Chúa Nhật VII Phục Sinh, A

 

          “Sau khi Đức Giê-su được rước lên trời” là thời điểm Giáo Hội bắt đầu cuộc lữ hành trần gian tiến bước theo chân Người và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần để chờ ngày Chúa Ki-tô quang lâm và hoàn tất công trình cứu độ.  Giáo Hội sẽ làm gì và mọi phần tử phải sống thế nào trong thời gian chờ đợi Chúa lại đến trong vinh quang?  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay phác họa một số nét chính đời sống của Giáo Hội sơ khai và nhất là mối quan tâm lo lắng của Chúa Giê-su đối với các phần tử của Giáo Hội Người.

1.  Một Giáo Hội “đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện” (bài trích sách Công vụ Tông Đồ – Cv 1:12-14)

          Khởi đầu lịch sử Giáo Hội được mô tả bằng một hình ảnh đơn sơ, nhưng hết sức ý nghĩa:  đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện.  Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem phải có một chương trình hoạt động thật bận rộn vào lúc ban đầu.  Tuy nhiên việc làm đầu tiên cũng phải là việc hết sức quan trọng, vì tương lai của Giáo Hội sẽ tùy thuộc vào việc làm ấy.  Các Tông đồ không bàn thảo kế hoạch để tổ chức Giáo Hội thành một cơ cấu giống như bất cứ tôn giáo nào.  Họ không ngồi lại để quy định những luật lệ, lễ nghi tôn giáo, đường lối quản trị.  Nhưng họ lại quan tâm đến một sinh hoạt mà ta không ngờ, đó là phát triển tinh thần đồng tâm nhất trí và gia tăng việc cầu nguyện.

          Thực vậy, đồng tâm nhất trí là một sức mạnh giúp ta thắng vượt được những khó khăn trong việc xây dựng một cộng đồng, cho dù cộng đồng ấy là một cộng đồng bé nhỏ như gia đình chẳng hạn.  Sự đồng tâm nhất trí của Giáo Hội sơ khai đã được củng cố nhờ những lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trong bốn mươi ngày và giúp họ hiểu thấu đáo giáo lý của Người.  Điều này được minh chứng qua những bài giảng của các Tông đồ với một dàn bài quy củ giống nhau và cách trình bày của các ngài cũng tương tự như nhau (xem Cv 2:14-36; 3:13-26; 4:10-12; 5:30-32; 10:36-43 và 13:17-41).  Có nhất trí trong cùng một đức tin, các Tông đồ mới có thể ra đi rao giảng về cùng những niềm tin ấy cho mọi người.  Đức tin là chính yếu, còn sinh hoạt Phụng vụ chỉ là những cách để ta biểu tỏ đức tin ấy.  Nếu có đồng tâm nhất trí trong đức tin, tín hữu mới có thể đồng tâm nhất trí trong cách sống đức tin ấy bằng những hành động phụng vụ, luân lý, bác ái và truyền giáo.

          Giáo Hội sơ khai đặt nặng việc chuyên cần cầu nguyện.  Trong các sinh hoạt của Giáo Hội được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ, ta thấy việc cầu nguyện đã trở thành một chủ đề quan trọng và được thực hành do cộng đoàn cũng như cá nhân.  Cầu nguyện chung đều do các Tông đồ chủ trì, trong các dịp quan trọng thí dụ như cử hành nghi thức bẻ bánh (2:42-46), chọn ông Mát-thi-a (1:24), xin Chúa ban Thánh Thần xuống (8:15), khi bị bách hại (4:24-31; 12:5-12), cầu cho các vị truyền giáo (13:3; 14:23).  Việc cầu nguyện riêng cũng thường gặp ở nhiều trường hợp, như ông Tê-pha-nô cầu nguyện khi bị ném đá (7:59-60), ông Sao-lô khi trở lại (9:11), ông Phê-rô tại nhà ông Co-nê-li-ô (10:9; 11:5).

          Buổi cầu nguyện tại nơi các Tông đồ trú ngụ ở Giê-ru-sa-lem là một biểu trưng cho Giáo Hội chuyên cần cầu nguyện.  Các ngài cùng cầu nguyện với sự hiện diện và hiệp thông của Mẹ Ma-ri-a, mấy phụ nữ đã từng theo giúp Chúa Giê-su và các anh em của Chúa Giê-su.  Dĩ nhiên, các “anh em của Đức Giê-su” là “những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8:21).  Tham dự việc cầu nguyện chung ở bất cứ đâu, như gia đình, giáo xứ, giáo phận hay Giáo Hội toàn cầu, ta sẽ thấy hình ảnh cầu nguyện của Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem như được tái diễn thật vô cùng sống động.

2.  Một Giáo Hội của những anh chị em “bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô” (bài Thánh Thư – 1 Pr 4:13-16)

          Bên cạnh những nét đẹp về sự hiệp nhất và cầu nguyện, Giáo Hội phải đương đầu với việc bách hại, trước hết do những người đồng bào Do-thái.  Các Tông đồ bị bắt bớ và đánh đập.  Tín hữu bị bạc đãi và sống ẩn lánh ở những vùng sâu vùng xa.  Đứng trước những bách hại vì đức tin, Ki-tô hữu có thể nản lòng.  Với tư cách là vị đại diện Chúa Ki-tô, thánh Giáo Hoàng Phê-rô đã ân cần nhắn nhủ tín hữu hãy có cái nhìn tích cực về việc chịu đau khổ và sỉ nhục vì danh Chúa.  Trước hết chịu bách hại có nghĩa là “được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô”.  Cho nên đó là một vinh dự làm cho ta được vui mừng.  Hơn nữa, thập giá là con đường đưa tới vinh hiển, cho nên thêm một lý do nữa để ta vui mừng hoan hỷ, tức là ta sẽ được chung phần vinh hiển với Đức Ki-tô.

          Tiếp đến, chịu bách hại là một “mối phúc”, vì để giúp ta đối phó với bách hại, Thánh Thần sẽ đổ xuống trên ta ơn sức mạnh và khôn ngoan.  “Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì thì hãy nói điều ấy:  thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói” (Mc 13:11).  Càng nhiều bách hại, ơn Chúa Thánh Thần càng đổ xuống nhiều hơn.

          Hiên ngang với danh hiệu Ki-tô hữu là cách để ta tôn vinh Thiên Chúa.  Tuy nhiên hiên ngang không có nghĩa là tự cao tự đại với cái nhãn hiệu Ki-tô hữu, nhưng là sống sao cho xứng đáng với danh hiệu ấy.  Có biết bao Ki-tô hữu ngày nay hữu danh vô thực.  Họ được rửa tội làm con Chúa, nhưng chỉ đến nhà thờ khi cần thiết như làm đám cưới, rửa tội cho con cái, mà suốt cuộc đời không muốn sống đạo cho đúng nghĩa.  Họ muốn làm con Chúa, nhưng lại không muốn “tôn vinh Thiên Chúa”.

3.  Một Giáo Hội theo gương Chúa Giê-su tôn vinh Thiên Chúa (bài Tin Mừng – Ga 17:1-11a)

          Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã nói đến mục đích việc Người đến trần gian là để tôn vinh Chúa Cha khi Người chu toàn sứ vụ Ki-tô.  Người đến với sứ mệnh giúp cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa yêu thương họ đến chừng nào.  Để chứng tỏ tình Chúa yêu nhân loại, Chúa Giê-su đã chết trên thập giá, đổ hết máu ra làm giá chuộc tội lỗi loài người.  Nhiệm vụ của Người là tiêu diệt sự chết và ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, tình yêu nhập thể làm người nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

          Thực vậy, Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh và Người “đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho”.  Hoàn tất công trình cứu độ ở trần thế là phương thức Chúa Giê-su tôn vinh Thiên Chúa.  Sau khi Chúa về trời thì việc tiếp tục công trình cứu độ là sứ mệnh Chúa trao cho Giáo Hội, để Giáo Hội trở nên công cụ Người sử dụng mà đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Do đó, nếu Giáo Hội đang cố gắng chu toàn sứ mệnh cứu độ, thì đó cũng cùng là phương thức tôn vinh Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã làm khi còn tại thế.

          Chúa Giê-su đã cho ta một cách rất cụ thể để tham gia vào công trình cứu độ và tôn vinh Thiên Chúa, đó là “biết danh Cha, thuộc về Cha và tuân giữ lời Cha”.  Ta biết được Chúa Cha là Đấng nào khi ta “thấy” được Chúa Giê-su là ai.  Ta thuộc về Chúa Cha nếu ta “ở lại” trong Chúa Giê-su.  Ta tuân giữ lời Cha khi ta thực hành những điều Chúa Giê-su dạy, vì Người chính là Lời của Thiên Chúa.  Nhưng tiến trình “biết, thuộc về và tuân giữ” không phải là điều dễ thực hành, nhất là khi ta phải đối phó với những cám dỗ của ma quỷ và thế gian.  Thêm vào đó, những bách hại luôn đến với ta từ mọi phía làm cho ta chán nản sợ hãi đến nỗi không muốn biết Chúa, thuộc về Chúa và thực hành những gì Chúa dạy.  Chúa Giê-su đã nhìn thấy trước những điều ấy, nên Người đã đặc biệt cầu nguyện cho họ.  Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su chắc chắn phải mang lại hiệu quả, bằng chứng là qua bao thế kỷ, Giáo Hội vẫn không ngừng phát triển và không thiếu những tín hữu luôn trung thành với sứ mệnh “tôn vinh Thiên Chúa.  Tôn vinh bằng đời sống đúng danh nghĩa Ki-tô hữu.  Tôn vinh bằng những chứng từ cho giá trị Tin Mừng.  Tôn vinh bằng cách hiên ngang chịu sỉ nhục vì danh hiệu làm môn đệ Chúa Ki-tô và làm con cái Thiên Chúa.

4.  Sống Lời Chúa

          Để chuẩn bị tâm hồn tin hữu đón nhận Chúa Thánh Thần, Chúa Nhật cuối cùng của mùa Phục Sinh cho ta một gương mẫu là Giáo Hội sơ khai tại Giê-ru-sa-lem đã làm gì để đón chờ Thánh Thần hiện xuống.  Họ đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện.  Họ nhận thức cần phải có ơn Chúa Thánh Thần thì mới có thể đối phó được với những khó khăn do việc bách hại.  Nhất là Thánh Thần sẽ giúp họ chu toàn sứ mệnh khó khăn là tôn vinh Thiên Chúa bằng cách nhận biết Chúa, thuộc về Người và tuân giữ Lời Người.

Suy nghĩ:  Thánh Phê-rô dạy:  “Nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó”.  Đó có phải là trường hợp của tôi không?  Và tôi đã đối phó bằng cách nào để tôn vinh Thiên Chúa?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, Chúa đã sai Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh;  xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con đem hết nhiệt tâm phụng sự Chúa và luôn luôn hiệp nhất cùng nhau.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, Thứ Tư tuần VII Phục Sinh).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

ngày 2-5-2008


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà