KỲ THÚ

Chúa nhật 3A Mùa Chay

 

 

 

Nhân loại có cần đươc cứu độ không ?    Hình như nhu cầu hằng ngày đã lấn lướt mọi nhu cầu khác và nhất là không liên quan gì tới ơn cứu độ.   Nhưng chính từ những nhu cầu ăn uống tầm thường hằng ngày, Đức Giêsu đã mạc khải chân lý vĩ đại.

 

TỪ ĐỘC THOẠI TỚI ĐỐI THOẠI

 

Thật là thú vị khi theo dõi cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và phụ nữ Samari tại bờ giếng Giacóp. Bình thường không thể có cuộc đối thoại như thế, vì “người Do thái không được giao thiệp với người Samari.” (Ga 4:9)  Nhưng một ranh giới đã vượt qua, khi Đức Giêsu khéo léo bắt chuyện: “Chị cho tôi xin chút nước uống !” (Ga 4:7)  Thường người ta chỉ ra kín nước ban sáng hay chiều. Chị đã cố ý ra giếng buổi trưa để tránh né những cái nhìn xăm xoi vào đời tư, vậy mà cũng không thoát khỏi. Nhưng cuộc gặp gỡ vượt quá sức tưởng tượng ban đầu.

Cuộc đối thoại nhiều lần như bị khựng lại. Nhiều lần có nguy cơ trở thành độc thoại. Vừa mở miệng, Đức Giêsu đã bị người phụ nữ “kê tủ đứng” rồi : “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?” (Ga 4:8)  Nhưng Đức Giêsu đã khai thông bế tắc một cách dễ dàng.  Trước tiên, Người muốn cho chị khám phá con người đang đối diện với chị không phải chỉ là một tập hợp những yếu tố vật chất với những nhu cầu tầm thường.  Nhưng đó là “ân huệ Thiên Chúa”  (Ga 4:10) vô cùng vĩ đại mà chị không nhận ra.  Vĩ đại vì từ nơi Người mạch “nước hằng sống” (Ga 4:10) sẽ tuôn trào cho toàn thể nhân loại. Đức Giêsu muốn chứng tỏ mình là Thiên sai. Vì “chỉ có Thiên sai mới có thể làm cho con người thỏa niềm ước mong.” (Life Application Study Bible 1991:1880)  Cựu Ước từng tôn xưng Thiên Chúa là mạch nước hằng sống (Tv 36:9) và là suối nước trường sinh (Gr 17:13).  Trong khi phụ nữ đó đề cao tổ phụ Giacóp như ân nhân của dân làng vì đã cung cấp nguồn nước cho bao thế hệ, Đức Giêsu lại muốn cho chị thấy mình trổi vượt hơn tổ phụ, vì “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.” (Ga 4:14)   

Nói đến thế mà chị vẫn chưa hiểu !  Đúng là cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”.   Đức Giêsu tìm cách tháo gỡ dần dần cái vòng luẩn quẩn đó. Chị giật mình khi tất cả đời tư bị phơi bày ra ánh sáng.  Làm sao một người xa lạ như Đức Giêsu có thể biết được chuyện chồng con của chị ?!  Cứ tưởng Người như tất cả thanh niên khác, chị lấm lét thở dài : “Tôi không có chồng.” (Ga 4:17)   Chị muốn làm một lá chắn thật dầy để che đậy tất cả bí mật màn the.  Đức Giêsu cảm thấy thương hại cho người phụ nữ Samari. Người không kết án chị là người dối trá.   Trái lại, Người dựa ngay vào lời chị để mạc khải một sự thật khiến chị phải thốt lên : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ …” (Ga 4:19)  Câu truyện đi vào khúc rẽ quan trọng.  Một mạc khải lóe lên ngay trong đời thường.  Phải lên núi cao biến hình, Đức Giêsu mới có thể mạc khải cho các môn đệ sự thật về mình.   Ngay cả khi vào sa mạc chịu cám dỗ, phải có Thánh Linh hướng dẫn, Đức Giêsu mới xác định được căn tính giữa những tương quan chằng chịt trong trời đất.   

Mỗi mạc khải đều kèm theo một lời mời gọi.   Khi nhận ra Đức Giêsu là ngôn sứ, chị được kêu mời trở về với Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa không lệ thuộc vào nơi chốn hay con người.   Quả thực, “giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng Chúa Cha  trong thần khí và sự thật vì Thiên Chúa là thần khí” (Ga 4:23-24)  Những đầu óc đặc sệt vật chất không thể hiểu nổi Thiên Chúa.   Bởi vậy, họ đóng khung Thiên Chúa trong những phạm trù hoàn toàn trần tục.   Những tâm trí đó không thể thấy những nét kỳ diệu trong cuộc đối thoại vô cùng lý thú bên bờ giếng Giacóp hôm nay.   

 

Nhờ sống lâu trong truyền thống tôn giáo, chị đã hiểu ngay được vấn đề khi nhìn nhận Đức Giêsu là ngôn sứ.  Ngay từ nhỏ chị đã được nghe mạc khải về thời kỳ cứu độ : “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến.   Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” (Ga 4:25)   Chụp ngay cơ hội, Đức Giêsu nói tất cả sự thật về mình : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4:26)   Niềm tin lên tới tột đỉnh khi chị nghe thấy trong lời Đức Giêsu vang vọng tiếng Giavê tự xác định chính mình với ông Môsê bên Ai cập (x. Xh 3:14)  Tới đây chị không thể kìm hãm nổi tiếng thôi thúc trong tim nữa.  Vô cùng kinh ngạc và sung sướng, “người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : ‘Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.   Oâng ấy không phải là Đấng Kitô sao ?’” (Ga 4:28-29)   Phải chăng chị đã bỏ lại đằng sau tất cả biểu tượng của niềm tin cũ (vò nước bên bờ giếng Giacóp) để lao tới trước theo tiếng gọi của niềm tin mới vào Đức Giêsu ?    Chị đã trở thành người loan báo Tin Mừng đầu tiên cho dân làng. Thực vậy, “có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng.” (Ga 4:39)  Dầu sao, người rao giảng Tin Mừng cũng chỉ đóng vai trung gian.   Muốn được cứu độ, người ta phải đích thân băng qua cầu đó.   Sự thật ấy đã được các dân làng Samari chứng minh : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biêt ;rằng Người thật là Đấng cựu độ trần gian.” (Ga 4:42)

Bên cạnh cuộc đối thoại thú vị với phụ nữ Samari, Đức Giêsu còn lợi dụng mấy giây phút ngắn ngủi hàn huyên với các môn đệ để mạc khải một chân lý vĩ đại.   Cũng như phụ nữ Samari, đầu óc các ông chỉ “sà sà ngọn cỏ”.    Từ chủ đề “nước”, Đức Giêsu đã nói về “nước hằng sống” là Thánh Linh, mạc khải về bản chất Thiên Chúa là “thần khí”, và chính mình như “một ngôn sứ”, “Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô” và “Đấng cứu độ trần gian”.  Còn chủ đề “lương thực” đưa tới một sự thật : “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” ( Ga 4:34)   Như thế Người đã mạc khải về bản chất và sứ mạng của Ba Ngôi trong công cuộc cứu độ toàn thể nhân loại.   Nhờ kiên nhẫn, Đức Giêsu đã biến phụ nữ Samari và các môn đệ thành những chứng nhân và sứ giả Tin Mừng.

 

CHỨNG  TỪ SỐNG ĐỘNG.

 

Những sứ giả đó không được huấn luyện trong các trường đại học, nhưng ngay giữa chợ đời với những câu chuyện hằng ngày xoay quanh vấn đề ăn uống.   Cơm áo là  tầm thường !   Nhưng dưới cái nhìn của Đức Giêsu, chẳng có gì tầm thường đến nỗi không thể vận dụng vào việc mạc khải những chân lý cao siêu.   Nhiều lần người môn đệ  cũng đã đối thoại với Thày chí thánh ngang qua những thực tế tầm thường trong cuộc sống.    Nếu không, làm sao những anh chị em Đa Minh Việt Nam, chẳng hạn, có thể đem niềm an ủi đến cho đồng bào đau khổ trong các trại phong, khuyết tật, ung bướu hay đến các em kém may mắn không được cắp sách đến trường, những đồng bào thiểu số trên cao nguyên?   Khi cung cấp lương thực hay nguồn nước trong lành cho đồng bào, anh chị em đã gieo Tin Mừng hi vọng vào hoàn cảnh tăm tối của họ.

Những nỗ lực như thế vô cùng cần thiết để xoay đổi cục diện thế giới hôm nay.  Các nhà lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo Sunni đều cho rằng “lúc nào cũng cần phải chú ý tới các phương diện cơ  bản của xã hội : đời sống gia đình, giáo dục, phát triển xã hội, ảnh hưởng thông tin đại chúng, cổ động công lý và tình liên đới trong những quốc gia và trên một tầm mức quốc tế.” (Zenit, Feb. 27, 2002)   Có những hạng người cực đoan không bao giờ lắng nghe lẽ phải.  “Đối thoại không đủ để chinh phục, nhưng cần phải cổ võ việc phát triển toàn diện” (Zenit, Feb. 27, 2002) mới lôi kéo những con người đó.   Đó là đường lối Đức Giêsu chinh phục chị Samari và các môn đệ.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà