HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BÀI 7: CÂU LẠC BỘ BA GIỜ CHIỀU

Trước kia, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ kính nhớ việc Chúa chịu chết hầu như ở đâu cũng cử hành đúng ba giờ chiều. Thời khắc thánh đưa lòng người tín hữu vào trầm tư và kính mến. Khi ngỏ lời với Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại ước muốn được chúng ta tưởng niệm đúng vào lúc ba giờ chiều, giờ Chúa trút hơi thở cuối cùng để chuộc tội nhân loại.

Khi ngỏ lời với Thánh nữ Brigitta, Chúa cũng đã thốt lên nỗi muộn phiền trước sự hững hờ của của các tín hữu, cách riêng là của những người thánh hiến: “Này Trái tim Ta yêu dấu loài người quá bội mà loài người vô cùng tệ bạc, lại còn ngạo mạn khinh dể”. Việc tôn thờ Lòng Chúa Thương Xót, cách riêng là việc tưởng niệm lúc ba giờ chiều, chính là để đền bù những hững hờ và xúc phạm.

1. Giờ thương xót vô biên

44Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 45Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. 46Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Nói xong, Ngài tắt thở (Lc 23,44-46).

Ba giờ chiều. Đó là giờ của Lòng Thương Xót.

Đầu tháng 10 năm 1937, tại Cracow, nước Ba Lan, Chúa Giêsu đã mời chị thánh Faustina hãy tôn vinh giờ chết của Ngài: “Vào lúc ba giờ chiều, con hãy khẩn nài Lòng Thương Xót của Ta, đặc biệt cho các tội nhân; chớ gì con hãy dùng một giây lát ngắn ngủi để dìm mình vào cuộc Thương Khó, nhất là nỗi đớn đau chịu ruồng rẫy trong cơn hấp hối của Ta. Đây là giờ thương xót vô biên cho toàn thế giới. Ta sẽ cho con chia sẻ nỗi sầu muộn đến chết của Ta. Trong giờ này, linh hồn nào nhân vì cuộc Thương Khó của Ta mà kêu xin, Ta sẽ không khước từ họ bất cứ điều gì...” (NK, số 1320).

Đầu tháng 2 năm 1938, “... mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Ta để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Ta cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng bao dung được mở ra cho mọi linh hồn. Con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện; đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới, Lòng Thương Xót vượt thắng phép công thẳng.

Hỡi ái nữ của Ta, con hãy cố gắng hết sức - miễn là bổn phận cho phép - để suy ngắm Đường Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đường Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầy lân tuất của Ta; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi. Ta đòi mọi thụ tạo phải có lòng tôn sùng Lòng Thương Xót của Ta, nhưng trước tiên phải là con, vì con đã được Ta cho hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm này (NK, số 1572).

2. Tưởng niệm để tôn vinh

Linh mục giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1. Phải thưa lên với Chúa Giêsu.

2. Phải được đọc vào lúc ba giờ chiều.

3. Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện; đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới - Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Thánh Gioan gọi việc trút hơi thở cuối cùng của Chúa Giêsu là “phó thác Thần Khí” cho Chúa Cha và cũng là “trao tặng Thần Khí” cho chúng ta (Ga 19,30). Theo thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê 2,8-9, chính lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá cũng là lúc Ngài được tôn vinh.

Đó cũng là ý nghĩa của lời nguyện tắt: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê su, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Khi lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót, ta đọc lời nguyện tắt ấy để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu chuộc duy nhất của nhân loại, “hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13,8), “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Sau khi Chúa tắt thở, “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Nơi bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Giêsu mặc áo chùng trắng của linh mục, từ ngực Ngài, những tia máu và nước tuôn trào như nguồn suối ánh sáng của Đấng Phục sinh. Như thế, việc tôn kính ảnh Lòng Chúa Thương Xót cũng là một sự tôn vinh Chúa.

Ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót càng nổi rõ sự tôn vinh hơn vì được cử hành vào Chúa nhật 2 Phục sinh, cuối tuần 8 ngày mừng Chúa Phục sinh.

3. Ba giờ chiều trong tầm nhìn đời đời

Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều, nhiều nhóm người quy tụ tại nhà thờ hoặc tại tư gia để cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót. Đây là những nhóm tự phát, không ràng buộc, không phân biệt nam nữ, già trẻ, liên kết với cả các bệnh nhân đau lâu ốm dài và cũng có những ngày cầu nguyện tại nhà các bệnh nhân. Nó linh động hơn cả sinh hoạt Câu lạc bộ. Người trưởng nhóm chỉ đóng vai một người liên lạc, phân công người xướng kinh, thông báo khi có người xin cầu nguyện, khi cần cầu nguyện tại tang gia, tại nhà người đau ốm. Người xướng kinh sẽ nhắc mọi người mở lòng ra với Lòng Chúa Thương Xót không chỉ để xin ơn, mà còn để tín thác cũng như để thực hành lòng thương xót và các nhân đức khác; cũng nhắc nhở hiệp thông với mọi người trên thế giới đang cầu nguyện Lòng Thương Xót trong lúc ấy. Nếu có điều kiện, nhóm cũng có thể kể lại cho nhau nghe những ơn mình và người khác nhận được do Lòng Chúa Thương Xót. Cũng có thể tùy nghi đóng góp phổ biến ấn phẩm, mua máy nghe bài giảng tặng các bệnh nhân.

Bạn hãy cài điện thoại báo thức vào lúc 15g00. Đó là giờ của Lòng Chúa Thương Xót. Nghe báo hiệu, bạn hãy dừng công việc, dành 60 giây thinh lặng cảm tạ lòng thương xót của Thiên Chúa và đọc lời nguyện tắt của chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót. Nhớ lời Chúa hứa với Thánh nữ Faustina, bạn hãy cầu nguyện với tất cả lòng tin. Hãy đến với Lòng Chúa Thương Xót, rồi bạn sẽ nghiệm ra rằng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27). Khi ta dành thời giờ cầu nguyện, Chúa sẽ cứu ta khỏi những tầm nhìn vặt vãnh, tạm bợ, “ăn xổi ở thì” và ban cho ta tầm nhìn đời đời, tầm nhìn của Chúa.

Ta hãy rủ nhau và rủ mọi người bày tỏ sự đồng tâm nhất trí vào lúc ấy. Khi đồng hồ điểm ba giờ chiều, dù đang ở trong phòng riêng, tại sở làm, trên đường phố, trên xe, trên tàu, ta hãy cùng dừng lại một phút, nếu được, hãy quỳ gối, cùng hiệp thông sâu xa với mọi người thiện chí trong Dân tộc, đặt Thiên Chúa vào trung tâm lòng mình và trung tâm của xã hội, khẩn cầu lòng Thương xót của Thiên Chúa những ơn lớn lao nhất cho bản thân, cho gia đình, Dân tộc, Giáo hội và Nhân loại. Đây là giờ của lòng Thương xót, giờ của ơn cứu độ, đặc biệt là để cầu nguyện cho người tội lỗi và vô tín được ơn hoán cải. Công trạng của bạn, của tôi, của mọi người và của các vị Thánh tiền bối, và cả bao nhiêu vị thánh đương thời khắp nơi trên thế giới cộng lại đi nữa cũng chẳng thể cứu rỗi được một linh hồn, cho nên chúng ta không cậy dựa vào những công đức nhân loại ấy, chỉ dựa vào công trạng duy nhất của Con Một Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Chính nhờ gắn liền với Đầu là Chúa Kitô, lời nguyện của toàn thân thể Hội thánh hữu hình và vô hình sẽ được Thiên Chúa đoái nhậm. Bạn hãy mời gọi anh chị em đồng đạo và cả anh chị em lương dân cùng cầu nguyện như thế.

Đang chạy xe máy hay lái xe hơi, nghe đồng hồ điểm ba giờ chiều, không thể quỳ gối, bạn vẫn có thể thì thầm thưa với Chúa rằng bạn đang hiệp thông với mọi người trong một ý nguyện. Nếu bạn và nhiều người khác trong giáo xứ không có điện thoại di động, hãy xin cha xứ vui lòng cho giật ba tiếng chuông báo hiệu để mọi người cùng cầu nguyện. Vào đúng ba giờ chiều mỗi ngày, chúng ta hãy dành một phút hướng lòng lên Thiên Chúa. Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ kết nối tất cả. Sinh lực của Chúa Cứu Thế Giêsu sẽ đỡ nâng tất cả.

Xin mời xem tiếp bài 8: Chút men và vết dầu loang.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Bảng chữ tắt:

Cv: Sách Công Vụ Tông Đồ trong Tân ước.

Ga: Sách Gioan trong Tân ước.

Hr: Thư Híp-ri trong Tân ước.

Lc: Sách Lu-ca trong Tân ước.

Mc: Sách Mác-cô trong Tân ước.

Mt: Sách Mát-thêu trong Tân ước.

NK: Nhật ký của Thánh nữ Faustina

Rm: Thư Rô-ma trong Tân ước.

Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo