GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2017

BẢN TIN 11

 

Thưa quí độc giả và quí tác giả,

Trong cuộc họp mặt các tác giả 21-22/9/2016, một số vị đã băn khoăn nêu câu hỏi: Sau khi Giải Viết Văn Đường Trường kết thúc vào mùa thu 2018, đâu sẽ là không gian và cơ hội để các bạn trẻ yêu thích văn thơ Công giáo cùng giao lưu gặp gỡ. Được sự chúc lành của Đức Giám mục bản quyền, Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục của Giáo phận Qui Nhơn đã xúc tiến thực hiện một tuyển tập thơ văn định kỳ, mang tên Mục Đồng để đáp ứng thao thức ấy.

Tập san Mục Đồng ban đầu dự kiến sẽ phát hành số ra mắt dịp Tết Đinh Dậu, thế nhưng mãi gần đây mới in xong. Ngày 24-4-2017, Ban Biên tập đã có buổi gặp gỡ để cùng nhau vui mừng cầm món quà bé bỏng trên tay, mà cảm thấy cả một hồng ân hết sức lớn Chúa đang xuống.

Cùng với Tập san in, dự tính cứ ba tháng phát hành một số, Ban Văn hóa và Giáo dục của Giáo phận Qui Nhơn còn xúc tiến thực hiện một website song song, cũng mang tên Mục Đồng: www.tapsanmucdong.net. Website đã khai trương dưới sự bảo trợ của Thánh cả Giuse trong ngày lễ của ngài, 01-5-2017.

Ngoài mục đích tạo giao lưu gặp gỡ, cả ấn phẩm và trang mạng Mục Đồng còn mang ước vọng giúp các bạn trẻ chí thú trau dồi tiếng Việt.

Trong những lần họp mặt trao giải Viết Văn Đường Trường, cách riêng là dịp năm 2015, các tác giả hiện diện đã thốt lên tiếng lòng thổn thức trước tình cảnh tiếng Việt thân yêu đang bị suy thoái trầm trọng. Các con cái Chúa đặc biệt thấy xót xa vì tiếng mẹ đẻ là phương tiện không thể thay thế được trong công cuộc loan báo Tin mừng cho đồng bào người Việt. Các cuộc thi văn thơ và các câu lạc bộ “văn học trẻ” của Giáo phận Qui Nhơn và Giáo phận Kontum đang là những nỗ lực kiên trì và miệt mài để trau dồi khả năng sử dụng tiếng Việt cho con em trong giáo phận mình. Một số người trong quý vị và các bạn cũng đang có những cố gắng hết sức đáng ca ngợi với cùng mục đích ấy, nhằm giúp cho các em học sinh trong giáo xứ, với những hình thức lớp học, câu lạc bộ, facebook, trang web mini... Hẳn lắm lúc quý vị và các bạn cũng cảm thấy cô đơn lẻ loi…

Tập san báo giấy và website Mục Đồng hy vọng sẽ là người đồng hành với quý vị và các bạn trong nỗ lực chăm sóc tiếng Việt cho thanh thiếu niên và nhi đồng trong khu vực. Cùng lúc, Mục Đồng ước mong kế thừa di sản của cha anh với lòng biết ơn, xây dựng các tác giả trẻ thành đội ngũ tiếp tục chăm sóc cho lớp đàn em, và thêm nữa là khích lệ các mầm non ưu tú.

Theo hướng ấy, Ban Biên tập sẽ sắp xếp số trang của mỗi tuyển tập (từ số 2, mỗi số sẽ dao động từ 100 tới 120 trang) theo tiêu chí sau đây:

- 30 % dành cho các tác giả trên 40 tuổi.

- 70 % dành cho các tác giả từ 40 tuổi trở xuống, trong đó 20 % dành cho các tác giả còn trong độ tuổi đi học.

Còn trên website thì không có sự giới hạn về độ tuổi ấy. Mời mỗi người trong quý vị và các bạn ghé thăm và cùng tích cực đóng góp bài vở cũng như  ý tưởng. Chúng tôi ước mong dần dần mỗi người sẽ khám phá ra sở trường của mình để thường xuyên tham gia vào những chuyên mục mình thích.

Xin hồi âm về email: <tapsanmucdong@gmail.com>

Cũng rất mong quý vị và các bạn tìm cách giúp giới thiệu rộng rãi Tập san và Website đến bạn trẻ xa gần, mời gọi mọi người đọc và viết bài đóng góp.

Chân thành cám ơn quý vị và các bạn. Nguyện chúc tất cả luôn an vui trong Chúa.

Tiếp đây, xin mời quý vị và các bạn thưởng thức 7 truyện mới đã vượt vòng loại và đang được chấm sơ khảo.

 

Qui Nhơn, ngày 03-5-2017

Lm. Trăng Thập Tự

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 17-107

 

RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

 

Anh sinh ra trong một xứ đạo có truyền thống lâu đời. Có lẽ chính vì lo giữ truyền thống mà anh có cảm giác nó đã quá già nua với những nếp cũ. Giáo dân quê anh vẫn lầm lũi giữ đạo với bao trái ngoáy diễn ra hàng ngày nơi thánh đường mà không một lời kêu ca. Không ít người hiểu rõ điều đó, nhưng đức tin tinh tuyền ông cha để lại không cho phép họ làm khác. Cái cảm giác lo sợ vì không có mục tử trong suốt mấy chục năm do bị phạt vì tội kiện cha xứ vẫn ám ảnh bao thế hệ quê anh. Ông bà cha mẹ luôn răn dạy con cháu nơi đây phải bằng mọi cách vâng lời cha xứ vì ngài là đấng thay mặt Chúa ở trần gian. Không gì khổ bằng đoàn chiên không người chăn dắt đâu con!

Từ lâu, anh đã không còn thiện cảm với cha xứ của mình khi ngài dâng lễ chẳng mấy sốt sắng. Bài giảng dài lê thê mà nội dung nghèo nàn, lặp đi lặp lại. Thậm chí cha còn nói năng, cư xử thiếu nhân bản ngay cả khi còn trên bục giảng Lời Chúa. Điệp khúc tiền thì được cha nhắc đi nhắc lại nhiều hơn cả Tin Mừng yêu thương. Hình ảnh người mục tử như thế ngày càng xấu đi trong mắt anh. Ước mơ làm linh mục trong anh cũng chết dần theo năm tháng.

Bước vào cổng trường Đại học, anh gặp Hà Phương. Anh cảm mến cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tình cảm ngày một nảy nở khi anh biết được Hà Phương cũng tin Chúa như anh. Nhưng cô ấy là một tín hữu Tin Lành. Không rụt rè và nhút nhát như anh, Hà Phương tự tin với đạo của mình. Cô ấy cũng không ngần ngại nói về Chúa của mình và dẫn bạn bè trong lớp đi tham dự các buổi lễ của họ. Lớp anh chỉ Hà Phương và anh có tôn giáo, nhưng mọi người biết về Chúa của Hà Phương nhiều hơn Chúa của anh.

Được tham gia các nghi lễ của người Tin Lành, anh bị lôi cuốn bởi cách sống đạo của họ. Đơn giản, nhẹ nhàng. Qua mỗi buổi lễ, anh được học hỏi Lời Chúa, được nói lên những điều mình suy nghĩ, được đánh động. Anh có dịp được hiểu Lời Chúa một cách sâu sắc hơn. Anh nhận ra Lời Chúa quá đỗi phong phú mà trước giờ anh chỉ biết một cách mơ hồ. Anh bắt đầu ý thức việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa từ đó.

Hàng tuần anh không còn đi lễ nơi thánh đường Công giáo; hàng tháng, anh không còn tìm đến tòa giải tội như khi còn ở nhà. Tòa giải tội là nơi anh từng cảm nhận được lòng Chúa xót thương khi anh trút bỏ được những bí mật, những tội lỗi giấu kín trong lòng mà không biết thổ lộ cùng ai. Nhưng không hiểu sao, giờ anh có cảm giác nó thật đáng sợ. Giờ đây, anh có thể trực tiếp thưa với Thiên Chúa về tất cả tội lỗi của mình như cách Hà Phương chỉ cho anh mà không cần qua bất cứ trung gian nào. Anh không còn tin linh mục có thể tha được tội lỗi cho anh. Bởi anh thấy cha xứ của anh tầm thường quá, đời sống của cha không hơn gì nếu không muốn nói là thua kém giáo dân về nhiều mặt. Anh trở nên kiêu ngạo và tự đắc. Anh cũng chẳng cần Đức Mẹ chuyển cầu như lời mẹ anh hằng căn dặn: Hãy năng cầu nguyện với Đức Mẹ con nhé! Chính Đức Mẹ là máng thông ơn, mối dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Chuỗi tràng hạt anh mang theo được treo kính cẩn ngay đầu giường để mỗi sáng mai thức dậy hay khi đêm về, thậm chí những lúc khó ngủ anh có thể lần hạt như lời mẹ dặn, đã lâu anh không còn chạm tới. Họa chăng khi ngủ mê, đôi lúc tay anh, trong vô thức đã làm cho nó lung lay. Không biết vì quên hay cố tình nhưng anh vẫn không thay đổi vị trí của chuỗi tràng hạt ấy và cũng không hề sửa đổi góc bàn thờ nhỏ trên giá sách có cây Thánh Giá với tượng Đức Mẹ và thánh Giuse quan thầy của anh.

* * *

- Chào cậu bé! – Người phụ nữ chủ động chào anh

- Cháu chào bà. Bà là ai? – Anh thưa lại

Trước mặt anh là một người phụ nữ trung tuổi. Vẻ đẹp bình thường nhưng khuôn mặt hiền từ và phúc hậu. Trang phục của bà cũng giản dị như khuôn mặt bà vậy.

- Ta là Mẹ Maria của con. – Bà trả lời

- Mẹ Maria. – Anh ngạc nhiên. – Tôi không tin, bà đừng lừa tôi. Mẹ Maria mà tôi biết xinh đẹp tuyệt trần chứ không như bà.

- Con đã thấy ta bao giờ chưa mà con khẳng định ta đẹp tuyệt trần?

- Dạ chưa, nhưng ai cũng bảo thế!

- Chân lý không thuộc về số đông con ạ! Có lẽ con đã hiểu nhầm rồi. Ta đẹp nhưng đẹp về tâm hồn, đẹp lòng Chúa vì ta luôn thuộc trọn về Người.

- Vậy tại sao khi nghe giảng lễ và khi học giáo lý, con đều được nghe kể rằng: Mẹ đẹp tuyệt trần, Mẹ tuyệt mỹ, không phụ nữ nào sánh bằng.

- Có lẽ những người đó yêu mến ta nên mới gắn cho ta nhiều danh hiệu cao quý như thế. Con nghĩ xem, ta sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Nagiarét, một thiếu nữ thôn quê, chân lấm tay bùn lấy đâu ra gấm vóc lụa là, trang sức huy hoàng để có thể làm đẹp hơn các thiếu nữ khuê các? Hơn nữa, nếu ta xinh đẹp như thế thì tiếng tăm của ta đã lan xa và rất có thể ta đã thuộc quyền sở hữu của một trong những vị vua quan thời đó rồi, đâu đến lượt Thánh Giuse – một người thợ mộc lấy được ta làm vợ chứ!

- Anh nghĩ ngợi một lúc tỏ ra đồng ý. Hóa ra lâu nay con đã bị gạt ư?

- Con không bị ai gạt cả. Bởi khi người ta yêu mến ai thì họ luôn dành điều tốt nhất cho người đó. Những ai yêu mến Mẹ đều muốn ngoại hình Mẹ phải đẹp nhất trong khả năng họ có thể nghĩ ra!

- Cũng như con, khi con yêu mến Hà Phương thì con thấy mọi điều nơi cô ấy đều tốt đẹp, ngay cả đạo cô ấy theo cũng là đạo tốt nhất. Khi con yêu mến Giáo hội, yêu mến Mẹ thì con thấy Mẹ, thấy Giáo hội của con nhiều điều tốt đẹp và quyết tâm theo đuổi lý tưởng linh mục để có cơ hội phụng thờ Chúa, phục vụ Giáo hội và giúp ích cho nhân loại nhiều hơn. Nhưng sự thực Giáo hội không thánh thiện, không tốt lành như con thấy nên con muốn bỏ Giáo hội, bỏ ước mơ và lý tưởng đó.

- Dạ! Con không chấp nhận được Giáo Hôi lại có thể có những thành phần bất hảo, nhất là những người dẫn dắt cộng đoàn, những mục tử của Chúa.

- Áp đặt những vẻ đẹp, đức tính, phẩm chất cách tuyệt đối, rồi chờ cơ hội thổi phồng những khuyết điểm, đó là một trong những cách con cái thế gian làm xấu hình ảnh Giáo hội. Ta muốn con nhớ rằng: Giáo hội thánh thiện vì có Chúa Giêsu là Đầu nhưng Giáo hội cũng bao gồm những con người yếu đuối, bất toàn. Cũng như con, con khao khát sống thánh thiện, ước mơ trở thành một mục tử như lòng Chúa mong ước để góp phần cứu rỗi nhân loại, nhưng trên đường đời, con lại gặp không ít khó khăn và vấp ngã. Những trở ngại này đến từ bên ngoài là sự chi phối, tác động của môi trường xã hội lên con. Đó còn là những trở ngại đến từ chính bản thân con với những yếu đuối, bất toàn của phận người. Khi đi theo Chúa là lúc chúng ta chính thức tuyên chiến với thần dữ, và ma quỷ thì không bao giờ ngủ. Chính khi chúng ta sống thánh thiện nhất, lý tưởng nhất thì đó cũng là lúc chúng ta gặp nhiều khó khăn thử thách hơn cả.

- Giờ con phải làm sao thưa Mẹ?

- Thử thách lớn nhất của con lúc này là chưa biết chọn hướng đi nào đúng nhất để đến đích. Cách tốt nhất là con hãy đứng lại để suy nghĩ. Vì khi con chọn sai đường mà cố gắng đi nhanh bao nhiêu thì càng xa đích bấy nhiêu.

Giờ con đã biết ta không xinh đẹp như con nghĩ, Giáo hội không hoàn hảo được như con muốn, và cuộc đời không phải toàn màu hồng như con ước mơ. Nhưng nếu con biết nhìn Giáo hội, nhìn thế giới chung quanh bằng nhiều lăng kính thì con sẽ dễ dàng chấp nhận mọi chuyện hơn, sẽ quảng đại hơn, bao dung hơn với cuộc đời, với mọi người. Hãy giải phóng hết mọi năng lực của tình yêu để không còn giới hạn nào cản ngăn con đến với Chúa nữa thì con sẽ chiến thắng cám dỗ và tìm được hạnh phúc trong những việc mình làm. Con cứ tin Thiên Chúa nhân từ và Ta luôn đồng hành cùng con.

* * *

Anh giật mình thức giấc, trằn trọc cho tới sáng. Đây là giấc mơ kỳ lạ nhất anh từng gặp. Một giấc mơ mà anh có thể nhớ lại được mọi chi tiết một cách rõ ràng. Suốt buổi sáng, anh không ra khỏi phòng. Anh muốn được yên tĩnh và không bị ai quấy rầy lúc này. Cầm chuỗi tràng hạt lâu nay không đụng tới, anh đi đi lại lại trong phòng, đọc kinh lần hạt như muốn trả nợ cho Đức Mẹ bấy lâu nay cho đến khi mệt lả người.

Khi mặt trời đứng bóng, anh ăn vội chiếc bánh mì và chạy đến gặp Hà Phương, kể lại giấc mơ đêm qua, về những vướng mắc trong tâm hồn bấy lâu nay khi mà chỉ trực tiếp thưa với Chúa không làm cho anh thỏa mãn. Hà Phương chỉ biết chăm chú lắng nghe anh kể một cách say sưa. Tâm hồn cô cũng nặng trĩu, lắng lo. Linh cảm của một người phụ nữ cho cô biết anh không thuộc về cô nữa. Trầm ngâm hồi lâu, cô cũng đáp lại anh:

- Em biết, niềm tin và lý tưởng làm linh mục trong anh chưa tắt hẳn. Chúng ta không cùng Hội thánh nhưng anh và em có chung một Chúa. Em hiểu anh yêu em và cảm mến tôn giáo của em. Cũng như em không có chút ác cảm nào với đạo của anh. Nhưng sẽ không công bằng nếu như em hoặc anh vì một lý do nào đó thiếu tự do mà phải theo tôn giáo của người kia. Chúng ta là những người trưởng thành và tự do trong chọn lựa. Em yêu anh, và em luôn tôn trọng mọi quyết định của anh.

- Em nói đúng. Chúng ta có tự do để chọn lựa với sự hiểu biết và tín thác. Để có thể chọn lựa sáng suốt nhất, chúng ta cần thành tâm thiện chí học hỏi để có một hiểu biết chắc chắn nhất về đạo của mình, đồng thời cũng không quên tìm hiểu các tôn giáo khác để có cái nhìn trung thực và khách quan nhất, bởi đạo chúng ta đang theo không phải là mạc khải duy nhất của Thiên Chúa. – Anh nói

- Em cũng nghĩ thế. Khi lý trí chúng ta đã có một hiểu biết đầy đủ rồi thì hãy để cho con tim mình lên tiếng bởi bí quyết của thành công, hạnh phúc nằm ở con tim chứ không phải lý trí.

- Và biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu (Kiều), đúng không em. Nên anh và em cùng cầu nguyện để chúng ta đi đúng con đường Chúa muốn chúng ta đi. Con đường có thể dẫn hai ta về cùng một đích: hạnh phúc đời này và hạnh phúc mai sau.

Cảm ơn em vì tình yêu em dành cho anh. Chính vì yêu mà em đã thấu hiểu anh như thế!

Rời khỏi phòng Hà Phương, anh đến gặp cha xứ sở tại để được xưng tội. Anh kể cho cha về quảng đời sinh viên vừa qua của anh, về những sai lầm, những bước chân lạc nhịp. Anh cũng không quên kể về giấc mơ của anh đêm qua.

- Cha thấy niềm tin và khao khát trong con vẫn cháy bỏng.– Cha nói trong lời khuyên sau khi anh xưng tội.– Chỉ vì một vài thay đổi về môi trường sống khiến con có những cái nhìn mới và muốn có những trải nghiệm mới. Nhưng đó là chương trình của Chúa đối với con. Bởi người ta không thể bay cao, đi xa khi còn quá yên ổn trong chiếc nôi đức tin của mình. Cha tin một khi đã trở lại, con sẽ mạnh hơn và những ai đến với con cũng được mạnh lên nhờ sự vững vàng đó. Hơn nữa, con còn có một hậu phương vững chắc luôn nâng đỡ con qua lời cầu nguyện. Hãy can đảm đi theo lý tưởng đích thực để tìm hạnh phúc cho mình. Cuộc đời con đã trải qua nhiều thử thách, cám dỗ và sa ngã. Nhưng Thiên Chúa có thể viết thẳng trên đường cong. Sa ngã, tội lỗi giúp con nhận ra mình yếu đuối, bất toàn để cậy dựa vào ơn Chúa nhiều hơn. Những sai lầm của bản thân cũng giúp con có cái nhìn bao dung hơn với thế giới bất toàn và nhân loại yếu đuối này.

Dậy đi con, đoàn chiên Chúa đang bơ vơ chờ những người mục tử có lòng nhiệt huyết, bao dung đến để dẫn dắt họ tới những nơi có đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Hãy sống và trở thành người mục tử như thế. Việc đền tội của con - Cha nói tiếp – con hãy đọc và suy niệm về hình ảnh Vị Mục Tử nhân lành trong Tin Mừng của Đức Giêsu theo Thánh Gioan chương 10 từ câu 1 đến câu 21. Chúc con luôn bình an.

- Tạ ơn Chúa và cảm ơn Cha.

Ra khỏi thánh đường, anh lang thang trong thành phố suốt ngày hôm đó. Anh thấy phố xá hôm nay sao bình yên đến lạ. Người xe qua lại tấp nập sao anh không thấy ồn ào. Tại phố phường lâu nay vẫn thế mà anh không cảm nhận được hay tại lòng anh đổi thay.

Anh ngước mắt nhìn trời, nhẹ lướt ánh nhìn trên vạn vật. Tia nắng ấm áp đã kéo bật những lộc non khỏi sự khô khốc của cây cành, xua tan giá rét. Anh ngắm nghía từng chồi non. Anh cảm nhận được mùa xuân đang đến khắp đất trời. Đó là cảm giác khi thấy những tia nắng đầu tiên thắp sáng vạn vật. Những chồi non mới mọc ánh lên một màu tinh khôi. Những khuôn mặt rạng ngời khi đón nhận những điều mới mẻ và tốt lành. Sự cảm nhận đó ngân vang trong lòng anh không phải với đất trời, vạn vật mà với một cảm giác lớn lao về sự khởi đầu, về sự sinh sôi hoan hỷ, về niềm tin chiến thắng không gì có thể ngăn cản nổi và... về một tương lai tốt đẹp đang hứa hẹn ở phía trước. Anh cảm nhận được ý nghĩa của niềm tin, của tuổi trẻ, của đổi thay và của sự dấn thân hoàn toàn cho những mục đích linh thánh.

 

Mã số: 17-108

 

MƯA RỬA HANG

Sau bữa sáng, tôi rảo bộ. Đêm qua trời mưa. Sân còn ướt nhẹp. Những bức băng rôn, biểu ngữ xô lệch. May thay hang đá dựng phía nhà thờ vẫn còn nguyên. Phần thô đã xong, chỉ chờ lắp ánh sáng, đặt tượng là hoàn thiện. Cơn mưa đêm đi qua rửa sạch tất cả bụi bặm trần ai bám víu mùa khô hanh. Tôi về phòng toan soạn bài giảng thì cha Huy gọi điện:

- Bác đang làm gì đấy?

- Anh vừa ra xem hang đá, đêm qua mưa to.

- Bên em cũng mưa nhưng chả sao, em đầu tư gần ba mươi triệu nên mưa thế chứ mưa nữa thì cũng muỗi đốt i-nốc.

- Ừ! Bên xứ chú giàu chứ bên anh nghèo xin mãi mới được vài triệu nên phủ bạt, phụt sơn là xong.

- Hà hà. Thôi mai qua em uống rượu khai trương hang đá. Em làm bể cá lớn, mai bác mời bác qua vớt cá uống rượu.

- Ừ! Để anh thu xếp vì tối mai đi dâng Lễ.

- Thôi sang xem có đồ gì dùng được thì ôm về. Bên em nhiều đồ lắm.

- Ừ! Mai anh sang.

- Nhớ sang nhé, em gọi cả mấy anh em thân thiết, mai bác sẽ bất ngờ đấy!

Cha Huy là người cùng quê, ít hơn tôi một tuổi. Huy là em ruột của chị dâu tôi. Gia đình tôi và gia đình Huy rất thân thiết. Lúc bố tôi làm trùm chính thì bố Huy làm trùm hai. Bố tôi hiền lành, hòa nhã, chịu khó còn bố Huy năng động, sáng tạo, mỗi tội tính nóng. Chúng tôi chơi thân từ nhỏ, cùng đi học, cùng đi chăn trâu, cùng đi giúp Lễ. Hồi học lớp 6, Huy tò mò uống trộm rượu Lễ. Uống thử thấy ngon, ngày nào Huy cũng dậy sớm đến giúp Lễ. Rót ra bao nhiêu rượu thì Huy rót lại bấy nhiêu nước lã. Khi cha xứ phát hiện rượu Lễ ngày càng nhạt, ngài liền đình chỉ không cho ai giúp Lễ nữa để truy tìm “thủ phạm”.

Bố tôi nghe biết, nọc tôi ra đánh ba roi. Tôi mếu máo thanh minh mọi nhé. Bố tôi liên tục tra hỏi. Cuối cùng tôi khai Huy chính là kẻ trộm rượu. Nghe vậy, bố tôi chạy lên trình cha xứ. Cha xứ đang ăn cơm tức khí ném bát cơm xuống đất rồi gọi bố Huy lên. Vừa lên tới nơi bố Huy lãnh trọn bài “dân ca và nhạc cổ truyền” của cha xứ. Cha xứ bắt hai ông trùm về cùng con viết bản kiểm điểm đọc trước nhà thờ.

Ngay hôm đó Huy bị ăn một trận đòn thập tử nhất sinh. Bố Huy cầm hai chân dốc ngược đầu Huy xuống giếng. Bố tôi can ngăn kịp thời cứu Huy thoát chết. Huy ở nhà dưỡng thương ba ngày. Tối Chúa nhật, tôi và Huy đọc bản kiểm điểm trước nhà thờ, bố tôi và bố Huy đứng như trời trồng. Từ hôm đó, Huy cạch mặt tôi. Chừng hơn tháng sau, tôi đem hơn hai chục viên bi tới xin lỗi. Hai thằng vặt xoài non, lấy trộm rượu của bố Huy trốn lên gác chuông kết nghĩa huynh đệ.

Lớn lên, chúng tôi được đưa xuống giáo phận xin Đức cha cho đi tu. Vậy là cuộc đời tu bắt đầu thật đơn giản chỉ bằng cái gật đầu của Đức cha. Đức cha chỉ căn dặn, chúng con đi tu là lội ngược dòng đời, cha mong các con luôn phải ghi nhớ đó là sứ vụ giữ gìn và phát huy gia bảo Đức tin.

Tôi học xây dựng được một năm thì Huy thi đỗ vào ngành sư phạm âm nhạc. Khi Huy nhập học xong, hai gia đình quyết định hùn tiền mua cho anh em chúng tôi chiếc Cub 79. Tôi và Huy ở cùng nhau suốt bốn năm Đại học. Từ mớ rau, con cá tới chuyện đời tu đều chia sẻ cho nhau.

Ngày chúng tôi đỗ linh mục về vinh quy bái tổ, cha xứ cựu chia sẻ lại kỷ niệm Huy uống trộm rượu Lễ xưa kia. Ngài bảo, bao nhiêu anh đi giúp Lễ cho tôi mà giờ chỉ có hai anh liên quan đến vụ trộm rượu trở thành linh mục. Chúa luôn vẽ đường thẳng trên những đường cong. Chúa có cách riêng để chọn người vào làm vườn nho nhà Chúa…

* * *

Gió thổi lạnh sống lưng. Công viên mùa đông im lìm. Bên ghế đá, Dung tựa đầu vào vai Nhật. Cô đung đưa theo cơn gió và cất tiếng hát dịu dàng: “Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường. Mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu…”. Nhật đưa tay siết chặt bờ vai.

- …Nhật biết không, đêm qua trời mưa.– Dung thỏ thẻ.

- Giữa mùa đông lại có mưa rào, lạ thật.– Nhật trần tình.

- Nhật biết không, trước Giáng Sinh thường có mưa đêm như mưa rào. Mưa này như để gột rửa bụi trần cho Chúa Con lâm phàm. Dung gọi đó là mưa rửa hang Nhật ạ.

- Trời ơi! Dung lãng mạn quá! Nhưng mà ngẫm đúng thật. Năm nào cũng có những trận mưa như thế. Song Nhật chỉ thấy nhiều khi cất công cả tháng trời làm hang đá nhưng chỉ cần mưa một cái là hỏng bét.

- Nhưng kỹ sư ơi! Kỹ sư có biết rằng, hang đá hỏng vì bản thân nó không đạt tiêu chuẩn để chào đón Đấng Thiên Sai không?

- Thì… thì… khi công trình sập có thể do hai yếu tố, một là do ngoại cảnh, hai là do kết cấu.

- Vậy năm nào cũng có mưa rửa hang, cớ sao chúng ta không làm hang đá vững chắc.

- Ừ nhỉ! Có khi nào hang đá lòng cũng vậy không. Dung đúng là triết gia. Không. Người có thể nhìn thấu suốt như Dung phải gọi là thần học gia.

- Cái người cấp cho Dung bằng thần học đó chắc cũng phải là bậc đức cao vọng trọng.

- Hè hè. Dung giỏi thật đấy. Nhật chỉ giỏi đốt hương xông khói thôi.

- Bên Công giáo của Nhật còn có cả bộ môn “xông hương học” cơ mà.

- Ây gu gu… Mấy hôm nữa về quê Nhật đón Giáng Sinh, Dung sẽ thấy.

- À đúng rồi! Việc đó Nhật sắp xếp ra sao.

- À ừ… Chúng ta sẽ về quê Nhật bằng xe máy. Dung và Nhật sẽ làm MC.

- Thế còn Huy?

- Huy về từ sáng nay rồi. Huy đánh đàn nên về sớm.

- Nhật có sợ đưa Dung về sẽ gặp phiền phức không?

- Ừ… ừ… Sợ thì đã không đưa về. Đưa về thì không sợ.

- Ở bên Dung, Nhật có hạnh phúc không?

- Mình… mình… mình… cũng…

- Nhật không cần trả lời. Mình biết Nhật sẽ bối rối.

- Mình… mình… mình…

- Đã bảo không phải nói rồi mà…

- Nhưng mà mình yêu Dung…

- Cái gì? Cậu… cậu… vừa nói gì. Cậu vừa nói từ mà cậu không được phép nói!

- Tại sao mình không được nói? Tại mình đi tu sao? Đi tu ư? Mình… mình sẽ bỏ tu… bỏ hết... Dung hiểu không?

Bốp… - Một cái tát như trời giáng. Dung bật dậy nhìn thẳng vào mắt Nhật. Nhật đưa tay xoa má. Dung chất vấn…

- Cậu có biết, cậu đang nói gì không?

- Mình chỉ làm theo tiếng con tim thôi…

- Sẽ không bao giờ có chuyện mình và cậu yêu nhau. Cậu có biết nếu cậu bỏ tu vì một đứa con gái Tin lành như mình thì gia đình cậu, dân làng hàng xóm, những người đồng đạo với cậu sẽ phản ứng thế nào không?

- Không… không… mình… mình không quan tâm. Tại sao chứ. Tại sao mình và Dung không thể đến với nhau. Công giáo thì sao? Tin lành thì sao? Đi tu thì sao? Mình yêu Dung. Rồi mình theo Tin lành, mình sẽ thành mục sư và chúng ta sẽ ở bên nhau suốt đời.

- Cậu bị điên thật rồi! Cậu nói như thế sẽ chẳng ai để cậu làm linh mục đâu!

- Linh mục ư! Linh mục là gì nếu không có trái tim, không có tình yêu. Chúa Giêsu sinh ra đâu có phải để dành riêng cho người Công giáo.

- Vậy cậu có giỏi thì cậu làm linh mục đi, hãy làm cho mọi người biết rằng Thiên Chúa là của cả nhân loại. Chúa Giêsu không phải là tài sản của bất cứ ai, bất cứ tôn giáo nào… Cậu có làm được không?

- Không! Mình không cần làm linh mục. Mình chỉ cần Dung thôi. Chỉ Dung là đủ…

      …Nhật nhào đến ôm Dung. Dung lùi lại gạt tay Nhật. Dung vung tay... Bốp... Một cái tát như trời giáng ném vào Nhật. Nhật lùi lại. Tay bo má. Nhật ngồi xuống, nước mắt trào ra. Dung hạ mình ghé sát Nhật. Cô lấy tay lau nước mắt Nhật rồi an ủi…

- Nhật biết không, cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là cuộc chiến tranh tôn giáo. Dung hiểu tình cảm Nhật dành cho Dung. Và thật lòng, Dung cũng… cũng… quý mến Nhật. Nhưng Nhật ạ, chúng mình không thể yêu nhau, không thể đến với nhau được. Nhật tỉnh táo đi. Dung xin lỗi…

- Vậy giờ Dung tính thế nào. Nhật sẽ rất đau khổ.

- Nhật bình tĩnh nghe Dung. Nhật phải làm linh mục, vì đó là ước mơ của Nhật, là niềm hy vọng của gia đình và mọi người. Dung biết Nhật sẽ là linh mục tốt. Dung và Nhật vẫn mãi là bạn thân. Dung sẽ giữ tấm ảnh Đức Mẹ Fa-ti-ma Nhật tặng hôm sinh nhật.

- Dung không sợ những người đồng đạo lên án sao?

- Nhật à, sao mình phải sợ hãi khi làm việc đúng chứ. Bức ảnh đó không chỉ là món quà sinh nhật đơn thuần mà đó còn là món quà đức tin Nhật tặng Dung. Dung có quyền giữ cho riêng mình.

- Cảm ơn Dung!

- Dung muốn nói với Nhật một điều nữa, Dung mong rằng dù thế nào thì chúng ta vẫn giữ nguyên tắc “tôn trọng sự khác biệt của nhau”. Dung nghĩ rằng, chỉ có tôn trọng sự khác biệt mới giúp chúng ta đối thoại và xích lại gần nhau.

- OK. Dung. Nhật hiểu rồi. Dù Nhật biết, Nhật sẽ đau khổ. Nhưng… nhưng… Nhật sẽ cố gắng. Nhưng quên Dung là điều thật khó.

- Nắng mai lên đẩy xa màn đêm. Nhật sẽ là một linh mục tốt. Đừng phụ lòng Dung mong mỏi. Nhật nhé!

- Vậy kế hoạch về quê Nhật làm MC bị phá bỏ à Dung?

- Không! Dù xảy ra chuyện gì thì Dung vẫn giữ lời. Dung sẽ về quê Nhật làm MC.

- Lạy Chúa. Tạ ơn Chúa. Vậy là tốt rồi. Cảm ơn Dung. Xin lỗi đã làm Dung buồn lòng.

- Cậu lại khách sáo rồi. Sao phải xin lỗi chứ. Lý trí biết đúng biết sai còn con tim không có khái niệm sai đúng.

* * *

Từ xứ tôi chạy tới xứ của Huy mất hơn nửa giờ đồng hồ. Quãng đường không dài lắm nhưng xấu xa tội lỗi vô cùng. Xứ tôi được liệt vào những xứ hèn mọn. Người dân chỉ trông vào cây lúa, con gà. Bù lại họ sống tình cảm coi cha xứ như vị thánh sống. Thành ra, tôi nói gì họ cũng nghe, cũng đồng ý. Xứ Huy nằm giữa thành phố. Giáo dân đông đúc, nhiệt tình, quảng đại. Huy là dân nghệ sĩ có khả năng thuyết phục thế nên công việc mục vụ khá thành công. Hầu như cả giáo xứ không ai trách móc, chống đối. Ở cái thời đại tranh tối tranh sáng này, linh mục như vậy được xem là trọn bề nhân nghĩa.

Ngay khi về nhận xứ, việc làm đầu tiên của Huy thông báo kế hoạch đập bay ngọn tháp cũ, xây hai ngọn tháp mới, kéo dài nhà thờ và dựng lễ đài hoành tráng. Huy đến tận nhà những người bất đồng, ngồi ăn cơm uống nước với họ nhưng tuyệt nhiên không động gì đến tháp chuông nhà thờ. Huy cứ đi hết nhà này đến nhà khác khoảng chừng gần một năm thì ai nấy đều phục ông cha xứ sát đất. Thế nên, từ khi Huy khởi công phá tháp cũ đến khi hoàn thành tháp mới chỉ mất chừng nửa năm. Một bên tháp Huy đặt tượng Lòng Thương Xót, còn bên kia đặt tượng Đức Mẹ Fatima.

Năm nào vào dịp Giáng Sinh, Huy cũng hô hào giáo dân đóng góp để làm hang đá. Khi hoàn thiện, Huy thường mời các cha lân cận tới liên hoan, một phần để khoe hang đá, một phần là cớ để anh em gặp gỡ, phần nữa là mời các đại gia hào phóng lì-xì cho các cha. Thế nên ai cũng thích, được ăn được nói, được gói mang về.

Mải nghĩ về Huy, tôi chạy xe chậm hơn bình thường. Con đường xấu xa khiến xe của tôi bám đầy bụi trần. Qua cổng nhà thờ, tôi toan định tăng tốc chạy vào nhà xứ thì có hai xe tải lớn án ngữ. Tôi đánh lái sang trái, lách sau hai xe. Chiếc xe bụi trần dừng trước hòn non bộ. Huy tiến lại mở cửa. Tôi bước xuống bắt tay Huy. Trời đất! Suýt chút nữa tôi ngất xỉu. Mục sư Hùng và phu nhân của ông là Phương Dung đang đứng trò chuyện cùng mấy ông cha trong vùng. Tôi đứng ngẩn tò te, tay bóp chặt tay Huy.

- Bất ngờ lắm phải không. Thôi bỏ tay em ra! – Huy lên tiếng khiến tôi giật mình buông tay.

- À… ờ… chú mời cả vợ chồng Phương Dung à… Nhưng nhà thờ đẹp thế mà lại đi dựng hai cái ô tô to vật vã trước cửa vậy. – Tôi trấn tĩnh và đánh lạc hướng.

- À! Ô tô tải chở Kinh Thánh của vợ chồng Phương Dung. Họ đang trên đường đưa về bản để tặng nên tiện thể ghé qua đây. Họ để ô tô ở đó nhằm tránh nắng.

- À… ờ… vậy tốt quá! Chắc lát phải xin Phương Dung vài cuốn mới được.

- Tưởng ai chứ bác thì Phương Dung có thể cho tất. Thôi bác vào chào mọi người xong xuống chiến đấu. Hôm nay em chế món gỏi cá nhệch ngon thôi rồi bác ạ.

- À… ờ… ờ… Đến chỗ chú lúc nào chẳng được ăn ngon…

Từ lúc nhìn thấy mục sư Hùng và Phương Dung, tôi như kẻ mất hồn. Phương Dung vốn là bạn học cùng lớp Đại học với Huy. Tôi gặp Dung khi đi chơi với Huy. Dung là cô gái xinh xắn dễ thương lại có kiến thức. Đặc biệt Dung theo Tin Lành. Trò chuyện với Dung rất thú vị. Sau này, chúng tôi thường xuyên đi dự Lễ của nhau, khi rảnh ra công viên ngồi chuyện trò. Đa phần nội dung trao đổi là về điểm giống và khác nhau giữa Công giáo và Tin Lành. Có điều tôi luôn lép về trước Dung khi nói về Kinh Thánh. Sau nhiều bàn thua nghiệt ngã, tôi quyết tâm ra sức học Kinh Thánh khiến anh em tu cùng nể phục. Nhưng khốn thay, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Hồi năm tư, suýt nữa tôi bỏ tu nhưng Dung khéo léo từ chối lời yêu và động viên tôi tu tiếp. Về sau, Dung lấy Hùng khi Hùng học năm thứ tư ở học viện Thần Học Tin Lành. Thời gian đó tôi khủng hoảng nặng nề. Có những lúc con tim muốn bốc cháy. Tới tận bây giờ mỗi khi nghĩ tới Dung, tôi lại thấy cổ hòng nghẹn lại, tim đập loạn xạ.

* * *

Chiếc xe Cub 79 đỗ trước cổng. Nhật xuống mở cổng. Mẹ cậu tiến ra. Phía sau xe, Dung thu mình như thỏ con. Mẹ cậu vội vàng ghé sát vào cậu nói nhỏ…

- Trời ơi! Thằng giời đánh. Tao tưởng thằng Huy nói đùa ai dè mày đưa con quỷ cái về thật. Mày vào nhà đi, thầy mày đang chờ đó.

- Thế là sao vậy u? U gọi ai là quỷ cái? Đây là Dung bạn học của Huy về làm MC tối nay. Mà thằng Huy đã nói gì với thầy u?

- Tao không biết! Mày cứ vào nhà đi, thầy mày đang chờ.

Dung hoảng hốt giật giật vai áo Nhật. Hoàng Nhật không nói, chạy xe vào trước cửa nhà. Nhật toan định dừng xe thì bất ngờ… Lạch… cà… lạch… cà… lạch… ù… òa… rào… Nhật và Dung không hiểu điều gì đang diễn ra. Cô cậu chỉ thấy toàn bộ quần áo, người ngợm ướt nhép. Thì ra bố Nhật hất cả chậu nước rửa ấm chén vào hai đứa. Hất xong, bố Nhật chỉ thẳng tay vào đuổi hai đứa ra khỏi nhà. Mẹ Nhật nước mắt ngắn nước mắt dài chạy theo con thì bị bố Nhật bắt quay vào nhà.

Nhật chạy thẳng lên nhà thờ tìm Huy. Nhìn bộ dạng hai người ướt nhép, Huy phần nào hiểu vấn đề nghiêm trọng. Bất ngờ từ trên xe, Nhật nhảy xuống đấm vào mặt Huy. Huy kịp lách người nên cú đấm trượt qua má.

- Thằng chó này! Tao làm gì mày mà mày mách lẻo?

- Anh hiểu lầm rồi! – Huy lên tiếng.

- Lầm cái gì. Lầm mà thầy tao hất nước đuổi ra khỏi nhà.

- Em chỉ… em…

- Thôi! Nhật và Huy im đi! Bình tĩnh còn lo đêm Giáng Sinh đó! – Phương Dung lên tiếng.

- Tao sẽ xử mày sau! Nhớ cái mặt tao này! – Nhật vừa nói vừa chỉ vào mặt.

- …Chú Nhật… chú… chú Nhậ…ậ…ật… À cả cậu Huy đây nữa! Về xem đưa thầy đi viện. Thầy… thầy đang đau tim. – Chị dâu Nhật mặt cắt không còn giọt máu.

- Thầy… thầy… làm sao? – Nhật hỏi.

- Chú về đi! Về đi rồi thấy… - Chị dâu Nhật trả lời.

- Nhật và chị cứ về đưa bác đi viện đi. Em ở lại cùng Huy lo chương trình đêm nay. Nhật an tâm, Dung có thể làm được mà. – Dung đưa ra phương án.

- Anh về lo cho bác đi! Ở đây có em và Dung rồi! – Huy trấn an Nhật.

Đêm Giáng Sinh trong bệnh viện. Nhật vò tai bứt óc. Mẹ và anh trai Nhật ngồi im. Thỉnh thoảng, chị dâu nhật động viên, mọi chuyện đã rồi chú cố gắng vượt qua đừng để bố mẹ và anh chị lo lắng nữa. Nhật thấy mình có lỗi. Nhật thấy mình vô dụng. Nhật đi đi lại trên hành lang bệnh viện. Phía xa, mọi người nô nức đón Giáng Sinh chỉ có gia đình Nhật trong hoàn cảnh cơ hàn. Bỗng một ngôi sao băng bay ngang, lao thẳng về phía nhà thờ, nơi có MC Phương Dung.

* * *

Sau bữa trưa, tôi rảo bộ hút thuốc. Trong nhà thờ có vài cụ già đang đọc kinh. Bóng tháp chuông phủ kín hai chiếc xe tải. Huy tự hào vì xây được tháp nhà thờ cao nhất giáo phận nên đi đâu cũng khoe. Nhà thờ dài vậy nhưng cũng chẳng đủ cho giáo dân dự Lễ Chúa nhật. Tôi không thấy đáng mừng vì mấy ai bỏ Lễ Chúa nhật. Tôi còn thấy lo nữa, bởi nhẽ giáo dân chỉ thích bề ngoài, tự hào nhà thờ to, tháp chuông cao song thực chất số người đi Lễ, đọc kinh ngày thường suy giảm rõ rệt. Khi Huy mới về nhận xứ, ngày thường tôi qua dâng Lễ thấy giáo dân dự Lễ đông, chật kín nhà thờ, giờ ngày thường Lễ thưa thớt nhìn xuống mà chán ngán, chỉ có vài giáo dân già nua ngồi lọt thỏm trong ngôi nhà thờ rộng như mê cung. Có hôm khi giảng Lễ, tôi dừng lại nhờ các cụ đếm kể cả tượng xem được bao nhiêu. Các cụ nghe vậy phì cười nhưng sau ai cũng trùng xuống. Hình như họ cũng lo lắng.

Tôi vòng xuống phía cuối hai chiếc xe tải chở Kinh Thánh. Chiếc bật lửa trên tay rớt xuống đất. Tôi cúi xuống nhặt thì chợt phát hiện có mấy người quần áo rách rưới nằm dưới gầm xe. Theo cảm quan, tôi biết đó là những người ăn xin khắp thành phố tụ về đây nghỉ trưa. Tôi tiến lại lên tiếng…

- Sao các vi lại chui vào đây nằm vậy, nguy hiểm lắm!

- Ngày nào chúng tôi cũng nằm nghỉ trưa dưới hai ngọn tháp này, hôm nay xe đậu ở đây nên chúng tôi chui vào đây. – Một người phân bua.

- Lạy Chúa tôi! Sao các vị không ra hang đá kia, nằm đó nguy hiểm lắm! Nhỡ lái xe không biết thì chết!

- Chúng tôi không dám vào đó đâu, lát mấy người trong nhà thờ ra sẽ đuổi đánh chúng tôi dữ lắm. – Người ăn xin trả lời.

- Các vị cứ vào hang đá nghỉ, cứ bảo cha Nhật mời vào! Hang đá đó làm cho người nghèo chứ đâu làm cho người giàu.

- Vâng! May quá cảm ơn ông.

- Các vị biết không, ngày xưa Chúa Giêsu khi sinh ra còn nghèo hơn cả các vị bây giờ. Ngài nghèo hơn cả chữ “nghèo” đấy.

Mấy người ăn xin nghe vậy cười tươi, lục đục vào hang đá. Tôi châm điều thuốc hút. Giữa mùa đông, trời cao xanh, nắng đẹp, nhả một làn khói quyện như rồng bay, tôi lẩm nhẩm “đúng là đời”. Bỗng tiếng phụ nữ vang lên…

- Nghĩ gì vậy cha Nhật? – Thì ra Dung đã đứng đó chứng kiến mọi việc.

- Nghĩ về đời thôi, nhiều cái lạ lắm Dung ạ! – Tôi thủng thẳng.

- Lạ gì! Nói nghe xem!

- À! Mình đang nghĩ cách kiếm tiền để mua Kinh Thánh tặng giáo dân…

- Một cái tháp thì mua được bao nhiêu cuốn Kinh Thánh?

- Nhưng Kinh Thánh đâu có nuôi sống được người nghèo, thuộc mà không thực hành thì cũng bằng thừa.

- Làm linh mục, lý lẽ ra phết. Hình như chiến tranh thế giới thứ ba đang bắt đầu. Nhưng cha Nhật có biết không, một bữa cơm chỉ đảm bảo sự sống cho người ta một ngày nhưng nửa câu nói hay nuôi sống người ta cả đời.

- Thôi thua! Mình về đây tối còn đi dâng Lễ. – Tôi lủng bủng.

- Ừ! Về đi! Nói chuyện lát nữa, tối về lại đưa chén lên rồi bẻ ra… Haha…

- Nhớ đấy!

Tôi tức tối đi vào mở cửa xe, ngồi hồi lâu định thần. Chẳng chào hỏi gì ai tôi lẳng lặng cho xe chuyển bánh. Dung đứng khoanh tay, đầu lắc, miệng cười trông thật đáng ghét. Tôi thấy cổ họng nghẹn lại, tim đập liên hồi. Nhìn vào gương chiếu hậu, bóng ngọn tháp chùm kín người phụ nữ. Chiếc điện thoại rung chuông báo tin nhắn của Dung T.L: “Đêm trước! Mưa rửa hang...”

 

 

Mã số: 17-109

 

PHƯỚC NHÂN

 

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu

…và tình yêu không bao giờ kết thúc.

Mẹ và em đang ngồi đối diện nhau trước bàn thờ của gia đình. Điểm nổi bật của bàn thờ là bức phù điêu khắc họa hình ảnh Đức Maria và ba trẻ Fatima do chính anh trai làm. Đó là món quà ý nghĩa nhất anh tặng mẹ sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành điêu khắc. Điều đặc biệt của bức tượng là chuỗi tràng hạt do tay mẹ kết từ những hạt cườm và được đặt không cố định trên đôi tay Đức Mẹ. Mẹ bảo anh phải làm như thế để khi nào đi xa, mẹ lại mượn cỗ tràng hạt ấy mang theo bên mình như nhắc nhở bản thân luôn có Đức Mẹ song hành. Sau mỗi cuộc hành trình trở về, mẹ lại trả cỗ tràng hạt ấy vào tay Đức Mẹ.

Bên cạnh bàn thờ là bức hình chụp cả gia đình. Đó là tấm hình duy nhất có đầy đủ các thành viên được chụp sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Khi đó em tôi đã lên năm. Tôi còn nhớ, lần đó chúng tôi đã phải làm nhiều cách để em cười thật tươi. Đôi mắt nhắm tít, miệng mở méo xệch, nhưng đó là nụ cười đẹp nhất trong khả năng có thể của em. Ba thì khác, ông là người duy nhất không cười trong bức hình này.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà… Mẹ vừa đọc Kinh Kính Mừng vừa áp từng ngón tay của mẹ vào từng ngón tay của em. Mẹ bắt đầu với bàn tay phải và đối diện là em với bàn tay trái. Sau mỗi Kinh Kính Mừng, một cặp ngón tay của hai người được áp vào nhau. Lần lượt như thế cho đến lúc hết một chục kinh thì hai bàn tay mẹ đã chắp lại với hai bàn tay em trong tư thế cầu nguyện. Tuy nhiên, tay em còn bé quá nên các ngón tay mẹ phải cúi xuống như muốn ấp ủ, chở che cho em.

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần… Mẹ đọc Kinh Sáng Danh, đồng thời ngửa hai bàn tay ra phía trước và em từ từ úp hai bàn tay lên lòng bàn tay mẹ để cùng dâng của lễ lên Chúa hợp trong lời Kinh Sáng Danh. Tay mẹ dâng lễ vật còn em trở thành của lễ dâng.

Mẹ và em đã chơi “trò chơi lần chuỗi” này hàng trăm lần đến nỗi em đã quá quen với những động tác đó. Để hình thành được những phản xạ như thế, mẹ đã phải kiên nhẫn và dịu dàng với em rất nhiều. Rồi không biết tự bao giờ, em đã dành thế chủ động. Cứ mỗi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ, em đều bắt Mẹ phải chơi trò này. Với mẹ đó là việc đạo đức không thể bỏ, còn với em, đó là một niềm vui không thể thiếu.

* * *

Vừa tan học, tôi liền chạy ngay đến bệnh viện vì sáng nay mẹ chuyển dạ và ba đã đưa mẹ đến đó. Gửi xe xong, tôi vội vàng quên cả việc lấy vé. Chỉ khi được bảo vệ nhắc nhở tôi mới giật mình quay lại. Ba ngồi ngay ở dãy ghế của hành lang khoa sản. Đôi mắt ông không nhìn vào phòng sinh nhưng hướng ra cửa sổ với hai hàng mi ngấn lệ. Ánh mắt đó là ánh mắt quen thuộc ta thường bắt gặp nơi đây. Tim tôi đập thình thịch. Nghẹn ngào hồi lâu tôi mới dám mở lời chào ba và hỏi:

- Mẹ đã sinh chưa ba?

- Mẹ sinh được vài tiếng rồi con ạ! – Ba trả lời rất nhanh, nhưng giọng ba run run, pha chút buồn buồn mà ai cũng có thể nhận thấy.

- Mẹ và em khỏe cả không ba?

- Khỏe cả. – Ba đáp lạnh lùng

- Sao ba có vẻ không vui?

Ba im lặng, tiếp tục nhìn ra cửa sổ như để tránh ánh mắt tôi.

Mẹ mang thai em khi tôi đã 17 tuổi. Mang thai ở tuổi 45 không phải là điều hiếm hoi ở quê tôi. Có nhiều gia đình, con sinh mẹ cũng sinh là chuyện bình thường. Từ lúc biết mình có thai, mẹ đã tỏ ra lo lắng. Mọi người động viên rằng, các con đã lớn, rồi sẽ rời mái ấm để lập nghiệp, sự ra đời của một đứa trẻ lúc này sẽ là niềm vui cho cả gia đình. Biết là thế nhưng ba mẹ đều hiểu những rủi ro có thể xảy ra cho mẹ lẫn con khi sinh nở ở tuổi đó.

Hằng ngày, gia đình tôi vẫn cầu nguyện để cuộc sinh nở này tốt đẹp nhất là cho mọi người biết vâng theo ý Chúa. Bởi trong thế giới hôm nay, người ta dễ dàng giết một sinh linh bé bỏng, không có khả năng tự vệ khi còn trong bụng mẹ và cho đó là việc bình thường thì việc khước từ mọi lời khuyên để giữ lại sự sống này trước những rủi ro khác cũng là một việc khó. Tuy nhiên, ba mẹ quyết không làm trái ý Thiên Chúa. Việc mong chờ ngày mãn nguyệt khai hoa của mẹ diễn ra trong hồi hộp và lo âu.

Em tôi được sinh ra mạnh khỏe, khuôn mặt bầu bĩnh, ít khóc, hay cười. Nó ngoan hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác. Mẹ và chúng tôi đều rất vui vì cuộc sinh nở thành công. Nhưng điều này không được thể hiện trên khuôn mặt ba. Bởi ba đã biết những khiếm khuyết của em ngay khi em vừa cất tiếng khóc chào đời.

Thời gian đầu, tôi chẳng nhận thấy dấu hiệu gì khác biệt nơi em. Nhưng càng lớn, em tôi trông càng chẳng giống ai trong gia đình. Đôi mắt một mí của em, mẹ bảo giống diễn viên Hàn Quốc, nhưng ngày một bị xếch lên và thiếu linh hoạt. Mặt như luôn cười nhưng thực ra miệng em không đóng lại được. Chân tay em cũng to và ngắn hơn bình thường. Đầu ngắn và bé, gáy rộng và phẳng, cổ ngắn, vai tròn. Trông em cứ hao hao giống một ai đó mà tôi đã từng gặp. Hóa ra em mắc một hội chứng mà phụ nữ mang thai ở tuổi mẹ rất hay gặp phải – hội chứng Down, với tỉ lệ 1/30 ca mang thai. Em tôi rơi vào trường hợp không may mắn đó. Ba ngày càng buồn và ít nói. Ông chỉ biết tìm niềm vui trong công việc và phó sự chăm sóc em cho mẹ.

- Chúng ta sẽ đặt tên con là gì hả anh?– Mẹ hỏi ba

- Tên gì cũng được, tùy em chọn.– Ba đáp hững hờ

Tên tôi và anh trai đều do ba đặt, nhưng lần này ba để vinh dự này cho mẹ. Có lẽ ba không thể đặt nhiều hy vọng cũng như gửi gắm nhiều ước mơ của ba nơi em như ở hai anh của nó. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cân nhắc, mẹ cũng đã chọn được một cái tên thật ý nghĩa cho em – Phước Nhân.

- Tại sao mẹ lại đặt tên em là Phước Nhân?– Tôi hỏi

- Mẹ đặt tên em là Phước Nhân để muốn nhắc nhở bản thân cũng như mọi người rằng: được sinh ra làm người đã là hồng phúc rồi con ạ!

- Mẹ có buồn khi em con khiếm khuyết không?

- Mẹ đã từng rất buồn. Nhưng nhờ cầu nguyện, mẹ không còn buồn nữa. Mẹ cảm ơn Chúa và Đức Mẹ đã gửi em con đến cho mẹ. Mẹ hạnh phúc vì có Phước Nhân.

Trái với thái độ lạnh lùng của ba, mẹ luôn dành cho Phước Nhân một sự chăm sóc đặc biệt. Tôi có cảm giác rằng mẹ yêu thương và chăm sóc cho Phước Nhân nhiều hơn khi mẹ chăm sóc hai anh nó cộng lại. Điều đó cũng đúng thôi, vì Phước Nhân đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.

- Với mẹ,- Mẹ nói -  Phước Nhân là một kiệt tác hoàn hảo của Thiên Chúa. Em con hoàn hảo theo cách của nó. Khiếm khuyết chỉ là điều chúng ta nhìn thấy mà thôi. Mẹ nghĩ Thiên Chúa nhân từ và bản thân em không thấy điều đó là khiếm khuyết, là dị tật. Em con dạy cho mẹ bài học về sự bình an. Với Phước Nhân, mẹ không phải lo lắng em hư hỏng trước những cám dỗ của cuộc đời như lo lắng cho các con. Mẹ cũng không phải đặt nhiều hy vọng để rồi buồn phiền như khi các con không vâng lời hay gặp thất bại.

- Như thế hóa ra anh con và con là nỗi buồn của mẹ? – Tôi cố ý hỏi đùa nhưng mẹ vẫn trả lời rất thành thật:

- Ý mẹ không phải thế. Các con đều là niềm vui của mẹ. Mỗi các con đều có một sứ mệnh riêng giữa cuộc đời này. Nhưng với các con, ba mẹ phải lo lắng nhiều hơn. Mẹ không phải tự an ủi mình nhưng mẹ tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Chúa không bao giờ cho ai tất cả, cũng chẳng lấy hết tất cả của ai. Ngài luôn công bằng và muốn cho chúng ta đều được hạnh phúc. Em con xứng đáng là một người thầy cho mỗi chúng ta học hỏi và bắt chước về đường đức hạnh. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phản ứng với em như thế nào mà thôi.

- Mẹ có thể nói rõ hơn không?

- Ở Phước Nhân chất chứa một sự im lặng mà thế giới náo nhiệt hôm nay đang thiếu. Em luôn thể hiện sự ngạc nhiên trước mọi sự mà chúng ta đã đánh mất khi lớn lên. Sự thánh thiện trong tâm hồn mỗi người đã bị xã hội hôm nay bóp nghẹt thì trong em vẫn sống động và dồi dào. Ở em cũng có một sự đơn sơ hiền lành mà mỗi chúng ta nhiều khi không có.

- Như thế điều chúng ta cho là khiếm khuyết hóa ra lại là điểm mạnh của em?

- Khiếm khuyết của Phước Nhân chỉ là chuyện tái ông thất mã thôi con ạ! Em con có đầy đủ những tố chất để làm một công dân Nước Trời mà mỗi chúng ta khó lòng đạt được khi đã có dư đầy ở đời này.

Phước Nhân ra đời đã làm xáo trộn sự quân bình, xáo trộn các mong ước và kỳ vọng của cả gia đình. Với ba, đó cứ như là ngày tận thế của ông vậy. Ba không làm gì hơn ngoài việc chu toàn trách nhiệm của một người cha bình thường khi làm việc và lo lắng để chu cấp đầy đủ cho mẹ con chúng tôi. Rồi đi ngủ. Rồi đi làm. Ngoài ra, ba chẳng dành chút tình cảm đặc biệt nào cho Phước Nhân. Nhưng Phước Nhân chẳng biết cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Em vẫn hồn nhiên vui vẻ. Tuy nhiên, mẹ có phần chạnh lòng về thái độ của ba.

- Con cái là hồng ân của Chúa. Con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Em nghĩ, Phước Nhân chẳng có tội gì cả. Vì vậy anh không nhất thiết phải lạnh lùng như thế!– Mẹ nói

- Anh biết không ai có lỗi trong chuyện này, nhưng anh cảm thấy thật khó để tự hào về nó như những đứa trẻ bình thường khác. – Ba đáp

- Anh không thấy con chúng ta thật tuyệt vời sao. Nó không xinh đẹp, không mạnh khỏe như các anh nó nhưng nó là một đứa trẻ ngoan. Nó đơn sơ và hiền lành. Nó không làm cho chúng ta phải phiền lòng. Rồi đây, anh và em cũng chẳng phải lo lắng con mình hư hỏng. Chúng ta cũng không cần phải lo con mình học trường gì, làm việc gì, xây dựng gia đình ra sao… và muôn điều khác chúng ta phải lo lắng cho con cái giữa xã hội đầy biến động hôm nay. – Mẹ nói với thái độ xác tín và vui vẻ.

- Em thật hài hước. Em nghĩ con người sống trên đời này chỉ để thở thôi sao? – Ba cười nhạt

- Em nghĩ điều đáng xấu hổ nhất ở mỗi người là khiếm khuyết, là dị tật về nhân cách, về lối sống. Em tin Phước Nhân làm được nhiều hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Vì trong con có tình người và nó vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều đó quan trọng hơn mọi thứ khác.

Mẹ vẫn thường mua cho Phước Nhân những bộ đồ thật đẹp, những đồ chơi thật dễ thương. Trước những món quà mới, một đứa trẻ như Phước Nhân thật chẳng mấy hào hứng. Nhưng đó không phải là lý do để chúng tôi không cho phép mình được có niềm vui khi quan tâm, chăm sóc em. Mẹ nói Phước Nhân được phép hưởng quyền lợi như những đứa trẻ khác. Thậm chí, em cần phải được yêu thương và quan tâm nhiều hơn. Đi đâu mẹ cũng không quên dắt em theo như để khoe với mọi người đứa con tuyệt vời này của mẹ. Mỗi lần như thế, em đều ngoan ngoãn mặc cho mẹ muốn làm gì thì làm và em trông thật bảnh bao trong bộ quần yếm bò – sơ mi trắng. Nếu Phước Nhân biết nó khiếm khuyết mà được mẹ ưu ái như thế chắc nó phải ngạc nhiên biết mấy, thậm chí còn cảm động biết là dường nào. Em còn có thể nhớ và gọi đúng tên tất cả những người thân quen. Ai cũng bảo em thật tình cảm và đáng yêu.

Hằng ngày, mẹ vẫn dành nhiều thời gian để chơi với em. Nhất là những khi đọc kinh cầu nguyện, em luôn hiện diện bên mẹ. Mẹ không mong Phước Nhân lành lặn như những người khác nhưng mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi cầu nguyện để Phước Nhân được yêu thương.

Khi người ta quá chú tâm để sống tốt nhất có thể, họ sẽ không còn quan tâm tới việc mình sẽ chết ra sao và sau cái chết sẽ như thế nào. Mẹ là người như thế. Mẹ đã vắt hết sức mình để yêu thương một cách công bằng. Tình mẹ êm ái như bãi cát dài không đụn cao đụn thấp, như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Mẹ ra đi cũng nhẹ nhàng và êm ái như vậy. Ngày mẹ mất, ba lặng im, chúng tôi khóc còn Phước Nhân cười. Mười lăm tuổi, em vẫn không hiểu được thế nào là nỗi đau mất mẹ. Em vẫn chơi đùa với các cháu và có phần thích thú khi thấy nhiều người hơn; loa đài, trống chiêng rộn rã hơn ngày thường. Nhưng trong những bữa cơm và các giờ kinh hôm sau, hai hàng mi em ngấn lệ khi nhìn về phía thiếu vắng bóng người.

* * *

- Chào ba, con vừa về. Phước Nhân và Thỏ đâu ba?– Tôi hỏi

- Hai chú cháu đang chơi trong nhà con ạ.

- Em con thế nào ba?

- Em con khỏe và ngoan. Em con là một đứa trẻ tuyệt vời. Ba không phải lo lắng nhiều cho nó. Ba đã hiểu rằng, nếu ta cố tình tránh né nỗi đau bằng mọi giá, ta sẽ không bao giờ cảm nếm được dư vị của niềm vui, bình an và hạnh phúc. Cái khốn khổ của ba đến từ việc dành quá ít thời gian để yêu thương. Có can đảm thương yêu trước nghịch cảnh thì mới nhận được niềm vui yêu thương con ạ.

- Nhìn thấy ba khỏe mạnh và bình an như thế, chúng con ở xa cũng thật yên tâm ba ạ! Con vào thăm cháu đây.

Con người ta có quyền chọn lựa và giờ ba đã chọn cách sống tốt nhất cho mình. Mái tóc hoa râm của ba dường như đã bớt những sợi bạc. Vẫn suy tư nhiều nhưng khuôn mặt ba cũng đã ít hơn những vết hằn khắc khổ mà ba đã cố tình khắc lên mình. Từ ngày mẹ mất, nếu không có Phước Nhân chắc gì ba còn khỏe mạnh và lạc quan như thế.

- Thỏ ơi! Ba đã về.

Không có tiếng trả lời. Tôi lặng lẽ tiến vào nhà. Nhìn qua khe cửa. Hai chú cháu đang mải chơi nên không nghe tôi gọi. Trước bàn thờ Fatima là con gái tôi và chú nó – Phước Nhân – đang chơi “trò chơi lần chuỗi”. Nhưng lần này, người chủ động đọc kinh là Thỏ thay cho bà nội nó. Dường như hai chú cháu chẳng đủ kiên nhẫn, không lúc nào đọc đủ mười kinh nhưng bốn bàn tay đã chụm vào nhau. Tay Thỏ bé quá nên những ngón tay vĩ đại của chú nó phải cúi xuống để chở che và vỗ về cho bàn tay non nớt của cháu.

Sáng danh Đức Chúa Cha… và Đức Chúa Con… và Đức Chúa Thánh Thần… Phước Nhân ngửa hai bàn tay và bé Thỏ nhẹ nhàng úp bàn tay xinh xắn  đỗi hồn nhiên.

 

Mã số: 17-110

 

TRỞ VỀ

 

Mặt trời đã lên cao, những chùm nắng chen nhau luồn qua ô cửa sổ và trải đầy trên hành lang tu viện. Đang thả hồn theo những suy nghĩ miên man, bỗng tôi nghe tiếng chị trực phòng khách:

- Duyên ơi, lúc nãy em có điện thoại. Con gái của chị Lan ở xứ Phương Hòa báo tin là chị Lan mới qua đời lúc 9 giờ em à.

Ngẩn người trong mấy giây tôi vội thưa:

- Vậy hả chị, em cảm ơn chị. Xin chị cầu nguyện cho linh hồn Ysave.

Tôi liền gọi cho chị Huệ, trưởng hội Legio của giáo xứ.

- Chị Huệ ơi, chị Lan mất rồi đó.

- Dạ thưa sơ chúng con đang ở nhà chị Lan đây. Gia đình mới đưa chị ở bệnh viện về, hội đoàn chúng con cùng giáo xứ đang lo sắp xếp nhà cửa và bàn với gia đình về giờ giấc an táng cho chị.

- Họ cho mình tổ chức theo nghi thức Công giáo hả chị?

- Dạ họ đồng ý rồi. Có người nhà của chị Lan ở Hưng Yên lên nữa.

- Vậy thật là may. Cảm ơn Chúa.

                   * * * *

Đến giúp giáo xứ Phương Hòa được hai tháng, cha sở nhờ đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, đây là cơ duyên tôi được gặp chị. Chị Lan không phải người ở đây, gia đình chị ở tận Hưng Yên. Khi lấy chồng, chị theo anh về đây sống đã gần 30 năm và chị  mới được nhận vào giáo xứ hơn hai tháng nay.

Theo lời kể của những người trong Hội Legio, cả hai anh chị cùng làm việc ở Sài gòn. Từ khi quyết định lấy Nam, chị đã trả một giá thật đắt. Anh không chịu theo đạo mà gia đình chị là đạo gốc nên ba mẹ chị nhất định không chấp nhận một thằng rể ngoại đạo. Thế là chị chọn tình yêu và từ bỏ tất cả, bỏ Chúa, gia đình, bà con họ hàng, làng xóm. Chị bỏ đi biệt xứ lên vùng cao nguyên xa xôi này…

Đã gần 3 năm nay, từ khi biết mình mắc chứng bệnh hiểm nghèo là ung thư phổi giai đoạn cuối. Chị vô cùng sợ hãi. Chị phải chết khi tuổi đời mới 50 sao? Chị hoảng loạn thật sự và thế là theo ngày tháng, chị hoàn toàn suy sụp.

Gia đình tìm mọi cách chạy chữa cho chị nhưng không kịp nữa. Trong những ngày tháng khủng khiếp này tâm hồn chị thật túng quẩn. Không ai có thể giúp chị, dù là chồng con, những người chị yêu thương nhất. Giờ đây chị còn một mình Mẹ Maria mà thôi. Thật ra, dù không giữ đạo nhưng trong chị niềm tin vẫn không hoàn toàn mất đi. Cuộc sống của chị một mình nơi xa lạ với muôn ngàn khó khăn. Chị vẫn nhớ lời người mẹ yêu quý căn dặn trước khi qua đời: “Con phải nhớ đọc kinh, xem lễ và nhất là lần chuỗi Mân Côi, để dù không có Mẹ nhưng Mẹ Maria sẽ luôn ở bên con”. Thương mẹ nhưng chị không thực hiện được hết di nguyện của mẹ. Chị chỉ cầu nguyện cùng Mẹ Maria những khi gặp gian nan khốn khó. Và Mẹ đã luôn giúp chị.

Cách đây gần 2 tháng, chị quyết định xin chồng cho gặp Cha để xin xưng tội, rước lễ. Sau nhiều lần thuyết phục, anh mới đồng ý. Đáng lẽ ra trường hợp của chị là không được nhưng vì chị bệnh quá nặng nên cha sở cũng cho phép. Chị cũng tìm cách liên lạc với gia đình, chị có số điện của cậu em út. Nhờ đó mà năm ngoái khi Bố qua đời, chị cũng chạy về thọ tang. Nhưng gia đình vẫn không đón nhận chị. Giờ nghe tin chị bệnh nặng thế này, chắc là họ cũng xót thương…

Từ ngày chị được xưng tội, rước lễ trở lại, chị vui lắm. Lúc nào trên tay chị cũng có tràng chuỗi, chị không ngừng nghỉ kêu xin lòng thương xót của Mẹ Maria.  Đây là nguồn an ủi duy nhất cho chị trong những cơn đau đớn triền miên. Nhất là có các anh chị trong Hội Legio thường xuyên đọc kinh, thăm viếng, động viên nên chị thêm lòng tin tưởng phó thác vào Chúa. Tuy vậy, trong chị vẫn còn một nỗi lo lắng đó là Chúa có tha thứ cho chị không, chị đã bỏ Chúa hơn 30 năm rồi còn gì. Chị không dám xin Ngài tha thứ. Chị chỉ chạy đến với Mẹ thôi, vì chị tin rằng không có người mẹ nào lại từ chối con mình. Dù đứa con có xấu xa, tội lỗi đến đâu.

Mỗi khi cơn đau hành hạ, chị cố gắng hết sức đọc kinh kính mừng, Có những lúc không thở nổi và gần như ngất đi, chị thấy hai người mẹ ở bên mình. Mẹ của chị và Mẹ Maria. Thật ấm áp biết bao.

Thời gian gần đây, chị không xin cho mình khỏi bệnh nữa, chỉ xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa tha thứ cho chị. Xin Ngài đón nhận chị và gia đình chị nữa. Chị lo cho anh Nam và 3 đứa con đang sống trong lầm lạc. Đứng trước cái chết gần kề, chị cảm thấy không còn điều gì cần thiết hơn là được sống trong ơn nghĩa Chúa.

Chị đã nói với Mẹ thật nhiều. Hy vọng rằng Mẹ sẽ nhậm lời…

Cách đây một tháng, chị phải nhập viện vì cơn đau dữ dội làm chị như không thở được. Nhất là những ngày gần đây chị rất mệt, không ăn uống gì được nhưng chị muốn rước Chúa. Hôm qua, tôi đến thăm và đem Mình Thánh Chúa cho chị. Khi được rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chị mỉm cười trông thật hạnh phúc.

Sau này hỏi Linh, con gái út đang chăm sóc chị,

-  Trước khi mất mẹ có nói gì không Linh?

- Sau khi sơ về, mẹ con nói với con: “Hãy kêu các anh chị đến đây với mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Mẹ chuẩn bị về với Chúa rồi.” Chúng con tập trung bên mẹ nhưng có biết cầu nguyện là gì đâu. Thương mẹ lắm và cũng lầm rầm khấn vái xin “Bà Chúa” cho mẹ được bớt đau đớn. Đến  hai giờ chiều mẹ con yếu dần, và đi vào hôn mê cho đến  9 giờ sáng nay, mẹ nhẹ nhàng từ giã cõi đời.

* * *

Gia đình chị Lan đã ở cái xóm núi này hơn 30 năm rồi nhưng chỉ vài tháng gần đây người ta mới biết chị có đạo. Nhất là hôm nay, Khi chị qua đời, quý biện họ, anh chị em trong Hội Legio cùng các đoàn thể khác đã ngày đêm túc trực đọc kinh, cầu lễ cho chị. Trái ngược với suy nghĩ của mọi người, chị bị ung thư phổi chắc chết không ai dám đến gần. Nhưng không, đám tang chị thật  ấm cúng, suốt hai ngày đêm luôn có người đọc kinh, cầu lễ, viếng xác và hiện diện cùng với gia đình.

Nhìn chị da bọc xương mà ai cũng xót xa. Cơn bệnh ung thư đã lấy đi dần sinh lực của chị. Từ một phụ nữ xinh đẹp giờ chỉ còn một cơ thể gầy guộc, khẳng khiu. Thương chị, anh và các con đã cố tìm thầy chạy thuộc nhưng không sao dành lại chị từ tay tử thần. Chị rất đau đớn nhưng không dám than khóc vì sợ chồng con buồn, chị chỉ ôm chặt chuỗi hạt vào lòng và thầm thỉ cầu xin Đức Mẹ. Ban đầu anh tưởng chị nhớ người mẹ đã mất khi chị còn nhỏ, nhưng không phải, đây là Bà Maria nào đó. Dù không thấy, nhưng mỗi lần cầu xin, chị như được an ủi và bớt vật vã, đau đớn hơn.

Trước kia, Nam rất ghét chị đọc kinh, không cho chị đi Nhà Thờ. Giờ đây, anh không thể làm gì cho chị được nên bằng lòng để cho chị cầu nguyện với Chúa. Anh cảm thấy thật hối hận vì bấy lâu nay đã ngăn cấm chị. Thì ra đạo Công giáo không toàn là chuyện mê tín dị đoan như anh nghĩ. Người Công giáo cũng thật tốt, dù không bà con họ hàng gì với gia đình anh nhưng họ đã giúp cho vợ anh nhiều lắm. Nhờ họ cầu nguyện mà chị đến lúc chết đã không còn tuyệt vọng nữa. Vậy nếu đúng như chị nói thì bên kia cái chết quả thật còn có một đời sống khác sao?

Ước nguyện của chị là khi chết được chôn cất theo nghi thức Công giáo, anh và các con cùng đến Nhà Thờ với chị lần cuối trước khi đưa chị ra huyệt mộ. Dù không muốn chút nào, nhưng đã hứa với chị rồi. Gia đình tất cả gồm anh và 3 người con trai và Linh là con gái út. Chỉ có Linh là ít ngỡ ngàng vì đã cùng Mẹ vào nhà thờ được một vài lần. Còn lại mọi người thật hết sức lạ lùng và bỡ ngỡ.

Phía nhà chị có các anh chị em và mấy người bà con ở Hưng Yên cũng lên. Nhờ có họ cùng với giáo xứ lo cho chị những ngày qua. Anh và các con làm theo những gì họ yêu cầu. Dù không hiểu nhưng đây là điều cuối cùng có thể làm cho chị được vui.

 Anh thật không ngờ có rất nhiều người mà anh không hề quen biết lại đến dự lễ tang của vợ anh và đưa chị ra đến huyệt mộ. Mấy hôm nay trời mưa, đường thật lầy lội. Vì nghĩa trang giáo xứ không còn chỗ nên chị phải chôn trên triền núi cao. Quan tài đưa lên thật vất vả, thế mà mọi người hết sức tận tình như là lo cho người thân của họ vậy.

Lời cảm ơn của cậu Sang em chị, cắt đứt ngay dòng suy tư của Nam. Anh chăm chú lắng nghe. “Kính thưa cha sở, quý sơ, quý Hội đồng Giáo xứ, quý Hội đoàn, ca đoàn, bà con bạn bè cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Con xin đại diện cho gia đình tang quyến có đôi lời cảm tạ. Chị của con, Ysave Nguyễn Thị Lan đã từ bỏ Chúa, gia đình, giáo xứ, làng quê để đến nơi đây. Gần 30 năm qua chị như con chiên đã đi lạc, nhưng giây phút cuối đời chị đã được giáo xứ đón nhận và chăm sóc như một người con. Chị của con đã được trở về cùng Chúa. Đây là niềm an ủi lớn cho gia đình chúng con. Xin Chúa trả công vô cùng cho Cha cùng giáo xứ. Xin cầu nguyện cho chị chúng con được sớm về hưởng kiến nhan thánh Chúa trên quê trời và cho mong ước của chị có thể thành hiện thực. Tang gia chúng con đồng bái tạ”.

Hơn ai hết, anh biết mong ước của chị không chỉ là được chết như một người con Chúa mà còn một điều quan trọng nữa là anh và các con được biết và tin Chúa. Đây là điều mà chị đã nói với Nam nhiều lần và tha thiết hơn cách đây một tuần. Lúc đó anh chẳng quan tâm, chỉ ậm ừ cho qua vì thương chị quá chứ anh nào biết Chúa là gì. Anh trộm nghĩ nếu Chúa có thật thì Ngài hãy cứu người vợ yêu dấu của anh đi. Người đã cùng anh san sẻ cuộc sống vợ chồng bao nhiêu năm qua, người đã hy sinh cả đời vì chồng, vì con, vì gia đình bé nhỏ này…

Chúa không chữa lành thân xác chị nhưng hình như đã cho chị được chết bình an. Chỉ có một điều chị còn lo lắng là anh và các con. Anh luôn cảm phục chị  đã tha thứ cho anh những lúc yếu đuối và ngay đến lúc chết vẫn lo cho bố con anh. Vì thế, mong muốn của chị có đúng không?

Lúc này, rất nhiều thắc mắc hiện ra trong đầu Nam và nhất định anh sẽ tìm hiểu cho rõ. Vì khi mọi người đến lo cho tang lễ của chị có nhiều người lạ, có cả cha ở nhà thờ và mấy bà sơ nữa. Khi hỏi lý do, anh được trả lời đây là việc người có đạo phải làm, vì tình anh chị em trong giáo họ, giáo xứ, vì là con cùng một Cha trên trời.

Ba ngày sau khi chị qua đời, buổi tối, mọi người còn đến nhà cầu nguyện cho chị thật đông. Anh và các con cũng tham dự. Những lời kinh tuy nghe không hiểu nhưng  cũng giúp anh phần nào nhẹ bớt nỗi mất mát lớn lao này. Nhất là khi mọi người tha thiết cầu xin với người Mẹ mà chị vẫn hằng kêu cầu khi còn sống. 

Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nổi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương và tràn lan gai góc vướng trên con đường….”

* * *

Một tuần sau ngày chị qua đời. Hôm nay chủ nhật, cả nhà sẽ ra nghĩa trang thăm chị. Anh đã thức dậy từ sớm, chuẩn bị mọi thứ, đặc biệt là hai chậu lan tím  mà chị thích sẽ đem để trên mộ chị.

Nhìn lên bàn thờ, qua khung ảnh, chị như đang mỉm cười với anh. Nam nhủ thầm: “Lan ơi, chắc là em đã yên nghỉ. Hãy phù hộ cho anh thay em lo cho các con. Bố con anh rất muốn gặp lại em”.

Làn hương nhẹ bay trong gió sớm mang theo nỗi niềm của người ra đi và cả người ở lại. Phía chân trời màu nắng bình minh gợi lên bao niềm tin và hy vọng về hạnh phúc sum vầy của những kẻ có niềm tin… 

 

 

Mã số: 17-116

BỨC CHÂN DUNG XẾ CHIỀU TRONG ÁNH BÌNH MINH

 

Cứ như mọi buổi sáng, tôi thức giấc trong tình yêu quan phòng của Chúa. Tôi cảm tạ Chúa và mở toang cánh cửa sổ cho ánh bình minh rực rỡ ló rạng len lỏi vào căn phòng. Rồi lại mỉm cười, hít thở thật sâu để tận hưởng cho trọn giây phút tuyệt vời này. Trong ánh ban mai, những tia nắng ấm áp đem lại cho tôi niềm vui, bình an, cảm giác sảng khoái, thư thái và nguồn sức sống vô tận để khởi động cho một ngày mới.

Có lẽ hôm nay là một ngày bận rộn đối với tôi. Tôi lại phải tiếp tục chạy đua với cuộc sống bộn bề hằng ngày. Thế nhưng, mọi thứ đã được chuẩn bị kĩ càng từ tối hôm trước. Vác cái balô ôm trọn cả sống lưng bằng vải thổ cẩm trên vai, tôi phi thẳng xuống chỗ để xe. “Chiếc xe huyền thoại – Cub 50” kia rồi! Đi thôi!”. Dong xe ra, tôi đạp máy. “Phành phạch… phành phạch… Nổ rồi. Sao hôm nay ngoan thế? Bình thường “nhõng nhẽo” lắm cơ mà!” - Tôi thầm nghĩ, cười khoái chí rồi chạy vù đi. Buổi sáng hôm nay thật đẹp. Trời trong xanh, thoáng đãng mang lại bầu không khí mát mẻ, dễ chịu, pha thêm chút gió đông se lạnh, làm cho tâm hồn mỗi người tràn đầy hân hoan. Khi xe lăn bánh, ngôi nhà nơi tôi đang cư ngụ dần dần khuất đi sau lưng bằng những khu xóm, những con đường, những tòa nhà cao vút và bóng dáng của ngôi nhà thờ trang nghiêm… Tôi đi học. Tôi là một sinh viên.

Ra khỏi cái hẻm chật hẹp và quanh co nhưng cũng đã trở nên rất đỗi gần gũi là đến những con đường đã được đặt tên, tôi có thể dễ dàng lưu thông tới trường. Nhà tôi gần chợ nên khiến cho nơi này sầm uất, sôi nổi hơn hẳn so với nhiều khu vực khác ở Sài Gòn. Hai bên đường là sự nhộn nhịp, ồn ào của các quán ăn, các cửa hàng, các lái buôn… Mọi người trở nên náo nhiệt vào mỗi sáng. Các cụ già thì đang khỏe khoắn trong các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng ở gần đó. Tôi vẫn chưa phải ngửi mùi khói bụi nhiều vì chưa đến giờ cao điểm. Điều này cũng trở thành một niềm vui đơn sơ và lý thú đối với tôi. Đường sá vẫn còn ít xe cộ qua lại. Nhờ vậy, tôi còn có thể ngửi thấy mùi sữa đậu nành thơm lừng nồng nàn xông lên tận mũi, mùi phở ngất ngây đến quyến rũ, sẵn sàng kích thích vị giác của bất cứ ai cùng mùi xôi nhẹ nhàng, thoang thoảng… dọc theo con đường. "Mình cũng phải tranh thủ kiếm thứ gì đó lót dạ khi đến trường chứ!". Nghĩ vậy nên tôi lái xe chậm lại, tạt vào một quán ăn nhỏ bên đường:

- Cô ơi, lấy cho cháu hộp bánh cuốn nóng như mọi hôm nhé! Lấy nước mắm không cay nha cô!

- Được rồi, chờ cô xíu nhé! – Cô bán hàng vui vẻ mỉm cười đáp lại.

Cuộc sống không chỉ đơn thuần dừng lại ở những “mùi”, những hoạt động, những cảnh vật quen thuộc ấy mà nó còn chứa đựng, hứa hẹn biết bao điều thú vị vào buổi sáng hôm đó. Chỉ đợi vài phút ít ỏi khi chờ mua đồ ăn sáng nhưng tôi diễm phúc được chứng kiến một câu chuyện cổ tích có thật. Một câu chuyện tình yêu tuyệt diệu mà tôi dám cá rằng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đều không thể tin được. Thế nhưng, nó đang hiện ra trước mắt tôi một cách lãng mạn, chân thật, huy hoàng và rực rỡ. Tôi đã thấy một điều thật hay, thật đẹp, thật gần gũi, song, thật đặc biệt và thật hiếm trên phố Sài Gòn hoa lệ này. Thật không phí thời giờ Chúa ban chút nào!

Cách độ khoảng hai, ba mét, tôi gặp một “đôi bạn trẻ” ước chừng đã ngoài bảy mươi có vẻ đang rất hạnh phúc. Vì không còn cụm từ nào diễn tả nỗi niềm này hay hơn, đúng hơn nên tôi gọi đó là “HẠNH PHÚC”. Hạnh phúc theo đúng nghĩa mà lý trí có thể hiểu và con tim có thể cảm thấu được. Nhìn hình dáng bên ngoài thì ông bà cũng chẳng có gì nổi bật so với biết bao con người khác đang mưu sinh, vất vả trên đất Sài gòn. Hai ông bà ăn mặc rất đỗi bình dị, không cầu kì, không trau chuốt. Rất may mắn vì tôi còn nhìn được màu áo sơ-mi của ông vì nó đã sờn, đã bạc một cách thái quá. Phải chăng vì đã bầu bạn với ông quá lâu năm? Đó là chiếc áo sơ-mi màu nâu sậm với những đường may đơn giản kèm theo vài vết khâu vá. Nếu nó còn mới thì gần giống màu da của ông. Màu da bánh mật mà đã bị rám nắng. Thiết nghĩ, màu da đó đã phản ánh cách chân thực của sự khổ cực, hy sinh, chịu sương, chịu gió, dãi dầu sớm hôm suốt chừng ấy năm trong cuộc đời ông lão. Khuôn mặt phúc hậu cùng đôi mát sáng ấy cho tôi nhiều tín hiệu của ánh nhìn đầy thiện cảm, của sự tôn trọng, nể phục và quý mến đối với ông. Cái mũ màu xanh rêu bộ đội, có thêm cả sợi dây quai dài xuống tới cổ có vẻ cũng đã đồng hành cùng ông không biết đã bao nhiêu năm. Vì chưng, tôi cũng chẳng định hình được nó còn ánh lên được cái màu rêu của chiếc mũ kia không nữa. Mái tóc ngắn ngắn, xoăn xoăn của bà thì bạc phơ, không còn chút nào gọi là "muối tiêu" như dân gian thường hay so sánh. Thân hình gầy gò, tiều tuỵ nhưng không thể ẩn đi sự trìu mến và niềm nở, rạng rỡ trên khuôn mặt bà. Bà cũng thật giản dị trong bộ áo bà ba xưa cũ, cũng đã sờn, đã bạc, đã hao mòn như ông. Trên cổ tay bà có đeo một chuỗi mân côi màu đen bình dị, là dấu hiệu nhận biết đứa con có lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ. Chắc hẳn, ông bà là người Công Giáo. Vì thế, tôi lại càng thấy sự thân thiện và gần gũi hơn đối với hai cụ.

Có lẽ cuộc đời của hai con người này đã trải qua rất nhiều sóng gió của thời cuộc, của biết bao sự lao đao, vất vả tìm miếng cơm manh áo, của sự đong đo chật vật, của sự mưu sinh trong cuộc sống cơ hàn này. Tôi nghĩ là tôi đoán đúng. Phải! Tôi thấy ông chở bà trên chiếc xe đạp thô sơ, cũ kĩ và xuống cấp để… đi bán vé số. Họ là người nghèo sao? Không! Họ giàu lắm! Giàu đến nỗi không thể đếm cho cùng. Họ giàu tình yêu của sự chân thành chất phác, tình yêu của sự thủy chung tuyệt đối, tình yêu của sự gắn kết trọn hảo và họ giàu tình yêu trọn vẹn của một kiếp người. Trong nỗi cơ cực nhưng không vắng bóng sự cố gắng vươn lên. Họ thật sự giàu có, giàu tình yêu đang chan chứa tỏa lan nơi tâm hồn ông bà. Đối với tôi, họ là những vĩ nhân. Điều tôi đang nhìn thấy là hình ảnh đẹp nhất khi tôi bắt đầu chập chững bước chân ướt, chân ráo lên Sài Gòn cho đến thời điểm này. Cái đẹp mà con mắt tôi nhìn thấy là tình yêu vô bờ bến nơi ông bà dành cho nhau. Ở chừng tuổi này, cái tuổi dành cho sự nghỉ ngơi, tịnh dưỡng phải được ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, cuộc sống éo le đưa đẩy họ trong cảnh thiếu thốn, trong lúc bóng đã xế chiều mà họ vẫn phải lao đao kiếm sống. Dù vậy họ vẫn bên nhau, cùng nhau lao động và cùng nhau song hành. Đặc biệt, họ làm một điều mà thậm chí những người trẻ như tôi đây, đang trong tuổi yêu rạo rực và cháy bỏng, đầy rung động và đam mê, mộng mơ và điên dại mà còn lấy làm e ngại: đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ khắp phố phường Sài Gòn. Hạnh phúc! Tôi lặp đi lặp lại từ này vì chưng, chính tôi đây cũng ngạc nhiên, cũng nghẹn ngào, cũng đang vỡ òa trong cõi lòng trước nỗi niềm ấy của “đôi bạn” này.

Họ đang dừng lại bán vé số cho một phụ nữ trạc bốn mươi đang đi bộ trên vỉa hè. Tôi đứng sau họ độ vài thước nên dễ dàng quan sát hết thảy.

- Hai bác ơi, cho cháu coi mấy tờ vé số nhé! – Người phụ nữ lên tiếng vẫy gọi niềm nở.

- Dạ được, cô coi rồi mua giúp chúng tôi heng! – Bà cụ đáp lại bằng nụ cười móm mém, tươi tắn và vui mừng.

Bà đưa cho người phụ nữ những tấm vé số được sắp nếp gọn gàng từng xấp một. Vừa coi, vừa bắt chuyện:

- Thế ngày nào hai bác cũng đi bán thế này hả?

- Vâng. Chúng tôi nghèo mà đã quá tuổi lao động rồi, còn ai thuê chúng tôi đâu.– Ông đáp.

- Thế hai bác không có con cháu gì hả?

- Có chứ! Chúng tôi có một đứa con trai nhưng nó đã ra đi cách đây khoảng hai chục năm trong một vụ tai nạn giao thông rồi. – Nói đến đấy, đôi mắt cụ bà đỏ hoe, rưng rưng trong khóe mắt. Như thể nỗi đau lại một lần nữa bóp nghẹt lấy con tim mà không gì có thể xoa dịu hay bù đắp được.

- Ôi! Cháu xin lỗi. – Người phụ nữ vội vàng tiếp lời. – Thế mỗi ngày hai bác bán được nhiều không?

- Cũng tàm tạm cô ạ! Đủ chén cơm cho chúng tôi sống qua ngày.- Ông cụ đáp.

- Bác đạp xe thế này thì đi được bao xa?

- Tùy ngày cô ạ! Ngày nào bán được nhiều thì đi ít, ngày nào bán được ít thì đi nhiều.

Người phụ nữ mỉm cười:

- Cháu lấy 10 tờ. Cho cháu gửi tiền hai bác.

- Cám ơn cô nhiều nhé! Cứ gặp nhiều người như cô thế này thì hôm nay chúng tôi được nghỉ sớm rồi. Cám ơn cô!

- Dạ, không có gì đâu hai bác.

- Chào cô nhé!

Nói rồi, ông lão ngồi lên yên xe đèo bà đi tiếp trên con đường dài. Bỗng, nghe một tiếng thất thanh nhưng quen thuộc:

- À hai bác ơi! – Người phụ nữ vừa rồi lên tiếng gọi một lần nữa.

- Sao thế hả cô? – Bà ngạc nhiên đáp

- Cháu đã mua mấy tờ vé số này rồi. Nhưng bây giờ cháu muốn biếu lại hai bác. Coi như để giúp hai bác thêm phần nào. Hai bác nhận nhé!

- Ồ không cô ơi! Cô có lòng như thế thì chúng tôi cám ơn. Cô đã giúp chúng tôi nhiều lắm rồi cô ạ! Nhưng chúng tôi còn làm được, còn đi được thì chúng con còn làm, còn đi chứ. Đâu có ỷ nại vào lòng tốt của cô được. Cô là một người nhân ái. Chúa sẽ trả công cho cô. Thôi, tạm biệt cô. Chúng tôi đi đây. - Ông cụ mạnh mẽ trả lời.

Nói rồi, ông bà tiếp tục đi, đi trong sự ngỡ ngàng của người phụ nữ trung niên đó và cả tôi nữa. Bánh xe đạp ấy lăn được bao nhiêu vòng thì thể hiện được bấy nhiêu sự kính trọng, nể phục của tôi dành cho ông bà bằng cái lặng lẽ, cố gắng, thật thà, chất phác, tự trọng mà ông bà đã thực hành và cách riêng, nêu gương cho chính bản thân tôi.

Tôi bất thần trong tích tắc. Cảnh tượng này làm lòng tôi run lên, xúc cảm trong sự xao xuyến, bồi hồi và có chút gì đó rạo rực trong tâm trí về một “đôi bạn trẻ” khác: là ông bà nội của tôi. Ông bà tôi cũng có một cuộc đời, một cuộc hôn nhân rất đỗi hạnh phúc. Đến nỗi mà mẹ tôi từng nói: “Từ ngày mẹ về làm dâu, chưa thấy ông bà to tiếng với nhau khi nào". Có nhiều người cho rằng đây là điều không thể, nhưng xin thưa đó là sự thật. Và giả như ông bà có lớn tiếng hay giận hơn nhau điều gì mà con cháu biết thì tôi nghĩ đó cũng chỉ là những chuyện vặt vẽ, nhỏ nhặt, không đáng bận tâm, dễ dàng bỏ qua được. Đồng thời, đây cũng hẳn là sự khôn ngoan Trời ban cho các cụ – người mà tôi hết lòng mến mộ và kính yêu. Tôi tin điều đó. Vì chưng, tuổi thơ tôi đã có rất nhiều kỉ niệm cùng ông bà. Hồi đó, nhà tôi nghèo, còn đun bằng bếp lửa. Ông thì chẻ củi, bà thì ngồi căn bếp, đun nồi nước sôi dùng cho cả nhà. Tôi hay xuống xin “giành” việc của bà. Con nít hay tò mò, hay quậy phá ấy mà. Còn bà thì hướng dẫn tôi coi bếp và thích nhìn cháu chơi, để cháu nghịch mấy cái than củi. Đơn giản là vì cháu thích và cũng không nguy hiểm gì. Phần ông, chẻ củi gần đó mà cứ vừa đùa, vừa nói, vừa chọc ghẹo tôi và cả… bà. Rồi sáng sớm, hai ông bà ngồi cùng nhau nhặt mười mấy bó rau muống để giúp bác tôi trong việc kinh doanh. Đứa cháu nhỏ cũng còn là trẻ con, cũng thích nghịch ngợm, cũng ngồi đó phá phách và thích thú coi ông bà làm việc… Gia đình tôi tràn ngập tiếng cười khi có ông bà. Từ cuộc sống, hình ảnh và những bài học của ông bà để lại cho lũ cháu đàn con thì trở nên bất hủ và vô giá. Đối với bà, ông nội tôi mãi là người chồng, người yêu, là chàng tân lang, là người bạn đời thuỷ chung vẫn còn sống mãi trong trái tim này. Bởi lẽ, khi tôi về chơi, cùng trò chuyện thì bao giờ bà cũng kể về ông. Bà thuộc từng hành động, từng cử chỉ, từng thói quen, sở thích... của ông. Nghĩ tới đây, khóe mắt tôi cay cay xuống tận sống mũi: ông nội tôi đã mất cách đây hơn bốn năm rồi. Nhưng tôi hằng tin rằng: Ông sống mãi trong bà và đàn con cháu.

- Cháu ơi, bánh cuốn của cháu xong rồi nè! – Cô bán hàng lay động tay tôi.

Tôi giật mình như đang thăng hoa, không biết mình đang ở tầng mây thứ mấy, đang làm gì hay đang ở đâu vậy. Vội vàng móc tờ mười ngàn trong túi ra đưa cho cô ấy.

- Cháu gửi cô nhé! Cám ơn cô rất nhiều!

Tôi muốn đi theo ông bà bán vé số kia để cảm nhận thêm những giá trị tinh hoa nơi họ. Thế nhưng, ông bà cứ đi thẳng, còn tôi phải rẽ trái rồi. Cầu mong ông bà sẽ luôn hạnh phúc bên nhau và cuộc sống của ông bà sẽ được cải thiện. Đặc biệt, xin Chúa chúc phúc và ban muôn hồng ân cho hai con người cao thượng này.

Nguyện Chúa xuống tình hải hà

Yêu thương, gắn kết, chở che gia đình

Tình yêu có Chúa giữ gìn

Mãi luôn êm ái trong cánh tay Người.

Thế rồi, tôi lại quay về với cuộc hành trình của mình. Tôi lái chiếc xe huyền thoại đó đi thêm khoảng vài trăm mét thì dừng lại:

- Mày ra đây lâu chưa? Đợi tao có lâu không?

- Tao mới ra. Tao tưởng mày đợi tao.

Hai đứa phá lên cười. Thì ra là đứa nào cũng trễ vài phút như nhau. Đó là Tuyết – bạn chung lớp với tôi. Tôi thường qua chở nó đi cùng. Chúng tôi đi học, đi trong niềm vui, trong tiếng cười giòn giã bởi những câu chuyện vui, bất ngờ của nó và của tôi. Tôi cũng kể cho Tuyết nghe về bức tranh tuyệt mỹ mà tôi vừa chiêm ngắm. Nó cũng rạo rực, bần thần y như tôi. Chúng tôi đến trường trong ánh nắng rực rỡ của Sài Gòn, trong tâm tình tạ ơn Đấng Quan Phòng, trong sức sống tràn trề và tinh thần tươi trẻ, năng nổ, đầy nhiệt huyết của tuổi sinh viên.

Cuộc đời đẹp lắm ai ơi!

Muôn màu, muôn sắc của bao tâm hồn

Lao đao, vất vả khốn cùng

Hay rằng no ấm, tiện nghi mọi bề

Cho dù nhỏ, lớn, cao niên

Thì bình minh vẫn chiếu soi không từ

Nên xin cứ mãi sống yêu

Yêu thương tình nghĩa chứa chan nhiệm màu

Sẻ chia ngọt bùi cùng nhau

Sống chung một kiếp trọn đời ở bên.

 

 

Mã số: 17-117

CHUNG ĐIỀU NGUYỆN ƯỚC

 

Ở đời, thường có những biến cố bất chợt xảy đến không thể ngờ trước, cũng như có những cuộc hạnh ngộ ngoài dự đoán của ta. Đối với Hoàng cũng thế, anh định lên máy bay sẽ đánh một giấc cho lại sức, vì đêm qua anh mải bận rộn tiệc tùng với bao tình cảm quyến luyến, nên giờ cần ngủ bù. Nhưng vừa ngồi xuống ghế, anh chợt nhìn sững người bên cạnh và ngập ngừng hỏi:

- Có phải cậu là…Thịnh?

Rồi Hoàng ôm chầm lấy anh ta, đấm thùm thụp vào lưng bạn:

- Trời ơi! Mười mấy năm nay cậu đi đâu biệt tăm, sao chẳng liên lạc với tớ?

- Cậu trốn mất, sao mình tìm được.

- Ừ nhỉ! Nhà cậu dời đi được gần một năm thì nhà mình cũng dời về thành phố sống chung với nội nên…

Thịnh cười thật tươi:

- Quả là sự an bài tuyệt vời của Đức Chúa Trời!

Hoàng ngạc nhiên kêu lên:

- Cậu…

Thịnh gật đầu cười hiền:

- Giờ mình là mục sư, một thành viên của Tu Hội Đại Kết Taizé. Cậu có nghe nói về những buổi cầu nguyện Taizé chưa?

- Mình có dự mấy lần hồi còn sinh hoạt giới trẻ. Mình tưởng đó là phương pháp cầu nguyện của Công Giáo Đông Phương?

- Không phải cậu ạ, là sáng kiến của một mục sư Tin Lành đấy. Cộng đoàn Taizé do thầy Roger Schutz - một người Tin Lành lập ra, vào năm 1940 . Đây là một Tu Hội Đại Kết tại làng Taizé, tỉnh Saône-et-Loire, thuộc vùng Bourgogne, miền tây nước Pháp. Cộng đoàn này hiện có hàng trăm anh em tu sĩ thuộc nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau như: Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo... đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Năm 1986, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến chia sẻ những sinh hoạt với cộng đoàn nhỏ bé này.

- Ồ! Vậy mục đích của Tu Hội là gì?

 - Mục đích của Tu Hội Đại Kết là hiệp nhất các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Kitô: Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo… nhằm cổ vũ sự thống nhất đức tin và hiệp thông giữa các cộng đồng Kitô giáo. Lý tưởng của cộng đoàn là cổ vũ mạnh mẽ cho nền công lý và hòa bình của thế giới thông qua việc cầu nguyện và chiêm niệm.

- Thế à? Nhưng một cộng đoàn tôn giáo hỗn hợp như vậy thì mọi người sống và hoạt động thế nào?

- Các thành viên khấn độc thân, sống cộng đoàn, tận hiến trong điều kiện sống giản dị nhất và sống bằng chính sức lao động của mình. Trọng tâm của đời sống cộng đoàn Taizé là các tu sĩ cầu nguyện chung với nhau ba lần mỗi ngày. Cộng đoàn được thành lập để chia sẻ với những người nghèo khổ nhất và sẵn sàng đón tiếp những ai cần đến họ. Lúc đầu, tu hội tập hợp những trẻ em bị mồ côi cha mẹ trong chiến tranh thế giới thứ hai và nhận nuôi các em. Dần dần, nhà Taizé tiếp nhận thêm rất nhiều người cơ nhỡ. Họ đến sống với các em đường phố, các tù nhân, các người bệnh ở giai đoạn cuối, những người sống trong cảnh khốn cùng... Mỗi năm, có hơn 100.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới hành hương đến Taizé để cầu nguyện, học Kinh Thánh, chia sẻ, và làm việc cho cộng đoàn. Hiện nay, Tu Hội  này có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, BangladeshPhilippinesAlgérieBrasilKenyaSenegal, Hoa Kỳ

- Thế cộng đoàn giúp được gì về phương diện tâm linh cho những người mình phục vụ?

- Các tu sĩ này đã giúp nhiều người tìm được giá trị của chính mình qua tình yêu của Thượng Đế, lòng tử tế và tình nhân loại, qua thiên nhiên, không phân biệt tôn giáo, màu da, chính kiến.

- Bây giờ vị mục sư thành lập vẫn còn làm bề trên à?

- Không, thầy mới mất năm 2005. Nhưng trước đó, vào năm 1998, thầy Roger đã chỉ định thầy Alois - một người Công Giáo gốc Đức sẽ làm người kế nhiệm mình. Năm vừa rồi thầy Roger qua đời, thầy Alois lên làm Bề Trên Tổng Quyền của Cộng đoàn Taizé.

Rồi Thịnh kể cho Hoàng nghe cơ duyên nào đưa cậu gia nhập cộng đoàn này. Cuộc đời thường có những cơ may bất ngờ xảy đến, Thịnh cũng gặp được điều may lành như thế. Thấy anh học giỏi, ngoan hiền lại có ước mơ làm bác sĩ, nên vừa xong tú tài, người cô ruột ở Mỹ đã tài trợ cho sang du học. Được gần hai năm, có lần mấy người bạn Tin Lành rủ anh tham dự giờ cầu nguyện Taizé do một mục sư hướng dẫn. Lúc đầu anh định đi thử cho biết, sau thấy hay nên đến dự thường xuyên. Rồi một lần trong giờ cầu nguyện, Thịnh nghe rõ tiếng Chúa mời gọi trong tâm hồn: “Hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ Ta, làm phép Báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” ([1]). Suốt mấy tháng liền, anh cứ nghe tiếng mời gọi ấy vang vọng mãi trong lòng, anh đến trao đổi với mục sư và được hướng dẫn tận tình. Sau đó, anh về trình bày với người cô ước muốn làm mục sư để mang Lời Chúa đến cho mọi người và bà đã ủng hộ anh. Thịnh chọn theo Tin Lành, vì người đầu tiên anh  gặp gỡ và đã ân cần giúp đỡ anh là mục sư trong Tu Hội Đại Kết Taizé này.

Hoàng thắc mắc:

- Cậu từ bỏ ước mơ từ nhỏ của chúng ta à?

- Mình thấy Chúa Cứu Thế Giêsu không hề học y khoa ngày nào mà vẫn chữa được đủ thứ loại bệnh. Ngài chỉ dùng Lời để chữa được cả hồn lẫn xác. Với lại, sau một thời gian học Kinh Thánh, mình ngộ ra một điều: “Vinh hoa đời này không bền vững, chỉ khi nào mình sống cho Chúa, lúc đó đời mình mới thực sự có ý nghĩa”.

Hoàng bị đánh động bởi câu nói vừa rồi. Anh thấy thẹn trong lòng, bởi mang tiếng là đạo gốc mà mấy năm qua mãi lo học, anh đã lơ là với Chúa. Anh suy nghĩ nhiều về lời nói của bạn: “Vinh hoa đời này không bền vững, chỉ khi nào mình sống cho Chúa, lúc đó đời mình mới thực sự có ý nghĩa”. Cuối cùng, anh quyết định từ chối thư mời làm việc của bệnh viện, cũng như những hứa hẹn của gia đình Cindy Nguyễn. Anh xin vào chủng viện, dâng hiến đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người.

***

Dẫu là ai và ở tuổi nào, con đường theo Chúa cũng vương bóng thánh giá. Bác sĩ Hoàng vào chủng viện được một năm thì nhận công tác trưởng ban y tế của nhà chung. Thầy trưởng ban y tế cũ tỏ ra không hài lòng, khi tình cờ biết được thầy Hoàng hay liên lạc với một người bạn là mục sư, thầy ấy liền đi mách với cha giám đốc. Trong một lần gặp nhau, cha giám đốc có hỏi thầy về người bạn mục sư đó. Thầy đã kể cho cha nghe tương quan của thầy và mục sư Thịnh, cũng như động lực nào khiến thầy đi tu.

Hai người là bạn thân, chơi chung với nhau từ nhỏ. Có một điều khác nhau là hai đứa không cùng đạo. Khi Hoàng và Thịnh vừa học xong lớp năm thì bà nội của Thịnh bị tai biến, gia đình anh phải về sống chung với bà. Hai người xa nhau từ đó. Anh bạn ngày xưa, nay là một mục sư Tin Lành của Tu Hội Đại Kết Taizé.

Cha giám đốc giờ hiểu rõ ngọn nguồn, ngài còn khích lệ thầy cứ tiếp tục phát triển tình bạn đó. Thầy Hoàng nói cho cha nghe ước nguyện của thầy là: “Cầu nguyện cho người bạn được ơn quay về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo”. Cha bảo thầy hãy kiên trì cầu nguyện, nhưng xin Chúa thực hiện chương trình của Ngài trên cuộc đời người bạn theo như ý Chúa.

***

          Thời gian thấm thoát trôi, cuối cùng ngày mong đợi đã đến. Những tấm thiệp in đậm tên của mười tiến chức đã được gửi đi. Khuôn viên Tòa Giám Mục đang được dọn dẹp, trang hoàng chuẩn bị cho ngày lễ. Còn một tuần nữa là đến ngày phong chức, Đức Cha cho gọi thầy Hoàng lên nói: “Thầy chưa được chịu chức trong đợt này”. Thầy chỉ biết cúi đầu nhận tin mà chết lặng trong lòng.

Thầy Hoàng vào nhà nguyện nhìn lên Thánh Giá Chúa, tâm hồn nặng trĩu, đầu óc rối bời. Thầy thấy dường như Chúa Giêsu trên núi Sọ cũng có tâm trạng như mình khi kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”. Nhưng một lúc sau Người lại thưa: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha”, thầy thấy trong lòng nhẹ đi đôi chút. Thầy chẳng biết nói gì với Chúa, chỉ lặp đi lặp lại một câu:

- “Lạy Chúa, xin cứ thực hiện chương trình của Chúa trên cuộc đời con… Giêsu ơi, xin tiếp sức cho con… Lạy Mẹ Maria, xin đồng hành cùng con”.

Khi tâm hồn đã lắng dịu, thầy Hoàng gọi cho mục sư Thịnh. Thầy vừa bấm máy vừa nghĩ: “Phải chăng đây là sự an ủi của Chúa, khi Người sắp đặt cho Thịnh về nước trong lúc này?”. Bên kia đầu dây là giọng nói thân quen:

- Mình đây Hoàng ơi. Cậu gọi mình giờ này chắc có chuyện gì à?       

- Có chuyện thật rồi cậu ạ! Mình… mình không được chịu chức đợt này.

- Sao lại thế?

- Mình cũng không biết nữa, chỉ nghe Đức Cha nói vậy thôi.

Cả hai cùng im lặng, một bầu khí trầm buồn phủ quanh hai người. Một lúc sau, Thịnh hỏi:

- Hiện giờ cậu đang ở đâu?

- Mình ở trong nhà nguyện từ chiều đến giờ.

- Tốt lắm! Cậu ở thêm một giờ nữa đi, mình sẽ hiệp ý cầu cùng Đức Chúa Trời cho cậu.

- Mình cám ơn cậu.

Thầy Hoàng cứ ngồi đó, đầu óc rỗng tuếch, đôi mắt ráo quảnh nhìn lên Nhà Chầu. Mọi hôm, ai ngồi lại trong nhà nguyện giờ này là làm mồi cho muỗi. Nhưng sao hôm nay chẳng có con muỗi nào đến quấy rầy thầy Hoàng, không biết vì chúng bác ái với thầy hay vì tâm hồn tê tái làm thầy không còn cảm giác nữa.

Một lúc sau, mục sư Thịnh nhắn tin: “Ngày mai, cậu hãy xin ra ngoài và đi với mình”.

***

Sáng hôm sau, mục sư Thịnh đưa thầy Hoàng ra vùng ngoại ô, đến gia đình em gái của anh ấy. Suốt quãng đường hơn ba mươi cây số, hai người im lặng trong đồng cảm. Nơi hai người đến là một cánh đồng, mùa gặt vừa xong chỉ còn trơ lại gốc rạ. Một câu hỏi chợt đến trong trí thầy Hoàng: “Vụ mùa đã xong, phải chăng Chúa không cần thợ gặt nữa?”. Thầy ngồi trên đê, ánh mắt nhìn xa xăm. Bất chợt, thầy thấy mãi tít đàng kia thấp thoáng mấy người nông dân, tiếng họ văng vẳng đang khiển trâu kéo cày chuẩn bị mùa vụ mới. Đôi mắt thầy ánh lên niềm vui, đầu khẽ gật gù.

Xa xa giữa cánh đồng, có vài đống rơm cháy sắp tàn còn vương lại chút khói bay lãng đãng. Gió mát rượi mang theo mùi khói rơm thoảng nhẹ làm thầy Hoàng nhớ về tuổi thơ của hai đứa; một thời đầy ắp những kỷ niệm ngây ngô.

Thịnh luôn là người chu đáo, mọi thứ được chuẩn bị sẵn cạnh đống rơm, dưới gốc cây si bên bờ đê. Có một cậu bé mang ra cho anh mấy con cá lóc xâu trong sợi dây chuối. Anh rút một mớ rơm, vùi cá vào trong và châm lửa. Khói bốc lên nghi ngút, vật vờ xoay tứ phía, ập vào mặt làm anh ho sặc sụa. Thầy Hoàng ngồi nhìn bạn mà lòng thấy nhẹ vơi.

Thịnh là thế, lúc nào gặp nhau Hoàng cũng thấy ấm lòng, vì anh luôn sẵn sàng đồng cảm và sẻ chia. Mấy năm ở chủng viện, thầy cũng có chơi thân với vài thầy khác, nhưng ngoài cha linh hướng ra, thì anh là người mà thầy dễ chia sẻ nhất. Ở bên anh, Hoàng như sống lại tuổi thơ của mình, không giấu diếm nhau điều gì, luôn được lắng nghe và thấu hiểu, dẫu “không cùng chung lối”.

Tuy bằng tuổi nhau, nhưng Hoàng là con út trong gia đình, còn Thịnh là anh cả; nên lúc nào anh cũng tỏ ra quan tâm và thấu cảm những nỗi lòng của Hoàng. Hoàng thích anh ở chỗ luôn thẳng thắn, chân tình trong tôn trọng và cùng giúp nhau thăng tiến.

Thời gian Hoàng học triết và thần học ở chủng viện, mỗi lần liên lạc hay những dịp về thăm là anh khích nhau bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa và gay cấn, để Hoàng phải đào sâu và nắm vững kiến thức cũng như những giáo huấn của Giáo Hội.

Thịnh đã nướng cá xong, anh đặt chúng trên mớ rơm mang đến bên bạn. Anh lên tiếng kéo Hoàng về thực tại:

- Nào, cậu thử xem cá bây giờ có ngọt như ngày xưa không?

Thầy Hoàng hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra như muốn xua đi tất cả những u uẩn trong lòng. Thầy xoay qua nhún vai và mĩm cười với bạn. Hai người vừa nhâm nhi vừa nhắc lại những chuyện ngày xưa rồi cùng cười vui vẻ. Thịnh nói:

- Cậu nhớ không, ngày xưa cậu là người bắt cá chiến nhất trong đám. Bọn xóm trên rất phục tài bắt cá của cậu. Còn mình, lần nào cũng chỉ được vài con nhỏ xíu. Vậy mà khi nướng xong, cậu toàn bắt mình ăn con lớn. Thú thực với cậu có bữa mình rất ngớn, nhưng để cậu vui mình lại cố ăn cho hết.

Thầy Hoàng ngồi gật gù ra vẻ đắc chí:

- Ngày xưa chúng mình nghịch thật, nhưng rất vui và vô lo, chứ không phức tạp như bây giờ.

- Cậu lau tay đi rồi ăn cái này!

- Sao lại có kem nữa?

- Mình nhờ Hồng Thu mua đấy. Cậu nhớ không, hồi đó hai đứa mình thường ăn chung một cây cà lem. Cậu thích kem sầu riêng còn mình thì thích đậu xanh nên mình hay nhường cho cậu chọn. Đến lúc ăn, mình chỉ giả vờ liếm qua rồi để cho cậu mút. Vậy mà cậu cũng phát hiện ra và la mình: “Cậu ăn bạo vào, cậu mút như thế làm sao tớ dám cắn miếng to chứ?”. Mười mấy năm qua mình vẫn nhớ những kỷ niệm này.

Thầy Hoàng rất cảm kích trước tấm lòng của bạn. Anh không hề khuyên giải gì trước nỗi buồn to lớn của  thầy, nhưng lại là liều thuốc thật hữu ích khi anh giúp thầy sống lại tuổi thơ; một thời hồn nhiên, vô tư, chỉ sống cho hiện tại.

***

Những cơn gió chiều mát rượi lướt qua, vuốt ve vầng trán lấm tấm mồ hôi. Trong mớ tóc đang mết vào trán, một vài sợi đã bật ra phất phơ theo gió. Sự âu yếm của thiên nhiên đã giúp thầy Hoàng tỉnh giấc. Mùi rơm thoảng nhẹ làm thầy muốn kéo dài giấc ngủ để mơ về tuổi thơ. Thịnh ngồi kế bên thấy bạn ngọ ngoạy thì mỉm cười quan tâm:

- Cậu tỉnh rồi à? Dậy uống miếng nước dừa cho khỏe, dừa ở đây ngọt lắm cậu ạ!

Thầy Hoàng uể oải ngồi dậy, lấy tay vỗ vỗ trán nói:

- Gió mát, ngủ ngon thật. Mình cám ơn cậu về chuyến đi này.

- Chúng ta là bạn bè, cậu đừng nói thế. Chuyện của cậu cũng là chuyện của mình. Này, uống nước dừa đi cho khỏe, mình phải đi mãi đàng kia mới tìm được nhánh trúc làm ống hút đấy.

- Cần gì, cậu bày vẽ quá!

- Cậu quên à? Ngày xưa, tụi xóm trên phục cậu sát đất, chúng đặt cho cậu biệt danh là “Hoàng bác học”, vì cậu là người đầu tiên trong nhóm đã nghĩ ra cách lấy nhánh trúc làm ống hút đấy.

- Cậu nhớ được nhiều chuyện thế à?

- Mình vẫn nhớ như in ấy. Nhưng có điều mình muốn nói với cậu: Ngày xưa, cậu là người mạnh mẽ, thông minh và nhanh nhạy nhất trong bọn, nên mình nghĩ cậu sẽ vượt qua được biến cố này. Mình sẽ cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời cho cậu.

- Cám ơn cậu, mình đã thấy nhẹ đi rất nhiều rồi. Nhớ ngày xưa hai đứa mình cùng ước mơ làm bác sĩ để cứu giúp bệnh tật cho mọi người. Rồi bây giờ chúng ta lại có chung ước nguyện hiến thân phụng sự Chúa và loan truyền danh Chúa để mọi người được cứu độ. Mình quyết theo Chúa đến cùng, nên cậu cứ yên tâm.

- Mình tin cậu.

- À! Khi nào cậu đi?

- Lần này mình về định tìm nơi lập “huynh đoàn”, bởi mình thấy cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam còn mênh mông quá. Cậu thấy thế nào, nếu mình dùng phương pháp cầu nguyện Taizé để truyền giáo?

- Ồ! Sáng kiến hay đấy! Hiện thời, cầu nguyện Taizé ở Giáo Phận Sài Gòn này đang thu hút khá đông giáo dân tham dự. Một số Giáo Phận cũng có thực hiện, nhưng chưa phổ biến lắm. Hồi còn ở Đại chủng viện Thánh Giuse, mình có nghe cha phụ trách bảo: rất nên phát triển phong trào này. Phần đông những người tham dự đều có nhận xét tương tự như sau: “Giờ cầu nguyện Taizé rất hữu ích và đánh động đối với những người tham dự, cách riêng là các bạn trẻ. Các bài đọc trong Tin Mừng, các Thánh Vịnh, Kinh Lạy Cha… các bài hát nhẹ nhàng, tiết tấu chậm rãi, lời cầu nguyện ngắn gọn được dùng trong giờ cầu nguyện Taizé rất thực tế, dễ hiểu mà sâu sắc.  Điểm độc đáo gây ấn tượng và cảm động nhiều hơn cả, có lẽ là vào cuối giờ cầu nguyện, những người tham dự được mời cầm lấy ngọn nến nhỏ của mình, tượng trưng cho những niềm vui, nỗi buồn, thử thách, hy vọng, đắng cay trong cuộc sống để mang lên cung thánh, ngồi với nhau thành vòng tròn. Ở giữa họ là cây Thánh Giá lớn được sắp bằng nến của những người tham dự. Mọi người cùng hiệp thông trong thinh lặng, với tâm tình cảm mến và thờ lạy. Những phút giây này thật trái ngược với đời sống thường nhật mà họ luôn phải đối diện, bầu không khí thân mật đem lại cho họ cảm giác của con người tự do, có khả năng lột bỏ mặt nạ và chia sẻ những tâm tình sâu kín nhất. Hiệu quả là sau những lần tham dự giờ cầu nguyện Taizé, cuộc sống của một số người được biến đổi.

Thầy Hoàng kể cho mục sư Thịnh những kết quả khả quan thầy đã ghi nhận được, bạn thầy liền trả lời:

- Đó là nhận định chung của các nhóm cầu nguyện Taizé cậu ạ. Có một số anh chị em tôn giáo bạn, lúc đầu họ đến tham dự vì hiếu kỳ, nhưng sau thấy hay nên đến dự thường xuyên và cũng có nhận định tương tự như vậy. Ngày xưa, chính mình cũng thấy như thế. Còn bây giờ, mình cảm nhận rõ hơn sự hiện diện và ơn ban của Đức Thánh Linh nơi các thành viên tham dự; cũng như năng lực biến đổi siêu vượt của Lời Chúa. Vì thế, mình không ngần ngại đi bất cứ nơi đâu, khi được mời đến thiết lập những nhóm cầu nguyện Taizé. Mình ước mong cho mọi người được tin nhận biết Chúa để được cứu độ.

***

Nói về việc truyền giáo, Thầy Hoàng rất phục tinh thần truyền giáo của bạn. Thỉnh thoảng anh được về nước, nhưng có nơi nào mời là anh hăng hái lên đường, không ngại đường xá xa xôi, gian nan, vất vả với những chuyến hành trình dài, kể cả lên những vùng Cao Nguyên. Anh luôn ước mong được mang Lời Đức Chúa Trời đến khai sáng cho các anh chị em dân tộc thiểu số. Anh còn vận động mọi người trợ giúp tài chánh cho việc “Học hỏi Lời Chúa” trong một số giáo xứ nghèo của Công Giáo. Có năm, anh gửi cho thầy Hoàng gần một nghìn quyển Kinh Thánh Tân Ước Công Giáo loại nhỏ, để thầy chuyển đến cho các giáo xứ vùng sâu vùng xa. Cũng có đôi lần thầy Hoàng tỏ ra ái ngại, anh nói:

- Cậu nghĩ ngợi làm gì, Kinh Thánh  nói: “Dù thế nào đi nữa, miễn sao Chúa Cứu Thế được rao truyền thì tôi vui mừng” ([2]).

Suốt thời gian bước theo lời mời gọi của Chúa cho đến nay, thầy Hoàng luôn được “truyền lửa” từ nhiệt huyết truyền giáo của anh bạn mục sư này. Có thể nói rằng, Chúa đã dùng anh để làm mẫu cho sứ vụ mà Chúa muốn trao cho thầy.

Có lần thầy Hoàng thấy anh phờ phạc và sút hẳn vì những chuyến đi dài, nên nhắc khéo thì được bạn trả lời:

- Phải! Phải! Chính vì “nhiệt tình nhà Chúa đã thiêu đốt tôi” ([3]). Hơn nữa, Kinh Thánh nói: “Về phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí của cải và phí cả chính mình tôi nữa vì linh hồn anh chị em” ([4]). Đó chính là ước nguyện của mình nên mình luôn cố gắng hết sức có thể.

***

Qua lời nhận định của mục sư bạn về kết quả khả quan của phương pháp cầu nguyện Taizé, cũng như sáng kiến cho nhiệt huyết truyền giáo của anh, trong trí thầy Hoàng bật lên một câu hỏi: “Phải chăng, gia nhập Tu Hội Đại Kết, để phổ biến phương pháp cầu nguyện Taizé trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, là “mùa vụ mới” mà Chúa muốn trao cho con?”.

Thấy thầy Hoàng ngồi thẩn thờ, mục sư Thượng lên tiếng:

- Cậu đang nghỉ gì thế?

- À…Mình…mình cũng có ước nguyện như cậu. Mình nghỉ, nên phổ biến rộng rãi phương pháp cầu nguyện Taizé, vì đây sẽ là một trong những phương thế truyền giáo hữu hiệu hiện nay.

Khi về đến chủng viện, thầy Hoàng đã báo cho gia đình việc hoãn phong chức của thầy. Hôm sau, thầy xin đến một đan viện để tĩnh tâm tìm ý Chúa về “sứ vụ mới” mà Chúa vừa khơi gợi. Trong những ngày đó, thầy tắt điện thoại, không liên lạc cũng không gặp gỡ ai, suốt mấy ngày liền, thầy chỉ lo cầu nguyện.

 

 

Mã số: 17-118

ĐIỂM TỰA CUỘC ĐỜI

 

Chị Thanh Loan vừa mở quyển Kinh Thánh ra, câu đầu tiên đập vào mắt chị:  “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10). Chị ngồi ngẫm nghỉ câu Lời Chúa này và thấy thật thấm thía. Trong vòng bốn năm qua, có nhiều biến cố đau thương xảy đến với gia đình chị. Biến cố đầu tiên và lớn nhất in đậm trong đời mà chị cứ ngỡ như mới hôm qua.

Chiều đó, chị ngồi một mình trong phòng khách nhớ lại những việc xảy đến trong ngày và thầm nghĩ: Dân gian thường nói: “Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”, có lẽ câu nói đó không đúng với trường hợp của chị trong lúc này; bởi nội một ngày mà có nhiều điều may mắn đến với gia đình chị. Lúc sáng, anh chị Hưng Thịnh mang đến cho vợ chồng chị tiền lợi nhuận hàng năm công ty chia cho các người hùn vốn, năm nay lợi nhuận tăng gần gấp đôi năm trước. Mấy năm qua, anh Đức Trọng chồng chị cùng góp vốn làm ăn với họ. Anh đã gom gần hết vốn liếng trong nhà đưa cho chị Thịnh, anh rất tin tưởng chị vì là bạn học của anh suốt những năm phổ thông. Anh Hưng chồng chị Thịnh, sau khi du học về đã thành lập công ty “Xuất nhập khẩu thủy hải sản” này. Trưa đó, chị Thanh Loan đãi cả nhà bữa cơm thịnh soạn.

Buổi chiều, thầy hiệu phó của Đức Hạnh hẹn gặp anh chị bảo là có việc quan trọng. Hai người đang lo không biết có chuyện gì, thì thầy đến cho hay:

- Con gái của anh chị được tuyển đi du học, bởi cháu luôn đạt loại giỏi suốt tám năm qua. Trong cuộc thi vừa rồi, trường ngoại ngữ đã chọn tài trợ cho Đức Hạnh và hai em của trường khác.

Nghe vậy anh chị vừa mừng, vừa lo. Thầy nói tiếp:

- Xin anh chị đừng ngại, cháu được “học bổng toàn phần”, nên gia đình không phải lo gì cả. Mọi chi phí đều được tài trợ trong suốt sáu năm cháu học bên Singapore. Nếu anh chị đồng ý thì xin anh theo tôi đến trường gặp thầy hiệu trưởng để làm thủ tục cho cháu.

- Để chúng tôi hỏi cháu xem sao.

Được cha mẹ đồng ý, Đức Hạnh hớn hở ra mặt vì đó là ước mơ của em. Anh Đức Trọng liền chuẩn bị xe để đi với thầy hiệu phó.

Khách vừa về, hai anh em Đức Hiền và Đức Hạnh cũng ra chào mẹ đi lễ chiều thứ bảy đầu tháng. Chị Thanh Loan nghe niềm hạnh phúc tràn dâng trong lòng. Ngồi trên bộ salon nhung êm mượt, chị tưởng như mình là “thiên thần hạnh phúc” trên thiên đường.

Chị Thanh Loan rất tự hào về gia đình mình. Bạn bè luôn nhìn chị với ánh mắt ngưỡng mộ, vì anh Đức Trọng chồng chị là người đàn ông mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con và chăm lo cho gia đình. Suốt mười mấy năm qua, anh luôn là cây cao bóng cả, là điểm tựa cho cuộc đời chị và các con. Hai đứa con chị đều ngoan và học giỏi. Chúng là niềm hãnh diện cho chị khi đi họp phụ huynh cũng như lúc gặp gỡ bạn bè.

Nhưng cuộc sống trần gian chỉ là cuộc lữ hành chứ không là bến đỗ, cho nên có hợp rồi có tan và mọi sự không có gì là bảo đảm cả. Chị đâu ngờ rằng, anh Đức Trọng chồng chị chiều đó đã “đi mãi không về”. Sau khi làm giấy tờ cho con gái xong, anh chạy về được một đoạn thì bị tai nạn và đã qua đời.

Suốt mấy tuần liền chị Thanh Loan gần như điên loạn. Chị bị suy sụp hoàn toàn vì không còn điểm tựa. Hai đứa con của chị chỉ biết nhìn mẹ mà khóc. Sáng nào hai anh em cũng đi lễ cầu xin Chúa và Đức Mẹ giúp gia đình vượt qua khó khăn. Mẹ của chị lên ở một thời gian để lo cho con gái và hai cháu. Tối nào mấy bà cháu cũng đọc kinh và lần một chuỗi trước bàn thờ Đức Mẹ cầu xin cho chị được chóng bình phục. Còn chị, ngồi chung đó mà không đọc kinh, ánh mắt ngây dại, thẫn thờ…có khi khóc thét lên trong vật vã.

***

Nhưng với thời gian, nỗi buồn của chị Thanh Loan cũng nguôi ngoai dần. Phải mất mấy tháng chị mới hồi phục. Sau biến cố tang thương của gia đình, chị nhận ra sự mong manh của kiếp người nên tìm đến nương ẩn nơi Chúa và Đức Mẹ. Nhờ những lời kinh Mân Côi hằng ngày, chị thấy bình tâm và an vui trong cuộc sống.

Rồi cũng tới ngày Đức Hạnh lên đường nhập học, chị nhắn nhủ con gái ở nơi xứ người phải cố gắng lo giữ đạo. Em hứa với mẹ:

- Mẹ yên tâm, con sẽ nhớ lời mẹ dặn.

Nhà càng vắng hơn khi chỉ còn lại có chị và con trai. Đức Hiền đi học suốt ngày, mình chị ở nhà vừa trông tiệm tạp hóa, vừa lần chuỗi kính Đức Mẹ để cầu nguyện cho các con.

Thời gian chầm chậm trôi qua, mới đó mà đã đến ngày giỗ đầu của anh Đức Trọng chồng chị. Nhân tiện, chị Thanh Loan mời anh chị Hưng Thịnh đến bàn chuyện, chị định xin rút lại một phần vốn để làm việc kinh doanh. Nào ngờ, họ tuyên bố một câu thẳng thừng:

- Ngày xưa, chồng chị hùn vốn mà không có giấy tờ giao kèo gì cả. Bây giờ anh ấy mất rồi, công việc làm ăn cũng khó khăn nên coi như số lợi nhuận từ trước đến giờ được trừ vào vốn, số còn lại khi nào có tiền chúng tôi sẽ hoàn lại cho chị từ từ.

Quá bất ngờ trước sự tráo trở của họ, chị Thanh Loan bị suy sụp và mất ngủ cả tuần. Trong cơn giận dỗi và bất an, chị định làm lớn chuyện, vì những cổ đông kia cũng là bạn bè của chồng chị. Nhưng khi đang bấm điện thoại định nhờ người giúp thưa kiện, chị chợt thấy vòng chuỗi đeo ở cổ tay, chị liền buông điện thoại xuống và tháo chuỗi ra lần hạt xin Đức Mẹ cứu giúp. Nhờ Mẹ ban ơn, chị dần lấy lại sự bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Chị tự nhủ: “Thôi thì, của đi thay người. Có gì quan trọng đâu mà phải tiếc nuối, giận dữ cho phát bệnh chứ! Đến khi nhắm mắt xuôi tay đâu có ai mang theo được gì. Nếu thưa kiện này nọ chỉ tội tốn kém và thêm gây thù chuốc oán mà thôi. Lòng người thay trắng đổi đen là lẽ thường tình, mình thiếu khôn ngoan khi làm ăn với họ thì lấy đó làm bài học cho lần sau”. Chị an tâm kính cẩn cầm chuỗi hạt Mân Côi nguyện cầu và thấy tâm hồn tìm được sự bình an thư thái trong ơn phúc lành của Chúa và Mẹ ban cho.

Sau biền cố đó, Chị Thanh Loan càng thêm xác tín vào ơn trợ lực của Chúa và Đức Mẹ. Chị tham gia vào hội Legio để kính mến Đức Mẹ hơn. Chị càng sống tin tưởng phó thác vào Chúa thì càng thấy bình an, thanh thản trong tâm hồn. Hai đứa con chị vẫn mạnh khỏe, ngoan hiền; chúng là niềm vui và nguồn an ủi cho cuộc sống của chị.

Thời gian thấm thoát trôi, Đức Hiền đã ra trường và có việc làm phù hợp với chuyên môn đã học. Chị Thanh Loan nhận ra điều đó là ân ban của Chúa và Đức Mẹ nên đã xin một lễ tạ ơn. Chị chỉ còn lo cho Đức Hạnh, phải hai năm nữa cháu mới ra trường.

***

Nhưng cuộc đời không luôn bằng phẳng, êm ả như ta mong ước. Nửa đêm đang an giấc mộng lành, điện thoại di động báo chuông liên hồi, chị Thanh Loan giật mình thức giấc vội cầm máy nghe:

- “Hello Tu Đuc Hanh is mother…!!”.

Có chuyện gấp nên sáng ra chị bốc vé bay gấp qua Singapore với con gái đang trong bệnh viện. Khi đi, chị không quên chuỗi hạt Mân Côi quàng cổ như có Đức Mẹ luôn đồng hành, chở che. Chị luôn xác tín, trên mọi nẻo đường Mẹ sẽ luôn gìn giữ chị an bình và gặp nhiều quý nhân giúp đỡ tận tình. Quả thật, khi ta tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ, thì sẽ luôn sự quan phòng đỡ nâng, có khi là những điều tốt đẹp ngoài sự mong đợi của ta. 

Từ khi ra khỏi nhà, chị luôn thầm thĩ lần chuỗi, xin Đức Mẹ cùng đồng hành với chị. Ngồi bên cạnh chị trên máy bay là một người Tin Lành, nhỏ hơn chị bảy tuổi. Anh tên Trọng Nhân, là thành viên của một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Singapore, anh sang bên đấy dự cuộc họp quan trọng của công ty. Biết chị là người Công Giáo, anh tỏ ra rất thân thiện, vui vẻ. Thấy anh là người tốt, lại có hiểu biết và đồng cảm nên chị cũng cởi mở:

- Do con gái tôi mê học quá, căng thẳng cạnh tranh nơi xứ người nên bị stress khá nặng, đến nỗi không nhớ cách đường đi đúng luật, đã bị cảnh sát bắt vô bệnh viện.

Trọng Nhân trấn an chị:

- Chẳng phải một mình con chị bị như vậy đâu, có khi không phải do cháu ham học, nhưng đó là quy chế của nhà tài trợ. Các học sinh được cấp học bổng đòi buộc tiêu chí học lực luôn phải cao hơn so với các du học sinh tự túc chị ạ.

- Thảo nào! Hai bạn cùng lớp với con gái tôi, năm trước cũng phải về Việt Nam xả stress, lưu điểm một năm mới khỏe lại để học tiếp. Sao mà gian nan thế? Thật, tôi chẳng ham chút nào.

- Tội nghiệp các em du học sinh lắm chị ạ, ít nhiều gì cũng không thoát khỏi stress trong một giai đoạn nào đó. Đến nỗi có vài trường hợp tự tử, khi người thân không biết nâng đỡ tinh thần kịp thời. Thật vô cùng đáng tiếc. Cầu mong sao các bạn trẻ biết giải tỏa stress trong niềm tin Tôn Giáo và có những người phụ trách giỏi, biết hướng dẫn đúng theo tâm lý…, để cứu vãn nhiều tài năng trẻ cho tương lai.

Trọng Nhân còn trao đổi với chị nhiều vấn đề khác cách vui tươi, khiến chị quên đi nỗi lo trong lòng. Khi xuống sân bay, chị Thanh Loan định đón tắc xi đến bệnh viện như đã được hướng dẫn. Nhưng không ngờ khi Trọng Nhân gặp anh đồng nghiệp người Singapore và kể cho anh nghe trường hợp của chị, anh ta liền đồng ý đưa chị đi, vì anh có người bạn làm bác sĩ tâm lý ở bệnh viện đó. Anh còn ghi mấy chữ cho bạn của anh, nhờ anh giúp chữa trị cho con của chị. Cả anh này và vị bác sĩ kia cũng là người Tin Lành.

Chị Thanh Loan rất cảm động khi gặp được những người tốt giúp đỡ cách tận tình. Chị thầm cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã an bài cho chị cách tuyệt vời. Chị nghe rất ấm lòng khi cảm nhận được tình Chúa, tình người; dù chị và họ không quen biết, không cùng ngôn ngữ và không cùng tôn giáo…

Vì anh người Singapore phải bận việc, không thể lên gặp người bạn bác sị được, nhưng anh đã gọi điện thoại trao đổi với bạn về vấn đề của con chị. Lúc đến cổng bệnh viện, chị Thanh Loan cám ơn họ rối rít, cả hai người cùng nói với chị:

- Chị đừng như thế! Chúng tôi chỉ sống theo lời dạy của Chúa  thôi. Vì chúng ta là anh chị em của nhau, cùng là con của Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế Giêsu đã cứu độ chúng ta.

Chị Thanh Loan rất cảm phục lòng bác ái và tinh thần sống đạo của hai anh Tin Lành này. Đức tin của chị như được tăng thêm qua cuộc gặp gỡ vừa rồi; đồng thời chị cũng tự vấn về cách sống đạo của mình.

***

 Từ trước đến nay chị Thanh Loan chỉ nghe nói: Singapore là một trong những đất nước sạch đẹp và văn minh, giờ đến nơi và chứng kiến tận mắt chị thấy quả đúng như vậy. Suốt chặng đường từ sân bay đến bệnh viện, xe chạy hơn ba mươi phút mà chị không thấy một miếng rác nào trên đường phố. Những cây kiểng và bồn cỏ hai bên đường được cắt tỉa gọn đẹp. Những con đường giao thông đa phần là đường một chiều nên không thấy kẹt xe. Đường rộng, lưu lượng giao thông nhiều nhưng rất trật tự, mỗi loại xe đều đi đúng làn đường và tốc độ đã quy định.

Đường phố đã sạch đẹp, trong bệnh viện còn sạch đẹp hơn. Từ khuôn viên bên ngoài cho đến phòng ốc bên trong, tất cả đều được thu dọn, sắp xếp tinh tươm. Các nhân viên của bệnh viện phục vụ cách vui vẻ, tận tình. Chị bước vừa bước vào liền được tiếp đón ân cần và khi chị đưa giấy báo của trường, là có người dẫn chị đến tận phòng bệnh của con gái chị.

Thời gian ở bệnh viện, chị Thanh Loan quan sát thấy người dân Singapore quả rất văn minh. Một hôm khi đang đi dọc hành lang bệnh viện, chị thấy phía trước có em bé chừng ba tuổi đang được mẹ dắt đi, trên tay em cầm một nắm giấy bánh kẹo, đến chổ thùng rác em buông tay mẹ ra, chạy lại bỏ rác vào thùng. Nhưng lúc đi, em bé cầm rác không chặt làm rơi mấy miếng nhỏ mà hai mẹ con không hay, cô y tá đi sau thấy vậy liền cúi xuống nhặt những mảnh giấy đó bỏ vào thùng rác. Quả là một cử chỉ đẹp và văn minh.

***

Cùng đồng hành với con gái dạo quanh bệnh viện, thỉnh thoảng em lại bắt mẹ cùng đọc kinh cầu nguyện trong  mấy phút. Em nói:

- Chúa là trên hết rồi đến Đức Mẹ. Con yêu mến Đức Mẹ nhiều lắm mẹ ạ.

Lúc khác, Đức Hạnh lại dặn chị:

- Trong thẻ con có nhiều tiền, nên mẹ lấy cho người nghèo nhiều đi, ai cần thì cho hết đi…”. Bây giờ con không cần gì hết, con chỉ xin Chúa và Đức Mẹ cho con khỏe lại thôi. Con nhức đầu vì phải học nhiều, không thích nữa đâu…!

Có lúc con chị lại nhép miệng lẩm bẩm, nói năng bất thường làm chị nghe nhói đau trong lòng. Chị càng cầu nguyện khẩn thiết hơn, xin Chúa và Đức Mẹ cứu chữa cho con của chị. Thật tội nghiệp cho con gái, gia đình đâu dám mộng cao, chỉ tại thấy con mê học từ thuở thiếu niên rồi được học bổng du học toàn phần từ A đến Z nên phải chiều, dù chị rất lo cho con khi phải đi học xa nhà từ năm lớp mười.

Nhờ sự chăm sóc ân cần của các y bác sĩ trong bệnh viện cũng như sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ tâm lý đạo Tin Lành, con gái chị Thanh Loan rất nhanh bình phục. Chị cũng nhận ra đó là do ân ban của Ơn Trên. Bởi Đức Hạnh trong lúc bệnh cũng luôn nhớ đến Chúa, Mẹ. Thật lạ lùng, các bác sĩ cũng ngạc nhiên khi thấy con gái chị chỉ hơn ba tuần đã hoàn toàn bình phục. Lúc đầu, nhà trường rất quan tâm khi nghe bác sĩ nói cháu bị stress nặng, cần về gia đình thư giãn một thời gian…Nhưng khi thấy con chị chóng bình phục như vậy thì họ cũng an tâm phần nào. Tuy nhiên, theo lời đề nghị của bác sĩ, nhà trường cũng đồng ý cho cháu về gia đình nghỉ dưỡng, lưu điểm lại năm sau sang học tiếp. Nhờ có học bổng toàn phần trong sáu năm nên cháu được ưu ái miễm phí tất cả. Chị hết lòng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, cùng cám ơn nhà trường về vấn đề này.

 Lúc trở về, Chị Thanh Loan ngồi trên máy bay bên cạnh con gái, nhìn vẻ mặt thanh thản, hồn nhiên của con lúc ngủ làm chị thấy an lòng. Lần này, chị cảm nhận rất rõ sự quan phòng, can thiệp của Chúa và Đức Mẹ trên cuộc đời và gia đình chị. Nhìn lại những biến cố đã qua, chị nhận ra rằng: khi gặp những thất bại, đau khổ, bất trắc trong cuộc sống, chị mới chạy đến kêu cầu với Chúa và Đức Mẹ cách thành tâm, tha thiết; còn lúc được vui vẻ, hạnh phúc và những điều may lành ít khi chị nhớ đến Chúa, Mẹ để tạ ơn các ngài. Dẫu là thế, nhưng chị luôn xác quyết: Chỉ có Chúa và Đức Mẹ là điểm tựa vững chắc trong mọi cảnh huống của cuộc đời chị.

 



[1] Mathiơ 28,19

[2] Philíp 1,18

[3] Giăng 2,3

[4]  2Côrinhtô 12,15


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả