CHÚA NHẬT 22 QUANH NĂM

(Mát-thêu 16: 21-27)

         

          Những câu truyện Tin Mừng trong mấy Chúa Nhật vừa qua cho ta cơ hội để suy nghĩ về đức tin, một hồng ân Chúa ban cho ta do lòng quảng đại của Người.  Nhưng đó không phải là món quà ta cất kỹ làm kỷ niệm, mà để sống và làm cho cuộc sống ta mỗi ngày một phong phú thêm.  Hơn nữa, đức tin đem lại cho ta một sứ mệnh, mời gọi ta lên đường giống như Áp-ra-ham ngày xưa đã rời bỏ quê cha đất tổ để ra đi xây dựng một dân tộc mới.  Lời gọi lên đường ấy Chúa Giê-su nói với ta sẽ là một khởi đầu mới cho cuộc đời ta, tức là từ nay ta sẽ tập làm môn đệ Người, hoặc cũng có thể là một nhắc nhở, khích lệ nếu ta đã đáp lại lời gọi của Người.  Dù trong trường hợp nào, theo Chúa vẫn luôn là một hành trình có cả vui lẫn buồn, thất bại lẫn thành công, một đề tài để ta suy nghĩ và không ngừng cầu nguyện với Chúa Giê-su, Đấng kêu gọi ta bước theo sau Người.

 

a)  Những mốc điểm của hành trình đức tin

 

          Mặc khải và đức tin đi song song với nhau.  Mặc khải là việc tỏ mình của Thiên Chúa và đức tin là đáp lại của con người khi lãnh nhận mặc khải.  Trong Cựu Ước, hành trình đức tin của dân Chúa có những mốc điểm, thí dụ biến cố ông Mô-sê và dân Do-thái lãnh nhận Lề Luật Chúa tại Xi-nai (Xh 20:1-21), giao ước tại Mô-áp (Đnl 29:1-20), hoặc tại Si-khem ông Gio-suê xác nhận lòng trung thành tuyệt đối của Ít-ra-en với Đức Chúa (Gs 24:1-28).  Ở mỗi mốc điểm ấy, Thiên Chúa có thể cho thấy những điều mới của mặc khải và cũng đòi dân Người phải trung thành gắn bó với Người hơn.  Trong các diễn từ của ông Mô-sê hoặc ông Gio-suê, điểm được lập đi lập lại vẫn luôn là dân Chúa phải tránh thờ các thần ngoại và phải một lòng nhận Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất của họ.  Hành trình đức tin của Ít-ra-en đã trải qua những mốc điểm này để được thanh luyện và tiến tới mức trưởng thành hơn.

          Khi ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, hành trình đức tin của ông cũng được đánh dấu bằng một mốc điểm.  Mặc khải Thiên Chúa Cha ban cho ông vạch ra một đoạn đường mới cần phải được Chúa Giê-su giải thích rõ ràng, nhất là về sứ mệnh Đấng Ki-tô.  Nhưng cũng chính giải thích này sẽ là một khúc quanh quan trọng của hành trình đức tin đòi hỏi Phê-rô phải can đảm dấn thân hơn nữa.  Từ lúc bỏ lưới theo Thầy tới giờ, Phê-rô chỉ thấy được một khía cạnh của sứ mệnh Chúa Giê-su:  Người là nhân vật của quần chúng, lôi cuốn do tài ăn nói, có quyền năng làm phép lạ, sẽ trở thành một lãnh tụ siêu việt...  Giờ đây, Thiên Chúa hé mở cho ông một hình ảnh mới về Chúa Giê-su.  Mặc khải ban đầu chỉ là khẳng định đơn giản:  “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.”  Ông Phê-rô và các bạn chưa hiểu được hết ý nghĩa về Đấng Ki-tô, ngoài ý nghĩa giống như vị cứu tinh dân tộc.  Họ cần phải vượt lên trên những ý niệm loài người ấy để chấp nhận một Đấng Ki-tô trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, một Đấng Ki-tô đi ngược với ước vọng thuần túy con người của họ, một Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ, bị giết và sẽ sống lại.  Nhưng ông Phê-rô vẫn cố chấp níu kéo ý niệm riêng của ông và can gián Chúa đừng làm Đấng Ki-tô theo như Người đã giải thích.  Ông trở thành kỳ đà cản mũi không những cho Chúa, mà còn bị sa lầy trong chính hành trình đức tin của ông.  Chúa Giê-su thẳng thắn uốn nắn ông:  “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy!  Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.  Mỗi lần bị trách mắng là mỗi lần Phê-rô vươn lên trong sức mạnh mới để càng gắn bó và yêu mến Chúa Giê-su hơn.  Lần trước trên Biển hồ, ông bị Chúa gọi là “người đâu mà kém tin vậy!”, và lần này là “Xa-tan”.  Vẫn chưa hết.  Lần sau cùng Chúa không nói, Người chỉ dùng tiếng gà gáy để nhắc nhở ông phải trung thành trong niềm tin mến thôi.

 

b)  Hành động chính của đức tin:  bước đi theo sau Chúa

 

          Khi Chúa Giê-su “nặng lời” với Phê-rô, Người không giận dữ, nhưng chỉ nghiêm khắc sửa dạy người môn đệ.  Người không nói với ông như Người đã thẳng tay nói với tên cám dỗ Xa-tan:  “Xa-tan kia, xéo đi!” (Mt 4:10), nhưng Người bảo ông:  “Lui lại đằng sau Thầy!”, nghĩa là Người muốn ông hãy trở về vị trí của mình là người môn đệ để tiếp tục bước đi theo Thầy.

          Đến đây, bài học làm môn đệ không còn là cho riêng Phê-rô nữa, nhưng là cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Chúa.  Lời hiệu triệu dành cho những ai muốn làm môn đệ mang tính cách long trọng và dứt khoát:

          “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.  Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;  còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:24-25).

          Lời hiệu triệu nhắm tới điều kiện duy nhất ta phải thi hành nếu muốn theo Chúa, đó là từ bỏ cái tôi của mình.  Những từ “chính mình” và “mạng sống” được lập đi lập lại để nói lên cái tôi to lớn của ta.  Vì cái tôi của ta quá to lớn nên ta không muốn từ bỏ nó, mà chỉ muốn “cứu” và bám víu vào nó kẻo sợ mất.  Để nhấn mạnh việc từ bỏ cái tôi, Chúa Giê-su đã tài tình sử dụng lối nói nghịch lý kiểu Do-thái khi Người nêu lên hai đối tượng để ta chọn lựa:  Chúa và cái tôi của ta, cứu và để mất, liều mất và tìm được.  Theo lẽ thường, bao giờ ta cũng muốn giữ và cứu cái tôi của ta.  Còn Chúa thì lại muốn ta buông cái tôi của ta cho nó mất đi, để ta chỉ còn bám vào Chúa, lệ thuộc vào Chúa.  Người muốn ta bỏ đi cuộc sống tội lỗi và thù nghịch với Chúa (tức là mạng sống mình) để ta tìm được sự sống đích thực là chính Chúa.  Ta càng lu mờ đi thì Chúa càng nổi bật lên.  Nguyên lý ấy của thánh Gio-an Tiền hô (Ga 3:30) nói lên tiến trình Ki-tô hóa mà mỗi người cần phải theo nếu ta muốn làm môn đệ Chúa.  Việc từ bỏ mình và trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn quả thực là công việc khó khăn, do đó việc từ bỏ ấy được Chúa Giê-su nôm na gọi là “vác thập giá mình hằng ngày”.  Rồi cũng vì là một công việc khó khăn cho nên ta cần có một gương mẫu để bắt chước, do đó Chúa bảo ta cứ bước theo sau Người, Người làm thế nào ta làm như vậy.  Người đã từ bỏ mọi ý riêng mình để thi hành thánh ý Chúa Cha, thì ta cũng phải làm những gì Chúa muốn chứ không phải ta muốn.  Người đã yêu thương kẻ thù, một thánh giá thật nặng, thì ta cũng phải yêu thương cả những người ghét ta, một việc ta chẳng thích làm chút nào...

          Tại sao ta làm những điều trái khoáy với lối suy nghĩ của người đời?  Tại sao ta lại “không giống ai” như vậy?  Đó là vì đức tin vào Chúa.  Chấp nhận lời giảng và lối sống của Chúa Giê-su, ta chọn đi theo Người và đi ngược lại với người đời, liều mình bị loại ra khỏi cộng đồng của họ, để biểu lộ lòng tin và lòng mến của ta đối với Chúa Giê-su.

 

c)  Theo Chúa, con đường một chiều

 

          Con đường một chiều đưa ta tới hướng duy nhất và không có chọn lựa nào khác.  Chúa Giê-su đã thẳng thắn lên án thái độ chân trong chân ngoài, làm tôi hai chủ, tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau.  Nhận thức được tầm quan trọng của điều kiện từ bỏ mình để theo Chúa, tất cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại lời hiệu triệu của Chúa Giê-su như một đòi hỏi tuyệt đối và không thể thay thế.  Lời lẽ của các thánh sử giống hệt nhau.

          Từ lịch sử Giáo Hội cho tới lịch sử cá nhân Ki-tô hữu, con đường theo Chúa bao giờ cũng gặp bách hại, thiệt thòi.  Nếu muốn sống đức tin, tức là trung thành theo Chúa, ta phải quay lưng lại với thế gian.  Chẳng vậy mà Chúa Giê-su đã nêu lên điều này ngay từ đầu:  “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17).  Vì trung thành với Chúa Ki-tô, hằng triệu người đã đành lòng “liều mất mạng sống mình vì Thầy”.  Bao nhiêu người đã không được dành cho công việc tốt chỉ vì họ là Ki-tô hữu đích thực.  Hằng trăm ngàn sinh viên học sinh không được tiếp tục việc học hành vì họ là người Công giáo.  Môn đệ thực chỉ nhìn thấy trước mặt họ hình ảnh Chúa Giê-su, Đấng mà thánh Phao-lô đã hãnh diện gọi là “Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Pl 3:8).  Thánh tông đồ dân ngoại đã diễn tả con đường theo Chúa của ngài:  “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy chẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 3:13-14).

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Biến cố nào trong đời tôi đã đánh dấu mốc điểm hành trình đức tin?  Biến cố ấy mang ý nghĩa gì?

          “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”.  Điều Chúa Giê-su nhắc nhở Phê-rô có ý nghĩa gì đối với tôi?  Những cái nhìn nào của tôi đã không phản ảnh cái nhìn của Chúa Giê-su?

          Có khi nào tôi tiến lên trước Chúa để cản lối Người không?  Hoặc có khi nào tôi muốn Chúa lệ thuộc tôi, chứ không phải tôi lệ thuộc Chúa?

          Tôi có sợ phải trả giá đắt khi làm môn đệ Chúa không?  Thí dụ một vài thiệt hại cụ thể tôi phải chịu chỉ vì tôi muốn trung thành làm môn đệ Chúa.

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

          và trọn cả ý muốn của con,

          cùng hết thảy những gì con có,

          và những gì thuộc về con.

          Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

          lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

          Tất cả là của Chúa,

          xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

          Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

          Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  A-men”.

                   (Kinh Dâng hiến của thánh I-Nhã, trích RABBOUNI, lời nguyện 42)

         

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà