GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2017

BẢN TIN 16

Thưa quí độc giả và quí tác giả,

Bước sang nửa sau của năm 2017, kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin lành do Martin Luther khởi xướng, ta đọc thấy trên trang mạng Hội đồng Giám mục Việt Nam một bản tin lạc quan.

Tuyên bố chung về sự “Công chính hoá bởi ân sủng” đã được Giáo hội Công giáo và liên hiệp các Giáo hội Tin lành Luther ký kết năm 1999, sau một quá trình đối thoại đại kết nhiều thập niên. Bản tuyên bố này khẳng định rằng ngày nay các Giáo hội đã chia sẻ “cùng một cách hiểu về việc Thiên Chúa ban ơn công chính hóa cho chúng ta qua đức tin vào Chúa Kitô”.  Bản tuyên bố này đã hóa giải tận cốt lõi sự tranh cãi kéo dài 500 năm qua về bản chất của ơn công chính hóa (ơn cứu rỗi), vốn là gốc rễ đưa đến cuộc Cải cách Tin lành. Bảy năm sau, Hội đồng thế giới của Giáo hội Giám lý (Methodist) đã chấp thuận bản Tuyên bố ấy vào ngày 18-7-2006. Giờ đây, ngày 05-7-2017, Khối Hiệp thông toàn cầu các Giáo hội Cải cách (đại diện cho 80 triệu thành viên thuộc “các Giáo hội Congregational, Presbyterian, Reformed, United, Uniting và Waldensian") cũng đã cùng ký Tuyên bố chung này tại thành phố Wittenberg của nước Đức, nơi khai sinh cuộc Cải cáchTin lành vào năm 1517.

Chắc hẳn đó là một sự kiện nức lòng các tác giả và độc giả cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường lần V, cuộc thi có chủ đề 100 năm Đức Mẹ Fatima và 500 năm cuộc cải cách Luther.

Trong bối cảnh ấy, trước khi mời quí vị và các bạn thưởng thức 7 truyện tiếp theo đã vượt qua vòng loại, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản tin đáng vui mừng ấy, bản tin có tựa đề:

“Chấm dứt 500 năm tranh cãi thần học giữa Công giáo và Tin Lành Luther”.

WHĐ (8.7.2017) – Ngày thứ Tư 05 tháng Bảy 2017, tại thành phố Wittenberg của nước Đức, nơi khai sinh cuộc Cải cách Tin Lành vào năm 1517, Liên hiệp Thế giới các Giáo hội Cải cách đã ký Tuyên bố chung về “Công chính hoá bởi ân sủng”; đây là một văn bản đại kết quan trọng, kết thúc 500 năm tranh cãi về thần học. Chúng ta cùng tìm hiểu văn bản này qua ba câu hỏi:

1/ Tài liệu này là gì?

Năm 1999, một văn bản quan trọng được ký kết giữa người Công giáo và người Tin Lành Luther ở Augsburg, nước Đức. Kết thúc nhiều năm dài đối thoại, bắt đầu từ sau Công đồng Vatican II, cuối cùng hai bên đã đồng ý về một công thức cốt lõi chung của đức tin, cụ thể là ơn cứu rỗi được ban cho con người do ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải vì công trạng của con ngườiThỏa thuận này về “ơn công chính hoá bởi ân sủnglấy lại công thức vẫn thường được chấp nhận, đã kết thúc 500 năm tranh cãi về thần học từ khi có cuộc Cải cách Tin Lành. Quả vậy, vào thế kỷ XVI, khi Giáo hội Công giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm, và còn mời gọi các tín hữu mua lấy ân xá để bảo đảm được lên thiên đàng, Luther và các nhà cải cách khác phản đối quan điểm này để khẳng định tính ưu việt của ân sủng.

Trong bản thỏa thuận 1999  mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II rất ủng hộ và Đức hồng y Ratzinger, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã đích thân tham gia soạn thảo –, người Công giáo và người Tin Lành Luther đều nhìn nhận rằng những lời kết án vào thời Cải cách không còn có chỗ đứng nữa.

Tuyên bố Augsburg đã không đạt được sự đồng thuận toàn bộ trong giới Tin Lành, vốn vẫn chia rẽ nhau về việc xích lại với Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, bảy năm sau, những người Methodist đã tham gia vào bản Tuyên bố này.

2/ Tiến bộ này đóng góp điều gì?

Nay đến lúc Liên hiệp Thế giới các Giáo hội Cải cách tham gia thỏa thuận này. Trong khuôn khổ của một buổi phụng vụ đại kết, ngày hôm nay các nhà lãnh đạo của Liên hiệp chính thức gia nhập thỏa thuận, với sự hiện diện của các đại biểu thuộc các Giáo hội khác đã ký tên vào bản Tuyên bố, trong đó có Đức cha Brian Farrell, thư ký của Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu.

Trong năm kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành này, sự hội nhập của Liên hiệp Thế giới các Giáo hội Cải cáchđánh dấu một giai đoạn quyết định cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, vì Liên hiệp này là một trong những tổ chức quan trọng nhất trong giới Tin Lành, với khoảng 80 triệu tín hữu.

Đối với nhà thần học Luther André Birmelé, nhân vật hàng đầu của phong trào đại kết, Tuyên bố chung này không phải là một kết luận của đối thoại như một kết luận nào khác, vì nó không chỉ liên quan đến các nhà thần học đặt bút ký, như vẫn thường xảy ra, nhưng liên quan đến các Giáo hội”.

3/ Làm sao có thể đạt được bước tiến này?

Bước tiến đại kết lớn lao này là thành quả của một phương pháp được áp dụng để đi đến  Tuyên bố Augsburg, đó là sự đồng thuận biệt hoá” – nhìn nhận rằng sự hiệp nhất đức tin có thể được diễn tả bằng những ngôn ngữ khác nhau. Cha Emmanuel Gougaud, Giám đốc Văn phòng quốc gia về Hiệp nhất Kitô giáo của Hội đồng giám mục Pháp, nói rằng: Điều này có nghĩa là chúng tôi nhìn nhận có những điểm khác nhau, nhưng những điểm khác nhau ấy không còn tách biệt nữa”.

Từ nay, sự đồng thuận này cũng mở rộng đến các nhà cải cách trên toàn thế giới. Trong thực tế, không có gì thay đổi, nhưng đã có những cột mốc mới về thần học được đặt ra để tiếp tục cuộc đối thoại, bằng cách loại bỏ trở ngại thần học chính đã làm phát sinh phong trào Cải cách.

Minh Đức - (Theo La Croix)

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Trong bản tin tới chúng tôi sẽ giới thiệu 7 truyện dự thi cuối cùng của cuộc thi Viết Văn Đường Trường 2017. Hiện nay, 71 truyện vào vòng chung khảo đang được tiến hành lượng giá và chấm điểm. Không riêng cuộc thi năm nay, Giải Viết Văn Đường Trường nói chung đang bước vào giai đoạn cuối: Năm 2018 sẽ là năm tổng kết giải Viết Văn Đường Trường. Bản thể lệ cuộc thi lần thứ VI sẽ được công bố vào ngày 21/9/2017, theo đó, lần này mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi không giới hạn. Chủ đề cuộc thi sẽ là: “Sống công bằng, bình an, quý trọng mọi người và quên mình vì ích chung”. Chúng tôi xin được thông báo sớm để quý tác giả có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho tất cả chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 12-7-2017

Linh mục Trăng Thập Tự

 

 

Mã số: 17-162

NHẮM MẮT LẠI MÀ NHÌN

 Cỏ đã xanh rờn khe gạch nền nhà thờ cũ. Rong rêu đã ám xỉn những vệt tường loang lổ. Chỉ còn mỗi hang đá Đức Mẹ nằm khuất dưới hàng cây sao cổ thụ là còn hơi nguyên vẹn. Từ ngày nhà thờ cũ được dời đi và người ta bắt đầu nghĩ rằng một hang đá mới với một pho tượng Đức Mẹ mới sẽ linh thiêng hơn thì nơi đây đã chẳng còn ai đến viếng thăm, ông trùm xứ bảo thế. Cũng không hẳn vậy, bởi có đôi ba lần người ta bắt gặp ông Khẩm, dắt hai đứa cháu, cùng hội Legio đến đây đọc kinh nhưng ấy là chuyện lâu lắm rồi, vì từ ngày ông Khẩm đột quỵ qua đời, chẳng còn ai ghé lại nơi đây, trừ hai đứa trẻ.

Nhắc đến hai đứa trẻ, chúng là hai đứa trẻ kỳ lạ bởi tuy là chị em ruột nhưng chúng trái ngược nhau: Con chị có khuôn mặt dài, người lòng tong, da ngăm ngăm như gỗ bào ngâm nước. Thằng cu em lại trắng trẻo, béo tròn như ông Địa. Điểm giống nhau duy nhất giữa hai chị em là mỗi lần đến đây chúng đều rất buồn. Hôm nay cũng vậy, từ đằng xa, hai bóng nhỏ xuất hiện, men theo lối cỏ tranh cao quá gối, chúng vẽ thành một con đường nhỏ nối liền bờ tường đổ nát với hang đá cũ kĩ hằn rõ những vết bong tróc của thời gian. Đến nơi, con bé buông tay em ra, sửa lại tà áo, vòng tay nghiêm trang rồi bảo em:

  - Em vòng tay lại đi, chị em mình đọc kinh, rồi cầu xin Đức Mẹ xin cho ba đừng làm mẹ khóc nữa, như ngày xưa ông ngoại dạy chúng mình ấy, em nhớ không?

  - Dạ nhớ! – Thằng bé đáp thật to rồi ngoan ngoãn vòng tay.

Con bé bắt đầu làm dấu, nó xướng lên lời kinh Kính Mừng quen thuộc. Thằng em ê a đọc theo. Đọc kinh xong, hai chị em cầu nguyện. Không ai biết con bé cầu nguyện gì, chỉ thấy môi nó mấp máy, mắt không rời khỏi pho tượng Đức Mẹ. Cu em cũng bắt chước chị. Nó cầu cho ba mạnh khỏe, rồi cầu cho mẹ đừng thút thít mỗi khi ôm chị em nó vào lòng, rồi nó cầu cho tụi trẻ con trong xóm đừng gọi chị nó là đồ con rơi vì mỗi lần như thế chị nó lại khóc, rồi nó cầu xin cho gia đình nó được bình yên. Một đứa trẻ năm tuổi mà đã phải cầu xin những điều đó hay sao? Điều ấy quá mơ hồ, mơ hồ như bóng chiều chập choạng trên mấy vòm cây sao, như cơn gió thốc mạnh làm đám cỏ tranh nghiêng ngả và như hai cái bóng nhỏ đổ ngoằn ngoèo trên nền gạch đen đúa như hai dấu hỏi đan lồng vào nhau.

Bẵng đi vài hôm, cũng tại nơi này, Hương, mẹ của hai đứa trẻ xuất hiện. Sau khi lê những bước chân mỏi mệt qua đám cỏ tranh rối mù, Hương quỳ xuống trước hang đá, đúng hơn là ngã khuỵu xuống. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của vầng trăng non, Hương hiện lên trong bộ dạng gầy gò, ốm yếu. Đã thế, mái tóc Hương cứ buông xõa lòa xòa như cố tình khuất lấp một nỗi u uẩn trõm sâu trong đáy mắt. Khẩn khoản, Hương ngước nhìn lên khuôn mặt trái xoan của bức tượng đã bị nước mưa bôi đen lem luốt, giọng cô đau xót:

  - Mẹ ơi... Là con sai, là con có lỗi với chồng con...

 Thứ âm thanh đau đớn, tức tưởi vỡ ra trong cuống họng rồi đột ngột nghẹn lại, im bặt. Màn đêm cũng đột ngột im bặt trước nỗi đau của Hương. Trong cái hốc nhỏ, Nữ Vương của những kẻ đau khổ cảm thông cùng cô.

Hương cứ gục đầu như thế, chẳng biết bao lâu, thỉnh thoảng đôi vai xương xẩu lại run lên như có ai đó chạm vào. Bất ngờ Hương ngước lên, ngấn nước mắt hãy còn long lanh chưa ráo, Hương vội chắp tay, tiếng nói tượng thanh trong tiếng nấc, nghẹn ngào:

- Mẹ ơi! Dù con có sai như thế nào nhưng con bé không có lỗi. Con của con không có lỗi... Mẹ ơi....Xin Mẹ hãy cứu giúp gia đình con...

  Hương lại im bặt, lại gục xuống. Không ai đáp lời Hương, chắc chắn thế, bởi giả như có ai đáp lại, Hương đã chẳng ngồi lặng như thế cho đến khi trăng chếch trên đầu. Ánh trăng lại in bóng Hương thành một dấu hỏi trên nền đất đen đúa.

  Ba bốn hôm sau đêm Hương đến, người ta thấy con bé ôm một tấm ảnh tìm đến nơi đây. Nhìn dáng bước xăm xăm trong màu áo hoa cà tím sẫm, người ta không dám nghĩ nó chỉ mới hơn tám tuổi. Đến trước hang đá, con bé từ từ xoay tấm ảnh lại rồi giơ thật cao trước mặt Đức Mẹ:

- Mẹ ơi, nhìn này! Đây là ảnh cưới của ba mẹ con, hồi trước ba con quý nó lắm. Hôm nay… chính ba…chính ba…. đập vỡ nó rồi.

  Bao nhiêu kìm nén trong lòng vỡ ra thành tiếng khóc. Con bé khóc sao mà xót xa quá. Xót xa hơn là nó khóc nhưng vẫn cố giơ tấm ảnh thật cao. Nó nghĩ làm như vậy Đức Mẹ sẽ nhìn rõ ba mẹ nó hơn và Đức Mẹ sẽ có cách gì đó giúp gia đình nó? Nhìn nó già, già quá, cuộc sống bất hạnh thường làm cho người ta già trước tuổi! Nó cứ giơ tấm ảnh như vậy và cứ nhìn trân trân về phía Đức Mẹ, chợt nó reo lên như thể Đức Mẹ vừa mách bảo với nó điều gì đó:

  - Đúng rồi, con phải đi méc ông nội mới được.

  Con bé vội vàng cúi chào Đức Mẹ rồi chạy vụt đi. Cái dáng nhỏ xé toạc đám cỏ tranh như cái suy nghĩ vừa lóe lên trong đầu nó.

 

  Thực ra không cần nó phải méc, chuyện gia đình nó chẳng còn xa lạ ở cái xóm này. Chỉ cần nghe ồn ào cuối xóm, người ta lại bảo nhau: Chắc thằng Trọng mới đi nhậu về... Nhiều người thắc mắc, Trọng ngày xưa có vậy đâu. Trong trí nhớ nhiều người Trọng là một chàng thợ xây hiền lành, tốt bụng, con nhà gia giáo và chăm làm nhất xóm. Ấy thế mà sau khi lên Sài Gòn mưu sinh, gặp được Hương, cô gái cùng xóm, hai người yêu nhau, có bầu rồi cưới nhau thì tính tình anh thay đổi hẳn. Anh trở nên lầm lì, cộc cằn, ít nói hay cáu bẳn, gần đây còn rượu chè và đánh mắng vợ con.

Hôm nay cũng thế, trời vừa bảng lảng chiều, cuối xóm đã nghe tiếng đổ vỡ. Vài người tò mò ngó vào xem, thấy Trọng cởi trần nằm trên võng, lâu lâu văng vài tiếng chửi thề. Chếch một góc tường, Hương ngồi thu mình, ôm thằng cu thút thít. Những mảnh kính vỡ của tấm ảnh cưới tung tóe khắp nhà. Con bé thì chẳng biết đã đi đâu. Thấy Hương tội nghiệp, nhiều người khuyên cô bỏ đi vậy mà cô vẫn cứ cam chịu không làm gì, ngay cả cãi lại cũng không. Thực ra, không phải Hương không làm gì, ngược lại cô làm nhiều hơn người ta nghĩ. Sau mỗi trận mắng chửi, đợi cho Trọng ngủ say, Hương tìm đến hang đá cũ cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Những khi ấy, người ta cầu xin ơn giải thoát cho mình, còn Hương, Hương xin ơn hoán cải cho chồng bằng những đau khổ chính anh gây ra cho cô.

 Hôm nay quán Hai Mân đóng cửa sớm, Trọng uống chưa đủ đô nên trằn trọc khó ngủ, chốc chốc anh trở mình bực bội. Thực ra Trọng không ngủ được không phải vì rượu mà vì những gì vừa mới xảy ra. Cứ nhắm mắt lại là tiếng tấm ảnh cưới rơi vỡ lại vang lên và hình ảnh những mảnh thủy tinh sắc lẹm cứa vào khuôn mặt hạnh phúc của anh chị cứ ám ảnh anh. Chẳng hiểu sao những điều nhỏ nhặt lại có sức ám ảnh ghê gớm đến thế hay bởi chúng đã khơi dậy điều gì đó mơ hồ trong lòng anh. Cảm giác bức bối của anh nhanh chóng lan ra khắp nhà, hơi men cũng theo đó lấp đầy vào khoảng trống của những chữ cái bị bong ra từ câu Lời Chúa dán trên tường “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly” như một điềm báo. Im lặng, thằng bé đang thút thít cũng im lặng, chỉ còn tiếng những cánh cửa nửa khép nửa mở va vào nhau.

 Giật mình, tiếng chó sủa đầu ngõ vang lên, ba bóng người xuất hiện: một bóng già nua của ông Năm, một bóng bé xíu của con bé con anh chị và một bóng áo chùn đen của Cha xứ. Cái ngõ nhỏ trở nên xôn xao, vài người tọc mạch từ xa ngó tới. Ba bóng người chậm rãi bước vào nhà.

 Thấy họ, Hương vội đứng lên, vớ chiếc chổi quét nhanh những mảnh thủy tinh vào một góc rồi ôm thằng cu đứng nép vào tường. Trọng nghe tiếng bước chân những tưởng chỉ có ông Năm đến, nên nằm ỳ giả vờ ngủ say. Nhưng chợt ngó thấy chiếc áo chùn đen, anh vội ngồi bật dậy, vớ chiếc áo trên móc, khoác ngay vào người. Sự hiện diện của Cha xứ ở bất cứ đâu cũng tạo nên một điều thánh thiêng nào đó. Sau khi mời cha xứ ngồi, ông Năm bảo con bé xuống bếp pha cho ba ly trà gừng giải rượu, rồi ông thở dài ảo não:

  - Tao hết cách với tụi bay rồi. Hôm nay tao mời cha xứ đến đây giải quyết. Đã là vợ chồng bao nhiêu năm mà cứ chấp nhắc quá khứ. Mà chẳng phải tất cả chuyện này đều do mày lựa chọn sao? – Ông Năm nhìn Trọng quở trách.

  Vừa nghe hai từ “quá khứ”, Hương cúi gằm mặt, còn Trọng trở nên bực bội. Cha xứ dễ dàng nhận ra sự thay đổi ấy, ngài thận trọng lên tiếng:

  - Anh Trọng, anh tỉnh rượu chưa?

  - Dạ rồi! – Trọng đáp có vài phần kiêng nể.

  - Anh biết vì sao hôm nay tôi đến nhà anh chị không?

  - Dạ biết...

  - Anh biết gì, nói tôi nghe?

Vị linh mục già từ tốn, ông Năm nén những tiếng thở dài thành những cái lắc đầu, thằng bé con đứng sát vào Mẹ. Tất thảy đều chờ câu trả lời của Trọng. Trọng ấp úng:

  - Dạ, vì con... Do con...Con đã...Tại con...

  - Anh có gì cứ nói, sao lại ấp úng thế... - Vị linh mục già kiên nhẫn.

  - Thưa Cha, lỗi không phải ở chồng con...lỗi là ở con…

  Mọi ánh mắt đổ dồn về Hương, người vừa thốt ra câu nói ấy. Trọng sửng sốt. Cách đây vài phút anh còn nghĩ chính Hương nhờ người mời Cha xứ đến để răn dạy anh nhưng bây giờ anh thực sự không hiểu tại sao người bị anh mắng chửi lại lên tiếng bênh vực anh. Vị linh mục già cùng chung suy nghĩ như anh, đôi chân mày chau lại lộ vẻ khó hiểu, ngài từ tốn nói:

  - Tôi mới về đây nhận xứ, còn nhiều chuyện chưa biết, chị có thể trình bày rõ hơn không?

  - Thưa Cha, trước khi anh ấy lấy con, con đã...không còn là…con gái.

  Hương nhục nhã cúi đầu. Bất giác Trọng cảm thấy áy náy, chẳng phải mọi lời mắng nhiếc của anh đều vì muốn thấy Hương phải nhục nhã như thế này sao? Sao bây giờ anh lại thấy day dứt quá. Vị Linh mục đăm chiêu hồi lâu, ngài thả dãn các nếp nhăn hằn dấu tuổi tác, nhìn Hương thông cảm:

  - Không còn là con gái....Tôi hiểu rồi. - Ngài quay sang Trọng. - Anh Trọng, anh có biết việc này không?

  - Dạ…biết...- Trọng nuốt nước bọt, miệng anh đắng ngắt.

  - Vậy tại sao anh còn lấy cô ấy làm vợ để rồi bây giờ lại ra nông nỗi này – Khuôn mặt vị Linh mục đanh lại, nghiêm nghị như một thẩm phán.

  - Vì ngày đó con …yêu Hương. Hơn nữa, trong chuyện này...Hương cũng chỉ là….người bị hại.

  Ba tiếng “người bị hại” vang lên với cả lòng thương cảm. Hình ảnh người con gái hiền lành, thương cha mẹ nghèo khổ, lên Sài Gòn mưu sinh, không may bị kẻ xấu hãm hại, mất đi trinh tiết cả đời hiện lên sắc nét cứa vào tâm trí Trọng. Vì yêu, Trọng không trách Hương. Ngược lại, anh càng yêu cô hơn. Bỏ qua mọi ngăn cản của gia đình, anh quyết định lấy Hương về làm vợ, rồi cũng chính anh chấp nhận cho con bé, con của một người đàn ông khác, ra đời. Nghe có vẻ vô lý nhưng ngày đó anh rất tự hào về những việc anh làm, những việc mà theo anh người Công giáo nào cũng phải nên làm. Bây giờ nhớ lại, Trọng cảm thấy khó xử. Trong chuyện này, thực sự Hương không có lỗi, nếu có thì lỗi là ở chỗ ngoài gia đình hai bên, không còn ai biết những điều Trọng đã làm cho Hương, ngược lại họ còn nghĩ anh là thằng tồi “ăn cơm trước kẻng”. Chẳng lẽ đây là nguyên cớ trong mỗi cơn say anh mắng chửi Hương?

 

  Á! Ba ơi! Đau quá! Hu hu...

Tiếng con bé hét lên cùng lúc tiếng cốc rơi vỡ xé tan suy nghĩ anh. Anh bừng tỉnh chạy đến bế nó. Một mảnh kính vỡ xóc vào chân nó, rướm máu. Con bé mếu máo khóc, thằng em cũng mếu máo khóc theo. Hương mở ngăn kéo lấy hộp y tế định rửa vết thương cho con nhưng Trọng không cho, anh muốn tự mình làm. Con bé vừa khóc vừa ghì chặt cổ anh. Cha xứ và ông Năm hơi bất ngờ rồi bình tĩnh lại ngay. Trọng nhẹ nhàng gỡ mảnh thủy tinh ra, dùng oxi già sát trùng vết thương, vừa làm anh vừa dỗ dành:

  - Con gái ba giỏi lắm, ráng chịu đau xíu nghe con.

  Băng bó xong, Trọng quay sang quát Hương:

- Sao cô bất cẩn thế, có quét mấy mảnh kính thôi cũng không xong...

- Sao mầy đổ lỗi hết cho nó, nếu mày không say xỉn đập phá và con bé không đi pha trà gừng giải rượu cho mày thì làm gì có chuyện này xảy ra! -  Ông Năm lên tiếng.

Trọng im lặng, trong chuyện này đúng là lỗi của anh. Ông Năm vẫy tay về phía con bé:

   - Hoài Thương, lại đây với nội đi con?

Cái tên Hoài Thương vừa vang lên, tim Trọng giật thót. Có gì đó nhói trong lòng anh: ngày xưa chính anh đặt cho nó cái tên ấy với ý muốn nói: Hoài Thương: dù thế nào ba cũng yêu thương con... Bao nhiêu ký ức ùa về: anh nhớ lúc mới sinh, nó còn bé tí đã vòi tay anh. Một tuổi mọc răng, nó lên cơn sốt anh thức trắng đêm dỗ dành. Lớn hơn chút nữa, nó biết rót nước mời ba mỗi khi ba đi làm về. Đối với nó, ba là nhất, có chuyện gì nó cũng gọi ba đầu tiên, như lúc dẫm phải mảnh kính chẳng hạn. Tự dưng sống mũi anh cay cay. Vậy mà anh làm gì thế này? Anh đánh mắng mẹ nó cũng là gián tiếp làm tổn thương nó. Anh nói yêu thương nó mà chính anh đang bóc dỡ từng viên gạch hạnh phúc của gia đình này. Tất cả do đâu? Chẳng lẽ vì cái sĩ diện ấy, cái sĩ diện đàn ông với đám chiến hữu trên bàn nhậu. Đúng rồi, chính nó, chính là cái sĩ diện ấy đã đẩy gia đình anh đến tình cảnh này. Anh sai, anh sai thật rồi. Trong cơn tự hối, anh nghe tiếng hai đứa trẻ gọi anh: “ba ơi!”. Anh như bừng tỉnh và có thêm động lực. Bằng một cách xúc động nhất, anh lên tiếng xin lỗi vợ con trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai hiểu chuyện gì vừa xảy ra, mọi thứ trở nên im lặng. Rất lâu sau đó, Cha xứ mới lên tiếng:

- Anh Trọng, anh bình tĩnh lại chưa?

- Dạ rồi! – Anh trả lời hiền lành đến lạ.

- Vừa rồi tôi thấy anh biểu hiệu rất lạ, anh có chuyện gì sao?

- Dạ, thưa Cha, con biết con sai rồi, con sẽ không vì sĩ diện của mình mà mắng chửi vợ con nữa, thưa Cha!

- Tôi vẫn chưa hiểu lắm, anh có thể nói rõ hơn xem.

- Dạ được, nếu Cha muốn biết thì con xin kể nhưng chuyện này bắt đầu không phải hôm qua hôm kia nhưng là vài tháng trước.

“Sau đợt lũ lụt năm ngoái, mùa màng mất trắng, tết nhất lại sắp đến nơi, con và một số anh em bàn nhau lên thành phố kiếm sống. Nhờ người quen giới thiệu, chúng con được nhận vào làm trong một công trình. Công việc không nặng nhọc lắm nhưng phải thường xuyên xa nhà. Lúc đầu cũng hơi nhớ nhưng sau đó quen dần. Chiều chiều, sau ca làm, anh em ngồi lại với nhau làm vài ly giải mỏi. Có hôm rượu vào ngà ngà, Tư Sẹo hỏi con:

- Anh đi làm xa để vợ ở nhà không sợ à?

- Ai chứ Hương tôi không lo. – Con đáp.

- Không lo, không lo mà phải nuôi con thằng khác. – Tư Sẹo cười mỉa.

- Ý anh là sao? – Con hỏi lại.

- Anh tưởng chuyện xảy ra ở Sài Gòn anh giấu mãi được sao?

- Là đàn ông, có gì anh cứ nói thẳng ra đừng vòng vo thế.

- Tôi muốn nói đến quá khứ của vợ anh đấy. Chẳng lẽ anh không biết?

Biết là Tư Sẹo đang ám chỉ Hương, con xuống nước biện hộ:

- Vợ tôi chỉ là người bị hại

- Bị hại...Bị hại thế sao anh không bỏ quách cái thai đi.

- Đó là sát nhân, là giết người đấy anh biết không, Thiên Chúa không cho phép chúng ta làm điều. – Con nóng nảy quát.

- Chả có Thiên Chúa nào không cho phép cả. Người ta vẫn làm đầy ra đó. Chỉ có anh, anh là thằng ngu, không ăn ốc mà phải đổ vỏ, hay có khi nào là anh bị yếu sinh lý nên phải nhận nuôi con thằng khác, biết đâu thằng nhỏ kia cũng không phải là con ruột anh.

Rõ ràng Tư Sẹo cố khiêu khích con mà. Động chạm sĩ diện, không kiềm chế được nữa, con và hắn đã xảy ra ẩu đả. Cũng từ dạo đó, Tư Sẹo đi rêu rao khắp nơi, cả công trường ai cũng bàn tán về con. Buồn đời con lao vào nhậu nhẹt, mỗi khi say, con lại trút hết lên Hương. Con đúng là một thằng tồi...”

 

Trọng đấm mạnh vào ngực mình. Mọi người im lặng. Không ai ngờ đằng sau câu chuyện người đàn ông say xỉn đánh mắng vợ con lại còn một câu chuyện khổ tâm như vậy. Ấy mới biết muốn sống cho tròn đạo Chúa đâu phải việc dễ dàng và có những việc phải nhắm mắt thì nhìn mới rõ. Cha xứ im lặng hồi lâu rồi trầm giọng nói:

-  Anh Trọng này, anh đừng tự trách mình nữa, anh biết sai và sửa sai là tốt. Hơn nữa, trong chuyện này không hoàn toàn là lỗi của anh, đó cũng là ý Chúa.

Mọi người, kể cả ông Năm đều ngạc nhiên. Cha xứ điềm đạm giảng thích:

- Anh thử nghĩ xem nếu không có người đàn ông đã hại Hương ngày đó và quan trọng hơn nếu anh can đảm sống theo lề luật Thiên Chúa khi quyết định giữ lại cái thai, liệu bây giờ anh có con bé dễ thương như thế này không?

Mọi người sửng sốt nhìn con bé. Còn con bé thì còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cha xứ nói tiếp:

- Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, với anh chị, Thiên Chúa đã chọn cách đặc biệt hơn. Ngài trao ban món quà quý giá ấy bằng cách để anh tự chọn lựa và kết quả của những lựa chọn ấy chính là hôm nay. Tất cả đều do anh chị tạo nên. – Ngừng đôi lát, bằng một giọng vui tươi cha xứ nói tiếp. - Anh chị thật đáng ganh tị, con bé nhà anh chị thông minh lắm, thấy anh đi nhậu về đập phá đồ đạc, nó biết chạy đến nhờ ông nội đến giúp kia đấy.

Nghe những lời ấy, mắt Hương đỏ hoe, còn Trọng thấy sống mũi cay cay. Hóa ra bấy lâu Thiên Chúa trao ban cho anh món quà quý giá như vậy mà anh không hề hay biết. Trong lúc xúc động, anh quỳ xuống, mở rộng vòng ta về phía con, giọng anh run run:

- Hoài Thương, Gia An, lại đây với ba đi con.

Hai đứa dường như quên hết mọi chuyện trước đó, vô tư chạy đến ôm chầm lấy ba. Thằng cu con thỏ thẻ:

-  Ba ơi, ba đừng làm mẹ khóc nữa nhen ba.

- Ừm, ba biết rồi!

- Ba hứa đi ba! – Con bé nụng nịu.

- Ừm, ba hứa.

Ông Năm vui mừng cũng chêm vào một câu:

- Tụi bay cứ như vậy không phải hạnh phúc hơn sao!

Chợt nhớ ra việc gì đó, cha xứ nói tiếp:

- À, anh Trọng này, sắp tới dịp kỉ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, tôi định sửa lại hang đá cũ ở vườn sao, nghe ông trùm xứ bảo tay nghề anh khá lắm hay anh về đây phụ tôi một tay được không?

- Dạ, con cũng vừa định xin nghỉ việc ở công trường tìm việc khác gần nhà để thuận tiện chăm sóc vợ con. Giờ Cha nói vậy thì còn gì bằng. Con cảm ơn Cha. – Trọng nhìn Hương vui mừng ra mặt.

- Anh đừng cảm ơn tôi, nếu cần cảm ơn thì anh cảm ơn Đức Mẹ kia kìa.

Mọi người cười ồ lên trước câu nói hóm hình mà đầy ẩn ý của Cha xứ. Mọi việc xem như đã ổn, Cha xứ xoa đầu hai đứa trẻ, tạm biệt gia đình rồi ra về cho kịp giờ kinh tối. Ông Năm cùng con cháu tiễn Cha ra tận cổng. Họ đứng chờ cho bóng cha khuất hẳn rồi mới vào. Chợt Hương sửng sốt nhìn, cô thấy trong bóng dáng chiếc áo chùn đen thấp thoáng tà áo choàng Đức Mẹ phủ xuống. Vừa lúc ấy chuông chiều kịp đổ những hồi đầu tiên.

 

 

Mã số: 17-163

TẤM ÁO NGÀY XUÂN

- Chú Tư coi con mặc bộ đồ này có đẹp không?

Tiếng bé Ngọc Nhi hàng xóm nhỏ nhẹ vang lên làm cho hắn phải ngước lên nhìn. Một con bé 5 tuổi với bộ áo đầm trắng có cái nơ nhỏ màu xanh trên vai áo đang đứng nhìn hắn. Cô nhỏ cười, lúc lắc mái tóc dài chấm vai.

- Ừ, đẹp lắm! Hôm nay bé Nhi giống như công chúa vậy! Mẹ thưởng cho con đó hả?

- Dạ! Mẹ nói may áo mới cho con để mặc tết đó chú Tư!

- Anh Tư biết không- Mẹ bé Nhi trong nhà vừa ra, tiếp lời- Em dẫn con bé về quê, ngày mai này cho nó tảo mộ ông bà luôn. Năm nay, anh Tư có về quê tảo mộ không?

- Dạ! Có lẽ không về tảo mộ được chị Bảy ạ! Năm nay, đành để anh Hai ở quê quét dọn mộ ông bà giúp vậy. Bận quá! Chắc phải đến tết mới xong việc, rồi về quê luôn!

- Thôi, chào chú Tư đi, mẹ con mình đi thôi con gái! Trễ rồi đó! Chào anh Tư nhé!

- Chào chị Bảy nhé! Cho tôi gởi lời chào bà con dưới quê nhe!

Hắn nhìn theo hai mẹ con người láng giềng đi xa dần mà thấy lòng chợt xôn xao. Ở cái chốn Sài Gòn hoa lệ này, khó lòng tìm được một người miền Tây, có phong tục gần giống như mình lắm! Ngay đến cách xưng hô, người ta cũng gọi tên, chứ không mộc mạc theo thứ tự trong gia đình như ở quê hắn. Bây giờ, cũng không có mấy ai đi tảo mộ vào trước tết như xưa nữa vì công việc bề bộn, lại thêm bây giờ người ta ít chôn cất người thân mà thay vào đó là mang hài cốt đến gởi ở các chùa thay nhà thờ. Vậy nên việc đi tảo mộ người thân giờ đây càng thêm hiếm hoi, và việc gìn giữ nó, lưu truyền cho con cháu lại càng khó khăn hơn. Cuộc trò chuyện ngắn với mẹ con người hàng xóm, bộ áo mới của cô bé Ngọc Nhi làm cho hắn nhớ lại về tuổi thơ của mình, ở một vùng quê nghèo năm xưa….

Hắn sinh ra trong một gia đình thuộc vào loại nghèo nhất trong xóm của vùng đất nằm dọc theo sông Tiền, nơi được gọi là vựa lúa của miền Tây. Cha mẹ hắn, người thì có một tiệm chụp hình, người thì từng làm việc văn phòng, có thể xem là tương đối an nhàn. Nhưng sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, thời thế đổi thay, điều kiện chính trị khó khăn, không thể tiếp tục công việc cũ, nên cả gia đình đưa nhau về đây. Cha hắn vốn dĩ sức khoẻ không tốt, lại đã quen công việc đánh máy nhẹ nhàng nên giờ không thể thích nghi với việc tay cày tay cuốc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Lại thêm, mấy năm trước, ông bị bệnh phù thũng suýt chết nên giờ đây sức khoẻ càng tệ hơn. Mọi việc chỉ còn trông chờ vào mẹ hắn và mấy công đất trồng nhãn nhưng thiếu người chăm sóc nên hoa lợi hàng năm không được là bao. Gia đình hắn lại được kể vào thành phần mà theo những người cán bộ trong xóm, cần phải “đề phòng” và “để ý theo dõi” mới được. Nhà hắn không làm chuyện gì phạm pháp, cũng không có cướp giật hành hung người nào, lại càng không phải là thành phần chống đối chính quyền. Nhưng trong cái thời kỳ “bao cấp” đó, người ta ưa nghi kỵ và xa lánh những ai đã từng làm việc cho chính quyền trước, làm cho Mỹ, dù chỉ làm một công việc văn phòng, không có liên quan gì đến chính trị, quân sự. Lại thêm vào đó, gia đình hắn lại là một gia đình có đạo! Thế mới thật lạ lùng! Nhà hắn mỗi tối hay đọc kinh cùng nhau, dưới ánh đèn dầu leo lét, nếu để ý nhìn ra bên ngoài, sẽ thấy đâu đó có vài người hàng xóm đang lân la ở gần, như thể đang làm việc gì đó, đôi khi lại phải bỏ dở đọc kinh để ra tiếp họ, vì một câu chuyện không ăn nhập gì với nhà hắn. Ở xóm ấy không có nhà thờ, gia đình hắn phải đi lễ Chúa Nhật ở một giáo xứ khác cách nhà gần 10 cây số, ấy thế mà bao giờ cũng có một vài cái “đuôi” đang đeo bám ở xa xa phía sau. Vì vậy, tuy là không có rào giậu gì, nhưng gia đình hắn ở trong xóm, giống như trong một “ấp chiến lược” vậy, mọi hành động đều được theo dõi từ xa! Ngày tết đối với anh chị em hắn, đã từ lâu rồi, đó chỉ đơn giản là những ngày không phải đi học, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, có năm thì được thêm vài đòn bánh tét ở bên nội hay ngoại gởi cho. Còn quần áo mới, thức ăn ngon ư? Anh em hắn chưa khi nào dám mơ tới. Bởi, dù nghèo nhất trong xóm, nhưng cha mẹ hắn quyết tâm không để cho các con phải bỏ học nửa chừng, vì vậy, hoa lợi ít ỏi thu được từ vườn cây chỉ đủ để trang trải học phí cho anh em hắn, còn bữa ăn hàng ngày chỉ đạm bạc đơn sơ gọi là “sớm trưa dưa muối cho qua bữa” vậy thôi. Cha hắn những khi thấy khoẻ, ông cũng cố gắng làm cỏ, chăm sóc ít cây trong vườn nhưng hiệu quả cũng chẳng được là mấy. Ngày tết gần kề càng làm cho ông bà thêm những lo toan, những suy tư cứ thế hằn sâu thêm trong tâm trí. Một bữa, hắn nghe cha mẹ hắn bàn với nhau. Bà nói:

- Ông này, năm nay tôi định mua cho bọn trẻ vài bộ áo mới để chúng mặc trong mấy ngày tết. Các con mình lâu rồi không có được niềm vui tết như bạn bè nó. Có mấy con gà tôi định bán để có thêm ít tiền mua thêm ít thịt cho mấy ngày xuân được ấm cúng hơn.

Ông chồng gắt:

- Lại áo mới! Lạ thịt cá! Tết nhất gì chứ? Gà mới vừa ra lông cánh thôi mà đòi bán chác gì? Được bao nhiêu tiền hả? Bình thường đã lo mệt lắm rồi! Bà còn khéo bày vẽ nữa!

Bà nhẹ nhàng nói:

- Thôi mà ông! Tôi cũng chỉ nghĩ tới mấy đứa nhỏ thôi mà! Thương cho tụi nó! Nhà mình mấy năm rồi không có tết!

Cha hắn có vẻ bực bội:

- Thôi, tôi mệt rồi! Bà muốn làm gì làm! Tôi không quan tâm!

Rồi sau đó, ông bỏ ra khỏi nhà, đi đâu cả ngày không rõ. Ở nhà, mẹ hắn cứ thắp thỏm lo âu, cha hắn trước giờ đâu có như thế, có lẽ ông buồn vì mình không tròn trách nhiệm chăng? Anh chị em hắn cũng chưa khi nào chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau như thế bao giờ nên chỉ biết lo lắng nhìn nhau. Mãi đến hơn 10h đêm, cha hắn mới về nhà, dáng người mệt mỏi rã rời. Mẹ hắn ra đón với nét mặt lo âu:

- Ông giận tôi hay sao vậy? Cả ngày nay ông đi đâu mà giờ mới về? Có chuyện gì sao? Ông đã đi đâu?

Người cha móc trong túi ra một xấp tiền mỏng mà nói:

- Không! Tôi không có giận gì bà hết! Chỉ buồn chút thôi. Hồi sáng, tôi lên xóm trên, thấy ông Bảy cần người vét mương để nuôi cá nên tôi tới làm luôn. Trước giờ không quen làm, nên thấy mệt quá! Có ít tiền này, bà cầm lấy rồi mua thêm áo mới hay là thức ăn gì đó cho tụi nhỏ trong dịp tết!...

Năm đó, gia đình hắn có một chút gì đó gọi là “không khí của ngày xuân”. Hắn được thêm một cái áo mỏng, loại áo giảm giá mà ngày nay thường thấy bán trong các đợt khuyến mãi, bữa ăn cũng được thêm ít thịt kho…nhưng bù lại, cha hắn bị cảm, sốt mấy ngày, mãi cho đến chiều ba mươi tết mới thấy khoẻ được đôi chút…

Chuyện đời thoáng qua như một giấc mộng. Mới đó mà đã gần hai mươi năm trôi qua kể từ ngày hắn được mặc tấm áo ngày xuân đầu tiên trong đời ấy. Gia đình hắn đã khá hơn xưa, cũng bởi anh chị em hắn đã được đi học đàng hoàng, giờ đây công việc cũng đã ổn định, không còn cảnh bữa rau bữa cháo như trước! Gia đình hắn cũng không còn phải gặp cảnh “vui buồn lẫn lộn” như cách đây hai mươi năm, vì hai hôm sau khi cha hắn đi vét mương để kiếm chút tiền may áo mới cho hắn, thì cha sở nơi nhà hắn thường đi lễ, đã gởi cho gia đình một phần quà tết của người nghèo, dù biết gia đình ấy không có trong sổ của giáo xứ. Có lẽ đó là tấm lòng của người mục tử, hay là tình yêu của Chúa xuân đã động lòng thương cho gia cảnh bần hàn của hắn? Mấy năm trước đây, cha hắn đã mãi mãi ra đi sau một thời gian dài bệnh tật. Tấm áo ngày xưa đã rách tự bao giờ, nhưng trong lòng hắn, nó vẫn như còn mãi cùng với hình ảnh về người cha bị cảm sốt cả tuần vì đi vét mương để lấy tiền mua áo cho con. Các anh chị của hắn, mỗi lần có dịp ngồi lại bên nhau, cũng hay nhắc về một trong những kỷ niệm đáng nhớ đó, vừa để nhắc nhớ về người cha quá cố và cũng để khơi lại trong lòng các cháu hình ảnh thân thương về người ông của chúng.

Một mùa xuân nữa sắp về rồi! Hắn có thể cảm giác được hương xuân từ những cảnh hối hả của đường phố Sài thành: nhiều cửa hiệu đã bắt đầu trang trí, đã có những chậu mai vàng được mang đến các công ty, các đồng nghiệp cũng xôn xao bàn chuyện về quê đón tết… Ngày hôm qua, hắn cũng vừa mới đi theo nhóm Caritas, phát quà cho người già neo đơn ở Bình Phước. Hình ảnh những cụ già móm mém cười hạnh phúc bên phần quà nhỏ nhận được, những đứa trẻ lam lũ hí hửng, nhảy chân sáo bên món quà trên tay mẹ chúng làm cho hắn cảm thấy ấm lòng hơn, như làm sống lại trong tim hắn những kỹ niệm của ngày xưa hắn đã từng vui như thế nào khi nhận được món quà nhỏ từ tay vị linh mục ở xứ đạo vùng quê nghèo ngày ấy. Nhớ lại hình ảnh tung tăng bên mẹ trong bộ áo mới của bé Ngọc Nhi khi nãy, hắn cảm thấy vui vui trong dạ. “Ừ nhỉ, sao mình không mua thêm vài bộ đồ mới đem về cho các cháu đón tết?” Bên nhà hàng xóm, ai đó cũng vừa mở lên bản nhạc mùa xuân:

“Tết Tết Tết Tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người…

Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi

Ngàn hoa thơm khoa sắc xinh tươi

Đàn em thơ khoe áo mới

Chạy tung tăng vui pháo hoa…”

(nhạc phẩm “Ngày tết quê em”, sáng tác: Từ Huy)

Ngoài trời, một bầy chim én vừa mới bay ngang qua…!

 

 

Mã số: 17-164

TÌNH YÊU CÒN MÃI

Hôm nay, hắn tự thưởng cho mình có được một buổi chiều nhàn rỗi: ngày mai được nghỉ học mà! Không đọc sách, không phải viết bài, cũng không cần xem tivi cũng không đọc tin tức!Vì một lý do vô cùng đặc biệt, hôm nay là ngày “sinh nhật trên trời” lần thứ mười một của người bạn thân nhất mà hắn từng có! Cầm ly cà phê trong tay, hắn kéo ghế ra và mơ màng nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Những hạt mưa bay lất phất của buổi chiều thu nhẹ nhàng đưa hắn về với vùng trời kỹ niệm ngút ngàn yêu thương, nơi đó từng là khung trời mộng mơ của tuổi trẻ, có những người bạn rất thân, và đặc biệt nhất là cô bạn gái đầy yêu thương của hắn; nơi đó có những e ấp, ngọt ngào của tình yêu thuở ban đầu…

Hắn vừa về đến nhà thì chuông điện thoại đã reo vang. Ở đầu dây bên kia là giọng nói thảng thốt của Hạnh: “…cậu có biết tin gì chưa? Giang đã bị tai nạn chiều nay… chết rồi… mới được đưa về nhà! … Sắp xếp và đến ngay nhé! Mình sửa soạn đi đây!...” Hắn đờ đẫn cả người, buông rơi cái túi xách xuống nền nhà! Sao lại có thể như vậy chứ? Mới chiều hôm trước đây vẫn còn gặp nhau, vẫn còn trò chuyện vui vẻ kia mà? Giang là cô bạn thân nhất của hắn, cùng với Hạnh và Tuấn hợp thành một nhóm “bộ tứ” gắn bó cùng nhau đã hơn mười năm nay, từ những tháng năm trung học, đến lúc lên giảng đường và bây giờ khi đã tốt nghiẹp và đi làm. Hơn nữa hắn và Giang cũng vừa chính thức hẹn hò khoảng mấy tháng nay. Làm sao một người bạn đáng yêu, dễ mến, hoạt bát, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu như thế lại sớm ra đi khi còn chưa kịp lãnh tháng lương đầu tiên? Một tương lai rộng mở, một chân trời đẹp để hắn ước mơ giờ đây lại kết thúc đột ngột thế này sao? Hắn muốn gào lên, muốn khóc cho thật to, tại sao trời xanh lại bất công như vậy; sao người tốt lại sớm phải ra đi, cớ sao không phải ai khác mà lại là cô ấy, là người yêu của hắn; lẽ nào kết cục của mối tình đầu lại bi thảm như thế sao?...

Hắn đến nhà Giang khi đã hơn 22h đêm. Trời đang có mưa nhè nhẹ. Nhà vẫn còn rất đông người đến viếng, để chia buồn và cũng để tỏ lòng thương xót cho một thiếu nữ trẻ nhưng không may vắn số. Bên trong nhà có một Tượng Chịu Nạn và một dòng chữ “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” cùng với lá cờ đạo màu tím trước cổng gợi cho hắn nhớ rằng bạn hắn là một người công giáo. Điều này hầu như hắn đã quên từ lâu, vì dù đã từng đến đây chơi nhiều lần hồi trung học, nhưng ở cái vùng quê nghèo miền Tây Nam Bộ này, người có đạo hiếm lắm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi; về sau khi lên thành phố hắn mới thấy có nhiều người có đạo hơn. Bạn của hắn đang nằm đó, lặng lẽ, bình yên sau lớp kính buồn. Cũng mái tóc dài thon thả ấy, đôi mắt này và cũng vành môi kia nhưng tất cả giờ đây đã trở nên lạnh lẽo; đôi mắt không còn long lanh, tinh nghịch và vành môi kia cũng chẳng bao giờ còn thốt ra những lời ngọt ngào, thánh thót nữa… Khi biết bọn hắn yêu nhau, bạn bè thường hay nói đùa rằng tên của tụi hắn ghép chung lại sẽ thành tên dòng sông thơ mộng, êm đềm nhất miền Tây với đôi bờ là những vườn trái cây sum suê, trĩu quả. Hắn nhớ lại lần trước, sau khi hai đứa cãi nhau, Giang là người nói lời xin lỗi sau khi hai đứa cùng nhau đi ăn chè. Hôm đó, Giang có nói là “Em mong tình cảm của mình sẽ đẹp và ngọt mãi giống như ly chè này. Chúng ta sẽ ở bên nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, chia sẻ với nhau mọi ngày, những niềm vui nỗi buồn trong đời sống nhé!” (Câu này mãi rất lâu sau này hắn mới biết là nó được các đôi tân hôn dùng để tuyên hứa trọn đời bên nhau trong ngày hôn lễ). Dĩ nhiên bữa đó là ngày hắn vui mừng và hạnh phúc biết chừng nào! …Hắn cảm thấy mắt mình nhoà đi, bên tai còn nghe tiếng đọc kinh và giai điệu trầm buồn của một bài ca cầu hồn tha thiết. Có ai đó đưa cho hắn một cuốn sách, nhưng với một kẻ ngoại đạo như hắn thì nào có biết đọc kinh hay hát cầu nguyện gì đâu. Tuy vậy, hắn cũng cầm lấy và lẩm bẩm hát theo một vài đoạn “…sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay… dù sống hay chết tin còn ngày mai…”.

Đã nhiều ngày sau đám tang, hắn vẫn sống vật vờ như một cái bóng, ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Hắn cũng không nhớ hắn đã ở đám tang bao lâu và ra về lúc nào. Sau đó, hắn điên cuồng lao đầu vào công việc, làm không ngưng nghỉ, làm cả ngày lẫn đêm để rồi sau đó, trong nhiều ngày lại sống trong mệt mỏi và chán chường. Hắn âm thầm, khép kín mình lại, không muốn gặp gỡ, trò chuyện với ai: sáng sớm lặng lẽ đến công ty trước nhất, rồi khi chiều buông, hắn là người rời khỏi phòng làm việc sau cùng. Trong đầu hắn đang tràn ngập những câu hỏi không có lời giải đáp: cuộc đời này sống để làm gì, vì sao người tốt lại phải chết sớm, con người rồi sẽ đi về đâu, có tình yêu vĩnh cửu không, có tình yêu nào không bao giờ chết, chẳng hề xa nhau không… Sau giờ làm việc, hắn đến nhà sách, vào thư viện cũng như lên mạng đọc sách để mong tìm câu trả lời. Hắn đọc những câu chuyện dân gian, tìm kiếm trong văn học nhưng vẫn không thấy; hắn lại đọc các sách về Phật giáo, cũng chẳng tìm ra. Không có câu trả lời nào làm cho hắn thấy thoả mãn, ở đâu hắn có thể tìm được tình yêu vĩnh cửu?

Một buổi chiều thứ Bảy, đi làm về ngang qua một ngôi thánh đường, tiếng chuông ngân vang báo hiệu sắp đến giờ lễ chợt làm cho hắn cảm thấy bồi hồi. “Ừ nhỉ, Công giáo cũng là một tôn giáo lớn, có thể có điều gì hay chăng, sao mình không thử tìm hiểu xem, ngày xưa Giang cũng là một người Công giáo…”. Hắn rụt rè dừng lại bên hông nhà thờ; có thể vì trong nhà thờ rất đông người nên có nhiều người đang phải tìm chỗ đứng bên ngoài. Hắn cảm thấy có thêm chút tự tin “đông người như vầy, lại có nhiều người phải đứng thế kia. Chắc là không ai chú ý đến mình đâu!”. Bên trong, tiếng của linh mục đang say sưa với bài giảng của ngài, hắn có thể nghe rõ mồn một từ chỗ đứng. Ngài đang giảng về tình yêu Thiên Chúa gì đó, đại ý nói rằng Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi sẵn sàng chết vì họ, những ai tin vào Chúa thì được sống muôn đời. Tình yêu của Ngài là vĩnh cửu và qua Ngài, mọi người sẽ được hiệp thông với nhau, kẻ sống và người chết đều được Ngài yêu thương… Tự nhiên, hắn thấy lòng khoan khoái lạ lùng, có một sự bình yên trong tâm hồn mà từ trước đến giờ chưa khi nào hắn có được. Bất giác, hắn tự mình nở một nụ cười thoả mãn. Hắn có một cảm giác là, ở đâu đó, nét mặt thân quen của Giang đang nhìn hắn, mỉm cười…

Cơn mưa thu chiều nay lật giở lại từng trang nhật ký cuộc đời hắn. Hơn ba năm sau khi được tình cờ nghe bài giảng của cha xứ về tình yêu Thiên Chúa trong buổi chiều cuối tuần đó, hắn bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về đạo Công giáo và đã chính thức trở thành một ki tô hữu. Điều đáng nói hơn, hắn còn quyết định ra đi theo tiếng gọi của Tình Yêu để bước vào sống đời thánh hiến. Hắn đã tìm ra được tình yêu vĩnh cửu, hắn biết rằng trong tình yêu Chúa, hắn có thể hiệp thông cầu nguyện, giúp đỡ cho nhiều người khác nữa: cho gia đình, bạn bè, người thân của hắn và dĩ nhiên trong đó có cả Giang, mối tình đầu tiên và có lẽ cũng là mãi mãi. Giờ đây, hắn đã chính thức được khấn dòng và trở thành tu sĩ. Hắn sẽ cầu nguyện cho Giang “khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau, mọi ngày trong đời mình”. Hắn sẽ tiếp tục viết nên câu chuyện tình yêu, tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho mọi người. Chuyện tình yêu của hắn giờ đây sẽ không còn dang dở, chẳng hề đơn côi mà đã hoà chung vào trong lòng nhân thế, và trong đó chắc chắn sẽ luôn có hình bóng của Giang, mối tình đầu tiên đã mãi in sâu trong cả cuộc đời hắn…

 

Mã số: 17-165

TRẦN GIAN TẠM BỢ

Ngày mẹ hấp hối, Thiết còn ở trong trại giam. Lúc quản trại đến tìm gặp riêng, Thiết gần như chết điếng. Bởi ngày hắn ra công an đầu thú, mẹ đã hứa sẽ đợi hắn về, cưới cô Nên làng bên cho bà, sẽ sinh cho bà hai đứa cháu nội để ngày ngày có người trò chuyện cho bà đỡ côi cút tủi thân, để có người ngồi nhổ cho bà mớ tóc sâu, như tằm ăn rỗi nửa đêm ngứa ngáy khó chịu. Nhưng mọi chuyện không như mong đợi, mẹ hắn ra đi quá nhanh khi mọi ước mong còn chưa kịp hoàn thành.

Thiết mồ côi cha năm lên tám. Một cơn bạo bệnh đã cướp ông đi. Bỏ lại người vợ trẻ còn phơi phới thanh xuân cùng đứa con thơ lay lắt gọi cha trong buổi chiều mưa rơi lất phất.

Cha mất. Một mình mẹ Thiết tảo tần rau cháu nuôi con. Nào hay chỉ vì một chút sa đà lêu lổng, bà để hắn rơi vào guồng quay của tội lỗi.

Ngày Thiết bị kết án, bà nằm liệt trong buồng. Cả mấy ngày liền chẳng buồn ăn uống. Cũng may có cô Nên làng bên, vì thương cảnh mẹ góa con côi mà tình nguyện qua chăm sóc.

Nên không xinh đẹp như bao thiếu nữ khác. Nhưng được cái tính hiền lành chăm chỉ. Nên sống cùng vợ chồng cậu mợ ở cuối làng bên từ những ngày còn nhỏ. Từ bé, cô chưa một lần được nhìn thấy mẹ, chỉ nghe vợ chồng cậu mợ kể về người mẹ yêu dấu của mình. Nhưng đó là một câu chuyện buồn, mỗi lần kể ra chỉ thêm chuốc ưu phiền và nỗi đau cho những người ở lại.

Mẹ Nên không chồng mà chửa. Sống trong những tiếng dè bỉu của miệng đời, rồi không chịu nổi áp lực, bà gửi cô cho vợ chồng người em ruột nói đi làm ăn xa một thời gian, cho đến khi người làng phát hiện ra cái xác trương phình lấp ló trong khóm lục bình dập dềnh mép sông thì câu chuyện mới chịu lắng xuống. Sau hôm đó, chẳng ai còn nói về người đàn bà vắn số dám cãi lời Thiên Chúa để mang trong mình cốt nhục của kẻ bạc tình.

Mỗi lần nghe ai đó nhắc tên mẹ mình, Nên chỉ biết lặng thinh cúi gằm mặt, như lảng tránh lời tiếng không hay đã vấy bẩn lên cuộc đời của mẹ cô nơi miền quê nghèo xơ xác.

Cũng may nhờ có Thiết, Nên như tìm được sự đồng cảm số phận. Thiết động viên Nên cố gắng vượt qua, rồi họ có tình ý với nhau lúc nào chẳng rõ.

Lúc mẹ Thiết còn sống, không ít lần bà giục hai người mau nên duyên chồng vợ. Nhưng vấn đề còn phụ thuộc vào Thiết, khi trong tay hắn chẳng có gì, sợ cưới Nên về, chỉ càng khiến cô thêm vất vả. Nào hay chỉ vì một chút nông nổi, Thiết phải đánh đổi tuổi trẻ cho những năm tháng trong trại giam chẳng biết ngày về.

***

Nên lấy chồng sau giỗ đầu của má Thiết không lâu. Người đàn ông hơn cô vài chục tuổi. Đó là người đàn ông giàu có, chỉ có điều không còn đủ minh mẫn như bao người bình thường.

Nên đồng ý làm vợ người đàn ông ấy, vì cần gấp một số tiền lớn để giữ lấy mạng sống cho cậu của mình. Ngày Nên sang sông, cả làng vui mừng không sao kể xiết. Nhưng nào ai biết, đó không phải là điều cô mong muốn, nhưng cô vẫn luôn tin vào mọi sự do Thiên Chúa an bài.

***

Thiết về. Vào một chiều nắng len lỏi qua những tán cây mận rậm rì. Bến sông ngày Thiết đi giờ hoang vắng tiêu điều. Người làng bỏ ra phố kiếm kế sinh nhai, chỉ còn những người già lắt lay với nắm tuổi còn đếm được trên đầu ngón tay ngắn ngủi cùng những đứa trẻ con như những chú chim non bị cha mẹ bỏ đói, lêu lổng chạy nhảy chơi đùa. Chúng nhìn Thiết như nhìn những người lạ mặt lạc bước ở mảnh đất này. Chúng nào hay, Thiết cũng đã từng có khoảng thời gian tươi đẹp như chúng.

Thiết trở về căn nhà nhỏ, nằm lọt thỏm trong mảnh vườn xanh mướt, nào bưởi, nào mận... Mùa này bưởi đã ra hoa, tỏa hương ngào ngạt. Thiết về dừng chân ở nơi bậc cửa trước nhà, đưa ánh mắt quan sát xung quanh, nhưng đáp lại chỉ là những tiếng chim chuyền cành ríu ran và mùi mốc ẩm phủ bụi lên ngôi nhà theo thời gian đã gần như mối mọt gần hết.

Ngôi nhà đã đóng cửa im ỉm từ ngày mẹ Thiết mất, chỉ có những đám rêu xanh và cỏ dại mọc chi chít, um tùm. Thiết mở cửa bước vào, điều đầu tiên hắn làm là quỳ gối trước di ảnh của mẹ, như hành động để chuộc lại lầm lỗi của đứa con bất hiếu nay được đặc xá trở về. Thiết nhìn chằm chằm vào di ảnh mẹ mà mếu máo, như lúc ở trong trại giam hắn cố kìm nén bao nhiêu thì giờ đây nước mắt như được dịp tuôn chảy bấy nhiêu không sao dừng lại. Thiết cứ quỳ như vậy, không hay ngoài trời đã lảng bảng những đám mây đen xám xịt từ đâu tụ về với nhau, như báo hiệu một trận mưa rất lớn ở xứ này.

Thiết nhớ mẹ vô cùng. Nhớ cứ độ này, bà thường ra vườn tỉa những cánh hoa bưởi trắng muốt gội đầu cùng nắm lá hương nhu với vài nhánh sả. Tóc mẹ Thiết dài lắm, nhớ những ngày Thiết còn nhỏ mẹ Thiết ngồi hong tóc bắt chí cho hắn trước hiên nhà, nghe gió luồn lách phảng phất những hương thơm như bấu chặt trong từng lọn tóc. Giờ ngoài vườn hoa bưởi vẫn phảng phất, nhưng Thiết chỉ nghe nhấp nhói trong lồng ngực nỗi đau. Nỗi đau của một người con mất mẹ và cả nỗi đau mất đi người con gái từng làm tim Thiết loạn nhịp.

Thiết về, sống với bổn phận của một người con cố chuộc lại những lỗi lầm. Chỉ mong mẹ Thiết ở trên thiên đàng sẽ thông cảm cho đứa con bất hiếu, có như vậy Thiết mới dám ngẩng mặt lên mà sống, mà nhìn đời, nhìn mọi người để làm lại tất cả sau những vấp ngã không mong muốn do chính hắn gây ra.

***

Bữa đó Thiết đang giăng lưới ở bến sông thì thấy Nên về. Đi cùng với cô là đứa nhỏ khoảng chừng 8-9 tuổi. Mới đầu Thiết không thể nhận ra, cũng bởi từ ngày Thiết vào tù đến khi trở về cũng đã khá lâu mà Nên thì thay đổi nhiều quá. Da cô trắng nõn, mái tóc dài đã cắt ngắn ngang hông, phủ lên trên là lớp màu được nhuộm thơm mùi hóa chất. Ngay cả những người ở làng còn chẳng nhận ra, huống hồ là hắn...

Thiết vội chạy lên bờ, thảng thốt gọi tên cô. Người phụ nữ nghe ai gọi tên nên theo phản xạ cũng quay mặt lại. Hai ánh mắt chạm nhau, dù ở cách nhau một khoảng khá xa. Nên đứng ngây người ra một lúc, nheo mắt nhìn người đàn ông với bộ dạng nhem nhuốc, ống quần thấp, ống cao. Cứ tưởng hai người lâu lắm mới gặp nhau sẽ tay bắt mặt mừng niềm nở, nhưng đáp lại là khoảng trống im lặng vô chừng. Nên kéo vội chiếc nón đang đội trên đầu xuống quá nửa khuôn mặt, rồi kéo tay đứa nhỏ vội vàng bỏ đi, mặc Thiết đứng chôn chân tại chỗ mà không hiểu chuyện quái quỷ gì vừa mới xảy ra. Phải chăng người phụ nữ ấy không phải Nên, hay vì lý do nào đó mà Nên không dám đối diện với Thiết... Chính hắn còn không hiểu được nữa là...

Lần thứ hai họ gặp nhau là khi Thiết đang trên đường ra thăm mộ mẹ. Đến nơi, Nên đã ngồi đó tự bao giờ. Trên tay cô là nén nhang vẫn còn nghi ngút cháy. Thiết định bụng sẽ chạy đến, đối diện với cô, nhưng rồi có gì đó như vô tình ngăn cản, khiến hắn chỉ dám đứng từ xa mà theo dõi. Cho đến khi Nên đứng dậy, xách giỏ rời khỏi khu nghĩa địa thì Thiết xuất hiện, lấy hết can đảm gọi rõ tên cô. Hai ánh mắt một lần nữa chạm nhau, rất gần. Nên toan định bỏ đi như mọi lần nhưng chẳng hiểu sao cô quyết định đứng lại, để cả hai có cơ hội nói lời sau cuối cùng với nhau. Bởi chỉ sau hôm nay Nên sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, ở một đất nước hoàn toàn xa lạ mà phải rất đắn đo cô mới quyết định nhận lời.

Hai người ngồi lại nơi bậc thềm có treo thập giá Chúa Giêsu chịu nạn. Xung quanh là những gốc cây đại nở bung những chùm hoa trắng ngát một góc nghĩa địa của giáo xứ. Những sợi gió đang xào xạc trên vài ngọn cây cũng đột ngột lặng yên, như trả lại khoảng riêng tư cho hai người tâm sự.

Nhưng rút cuộc, cả hai vẫn chẳng nói với nhau được câu nào. Chỉ nghe tiếng gió khẽ khàng vờn trên mái tóc nhuộm màu nâu tím của Nên, mái tóc mà ngày xưa có lần mẹ Thiết cứ ngồi thẫn thờ mà vuốt hoài không buông, bởi theo bà những người có tóc dài thì hay lận đận, số phận con người nhiều khi là bao thử thách mà Thiên Chúa gieo xuống trên mỗi cá nhân. Duy chỉ có Thiết là không tin, vì với hắn, Thiên Chúa không hề tồn tại. Bởi nếu Ngài tồn tại, sao chẳng khi nào thấy Ngài trả lời cho những thắc mắc của hắn mỗi khi hắn kêu cầu.

***

Nên đến gặp Thiết lần cuối trước khi cô trở về thành phố chuẩn bị hành lý cho chuyến bay vào thứ ba tuần tới. Một đất nước hoàn toàn lạ lẫm, nhưng phần nào giúp cô quên được những quá khứ ở làng quê này. Trong đó có cả mối tình dang dở với Thiết, nhưng chỉ vì điều kiện không cho phép, khiến cô không thể được ở bên lo lắng và chăm sóc cho Thiết như lời hẹn ước thuở nào. Nên cô chỉ mong sao Thiết hiểu và thông cảm cho quyết định của cô ngày đó.

 Thiết ngồi nhỏ thó trong gian nhà cấp bốn, nghe tiếng mọt mối à uôm theo giọng nói ướt nhẹp của Nên kèm theo vài giọt nước mắt. Thiết định nói gì đó với Nên những rồi lại không thể cất lời.

 - Anh có tin vào sự an bài của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta không? - Đột nhiên Nên hỏi Thiết như vậy. Hắn trân trối nhìn Nên rồi lắc lắc đầu như tỏ vẻ không đồng tình.

- Vì sao vậy?

- Bởi vì tôi đã mất tất cả. Liệu có người Cha nào nhẫn tâm lấy tất cả mọi thứ của con mình như vậy hay không.

- Nhưng Thiên Chúa nhất định sẽ cho anh những điều tốt đẹp hơn rất nhiều.

- Tất cả đều vô nghĩa với tôi lúc này. Chẳng phải ngay cả Nên cũng bỏ tôi mà đi đó sao. Vậy thì cuộc sống của tôi đâu còn ý nghĩa gì nữa.

- Anh đừng nói vậy. Mọi việc Thiên Chúa đã định, ai dù không mong muốn cũng phải chấp thuận anh à. Chúng ta sống ở đời này chỉ là tạm bợ, cuộc sống sau hết ở nước Thiên Chúa mới đáng để chúng ta kiếm tìm.

- Vậy Nên đang kiếm tìm gì ở đời này. Chẳng phải hạnh phúc như Nên nói cũng là tạm bợ hay sao?

- Em không đi tìm hạnh phúc cho em. Em tìm thứ mà ở hiện tại chúng ta không bao giờ có...

***

Nên đi. Chuyến bay lúc ba giờ sáng. Trong khi tất cả đều có người đưa tiễn, duy chỉ có Nên lẻ bóng một mình. Không ai biết Nên đi đâu, chỉ có lý trí của cô chỉ đường mách lối.

Trong một viễn cảnh khác, đứa con nít đi cùng Nên hôm bữa không phải con của cô. Nó là đứa con của người chị sinh đôi với Nên đã bỏ đi đâu đó sau đám tang mẹ Thiết những ngày Thiết chưa mãn hạn tù. Chuyến bay ấy sẽ đưa Nên đi, đến mảnh đất xa xôi nào đó, nơi có chị của Nên đang mong chờ cô tới, sau cuộc hôn nhân với người đàn ông ngoại quốc hơn chị cô mấy chục tuổi bất thành. Nên biết lúc này, cô phải đưa chị về, để thực hiện những gì mà chị đã hứa với mẹ Thiết trước lúc lâm chung. Biết đâu khi biết được điều này, Thiết sẽ giác ngộ mà tin vào lời của Thiên Chúa... Mà người kể quên không đính chính, cô gái mà Thiết gặp sau khi mãn hạn tù không phải Nên. Cô gái ấy tên Miền. Người em song sinh với Nên đã thất lạc suốt bao năm, nay mới tìm được.

 

 

 

Mã số: 17-166

MỘT NẺO ĐƯỜNG

Nhìn Thập Giá ngất cao, Giêsu chịu treo. Con gẫm suy, sao Chúa yêu con làm chi. Kìa trên Thiên Quốc, cõi phúc vinh quang nào thiếu đâu, mà đến đây chung cùng chia sẻ kiếp người.”

Bài hát của Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã đánh động tâm hồn nó. Đưa nó vào một bước ngoặc mới, một ngả rẽ quan trọng trong cuộc đời. Nó đi tu Dòng Mến Thánh Giá.

Cho đến hôm nay, lời đó vẫn luôn vang vọng trong nó. Chỉ khác là nó đã phần nào trả lời được câu hỏi đó rồi. Mỗi ngày nó càng hiểu về Giêsu hơn, yêu Ngài hơn và muốn giống Ngài hơn.

Nhớ ngày nào, khi còn là một cô bé vô tư, hồn nhiên của năm cuối phổ thông trung học, tương lai đang hứa hẹn, vẫy gọi. Nó có ước mơ trở thành một nhà giáo gương mẫu. Từ nhỏ nó đã được bao bọc trong tình yêu bao la của ba mẹ, bà con nội ngoại. Lớn lên nó đón nhận sự chăm sóc của người thân, bạn bè, sự dạy dỗ của thầy cô… Nó nhìn đời với đôi mắt màu hồng. Cuộc sống thật tươi đẹp. Và cái tuổi bắt đầu biết yêu, nó muốn chọn cho mình một người lý tưởng để trao gởi cuộc đời. Thế nhưng không hiểu sao, Chúa Giêsu đã lôi cuốn nó, hấp dẫn nó một cách lạ kỳ. Từ bỏ mọi thứ, nó bước theo Ngài trong tiếng gọi của tình yêu cao cả.

Ơn gọi của nó bắt đầu khi có các soeurs Mến Thánh Giá về giúp giáo xứ của nó. Một giáo xứ vùng quê, xa xôi hẻo lánh. Nó và các bạn trang lứa chỉ biết có cha xứ đã già, ngài gắn bó với giáo xứ nó đã 25 năm rồi. Cha rất hiền lành, đạo đức. Cha nhiệt tình lo cho giáo dân, cũng hay bảo tụi nó đi tu, nhưng nó không hiểu đi tu là gì, và để làm gì?

Từ khi có Soeur giúp, Giáo xứ nó đã thay đổi rất nhiều. Các soeur dạy giáo lý thật hấp dẫn, dọn nhà thờ sạch sẽ và cắm hoa thật đẹp, Soeur còn tập hát cho ca đoàn nhỏ bọn nó nữa. Rồi làm Canh thức Giáng Sinh, dâng hoa Đức Mẹ tháng 5, và tháng 10. Các soeurs tổ chức gia đình ơn gọi trong giáo xứ gồm các bạn từ lớp 6 đến 12. Nó đang học lớp 12, là một trong những anh chị lớn của nhóm. Hay được làm việc với các soeurs, vất vả nhưng rất vui. Vừa học, vừa phụ việc gia đình lại vừa giúp soeur làm việc nhà xứ, nó phải tranh thủ lắm. Nhưng nhờ đó nó thấy mình lớn hơn rất nhiều.

- Soeur ơi, sao lúc nào con thấy Soeur cũng vui vẻ, bình an? Nó hỏi Soeur nhất trong cộng đoàn.

- Vì Soeurs là người của Chúa mà.

- Sao các Soeurs làm được nhiều việc đến vậy, Soeurs nào cũng giỏi cả?

- Vì Chúa làm mọi việc qua các Soeurs con à.

- Làm thế nào để con cũng được như Soeur?

- Con đi tu đi, để phục Chúa và giáo hội của Ngài.

Lúc đó, nó chưa hiểu lắm phục vụ là gì, nó nghĩ đơn giản là sẽ có thể làm nhiều việc để giúp đỡ người khác như chính nó và giáo xứ đang được các soeurs giúp vậy.

Và điều kỳ diệu đã đến trong đời nó. Khi nó vừa thi đại học xong, Dòng các Soeurs có tổ chức tĩnh tâm cho dự tu tại Đà Lạt, nó và 3 đứa bạn cùng lớp đã tham dự. Những ngày ở bên Chúa thật ý nghĩa. Nó đã nghe tiếng Chúa mời gọi mình và quyết định bước theo Ngài. Ba người bạn của nó còn chần chừ và nói là để học đại học xong đã, còn nó thì quyết định xin ba má nhập dòng.

Mỗi lần nhớ lại cái thuở ban đầu ấy luôn làm nó luôn bồi hồi xao xuyến.

Nó còn nhớ rất rõ, đợt ấy, khi dự tĩnh tâm về, nó đã thưa với gia đình”

- Thưa Ba má, xin cho con đi vào Nhà dòng các soeur.

- Sao lại đi tu? Ba nó ngạc nhiên hỏi. Chớ không phải là con sẽ học đại học rồi giúp Ba má nuôi các em sao? Ba má đã lo cho con nhiều rồi, nhà chúng ta cũng khổ, sao con quyết định nông nổi vậy?

Còn má nó thì nói:

- Đi tu không dễ đâu con, lại dòng Mến Thánh Giá nữa chứ, mới nghe má đã sợ rồi.

- Có gì đâu mà sợ, Má thấy các soeurs các ở giáo xứ mình như thế nào?

- Ờ thì, các soeurs rất tốt, làm được nhiều chuyện cho giáo xứ... nhưng mà...

- Thì con cũng muốn được như vậy đó. Con muốn sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

 Dù nó ra sức thuyết phục, Ba má nó vẫn không đồng ý. Từ nhỏ đến giờ, Hình như nó chưa bị ba má từ chối điều gì, nó luôn tự hào mình là một chị hai gương mẫu của 2 đứa em. Ba má luôn an tâm về nó. Nó lại không muốn làm Ba má buồn. Nó tâm sự với Chúa thật nhiều. Nói với Ngài về chuyện nó đi tu có phải là trốn trách trách nhiệm với gia đình, là bất hiếu không....

Các soeurs bảo nó cứ cầu nguyện, nếu Chúa muốn thì không điều gì Ngài không làm được.

Đang không biết phải làm sao cho Ba má chấp thuận thì đùng một cái, má nó bị đột quỵ phải đi cấp cứu. Má nó có bệnh cao huyết áp gần 2 năm nay rồi, vẫn phải uống thuốc mỗi ngày. Hôm qua, trong lúc bà đưa rau ra chợ bán thì cảm thấy trong người mệt và bị té ngay tại chợ. Bà con xung quanh đã kịp thời đưa vào trạm y tế xã cấp cứu và chuyển xuống bệnh viện tỉnh.

Giờ thì nó không còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện đi tu nữa. Nó và cả gia đình chỉ cầu nguyện cho má được mau khỏi bệnh thôi. Bác sĩ nói, có thể Bà sẽ bị liệt một bên trái.

Sao có thể như vậy được, má nó mới có 45 tuổi mà. Nếu má nằm một chỗ thì ai lo cho gia đình nó đây. Ba nó chỉ phụ má chở rau bán thôi. Ba nó bị suy tim, không làm được việc nặng. Đời sống gia đình nó chỉ trông vào việc bán rau của má và một ít đất trong vườn nhà, vậy mà....

Những ngày nuôi má tại bệnh viện thật vất vả, ba nó phải chạy vạy khắp nơi, mượn hết nhà bà con để có tiền lo cho má. Nó liên tục cầu xin Chúa và Mẹ Maria cứu má nó. Nó hứa với Chúa là, nếu Chúa nhậm lời, con sẽ đi theo Chúa để phục vụ Ngài. Nó cũng nói ý định này cho Ba nó. Ba nó cũng đồng ý, nhìn ông tiều tụy hẵn làm nó cũng rất thương.

Thế là Chúa đã nhậm lời nó xin, Má nó dần hồi phục, không bị liệt, nhưng cơ thể rất yếu vì suy nhược. Bà con hàng xóm và cộng đoàn các Soeurs đã đi thăm và chia sẻ cho gia đình nó rất nhiều. Nó đón nhận với một lòng biết ơn sâu xa. Gia đình nó tại sao được mọi người yêu thương như vậy?

Một tháng từ lúc má nó nằm viện, sáng hôm ấy, Bác sĩ điều trị đến thăm bệnh và nói với nó.

- Má cháu đã hồi phục rồi, thật là nhanh, chúc mừng gia đình, ngày mai bà có thể xuất viện.

- Cháu cảm ơn bác sĩ ạ.

Thế là má nó đã được Chúa chữa lành và nó được thực hiện lời hứa với Chúa, cũng là ước mơ của nó. Ba má nó đồng ý cho nó vào Dòng. Thời gian đầu, nó lo cho gia đình lắm, nhưng mọi sự Chúa an bài thật tuyệt vời. Má nó mạnh khỏe và đi bán trở lại. Gia đình nó hiện tại không giàu có nhưng cũng tạm ổn.

 Từ đó đến nay đã gần mười lăm năm, khoảng thời gian tương đối dài, biết bao chuyện đã xảy ra, vui có, buồn có, tiếng cười hòa lẫn nước mắt. Con bé hồn nhiên ngày nào giờ đã là một ma sơ. Nó được Nhà dòng điều đến cộng đoàn ở giáo phận Kontum, được giúp người dân tộc, nhất là các em bé trong làng, nó vui lắm. Dù công việc đòi phải hy sinh nhiều nhưng nó tìm thấy ý nghĩa của đời tận hiến là đem tình yêu Chúa đến với những nơi, những người nghèo khó, để họ cũng được nhận lãnh ơn Cứu độ.

 Nhìn lại đoạn đường đã đi qua cũng không ít sóng gió lao đao. Có những lúc nó thấy mình dường như quỵ ngã, phải bỏ cuộc. Đó là những khi gặp thất bại trong đời mục vụ, là khi nó phải đối diện với những ghanh tị, hiểu lầm trong đời sống cộng đoàn. Đây là điều làm nó thất vọng nhất. Bởi vì nó nghĩ, cuộc đời hầu như nơi đâu cũng là chiến trường, phải đấu tranh mới tồn tại, trừ ở nhà tu. Nhưng giờ nó mới nhận ra, đời tu cũng vậy thôi vì cũng đều là những con người có giới hạn. Tu là tập từ bỏ mình mỗi ngày.

Cũng may là những lúc nó bị khủng hoảng trong ơn gọi như thế, nó được Cha Linh hướng chỉ dẫn và chị giáo đồng hành. Và nhất là có Mẹ Maria là người mà nó luôn tâm sự và chia sẻ. Mẹ như người mẹ thứ hai của nó. Mọi sự nó đều dâng cho Mẹ và nhờ Mẹ giải quyết. Mẹ Maria là quan thầy của nó, Mẹ lại thương nó đặc biệt hơn khi nó chọn đời hiến dâng. Theo năm tháng nó hiểu cuộc đời hơn. Nó thấm hơn Linh đạo Thập Giá mà nó đang bước theo.

  Mỗi lần về nghỉ hè, má nó vẫn thường hỏi. – Tu khổ không con? Không phải vì má mà con đi tu đó chứ? Nếu khổ quá thì con về nhà mình đi, chắc Chúa không chấp đâu, Sao má thấy con dạo này ốm hơn, má lo quá.

- Má khéo lo, con đâu có chịu khổ một mình đâu, còn có chồng con là Chúa Giêsu mà. Con đã khấn trọn rồi mà má cứ xúi dại không à,- Nó vừa nói vừa đưa nhẫn cho má xem.

Đời tu hay ở ngoài cũng vậy thôi, mỗi con đường đều có niềm vui và nổi khổ, hạnh phúc và đau thương. Nhưng quan trọng là mình biết mình đang sống với ai, sống để làm gì thì sẽ biết điều chỉnh đời sống mình như thế nào. Đây là điều nó chiêm nghiệm được trong cuộc sống và thế là nó cảm thấy bình an.

Những khi gặp thử thách, đau khổ, nó cầu nguyện với Chúa rất nhiều trong giờ Viếng Thánh Thể, giờ Thiêng Liêng, nó thầm hỏi Chúa: Có phải là Ngài muốn nó tiếp tục bước đi không? Sao nó thấy phía trước rất mờ nhạt, tương lai không rõ ràng gì, và bước đường tiếp tới sẽ ra sao? Nhưng Chúa không trả lời, chỉ trong lòng nó thấy rằng mình cứ bước đi trong an bình và tín thác vì không có lý do gì phải dừng lại cả. Chúa Giêsu luôn đồng hành cùng nó và bồng nó trên cánh tay của Ngài. Chúa luôn yêu thương bao bọc chở che nó. Nó cảm thấy Chúa yêu Nó rất nhiều, mặc dù tình yêu của nó dành cho Ngài thì vẫn còn nhỏ bé lắm. Nhất là những lúc gặp khó khăn thì tình yêu Chúa vẫn lớn hơn rất nhiều.

Thế là nó vui vẻ tiếp bước. Hiện tại vẫn còn có nhiều cánh tay mở ra với Nó. Tương lai Nó xin phó thác cho Chúa. Nó chỉ xin mỗi ngày được yêu Chúa hơn và yêu mọi người hơn. Ước mong trên hành trình hiến dâng Chúa Giêsu luôn nắm chặt tay Nó, để dầu bao khó khăn, bao gian nan thử thách, nó vẫn có thể vượt qua và trung thành với Chúa mãi mãi.

“Giêsu, Giêsu! con muốn yêu Ngài tha thiết. Ôi Giêsu, Giêsu! Tình Chúa xiết bao diệu kỳ. Giêsu Giêsu! vì sao Ngài hy sinh chết? Chết treo khổ đau, thập giá ngất cao chiều nao.”

Giờ thì nó đã xác tín, vì yêu nó và yêu nhân loại mà Chúa Giêsu đã chết trên Thánh Giá. Nó nguyện suốt đời đền đáp ân tình cao sâu này.

 

 

Mã số: 17-167

TRỞ THÀNH ĐÔI TAY CHO MẸ

Đêm đã về khuya, đường phố im lìm. Thỉnh thoảng mới nghe những tiếng xe từ đâu vọng tới, gầm rú rồi tan dần trong không trung. Quân vẫn trằn trọc không sao chợp mắt. Trời trở lạnh, những cơn gió tràn vào mang theo cái lạnh cuối thu, mảnh chăn mỏng dính không ngăn nổi những cơn gió ào ào luồn vào da thịt. Suốt cả tuần nay, mưa lúc nào cũng rả rích, nước đọng thành từng vũng trên mảnh sân loang lổ rêu phong, càng làm cho khu trại đã ẩm thấp lại càng ẩm thấp thêm. Quân cuộn tấm chăn mỏng vào người co tròn lại như con sâu, hai mắt vẫn nhắm tịt cố ý dỗ giấc ngủ.

Ở phía cuối cùng của phòng trại, chú Minh vẫn ngồi nghiêm chỉnh trên giường, tay vân vê những sợi dây thắt lại từng nút tròn, miệng lâm râm cái gì đó, không rõ. Nhưng từng cử động của Quân chú đều nghe thấy, biết Quân lạnh nên không ngủ được, chú lặng lẽ cầm chiếc mền mỏng của mình qua đắp cho Quân. Thấy có người đụng vào mình, Quân mở mắt ra nhìn, bóng chú Minh đã đi đến cuối phòng. Có thêm chiếc mền nữa Quân thấy ấm hẳn lên, lẽ ra Quân phải ngủ ngon hơn mới phải. Nhưng không hiểu sao, từ lúc có thêm tấm mền của chú Minh, Quân càng tỉnh táo hơn. Không ngủ được, Quân nằm suy nghĩ mông lung. Những cử chỉ và thái độ của Minh làm cho Quân phải suy nghĩ và chú ý.

- Chú ấy là ai mà sao khác người thế? Càng cố tình hành hạ, chú càng đối xử tốt với mình? Lạ, sao lại có người khác thường thế không biết.

Nhớ cái đêm chú được dẫn vào trại, chưa gì Quân đã tặng cho chú một trận đòn nhừ tử như thể cảnh cáo “đừng đụng vào ông kẻo nhừ đòn”. Những ngày kế tiếp, Quân càng tỏ ra hách dịch: hạch sách cái này, chê bai cái nọ. Nếu Minh làm không đúng ý sẽ được thưởng những trận đòn vô cớ. Bữa cơm đạm bạc trong tù ăn không đủ no, những lính mới như chú đương nhiên sẽ bị giành giật. Những ngày đầu, phần ăn của chú thường chỉ để cầm hơi. Chú thường xuyên phải đi xách nước rửa nhà vệ sinh. Vào trong tù, Minh không những bị cai tù hạch sách, bắt bẻ đủ chuyện mà ngay cả những bạn tù với nhau cũng làm khó Minh. Nhưng có một điều làm cho Quân và các bạn tù phải thắc mắc: sao chú không phản kháng lại như những người tù khác mà cứ âm thầm chịu nhục và làm các công việc hèn hạ ấy như thể đấy là bổn phận của mình vậy. Không những thế, chú còn tỏ ra rất vui vẻ, ai cần gì chú vẫn tận tình giúp đỡ. Có hôm thằng Hân lên cơn sốt, chú thức cả đêm để chườm cho nó. Nhất là, mỗi lần gia đình đến thăm nuôi, chú phát hết quà cáp cho mọi người, chẳng giữ lại gì. Giờ có mảnh chăn mỏng chú cũng nhường cho mình. Tự nhiên Quân thấy khóe mắt cay cay và tự trách mình “tại sao cùng tù với nhau mà mình không thương nhau, còn làm khổ nhau”.

Quân chợt nhớ đến cái đêm đầu tiên khi chú bị Quân và đồng bọn đánh, có một vật gì trong túi áo văng ra, chú vội vàng cúi xuống nhặt thì bị chiếc giầy của thằng Hân giẫm lên. Chú thà để cho chiếc giày của nó nện lên bàn tay mình chứ nhất định không để cho nó đạp lên tấm hình ấy. Mãi đến lúc những ngón tay của chú bầm tím, hắn mới chịu nhấc chân ra. Thấy lạ, Quân liếc nhìn xem tấm hình đó là gì, có phải người yêu không mà chú bảo vệ dữ thế, thà chịu đau chứ không để cho tấm hình bị chà đạp dơ bẩn. Nhưng không, chỉ là một bức tượng của một phụ nữ nào đó bị cụt tay được chụp lại, phía dưới có một dòng chữ viết nắn nót “con phải trở thành đôi tay cho Mẹ bằng cách nào”?

- Tấm hình ấy là gì mà sao chú trân trọng thế? Cả cái câu này hình như mình đã nghe ở đâu rồi thì phải? Quân vẫn nằm, hai tay vắt lên trán lẩm bẩm.

 Hình ảnh của bức tượng bị cụt tay mà Quân đã gặp trong cái đêm bị bắt tự nhiên xuất hiện, nhất là câu nói “hãy cho Ta mượn đôi tay của con, để thay Ta trao ban tình thương cho mọi người” vang lên trong lòng. Quân giật mình nhớ lại: Hôm đó, Quân được giao nhiệm vụ đóng giả làm người lỡ đường xin tá túc qua đêm tại một nhà xứ ở Kon Plong để tiện thăm dò. Trong khi đó, đồng bọn sẽ phục kích ở ngoài, nếu thành công Quân sẽ báo cho tụi nó đột nhập. Dù đơn giản nhưng Quân vẫn thấy sợ khi đụng chạm đến những nơi linh thánh. Bí quá tụi Quân mới phải mò vào những nơi như vậy vì ở làng ai cũng cảnh giác, không thể làm ăn gì được mà cơn nghiện mỗi ngày lại mau hơn. Không có thuốc, tụi Quân không chịu nổi. Vì là người lương dân nên Quân được giao cho nhiệm vụ này để cha sở và ông từ khỏi biết mặt. Nhưng Quân vẫn sợ bị bà con giáo dân phát hiện, nên không dám đi trong làng mà phải vòng qua bìa rừng. Không hiểu sao đang đi, vấp phải hòn đá to bên đường, bò dậy Quân chửi đổng:

- Đồ chó chết, có mắt không mà không tránh ông? Có biết ông là ai không hả?

Cú ngã mạnh làm cho hai đầu gối bầm tím. Quân ngồi lên cục đá vừa vấp để xoa bóp chân. Bỗng một tiếng nói từ đâu vọng lại: “Hãy cho Ta mượn đôi tay của con”. Giọng nói thật ấm áp, ngọt ngào. Giật mình, Quân đứng bật dậy nhìn bốn phía, không thấy ai. “Kỳ, không có người mà lại có tiếng”. Quân vừa nói, vừa ngồi xuống tiếp tục xoa bóp chân. Được một lúc, đang định đứng dậy đi thì một lần nữa, giọng nói hồi nãy lại vang lên:

- Hãy cho Ta mượn đôi tay của con.

- Ai, là ai đang nói?

Xung quanh yên ắng, không có động tĩnh gì, Quân bắt đầu thấy run “Người hay ma”? Quân chưa bao giờ gặp ma, nhưng nghe người ta nói, hôm nay tự nhiên thấy da gà bắt đầu nổi. “À, hay là bà già? Lẽ nào bà biết được âm mưu của tụi mình”? Hai mắt đỏ ngầu, Quân nhìn chằm chằm về phía sau quát “Bà muốn gì? Bà không mau cút về đừng có trách tôi”. Tưởng là mẹ mình nên Quân dọa nạt, nhưng lần thứ ba, vẫn cái giọng trong trẻo, ngọt ngào ấy vang lên, lại còn gọi đích danh nữa:

- Quân! Hãy cho Ta mượn đôi tay của con, Ta cần con, hãy là đôi tay của Ta để thay Ta trao ban tình thương cho mọi người.

Lần này thì Quân thấy run thật, “chắc chắn đây không phải bà già, giọng bà già đâu có ấm áp, ngọt ngào như thế. Nhưng ai mà lại gọi đích danh mình”? Nhìn xung quanh vẫn không thấy một bóng người. “Hay là ma thật”? Định co giò chạy, nhưng không hiểu sao Quân lấy hết can đảm, mạnh dạn hỏi:

- Bà là ai? Nếu thật là người gọi tôi thì ra đây cho tôi xem mặt.

- Ta là Maria, con quay lại năm bước nữa, Ta đang ở đây.- Quân làm theo như lời bà nói mà vẫn không nhìn thấy bóng dáng người đang nói với mình ở đâu.

- Tôi đến rồi đây.

- Con quay mặt sang bên phải.- Quân làm theo bà, tự nhiên gai ốc nổi lên khi nhìn thấy một bức tượng bị cụt tay.

- Bà là người vừa nói với tôi?

- Đúng, là Ta.

- Bà muốn gì?

- Còn nhiều người đang đói, không phải đói cơm bánh mà đói tình thương, con hãy cho Ta mượn đôi tay của con và thay Ta trao ban tình thương cho họ.

- Không, bà là ai mà tôi phải làm việc cho bà, bà tính trả lương cho tôi bao nhiêu? Liệu bà có cung cấp cho tôi hút chích thoải mái không?

- Ta sẽ ban cho con những ơn cần thiết để con có thể thi hành công việc Ta sẽ trao cho con.

- Sao bà không nhờ người khác, lại nhờ tôi?

- Bởi vì Ta tin tưởng con.

- Bà nhầm rồi, tôi có gì bảo đảm mà tin tôi, đến mẹ ruột tôi còn không tin tôi nữa là, một thằng trộm cắp, nghiện ngập như tôi. Giao tiền cho tôi, bà không sợ tôi chạy trốn sao?

- Con ở đâu Ta cũng tìm được, vì đôi mắt Ta luôn dõi theo con. Ta tin vào thiện chí của con.

- Bà đừng mơ, chỉ là một bức tượng cụt tay mà dám ra oai, làm cho ông sợ muốn chết. Mẹ kiếp, hôm nay là ngày gì mà toàn gặp xui xẻo.

Quân hậm hực bỏ đi. Đêm đó, nhóm Quân thực hiện cuộc đột kích ở nhà xứ, nhưng ông từ phát hiện kịp thời. Ông luống cuống chạy ra kéo chuông. Nghe tiếng chuông lạ, bà con giáo xứ ùn ùn kéo đến, họ đã vây bắt và tóm gọn cả nhóm. Sau đó giao cho công an, những vụ mất cắp trước kia được phanh phui hết, những ai cung cấp thuốc và cả những nơi chứa chấp đều được khai báo. Sau khi bắt giữ, họ nghi ngờ vụ “cướp của giết người” ở căn biệt thự mới xảy ra cũng do nhóm này, nên tội của Quân và nhóm càng nặng hơn.

- Bà này là người bên Công giáo hay đi khấn vái. Bà ấy và bà trong bức hình của chú Minh có giống nhau không? Lẽ nào bà ấy giúp chú Minh trở thành người khác thường như thế?

Không chờ đến sáng, Quân đi tới giường chú Minh. Minh vẫn còn thức, đang ngồi nghiêm trang trên giường, tay vẫn còn vân vê sợi dây được thắt lại từng nút tròn. Lần này Quân không tỏ ra hách dịch như mọi ngày, giọng nói đầy kính trọng, Quân hỏi:

- Chú cho cháu xem bức hình của chú chút được không?

- Cậu chưa ngủ hả? Hình nào?

- Bức hình gì mà hôm bữa rớt xuống, thằng Hân giẫm lên đó chú.

- À, bức ảnh Đức Mẹ. Cậu cũng là người có đạo hả?

- Dạ không, nhưng trước khi bị bắt, có một bức tượng cụt tay ở ngoài bìa rừng nói với cháu câu “hãy cho Ta mượn đôi tay của con để thay Ta trao ban tình thương cho những ai đang thiếu tình thương”. Cháu thấy hơi giống câu chú viết sau bức ảnh.

- Có phải bức tượng Đức Mẹ Măng Đen ở Đắc Long không?

- Cháu không biết tên bức tượng ấy, trời tối cháu cũng không nhìn kỹ, chỉ nhìn thấy bức tượng cụt tay đứng chơ vơ giữa rừng của xã Đắc Long.

Minh vội vàng rút bức ảnh Đức Mẹ Măng Đen ra khỏi túi áo đưa cho Quân, vừa nhìn Quân giật thót tim.

- Có phải bức này không?

- Đúng là bà cụt tay này rồi, bà ấy cũng nói với chú câu ấy?

- Không, chỉ là cảm nhận từ tâm hồn tôi, lúc ấy bị công an truy bắt, tôi đã tìm đến mảnh đất Kon Tum này ẩn trú. Không ngờ gặp tượng Đức Mẹ Măng Đen với đôi tay cụt, đứng lặng lẽ ở nơi rừng rú một mình, không hiểu sao tôi thấy xúc động. Hình ảnh tuổi thơ ùa về, những ngày đầu tháng hoa, bọn thiếu nhi chúng tôi, cả trai cả gái đều được dâng hoa kính Đức Mẹ. Các anh chị giáo lý viên còn phát động phong trào “đội nào dâng hoa đều, đẹp sẽ được thưởng một chuyến hành hương Đức Mẹ La Mã ở Bến Tre”. Được nghe nhiều kỳ tích về bức ảnh ấy nên chúng tôi náo nức, đứa nào cũng cố gắng đi tập đều đặn. Ấy thế mà khi lớn lên tôi lại bỏ Chúa, bỏ Mẹ... Minh nghẹn ngào, một lúc sau mới nói tiếp. Những ngày ẩn núp, tôi thường ngồi bên tượng Mẹ và tự hỏi “tại sao Mẹ bị cụt tay? Rồi tôi lại nghe như Mẹ đang nói với mình “con hãy là đôi tay cho Mẹ, hãy thay Mẹ trao ban tình thương cho những ai đang thiếu tình thương”. Tôi cũng không hiểu động lực nào thúc đẩy để tôi quyết định ra đầu thú tất cả những lầm lỗi của mình. Trước tiên, tôi thú tội với Chúa qua vị linh mục, và ngay ngày hôm đó tôi cũng thú tội trước pháp luật. Cậu biết ngày hôm đó là ngày gì không? Ngày 13/10. Hôm đó, gia đình tôi vui tràn nước mắt. Mẹ tôi bảo “con cứ an tâm, vì con tự nguyện ra đầu thú chắc chắn tội sẽ giảm đi”. Tôi không dám nghĩ tội của mình trước pháp luật có được giảm không. Nhưng chắc chắn trước mặt Chúa, tôi đã sạch tội, vì lòng thương xót của Ngài lớn hơn tội lỗi của con người. Nên tâm hồn tôi đã thấy bình an trở lại, những cơn ác mộng không còn đeo đuổi và rình rập tôi như trước kia. Tôi cũng tự hứa với lòng mình: từ nay tôi sẽ trở thành đôi tay cho Mẹ, bất kể tôi sống ở môi trường nào. Nhưng mỗi lần gặp những khó khăn, thử thách: bị đánh đập, bị hành hạ, bị tước mất những quyền căn bản của con người tôi lại tự hỏi “Con sẽ trở thành đôi tay cho Mẹ bằng cách nào”. Những lúc đó, tôi thường nghe tiếng nói từ trong tâm hồn vang lên qua lời kinh hòa bình: xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an…xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con gieo yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm...Và tôi đã cố gắng thực hiện những điều này vì tôi nghĩ đó là điều Mẹ mong muốn nhất.

- Chú nói ngày 13/10 là ngày gì mà nó quan trọng thế ạ?

- À, ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối cho ba em ở làng Fatima thuộc nước Bồ Đào Nha, đối với niềm tin của chúng tôi, ngày đó là ngày đặc biệt và có nhiều ý nghĩa lắm. Tôi nghe kể: vào ngày 13/10/1917 Mẹ hiện ra lần cuối cùng và trao cho con cái Mẹ ba nhiệm vụ quan trọng: ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi. Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra rồi, hy vọng ngày đó tôi và cậu được về bên tượng Mẹ Măng Đen để tạ ơn Mẹ. Vì bức tượng đó nguyên mẫu cũng là Mẹ Fatiam, cái tên Măng Đen là tên bản thượng của dân tộc thiểu số.

- Hi hi, mấy vụ này cháu dốt lắm. Có phải vì hưởng ứng lời mời gọi hoán cải của Mẹ mà chú đang cố gắng đền tội bằng cách làm việc thiện và siêng năng lần hạt?

- Minh cươi hiền, rút trong túi áo một sợi dây mà Minh vẫn mân mê từng đêm ra khoe với Quân: đây là sợi dây tôi bện thành cỗ chuỗi Mân Côi, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường mang ra lần hạt và thấy gần gũi Đức Mẹ lắm cậu ạ, tôi cảm nhận như Mẹ cùng đồng hành với tôi trong mọi công việc tôi làm, nên những công việc tưởng nặng nề đều trở nên nhẹ nhàng. Tôi nghĩ chắc là Đức Mẹ đã giúp tôi cải đổi đời sống để quay về với Chúa.

- Hjj, và Đức Mẹ muốn chú trở thành đôi tay cho Đức Mẹ nữa, đúng không? Chú làm cho cháu một dây giống chú nhé.

- Ok, nhưng phải để tôi kiếm sợi dây dù thắt lại mới đẹp. Vừa nói, Minh vừa chỉ cho Quân xem: cứ mười nốt như thế này thì tôi lại thắt một nút to hơn để đánh dấu đó là mười kinh. Trong cỗ chuỗi này cả thảy có năm mươi kinh và phía đưới tôi bện thành cây thánh giá.

- Nó có ý nghĩa gì không chú?

- Tôi không có hiểu lắm, nhưng một điều chắc chắn là: dù mình đọc kinh ca tụng Đức Mẹ nhưng sự ca tụng ấy phải được quy về Chúa Kitô qua hình cây thánh giá ở mỗi cỗ chuỗi.

- Ồ, nhìn dễ thương lắm chú ạ. Chú khéo tay ghê. Nhưng mà chú nhớ dậy cho cháu đọc kinh với nhé.

- Tôi chỉ nhớ lần chuỗi thôi, nếu cậu muốn lần chuỗi với tôi thì từ ngày mai cậu ra ngoài gốc cây me mình lần chuỗi chung.

- Vâng, cháu cảm ơn chú nhiều lắm.

Quân trở về giường, lập lại câu hỏi trong bức hình chú Minh đưa: “con sẽ trở thành đôi tay cho Mẹ bằng cách nào”? Và Quân nghe như có tiếng trả lời, “hãy thể hiện tình thương cho những ai đang thiếu tình thương, như chú Minh đã thể hiện với con”. Quân nhắm mắt lại, nhưng đôi môi vẫn mỉm cười hạnh phúc.

 

 

Mã số: 17-168

NGỌN ĐÈN CHẦU

- 1 -

Cuối thu. Những cơn gió heo may se lạnh đã len vào khắp các hang cùng ngõ hẻm, khiến cho lòng người cảm thấy quạnh hiu và muốn kiếm tìm hơi ấm.

Chiều hôm ấy, Nhà Thờ Lớn Hà Nội đang chìm trong sự tĩnh lặng dưới ánh sáng mờ mờ từ những ô cửa sổ rọi vào. Mới hai giờ chiều, lại là ngày thường, nên ngôi giáo đường chỉ có duy nhất một người con gái đang thổn thức.

Vi ngồi trong một góc, khẽ tựa vào một trong những chiếc cột, nước mắt chan hòa. Vừa cố nén tiếng khóc, cô vừa hướng mắt lên Cung Thánh, nơi có Nhà Tạm và hai ngọn đèn chầu lập loè yếu ớt, không đủ để chiếu sáng cho không gian xung quanh, nhưng cũng đủ sưởi ấm trái tim cô.

“Thà rằng tao bóp chết mày ngay từ khi mới sinh!”

Những lời nói của mẹ vẫn còn vang vang trong đầu. Trái tim Vi như bị ai bóp nghẹt.

Vi mới được đón nhận các bí tích Khai Tâm cách đây hai năm, nhưng đã phải chịu những cơn thử thách đức tin. Là người đầu tiên trong gia đình dòng họ được biết Chúa, nên cô quyết định sẽ theo Đạo một cách kín đáo để khỏi lụy phiền những người trong gia đình. Nhưng… như ai đó đã nói: “Người ta có thể giấu được mọi thứ, trừ say rượu và đang yêu”, cô đang yêu Đức Kitô nên cũng chẳng giấu được gia đình.

Ở cái xã hội mà Vi đang sống, những người Kitô giáo đều bị coi như công dân hạng hai. Từ khi gia đình biết cô theo Đạo thì bỗng thay đổi cách đổi xử với cô, coi cô như một kẻ tâm thần.

– Con khùng này, ông bà tổ tiên thì không thờ, lại thờ ông tây mắt xanh mũi lõ.

– Chúa Giêsu không phải là người phương Tây mà là người Israel, ở Trung Đông! – Vi giải thích.

– Mày dám cãi tao à?

Bốp! Vi lãnh trọn một cái tát nảy đom đóm mắt từ người họ hàng. Câu chuyện Vi theo Đạo được mẹ cô kể với những người họ hàng. Ai cũng sừng sộ phản đối cô. Họ lôi cô ra để dè bỉu, lôi đức tin của cô ra làm trò đùa.

– Thiên Chúa tạo ra mọi loài thế sao Chúa Giêsu lại được sinh ra bởi bà Maria?

– Thiên Chúa có ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha tạo dựng muôn loài, Chúa Con là Chúa Giêsu được Đức Mẹ thụ thai nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

– Sao lắm Chúa thế?

– Một Đức Chúa Trời, nhưng có ba ngôi.

– Chúa tạo dựng muôn loài thì Chúa từ đâu ra?

– Chúa là Đấng tự có, và có trước muôn đời.

– Mày điên rồi, Vi ạ!

Mọi người phá lên cười và chế nhạo Vi. Họ cho rằng Vi bị tâm thần. Thỉnh thoảng vẫn như thế, họ đặt câu hỏi cho Vi trả lời, rồi cười vào mặt cô. Nhưng thường xuyên là họ gán ghép những việc cô đi nhà thờ với những điều bậy bạ. Nghe những điều ấy, cô chỉ biết cố gắng giữ thái độ bình thản để rồi hàng đêm, cô lại dâng Đức Mẹ những lời kinh Mân Côi trong nước mắt.

“Thà rằng tao bóp chết mày ngay từ khi mới sinh!”

Mẹ Vi đã mắng con gái duy nhất của mình như thế khi bà thấy nó không chịu nghe lời mình. Từ trước tới nay, gia đình nhà bà có ai theo đạo Chúa đâu, mà giờ con gái bà lại như vậy. Hơn nữa, theo bà, đó là “một thứ tôn giáo ngoại lai”. Bà đã từng dành cả buổi ngồi giải thích cho con gái, rằng người Việt thì chỉ có thờ ông bà tổ tiên thôi, nhưng nó không chịu nghe. Nó lại còn bảo đó là quyền tự do của nó. Ôi, con với cái. Bà giận nó, và nhiều khi bà mong chẳng có nó trên đời.

Là một người mẹ đơn thân, bà chắt chiu nuôi con khi bị người yêu phụ bạc. Vậy mà giờ nó lại dám cãi lại mẹ. Bà mắng chửi nó đủ điều. Bà dùng roi quật cho nó một trận thâm tím mình mẩy. Nhưng không ăn thua. Nó vẫn cắn răng chịu đựng. Bà nhốt nó ở nhà vào Thứ Bảy và Chúa Nhật để ngăn nó đi lễ, thì nó âm thầm đọc kinh trong phòng. Bà tịch thu chìa khóa xe, định bắt nó đi bộ đi học thì nó đi xe buýt hoặc nhờ bạn qua chở đi.

Trong mắt mẹ, Vi là đứa con ngang bướng, không nghe lời mẹ. Còn trong mắt bạn bè đồng đạo, Vi là người tân tòng can đảm và mạnh mẽ. Nhưng đối với chính mình, Vi chỉ dám tự nhận mình chỉ là một người lữ lành mỏi mệt trên con đường đức tin. Người ta thì bước đi theo Chúa, còn Vi thì chẳng bước nổi mà nhoài người lết từng chút một…

Vi buồn vì mẹ không hiểu mình, thì mẹ Vi cũng buồn vì con gái không hiểu mình. Mối bất hòa dai dẳng và khó lòng tháo gỡ.

- 2 -

Sau khi khóc cho thỏa nỗi lòng, Vi ngồi cầu nguyện trong thinh lặng. Cô vẫn thích cách cầu nguyện như vậy, bởi cô cho rằng khi ở trước nhan Chúa, nói một lời cũng là thừa và nói ngàn lời cũng vẫn thiếu. Khoảng thời gian như thế này đối với Vi là một khoảng lặng bình yên.

Thời gian chầm chậm trôi qua… ngôi giáo đường dần dần thêm đông người.

Lúc chuẩn bị ra về, thì bỗng Vi thấy có người ngồi phía sau vỗ nhẹ vào vai.

– Em ơi. Cho anh hỏi trên kia có phải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không?– Chàng trai trẻ ngồi phía sau thì thào, đồng thời nhoài người, chống tay và cằm lên thành ghế phía trước.

– Ủa? Anh không phải là người Công giáo sao?– Vi ngạc nhiên.

– Không. Anh là người Tin Lành. Hôm nay tan làm sớm nên ghé qua đây chơi.

– Anh hỏi về mấy bức tượng trên Cung Thánh kia phải không?

– Chính giữa kia là ông thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Ngài đang bế Chúa Hài Đồng đó, anh thấy không. Ông cầm chìa khóa là thánh Phêrô, còn ông cầm thanh gươm là thánh Phaolô. Hai vị tông đồ này được coi là trụ cột của Hội Thánh Công giáo.

– Ồ. Hóa ra là mấy vị đó. Người Công giáo kỳ thật đấy. Chúa bảo chỉ được thờ phượng một mình Ngài mà lại thờ cả ngẫu tượng.

– Sao anh nói vậy?

– Thì tạc tượng rồi đặt trên kia còn gì!

– Đó không phải thờ phượng, mà là tôn kính. Anh yêu mến người nào thì có giữ hình ảnh của họ để ngắm nghía không? Nếu những hình ảnh ấy nhắc anh nhớ về họ và thắt chặt thêm mối dây liên hệ giữa anh và họ thì người Công giáo dùng ảnh tượng cũng với mục đích ấy. Những vị thánh như thánh Giuse, thánh Phêrô, thánh Phaolô và Đức Maria đã có công rất lớn vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nên họ đáng được tôn kính. Và nhờ học tập những mẫu gương ấy, người Công giáo thờ phượng Thiên Chúa một cách sốt sắng hơn.

– Ồ. Ra vậy. Tìm hiểu bên Công giáo khá là thú vị. Nhưng mà anh hỏi này, sao bên Công giáo lại rửa tội cho trẻ con ngay từ khi nó mới sinh? Lẽ ra nên đợi nó lớn rồi tự quyết định có theo Chúa hay không chứ? Bên Tin Lành thì không làm phép Báptêm cho trẻ nhỏ, vì chúng chưa biết thế nào là tội lỗi và chưa đủ nhận thức để hiểu về công trình cứu chuộc của Chúa Giêxu.

Nghe vậy, Vi phì cười. Cô kể cho người anh em Tin Lành nghe rằng cô không sinh ra trong một gia đình Công giáo, nhưng nhờ ơn Đức Mẹ mà cô được biết Chúa Giêsu và mới được rửa tội được hai năm. Đó là một câu chuyện dài, nhưng cô cố gắng kể thật vắn tắt.

– Em đã phải trải qua một chặng đường rất dài mới tìm được Chúa Giêsu. Sau này em có con, em sẽ mang nó đến nhà thờ để rửa tội, mà chẳng cần phải hỏi ý kiến nó làm gì. Vì em đã dành điều tốt nhất cho nó rồi. Các bậc phụ huynh đưa con mình đi học mà đâu cần hỏi ý kiến con mình? Chúng còn quá nhỏ, có hiểu được việc học sẽ có ích với chúng thế nào đâu, phải không? Lớn nên chúng sẽ hiểu.

– Ừm… Cũng không phải là không có lý.– Người thanh niên Tin Lành trầm ngâm.– Em mới theo Công giáo mới mấy năm mà biết nhiều thật đấy. Thật đáng ngưỡng mộ.

– Có gì đâu. Em chỉ học hỏi ở những người xung quanh thôi.– Vi cười.

– Lát nữa có lễ hả em?

– Vâng.

– Mấy giờ vậy?

– Ngày thường là 6h15.

– Vậy là một tiếng nữa.– Anh ta nhìn đồng hồ.– Lát anh ở lại dự lễ luôn xem sao. Người Tin Lành dự lễ của người Công giáo không sao chứ?

– Không sao. Hihi… Nhưng anh nhớ nè. Trong Thánh Lễ có nghi thức làm phép bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Sau đó thì vị linh mục chủ tế sẽ chia bánh đó cho mọi người. Anh là người Tin Lành thì ngồi yên nhé. Vì nghi thức này chỉ dành cho người Công giáo.

– Vậy hả? OK, anh sẽ ghi nhớ điều này.

– Anh ở lại dự thánh lễ nhé, em phải về rồi. Em định về trước lúc anh gọi đấy.

– Ủa em không ở lại lễ à?

– Em có việc phải về mà. Chào anh.

– Khoan đã. Cho anh nick Facebook được không?

- 3 -

Tối hôm đó, hai người trẻ lên Facebook nói chuyện. Vi tự giới thiệu mình học năm thứ 3 Đại học Ngoại Thương. Người đó giới thiệu mình tên Tuấn, tốt nghiệp Bách Khoa, hiện đang làm cho một công ty máy tính tư nhân. Có lẽ một phần vì cùng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô nên họ khá hợp chuyện.

Từ đó, cứ mỗi tối, họ lại gặp nhau qua màn hình máy tính nhấp nháy, chia sẻ những cảm nhiệm bản thân về đức tin và những xúc cảm về cuộc sống. Thỉnh thoảng, Tuấn lại theo Vi tham dự thánh lễ ở Nhà Thờ Lớn, Vi cũng theo Tuấn đi dự lễ thờ phượng ở nhà thờ Tin Lành Hàng Da – họ chỉ có thể gặp nhau ngày thường, bởi vì Vi bị nhốt nhà vào thứ Bảy và Chúa Nhật. Khi tới nhà thờ Công Giáo, Tuấn ngỡ ngàng bao nhiêu thì khi tới nhà thờ Tin Lành, Vi lại ngạc nhiên bấy nhiêu. Điều làm Vi ngưỡng mộ nhất ở những người Tin Lành mà cô gặp là sự sốt sắng trong cầu nguyện và hăng say trong truyền giáo của họ.

Những lần gặp nhau, Vi và Tuấn chỉ có đi nhà thờ và uống trà chanh chứ chưa bao giờ đi chơi đâu khác. Vi rất chịu khó quan sát và học hỏi, lại thường xuyên trao đổi với cha linh hướng của mình, nên cô rất vững về giáo lý và thường chiến thắng Tuấn trong các cuộc tranh luận.

Thường xuyên mang theo chuỗi Mân Côi bên người, nên Vi rủ Tuấn lần chuỗi. Lúc đầu, Tuấn dứt khoát không chịu đọc Kinh Kính Mừng.

– Không. Bên anh đâu có thờ bà Mary.

– Thì Công Giáo cũng đâu có thờ Đức Maria đâu, em đã nói với anh nhiều lần rồi. Nghe nè. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà.” chẳng phải đó là lời Thiên Thần Gabriel chào Đức Maria trong Kinh Thánh đó sao?

– Ừ, phải rồi.– Tuấn gật gù.

– “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” chẳng phải đó là lời chúc của thân mẫu ông Gioan Tẩy Giả dành cho Đức Maria đó sao?

– Không sai.

– “Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.” chẳng phải là Đấng Cứu Thế được thụ thai trong cung lòng Đức Maria đó sao?

– Ờ há. Đưa cuốn sách đó anh coi nào… “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” Ừm… Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời, thì Ngài cũng là Chúa Trời. Vậy nói như này cũng chẳng sai. Còn Thánh thì là bậc đáng kính và là mẫu gương để cho con cái Chúa noi theo phải không?

– Anh hiểu ra vấn đề rồi đó. Nói tiếp phần sau xem nào.

– “… cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử…” Chúng ta là những tội nhân thì đúng rồi. Nhưng mà… Ủa, sao lại xin bà ấy cầu nguyện cho mình? Cầu nguyện thẳng với Chúa không phải hay hơn sao?

– Nè, bên Tin Lành của anh không có cầu nguyện cho nhau hay sao?

– Có. Nhưng mà… như này kỳ quá.

– Kỳ gì chứ. Em thấy chẳng kỳ gì hết á. Anh xin xỏ bố mẹ anh điều gì đó mà thấy khó khăn thì anh có nhờ ông bà anh hay ai đó nói giùm không nào?

– Ờ…

– Mà không chỉ có thế, Đức Maria thấy điều gì hữu ích cho chúng ta thì sẽ cầu xin điều ấy cho chúng ta, chứ không có nuông chiều quá mức đâu nha.

– Ừ…

– Nè, chịu lần chuỗi cùng em chưa? Tôn vinh Đức Mẹ là đẹp lòng Chúa Giêsu đó. Thân Mẫu của Ngài mà lại. Em mà yêu mến mẹ anh thì anh có vui không?

– Rồi rồi. Anh thua em rồi. Lần thì lần. Hehe…

Cuối cùng thì Tuấn cũng chịu cùng Vi lần chuỗi, chẳng biết vì bị thuyết phục hay vì muốn chiều lòng cô. Nhưng cứ đều đặn, hôm nào theo Vi đi lễ thì Tuấn lại cùng Vi đọc hết chuỗi năm chục.

Ngày tháng cứ thế êm đềm trôi. Dần dần, Vi và Tuấn cảm mến nhau lúc nào không hay. Nhưng chưa ai dám nói.

Một buổi chiều, hai người trẻ đi lễ ở Nhà Thờ Lớn. Họ cố tình đi thật sớm để lần chuỗi. Sau năm chục kinh, Vi quay sang Tuấn, hỏi nhỏ:

– Này, hôm đầu tiên tham dự thánh lễ ở nhà thờ Công Giáo về anh cảm thấy thế nào?

– Chả cảm thấy gì.

– Chả cảm thấy gì là sao?

– Ờ thì anh chẳng cảm thấy gì hết, vì mải tương tư.

– Tương tư ai?

– Nhắm mắt vào, rồi anh nói cho.

– Nhắm thì nhắm. Sợ gì…

Tuấn cầm chiếc smartphone của mình lên. Hình nền đang là một bức ảnh của Vi mà Tuấn đã tải xuống từ Facebook của cô.

– Mở mắt ra xem đi. Anh tương tư cô gái ngang bướng này nè.– Tuấn giơ chiếc điện thoại trước mặt Vi.

– Ơ…

– Anh yêu em. – Tuấn thầm thì rất khẽ bên tai Vi.

– Ghét cái mặt. Ai lại tỏ tình ngay trong sân nhà thờ thế này.– Vi đỏ mặt, rồi dùng cùi chỏ huých Tuấn một nhát.

– Đây là Nhà Chúa, Chúa sẽ ban phước cho tình yêu của hai đứa mình.

– Xí, ai thèm yêu anh.

– Thật là không yêu không? Nói dối là Chúa phạt đó nha!

– Ghét!

Vi đỏ mặt, đứng dậy đi vào nhà thờ trước, quên cả lấy lại chuỗi Mân Côi của mình ở trên tay Tuấn. Đó là một chuỗi Mân Côi màu đỏ, thoang thoảng mùi hương hoa hồng.

- 4 -

Thời gian trôi qua. Hình như Tuấn bị “nhiễm” lòng yêu mến Đức Mẹ của Vi. Anh được Vi tặng một chuỗi Mân Côi bằng gỗ và một cuốn sách Kinh Mân Côi. Chuỗi màu đỏ thì Vi nói là quà kỷ niệm của một ma-sơ, nên không thể tặng Tuấn được. Những khi cầu nguyện một mình ở nhà, anh đều lần chuỗi một mình. Dù vẫn là một người Tin Lành, nhưng ngày nào không dâng Đức Mẹ đủ năm chục kinh là anh thấy bứt rứt không yên.

– Vi này. Anh muốn trở thành người Công Giáo như em.

– Cái gì? – Vi sững sờ, suýt nữa làm đổ cốc trà chanh.

– Thì anh nói đó, anh muốn trở thành người Công giáo như em.

– Ủa, có lý do gì đặc biệt không? Muốn cưới em rồi hả?– Vi đùa.

– Anh yêu mến Đức Mẹ quá rồi.

– Anh chắc không đó? Làm người Tin Lành thì anh vẫn có thể yêu mến Đức Mẹ được đó thôi.

– Em không giúp thì thôi, anh về đây.

– Ơ kìa đừng giận, em trêu anh thôi mà. Nào đứng dậy, cùng em tới nhà thờ Thái Hà. Nhanh!

Tuấn đã chịu phép Báptêm, nên anh chỉ cần học một khóa giáo lý dự tòng rồi lãnh nhận bí tích Thêm Sức là anh sẽ chính thức trở thành người Công Giáo. Mấy tháng sau, anh đã được toại nguyện. Anh nhận thánh Giuse Cupertino làm quan thầy.

– Sao anh chọn ông thánh này? – Vi hỏi.

– Vì ông ấy đơn sơ, dễ thương. Haha…

– Dễ nhầm với thánh Giuse – bạn trăm năm Đức Maria lắm đó.

– Kệ chứ. Mình thích thì mình chọn thôi. Haha…

Từ đó, Tuấn còn sốt sắng lần chuỗi hơn cả Vi. Còn Vi, bằng khả năng của mình, cô giúp Tuấn trau dồi thêm giáo lý, vì đây là việc phải học cả đời.

Thời gian cứ thế êm đềm trôi. Khi Vi vừa bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp thì Tuấn biến mất. Anh khóa Facebook, tắt điện thoại và trả phòng nhà trọ. Sau gần một tháng không liên lạc được với Tuấn, Vi thẫn thờ tới nhà thờ Thái Hà để gặp cha linh hướng của mình. Khi gặp Vi, cha giật mình khi thấy vẻ mặt xanh xao hốc hác của cô.

– Vi. Sao con ra nông nỗi này chứ? – Vị linh mục không giấu nổi nỗi xót xa.

– Cha ơi. Anh ấy bỏ con đi rồi. – Vi mếu máo.

– Nhưng sao con lại ra nông nỗi này?

– Cha biết lý do rồi mà. – Vi òa khóc.

– Cha biết… nhưng…

– Nhưng sao cha?

– Tuấn đã đến tìm cha. Nó xin cha giúp một số việc và dặn cha đưa cho con lá thư này khi con đến tìm gặp cha.

Vị linh mục đưa cho Vi một chiếc phong bì trắng dán kín. Chỉ có 1 dòng đề tên người nhận ngắn gọn: “Gửi Vi” – là nét chữ gầy gầy xương xương của Tuấn. Vi run run xé phong bì và mở lá thư ra đọc.

Vi, người con gái mà anh yêu thương!

Mong em thứ lỗi cho anh vì không thể gặp em trực tiếp mà phải nương nhờ những dòng chữ khô khan này. Anh chẳng biết nhờ ai ngoài cha Hải – để chuyển lá thư này cho em. Cha cũng là người linh hướng cho anh suốt thời gian qua. Em đừng trách gì cha. Anh nài nỉ mãi, cha mới nhận lời và giúp anh giữ bí mật.

Tạ ơn Chúa vì đã Ngài mang em đến với anh, cho anh được sống những tháng ngày hoa mộng. Cảm ơn em vì đã truyền cho anh lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria và sự say mê lần chuỗi để tôn vinh Mẹ. Cảm ơn em vì đã đưa anh trở lại Công Giáo và hướng dẫn anh thật nhiều điều.

Thời gian qua anh đã suy nghĩ rất nhiều, khao khát ấy trong anh cứ ngày một lớn, và theo anh vào trong cả những giấc mơ. Đó là khao khát sống đời Thánh Hiến để thuộc trọn vẹn về Chúa Giêsu Kitô và Đức Mẹ. Đó là khao khát được trở thành một linh mục để mang Tin Mừng của Chúa đến với mọi người.

Khi em đọc được những dòng này thì anh đang ở trong Sài Gòn và tìm hiểu ơn gọi dòng Đa Minh. Dù thế nào đi nữa, thì hình ảnh em vẫn nguyên vẹn trong trái tim anh.

Một lần nữa, mong em thứ lỗi cho anh vì không thể nắm tay em đi hết cuộc đời.

Tuấn.

Đọc xong, Vi như người mất hồn. Cô đứng dậy, quên cả chào cha, rồi cứ thế ngơ ngẩn đi ngang qua sân để bước vào trong nhà thờ. Cô lại chọn cho mình một chỗ ngồi trong góc sát tường. Trên gian Cung Thánh, ngọn đèn chầu vẫn lập lòe cháy bên Nhà Tạm. Ánh sáng ấy tuy yếu ớt, nhưng bền bỉ và không bao giờ tắt.


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả