ÁNH SAO BÊN PHƯƠNG ĐÔNG

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 5

 

Nhờ quan sát và điều chỉnh trong ống nghiệm, ta có thể biết phải làm gì ngay từ đầu để loại trừ các mầm bệnh, tạo sức đề kháng cao và sức phát triển mạnh, hiểu được chuyện đang xảy ra cho nơi khác, khám phá kịp thời những vấn đề và đề xuất cho nhà nông những giải pháp tốt nhất.

NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG CÁC ĐẠO SĨ

Trong số những vị dắt nhau đến với Lòng Chúa Thương Xót được  nhắc đến trong loạt bài này, một số vị được tôi tạm gán cho tên gọi theo thứ tự trước sau. Bà Cả và bà Hai ở cách xa Tp. Quy Nhơn khoảng 90km, còn bốn vị khác thuộc phạm vi Tp. Quy Nhơn. Cụ cao niên nhất 83 tuổi. Đây là một nhóm cư sĩ Phật giáo phái Nguyên thủy Theravada. Vị thứ bảy hoàn toàn mới, chưa phải là cư sĩ.

Sau lễ rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh 2019, bà Hai đã tham gia các thánh lễ Chúa nhật đều đặn. Thế nhưng rồi chỉ mới hai tháng đã có dấu hiệu lơi dần. Được hỏi tại sao, bà đáp:

- Gì đâu mà cứ xía vào chuyện ăn chay của tôi mãi! Hết người này tới người kia thay nhau hỏi: Sao theo Chúa rồi mà cứ ăn chay? Rồi đọc kinh gì mà nhanh quá sức, tôi ở nhà cầu nguyện thấy gần Chúa hơn.

Chuyện này không mới. Ngay từ buổi đầu, hôm tôi giới thiệu bà Cả và bà Hai với một chị trưởng Legio, sau nửa giờ nói chuyện với hai người đang học giáo lý dự tòng, chị trưởng  khoe:

- Con đã khuyên hai chị đừng ăn chay và đừng mặc đồ lam nữa.

Tôi giật mình, vội can thiệp ngay:

- Đúng. Khi đến nhà thờ dự lễ các chị nên mặc áo dài trắng, đừng mặc áo tràng. Còn ở nhà, các chị muốn mặc sao cũng được. Còn việc ăn chay, bản thân tôi cũng đã từng có một thời gian dài ăn chay trường. Ngày nay người ta xem đó là một phương pháp dinh dưỡng tốt, hơn nữa, nó làm cho mình có sự hiền hòa và nhân ái…

Hai cư sĩ dự tòng thở phào nhẹ nhõm.

Họ phải vượt gần 90km mới đến Tòa Giám mục. Tôi tập trung vào việc hệ thống hóa những điều họ đã hiểu và đã kinh nghiệm rồi soi sáng thêm. Việc lãnh các bí tích gia nhập Kitô giáo được ấn định vào đêm Vọng Phục sinh. Họ về Tòa Giám mục từ sáng Thứ Năm Tuần Thánh để chuẩn bị: học giáo lý, cầu nguyện và tham dự phụng vụ. Khi nghe cắt nghĩa Kinh thánh, họ ứa lệ rồi thổn thức sụt sùi ngay trước mặt tôi.

Sáng Thứ Bảy, tôi hỏi cảm tưởng về lễ đêm Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh. Bà Cả đáp:

- Tối thứ Năm Đức Cha làm lễ rất ‘hoành tráng’. Đoàn rước, cả các chú giúp lễ rất trang nghiêm. Đức Cha rửa chân cho môn đồ rất cảm động Chỉ có một điều không bằng chiều Thứ Sáu…

- Điều gì ạ?

- Hôm đó có những thiếu nữ và cả người lớn mặc áo sát nách, cả váy cộc và quần cụt… Họ không đáp ứng đúng sự trân trọng của Đức Cha, chưa nói là thiếu thành kính với Chúa… Còn hôm qua đây đa số chị em mặc áo dài đồng phục, chỉ có một số em nhỏ mặc cũn cỡn. Chúng con nghĩ mình nhắc họ mặc áo dài hết thì nghiêm trang mà đẹp lắm.

- Khi tôi thăm các chùa ở Thái Lan, người ta yêu cầu những phụ nữ mặc áo ngắn tay hoặc váy ngắn trên đầu gối đừng vào trong chùa. Ai muốn vào thì phải khoác áo chùng của nhà chùa cho mượn, mới được vào.

- Bao nhiêu năm qua, chúng con giữ được lòng thanh tịnh cũng là nhờ mặc bộ đồ tu… Mình mặc đồ đời thì lòng trần nó sống dậy, đủ thứ tham, sân, si…

Giữa cái Tòa Giám mục Qui Nhơn mực thước từ bao đời, mấy tháng nay thỉnh thoảng lại thấp thoáng bóng nâu sồng, bóng áo lam, cùng dùng bữa với các soeurs nhưng lại theo thực đơn chay… Tôi từ chối đưa hình ảnh này lên mạng internet để khỏi làm cớ cho người này kẻ kia “comment” vô bổ, gây hiểu lầm. Tuy nhiên có một điều đáng cho cả Phật tử và Kitô hữu cùng suy nghĩ: Chính lòng Thương xót nơi các bài giảng đã lôi cuốn tấm lòng Từ bi của những bậc quy y đến với Đấng Thương Xót.

Thực đơn chay không chỉ nhằm có lợi cho sức khỏe mà còn biểu hiện tấm lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của muôn loài. Nếu đúng đó là ngôi sao dẫn đưa những đạo sĩ ngày nay đến với Đấng Cứu Thế (x. Mt 2,2), thì sẽ không chỉ có nhóm nhỏ cư sĩ ở trạm thí nghiệm của tôi, mà sẽ là hàng vạn, hàng vạn, nhưng phải chăng khi bước chân họ vừa chạm cổng thành Giêrusalem, ánh sao liền vụt tắt?

Đêm Vọng Phục sinh, khi ăn tối tại nhà xứ Huỳnh Kim, hai người sắp được rửa tội và người học viên dự thính chỉ có thể rón rén gắp mấy cọng rau. Cha xứ vội chạy đi rót một chén xì dầu.

Sau thánh lễ, cha xứ có bữa “ăn khuya” khoản đãi hai tân tín hữu tương đối thịnh soạn. Không rõ hữu ý hay vô tình, mọi món ăn tên bàn đều bằng thịt cá. Tôi vội xông xuống bếp nhà xứ, lôi một nải chuối sắp lên chiếc dĩa lớn, thêm mấy cái bánh ít lá gai và mấy thứ bánh ngọt khác:

- Cha sở ơi, xin cho phép con đãi hai con chiên mới của Chúa mấy món họ Thích mà họ rất thích.

Thưa quý Cha, quý Dì trong Tiểu ban Đối thoại Liên tôn ở Tổng Giáo phận Sài Gòn, nếu quý vị có giải thưởng nào cổ võ phong trào, xin đừng quên con đấy nhé! Chao ôi, tại sao con muỗi lại cứ tìm cách đẩy lùi con lạc đà cho bằng được? Phải hihi hay phải hichic đây?

Không rõ chị bếp nhà xứ không biết hai tín hữu mới là những người ăn chay trường hay chị ấy có thiện ý muốn để họ tập “ăn mạng” cho quen. Tôi linh cảm rằng chuyện “ăn” và “mặc” sẽ là một trở ngại không nhỏ khi họ hòa nhập vào đời sống Hội thánh.

CẦN NHỮNG NGƯỜI BIẾT ĐỒNG HÀNH

Có thể rồi ánh sao cũng lại xuất hiện để an ủi các cư sĩ ngày nay như đã an ủi các đạo sĩ ngày xưa. Thế nhưng bản thân tôi không được phép lặp lại vết xe đổ ghi trong sử sách. Tôi phải đồng hành với các cư sĩ và tìm thêm cho họ đủ số người đồng hành biết cảm thông với họ… Bạn đang nghe tôi đấy chứ? Hỡi người bạn đang đọc những dòng này! Chúa Giêsu có thể tín nhiệm mời bạn góp phần đồng hành với họ không nhỉ?

Và xin hãy giúp giới thiệu chương trình đồng hành này với những người sẵn có một mẫu số chung nhỏ nhất với các đạo sĩ ngày nay: Các cư sĩ trong Hội thánh Công giáo. Chỉ cần giúp các anh chị em này hiểu đúng chiều sâu nơi những thực hành khổ chế của các cư sĩ ngoài Kitô giáo và trân trọng những tập tục ấy…

Bạn trố mắt: “Trong Hội thánh Công giáo làm gì có cư sĩ?”

- Thưa có và có rất nhiều đấy. Đó là các anh chị Phan Sinh tại thế, Cát Minh tại thế, Mến Thánh Giá tại thế, huynh đoàn Đa Minh, hiệp tác viên Salesian, gia đình tận hiến Mẹ Chúa Cứu Chuộc và cả các hội viên các tu hội đời, vv…  Cư sĩ không gì khác hơn là những anh chị em tu tại gia theo cùng một đường lối với các tu sĩ ở chùa, ở dòng, ở đan viện… Tôi không đề nghị các bạn ăn chay trường, chỉ xin các bạn mỗi ngày Thứ Sáu hằng tuần nhớ tránh cả thịt lẫn cá để tăng niềm đồng cảm với những anh chị em đã đi cả một đời trên lộ trình của lòng Thương xót.

Ngày nay tại Việt Nam chưa có các linh mục cũng như các tu sĩ của Lòng Chúa Thương Xót nhưng mầm mống các cư sĩ Lòng Chúa Thương Xót đã hiện diện hầu như khắp mọi giáo xứ. Tôi gọi là mầm mống, bởi vì họ đã khởi đầu rất tốt với việc nguyện kinh kính Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ nghiệm ra rằng họ có một mẫu số chung với đám đông cư sĩ đang tìm kiếm chân lý: Lòng Thương xót. Lòng Thương xót đã thấm đậm tâm hồn họ qua kinh nghiệm dinh dưỡng chỉ bằng rau, củ, quả, tránh hẳn những gì gây đau khổ cho chúng sinh, dù là những chúng sinh không đồng loại với con người… Xin đừng ngạc nhiên về chuyện thương xót những chúng sinh không đồng loại với con người! Xin đừng quên rằng trong Hội thánh Công giáo, có một vị Thánh Cả còn đi xa hơn thế, đã sống tình huynh đệ cả với khoáng chất vô cơ, đã gọi nước, lửa, mây, gió, mặt trời, mặt trăng là anh em, chị em, và trái đất là mẹ, là chị… Đó là vị Thánh bổn mạng của môi trường: Thánh Phanxicô Nghèo.

Như Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bạn khao khát yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Ngài được yêu mến. Thật chứ? Nếu là thật, thì bạn cần chia sẻ với những tâm hồn thiện chí ấy cùng một kinh nghiệm tuyệt vời: Kinh nghiệm về Lòng Thương xót.

Bài sau chúng ta sẽ bàn tiếp: Cuộc đua của Lòng Thương xót.

 

 

 

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo