Chúa Nhật III mùa Chay

 

          Ta đã có dịp suy niệm về lòng tin của Chúa Giê-su nơi Thiên Chúa khi Người chống lại cám dỗ của ma quỷ trong hoang địa (CN I mùa Chay) và khi Người quyết định chấp nhận cuộc Thương khó trong lúc Hiển dung trên núi (CN II mùa Chay).  Giờ đây, đến lượt ta phải xét lại lòng tin của ta vào Chúa Ki-tô như nền tảng để được đồng hình đồng dạng với Người và được Người cứu độ.  Để giúp ta xét lại lòng tin ấy, Phụng vụ Lời Chúa kể lại câu truyện Cựu Ước về ông Mô-sê cùng dân Chúa đã thử thách Thiên Chúa trong sa mạc và câu truyện Tân Ước về cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su bên bờ giếng Gia-cóp với người phụ nữ Sa-ma-ri.  Đồng thời đoạn thư thánh Phao-lô cũng mời gọi ta hãy hết lòng tin vào tình yêu Thiên Chúa, tình yêu sẽ cứu độ ta.

1.  Lòng tin của ông Mô-sê và dân Ít-ra-en (bài đọc Cựu Ước – Xh 17:3-7)

          Trong Cựu Ước, nhiều nơi chốn hoặc nhân vật được đặt tên là để nói lên sự cố đã xảy ra tại đó hoặc sứ mệnh người ấy sẽ thi hành.  Trong câu truyện Cựu Ước hôm nay, hai địa danh Ma-xa và Mơ-ri-va trong sa mạc Xin có nghĩa là thử thách và gây sự.  Đúng vậy, dân Ít-ra-en đã thử thách và gây sự với Thiên Chúa, Đấng đem họ ra khỏi ách nô lệ cho Ai-cập và đang đưa họ vào Đất hứa.

          Ra đi và sống trong điều kiện khó khăn của sa mạc, mọi sự đều thiếu thốn chứ không được thoải mái như những ngày tại Ai-cập.  Ngay cả những nhu cầu tối thiểu quan hệ tới sự sống còn cũng thiếu thốn, thí dụ của ăn nước uống.  Rời Ai-cập, dân Ít-ra-en đóng trại tại Ê-lim.  Lương thực mang theo từ Ai-cập bắt đầu cạn.  Họ nhổ trại lên đường vào sa mạc, từ đây thử thách ngày càng nhiều và họ bắt đầu phàn nàn kêu trách Chúa và ông Mô-sê.  Họ thèm ăn bánh với thịt và Chúa đã cho xuất hiện man-na cùng chim cút để họ được no nê (Xh 16).  Tiếp tục lên đường tới sa mạc Xin, họ không có nước uống.  Thế là lại thêm một màn kêu trách và dân chúng còn muốn ném đá ông Mô-sê cho chết nữa.  Thiên Chúa can thiệp và Người dạy ông Mô-sê lấy cây gậy đã cứu dân tại sông Nin mà đập vào tảng đá ở núi Khô-rếp để nước chảy ra cho dân chúng uống.  Tuy nhiên không chỉ có dân Ít-ra-en thử thách Chúa, mà chính lòng tin của ông Mô-sê cũng bị thử thách.  Thiên Chúa dạy ông cầm gậy đập vào tảng đá chỉ một lần, nhưng ông lại đập hai lần.  Do đó, ông đã bị Thiên Chúa trừng phạt không được vào Đất hứa cùng với dân chúng, nhưng phải chết bên kia bờ sông Gio-đan (Ds 20:1-13).

          Lòng tin bị thử thách là điều có thể xảy đến cho mọi người, từ vị giáo hoàng cho đến người tín hữu, nhất là khi con người gặp phải những nghịch cảnh.  Khi ta nghĩ rằng chỗ đứng của Chúa trong đời ta không còn ý nghĩa, lời Chúa không còn chiếu sáng đường đi của ta và thậm chí cả đến sự can thiệp của Chúa không như ta mong muốn, thì những lúc ấy chính ta đang thử thách Chúa và lòng tin của ta đang gặp hiểm nguy.  Dân Ít-ra-en đả thử thách Thiên Chúa rằng:  “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17:7).  Không riêng gì dân Ít-ra-en ngày xưa, mà mọi thời mọi nơi thứ thử thách ấy vẫn tái diễn trong tâm hồn mọi người.  Thực ra, luôn có những dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Chúa trong đời ta, nhưng rất nhiều khi ta không muốn đọc những dấu chỉ ấy, hoặc chỉ muốn thay thế những dấu chỉ ấy bằng những dấu chỉ do ta tạo nên.  Thí dụ, nếu quả thực có Chúa trong đời tôi, thì tôi phải được khỏi bệnh, phải có việc làm, phải được ơn này ơn nọ… Trong câu truyện Cựu Ước, Chúa bảo Mô-sê:  “Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đả ở núi Khô-rép”.  Đúng thế, Chúa luôn luôn hiện diện trước mặt Mô-sê và Người cũng luôn hiện diện trước mặt ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Như vậy, ta không thể nghi ngờ gì về sự hiện diện của Chúa nữa.

2.  Lòng tin vào Chúa Giê-su của người phụ nữ Sa-ma-ri (bài Tin Mừng – Ga 4:5-42)

          Câu truyện Tân Ước không phải là câu truyện lòng tin Chúa bị thử thách mà là câu truyện nhận được lòng tin vào Chúa Giê-su.  Vì Chúa là đối tượng lòng tin của ta nên đức tin được gọi là nhân đức đối thần.  Chính Chúa và thế giá uy quyền của Người đã đem lại lòng tin cho ta, do đó đức tin là điều Chúa ban cho ta chứ không phải tự ta tạo ra được.  Vậy ta hãy đi vào khung cảnh gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Xy-kha, để xem Chúa đã đem đức tin đến cho bà như thế nào.

          Chúa Giê-su ngồi bên bờ giếng, chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ quan trọng với người phụ nữ Sa-ma-ri, một cuộc gặp gỡ để người ta nhận ra mình là ai:  con người tội lỗi nhận biết và tin kính Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ.  Từ câu chuyện xin nước uống, Chúa Giê-su đã khéo léo đưa tới việc khám phá ra căn tính của nhau.  Về phía người phụ nữ Sa-ma-ri, căn tính dần dần được biểu lộ rõ rệt hơn.  Trước hết bà chỉ là “một phụ nữ Sa-ma-ri”, sau đó bà là người “không có chồng”, rồi là người “đã có năm đời chồng” và cuối cùng là người đang sống với người đàn ông không phải là chồng!  Căn tính càng lộ, hình ảnh của bà càng tối tăm thêm.  Trái lại, càng nhận biết thân phận mình, bà càng tiến thêm trong cuộc khám phá căn tính của Chúa Giê-su.  Về phần Chúa Giê-su, đầu tiên người phụ nữ Sa-ma-ri chỉ coi Chúa Giê-su là “người Do-thái”, dĩ nhiên là một người không thể thân thiện với người Sa-ma-ri.  Tiếp theo là một nghi vấn của người phụ nữ Sa-ma-ri:  “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp?”  Rồi sau khi Chúa Giê-su cho biết bà đang sống với người đàn ông không phải là chồng thì bà coi Chúa là “một ngôn sứ”.  Sau cùng, được nghe Chúa giải thích về sự thờ phượng đích thực trong thần khí và sự thật, bà đã nghi ngờ Người chính là “Đấng Mê-si-a”.  Tới lúc này, Chúa Giê-su đích thân mặc khải cho bà:  “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.

          Đức tin của người phụ nữ Sa-ma-ri tiến triển từng giai đoạn.  Tuy nhiên có một điểm rõ ràng trong câu truyện là khi bà càng thật lòng và khiêm nhượng nhìn nhận con người tội lỗi của bà thì bà càng thấy rõ hơn Chúa Giê-su là Đấng nào.  Lòng tin tỷ lệ với lòng khiêm nhượng.  Nếu ta càng khiêm nhượng nhìn nhận sự siêu việt của Chúa thì lòng tin của ta càng lớn.  Đúng vậy, làm sao ta có thể được cứu độ nếu ta không tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế?  Đây cũng là lý do Giáo Hội chọn bài Tin Mừng này cho cuộc sát hạch các dự tòng lần thứ nhất, để họ công khai tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế trước khi họ được rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh.

3.  Lòng tin của ta vào Chúa Ki-tô, Đấng đã chết để cứu độ ta (bài đọc Tân Ước – Rm 5:1-2,5-8)

           Thánh Phao-lô đã trình bày sự cần thiết của đức tin vào Chúa Ki-tô.  Nhờ đức tin, chúng ta được trở nên con cái Chúa qua Bí tích Rửa tội và bắt đầu sống “niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”.  Hành trình đức tin của ta là hành trình tin rằng Thiên Chúa yêu thương ta.  Mà bằng chứng của lòng yêu thương ấy chính là Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta.  Thánh Phao-lô giúp ta nhận ra lòng yêu thương của Thiên Chúa như sau:  “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta”.  Tội lỗi đã làm cho ta hoàn toàn mất quyền đứng thẳng (jus-stare) trước mặt Chúa, nói khác đi là quyền làm con cái Chúa.  Cái chết của Chúa Ki-tô đem lại cho ta sự công chính hóa (justification), tức là phục hồi cho ta quyền đứng thẳng trước mặt Chúa.  Ta là kẻ tội lỗi, đâu có xứng đáng để Chúa Ki-tô chết vì ta.  Thế mà Người đã vui lòng chịu chết vì ta để “mở lối cho ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”, ân sủng được làm con Chúa và sống đời sống mới trong Thánh Thần.  Cuộc hành trình đức tin của ta luôn được nuôi dưỡng bằng “tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần”.  Do đó, hành trình đức tin là một hành trình liên tục, một đàng Thiên Chúa cho ta thấy Người yêu thương ta, một đàng ta cố gắng nhận ra ý nghĩa tại sao Chúa Ki-tô đã chết vì ta để đáp lại tình yêu của Người bằng cách sống xứng đáng như con cái Chúa.

          Tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế có nghĩa là tin rằng Người đã chết để chuộc lại những tội lỗi ta đã phạm.  Đức tin đó cũng chính là đức tin người phụ nữ Sa-ma-ri đã tuyên xưng:  “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến.  Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”.  Tuy nhiên phải là một đức tin được phát triển, giống như đức tin của người phụ nữ Sa-ma-ri, bởi vì bà ấy “đã để vò nước lại” để chạy cho nhanh hơn vào thành và loan báo tin mừng về Đấng Mê-si-a cho những người trong thành.  Nhờ thông tin nhanh chóng ấy, dân chúng trong thành được biết Chúa.  “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

4.  Sống Lời Chúa

          Trong mùa Chay, đặt lại vấn đề đức tin là điều quan trọng.  Tâm điểm của đời sống Ki-tô hữu là đức tin.  Do đó, muốn có bất cứ sự thay đổi nào, ta cũng phải bắt đầu từ đức tin.  Căn tính Ki-tô của ta đã được khởi đầu nhờ đức tin thì nó cũng cần được phát triển nhờ đức tin.  Đức tin luôn luôn bị thử thách, vì nhờ có thử thách nên đức tin mới lớn mạnh được.  Tuy nhiên đức tin cần được nuôi dưỡng do lòng khiêm nhượng và được biểu lộ qua việc làm.  Ước gì mùa Chay sẽ là thời thuận tiện để ta sống đức tin của ta bằng việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mọi người chung quanh sẽ nhận biết ta là người Công giáo đích thực.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô viết:  “Chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”.  Những lời này có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi có nhận thấy niềm hy vọng ấy không?  Nó giúp tôi sống lạc quan như thế nào?

Cầu nguyện:  Lạy Cha chí thánh, khi người phụ nữ xứ Sa-ma-ri cho Đức Ki-tô, Chúa chúng con, nước uống, Người đã ban cho bà đức tin.  Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Cha.  Nay chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn;  xin Cha thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Kinh tiền tụng và lời nguyện nhập lễ, Chúa Nhật III mùa Chay)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

20-2-2008

                      

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà