CHÚA NHẬT 20 QUANH NĂM

(Mát-thêu 15: 21-28)

 

          Tin Mừng Nước Trời đã được rao giảng, bắt đầu từ Ít-ra-en và ưu tiên cho dân Ít-ra-en.  Chính Chúa Giê-su trong huấn thị cho các môn đệ đã dạy các ông:  “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri.  Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10:5-6).  Nhưng bài Tin Mừng hôm nay đem lại cho ta một bất ngờ:  “Chúa Giê-su lui về miền Ti-a và Xi-đon” là miền ngoại giáo.  Tại sao Chúa lại phá lệ như vậy?  Lý do nào thúc đẩy Người tìm một hướng mới cho công cuộc truyền giáo?  Có thể Người muốn tránh sự dòm ngó của nhóm Pha-ri-sêu hoặc tránh đám quần chúng quá nồng nhiệt với Người sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Nhưng thực ra, lý do chính vẫn là ơn cứu độ phải mang tính cách phổ quát và được ban cho muôn dân.  Ít-ra-en chỉ là khởi điểm, để rồi từ đó Tin Mừng sẽ được loan truyền cho toàn cõi địa cầu.  Câu truyện Chúa Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an là một cơ hội để ta suy niệm về tính cách phổ quát của ơn cứu độ.

 

a)  Gặp gỡ Đấng Cứu Độ

 

          Gặp gỡ luôn diễn tả một chuyển động, có thể từ hai phía hoặc cũng có thể chỉ từ một phía thôi.  Ta đến thăm một người bạn tại nhà họ.  Được tin ta tới, người bạn ấy bước ra cửa chào đón ta và đưa ta vào trong nhà.  Ta đến thăm một người thân trong bệnh viện.  Tuy không thể bước xuống khỏi giường bệnh để tiếp đón ta, nhưng người ấy có thể giơ tay, mỉm cười và ánh mắt rực lên niềm vui.  Cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Ma-ri-a với bà thánh Ê-li-sa-bét là cuộc gặp gỡ của ân sủng Thiên Chúa.  Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người trải dài qua lịch sử Cựu Ước và lên tới cao điểm qua Chúa Giê-su Ki-tô.  Câu truyện Tin Mừng hôm nay là một trong những câu truyện cảm động kể lại cuộc gặp gỡ giữa Đấng Cứu Độ và con người.

          Trước hết, có một hành trình để đưa tới gặp gỡ.  Việc Chúa Giê-su lui về miền đất dân ngoại có mục đích cũng giống như khi Chúa đi ngang qua trạm thu thuế của ông Mát-thêu.  Mục đích là để gặp một người đặc biệt đối với Chúa:  người đàn bà Ca-na-an.  Chúa Giê-su đang được nổi tiếng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Nhưng Người đã bỏ lại tất cả thuận lợi để ra đi tìm con chiên lạc.  Đó là lý do Người lui về miền Ti-a và Xi-đon, nơi ấy có một người đàn bà đang mong chờ ơn cứu độ.  Thánh Mát-thêu viết tiếp:  “Thì này, có một người đàn bà Ca-na-an ở miền ấy đi ra”.  Cũng như bao người khác, hẳn người đàn bà này đã nghe biết về Chúa Giê-su.  Tuy nhiên, nghe biết là một chuyện, còn có đến gặp gỡ Người hay không lại là chuyện khác.  Có biết bao người nghe biết, nhưng họ không đáp lại ơn cứu độ.  Trái lại, người đàn bà này đã dám “đi ra” khỏi môi trường sống của mình, bất chấp những phê bình chỉ trích hay kỳ thị của những người đồng hương Ca-na-an khác, miễn là bà gặp được Đấng Cứu Độ.  Cuộc gặp gỡ nào cũng đòi hỏi ta phải hy sinh và can đảm.

 

b)  Tôn vinh Đấng Cứu Độ

 

          Bước kế tiếp của cuộc gặp gỡ là tôn vinh.  “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”  chắc chắn không phải là một lời xu nịnh để cầu cạnh, nhưng là tiếng kêu chân thành phát xuất tự đáy lòng một con người nhận thức mình hoàn toàn lệ thuộc vào sự quyết định của một người khác.  Lời tôn vinh đó cũng giống như lời viên sĩ quan Rô-ma đã nhận biết Chúa Giê-su là Đấng nào:  “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8:8).  Nhận biết sứ mệnh của Chúa Giê-su và nhìn nhận thân phận bất xứng của mình, đó là cách thức tôn vinh Đấng Cứu Độ.  Viên sĩ quan thấy mình không đáng lãnh nhận vinh dự được Chúa đến tận nhà, còn người đàn bà Ca-na-an thì không xấu hổ ví thân phận mình như “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

          Ở câu truyện hôm nay, ta gặp lại cùng một cử chỉ bái lạy Chúa Giê-su như các môn đệ trong thuyền đã làm để tôn vinh Đấng Cứu Độ đã đưa họ qua cơn sóng gió.  Lớn tiếng tuyên xưng Chúa Giê-su là “con vua Đa-vít” chưa đủ, người đàn bà ấy còn đến bái lạy Người như bái lạy Thiên Chúa của bà.  Thật là giây phút cảm động.  Đức tin đích thực không bao giờ dừng lại, nhưng luôn đi tới biểu lộ bằng lời nói, cử chỉ, để nhìn nhận chân tính của Đấng mình tin tưởng.

 

c)  Đức tin vào Đấng Cứu Độ

 

          Đây là đích điểm của gặp gỡ.  Gặp gỡ Đấng Cứu Độ đưa ta đến lòng tin và là khởi điểm cho một cuộc sống mới.  Gặp gỡ không chỉ cho ta một cái nhìn mới về Đấng mình gặp, nhưng hơn thế nữa, là một cái nhìn mới về chính ta.  Từ nay ta thấy cuộc sống có một điểm tựa chắc chắn chứ không phiêu lưu và vô định hướng nữa.  Không còn cô đơn bước đi mà không biết đi về đâu.  Nhưng là đến với Đấng tự xưng là Em-ma-nu-en, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23), và Đấng đã long trọng hứa với các môn đệ trước khi về trời:  “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

          Ơn cứu độ không bị giới hạn dành riêng cho dân Ít-ra-en, nhưng qua dân Ít-ra-en để được chuyển đạt tới muôn dân muôn nước.  Nhưng để được cứu độ, nhân loại cần phải đáp lại, mở lòng đón nhận.  Thiên Chúa không ép buộc ta.  Người chỉ tiền định một kế hoạch để cứu độ ta và để ta hoàn toàn được tự do muốn đáp lại lời mời gọi của Người hay không tùy ý.  Vậy đáp lại lời gọi cứu độ của Chúa chính là ý nghĩa của đức tin.  Sống đức tin nghĩa là ta đến gặp gỡ Chúa Ki-tô vì Người đã được Thiên Chúa Cha sai đến với ta, ta tôn vinh Chúa Ki-tô vì chỉ có Người mới đưa ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, cho ta được trở về làm con cái đích thực của Thiên Chúa và dẫn ta tới quê hương vĩnh cửu là nhà Cha trên trời.  Đức tin ấy là đức tin chung của Giáo Hội và mọi thành phần trong Giáo Hội cùng chia sẻ, như thánh Phao-lô đã tuyên xưng:  “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.  Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6).  Thánh tông đồ đã cho ta một lộ trình thật rõ ràng:  để đến với Thiên Chúa Cha, ta chỉ có một con đường là Chúa Ki-tô, một lý tưởng là niềm tin và một lối sống hối cải là phép rửa.  Trên lộ trình ấy Giáo Hội đang tiếp tục dẫn dắt ta, các anh chị em Ki-tô hữu khắp nơi đồng hành với ta, tất cả cùng bước đi dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần và sự chăm sóc của vị Mục Tử nhân lành.

           

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Để gặp gỡ Chúa Giê-su, tôi có dám “đi ra” khỏi những gì ràng buộc hoặc ngăn cản tôi không?  Những ràng buộc và ngăn cản ấy là gì?

          Có nhiều khi tôi không tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống?  Tại sao?  Làm sao tìm lại được hướng đi để tôi tiếp tục sống như con cái Chúa?

          Tôi có cảm nghiệm mình được nâng đỡ do đức tin của toàn thể Giáo Hội không?  Tôi có ý thức mình đang chia sẻ đời sống của Giáo Hội qua việc sống và biểu lộ đức tin vào Chúa Ki-tô và bước đi theo lối sống Ki-tô không?  Tôi sẽ làm gì để sống thực sự như một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          sống cho Chúa thật là điều khó.

          Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

          Chúa đòi con cho Chúa tất cả

          để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

          Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

          để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

          Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

          để cây đời con sinh thêm hoa trái.

          Chúa cương quyết chinh phục con

          cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

          Xin cho con dám ra khỏi mình,

          ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

          để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

          dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

          Ước gì con cảm nghiệm được rằng

          trước khi con tập sống cho Chúa

          và thuộc về Chúa

          thì Chúa đã sống cho con

          và thuộc về con từ lâu.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 30)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

9-8-2005

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà