Chúa Nhật II Mùa Chay

 

          Lịch sử cứu độ diễn tiến trong lịch sử nhân loại, với những giai đoạn hoặc thời điểm quan trọng.  Trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi Áp-ra-ham là một biến cố chuẩn bị thực hiện công trình cứu độ.  Thiên Chúa muốn thiết lập một dân tộc đặc biệt để từ một người con của dân tộc ấy là Đức Giê-su Ki-tô, việc cứu độ sẽ được khởi đầu và hoàn tất.  Cũng thế, Thiên Chúa kêu gọi Con Một Người trên một ngọn núi cao trong cuộc Hiển dung là để Con Một Người đáp lại và hoàn tất sứ mệnh cao cả cứu độ muôn người.  Đề tài của lời Chúa hôm nay chính là việc Chúa kêu gọi và thiết lập một dân thánh, đồng thời kêu gọi ta hãy làm một phần tử của dân thánh ấy.

1.  Thiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham để thiết lập một dân thánh (bài đọc Cựu Ước – St 12:1-4a) 

          Việc Thiên Chúa kêu gọi luôn bao hàm một sự rời bỏ và ra đi.  Rời bỏ tất cả những gì thuộc về con người được kêu gọi và ra đi với một sứ mệnh cần phải thực hiện với tất cả lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa.  Ông Áp-ram quê thành Ur miền Lưỡng hà địa cũng không vượt qua những điều kiện ấy.  Ông được Thiên Chúa kêu gọi bỏ lại tất cả tại quê cha đất tổ để lên đường đi tới một nơi chưa hề biết.  Người nói với ông:  “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”.   Mệnh lệnh này đòi hỏi một lòng tin tuyệt đối mới có thể thi hành được.  Ta thử đặt mình vào hoàn cảnh ông Áp-ram.  Tất cả những gì ông đang có trong tay không phải nhỏ bé tầm thường.  Nhà cao cửa rộng, những đàn súc vật đếm không xuể, kẻ ăn người làm tấp nập, họ hàng bà con quây quần chung quanh.  Quả thực Áp-ram đã được chúc phúc thật nhiều và người ngoài chỉ mong được một phần nhỏ xíu phúc lành của ông thì đã mãn nguyện.  Vậy mà giờ đây Thiên Chúa bảo ông hãy bỏ lại hết.  Để bù lại, Người ban cho ông một lời hứa không căn cứ, đồng thời cũng là một sứ mệnh:  “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi”.  Chỉ có vậy thôi thì làm sao mà tin nổi.  Vậy mà Áp-ram đã tin và ông đã bỏ lại tất cả, đã ra đi, bước vào một cuộc hành trình đức tin nơi Thiên Chúa.

          Vậy ông Áp-ra-ham đã tin vào Thiên Chúa như thế nào?  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma ca tụng lòng tin của Áp-ra-ham:  “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: ‘Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế’.  Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết.  Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng:  điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4:18-22).

          Thánh Phao-lô nêu cao đức tin của ông Áp-ra-ham là để đưa ta tới một chân lý quan trọng:  “Chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết;  Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4:24-25).

2.  Trên núi cao, Thiên Chúa kêu gọi Đức Giê-su chu toàn sứ mệnh cứu độ nhân loại (bài Tin Mừng – Mt 17:1-9)

          Để chuẩn bị kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Áp-ra-ham làm tổ phụ dân riêng của Người.  Giờ đây, trên một ngọn núi cao, Người gọi Đức Giê-su tiếp tục sứ mệnh, là lên Giê-ru-sa-lem và sẵn sàng chấp nhận cuộc Thương Khó và cái chết khổ nhục.  Cuộc Hiển dung của Chúa Giê-su trên núi là dịp để Người quyết định dấn thân trong giai đoạn cam go nhất của sứ mệnh.  Sự hiện diện và đàm đạo của ông Mô-sê với ngôn sứ Ê-li-a nói lên sứ mệnh của Chúa Giê-su là phải thực hiện mọi điều được nói trong sách Lề Luật và các ngôn sứ, như chính Người đã ba lần tiên báo cho các môn đệ:  Con Người sẽ bị nộp, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại.

          Rao giảng Tin Mừng cứu độ và bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa là nội dung sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Cao điểm sứ mệnh của Người là những ngày cuối cuộc đời dương thế Người phải chấp nhận cuộc Thương Khó và cái chết để làm chứng Thiên Chúa yêu thương nhân loại.  Cũng như cuộc kêu gọi ông Áp-ra-ham, Chúa Giê-su cũng phải từ bỏ tất cả vinh quang, ra đi mặc lấy kiếp phàm nhân và sống tuân phục đến bằng lòng chịu chết (Pl 2:6-8).

          Lời Chúa Cha phán từ đám mây sáng ngời ngầm hiểu Chúa Giê-su đã quyết định làm theo thánh ý Chúa Cha:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.  Nếu Người không quyết định chu toàn thì Người đâu có phải là Con yêu dấu của Chúa Cha!  Quả thực, Người đã thực sự chết trên thập giá như Người đã khẳng định:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).

3.  Thiên Chúa kêu gọi ta vào làm dân thánh của Người (bài đọc Tân Ước – 2 Tm 1:8b-10)

          Hai câu truyện Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ Áp-ra-ham và Đức Giê-su là những biến cố quan trọng trong cuộc thực hiện kế hoạch cứu độ.  Tuy nhiên còn một câu truyện Thiên Chúa kêu gọi thứ ba cũng không kém phần quan trọng, đó là Người kêu gọi hết mọi người làm dân thánh của Người.  Cuộc kêu gọi từng người này được mệnh danh là Tin Mừng do Chúa Giê-su khởi sự rao giảng, rồi tiếp theo là các tông đồ và Giáo Hội mọi thời mọi nơi.  Việc kêu gọi này đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng “đã tiền định cho ta làm nghĩa tử của Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (Ep 1:5).

          Suy niệm về kế hoạch này của Thiên Chúa, thánh tông đồ quả quyết rằng không phải vì những việc lành thánh ta làm mà ta xứng đáng được Thiên Chúa kêu gọi, nhưng là hoàn toàn do kế hoạch và ân sủng của Người.  Nếu thế, ta phải đội ơn Thiên Chúa biết chừng nào và phải luôn chuẩn bị dẵn sàng để lãnh nhận ơn cứu độ!

          Ngoài ra thánh Phao-lô còn kêu gọi người môn đệ thân yêu của ngài là ông Ti-mô-thê hãy đồng lao cộng khổ với ngài mà loan báo Tin Mừng.  Nhưng liệu ta có phải làm như ông Ti-mô-thê là loan báo Tin Mừng hay không?  Dĩ nhiên là có.  Mỗi người có một hoàn cảnh, một khả năng để loan báo Tin Mừng cứu độ.  Tuy nhiên nếu ta không chính mình tiếp nhận Tin Mừng cứu độ thì làm sao có thể loan báo được.  Chẳng ai có thể cho đi những gì mình không có.  Ta được mời gọi dự phần vào công cuộc cứu độ, không phải riêng cá nhân ta, nhưng đồng hành với tất cả dân thánh.  Do đó, lời gọi vào làm dân thánh và đáp trả của ta là một tiến trình liên tục suốt cuộc đời và liên hệ với toàn thể thành phần dân Chúa.  Mùa Chay là thời thuận tiện để ta củng cố lại quyết định đáp trả lời gọi của Thiên Chúa.  Một cách cụ thể hơn, mùa Chay sẽ là thời gian để ta cảm nhận mạnh mẽ hơn thực tại thuộc về dân thánh và bổn phận sống đích thực căn tính con Thiên Chúa của ta.

4.  Sống lời Chúa

          Các bài đọc hôm nay mở ra cho ta một chân trời mới.  Sứ mệnh của ông Áp-ra-ham và của Chúa Giê-su đã được chu toàn theo kế hoạch của Thiên Chúa.  Các ngài đã chu toàn bằng cách sống trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa, nhờ đó dù sứ mệnh khó khăn và sức loài người không thể làm nổi, thì các ngài cũng đã khắc phục được cả và xứng đáng với danh hiệu “cha của đức tin” và “Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha”.  Chân trời mới của ta lả được mời gọi làm dân thánh, làm con đích thực của Chúa.

Suy nghĩ:  Từ đám mây sáng ngời tiếng Thiên Chúa Cha phán với ba môn đệ của Chúa Giê-su:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”  Vậy nếu quả thực tôi là môn đệ Chúa Ki-tô, tôi đã “vâng nghe lời Người” chưa?  Nói lên những điều cụ thể chứng tỏ tôi vâng nghe Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng cdon phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa;  xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II mùa Chay)      

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà