Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

 (30-10-2005)

Hai phong cách lãnh đạo

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Ml 1,14b–2,2b.8-10: (1,14b) Đức Chúa các đạo binh phán: «Hỡi các tư tế, (2,2) nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, (8) các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. (9) Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta».

·   1 Tx 2,7b-9.13: (7) Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. (8) Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

 

·   TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Các kinh sư và người Pharisêu giả hình

 (1) Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: (2) «Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rápbi.

 (8) «Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là rápbi, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:


1.   Những thói xấu mà Đức Giêsu nói về các kinh sư và Pharisêu có thể quy về điều căn bản nào? Phải có tinh thần nào mới tránh được những thói xấu ấy?

2.   Những điều Đức Giêsu khuyên các môn đệ mình phải có quy về điều căn bản nào? Muốn thực hiện những điều ấy, phải có tinh thần nào?

Suy tư gợi ý:

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mô tả chân dung của giới chức sắc đạo Do Thái thời Ngài. Ngài nhấn mạnh đến khuynh hướng vị kỷ, ham danh, tự tôn tự đại, chuộng hình thức bề ngoài nhưng rỗng tuếch bề trong của họ. Để rồi Ngài yêu cầu các môn đệ, những người theo Ngài, phải có một thái độ ngược lại: tự xóa mình, quên mình, coi mình không là gì cả, để dấn thân hết mình phục vụ tha nhân. Như thế, bài Tin Mừng này mô tả hai phong cách: phong cách của những người lãnh đạo trong Do Thái giáo thời Ngài, và phong cách mà người lãnh đạo trong tôn giáo mới của Ngài phải có. Ngài mong những người lãnh đạo trong tôn giáo mới của Ngài đừng đi vào vết xe cũ đã đổ của những người đi trước. Sự khác biệt căn bản giữa hai phong cách ấy, một đằng là khuynh hướng vị kỷ của giới lãnh đạo cũ, và đằng kia là khuynh hướng vị tha mà giới lãnh đạo tôn giáo mới phải có.

1.   Khuynh hướng đặt nặng «cái tôi» của giới chức sắc tôn giáo cũ

Trong môi trường tôn giáo, trong các hoạt động tôn giáo, các kinh sư và những người Pharisêu xưa có một động lực rất căn bản là «vì mình», coi «cái tôi» của mình là quan trọng nhất, muốn quy tất cả vinh quang, uy tín, quyền bính, quyền lợi về cho mình, để được sống vinh quang và an nhàn trên đầu trên cổ mọi người. Đang khi thực chất về mặt tâm linh của họ thì chẳng có gì, tất cả chỉ là bề ngoài. Họ giảng dạy những điều hay lẽ phải vì đó là chức năng của họ, nhưng họ giảng là để người khác nghe và thực hiện, chứ chính họ thì chẳng thèm làm. Vì thế, Đức Giêsu khuyên các môn đệ: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào» (Mt 23,3-4).

Đức Giêsu tố cáo tính thích hư danh của họ, thích «cái tôi» của mình được đề cao, ca tụng, được phình to lên trước mặt mọi người: «Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rápbi”» (Mt 23,5-7). Ai không chào hỏi hay xưng hô với họ như thế thì họ khó chịu ra mặt. Điều họ ham thích nhất là quyền bính: có quyền là có thể ép buộc người khác làm theo ý mình, có thể chi phối người khác, được mọi người quỵ lụy, xin xỏ, cầu cạnh, nể sợ. Họ thích mọi người phải nghe lời họ, làm theo ý họ, không thích nghe ai hay làm theo ai cả, vì thế, họ thường bỏ ngoài tai tất cả những góp ý của người khác.

Với một tâm thức như thế, mọi việc làm của họ dù tốt đẹp hay vĩ đại đến đâu, đều trở nên những con số không to tướng trước mặt Thiên Chúa. Vì chỉ những việc làm nào được thúc đẩy hay phát xuất từ tình yêu thương chân thực mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Họ chỉ có thể được đánh giá cao trước người đời chứ không phải trước Thiên Chúa. Và như thế, họ đã được người đời thưởng công rồi (x. Mt 6,2.5), họ chẳng còn công trạng gì trước Thiên Chúa nữa. Việc truyền giáo của họ chỉ đạt được những thành quả hời hợt bên ngoài, không có chiều sâu tâm linh bên trong.

2.   Khuynh hướng từ bỏ «cái tôi» của người theo Chúa

Để theo Ngài, Đức Giêsu đưa ra hai điều kiện rõ ràng: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). Như vậy, điều kiện căn bản nhất của những ai muốn theo Chúa là từ bỏ chính mình, nghĩa là coi nhẹ «cái tôi» của mình; và điều kiện kế đó là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, đau khổ vì tình yêu đối với Ngài và tha nhân. Một khi đã thật sự từ bỏ mình, coi nhẹ «cái tôi» của mình, thì không còn ham được ca tụng, đề cao, không còn ham những hư danh ngoài đời, không còn thích được người ta gọi mình bằng những danh này hiệu nọ, và cũng không còn ham hố quyền bính nữa. Ngài khuyên những người theo Ngài: «Phần anh em, đừng để ai gọi mình là rápbi”» (Mt 23,8a).

Khi ta sống một cuộc đời thánh thiện, được mọi người cảm phục, thì một cách tự phát, họ muốn biểu lộ sự kính trọng cảm phục ấy với ta bằng cách gọi ta là «rápbi». Ngay cả trong trường hợp này, Ngài cũng khuyên ta đừng để họ gọi mình như vậy. Nghĩa là Ngài muốn ta chủ động khuyên họ đừng gọi mình như thế. Lý do: «Vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau» (Mt 23,8b). Ngài muốn người theo Ngài, dù có cao cả đến đâu, cũng tự hạ mình xuống ngang với mọi người, coi mọi người là anh chị em ngang hàng với mình. Có thế ta mới tôn trọng họ, lắng nghe họ, không muốn áp đặt họ phải nghe mình, phải làm theo ý mình. Nếu họ có nghe lời mình thì là vì họ nhận ra lẽ phải ở nơi mình, và họ làm theo lẽ phải ấy chứ không phải làm theo ý mình vì nể nang hay vì sợ mình phật lòng. Ý tưởng này được Đức Giêsu nói rất rõ trong câu: «Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô» (Mt 23,10). Làm sao để họ quan tâm nghe theo ý muốn của Thiên Chúa, người lãnh đạo của họ và của ta, được tỏ lộ trong lương tâm họ, chứ không phải nghe theo ý muốn của ta. Làm sao để mọi người nhận ra không phải ta lãnh đạo, mà là Đức Kitô lãnh đạo nơi con người ta. Phải có tinh thần như Gioan Tẩy Giả: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30); và ý riêng của ta cũng phải lu mờ đi để thánh ý của Ngài được nổi bật lên.

Khuynh hướng từ bỏ «cái tôi» ấy không chỉ cần áp dụng trong Giáo Hội, giáo xứ, giữa giáo sĩ với giáo dân, mà trong tất cả mọi đoàn thể, tập thể, gia đình, giữa giáo dân với giáo dân, giữa người lãnh đạo với tập thể mình lãnh đạo. Phải làm sao để người ta thấy chính Đức Kitô đang lãnh đạo gia đình, tập thể, cộng đoàn… chứ không phải ta lãnh đạo. Cần ý thức rằng bản thân ta và ý của ta không là gì cả, mà Đức Kitô và thánh ý của Ngài mới là quan trọng. Hãy coi chừng, nếu không có ý thức phản tỉnh cao, thì khi điều hành cộng đoàn, rất nhiều trường hợp ta đặt bản thân ta cao hơn cả Thiên Chúa, và coi ý riêng của ta quan trọng hơn thánh ý Ngài. Mà thánh ý Ngài, trong rất nhiều trường hợp, được biểu lộ qua ý kiến hay ý muốn của đa số trong cộng đoàn: «Ý dân là ý Trời» (Vox populi, vox Dei). Nhưng nhiều khi ta lại ỷ vào quyền lãnh đạo của mình phủ nhận mọi ý kiến của người khác, để áp đặt ý riêng của ta lên ý của Thiên Chúa hay ý của đa số. Tất cả chỉ vì ta đã coi «cái tôi» của mình quá quan trọng, nghĩa là ta chưa thật sự «từ bỏ chính mình» như Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài.

3. Một nghịch lý rất thực tế

Trong đời sống tâm linh, nếu ta hồi tâm suy nghĩ, ta thấy ngay chân lý này: ta càng quan trọng hóa «cái tôi» của mình thì tâm linh ta càng trống rỗng Thiên Chúa, trống rỗng sức mạnh và tình yêu của Ngài. Giữa «cái tôi» của ta và sự sống của Thiên Chúa trong ta luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Cái này càng lớn lên thì tất nhiên cái kia càng nhỏ đi, và ngược lại. Nếu sự sống của Thiên Chúa trong ta quá ít do «cái tôi» của ta quá lớn, thì cách hành xử của ta sẽ trở nên y hệt như cách hành xử của các kinh sư và Pharisêu xưa. Ta sẽ là bản sao rất trung thành của họ, cho dù ta có dáng vẻ bên ngoài thánh thiện hay đạo mạo tới đâu, cho dù chức vụ trong tôn giáo của ta có cao vời tới đâu. Tất cả những gì tốt đẹp mà người ta thấy nơi ta chỉ hoàn toàn là bên ngoài, rỗng tuếch chiều sâu bên trong. Lúc đó ta cần lắng nghe lời cảnh báo của ngôn sứ Malakia trong bài đọc 1: «Hỡi các tư tế, nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta» (Ml 1,14b–2,2b.8-9). Lúc đó, lời của Đức Giêsu sẽ được ứng nghiệm: «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên» (Mt 23,12).

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, điều kiện để theo Đức Giêsu là «phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). Nhưng trong thực tế đời sống con, con vừa muốn theo Ngài, lại vừa muốn giữ «cái tôi» của con thật lớn, vừa muốn được hưởng thụ mọi ưu đãi của trần gian. Như thế con có còn là môn đệ đích thực của Ngài nữa không? Xin Cha giúp con thành thật và can đảm nhận ra sự thật nơi con, để con cải thiện thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu, Con Cha.


Joan Nguyễn Chính Kết


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà