CHÚA NHẬT 10 QUANH NĂM

(Mát-thêu 9: 9-13)

 

          Chúa Giê-su bênh vực những người yếu đuối hoặc bị xã hội khinh khi, đó là một đề tài ta thường gặp thấy trong sách Tin Mừng.  Không phải Người chỉ lên tiếng phản đối những kẻ áp bức và xét đoán người khác, mà nhiều khi còn đi xa hơn nữa qua những việc làm tỏ lòng ưu ái ân cần đối với những nạn nhân của áp bức và xét đoán.  Thánh Gio-an kể lại câu truyện Chúa Giê-su cứu người phụ nữ ngoại tình khỏi bị kết án tử hình ném đá (Ga 8:1-11).  Ba sách Tin Mừng Nhất lãm thì đều kể lại câu truyện Chúa gọi ông Lê-vi là một người thu thuế làm môn đệ và Người lại còn đến nhà ông ăn uống với những người bị coi là kẻ tội lỗi nữa.  Chúa Giê-su đã đặt việc chữa bệnh lên trên việc giữ luật ngày sa-bát.  Làm những việc ấy, Chúa Giê-su phải đương đầu với những chống đối mãnh liệt từ phía nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.  Nhưng Người vẫn một lòng đứng về phía những người tội lỗi và “những kẻ nghèo hèn” của Thiên Chúa, cho dù những chống đối ấy sẽ dần dần đưa Người tới cái chết trên thập giá.  Tại sao Chúa Giê-su đã giữ vững lập trường ấy?  Là vì Người muốn trung thành với sứ mệnh “đến để kêu gọi người tội lỗi” và tỏ cho họ biết trái tim của Thiên Chúa.

 

a)  Bắt đầu từ một câu truyện:  gọi ông Mát-thêu

 

          Cả ba sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca đều ghi lại câu truyện lịch sử Chúa gọi ông Mát-thêu, cũng có tên là Lê-vi, là người thu thuế làm môn đệ Người.  Điều này không những nói lên tầm quan trọng của chính biến cố, mà còn cho ta thấy một vấn đề lớn, liên quan tới việc trình bày bản chất sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.

          Tin Mừng Mát-thêu đã không ngần ngại nêu danh người được Chúa gọi là Mát-thêu trong câu truyện, trong khi Mác-cô và Lu-ca vì tế nhị nên đã dùng tên cũ của vị tông đồ là Lê-vi, cái tên ít ai để ý tới.  Mà thánh Mát-thêu nêu tên mình trong câu truyện là phải, vì Mát-thêu có lẽ là biệt danh Chúa Giê-su đặt cho ngài sau khi bỏ việc thu thuế để theo Chúa.  Cái tên ấy đánh dấu một cuộc đổi đời.  Mát-thêu có nghĩa là “hồng ân Thiên Chúa”.  Thánh sử sử dụng tên ấy trong câu truyện của ngài, vì ngài muốn độc giả đọc câu truyện cá nhân ngài để nhận biết được sứ mệnh cao cả của Chúa Giê-su.  Câu truyện đời Mát-thêu là câu truyện ơn cứu độ.  Trước hết nó nhắc ta về một con người cũ tên là Lê-vi.  Anh chàng Lê-vi này là nhân vật có thực, làm nhân viên thu thuế cho đế quốc Rô-ma, một thành phần bị xếp ngang hàng với “phường tội lỗi”.  Trước mắt người Do-thái, công việc của anh không được coi là tốt, vì nó nối giáo cho giặc đế quốc và đầy những gian lận mập mờ.  Nhưng ai có thể xét đoán người khác, ngoài Thiên Chúa là Đấng “dò xét thấu suốt tâm can”?  Đâu phải người Pha-ri-sêu nào cũng xấu cả.  Chúa Giê-su cũng có những người bạn là Pha-ri-sêu (Lc 7:36; 13:31).  Biết đâu anh chàng Lê-vi này, tuy miễn cưỡng làm công việc thu thuế, nhưng trong lòng lại luôn thao thức muốn vươn lên, bước ra ngoài một cuộc sống thường cảm thấy bị tiền bạc cám dỗ và nỗi tủi nhục vì khinh miệt của những người đồng bào!  Thao thức như vậy, cho nên khi gặp được Chúa Giê-su, Lê-vi giống như người sắp chết đuối nắm được bàn tay cứu vớt.  Điều khiến ta ngạc nhiên là tại sao Chúa Giê-su “đi ngang qua trạm thu thế” làm gì.  Chẳng cần phải đợi Chúa Giê-su đến, những người thu thuế sẽ đến với Người trước để đòi thuế (Mt 17:24-27)!  Rõ ràng mục đích Chúa đi ngang qua đó là “để kêu gọi người tội lỗi”.  Ta có thể nhận thấy nỗi thao thức của Lê-vi trầm trọng tới mức nào, vì ngay sau khi nghe Chúa gọi “Anh hãy theo tôi!” là anh lập tức đứng dậy, bỏ lại tất cả để đi theo Chúa.

          Thao thức của Mát-thêu là thao thức của một người tội lỗi muốn được lãnh nhận ơn cứu độ.  Nhưng đó không chỉ là thao thức của cá nhân Lê-vi, mà cũng là thao thức của toàn thể nhân loại, vì ngoại trừ Mẹ Ma-ri-a, có ai sinh ra mà không nằm trong móng vuốt kiềm tỏa của tội lỗi đâu.  Chúa Giê-su tuyên bố về mục đích của việc Người đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi.  Đó là tất cả ý nghĩa sứ mệnh cứu thế của Người.  Được ơn cứu độ quả thực là một “hồng ân Thiên Chúa”, một Mát-thêu.  Như thế, ta có thể nói Lê-vi là hình ảnh của con người thao thức mong chờ ơn cứu độ và Mát-thêu là hình ảnh của con người đã được lãnh nhận ơn cứu độ.

 

b)  “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này:  Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế”

 

          Đúng là gậy ông đập lưng ông!  Đám Pha-ri-sêu lúc nào cũng vỗ ngực cho mình là giỏi Kinh Thánh và là con cái Thiên Chúa.  Vậy mà giờ đây họ lại bị Chúa Giê-su thẳng thắn dạy bảo họ:  Hãy về mà học cho biết...  Những kẻ xưng mình là “thầy” thiên hạ lúc này bị Thầy Giê-su dạy cho một bài học Kinh Thánh thực dụng.  Nhóm Pha-ri-sêu bực tức vì Chúa Giê-su đến với kẻ tội lỗi, tỏ lòng ưu ái đối với những người thu thuế khi Người tới nhà ông Mát-thêu để ăn uống.  Đúng là nhóm ấy không có lòng nhân từ đối với những kẻ tội lỗi và thu thuế.  Cho nên Chúa Giê-su đã nhắc nhở họ:  Thiên Chúa muốn các ông phải tỏ lòng nhân từ đối với những anh chị em yếu đuối tội lỗi, chứ Người đâu cần các ông phải làm nô lệ cho Lề luật, xì xụp bái lạy và những lễ nghi rềnh rang.

          Chính Chúa Giê-su đã thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.  Tất cả con người, sứ vụ và giáo lý của Chúa Giê-su là để tỏ ra lòng nhân từ của một Thiên Chúa đầy yêu thương nhân loại và muốn cứu vớt họ khỏi bị chết đời đời.  Chúa Giê-su đã cực lực đả phá việc “thờ phượng Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ lại xa Chúa”.  Người tuyên bố đã đến lúc phải thờ phượng Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý”, nghĩa là thờ phượng trong Chúa Ki-tô, theo mẫu gương Ki-tô bằng cách đưa việc thờ phượng ấy qua đời sống.  Thí dụ, nếu bạn muốn thờ phượng Thiên Chúa là Đấng nhân từ thì bạn phải tỏ ra lòng nhân từ với tha nhân, có như vậy bạn mới trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo.

          Có lẽ ý nghĩa của câu “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” đã được Chúa Giê-su giải nghĩa bằng một dụ ngôn thật sống động:  người Sa-ma-ri tốt lành.  Cũng chỉ vì nghĩ rằng Thiên Chúa cần lễ tế chứ đâu cần lòng nhân từ, nên thầy tư tế và thầy Lê-vi đã tránh qua phía bên kia người bị đánh nhừ tử để mà mau mau lên Giê-ru-sa-lem làm bổn phận lễ tế!  Trái lại, người Sa-ma-ri tốt lành thì lấy lòng nhân từ làm động lực bắt mình phải dừng lại và làm tất cả những gì có thể để cứu giúp người bị nạn.

 

c)  Chúa Giê-su là vị lương y tinh thần

 

          Với những phép lạ chữa lành các bệnh tật, Chúa Giê-su quả là một vị lương y.  Nhưng Chúa không dừng lại ở việc chữa lành thể xác, mà Người còn đi tới việc chữa lành phần hồn.  Nhiều lần sau khi chữa lành, Chúa Giê-su bảo người được khỏi bệnh:  Hãy đi và đừng phạm tội nữa.

          Vị lương y tinh thần đã chữa lành cho Mát-thêu.  Hôm nay tại nhà Mát-thêu, cũng như dân chúng bị bệnh tật đã đến với Chúa Giê-su để xin Người chữa lành thế nào, thì “nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ”, để được chữa lành những tật nguyền thiêng liêng như vậy.  Đúng là một cuộc ăn mừng, không phải chỉ vì một người tội lỗi trở về, mà còn vì nhiều người tội lỗi khác nữa!  Lòng nhân từ của Thiên Chúa đã được biểu lộ và lôi cuốn họ tới.  “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20).  Mát-thêu nghĩa là “hồng ân Thiên Chúa”, và Chúa Giê-su là “đầy tràn Ân Sủng” (Ga 1:16).

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Trước đây tôi hiểu thế nào về sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su?  Một cách lờ mờ, hoặc chỉ như một ý tưởng trống rỗng “Chúa Giê-su chuộc tội cứu thế”?  Câu truyện Mát-thêu có phải là câu truyện của tôi không?

          Tôi đã có lối phán đoán người khác theo cách của những người Pha-ri-sêu trong những trường hợp nào?  Đối với những ai? 

          Chúa Giê-su bảo tôi:  “Hãy về mà học cho biết ý nghĩa của câu này:  Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế.”  Tôi sẽ học bài học ấy ở đâu và thực hành như thế nào điều đã học?

         

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin cho con gặp được ánh mắt của Chúa ít là một lần trong đời.

          Khi tương lai con đang vững vàng ổn định,

          xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Lê-vi

          và mời gọi con đứng lên theo Chúa, bỏ lại tất cả những gì con cậy dựa.

          Khi con chẳng còn là mình, vấp ngã như Si-môn,

          xin hãy quay lại nhìn con bằng ánh mắt xót thương, tha thứ,

          để con òa khóc như trẻ thơ.

          Khi con khao khát sống cuộc đời hoàn thiện,

          xin hãy nhìn con bằng ánh mắt yêu thương

          như Chúa đã trìu mến nhìn người thanh niên giàu có.

          Khi con ước mong được thấy khuôn mặt Chúa,

          xin Chúa hãy dừng lại và ngước lên nhìn con,

          như Chúa đã ngước lên nhìn Da-kêu và cho ông thấy cả tấm lòng bao la bát ngát.

          Lạy Chúa Giê-su,

          xin dạy chúng con biết nhìn con người hôm nay bằng ánh mắt của Chúa.

          Chúa động lòng thương khi thấy bao người yếu đau,

          thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử.

          Ánh mắt Chúa thấu suốt lòng người.

          Chúa buồn phiền khi thấy có kẻ lòng chai dạ đá,

          nhưng Chúa cũng vui khi thấy bà góa nghèo bỏ vào tất cả.

          Đôi mắt Chúa đã từng nhòa lệ trước cái chết của người bạn thân là La-da-rô,

          và trước viễn ảnh sụp đổ của thành đô yêu dấu.

          Lạy Chúa, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn.

          Xin cho con qua cửa sổ ấy mà vào tâm hồn Chúa.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 37)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà