều đó, nên anh cố gắng mỗi ngày để gìn giữ hạnh phúc mà anh đang có.

Nhưng cuộc sống lại không đơn giản với những kết quả tất yếu gieo gì gặt nấy, đôi khi người ta phải nhận lấy cả những trái người ta không gieo. Bất hạnh ập xuống gia đình anh khi một tai nạn giao thông đã bất ngờ cướp đi của anh vợ và hai đứa con nhỏ. Cuộc sống của anh trước đây quá đơn giản, quá hạnh phúc và bình yên, anh không được chuẩn bị để đón nhận những bất hạnh (mà thực tế thì có mấy ai muốn được chuẩn bị để đón bất hạnh đâu). Cái chết của vợ con là một đòn quá mạnh so với sức chịu đựng của anh. Đau khổ nếu không là một bức tường dày đổ ập xuống để đè bẹp con người trong nỗi tuyệt vọng, thì lại có “tác dụng” như một chiếc máy cày tàn bạo, nó xới tận gốc rễ cả những cây cổ thụ, lật tung những gì xem ra là vững bền nhất. Anh không nằm trong luật trừ, những gì trước đây anh nghĩ có thể nắm giữ trong tầm tay, nay nhanh chóng tuột khỏi anh như cây mùa thu trút lá. Anh nghỉ ca đoàn, bỏ luôn cả nhà thờ. Mọi thứ đối với anh giờ đây đều vô lý và vô nghĩa khi cái mà anh cho là hạnh phúc của anh không còn nữa. Trước cái chết của vợ con, anh không ngừng hỏi tại sao, nhưng câu trả lời anh nhận được luôn luôn là một lời thinh lặng mênh mông. Anh rơi vào vực thẳm của sự hồ nghi, bởi anh không thể nào chịu nỗi ý nghĩ những cố gắng của vợ chồng anh từ trước tới nay chỉ là vô ích. Nếu thực sự có Thiên Chúa, lẽ nào Người không nhìn thấy những thiện chí của anh. Vậy sao Người lại nỡ đối xử bất công với anh như vậy ?

Dường như khi mất niềm tin vào Chúa, người ta cũng chẳng còn tin tưởng được ai, ngay cả với chính mình. Hơn nửa năm nay, ngày nào anh cũng uống rượu để quên sầu. Đôi lúc cầm chai rượu anh tự hỏi, uống rượu có phải là giải pháp để quên sầu chăng, nhưng anh cũng chẳng thể tự trả lời. Thực ra, anh đã chẳng thể trả lời cho bất cứ một câu hỏi nào, chỉ biết rằng dường như càng uống, anh càng chìm sâu trong sự cay đắng, và anh cũng không muốn thoát ra khỏi nó, bởi cảm giác chếnh choáng của cơn say làm cho anh dễ chịu hơn cái trống rỗng của sự tỉnh táo trước những câu hỏi không lời giải đáp. Có thể nói, anh đã cố gắng hết lòng với Chúa, chẳng chểnh mảng một ngày nào để mong duy trì cái hạnh phúc mà anh đang có. Nhưng kết quả những ngày tháng hạnh phúc mà anh nhận được lại quá ngắn ngủi, còn hiện tại và cả tương lai phía trước của anh là nỗi đau không thể nguôi ngoai trước cái chết thảm thương của vợ cùng với hai đứa con còn rất nhỏ đến vô tội. Anh không thể hiểu gia đình anh đã làm gì nên tội, hay ít ra là vợ con anh, để phải chịu một cái chết thảm như vậy. Những người đến an ủi anh, họ cũng không tìm được một lý do gì khả dĩ có thể biện minh cho bất hạnh anh đang gánh chịu. Họ ngồi bên anh im lặng, nói vài câu bâng quơ theo lẽ thường. Anh bỗng trở thành dấu chấm hỏi cho mọi người. Giá như gia đình anh cũng sống như bao người khác, đừng quá đạo đức và tốt lành ; hoặc giả như vợ con anh có chết thì cũng chết một cái chết bình thường, đừng trở nên như một “quả báo” theo quan điểm người đời, hay ít ra anh cũng còn lại một đứa con để an ủi, nhưng có thể nói, anh đã bị lấy đi tất cả… Dường như đó mới là lý do sâu kín khiến cho anh đau đớn nhất : Anh thất vọng về Thiên Chúa của anh, thất vọng với kết quả trước những cố gắng của chính mình. Nỗi đau thất vọng đó dường như còn ghê gớm hơn cả nỗi đau mất vợ con, nó đẩy anh vào một đường hầm tăm tối làm anh không còn biết phương hướng để đi. Có thật có một Thiên Chúa tốt lành để anh có thể đứng dậy từ đống đổ nát của đau khổ và tiếp tục sống tốt như trước đây hay không ?  Nhưng nếu sống như cái hiện tại anh đang sống thì quả như bà Năm nói thật không đáng sống, song chết theo vợ con thì tự sâu thẳm, anh biết mình không có quyền định đoạt sự sống chết của mình.

Câu nói đầy vô tình của bà Năm đã lôi anh trở lại thực tế mà anh không muốn đối diện. Hay đúng hơn, cái chết của vợ con đã bất ngờ xô anh ra trước sự thật mà anh không ngờ tới. Anh thất vọng vì Chúa không trả lời anh hay vì cái tự ái sâu xa của anh không còn được thỏa mãn ? . Nó bắt anh phải tìm ra câu trả lời rằng xưa giờ Chúa anh vẫn tin thờ là ai, là Thiên Chúa đích thực hay chỉ là sự hãnh diện trước cái hạnh phúc của gia đình anh ?  Cái đạo đức mà người ta vẫn nhìn vào gia đình anh là đạo đức thật hay chỉ là cái vỏ bên ngoài ?

... Bóng tối đang dần buông xuống. Đã lâu lắm rồi anh mới ý thức được trời đang chuyển về đêm như thế, bởi đối với anh, ngày hay đêm, tối hay sáng không còn quan trọng nữa. Thoảng hoặc anh thấy trời tối thì lúc đó anh cũng đã nửa tỉnh nửa say, và khi trời tối hẳn thì đó là lúc anh chìm sâu trong giấc ngủ của cơn say nhừ tử.

Anh đứng dậy, tìm công tắc điện. Những con nhện bị ánh đèn bất ngờ làm cho hoảng hốt, chúng ngừng chăng tơ, lơ láo nhìn anh, nửa như thách thức, nửa như muốn chạy trốn. Ánh sáng cho anh thấy chiếc bàn thờ trống trơn, lạnh ngắt. Anh bắt gặp tượng chịu nạn chơ vơ, cô đơn trên cao… Anh bỗng như bị thu hút vào đó…Một con người bị lột trần trụi không mảnh vải che thân, đôi tay bị kéo căng với cạnh sườn bị đâm thủng, đôi bàn chân bị ghim chặt bởi một cây đinh to tướng, nhọn hoắc, đầu đã gục xuống mà vòng gai vẫn còn xiết chặt. Xung quanh không một người thân, không có một lời an ủi nàoAnh nghe đâu đó có những lời chế giễu, những ánh mắt nghi ngờ, những nụ cười khó hiểu... Con người đó đã bị bỏ rơi hoàn toàn và chịu một cái chết quá kinh khủng, quá đau đớn và tủi nhục. Nhưng không có một dấu hiệu nào của sự phản kháng, không một tiếng rên rỉ hay than trách nào cả. Tất cả chỉ có sự thinh lặng. Con Người đó hoàn toàn vô tội… Và anh bật khóc nức nở…

 

* * *

 Người ta nói, hạt giống chỉ nảy mầm trong cái thinh lặng của đêm, và khi nảy mầm nó thường gây ra một sự đau đớn cần thiết, có lúc tàn nhẫn khi xé rách toang vỏ hạt giống an toàn bao bọc bên ngoài để vươn lên. Bởi lẽ, nỗi đau nào cũng cưu mang trong mình một hạt giống sự sống, và mầm sống đó có thể bị giết chết bằng đủ loại thuốc giảm đau mà người ta cố tìm để uống vì sợ đau. Chỉ những ai dám quặn đau mới sinh ra được nó, một sự sống mới mạnh mẽ hơn, nguyên tuyền hơn.

Người ta cũng nói rằng, đức tin phải được lớn lên, và chỉ trổ hoa khi vươn cao tới cây Thập Giá.

 

 

Mã số: 15-005

 

TRỜI ĐÃ SÁNG !

 

Hắn nhảy qua tường một cách nhẹ nhàng. Đêm tối mịt, cảnh vật lặng như tờ. Hắn khẽ rùng mình. Nơi đây có vẻ tĩnh mịch quá. Hắn đã do thám tình hình kỹ lưỡng mấy đêm rồi. Đêm nay, hắn quyết định hành động. Tim hắn đập loạn xạ, lần đầu tiên hắn làm chuyện này, lại còn ở nơi hắn đã từng gắn bó. Phải nhanh chóng hành động, dây dưa sẽ không tốt. Hắn tự nhủ rồi bắt đầu đào bới.

- Ai đó?

Hắn giật mình quay lại. Một nữ tu già dọi thẳng chiếc đèn pin vào mặt hắn. Bà ú ớ chưa kịp kêu lên thì đã bị hắn bịt miệng. Hắn chộp con dao, đâm bà một nhát rồi bỏ chạy. Hắn chui xuống gầm cầu, thở dốc. Một bàn tay lạnh ngắt đặt mạnh lên vai hắn. Hắn choàng tỉnh dậy. Sống lưng lạnh toát, mồ hôi đầm đìa, hắn thở hổn hển. Thì ra là một giấc mơ. Hắn đưa tay quệt mồ hôi.

Một giờ sáng. Hắn ra đi. Đêm nay không có trăng sao gì cả. Trời giúp hắn rồi. Hắn lẻn vào phòng, cố gắng nhanh bao nhiêu có thể. Hắn chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày hắn quay lại đây trong hoàn cảnh tệ hại như thế này. Thôi kệ! Chỉ một lần duy nhất thôi. Hắn cần tiền, đang rất cần tiền. Bỗng nhiên, căn phòng sáng rực lên.

- Anh là ai?  Tại sao anh vào đây?

Cái quái gì thế này?  Hắn không muốn mọi chuyện sẽ kinh khủng như giấc mơ lúc nãy. Nhưng giọng nói này, hắn nghe sao mà quen thuộc quá. Hắn quay lại. Cả bà ấy nữa, hắn trông rất quen. Hình như…

- Sơn phải không?  Con…

- Không phải! Bà nhầm rồi.

Hắn vội vàng quay mặt đi. Đó là Dì Lan. Hắn đã từng ở nội trú trong Tu viện này và chính Dì là người chăm sóc hắn. Dì trông già hơn nhưng khuôn mặt và giọng nói ấy không khác xưa. Hắn đứng như trời trồng. Phải làm sao đây?  Chẳng lẽ lại thú tội với Dì và xin tha thứ. Không! Hắn không muốn làm Dì thất vọng. Hắn đã từng coi Dì là người mẹ thứ hai, hắn không muốn để Dì nhận ra hắn trong tình cảnh này.

- Tôi chưa lấy gì cả, bà để tôi đi.

- Sơn, con không nhận ra Dì nữa sao?  Dì Lan đây! Dù con có lớn, có khác xưa, có đi xa cỡ nào đi nữa thì Dì vẫn nhận ra con.

- Tôi đã nói…

Cổ họng hắn nghẹn ứ. Hắn muốn được gọi hai tiếng “Dì ơi!”, muốn được Dì vỗ về như hồi còn bé nhưng không thể. Hắn đang ở đây, nhưng không phải Sơn của ngày xưa mà là một tên trộm.

- Ừ, đã hơn 10 năm rồi còn gì, con không nhớ cũng đúng thôi.

Không, hắn không quên. Những bài học đầu đời, hắn quên sao được. Tình thương yêu của các Dì, hắn càng không quên. Chỉ là…

- Thôi, anh đi đi! Dù sao cũng chưa mất gì cả.

- Dì để tôi đi thật sao?  Dì không gọi công an?

- Tôi không gọi đâu. Mà có lẽ là tôi nhầm, anh không phải là Sơn, Sơn không bao giờ làm chuyện này đâu.

- Lòng người khó đoán, sao Dì biết được chứ?

- Tôi không phải là mẹ nó nhưng ít ra tôi cũng chăm sóc nó gần chục năm trời, tôi biết tính nó.

- Dì biết về con sao?  – Hắn buột miệng.

Dì Lan nhìn thẳng vào mắt hắn, nhẹ nhàng:

- Dì biết con là một cậu bé thông minh, ngoan ngoãn. Dì biết con dù nghèo nhưng luôn tự trọng, không bao giờ giành giật của ai cái gì. Nhưng…có lẽ…Dì cũng không biết con. Dì không biết rằng con đã thay đổi. Dì không ngờ con...

Hắn chạy đến ôm Dì rồi òa khóc như một đứa trẻ. Đã từ lâu rồi hắn không còn khóc nữa. Hắn tưởng cuộc đời đã làm nước mắt hắn cạn khô rồi. Những nỗi niềm giấu kín trong lòng bấy lâu, hắn tuôn ra hết. Không hiểu sao ở trước mặt Dì, hắn cảm thấy được an ủi, hắn muốn mở hết cõi lòng mình ra.

- Con xin lỗi Dì! Không ngờ con lại gặp Dì trong hoàn cảnh tệ hại này. Con...con đang rất cần tiền. Mẹ con đang ở bệnh viện, bà cần phải phẫu thuật.

- Con ngốc quá đi. Có nhiều cách có thể kiếm tiền, sao con lại chọn cách này chứ?  Lỡ may hôm nay không phải Dì thì sao?  Nếu mẹ con biết chuyện này, con nghĩ bà sẽ như thế nào?

- Con…

- Con còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn. Đừng bao giờ hành động ngốc nghếch như vậy nữa nhé! Mà con còn đi học không?

- Dạ, con đang học năm cuối. Mấy tháng nay, mẹ con đau nặng, bao nhiêu tiền đều dồn vào để chữa trị cho mẹ. Con cũng chẳng có tiền đóng học phí mà cũng không thể đi làm thêm vì còn phải chăm sóc mẹ. Con hết cách rồi.

- Dù vậy đi nữa, con cũng không nên làm vậy. Chắc chắn không ai ủng hộ cho hành động này của con đâu. Chúa cũng sẽ buồn về con đấy.

- Chúa ư?  Dì nghĩ có Chúa thật sao?

- Sao con… Chẳng lẽ…

Đúng! Hắn đã mất đức tin. Ngày còn bé, hắn rất đạo đức, đạo đức nhất trong số các học sinh nội trú ở đây. Hắn chăm đọc kinh, cầu nguyện lắm. Rời trường nội trú, hắn vẫn năng cầu nguyện, lúc nào cũng xin Chúa cho gia đình đỡ nghèo hơn. Hắn xin mãi, xin mãi nhưng vẫn không thấy có gì thay đổi. Cái nghèo vẫn dai dẳng đeo bám gia đình hắn. Hắn đâm nghi ngờ. Rồi bất ngờ, bố hắn ra đi trong một tai nạn. Đau khổ, tuyệt vọng, hắn bỏ đạo luôn. Rồi càng học lên cao, hắn càng thấy mình sáng suốt.

- Con bỏ đạo lâu chưa?

- Dạ, bố con mất khi con học lớp 8. Sau đó ít lâu, con không đến nhà thờ nữa.

- Đó là lí do con không trở lại đây lần nào nữa?

- Dạ, vì con sợ các Dì buồn. Nhưng thưa Dì, con nghĩ là trên đời này không hề có Chúa hiện hữu. Nếu có Chúa, tại sao gia đình con cứ khổ mãi như vậy?  Nếu có Chúa, sao Ngài lại cho một số người quá giàu mà bên cạnh họ là những người quá nghèo?  Mà giả như có Chúa thật thì Ngài là một người không hề công bằng, không có lòng thương xót.

Dì Lan im lặng. Dì cứ để cho hắn mặc sức tuôn ra hết. Nói ra được có lẽ lòng hắn sẽ nhẹ nhàng hơn. Chương trình của Chúa, cả Dì và hắn đều không thể thấu hiểu hết được. Hắn đang tuyệt vọng. Mọi lời khuyên với hắn bây giờ có lẽ không có tác dụng gì. Trước mặt Dì là một nạn nhân của nghèo đói. Cái nghèo đã cướp đi niềm tin, niềm hi vọng của một con người. Thực ra, trong chuyện này, Dì Lan thấy mình cũng là người có lỗi. Từ ngày hắn rời trường, Dì đã mất liên lạc hoàn toàn với hắn và đã không biết hắn đã phải chịu nhiều đau khổ như vậy. Chính Dì đã chưa hết lòng quan tâm đến hắn. Cần phải khơi dậy niềm tin nơi hắn. Đó là sứ mạng Chúa trao cho Dì lúc này.

- Sơn à, Dì biết những đau khổ con chịu là rất lớn. Dì…

- Dì không phải khuyên con. Con biết Dì sẽ trách con, nhưng Dì không phải là con, không ở trong hoàn cảnh của con nên Dì sẽ không hiểu đâu.

- Con nghĩ là Dì chưa từng trải qua đau khổ sao?  Sống kiếp con người, không ai là không phải đau khổ. Nhưng con à, Chúa không phải là nguyên nhân gây nên những đau khổ đó. Và Chúa không ngăn cản những đau khổ đến với con chỉ vì…Ngài muốn những người như Dì phải biết chia sẻ đau khổ với con. Con người được Thiên Chúa tạo dựng không phải chỉ để sống hưởng thụ một mình nhưng là để cùng nhau trao ban và lãnh nhận. Con nghĩ mình nghèo, chẳng có gì, nhưng thực ra, con có rất nhiều thứ mà người khác mơ ước đó.

- Con thì có gì để người ta mơ ước chứ?

- Con có người mẹ hiền, các em ngoan; con có đầy đủ các bộ phận mà không bị khiếm khuyết gì; con có sức khỏe, trí thông minh;… Đó chẳng phải là những điều rất quý giá sao?  Của cải vật chất, tiền bạc đâu có thể sánh bằng.

Hắn chợt tỉnh. Hắn học cao nhưng ngay cả định nghĩa giàu – nghèo đơn giản ấy thôi mà hắn cũng hiểu sai. Phải rồi, hắn cũng có rất nhiều thứ vô giá. Hắn giàu chứ không phải nghèo. Ôi Chúa ơi! Lần đầu tiên hắn thấy mình giàu có. Trước giờ, hắn chỉ nhìn lên chứ chưa bao giờ biết nhìn xuống. Chúa cho hắn nhiều thứ mà hắn chẳng nhận ra. Nhớ đến Chúa, tim hắn đau. Có quá muộn để hắn trở lại?  Hắn không biết. Hắn không dám nghĩ đến. Bỗng nhiên hắn thấy sợ. Nóng quá! Lửa hỏa ngục cháy phừng phừng trước mặt hắn. Satan chỉ thẳng vào mặt hắn mà cười nhạo. Nó cầm lấy tay hắn kéo đi. Đừng! Hắn không muốn như vậy đâu. Có ai cứu hắn với không?

Tiếng chuông nhà thờ chợt vang lên kéo hắn trở lại. Dì lan đặt tay lên vai hắn, nhẹ nhàng:

- Con đi lễ với Dì nhé?

- Được không Dì?  Lâu rồi con không lễ lạy gì cả. Con sợ!

- Đừng sợ! Rồi con sẽ thấy Chúa nhân lành như thế nào.

Hắn bước vào nhà thờ, tìm một góc ở phía cuối cùng. Satan vẫn bám gót hắn. Nó ngồi xuống ngay cạnh hắn.

- Mày là Sơn?

- Sao cậu lại biết tôi?

- Mày là tên phản đạo nổi tiếng ở trường. Bài thuyết trình chống niềm tin Thiên Chúa của mày, ai mà chẳng biết. Mày đến đây hòng moi móc tin tức gì hả?

- Không phải, tôi…

- Mày hãy xéo đi! Đây không phải là nơi dành cho mày.

Hắn toan chạy ra ngoài. Nhưng. Một tràng cười khinh khỉnh phía sau. Hắn quay lại. Giọng cười đểu cáng và khuôn mặt dữ tợn kia là của kẻ đã đòi kéo hắn xuống hỏa ngục đêm qua. Không! Không thể mắc bẫy của tên gian xảo kia được. Hôm nay hắn muốn được hòa giải với Chúa mà. Khó khăn lắm mới bước tới được nơi này. Hắn phải thử. Dù có chết thì hắn vẫn phải chết trong tay Chúa. Hắn quay lại, ngước nhìn lên Chúa, mắt chạm mắt. Ôi, Chúa Giêsu đang tiến về phía hắn. Ngài mỉm cười dang rộng cánh tay chào đón hắn. Là ảo tưởng hay là thật?  Mặc kệ! hắn không cần biết. Không chút chần chừ, hắn ngả mình vào vòng tay ấy. Chưa bao giờ hắn thấy hạnh phúc như lúc này. Bao năm đi hoang, giờ đây, khi hắn trở về, Chúa nhân từ vẫn chào đón hắn. Ngài âu yếm gọi tên hắn. Hắn đã cảm được tình yêu của người cha trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 1-32). Hạnh phúc quá, hắn khóc, khóc thật nhiều. Nhưng giờ đây là những giọt nước mắt ngọt ngào chứ không còn mặn chát như trước nữa. Ca đoàn cất lên bản “Tin Yêu Ca”. Hắn thủ thỉ với Chúa như một lời tuyên thệ: “Dù sống trong lao nhọc, dù chết nơi tù đày. Lòng con vẫn tin mãi, rằng Chúa chết cho con. Dù sống trong cơ cực, dù biết bao nhọc nhằn. Lòng con vẫn tin mãi, rằng Chúa sống bên con. Dù đớn đau ưu phiền, dù lắng lo buồn phiền. Lòng con vẫn tin mãi, rằng Chúa sống trong con. Không, không có gì ngăn cản được lòng con đừng tin vào Thiên Chúa. Không, không có gì cách xa được lòng con đừng tin yêu mến Ngài”.

Ngôi Thánh Đường chỉ còn lại một tội nhân và vị mục tử. Hai người trò chuyện thật lâu trong tòa giải tội. Không ai biết họ đã nói chuyện gì ngoài Chúa, cha sở và hắn. Người ta chỉ thấy sau đó, cha sở ôm người thanh niên rồi ngài lặng lẽ đi vào. Hắn vẫn quỳ ở đấy. Hắn là ai, người ta chẳng ai biết, mà cũng chẳng ai quan tâm. Chỉ có người nữ tu già thánh thiện với bộ tu phục màu đen là vẫn không ngừng dõi mắt về phía hắn. Bà bước đến cạnh hắn, khẽ chạm vào vai, nhẹ nhàng:

- Mình về thôi con!

Hắn ngước lên, bắt gặp nụ cười hiền từ của Dì Lan. Nhẹ nhàng lau vội những giọt nước mắt, hắn đứng lên bước theo Dì. Mặt trời lên đã đuổi màn đêm xa khuất. Trời cao và trong xanh quá! Chưa bao giờ hắn thấy cuộc đời này đẹp và đáng sống như lúc này. Tất cả mọi thứ đều trở nên sáng ngời và đẹp tuyệt vời trong mắt hắn.

Trời đã sáng!

 

 

Mã số: 15-007

 

TÌNH ĐẦU

 

Khi tôi vào lớp Mười, chị đã nổi tiếng học giỏi ở trường cấp Ba. Ngoại hình của chị thật đặc biệt: mái tóc cắt ngắn nhưng vẫn luôn bù xù, một bộ đồ “quần chẳng liên quan gì đến áo mũ” và một cái ba lô đầy căng sách vở, chỉ khác với người “ngộ chữ” là chị không đeo kính cận. Thế mà tôi…yêu chị lắm.

Hành trình “đến với tình yêu” thật gian nan. Tôi thích người học giỏi, nhưng học khác lớp, lại là phận em nên không biết tiếp cận chị thế nào, suy nghĩ mãi mới tìm ra một kế là đến nhờ anh Tiến bạn cùng lớp chị để hỏi bài. Tôi biết anh học chẳng hơn gì tôi nên thể nào cũng phải nhờ chị giải giúp. Lâu dần anh Tiến chán nên vừa thấy tôi mang cuốn vở đến là anh đã kéo chị ra:

- Mi hỏi luôn chị Mai cho nhanh nhé!

Tim đập rộn ràng, vừa mừng vì “âm mưu” đã thành công, vừa run bắn lên vì hồi hộp, tôi không mở miệng được câu nào.

- Ơ hay cái thằng này, dốt thì cứ hỏi như tao chứ xấu hổ gì, con Mai cồ này “giới tính nam” đó, hehe…

- Cái thằng mất nết - Chị vừa nói vừa giật cuốn vở trên tay tôi đập hụt vào đầu anh Tiến đang té chạy.

- Không sao… - Chị quay sang tôi - Bữa sau cứ hỏi thẳng chị khỏi nhờ cái thằng mất nết đó!

Chị vừa nói vừa giở vở ra, “bài này à”, tôi lí nhí “dạ”, “ôi trời anh em mi đúng là toàn cái đồ dốt!”. Tôi xấu hổ quá giật vội cuốn vở rồi ù chạy, chị bật cười: “Chị đùa ấy mà, đưa chị giải cho, chạy như con gái kìa”.

Hết giờ học, tôi dắt xe ra cổng thì giật mình thấy một bóng người to lù lù chắn bánh trước, hú hồn. “Này, đưa bài đây, chị là chúa ghét cái đứa nửa mùa lắm nhé” - Chị vừa nói vừa kéo cả tôi và xe sang một bên. Có ai dạy người ta học thế bao giờ, tôi vô cùng sửng sốt và…sợ hãi, chỉ biết vâng lời “sư phụ”.

Thực ra lúc nãy thầy giáo đã giải bài rồi, nhưng chị “nhiệt tình” nên tôi phải nghe theo, thêm nữa cũng là giây phút được gần chị. Thấy tôi chen vào lời giải, chị nhìn tôi nghi hoặc: “Thế đã giải được rồi à, cũng không đến nỗi dốt lắm nhỉ, mà sao không nói trước, dở hơi”, rồi buông bút. Tôi vội thanh minh là thầy giáo chữa bài rồi, tại chị kéo lại nên tôi phải nghe, chị bật cười: “Nhưng cũng phải chịu phạt”. Tôi bối rối: “Phạt gì ạ? ” - “Chưa nghĩ ra”.

- À mà nhà mi ở mô?

- Đức Lâm chị à.

- Thế có đi đường Bưu điện rẽ xuống không?

- Dạ.

- Tốt, ngoan, thế đèo chị đi một đoạn coi như chịu phạt, chị ở Đức Trung.

Hihi, quả là “cơ hội ngàn vàng”, nhưng chị…nặng quá, tôi có cảm giác nếu không có cái ba lô đầy sách của chị trước giỏ xe thì đã…nổi bánh trước lên rồi! Thấy tôi cò cổ đạp mà xe vẫn đi chậm, chị chép miệng: “Con trai chi mà yếu xìu, thôi để chị đèo” rồi nhảy xuống, nghịch ngợm nhấc đuôi xe lên cười ngặt nghẽo: “Đạp như con nhái kìa!”.

Chị khỏe thật, đạp xe cứ bon bon. Cũng có thể do tôi thấp bé nhẹ cân, mười lăm tuổi mà cao chưa đến mét rưỡi, nặng chưa tới bốn mươi kí nên chị “cứ như đi xe không”. Chị nói nếu không phải giải bài cho tôi thì đã về sớm, khỏi xin đi nhờ xe vì chị thích đi bộ hơn, “cho chân nó dài, dáng nó đẹp”. Tôi cười gần chết vì không hiểu chị “đẹp” ở điểm nào, người gì mà to đùng to đoàng, da nâu chân voi, ăn mặc thì chẳng “xuyệt tông” gì cả, ai đời cái áo đỏ chót lại đi với cái quần trắng ngả màu cháo lòng thế kia, còn cái mũ xanh lè như đít nhái không che hết cái mái tóc hoe bù xù và đôi dép đen xỉn nữa trông chả ra làm sao cả. (Sau này tôi mới biết nhà chị rất nghèo, không có xe đạp nên hàng ngày chị vẫn cuốc bộ năm cây số tới trường, chị lớn nhanh nên cha mẹ không may đồ vì tốn kém mà mặc đồ mọi người cho, có gì mặc nấy, không cầu kỳ). Chị ừ hử: “Mi cười cái chi”, tôi sợ quá phải chuyển sang hỏi chuyện học hành. Mới được dăm câu đã về đến nhà, tôi kêu lên:

- Đến nhà em rồi, chị vào chơi không?

- Ôi trời, có điên đâu, thôi bái bai…

Tôi nhìn theo xao xuyến, tốc độ đi bộ của chị phải ngang ngửa tốc độ đạp xe, thoáng chút đã xa tít. Đến chiều nghĩ lại tôi mới thấy mình thật “gà”. Trong phim các anh chàng ga-lăng đều đưa “mỹ nhân” về tới nhà mới quay xe lại, lần sau tôi sẽ làm thế…

***

Cuối năm, mẹ rủ tôi đi Lễ Quan Thầy ở Xứ Bạn, tôi háo hức lắm. Nhà thờ đông thật, lễ ngoài trời nhưng tôi gần như không nhìn thấy gì trên bàn thánh cả, chỉ nghe có năm cha đồng tế. Tôi đang ước giá mà mình cao như chị thì thấy một cô gái bước ra đọc Bài đọc Một, cô này khá cao vì tôi nhìn rõ được khuôn mặt thật dễ thương với đôi mắt sáng, quen lắm, đến khi cô cất tiếng, cái chất giọng truyền cảm vẫn thường xuyên giảng bài cho tôi thì không lẫn vào đâu được. Chị cũng là người Công giáo và xinh thế ư, tôi không dám tin vào mắt mình, nhưng đôi mắt thông minh, giọng nói ấm áp ấy tôi không thể nhầm lẫn được….

Tan lễ, đang đưa mắt tìm chị đã thấy ai đó xoa xoa lên đầu tôi:

- Ê nhóc, nhà ngươi cũng đi lễ à, xem ta mặc áo dài có đẹp không ? - Tôi quay lại thấy chị đang kéo nghiêng cái tà áo dài lên, nhún chân xuống như “cách cách” - Hơi ngắn hè, áo của Ca đoàn đó.

Chà, đúng là dáng cao mặc áo dài thật đẹp, nhưng sao chị không được xinh như lúc nãy, tôi băn khoăn:

- Dạ cũng hơi ngắn, nhưng lúc nãy trông chị trắng hơn?

Chị cười ngất:

- Haha, ngốc tệ, đánh đấm vào đứa nào chả trắng, chị lau hết phấn son rồi, trông như ma.

Bó tay! Chắc chị yêu cái "nước da nâu tươi màu suy nghĩ” của chị hơn, hic !

Vâng, “người iêu” của tôi là thế, giản dị, mộc mạc và…nam tính.

Cho đến khi chị tốt nghiệp cấp Ba, chị luôn coi tôi là cậu học trò bé nhỏ, không hề hay biết tôi đã thầm yêu trộm nhớ chị từ thuở nào. Chị đỗ hai trường, chọn học Bưu chính viễn thông thay vì Đại học Y, tôi hỏi sao, chị cười “thích học Kỹ thuật hơn”, tôi lẩm bẩm “đúng là đồ…giới tính nam” và…bị ăn gõ vào đầu.

Tôi được “đặc trách” tiễn chị ra ga tàu, chị nói đi với tôi cho vui nhưng trên đường hai chị em không nói với nhau một lời. Cổ họng tôi nghẹn đắng vì phải xa chị, chị thì buồn vì phải xa cha mẹ. Mãi tới khi tàu vào ga, tôi mới nghẹn ngào: “Chị giữ sức khỏe, ở Hà Nội một mình không dễ đâu”, chị cười: “Nhóc con cũng biết lo cho người khác rồi đấy”, nói xong đưa tay tính xoa đầu tôi, giật mình vì giờ này tôi đã cao ngang bằng chị rồi: “Á à, lớn tướng thế này mà ông vẫn bắt tôi phải “Chu Ân lai” mấy năm nay, phải phạt mới được”. Tôi bùi ngùi: “Phạt chi ạ? ”. “Vẫn chưa nghĩ ra, thôi để sang năm ra Hà Nội chịu phạt luôn thể, hêhê”. Nói xong chị ôm cái vali đi trước, tôi xách cái túi bóng đựng đồ lặt vặt chạy theo, đùn qua cửa sổ tàu cho chị. Khi tàu sắp chạy, chị cố nói thật to: “Bài nào khó thì hỏi thầy cô nhé, cứ ngại là học dốt đi đấy…”. Tôi đứng như trời trồng nhìn con tàu lăn bánh đang mờ dần trong sương sớm hay trong “giọt sương trên mí mắt” của tôi…

***

Những ngày đầu năm học tôi nhớ chị không chịu nổi, nhiều lần học về mơ màng đạp xe quá nhà mới quay lại. Ơn Chúa, không đâm phải ai. Chị không viết thư, chỉ thi thoảng gửi tin nhắn qua Yahoo cho tôi, chị bảo vẫn khỏe, rằng đại học chỉ khó hơn học cấp Ba chút thôi, cố gắng mà thi cho đỗ. Nghe lời chị, tôi lao vào học để quên đi nỗi nhớ nhưng với ước mơ một ngày sánh vai chị trên những nẻo đường Hà Nội.

Hai mươi ba tháng Chạp âm lịch, tôi đang chuẩn bị Tết với gia đình thì nghe tiếng gọi giật giọng - tiếng gọi mà tôi đã đợi suốt nửa năm nay:

- Zizou mô rồi, đèo chị về nhà cái…

Tôi chạy vội ra và đứng sững lại, không tin vào mắt mình nữa. Chị không trang điểm nhưng vẫn tỏa sáng giữa trời Đông chí âm u. Da chị trắng hồng chứ không còn “tươi màu suy nghĩ” như ngày nào, thật xinh tươi trong chiếc áo phao màu xanh ngọc khoác ngoài chiếc áo len trắng cao cổ, quần bò xanh và đôi giày thể thao, vai đeo ba lô xanh rất “ton sur ton”. Thấy tôi trố mắt nhìn, chị cười: “Có phải người hành tinh khác đâu, thôi chở chị về đi, mỏi chân lắm rồi, mai mốt chị vào chơi sau”. Tôi vội dắt xe đạp ra, chị lại cười: “Từ từ thôi, quên mặc áo ấm kìa, ngoài đường gió lạnh lắm, bữa ni phải làm “Chu Ân lai” đấy, to đùng rồi này”.

Chị nói chị trắng ra là do nước Hà Nội “sắc”, bảo tôi sang năm cũng trắng không kém đâu. Chị kể có nhà thờ gần trường nhưng chị thích đi lễ ở Thái Hà nên phải đạp xe gần chục cây số, đường hay tắc nên thi thoảng cũng bị muộn, ở đó có nhóm Sinh viên Công giáo Vinh tại Hà Nội vui lắm, tận mấy trăm người kia. Tôi bỗng buột miệng:

- Chị xinh thế mà không có anh nào đưa đón phải gù cổ đạp xe là sao, lắm người mà chẳng có anh nào ga lăng cả hềy? !

Chị cũng buột miệng theo:

- Có mô. À mà rứa hóa ra mấy năm ni mi…ớ…

Chị vội ngưng khi phát hiện ra cũng đang nói hớ như tôi, cả hai ngại ngùng không nói thêm câu nào. Đến nhà chị chạy ù vào, đưa tay vẫy lại xua tôi về, tôi chỉ kịp thoáng thấy gò má chị đang ửng hồng.

Dịp Tết này tôi đến nhà chị ba lần thì hai lần chị đến nhà bạn, lần còn lại chị đi họp lớp. Chị chỉ đến nhà tôi một lần lại đúng vào hôm tôi đi chơi thành thử hai chị em không gặp nhau. Nhưng dù ở đâu, lúc nào tôi cũng không thôi nghĩ đến chị, lòng băn khoăn: liệu có phải chúng tôi “không có duyên với nhau” chăng…

Tối mùng Sáu tết, tôi đến nhà anh Tiến chơi tạm biệt anh vào Huế. Đang bôlôbala với nhau, bỗng dưng anh Tiến nhắc đến chị:

- Tối nay Mai cồ cũng ra Hà Nội đấy, chắc giờ này tàu sắp chạy rồi.

Tôi ngớ người, chào vội anh, ba chân bốn cẳng phi lên nhà ga. Đã quá muộn. Khi đến chỗ giao cắt đường ray và đường bộ, con tàu đã chạy qua trước mắt tôi kéo theo cả vệt dài nhung nhớ…

Nặng trĩu lê bước về nhà, tôi để nguyên quần áo nằm vật ra giường, ngửa mặt lên trần nhà như nhìn vào khoảng không vô định. Đang mơ màng thì nghe tiếng mẹ gọi:

-  Về rồi à. Mai vừa qua chào mẹ ra Hà Nội đấy, nó chờ con một lúc rồi phải đi cho kịp giờ tàu, nó gửi cho con cái hộp này.

Tôi giật nảy người, vội cầm lấy hộp quà mẹ đưa, tính mở ra thì mẹ bảo:

- Nó dặn ngày mai mới được mở. Gớm, hai cô cậu cũng lắm trò, không về sớm tôi đã mở ra xem rồi…

Tôi ngồi đợi, đợi đến…12 giờ đêm, tay run run mở hộp quà…

Trong hộp là hai chiếc bút bi một xanh một đen cột vào nhau bằng dây nơ màu hồng và một tấm hình chị mặc áo dài chấm đỏ, mặt sau ghi hai dòng chữ bằng hai màu mực của chính hai chiếc bút bi kia:

Bước lên tàu, Mai đã là Hà Nội

Học cho giỏi thì mới có “ngày Mai”

Sốc quá! Tôi ngỡ mình đang mơ. Đã nhiều lần tôi hỏi xin chị một tấm hình, nhưng chị nói có chụp ảnh riêng bao giờ đâu, giờ thì tôi đã được nhìn thấy chị mỗi ngày rồi. Những ngày sau đó tôi phải dằn lòng mình lại để tập trung học hành nhưng vẫn nhớ chị khôn nguôi, tôi dồn hết nỗi nhớ của mình vào yahoo, cứ vài ngày tôi lại nhắn cho chị, hẹn chị chat,…

Chị tuyệt nhiên không trả lời, tôi vô cùng sốt ruột.

Hơn một tháng sau, tôi bất ngờ nhận được email của chị. Chị nói đừng lên mạng nhiều mất thời gian, tập trung vào học vì chẳng còn mấy nữa là thi rồi. Điều đặc biệt hơn là chị đã thay đổi cách xưng hô: không chị - mi, chị - nhóc con, ta - nhà ngươi nữa mà xưng tên…

“Mai biết Zizou nghĩ gì, hiểu Zizou muốn gì. Mai cũng là con gái mà. Nhưng Zizou ạ, điều Mai muốn ở Zizou là những việc làm có kết quả cụ thể. Zizou cũng biết Mai rất ghét người nói suông, nửa vời, Zizou hiểu ý Mai chứ…”

Mai ơi, Zizou vẫn luôn nghe lời Mai mà. Tôi “Aa….uu” một cái rõ to khiến cả quán net đều quay đầu nhìn. Tẽn tò…

Hè năm nay chị ở lại với “Mùa hè xanh”. Tôi xuống nhà chị chơi mới nghe chị có về mấy hôm lại ra Hà Nội rồi. Đỗ đại học, người tôi muốn báo tin nhất là chị, chị không dùng di động, tôi gọi số Ký túc xá mấy lần nhưng không gặp.

Thôi, mình sẽ mang đến bất ngờ cho chị khi ra nhập học vậy, tôi thầm nghĩ…

***

Cảm giác đầu tiên khi tới Hà Nội là sự đông đúc và mùi khói xe, nhưng tôi tha hồ ngắm phong cảnh vì đã có người làm “Chu Ân lai” rồi. Anh Thường - anh trai của anh Tiến là “dân truyền thông” của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội nên thạo đường lắm.

“Tối thứ Sáu có thánh lễ của Cộng đoàn Vinh” - anh nói.

Liệu có gặp được chị (? ), tôi nghĩ, nếu không ngày mai tôi sẽ tìm đến Kí túc xá của chị, từ nay Zizou sẽ đưa chị đi lễ…

Tan lễ, thấy tôi lơ ngơ, anh Thường hỏi:

- Tìm ai đấy?

- Dạ, em tìm chị Mai.

- Mai nào, “Mai mít” bạn thằng Tiến ấy à?

- Dạ, nhưng sao là “Mai mít”?

- À, con bé đó vừa đoạt miss Áo dài Cộng đoàn ấy mà!

Anh Thường vừa nói vừa chỉ tay lên bức hình treo trên tường Nhà Lưu niệm của giáo xứ - ảnh chụp chị trong chiếc áo dài chấm đỏ lúc nhận giải. Tôi “à” một tiếng thì anh đã nói tiếp:

- Nó đi tu rồi, không gặp được nữa đâu!

“Đi tu”… Hai chữ đó đập đi đập lại vào tai tôi. Choáng váng, đầu gối tôi như nhũn xuống phải dựa vào xe máy của anh Thường, nhưng anh không nhận ra…

Sao thế Mai ơi, tim tôi thổn thức, chẳng nhẽ Mai không có chút tình cảm nam nữ nào với tôi ư, không một cơ hội nào cho Zizou “đi tìm lá Diêu Bông” sao, có biến cố gì chăng…

Tôi ngồi lên xe trong vô thức, “cũng khá bất ngờ, có khối anh chàng ở đây chết đứng chết ngồi đấy!”, tiếng anh Thường lõm bõm hòa vào suy nghĩ. Tôi biết mình không xứng với chị nhưng vẫn khó chấp nhận sự thật này, giá như…

Bất giác tôi thấy mình thật ích kỷ, tôi có gì cho chị chứ, bấy lâu nay tôi chỉ nhận từ chị mà thôi. Tôi luôn mong chị được bình yên, hạnh phúc và bên Chúa, chị đang có được điều đó, tôi còn đòi hỏi gì?  Chị mãi là chiếc bút bi đen: toàn mỹ và đầy bí ẩn. Còn tôi chỉ là chiếc bút bi xanh mộc mạc, mộng mơ thiếu thực tế, màu của những hy vọng viễn vông…

Lê bước về Ký túc xá, có tiếng nhạc não nề từ phòng của ai đó phát ra: “Tình đẹp muôn thuở là tình trong trắng tuổi học trò. Mộng hồng tan vỡ, trách mình không dám nói yêu em…”

 

Mã số: 15-009

 

NẮNG LẠNH

 

Bảy giờ rưỡi sáng 25/12, nó rời nhà thờ trong niềm vui khôn tả sau Lễ Giáng Sinh. Điều đặc biệt là hôm nay có nắng sau những ngày giá lạnh âm u. Và thật bất ngờ khi nó nhìn thấy anh đang lững thững dắt xe đạp phía trước, dù chỉ sau lưng thôi nó vẫn dễ dàng nhận ra anh trong dáng vẻ cao to và ăn mặc khá phong phanh mặc trời rét đến mấy. Vâng, anh là thần tượng của nó: cao to đẹp trai, học rất giỏi lại là bí thư Đoàn trường. Mỗi dịp có sinh hoạt tập thể, anh lại ôm đàn ghi ta say sưa hát, nó nhìn anh say mê không giấu diếm, mọi thứ xung quanh với nó coi như “liệt sĩ” hết. Cũng đã nhiều lần nó đi theo anh, vui sướng khi anh vô tình đưa mắt nhìn nó. Thực ra nó cũng chẳng việc gì phải “si tình” đến thế, bởi nó cũng khá xinh, có khá nhiều anh chàng để ý đến, nhưng lũ “chíp hôi” kia làm sao so sánh với anh được…

Xe anh thủng săm?  Ái chà, éo le đây. Nhưng may quá, ngay phía trước đã có bác sửa xe ven đường rồi. Tạ ơn Chúa, nó thầm nghĩ. Giá như anh cũng là Con Chiên của Chúa, ắt hẳn giờ này đã sánh bước bên nó từ nhà thờ rồi…

Nó vừa dừng lại quan sát thì có một bà cụ ăn xin mắt mù đi qua, nó thả vội tờ một nghìn vào chiếc nón rách nhưng bà cụ dường như không nhận ra, vẫn huơ huơ cây gậy từ từ đi lên phía trước, tiến về phía anh. À, nó “ái chà” một tiếng khe khẽ, hóa ra xe anh chỉ xịt lốp chứ không phải thủng săm, khi bác thợ bơm xe xong, nó thấy anh đập đập vào túi….

Và, nó không thể tin vào mắt mình nữa, anh thò tay nhón lấy tờ tiền một nghìn nó vừa thả vào nón bà cụ và đưa vội cho bác thợ rồi phóng vù xe đi. Bà cụ thấy động, tưởng được cho tiền vội gật gật đầu rối rít cảm ơn…

Có một cái gì đó lạnh toát, lạnh hơn cả bầu trời Bê-lem năm nào đang bao trùm lấy nó…

 

 

Mã số: 15-010

 

MẶT TRỜI VẪN ĐANG LÊN

 

Thủy ngồi đó, nó vẫn làm công việc ưa thích mỗi ngày nghỉ hè hay cuối tuần: ngắm mặt trời lên. Nó yêu cái cảm giác nhìn ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá liên tục thay đổi lung linh như ánh đèn sân khấu. Nhưng hôm nay, ánh mắt của nó không xa xăm, vời vợi như mọi ngày mà rạng ngời như có một biến đổi lớn lao trong tâm hồn vậy…

***

Sau trận ốm thập tử nhất sinh lúc một tuổi hơn, chân của Thủy bị liệt, những cố gắng chạy chữa của gia đình và nỗ lực luyện tập chỉ giúp nó ngồi được. Tuổi thơ với nó chỉ là một vài trò chơi không cần dùng đến chân như chơi chuyền, ô ăn quan… thời gian còn lại là tựa cửa ngóng ra ngoài, ánh nhìn thật xa xăm như trông đợi có một phép mầu sẽ đến…

Lên sáu, khi bè bạn bắt đầu đi học tiểu học thì nó vẫn vậy, lê lết trên thềm nhà, tựa cửa ngóng ra ngoài. Thời điểm đó - những năm chín mươi thế kỷ trước - xe lăn không những hiếm mà còn rất đắt, đáng giá cả gia tài của người miền quê. Bố Thủy đau yếu luôn, nhà phải chạy ăn từng bữa nên khái niệm “xe lăn” thậm chí không có cả trong mơ. Thương em, chị Loan, chị gái nó chỉ biết cố gắng dạy cho em tập viết, đánh vần để không thua kém chúng bạn. Cũng may ở gần nhà thờ nên Loan vẫn có thể cõng em đi học giáo lý. Những phút giây được học kinh bổn cũng là những phút giây vui vẻ nhất của Thủy trong ngày. Được đi học giáo lý, ước mơ được tới trường của nó càng lớn hơn. Rồi dịp may cũng đến, một năm sau thì trường chuyển về gần nhà, chị Loan xin bố mẹ cho cõng nó đi học. Đã bảy tuổi nhưng Thủy vẫn nhỏ thó như trẻ lên ba lên bốn với đôi chân teo nhỏ, chị Loan thì đã phổng phao như thiếu nữ dù chỉ hơn Thủy hai tuổi rưỡi. Ban đầu bố mẹ không đồng ý, bởi không chỉ sợ vất vả cho Loan mà thêm một đứa con đi học nhà càng thêm gánh nặng kinh tế, Loan phải nói thêm là sẽ cố giúp em đoạt học bổng “học sinh nghèo vượt khó” như mình thì bố mẹ mới miễn cưỡng gật đầu.

Cái việc cõng Thủy đi học không đơn giản như suy nghĩ ban đầu của Loan dù nó cõng em nhẹ bẫng, bởi thời tiết đâu chỉ những ngày nắng đẹp mà còn những hôm mưa gió, bão lụt. Không chỉ vậy, Loan gần như không có giờ ra chơi, nó phải chạy như bay sang lớp Thủy chỉ để kịp cõng em đi vệ sinh. Thủy càng lớn Loan càng vất vả hơn, cái vẻ phổng phao của nó cũng bị chững lại, nhìn dáng đi liêu xiêu khi phải oằn mình cõng em lúc trời nổi gió ai cũng xót xa, nhưng nó chưa một lần oán trách em, cũng chưa bao giờ ân hận với quyết định của mình.

Rồi cả ước mơ được làm “bà xơ” của Thủy nữa, Loan cũng rất ủng hộ, năm lần bảy lượt nó cõng em lặn lội đến Tu viện, xin cho Thủy được làm “đệ tử”, nhưng xơ Hương - xơ phụ trách không đồng ý vì Thủy không đi lại được, mà không tự chăm sóc cho mình được thì đi tu làm sao. Cuối cùng, xơ Hương cũng muốn thử xem quyết tâm của hai chị em đến đâu bèn nói là sẽ xem xét nếu Loan cũng đi tu cùng, nhưng chỉ cõng em đi lại, còn mọi việc Thủy phải tự làm lấy, nếu hai đứa “vượt qua thử thách” thì xơ sẽ nhận.

Cái gọi là “thử thách” của xơ nghe rất đơn giản là tự chăm sóc mình và làm những việc “nữ công gia chánh” như thêu đan, trồng trọt, nhưng đối với Thủy là cả một vấn đề, đặc biệt là những việc nó chưa từng làm như trồng hoa, trồng rau. Người ta vẫn thường nói: “trời không lấy của ai tất cả”, ý nói người tật nguyền thì thường khéo tay, nhưng Thủy thì không thế, nó làm cái gì cũng vụng. Thương em, Loan cố giúp Thủy bằng cách “đổi bài”. Xơ Hương không hề hay biết, càng ngày càng quý Thủy, lắm lúc thở dài “tội nghiệp con bé khéo tay thế mà…”.

Có lẽ mọi việc sẽ êm xuôi nếu ngày kia cây hoa hồng Thủy trồng không nở những bông hoa đầu tiên. Nụ cười của xơ Hương tắt ngấm khi bà nhận ra: cây hoa hồng bà giao cho Thủy trồng là cây Hoa hồng đỏ, không thể nở ra Hồng bạch được! Rõ ràng hai đứa đã “đổi bài”, cây hoa hồng Thủy trồng là cái cây còi cọt kia cơ. Xơ giận lắm, gọi hai chị em đến và nói một câu ngắn gọn: “Tu viện không nhận những người dối trá”.

Thủy rất buồn, không một ai an ủi được. Rồi nó ốm dài ngày, tưởng chừng không gượng dậy nổi. Xơ Hương không đến thăm, chỉ gửi cho nó một cuốn sách. Ban đầu nó dỗi không đọc, nhưng rồi cũng tò mò lật giở từng trang, ánh mắt bỗng chốc vụt sáng, nó trở dậy mạnh mẽ và quyết tâm hơn, tuy nó chưa một lần mơ thấy Chúa như xơ Briege McKenna trong cuốn sách đó. Nó mong sẽ có biến cố bất ngờ sẽ đến…

***

Nhưng biến cố bất ngờ đến lại chẳng như mong muốn của nó, đó là việc chị Loan trượt tốt nghiệp cấp hai - một cú sốc thực sự đối với gia đình bởi năm nào chị cũng là học sinh giỏi Tỉnh mấy môn. Mặc dù gánh nặng kinh tế sẽ lớn hơn nếu Loan đỗ và lên Thị trấn học cấp ba, nhưng cha mẹ đã chuẩn bị phương án cho ở trọ nhà người bà con, đặng dạy kèm cho con họ luôn. Ấy thế mà… Mẹ chỉ thở dài, còn ba thì nổi giận thực sự và lôi Loan vào nhà đánh cho một trận vì cái tội lười học. Loan khóc to nhưng không thanh minh một lời. Ở ngoài vườn Thủy sợ hãi cũng nức nở theo chị, khi thấy bố bỏ ra khỏi nhà, nó lê lết lại gần cửa xem chị thế nào…

Trong nhà, chị Loan đang ôm mẹ khóc tấm tức, thì ra Loan cố tình thi trượt bởi nó không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng điều quan trọng hơn, nếu nó lên Thị trấn thì chuyện học của Thủy cũng coi như kết thúc. Loan tính ở nhà thêm ba năm, vừa giúp bố mẹ chuyện nhà, chuyện mùa màng lại có thể đưa đón em đi học, chậm thêm ba năm nữa cũng chẳng sao, rồi cả hai chị em sẽ cùng lên Huyện học...

Thủy nghe thấy hết. Tim nó thắt lại, cổ họng nghẹn đắng. Bấy lâu nay nó chưa một lần nhìn lại: nó đang đứng trên đôi chân của chị Loan! Vì quá yêu nó mà chị đã hy sinh tất cả, sẵn sàng từ bỏ cả tương lai phía trước. Nó là gánh nặng của chị, là cây thập giá mà chị phải vác cả đời sao! Không được. Tuyệt đối không được. Nó nghẹn ngào, mắt nhòa lệ, đôi cánh tay quờ quạng đập trúng cái ghế đẩu, một tiếng “bốp” khô khốc vang lên đau điếng nhưng nó vẫn lê đi, ra phía bờ giếng.

Nó đu người lên thành giếng run lẩy bẩy. Chỉ cần rướn lên chút nữa, nó sẽ cất đi gánh nặng khỏi vai chị Loan và cả nhà. Bất giác nó nhìn xuống giếng: khuôn mặt nó lúc này sao giống xơ Briege McKenna trong cuốn sách vậy. Không. Tự tử không phải là cách giải thoát cho nó mà thêm gánh nặng gia đình và sẽ làm chị Loan phải ân hận suốt đời. Nó cần đứng lên bằng chính đôi chân của mình như xơ Briege McKenna mới là sự giải thoát tốt nhất…

“Trời ơi, đừng…”

Đúng lúc đó nó nghe thấy tiếng kêu thất thanh của chị Loan, rồi chị nhào đến ôm lấy nó, hai chị em ngã vật xuống nền giếng…

“Em định làm cái gì thế hả”, chị Loan nấc nghẹn…

“Em chỉ soi gương thôi mà”, sau phút trấn tĩnh nó nói thác ra…

“Cái gì, điên hả, làm tao tưởng mày định làm gì dại dột”…

May quá, chị tin nó… Thủy thở phào nhẹ nhõm…

***

Mặt trời vẫn đang lên, Thủy cười, một nụ cười rạng rỡ như ngôi sao đang bước lên sân khấu nhận giải thưởng. Trước mắt nó sẽ vẫn nhờ chị Loan đưa đón đi học, nhưng nhất định nó sẽ luyện cho đôi tay dẻo dai hơn để từ lớp 8 tự đến trường được. Nó sẽ dọa chị Loan là năm tới nếu chị không chịu đi học cấp Ba thì nó sẽ leo lên thành giếng và nhảy thật, thể nào chị cũng phải nghe…

Đang miên man suy nghĩ thì bỗng nhiên ánh mặt trời bị cái gì đó che mất, nó nhìn ra cửa thấy một chiếc xe ô tô vừa đỗ. Ai vậy nhỉ, nhà nó có thân quen với ai giàu có đâu. Nó đang băn khoăn tự hỏi đã thấy xơ Hương xuống xe và một chú mặc áo dài đen theo sau, tay khệ nệ bê cái gì đó…

Chúa ơi, nó không thể tin vào mắt mình được nữa, đó là một chiếc xe lăn!

Phép mầu đã thành hiên thực! Từ nay nó có thể đi lại được như người bình thường, chị Loan sẽ không phải ngày ngày cõng nó đến trường nữa. Vậy là nó sẽ đứng trên đôi chân của mình rồi! Ồ, cũng chưa hẳn thế! Nó vẫn đứng trên đôi chân của chị Loan ấy chứ, nhưng là một cách khác: chiếc xe lăn đó chính là học bổng Pháp Việt huynh đệ mà chị đã chọn thay vì nhận tiền mặt hay quần áo và đồ dùng học tập, chỉ tiếc học bổng này đã không thể đến sớm hơn…

Mặt trời vẫn đang lên….

 

 

Mã số: 15-011

 

ÔNG TRÙM XỨ

 

Nó vừa đi học về đã thấy người trong làng tụm năm tụm bảy bàn tán điều gì đó. Ra là chuyện ông Quý trùm xứ bị tai nạn giao thông phải nằm viện, lại đúng lúc nhà thờ đang xây dở nên ai cũng lo lắng, ngoại trừ…nó. Nó chẳng ưa gì ông trùm xứ: người thì gầy nhẳng, chột một mắt cụt một tay mà tham quyền cố vị làm gì thế không biết, hai nhiệm kỳ rồi vẫn không chịu nghỉ. Mọi người cũng kỳ, ổng ốm thì người khác thay, rồi kiểu gì nhà thờ cũng xây xong, cứ làm như cả xứ không có người ấy.

Thực ra nó cũng không phải là người vô tâm, độc ác, chẳng qua là nó đã có thành kiến với ông trùm xứ thôi - từ cái ngày ổng gây nên trận đòn đau cho nó. Tất cả bắt nguồn từ một sự hiểu lầm. Ở trong nhà thờ, nó luôn trang nghiêm và giữ tỉnh táo để nghe cha giảng, nhưng mấy đứa xung quanh thì thường xuyên ngủ gà ngủ gật, đặc biệt là thánh lễ sáng sớm. Bởi thế nó thường lay tụi kia dậy, có đứa dụi mắt nghe giảng, nhưng có đứa lơ mơ tỉnh rồi lại ngủ tiếp, cá biệt có đứa ngủ mê đến mức nó vừa chạm phải thì đã ngã lăn quay ra. Thể nào ông Quý lại mách với bố nó là ở trong nhà thờ nó là chuyên gia quấy rối, chọc phá bạn bè. Thế là nó bị bố đánh tướt xác, đến khi mẹ vào can bị bố lỡ tay quất trúng một roi thì ông mới dừng lại. Không thanh minh được, nó chỉ biết trút hết mọi căm hận lên ông trùm xứ. Thế nên nghe tin ổng bị tai nạn, nó càng mừng ấy chứ…

***

- Tắt ti vi đi ngủ sớm, bốn giờ sáng mai còn đi lễ cầu nguyện cho ông Quý!

Bố ra lệnh thế, nó ức lắm, miệng lủm bủm:

- Làm lễ hồi tử ổng luôn cho rồi. Tự nhiên mất tập phim lại còn phải dậy sớm cầu nguyện cho cái ông lắm mồm đó…

Chưa dứt lời, nó đã lĩnh ngay một cái tát như trời giáng. Tiếng bố nó rít qua kẽ răng:

- Thằng mất nết, tao dạy mày thế hả?

Vừa mắng bố nó vừa vơ cái thước xây định cho nó một trận nên thân. May là mẹ đã kịp cản lại:

- Con nó còn nhỏ chưa hiểu chuyện, để em khuyên bảo nó cho.

Rồi mẹ kéo vội nó xuống nhà dưới, sau lưng tiếng bố nó với theo: “Mười bảy tuổi rồi, nhỏ nhít gì nữa”…

Và mẹ đã kể cho nó nghe chuyện của ông trùm xứ…

***

Vào những năm cuối thập niên Sáu mươi thế kỷ trước, ông Quý lúc đó cũng bằng tuổi nó bây giờ, là một anh chàng thanh niên trai tráng với khuôn mặt chữ điền và bộ râu quai nón, ai cũng phải công nhận là quá đẹp trai, đến mức nhiều người phải chép miệng “cái gì quá cũng không tốt, đẹp đến thế thì kiểu gì cũng khổ”.

Anh chàng Quý này học rất giỏi, nhưng cái lí lịch “Catholic”, lại là “đạo gốc” nên chẳng được đi thi đại học chứ chưa nói đến chuyện đỗ hay không, hết lớp Mười phải ở nhà đi cày. Nhà đông con nên anh phải “lựa chọn” những thửa ruộng “nóng” nhất của xã để tính công, tính điểm cho cao - đó là những điểm máy bay Mỹ thường “đánh tọa độ” - mặc cho nhiều người can ngăn bởi đẹp trai có tài thì…hay chết sớm lắm, nhưng “bom đạn tránh người, sống chết Chúa định”, anh chẳng sợ. Các vị Cán bộ xã “thương cảm” cho gia cảnh, cũng thấy “tiếc” vì anh có tài nên cho làm thêm cái chức Kế toán hợp tác xã để thêm công điểm, lại đỡ phải ra “tọa độ” đi cày. Với Quý, làm kế toán cho cái hợp tác xã cỏn con này thì công việc cả tháng anh chỉ cần ngồi cộng một buổi là xong, nhàn tênh.

Con gái trong làng ai cũng say Quý như điếu đổ, nhưng người anh yêu và cũng rất yêu anh là thì bị gia đình nhà bên đó cấm cản. Đơn giản vì “tình địch” của anh quá mạnh. Tín là con nhà khá giả, làm thợ sửa đồng hồ, là cháu của Cố Cụ, bác ruột của Tín là linh mục giám quản của Địa phận nên luận về gia thế, đạo nghĩa hay kinh tế đều hơn hẳn Quý. Bố mẹ của Hương thì kiên quyết không cho qua lại với Quý dù hai người đã yêu nhau từ thuở còn học chung lớp. Ngày cưới của Hương cũng là ngày Quý vác ba lô tòng quân, không phải “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực” mà đơn giản là anh hận đời, hận người và quyết tâm đi bộ đội để sau này có cơ hội được học lên đại học, thành đạt để trả thù đời.

Ba năm sau, đơn vị lập được chiến công lớn cộng thêm bị thương nhẹ, Quý được nghỉ phép về thăm nhà và dưỡng thương tận hai tháng. Anh được chính quyền đón tiếp rất long trọng và điều tuyệt vời hơn là anh đã tìm được tình yêu mới. Huyền, con gái của thầy Hiệu trưởng cũ của anh, vừa mới tốt nghiệp y tá. Cô cũng đã thầm yêu anh từ thời còn đi học, nhưng biết anh và Hương yêu nhau nên lặng lẽ rút lui. Khi anh về quê dưỡng thương, cô được đặc trách chăm sóc anh và “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Ai cũng mừng cho anh đã có được người yêu đẹp người đẹp nết, gia đình bên đó lại cho phép cô theo đạo nếu hai người nên duyên, chưa kể việc “bố vợ tương lai” là người trong ngành giáo dục, sau khi phục viên thì cơ hội học lên của anh càng rõ ràng hơn.

Thế nhưng, đúng là “cái gì quá cũng không tốt, đẹp đến thế thì kiểu gì cũng khổ”, Quý bị thương nặng sau khi quay lại đơn vị chiến đấu. Một mảnh đạn đã làm anh bị mù mắt trái, mắt phải thì chỉ còn năm độ, cánh tay phải cũng nằm lại Đất Mẹ bởi một mảnh bom trong trận đánh đó. Trở về quê thân tàn ma dại, anh còn nhận thêm vết thương lòng nặng nề hơn. Huyền chỉ đến thăm anh đúng một lần, ôm lấy ống tay phải được cột túm lại của anh và khóc rất to rồi nửa năm sau đi lấy chồng. Ngày Huyền lên xe hoa, anh lại bước lên tàu vào Nam với đôi mắt không còn lệ và cái đầu trống rỗng, thề sẽ không quay về khi chưa thành đạt.

Nhưng mười lăm năm năm lăn lộn ở mấy tỉnh miền Nam anh vẫn chưa thành đạt, hay đúng hơn là chỉ kiếm ăn qua ngày bởi sức khỏe quá kém, không bằng cấp, tứ cố vô thân lại không có vốn, thậm chí cả giấy tờ chứng nhận thương binh cũng không mang theo. Anh vẫn nhất quyết không về quê cho tới khi bạn của bố anh, lúc đó đang là trùm xứ nói với bố anh: “Bảo nó về đi, tao gả con Xuân cho rồi cấp cho ít vốn mà làm ăn chứ lang thang trong Nam mãi làm gì có tương lai”. Trong chuyện này ai cũng ái ngại cho Xuân (nay là bà Quý) phải vâng lời mà về ở với cái “ông già” hận tình với khuôn mặt đầy sẹo, cơ thể quắt queo đầy vết thương. Nhưng ít ai biết cô đã thần tượng anh từ nhiều năm trước, khi anh còn chưa tàn phế.

Đến những năm cuối thập niên chín mươi thế kỷ trước, khi đất nước mở cửa được hơn mười năm, gia đình ông Quý đã có một vốn liếng đáng nể là một cây xăng và một tiệm vàng ở Thị trấn. Với “cái đầu siêu việt” của mình, không có lý do gì khi ông đã giàu lại càng không giàu thêm. Năm đứa con thì hai chị đầu đã học xong đại học và có việc làm ổn định trên thành phố, một anh vừa đỗ Đại chủng viện, một chị sắp Khấn lọn đời, đứa còn lại kém nó một tuổi cũng nổi tiếng học giỏi, nghe đâu ông tính cho “kế tục sự nghiệp”. Gần đây ông thậm chí đã sắm được ô tô riêng, dân trong vùng ai cũng biết đến với cái tên “ông Quý Vàng”. Người làm thuê đã lên tới con số hàng chục, trong đó ông ưu tiên thuê người Công giáo mà chủ yếu là người làng, để “mình yên tâm hơn” theo cách nói của ông. Nhưng ông đối xử với người làm rất công bằng, không ưu tiên ai, không ghét bỏ ai, kể cả với con trai bà Hương - tình cũ của mình.

Rồi khi bố vợ qua đời, ông Quý dù bận công việc kinh doanh vẫn kế tục sự nghiệp làm trùm xứ. Kể từ khi ông trực tiếp nhận nhiệm vụ, giáo xứ càng được xây dựng khang trang bởi ông với mối quan hệ làm ăn và tài ngoại giao của mình đã xin về được rất nhiều tài trợ và cũng chính ông là người đã mạnh dạn xin xây lại nhà thờ vì đã quá cũ, năm nào cũng phải tu bổ mà vẫn mưa dột. Ngày khởi công, ông đã đóng góp hàng trăm triệu. Tai nạn giao thông hôm nay xảy ra khi ông lên miền núi để chọn gỗ cho nhà thờ…

***

Nghe mẹ kể chuyện, nó quá đỗi bất ngờ. Chắc mẹ hiểu nó hận ông Quý chuyện năm xưa nên mới kể cho nó nghe về ông. Vậy là bấy lâu nay nó vẫn hận một người luôn nhiệt huyết vì giáo xứ và lỗi lầm năm xưa của ông Quý đối với nó thực ra cũng chỉ là xuất phát từ cái nhiệt huyết đó mà thôi. Ừ, thì “thánh nhân” cũng có lúc sai lầm cơ mà. Nó vội vàng lên nhà trên xin lỗi bố. Nhất định ngày mai nó sẽ dậy sớm đi lễ cầu nguyện cho ông Quý, nó sẽ giữ mình tỉnh táo và lay mấy đứa hay ngủ gật dậy cùng cầu nguyện cho ông.

Thốt nhiên nó thấy sống mũi cay cay. Hình như đây là lần đầu tiên nó khóc mà không phải do bị đánh…

 

Mã số: 15-012

GÃ LANG BĂM

 

Rầm!

Tôi cố nhấc cánh tay mình lên, mà dường như có cái gì đó đè nặng, dán chặt xuống giường, nặng như khối đá đè lên.

_ Ông đừng nhúc nhích. Thầy đang chữa cho Ông đấy!

Hả ? ? ?

Tôi bị sao?

_Ai mà biết. Thầy Tôi nhặt Ông từ ngoài đường vào. Hình như ông bị té xe thì phải!

Đầu óc tôi loáng thoáng nhớ ra, chiều nay tôi đi giao hàng, đang chạy trên đường, đầu choáng váng… Hình như có chiếc xe đạp…Phải rồi một gã trung niên chạy xe đạp…Rồi…!

Tỉnh dậy tôi lại ở đây.

Tỉnh dậy là tốt rồi!

Ánh mắt ấy,  nụ cười ấy, nó dợn dợn trong đầu tôi, phụp tới phụp lui…

_ Không nhận ra tôi chứ gì ?

Không nhận ra cũng phải. Hơn hai mươi năm rồi còn gì! Dòng thời gian chảy trôi bào mòn hết…

Tôi chợt há hốc mắt: _ Cũng Lang Băm hở?  Rồi như biết mình bị hớ hênh tôi im bặt.

Đôi mắt trầm buồn như lúc nào cũng muốn thốt lên lời. Giọng đục ngầu, nhưng cứng rắn. Gã nhìn xa xăm …

 Nhờ sợi dây chuyền và cây thánh giá, không, đúng hơn là ánh mắt khẩn thiết trước khi ra đi và lời dặn dò của Ông cụ.

Dòng đời cứ chảy và Nó cứ trôi, cây thánh giá không bị bào mòn cứ sáng lóang trên cổ Nó, linh hồn Ông cứ lẩn quẩn bên Nó chưa tan…

...

Nó bị túm lấy cổ, bị đấm đá túi bụi, mắt bị sưng húp lên. Ông ta chưa tha, tay xốc cổ áo Nó, chiếc áo toạc ra, Nó nhanh tay chụp vào cổ, mắt ông sựng lại, hình cây thánh giá sáng loáng, chiếu thẳng vào mặt ông. Ông buông thỏng tay, lùi về phía sau, ngẩng mặt nhìn Nó. Lúc này, ông mới nhận ra khuôn mặt bê bết máu, khuôn mặt có vẻ cam chịu, ánh mắt Nó chùng xuống, miệng lí nhí: Xin lỗi. Có một cái gì đó nhói lên từ tim, chỉ vì cái bánh mì cỏn con, mà Ông đã nổi xung thiên. Thật ra, Ông chỉ ghét cái ngữ cắp vặt… Một phút nhìn vào cách Nó bảo vệ cây thánh giá trên ngực Nó, làm Ông chựng lại và quay quắt một ý nghĩ…

Duyên số ở đời lắm khi cay nghiệt, chòng chành năm tháng đi qua, bàn tay đã từng dội thẳng trút xuống những trận đòn lại là đôi bàn tay cứng rắn, dang ra, ôm Nó vào lòng.

Cái của quỉ, tự động lại rơi tỏm vào đời Ông. Nó lại xoáy vào tim Ông nổi đau, đau, đau liên hồi. Hình ảnh con trai Ông, vợ Ông ùa về nhức nhói…

Đứng chờ Nó trước cổng trường Ông lại chập chờn với tai nạn khủng khiếp, mọi thứ còn ẩm ướt một góc tim…

_ Tía, tía… Tiếng Nó làm Ông choàng dậy chạy ra xa khỏi quá khứ. Đời Ông ấm lên kể từ đây!

Chiếc xe bánh mì, lướt nhẹ trên đường hơn nhờ đôi tay nhỏ nhắn rắn chắc của Nó, đường dài ngắn dần đi vì mảng chuyện rời rạc của hai Tía con. Hai mảnh ghép chông chênh được kê vào nhau, cố vá víu cho bằng phẳng.

Cứ đều đặn, mỗi sáng, hai Tía con dậy từ rất sớm, chuẩn bị mọi thứ rồi đẩy xe bánh mì đi. Mỗi lần ngang qua cung thánh đường, Ông thấy Nó kéo từ trong cổ aó ra, Cây Thánh giá đôi mắt chùng xuống xa xăm, đầu trôi theo dòng cảm xúc, câu chuyện ngưng bặt, Ông có cố nói thêm thì Nó chỉ ừ, hử…Thời gian kéo chầm chậm lại, ì ạch như chiếc xe ngựa, bánh xe lún vào vũng sình lầy lội…  Đời Ông nguội lạnh, hẩm hiu, lấp đầy bởi bánh mì, mấy câu chuyện lỏng chỏng không đầu đuôi của một ngày chong cheo giữa chốn đông người, lúc nào cũng ào ào, trộn xáo hết tận cõi lòng ông, không có phút bình yên để ngẫm nghĩ chiêm niệm như Nó. Ông quên bẳng đi Ông là ai?  Đến trong đời này để làm gì?  Thà là thế! Cứ như thế mà hay! Cảm giác đó lâu lắm rồi, hôm nay lại khang khác,Ông nhìn vào khoảng lặn trong Nó, sau cái phút thầm lặng ấy mắt Nó sáng quắt lên, cảm xúc Nó được lật sang trang mới toanh, lại líu lo chuyện trường chuyện lớp, giống y như…mắt ông ràn rụa, có cái gì đó ran rát…bụi bậm vô chừng nó đáp đúng thì đúng lúc..Ông lấy tay dụi dụi, nó nhanh nhẹn kéo ông xuống: _Tía để con thổi nó ra cho, không thì … Nó bỏ lửng câu nói, Ông cúi thấp xuống, lòng thầm nghĩ lúc Nó xuất hiện nhảy vào đời Ông là miếng bụi trốc ra, mong là nó thổi bong miếng bụi ra khỏi cõi lòng Ông, đừng nhùng nhằn, đừng dẻo lại, trốc hết đi…trốc đi để đời Ông gắn chặt vào nó cũng hay!

Tiếng thở nó đều đều, Ông vén lại mí mùng, rồi nhè nhẹ leo lên khung gác xếp, lâu rồi, Ông không bước chân lên đây, mạng nhện giăng đầy, cổ kính, mọi thứ vẫn im lìm nằm đây, như chứng tích, minh định điều gì đó, cõi lòng Ông cuồn cuộn cảm giác khó tả, cảm xúc không tên ùa về, những cơn gió riêng lẻ, len lõi vào tận sâu ngóc ngách linh hồn Ông… Ông lau chùi chiếc xe tăng bám đầy bụi, con Robot đủ màu, cái cặp màu xanh, hộp bi lung linh màu sắc… Ông sựng mắt nhìn vào những hộc gỗ đựng những cây lá, lưng lửng còn lại, lá thuốc cú lâu ngày mà vẫn còn cái mùi ngay ngáy… Mọi thứ dường như vuột khỏi tầm tay ông, chạy xa Ông… Trong mờ ảo của ký ức hiện về, người đàn ông, lôi Ông ra khỏi men say bên gian phòng thuốc và ném vào ông mấy từ: Gã lang băm! Rồi giận dữ bỏ đi, để Ông tỉnh dậy với bao ngổn ngang giầy xéo tâm can, gian phòng ấy đong đầy hình ảnh vợ con ông, líu ríu phụ ông phơi thuốc, lấy dùm sợi giây, cắt miếng giấy nhật trình, lắm lúc bận bịu đông khách, thằng bé lèo nhèo đòi đưa đi học, Ông có hơi bực mình… Tất cả hiển hiện nơi đây, đòi nợ ông, trêu đùa, bỡn cợt trên nỗi đau, mãi mãi tấy lên mưng mủ, vết thương không lành…Ông đóng sầm mọi thứ lại, chỉ có dứt bỏ, chỉ có đoạn tuyệt …Lâu rồi! giờ nhìn lại bàng hoàng như mới hôm qua… ngày mai nó sẽ được đổi chủ, ngày mai nó sẽ sống dậy, sống động, chiếc xe tăng sẽ tiếp tục chở những ước mơ phóng về phía trước…ngày mai, ngày mai dứt khoát phải là ngày mai, có chút dằn dặt, day dứt…Một khoảng lặn rớt tỏm xuống đời Ông. Ông nhìn nhanh xuống cổ, cây thánh giá lâu rồi cũng ngủ yên, đục màu, không sáng loáng như trên cổ Nó- Giờ này có lẽ Nó đang ngủ say, mơ một giấc mơ tròn trịa. Ông mân mê cây thánh giá cũ mềm trên cổ, cũng phải thôi, cây thánh giá, chất chứa, phủ đầy bao u ám, Ông từng ngày phếch lên, gỉ sét, đong cứng như linh hồn Ông, cằn cõi, héo úa…Bao lâu rồi Ông không bước vào thánh đường Ông cũng không còn nhớ nữa? ?  Mọi thứ tốt đẹp đổ tháo vươn vãi, những ngày dài Ông lặn ngụp trong men cay, rượu đắng…Ông siêu vẹo đứng trước quầy thuốc, đầy cây lá, ông không còn nhận ra mùi cỏ cú quen thuộc…Ai đó quăng vào Ông mấy từ : Gã lang băm! Chấm hết!

 Cũng may, chiếc xe bánh mì, lẽ sống hàng ngày của ông…

Một cuộc đời trùng lặp, giống, giống đến không nhận ra…Hai cái bóng ngã ngã, xiên xiên,dìu nhau giữa tảng cây rợp lá, xanh rờn, xanh của màu sức sống mới, tiếng chuông chiều buông rơi tản mạn, rồi từng chùm, từng chùm, réo rắt…

Tía ơi! Hay mình ghé lại!

Cánh của mở sẵn chờ đón hai Tía con, lẳng lặng, bước vào hàng ghế cuối, Gã quì xuống, dấu thánh giá rớt nhẹ trên trán lão, tinh khôi như ngày nào Gã bập bẹ bên Ba lão…Thằng bé, ngơ ngác nhìn lên tượng khổ nạn đặt giữa vương cung thánh đường, mão gai nhọn, máu còn vươn vãi trên trán Người gục đầu…Nó thò tay vào ngực cây thánh giá vẫn sáng loáng, nóng hổi mùi vị của Cha Nó… Tuổi thơ ùa về mặn rát trên môi, giọt nước mắt còn sót lại rơi ra chảy dài trên má, bàn tay nóng ấm chạm vào ngăn dòng nước chảy, Gã ôm Nó vào lòng mắt lim dim, hạnh phúc lại ùa về, sự đáp trả đong đầy…Cây thánh giá trầy trụa vết sét đang sáng lại từ lồng ngực Gã…Thánh giá phục sinh!

 

BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Cập nhật cho cuộc thi lần thứ ba - 2015

 

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

I. THỂ LỆ

1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.

2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.

3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá 3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.

4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.

5. Đề tài: Truyện cần mang nội dung Kitô giáo, có tác dụng xây dựng đức tin cho Dân Chúa và loan báo Tin mừng cho người chưa biết Chúa.

6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.

7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.

8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.

9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.comgopnhattho@yahoo.com.

11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.

12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.

13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm

14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.

15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.

16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

II. TƯỞNG THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng

Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:

- một giải nhất:                                                20.000.000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải                             12.000.000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải                                 8.000.000 $VN

- 15 giải triển vọng, mỗi giải                               3.000.000 $VN

 

Tuyển tập truyện ngắn riêng

Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.

III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

1. Bình chọn

Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép

Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

 

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

 

Cập nhật

Qui Nhơn, ngày 23-9-2014

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)

Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn

 


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả