LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU

(Gio-an 6: 51-58)

         

          Bài giảng về bánh ban sự sống, trước tiên Chúa Giê-su dùng để nói về Lời của Thiên Chúa và đức tin cần thiết cho những ai muốn tiếp nhận Lời, đã được Người chuyển đổi sang chủ đề Thánh Thể.  Quả thực đây là một kết nối tuyệt vời nói lên hình ảnh trọn vẹn của Chúa Giê-su, sự sống Thiên Chúa được thông ban cho nhân loại.  Tin Mừng Gio-an khai triển sự kết nối này trong chủ đề chính yếu:  “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Ở đây, trong diễn từ tại hội đường Ca-phác-na-um, Chúa Giê-su đã cụ thể khẳng định lại chủ đề ấy bằng những lời rõ ràng:  “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống...  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6:51,54).  Vậy Chúa Giê-su, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”, mời gọi ta tiếp nhận Người như thế nào và hứa gì cho ta khi ta tiếp nhận Người?

 

a)  “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”

 

          Có lẽ cần đọc lại tất cả câu truyện phép lạ hóa bánh ra nhiều và những đối thoại giữa Chúa Giê-su và người Do-thái, ta mới hiểu rõ hơn tại sao Chúa Giê-su tuyên bố Người là bánh hằng sống từ trời xuống.  Người Do-thái hãnh diện vì trong quá khứ lịch sử, Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên họ man-na từ trời xuống.  Còn Chúa Giê-su thì muốn dùng chính hình ảnh man-na ấy để mời gọi họ hãy tiếp nhận Người như Man-na Mới được ban cho họ.  Bánh bởi trời trong sa mạc ngày xưa chỉ là hình bóng cho Bánh hằng sống hôm nay.  Sự thay thế là cách diễn tả thần học của sách Tin Mừng.  Trong Mát-thêu, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới thay thế cho ông Mô-sê của Cựu Ước.  Trong Gio-an, Giáo Hội là Vườn nho Mới thay thế cho vườn nho là nhà Ít-ra-en, hoặc Chúa Giê-su là Man-na Mới thay thế cho man-na trong sa mạc.

          Đã thay thế thì cái mới phải tốt đẹp hơn và hoàn hảo hơn cái cũ.  Trong thư Rô-ma chương 5, thánh Phao-lô đã diễn tả rất cảm động việc so sánh và thay thế giữa cuộc tạo dựng cũ với việc tạo dựng mới, giữa A-đam với Chúa Giê-su.  Trong diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giê-su nói lên tính cách hoàn hảo và cần thiết của chính Người.  Người là sự sống của Thiên Chúa, nên ai không lãnh nhận sự sống ấy thì sẽ không được sống đời đời.

          Trước hết Chúa Giê-su đề cập tới nguồn gốc của man-na và bánh trường sinh.  Cả hai đều do Chúa Cha ban cho loài người.  “Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực.”  Còn Chúa Giê-su là “bánh hằng sống từ trời xuống.”  Nhưng mục đích và hiệu quả của hai thứ bánh ấy lại khác nhau một trời một vực.  Bánh bởi trời ban cho dân Chúa trong sa mạc chỉ nhằm mục đích “cứu đói” và duy trì sự sống thể chất.  Nó là dấu chỉ nói lên lòng yêu thương của Thiên Chúa chăm sóc dân riêng Người trong cơn cùng khốn.  Trái lại, bánh trường sinh là chính Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai đến để khi ta lãnh nhận thì sẽ đuợc “sống lại trong ngày sau hết” và được sống đời đời.  Có lẽ ta ít chú ý tới cách Chúa Giê-su phân biệt sự sống lại và sự sống đời đời.  Chúa có ý nói đến việc ta tiếp nhận Người ở đời này và để Người biến đổi cho ta được “sống lại” trong đời sống mới, nhờ đó ta mới được sống vĩnh cửu ở đời sau.

 

b)  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”

 

          Thịt và máu là những yếu tố căn bản của sự sống theo quan niệm Do-thái.  Hơn nữa, người ta còn tin máu chứa đựng linh hồn.  Nếu hiểu như vậy, lời mời gọi của Chúa Giê-su hẳn mang ý nghĩa ta phải lãnh nhận Chúa với toàn diện con người của Người.  Người đã cho ta biết sứ mệnh của Người:  Người tự trời mà xuống để thi hành thánh ý Chúa Cha, tức là đem đến cho ta giáo huấn của Chúa Cha và sự sống.  “Ăn thịt và uống máu” Chúa Giê-su là kiểu nói bí tích để diễn tả việc ta phải tiếp nhận Người như thế nào.  Ta phải để cho Chúa Giê-su toàn diện đi vào tất cả con người của ta, kết hiệp với ta và lưu chuyển sự sống Thiên Chúa của Người sang ta.

          Đó là cách Thiên Chúa ở cùng ta (Emmanuel).  Tin Mừng Mát-thêu nhấn mạnh đến cách Thiên Chúa ở cùng ta qua Chúa Giê-su, Đấng ban Lề Luật yêu thương cho nhân loại.  Mác-cô và Lu-ca thì diễn tả cách Thiên Chúa ở cùng ta qua quyền năng của Người được thể hiện trong Nước Trời và qua lòng thương hải hà của Người được tỏ ra cho toàn thể nhân loại.  Riêng Tin Mừng Gio-an lại đặc biệt khai triển khía cạnh Nhập Thể, trình bày thực tại Thiên Chúa ở cùng ta qua sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Ngôi Lời.  Người đã ở giữa cộng đồng nhân loại, hòa nhập với con người, để thông đạt, cảm nghiệm với con người.  Hoặc nói theo ngôn từ thánh Phao-lô, để “vui với người vui, khóc với kẻ khóc.”  Tuy nhiên, thánh Gio-an còn đưa ta đi xa hơn nữa trong tư tưởng Thiên Chúa ở cùng ta, đó là Bí tích Thánh Thể.  Ngài không trình thuật biến cố Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nhưng thay vào đó, ngài lại cho chúng ta một diễn từ vô cùng phong phú về Bí tích Thánh Thể (Gio-an, chương 6), để giúp ta đi tới tận cùng ý nghĩa của thực tại “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”  Ngài lập đi lập lại nhiều lần câu nói của Chúa Giê-su:  Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống, được sống lại trong ngày sau hết và được sống muôn đời.  Lập lại như thế, ngài muốn nói lên tầm quan trọng của việc tiếp nhận Chúa Giê-su toàn diện.  Nghĩa là nơi tôi phải có một tiến trình Ki-tô hóa đích thực, một tiến trình “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”.  Tư tưởng của Chúa Ki-tô cũng phải là tư tưởng của tôi.  Ý chí của Chúa Ki-tô cũng phải là ý chí của tôi.  Và trái tim của Chúa Ki-tô cũng phải là trái tim của tôi.  Chúa Giê-su “ở lại” với tôi như thế nào qua Bí tích Thánh Thể, thì tôi cũng phải “ở lại” với Người như vậy khi tôi nhận lãnh “Thịt và Máu” Người.  Chúa Giê-su thực sự hiện diện (real presence) với tôi như thế nào, thì tôi cũng phải thực sự hiện diện với Người như vậy.  Chúa Giê-su ở lại với ta “hằng ngày cho đến tận thế”, ta cũng phải ở lại với Người mọi lúc cho đến hơi thở cuối cùng.  Ở lại hoặc hiện diện với Chúa Giê-su như thế chính là đáp lại lời mời gọi của Người:  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.

 

c)  Sự sống luân lưu

 

          Bí tích Thánh Thể thực hiện một cuộc chung sống ba chiều:  Chúa Cha, Chúa Giê-su Thánh Thể và tôi.  Chúa Giê-su đã diễn tả thật đơn sơ về cuộc chung sống này:

“Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi,

tôi sống nhờ Cha thế nào,

thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”

Sự sống từ nguồn sống là Chúa Cha chuyển qua Chúa Con và chảy vào ta.  Hình ảnh này làm ta nhớ tới có lần Chúa Giê-su nói với môn đệ:  “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34).  Nhìn vào sự luân lưu này, ta nhận ra vai trò của Bí tích Thánh Thể là quan trọng tuyệt đối.  Chúa Giê-su Thánh Thể đem Thiên Chúa xuống với ta, đồng thời Người cũng đem ta lên với Thiên Chúa.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su đã được Người nói lên thật rõ ràng:  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Trong cuộc đời Ki-tô hữu, có lẽ tôi chỉ đi lễ Chúa Nhật để giữ luật Giáo Hội, nhưng thực ra không chú trọng mấy vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể.  Vậy tôi phải sửa sai thế nào về điều thiếu sót đó?  Học hỏi thêm về Bí tích Thánh Thể?  Sống Bí tích Thánh Thể?

          Khi lãnh nhận Thánh Thể, tôi tiếp nhận “Chúa Giê-su toàn diện và hiện thực”, hay chỉ là một Chúa Giê-su với ý nghĩa mập mờ, hoặc có khi chỉ đơn thuần là một tấm bánh vô nghĩa?

          Chúa Giê-su phán:  “Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6:45).  Vậy khi tiếp nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, tôi có tiếp nhận giáo huấn của Chúa Cha qua Chúa Giê-su không?  Nói khác đi, tôi có để cho Tin Mừng đi vào cuộc sống tôi không?

          Sự sống luân lưu từ Chúa Cha sang Chúa Giê-su và chảy qua tôi liệu có tràn sang tới anh chị em tôi không?  Tôi có thể hiện “lối sống Thánh Thể” này trong đời sống hằng ngày không?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          có một ngọn đèn dầu gần nhà Tạm,

          ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,

          và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

          Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,

          để đâu đâu cũng thấy ngọn đèn đỏ.

          Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,

          nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,

          nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,

          nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,

          nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,

          nơi các tiệm cho mướn băng video,

          nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...

          Nhưng lạy Chúa, trước hết,

          xin cho đời con là một ngọn đèn,

          xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,

          mời người ta dừng lại, trầm tư,

          và gặp được Chúa.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 105)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

27-5-2005


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà