CHÚA NHẬT 5 QUANH NĂM

(Mát-thêu 5: 13-16)

 

          Tám Mối phúc đã đặt nền móng cho bài giảng trên núi được tiếp tục quảng diễn.  Nhưng trước khi đi vào một số chi tiết cụ thể, so sánh giữa Lề Luật cũ Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê với Lề Luật mới Thiên Chúa ban cho tất cả nhân loại qua nơi con người Đức Giê-su, thánh Mát-thêu ghi lại một lệnh truyền Chúa Giê-su nói với các môn đệ:  Anh em là muối cho đời và anh em là ánh sáng cho trần gian.  Chắc chắn chỗ đứng của lệnh truyền này phải thực sự quan trọng, vì nó được để ngay sau “hiến chương Nước Trời.”  Vậy đâu là tầm quan trọng của lệnh truyền này và môn đệ Chúa Giê-su là mọi Ki-tô hữu phải thi hành lệnh truyền ấy như thế nào?

 

a)  Sứ mệnh làm muối và ánh sáng cho đời

 

          Khi trình bày Tám Mối phúc, Chúa Giê-su đã chỉ cho ta thấy những con đường Thiên Chúa dùng để đến với ta trong những hoàn cảnh đặc biệt của mỗi người, hay nói khác đi, đâu là những người được Thiên Chúa đặc biệt thương mến.  Nhưng với Tám Mối phúc, Chúa Giê-su đồng thời cũng mở cho ta những con đường để đến với anh chị em, chứng tỏ cho anh chị em thấy được những vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa phản ánh qua những gì ta làm cho họ.  Vậy thì sứ mệnh của ta đã nằm ngay trong những mặc khải của Chúa Giê-su về Tám Mối phúc rồi.  Cho nên thay vì lập lại từng mối phúc và sai ta đi làm chứng nhân, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh sống động, lấy ngay từ kinh nghiệm đời sống thường ngày để diễn tả sứ mệnh làm chứng cho Tám Mối phúc Thiên Chúa ban cho ta:  làm muối và ánh sáng cho đời.

          Đời cần sự thay đổi, vì đời đã trở nên nhạt nhẽo, không còn đậm đà tình yêu;  đời cần được bừng sáng lên, vì hiện nay đời đang đắm mình trong đêm tối, đêm tối của tội lỗi và sự chết.  Cùng với đời, con người cũng cần phải hối cải và tin vào Tin Mừng, một hành động gồm hai động tác:  quay lưng lại (hối cải) với tội lỗi và lối sống thuộc về thế gian, để hướng về Tin Mừng, đón nhận Tin Mừng và đem Tin Mừng vào cuộc sống.

          Trước cảnh huống và nhu cầu như thế, Chúa Giê-su đã hướng về các môn đệ.  Họ là những người Chúa Giê-su tin tưởng, những người đã có kinh nghiệm “sám hối và tin vào Tin Mừng” và đã “nếm biết Chúa thiện hảo dường bao”, giờ đây được Chúa Giê-su trao sứ mệnh làm chứng tá cho những giá trị Tin Mừng.  Việc làm chứng của họ sẽ có mãnh lực biến đổi trần gian, y như muối làm cho thức ăn không còn nhạt nhẽo nhưng thật là đậm đà, hoặc như ánh sáng làm cho căn nhà trở nên sống động, ấm cúng và mọi người nhận biết nhau là anh chị em con cùng một Cha.

          Chứng tá của ta có một mãnh lực tiềm ẩn, tuy bề ngoài không dễ nhận thấy, nhưng qua hiệu quả người ta mới nhận ra được nó.  Làm sao ta thấy được muối và ánh sáng hoạt động như thế nào đâu?  Từ từ nhưng chắc chắn, muối thấm nhập vào thức ăn, ánh sáng từ trên cao lan tỏa ra toàn thể căn nhà, không gì ngăn cản nổi.  Cho nên Chúa Giê-su đã sử dụng một hình ảnh hết sức thực tế để nói lên đặc tính của sứ mệnh chứng tá Người ủy thác cho ta.

 

b)  Ta phải thi hành lệnh truyền ấy như thế nào?

 

          Những ví dụ (simile) và tỉ dụ (metaphor) trong sách Tin Mừng thường không dễ dàng hiểu ngay được.  Nhưng tỉ dụ muối và ánh sáng thì khỏi cần cắt nghĩa, ta cũng hiểu được dễ dàng.  Rõ ràng Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến công dụng hữu hiệu của muối và ánh sáng.  Qua việc nhấn mạnh ấy, ta biết được Chúa muốn nói với ta phải thi hành lệnh truyền của Người như thế nào.  Cũng như công dụng của muối và ánh sáng, chứng tá của ta sẽ có hiệu năng đích thực nếu đó là những chứng tá đích thực.  Vấn đề là làm sao ta vẫn luôn luôn là muối đích thực và ánh sáng đích thực.

          Muối dùng để muối thức ăn sẽ tan đi sau khi thấm vào thức ăn.  Ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn dầu sẽ tắt khi dầu cạn.  Vậy ta sẽ lấy thêm muối từ đâu và dầu từ đâu?  Ta phải trở về kho.  Chúa Giê-su là kho muối để ta múc lấy đem vào đời sống mình.  Chúa Giê-su là ánh sáng nguyên thủy (Ga 1:9; 8:12) và là kho dầu để ta đến lấy mà đốt lên ngọn đèn của mình.  Qua cầu nguyện, qua những tiếp xúc với Chúa khi ta sống mối quan hệ với Người, muối và dầu sẽ được chuyển qua cuộc đời ta.  Những gì Chúa Giê-su đã sống để biểu lộ Tám Mối phúc của Thiên Chúa sẽ được tiếp tục trong đời sống ta.  Khi ấy ta sẽ là muối đích thực và ánh sáng đích thực.

          Chúa Giê-su còn nhắc đến “những công việc tốt đẹp anh em làm” như những phương tiện để ta thi hành lệnh truyền đem muối và ánh sáng đến cho anh chị em.  Không phải chỉ làm chứng tá bằng lời nói suông, nhưng là bằng những việc làm cụ thể.  Ta khó mà giải thích cho người khác hiểu thế nào là lòng thương xót, nhưng qua một cử chỉ cảm thông và giúp đỡ của ta, họ sẽ hiểu được ngay.  Nhưng quan trọng hơn nữa, họ sẽ biết được căn tính của ta là con cái của “Đấng giầu lòng xót thương” (Lc 6:36) và sẽ “tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

          “Anh em là muối cho đời.  Anh em là ánh sáng cho trần gian.”  Sứ mệnh của ta là cho đời và cho trần gian.  Mục tiêu làm chứng tá phải là cho những người sống chung quanh ta.  Đời và trần gian không hẳn là từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, nhưng là phạm vi nhỏ bé, giống như một chén đồ ăn hoặc căn nhà một phòng của người Do-thái, là những môi trường ta sống, làm việc và ở trong mối liên đới với những người chung quanh.  Không cần ta phải cao vọng đi tới những miền xa xôi làm chứng tá cho Chúa, nhưng ta hãy bắt đầu từ chính gia đình ta, sở làm, cộng đoàn của ta.  Không cần ta phải thực hiện những việc to lớn, nhưng là những việc nhỏ mọn thường ngày.  Không cần ta phải huyênh hoang cho mọi người biết, nhưng cứ để cho những việc làm của ta “âm thầm” tác động trên người khác, kín đáo như muối thay đổi vị lạt và ánh sáng phóng đi những hạt li ti mắt thường không thấy được.

          Về những công việc tốt đẹp nào thì Chúa Giê-su đã nêu lên trong Tám Mối phúc là những công việc tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho nhân loại và cho ta.  Do đó, khi ta làm “những công việc tốt đẹp” là ta giúp cho người khác nhận ra những công việc tốt đẹp của chính Thiên Chúa vậy.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Nhìn lại đời sống mình, tôi tự hỏi tôi có thực sự là khí cụ Chúa dùng để rao giảng Tám Mối phúc không?  Nói khác đi, tôi có ý thức sứ mệnh làm chứng cho những giá trị Tin Mừng không?

          Trong hoàn cảnh sống hiện tại của tôi, tôi có thể làm chứng về điều nào một cách hữu hiệu nhất?  Tại sao?

          Tôi đã làm gì để giữ được vị mặn của muối và sức sáng của ánh sáng trong đời tôi?  Tôi đã sống quan hệ với Đấng là “ánh sáng thế gian” như thế nào?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su

          tạ ơn Chúa đã cho chúng con

          ánh sáng mặt trời, mặt trăng,

          vá ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

          Tạ ơn Chúa

          vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.

          Đó là vinh dự

          và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

          Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối

                    của hận thù và bất công,

                   của buồn phiền và thất vọng.

          Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa

          mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,

          và biết vâng theo những soi sáng của Chúa

          qua từng phút giây của cuộc sống.

          Lạy Chúa Giê-su,

          cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối

                   vẫn còn tiếp diễn

                   trên thế giới và trong lòng chúng con.

          Ước gì chúng con

          đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,

          nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,

          để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 101)

 

Lm Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà