CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN, NĂM A (2005)

2 V 4,8-11.14.16a; Rm 6,3.4.8-11; Mt 10,37-42

 

Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng

 

  „Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.“ Lời của Đức Giêsu làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, nóng lạnh, nổi da gà! Phải chăng chúng ta không nên nghĩ đến chuyện cải thiện, duy trì và bảo vệ cuộc sống của chúng ta? Đức Giêsu có dụng ý gì khi nói với chúng ta những lời lẽ như trên?

  Khi nói về cuộc sống, chúng ta liên tưởng đến một cuộc sống bình nhật, một cuộc sống an lành, hạnh phúc dài lâu bên cạnh những người chúng ta thương mến. Đối với nhiều người thì thời gian khó khăn đen tối sau chiến tranh, sau những cơn bão lụt, hạn hán, là một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Điều đáng ngạc nhiên là: tiềm lực nào đã giúp con người trở nên tháo vát, có đủ khả năng để bảo vệ và duy trì mạng sống của mình cũng như thân nhân của mình? Phải chăng là“cái khó bó cái khôn“ ?

  Ở Tây Âu sau đệ nhị thế chiến con người đã ra công tái thiết, xậy dựng. Chính trong thời gian khó khăn này cũng làm nẩy sinh không biết bao nhiêu những bậc tài ba lỗi lạc trong mọi lãnh vực. Con người đổ dồn tất cả vốn liếng để đầu tư, để phát triển cũng như bảo đảm cuộc sống. Ai cũng ham sống sợ chết. Bởi vậy càng văn minh tiến bộ thì càng nảy sinh nhiều loại bảo hiểm: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm mạng sống, bảo hiểm tai nạn lưu thông, bảo hiểm hưu dưỡng, … Tất cả đã trở thành chuyện tất nhiên và đáng mừng. Nhưng chúng ta phải tiép tục suy tư về hai chữ „bảo hiểm“. Phải chăng tất cả giúp con người bảo đảm cuộc sống? Dĩ nhiên là không rồi! Dù là bảo hiểm nào đi nữa cũng không giúp chúng ta trốn tránh cái chết. Tất cả đều biết: một ngày nào đó mình sẽ lìa đời. Nhưng hầu hết chẳng ai muốn nghĩ đến chuyện đó. Họ cho rằng, tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian. Nhưng thần chết đôi lúc đến bất chợt. Đùng một cái con người phải đối diện với đống gạch vụn của những chương trình, kế hoạch cho cuộc sống của mình. Con người tự cảm thấy mình bất lực, không tài nào dựa vào khả năng mình để cứu vãn tình thế. Có lẽ chính tại đây họ phải tự hỏi: Đức Giêsu hiểu thế nào về cuộc sống?

  Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người như chúng ta. Lẽ dĩ nhiên Người cũng tha thiết muốn sống. Thực là kinh hãi khi Người phải chết trong lúc tuổi đời bước vào giai đoạn chín chắn, đầy hứa hẹn. Lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu xin cho mình tránh khỏi đau khổ và sư chết là một lời cầu xin chân thật tận đáy lòng. Nhưng Người sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha. Người sẵn sàng tự hiến. Người sẵn sàng chết để đánh đổi cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu. Người đành mất mạng sống để đạt được sự sống mới. Chính Người đã phục sinh, đã đi trước chúng ta tiến vào thiên đàng.

  Con đường của Đức Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Đức Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người. Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống.

 

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà