CHÚA NHẬT 11 QUANH NĂM, A (2005)

(Mát-thêu 9:36 – 10:8)

         

          Kêu gọi môn đệ, đào tạo và sai họ đi là những công việc song song với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Nếu đọc lại phần ký thuật chương 8 và 9 Tin Mừng Mát-thêu, ta nhận thấy thánh sử viết về những gì Chúa Giê-su đã làm khi Người thi hành sứ vụ, đó là để chuẩn bị cho giờ phút trọng đại của Nhóm Mười hai Tông đồ:  Chúa sai họ đi rao giảng.  Trước mỗi bài giảng, thánh sử Mát-thêu bao giờ cũng có phần ký thuật để chuẩn bị cho bài giảng.  Thuật lại việc sai các Tông đồ đi rao giảng được đặt giữa phần ký thuật chuẩn bị cho bài giảng và phần chính của bài giảng về sứ mệnh giúp ta hiểu rõ ý nghĩa của việc sai đi.  Các Tông đồ được sai đi là để tiếp nối những gì Chúa Giê-su đã làm và các ông sẽ thi hành sứ vụ được sai đi theo đúng những gì Chúa căn dặn trong bài giảng về sứ mệnh.

 

a)  Bối cảnh của việc sai đi

 

          Tin Mừng cho ta hai hình ảnh sống động làm bối cảnh cho việc Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi rao giảng.  Hình ảnh thứ nhất là Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành, đứng trước đám đông dân chúng.  Người “chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”  Hình ảnh thứ hai là “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.”  Cả hai hình ảnh ấy diễn tả mối ưu tư của Thiên Chúa về tình huống của nhân loại.  Trước mắt Thiên Chúa là một nhân loại “lầm than vất vưởng”.  Lý do của tình trạng lầm than này trước hết là do hậu quả của tội tổ tông và tội lỗi loài người, nhưng phần khác cũng là hậu quả của sự kiện thiếu những người lãnh đạo tốt, giống như hoàn cảnh dân Ít-ra-en đã chỉ có những mục tử vô trách nhiệm (Ed 34).  Thiên Chúa đã truất phế họ và đặt Chúa Giê-su làm Mục Tử nhân lành để chăm sóc nhân loại và làm gương mẫu cho các mục tử mới là các Tông đồ.

          Tuy nhiên trong tình trạng “lầm than” ấy lại nảy sinh niềm hy vọng lớn lao, đó là cảnh “lúa chín đầy đồng.”  Sứ mệnh của Chúa Giê-su là thiết lập Triều Đại Thiên Chúa.  Con người vất vưởng đang hướng về Thiên Chúa, khát khao được trở về trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa, tựa như những bông lúa chín vàng đang chờ đợi bàn tay những người thợ gặt.  Triều Đại Thiên Chúa được mở ra để đón nhận toàn thể nhân loại. Những bông lúa chín không thể tự mình từ ngoài đồng đi vào kho lẫm, mà phải nhờ bàn tay thợ gặt thu lượm và đem về.  Cũng thế, nhân loại muốn tin và trở về với Thiên Chúa cần phải có các sứ giả loan báo Tin Mừng giúp đỡ.  Thánh Phao-lô đã nói lên sự cần thiết và vai trò của các thợ gặt đồng lúa của Thiên Chúa:  “Làm sao người ta tin Đấng họ không được nghe?  Làm sao mà nghe , nếu không có ai rao giảng?  Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10:14-15).

          Trong bối cảnh nhân loại ấy, Chúa Giê-su nhận biết sứ mệnh của mình và của các môn đệ từ đâu mà có.  Đấng trao sứ mệnh là Thiên Chúa Cha.  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21).  Hơn thế nữa, được sai đi rao giảng Tin Mừng không phải là việc tự ý ta muốn làm, nhưng là một hồng ân Thiên Chúa ban nếu ta biết cầu xin với “chủ mùa gặt”.

 

b)  Nhóm Mười Hai

 

          Đây là nhóm thợ gặt tiên khởi Chúa Giê-su gọi và đào tạo để đi gặt lúa về.  Danh sách của họ đều được ba sách Tin Mừng Nhất lãm nói đến.  Tuy nhiên con số Mười Hai rõ ràng mang ý nghĩa biểu tượng.  Cũng như dân Ít-ra-en xuất thân từ mười hai chi tộc thế nào, thì Giáo Hội là Ít-ra-en Mới cũng được thiết lập trên đá tảng Phê-rô và anh em Tông đồ như vậy.

          Công cuộc đào tạo thợ gặt đòi hỏi thời gian và thực tập.  Do đó, Chúa Giê-su đã không muốn đặt họ trong một hoàn cảnh bất lợi cho tinh thần tông đồ và lòng hăng say của họ.  Người phải chọn địa điểm đích đáng để họ thực tập rao giảng Tin Mừng.  Người không thể sai họ đi tới những miền đất Dân ngoại trong lúc này, vì họ sẽ bị phía người Do-thái chống đối.  Đàng khác, Người muốn tôn trọng vị thế ưu tiên của dân Ít-ra-en đã được mời gọi tiếp nhận ơn cứu độ trước mọi dân tộc (xem Rm 1:16).  Cho nên Chúa Giê-su bảo họ:  “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại.  Tốt hơn, hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10:5).  Sau này khi họ đã vững vàng và trước khi Chúa Giê-su về trời, Người đã sai họ đi, không phải chỉ đến với nhà Ít-ra-en, mà là “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19).

          Nhưng sứ vụ của họ khi được sai đi là gì?  Đó là thi hành những gì chính Chúa Giê-su đã thực hiện và thánh sử Mát-thêu ghi lại trong hai chương 8 và 9.  Ba việc chính của sứ vụ là:  rao giảng rằng Nước Trời đã đến, chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn và khử trừ ma quỷ.  Trước khi sai họ đi làm những công tác này, Chúa Giê-su đã ban cho họ quyền khắc phục sự dữ là những ác thần gây nên bệnh tật thể xác và tâm hồn.

          Một điểm quan trọng khi họ thi hành sứ vụ, đó là phải thi hành với tinh thần nào.  Mục tử vô trách nhiệm là những người dùng sứ vụ để làm lợi cho mình, giống như các mục tử bất lực nhà Ít-ra-en.  Còn những mục tử theo gương Chúa Ki-tô thì phải là những người “đã được cho không thì cũng phải cho không.”  Họ đã được Chúa Giê-su ban cho thật nhiều, được Người kêu gọi và tuyển chọn, được chữa lành, được ban quyền, những điều họ không bao giờ xứng đáng lãnh nhận.  Cho nên đến lượt họ, họ cũng phải quảng đại cho đi hết, xả thân cho việc rao giảng Tin Mừng.

 

c)  Ta cũng được Chúa mời gọi đi rao giảng Tin Mừng

 

          Đời Ki-tô hữu là đời lắng nghe tiếng gọi của Mục Tử nhân lành.  Chúa Giê-su mong mỏi ta hãy luôn nhìn vào bối cảnh của thế giới hôm nay, để cảm nghiệm mối ưu tư của Thiên Chúa và sự cấp bách của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Ta đang sống trong bối cảnh ấy nên phải biết “chạnh lòng thương” chứ không thể giữ thái độ dửng dưng.  Không ai có quyền nói “đó không phải việc của tôi”.  Không ai là người ngoại cuộc.  Nhưng khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta có nhiệm vụ phải thi hành ba chức năng vua, tư tế và ngôn sứ bắt nguồn từ sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.  Mỗi người môn đệ được Chúa sai đi theo khả năng và hoàn cảnh của mình.  Những người có thức thánh thi hành theo thừa tác vụ của mình.  Giáo dân thi hành do việc tham dự gián tiếp vào sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Mỗi người đều đáp lại lời Chúa gọi và sẵn ràng ra đi thi hành sứ mệnh.  “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ!” (Is 52:7).  Bước chân ấy là bước chân của Chúa Giê-su, của các Tông đồ và môn đệ Chúa, nhưng cũng phải là bước chân của ta nữa.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Từ trước tới nay, tôi đã hiểu thế nào về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng?  Tôi có đứng ngoài lề và coi đó không phải là bổn phận của mình không?

          Ai là những kẻ “lầm than vất vưởng” bên cạnh tôi?  Hoặc có khi chính tôi lại là một trong những kẻ lầm than vất vưởng?  Tôi có thể diễn tả cách cụ thể tình trạng lầm than vất vưởng ấy như thế nào?  Làm sao sửa chữa?

          Chúa Giê-su bảo:  “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy.  Tôi đã được Chúa ban cho những gì?  Và tôi đã biết cho đi những gì?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin sai chúng con lên đường

          nhẹ nhàng và thanh thoát,

          không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

          hay vào những phương tiện trần thế.

          Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

          rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

          chữa lành những người ốm đau.

          Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

          với niềm vuicủa người tìm được viên ngọc quý,

          biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

          Xin ban cho chúng con khả năng

          đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

          Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

          của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

          Lạy Chúa Giê-su,

          thế giới thật bao la

          mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

          Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

          mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.”

                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 67)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà