Chúa Nhật thứ 5 Thường Niên

 (6-2-2005)

Giáo Hội và Kitô hữu phải là muối ướp,

là đèn sáng cho thế giới

 

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Is 58,7-10: (9) Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, (10) nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối.

·   1Cr 2,1-5: (1) Khi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. (4) Chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.

 

·   TIN MỪNG: Mt 5,13-16

Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian

 (13) «Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.  (14) «Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời».

 

CHIA SẺ


Câu hỏi gợi ý:

1.   Thiên Chúa mong đợi gì nơi Giáo Hội, nơi mỗi người chúng ta? Giáo Hội và mỗi người chúng ta đã đáp ứng sự mong đợi của Ngài thế nào?

2.   Giáo Hội có phải là gương mẫu cho thế giới noi theo không? Mỗi người chúng ta có phải là gương sáng trong môi trường mình sống không?

Suy tư gợi ý:

1.   Vật hư không sử dụng được thì chỉ có nước vứt bỏ

Một vật bị hư, không sử dụng được nữa – chẳng hạn cái quạt máy không quay nữa, cây viết không ra mực nữa – thì chỉ có nước đem sửa. Nếu sửa không được thì đành phải vứt vào thùng rác. Khi còn sử dụng vật nào thì ta lo bảo vệ, chăm chút cho nó, khi đã bỏ vào thùng rác rồi thì ta mặc kệ nó, ai đốt, ai phá hủy, ai làm gì nó ta cũng chẳng quan tâm. Đó là chuyện tự nhiên và hợp lý. Còn Thiên Chúa, Ngài hành xử ra sao đối với những thứ vô dụng, bị mất bản chất, không còn sử dụng được nữa?

– Trong «bài ca vườn nho», Isaia (5,1-7) kể chuyện: Bạn ông «có một vườn nho trên sườn đồi màu mỡ». Anh bỏ ra rất nhiều công lao và tiền bạc đầu tư cho nó, «những mong nó sinh trái tốt». Anh nói: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?» Nhưng khốn thay «nó lại sinh toàn nho dại». Tìm hết cách mà vẫn không kết quả gì khá hơn. Vậy thì anh phải làm gì với vườn nho ấy? Anh đã không thèm đoái hoài gì tới nó nữa, mặc cho «bờ tường bị đập đổ», «vườn bị giày xéo», «thửa vườn thành mảnh đất hoang vu», «gai góc mọc um tùm». – Isaia kết luận: «Vườn nho Chúa chăm sóc ấy chính là nhà Ítraen; cây nho Chúa quý chuộng ấy chính là người Do Thái. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than» (Is 5,7).

– Tin Mừng Mátthêu 21,18-19 thuật lại chuyện Đức Giêsu rủa cây vả không ra trái khiến nó bị khô héo ngay. Đang mùa vả mà vả chỉ có cành lá xum xuê chứ không có trái, đánh lừa khách lỡ đường bị đói, thì cây vả ấy đáng bị đốn bỏ. Gioan Tẩy Giả cũng nói: «Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa» (Mt 2,10).

– Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng chủ trương: «Muối mà nhạt đi, thì (…) thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi» (Mt 5,13). Cũng vậy, đèn hư, không sáng được, thì chỉ còn nước vứt vào sọt rác.

2. Thiên Chúa mong Giáo Hội là muối ướp, là đèn soi trần gian

Trần gian đầy dẫy đau khổ vì con người quá tội lỗi. Tội lỗi chính là xa rời Thiên Chúa, sống ngược với bản tính Thiên Chúa là tình yêu, với bản chất của mình là «hình ảnh của Thiên Chúa». Sống ngược với bản chất của mình nghĩa là sống thiếu tình thương, không tôn trọng sự công bằng. Vì thế, con người thường xuyên phải sống trong bất công, áp bức, bóc lột, ghen ghét, hận thù, từ trong môi trường nhỏ nhất là gia đình cho đến quốc gia, xã hội, và lớn nhất là thế giới. Do đó con người phải chịu đựng biết bao đau khổ: «Đời người là biển khổ», «nước mắt của chúng sinh bao nhiêu thế hệ cộng lại còn nhiều hơn nước sông Hằng» (Lời Đức Phật).

Để cứu trần gian khỏi đau khổ, một trong những mục đích của Đức Giêsu khi đến trần gian là khai mạc Nước Thiên Chúa tại đây. Và Nước Thiên Chúa – hay Nước Trời – là từ trong Tin Mừng để chỉ một xã hội toàn hảo, trong đó tất cả mọi người đều được hạnh phúc, vì mọi người đều đối xử với nhau bằng tình thương, một cách cụ thể và thực tế. Nhờ tình thương, xã hội không còn tranh chấp, hận thù, mọi người đều sống an vui, từ trong tâm hồn ra đến ngoài xã hội.

Đức Giêsu lập nên Giáo Hội những mong Giáo Hội dần dần trở thành Nước Thiên Chúa ở trần gian, thành cánh tay hữu hình và nối dài của Ngài để giáo hóa, thánh hóa, cứu chuộc, phục vụ cho bình an và hạnh phúc của nhân loại. Ngài mong Giáo Hội là nhịp cầu nối con người với Thiên Chúa, mong Giáo Hội thành một xã hội gương mẫu để mọi xã hội trên trần gian bắt chước. Và để thực hiện cụ thể mong ước ấy, Thiên Chúa đã kêu gọi một số người trong nhân loại trở thành Kitô hữu, gia nhập Giáo Hội, để họ thành gương sáng cho mọi người noi theo, để tích cực biến trần gian thành Nước Thiên Chúa.

3. Giáo Hội phải là một thể chế gương mẫu cho mọi xã hội

Giáo Hội thời sơ khai quả một xã hội lý tưởng, rất phù hợp với mô hình Nước Thiên Chúa, trong đó các Kitô hữu đều yêu thương nhau, chia sẻ với nhau một cách rất cụ thể. Trong khi các xã hội thời ấy đều theo thể chế quân chủ và phong kiến, thì Giáo Hội đã là một xã hội rất dân chủ và rất tiến bộ. Chẳng hạn, theo sách Công Vụ (Cv 1,15-25), để chọn vị tông đồ thay thế Giuđa đã thắt cổ tự tử, thánh Phêrô, thủ lãnh Giáo Hội thời ấy không hề tự mình quyết định việc này, mà yêu cầu 120 Kitô hữu có mặt hôm đó đề cử 2 người rồi bỏ phiếu bầu một trong 2 người ấy. Và Matthia đã được chọn làm tông đồ thứ 12 thay thế Giuđa. Cho đến thế kỷ thứ 4, năm 347, thánh Ambrôsiô ngay khi còn là lương dân, đã được dân chúng bầu lên làm giám mục, về sau thành một vị thánh. Chỉ sau khi được bầu làm giám mục, ngài mới chịu phép rửa tội, được truyền chức linh mục và giám mục. Giáo Hội thời ấy cũng là một xã hội cộng sản lý tưởng nhất mà các xã hội cộng sản ở thế kỷ 20 phải thua xa một trời một vực. Sách Công vụ cho biết: : «Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ được toàn dân thương mến» (Cv 2,44.47).

Phải nói rằng về mặt thể chế, Giáo Hội thời sơ khai «tiến bộ» hơn hẳn các thể chế trần gian cùng thời rất nhiều, Giáo Hội thời ấy thật đáng làm gương cho mọi thể chế xã hội. Nhưng tiếc thay, phải 17 thế kỷ sau nhân loại mới có những quốc gia chập chững noi theo thể chế dân chủ của Giáo Hội Kitô giáo ban đầu. Thật vậy, mãi đến năm 1690 John Locke ở nước Anh, và năm 1748 Baron de Montesquieu ở Pháp mới viết được những tác phẩm giới thiệu cho nhân loại tinh thần dân chủ mà Giáo Hội thời sơ khai đã thực hiện trước đó cả 16 thế kỷ. Và đến năm 1917, thế giới mới xuất hiện thể chế cộng sản với lý tưởng rất cao vời nhưng trong thực tế chẳng thực hiện được. Thế mà lý tưởng ấy đã được thực hiện trong Giáo Hội sơ khai một cách rất tuyệt vời, đã thật sự đem lại hạnh phúc cho các thành viên Giáo Hội thời ấy.

Tiếc thay kể từ thế kỷ thứ 4 về sau, khi được tự do truyền đạo, Giáo Hội lại rập khuôn theo thể chế quân chủ của đế quốc Rôma, và vẫn tiếp tục cho đến nay. Trong khi đó, từ mấy thế kỷ nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã từ bỏ thể chế ấy để bắt chước thể chế của Giáo Hội thời sơ khai, tuy rằng còn xa mới đạt được mức lý tưởng như Giáo Hội thuở ấy. Thiết tưởng chúng ta cũng cần tự hỏi: thể chế của Giáo Hội hiện nay có phải là một thể chế gương mẫu mà các nước trên thế giới muốn hoặc cần noi theo không?

4. Giáo Hội và mỗi Kitô hữu phải là muối, là ánh sáng

Thiên Chúa đã thất vọng vì dân Do Thái – dân tộc được Ngài đặc biệt tuyển chọn để làm cầu nối giữa Ngài với nhân loại – đã không đáp ứng lại những điều Ngài mong muốn nơi họ. Vì thế, Thiên Chúa không còn chúc lành cho họ, khiến họ lâm vào nhiều tình huống khó khăn suốt 20 thế kỷ qua: mất nước, lưu lạc khắp nơi, bị Hitler tìm cách tiêu diệt thời thế chiến thứ hai, lập quốc trở lại năm 1947 thì sau đó là chiến tranh liên miên.

Để thay thế dân tộc Do Thái, cách đây 20 thế kỷ, Thiên Chúa đã lập một dân mới cho Ngài, đó là Giáo Hội, những mong Giáo Hội hoàn thành được sứ mạng Ngài giao phó là trở nên muối ướp và đèn soi cho nhân loại. Đến nay, sau 2000 năm thành lập, thử hỏi Giáo Hội có đáp ứng được sự mong đợi của Thiên Chúa chưa? Thiết tưởng đó phải là câu hỏi mà mỗi Kitô hữu – với tư cách là thành viên của Giáo Hội – đều phải tự đặt cho mình để ý thức trách nhiệm của mình trước sự mong đợi của Thiên Chúa nơi Giáo Hội.

Muốn Giáo Hội trở thành một thể chế gương mẫu cho thế giới noi theo, thì trước hết mọi thành viên của Giáo Hội phải trở nên gương mẫu cho những người chung quanh, phải tích cực hoạt động để môi trường mình đang sống tốt đẹp hơn, yêu thương nhau hơn. Cụ thể nhất là phải biến bản thân mình, rồi đến gia đình mình, giáo xứ mình thành Nước Thiên Chúa đã. Cha mẹ phải là gương sáng cho con cái, linh mục là gương sáng cho giáo dân, giám mục là gương sáng cho linh mục, bề trên là gương sáng cho bề dưới. Đó chính là trở nên muối cho đời, nên đèn sáng cho trần gian.

Muối của chúng ta sẽ lạt đi, đèn của chúng ta sẽ tối lại,

– khi chúng ta sống ích kỷ, không có tình yêu, khi chúng ta cũng đầy tham sân si, cũng ham danh lợi thú và cũng chẳng tốt lành gì hơn những người ngoài Kitô giáo;

– khi chúng ta sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước các nhu cầu cấp bách và đau khổ của người khác (xem lại bài đọc 1: Is 58,7-10);

– khi chúng ta không dám bênh vực và làm chứng cho sự thật, sự thiện, công lý, và sẵn sàng im lặng để được an thân trước các bất công xã hội, để mặc những thế lực xấu tự do hoành hành;

– khi chúng ta chỉ biết cầu nguyện mà không cảm thấy phải hành động, chỉ biết thờ phượng Chúa mà không hề quan tâm đến đồng loại, hoặc ngược lại, chỉ biết hành động mà không cầu nguyện, chỉ biết quan tâm đến đồng loại mà không màng đến bổn phận đối với Thiên Chúa.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, hiện nay nhân loại đang rất cần những gương sáng cụ thể và sống động để noi theo hơn là những lý thuyết trừu tượng, cần những vị thánh hơn là những nhà thuyết giảng hùng hồn. Nhưng dường như Kitô hữu chúng con lại có khuynh hướng cung cấp cho thế giới theo chiều ngược lại. Xin giúp chúng con ý thức điều đó để sám hối, để trở thành men, muối và đèn sáng cho mọi người chung quanh.

 

Joan Nguyễn Chính Kết


 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà