HALLELUIA !!!

 

Chúa Nhật Phục Sinh A

 

 

Niềm vui chỉ là mấy phút phù du hay là điểm quan trọng làm nên cuộc đời ?   Đức Giêsu sẽ mạc khải cao điểm cuộc đời chính là niềm vui, chứ không phải đau khổ trong thân phận con người.

 

NIỀM VUI PHỤC SINH.

 

Đức Giêsu đã tìm thấy ý nghĩa khổ đau khi đối diện với cái chết.   Nhưng nếu không dẫn đến Phục sinh, chắc chắn cái chết đó chẳng có ý nghĩa gì cả.   Bởi vậy, Phục sinh phải đem ý nghĩa cho cuộc đời.   Tự bản chất, đau khổ thật là phi lý.   Chính vì thế, Phục sinh trở thành một biến cố vĩ đại nhất, vì trả lại cho đời tất cả những nét tươi mát và trong sáng nhất.  

 

Có ánh sáng Phục sinh, tất cả đêm đen sẽ tan biến.   Làm chứng cho ánh sáng Phục sinh có cả đội ngũ ngôn sứ và tông đồ.    Quả thực, “tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.” (Cv 10:43)   Sứ mệnh cứu độ đó chỉ được hoàn thành trong biến cố Phục sinh. Chính các tông đồ là chứng nhân Phục sinh đã xác quyết : “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.” (Cv 10:40-41)  Người vẫn hiện diện âm thầm như thế trong đời thường.  Những kinh nghiệm cụ thể đó đã bù đắp vào những thiếu sót trong hiện tượng mồ trống, một kinh nghiệm vừa ẩn vừa hiện.  

Hiện trường mồ trống hoàn toàn vắng bóng nhân vật chính.   Đức Giêsu chỉ hiện diện một cách vô hình nơi nấm mồ trống với những băng vải và khăn che đầu, cũng như nơi các môn đệ với những trao đổi qua lại.   Nhưng Người hiện diện mãnh liệt nhất qua niềm tin của môn đệ : “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20:8)  Đức Giêsu Phục sinh.  Mãnh liệt đến nỗi hầu như ông thấy toàn bộ Kinh thánh đều hướng về biến cố Phục sinh và củng cố niềm tin ấy.   Thực vậy, “theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy tự cõi chết.” (Ga 20:9)   Quả thực, làm sao ơn cứu độ có thể mở ra với cái chết như một bế tắc của định mệnh khắc nghiệt ?   Nếu Đức Giêsu kết thúc sứ mệnh nơi cái chết, làm sao có thể thấy được bằng chứng Chúa Cha đã nhận lời Chúa Con ?   Nếu Đức Giêsu không Phục sinh, bao lời Người hứa chỉ là hão huyền và niềm tin thành hư không.  Nếu không sống lại, chắc chắn Đức Giêsu đã không thể làm cho cuộc đời thành một Tin Mừng lớn lao đến thế.

 

Quả thực, sau khi Phục sinh, Đức Giêsu đã làm vang lên khắp vũ trụ lời ca Halleluia.   Chính nhờ Đức Giêsu Phục sinh, thánh Phaolô mới có lý do để hô hào : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa !   Tôi nhắc lại : vui lên anh em !” (Pl 4:4)   Bất cứ ai khi đã gặp Đức Giêsu Phục sinh đều không che dấu nổi niềm vui  bùng vỡ.  Quả thế, khi ra khỏi mộ, các phụ nữ “rất đỗi vui mừng.” (Mt 28:8)   Khi xem thấy chân tay Đức Giêsu, các tông đồ “mừng quá” (Lc 24:41) vì vượt quá sức tưởng tượng.    Niềm vui bùng bỡ vì Đức Giêsu đã sống lại để hoàn thành tất cả công trình cứu độ vĩ đại như Người đã hứa. 

 

Niềm vui từ đầu tỏa xuống toàn thân.   Ngày nay nhiệm thể Đức Giêsu vẫn giữ được trọn vẹn niềm vui đó.   Bằng chứng Giáo Hội vẫn có khả năng rao truyền Tin Mừng Phục sinh cho toàn thể nhân loại.   Sở dĩ  Giáo Hội có khả năng đó vì “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8:11)  Đó là lý do tại sao thánh Phaolô dám quả quyết : “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3:3)      Sự sống mới tràn ngập “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)  Đó là những sức mạnh nâng cao vũ trụ.  Đó là những giá trị thuộc thương giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.”  (Cl 3:1)    Muốn canh tân bộ mặt trái đất và xây dựng một cuộc sống thực sự hạnh phúc, “anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới,” (Cl 3:2) tức là những bất công, ích kỷ, hận thù, tham lam, v.v. Tuy thế, “nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.” (Rm 8:10)   Vì chính Thần Khí sẽ làm cho mọi người sám hối như bước đầu niềm hi vọng, bắt nguồn từ niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh.  

 

NIỀM VUI PHỤC SINH HÔM NAY.

 

Đó là lý do tại sao trong cuộc giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma, cha Raniero Cantalamessa kêu gọi mọi người hãy chiêm ngắm đúng dung nhan Đấng Phục sinh. Theo cha, “người ta đã có cơ hội Phúc âm  hóa và thánh hóa sự đau khổ, nhưng “niềm vui” không được Phúc âm hóa cho đủ.   Dung nhan Đức Kitô đôi khi đã không được chiêm ngắm thỏa đáng vì truyền thống dồn mọi sáng kiến mục vụ vào “thời kỳ cao độ” và tập trung vào việc cử hành các nghi thức mùa chay (Zenit 22/03/2002)    Mười bốn đàng Thánh Giá kết thúc nơi nấm mồ lạnh lẽo.   Làm sao Đức Giêsu có thể mở ra chiều hướng khá hơn cho nhân loại khi đi vào ngõ cụt như thế ?   Cần phải thêm vào nơi thứ mười lăm với hình ảnh Phục sinh huy hoàng mới nói lên trọn vẹn công cuộc cứu độ.   Nếu không, cái chết chỉ đem lại những bế tắc cho cuộc đời vốn đã quá nhiều bế tắc hôm nay.

 

Theo cha Cantalamessa, những thế kỷ đầu, trước khi thiết lập Mùa Chay, Phục sinh đã là một thời gian đặc biệt để chịu các bí tích, học giáo lý và cử hành các nghi thức phụng vụ.   Ngày nay, trái lại, các chủ đề Khổ nạn trổi vượt hơn các chủ đề Phục sinh. “Trong thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng tôi nhận thấy Phúc âm hóa hạnh phúc và niềm vui cũng quan trọng không kém việc Phúc âm hóa sự đau khổ.   Việc Phúc âm hóa đau khổ sẽ làm cho các bạn trẻ và cả những người khác nghĩ rằng Thiên Chúa là kẻ thù của niềm vui, và tưởng rằng đối với Thiên Chúa, mọi thứ hạnh phúc, lễ lạc, niềm vui bộc phát đều là tội lỗi.” (Cantalamessa : Zenit 22/03/02)    Khuynh hướng tự nhiên ai cũng cho đời là bể khổ.   Nhưng nếu nhìn đời theo nhãn quan đó, làm sao Đức Giêsu có thể trở thành Tin Mừng cho trần gian ?

 

Chính ánh sáng Phục sinh sẽ đem Tin Mừng đến cho trần gian đau khổ.  “Phục sinh của Đức Kitô phải là lời khẳng định quyết liệt nhất cho mọi người biết rằng vào cuối đời không còn đau khổ và từ bỏ, nhưng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.   Đức Giêsu đã đập tan xích xiềng của thứ hạnh phúc sinh đau khổ và đã thay thế bằng thứ đau khổ sinh hạnh phúc.” (Cantalamessa :Zenit 22/03/02)    Lúc lên tới tột điểm khổ đau, Đức Giêsu vẫn không đánh mất hạnh phúc.   Giữa lúc mọi sự đều tan rã, Người bám chặt vào tình yêu Thiên Chúa, Đấng sẽ trả lại sự sống cho Người trong vinh quang Phục sinh.    Hơn lúc nào, khi cả nhân loại đang bên bờ diệt vong, Đức Giêsu Phục sinh phải được rao giảng  như niềm vui lớn lao nhất.   “Niềm vui phải là tiếng nói cuối cùng, chứ không phải đau khổ.   Phải cấp thiết làm cho dung nhan Đấng Phục sinh chiếu sáng trước mắt người thời nay.” (Cantalamessa :Zenit 22/03/02)    Nếu không, thế giới vẫn mãi mãi tiêu điều như “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối Maria Mácđala đi đến mộ.” (Ga 20:1)    Hôm nay, Maria và các môn đệ Đức Giêsu đã hăng hái rao giảng Đức Giêsu Phục sinh cho toàn thể nhân loại.  Không còn lý do gì để trở lại cảnh hoang lạnh như nấm mồ trước mắt Maria nữa !

 

Lm. Đaminh Đỗ Vân Lực, OP