Lễ Thánh Gia Thất, A

(2007)

 

          Thiên Chúa làm người là để “phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu” (lời nguyện Thánh lễ Ban Ngày), để từ con người, cuộc phục hồi ấy phải tiến tới những lãnh vực khác như gia đình, cộng đồng và toàn thế giới.  Chính vì thế, ta không lấy làm lạ khi thấy lễ Thánh Gia Thất được cử hành vào Chúa Nhật ngay sau lễ Giáng Sinh.  Nếu Chúa Giê-su là con trưởng của một nhân loại mới, thì Thánh Gia Thất cũng phải là khuôn mẫu cho các gia đình trong nhân loại.  Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay sẽ giúp ta hiểu thế nào là một gia đình trong đó có Thiên Chúa và con người sống chung với nhau.

1.  Thiên Chúa tôn vinh bậc làm cha mẹ (bài đọc Cựu Ước – Hc 3:2-6,12-14)         

          Con Thiên Chúa xuống thế làm người và sống chức phận làm người con trong một gia đình.  Mục đích là để đổi mới quan hệ giữa người con đối với bậc cha mẹ.  Sự hiện diện của Chúa Giê-su, người con của gia đình Na-da-rét, nói lên lối sống gương mẫu của kẻ làm con cái.  Đối với Thánh Gia Thất, những lời sách Huấn ca không chỉ là những lời khuyên nhủ, nhưng nói lên phẩm giá của cha mẹ Chúa Giê-su là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se.  “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con”.  Đời sống vâng lời và tôn kính của Chúa Giê-su đối với cha mẹ Người chính là cách Thiên Chúa dùng để nhắc nhở các người con có bổn phận phải làm sao cho cha mẹ mình “được vẻ vang và thêm uy quyền”.  Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã thực sự được vẻ vang và thêm uy quyền là vì “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40).  Sau chuyến lên Giê-ru-sa-lem lúc Chúa Giê-su lên mười hai tuổi, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài… Còn Đức Giê-su, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2:51-52).  Tóm lại, qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa muốn phục hồi chỗ đứng của những bậc làm cha làm mẹ.

          Đó chẳng phải là điều ta luôn mong mỏi, nhất là trong những gia đình của xã hội văn minh cấp tiến hôm nay hay sao?  Con cái không còn là một lý do để người cha được ngẩng mặt lên với đời nữa.  Trái lại, con cái nhiều khi là một nỗi tủi nhục cho cha mẹ, chẳng những chúng không đem lại niềm vui hay ủi an cho các ngài, mà trái lại chỉ gây phiền lụy và lo lắng cho các ngài.  Là gương mẫu cho các người con, Chúa Giê-su đã sống vâng phục cha mẹ Người.  Chắc chắn ta phải kết luận rằng sở dĩ Chúa Giê-su luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha là vì Người đã học vâng phục Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se trước.  Sự vâng phục đã được rèn luyện dưới mái nhà Na-da-rét và đạt tới cao độ khi Chúa Giê-su tỏ ý vâng phục trong Vườn Ô-liu và trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.  “Cha ơi, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22:42), và “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

          Trong gia đình ngày nay, nhiều khi sự vâng phục của con cái đã bị bóp méo.  Người ta coi đó là cách hạn chế sự phát triển của con người.  Sự bất vâng phục còn được luật pháp hỗ trợ, thí dụ như tại Hoa-kỳ.  Nhiều đứa con chỉ dài cổ mong chóng đến 18 tuổi để được tự do, muốn làm gì thì làm, một thứ tự do ấu trĩ nhất.  Thử hỏi có khi nào người ta dám đặt lại vấn đề vâng phục trong gia đình ở Hoa-kỳ không?  Chắc là không và thật đáng buồn thay!  Hãy nhìn về Thánh Gia Thất Na-da-rét mà dạy và học bài học vâng phục của Chúa Giê-su.

2.  Đời sống mới của gia đình:  sống theo tinh thần của Chúa (bài đọc Tân Ước – Cl 3:12-21)

          Thánh Phao-lô viết thư cho tín hữu Cô-lô-xê.  Ngài coi cộng đoàn Cô-lô-xê như một gia đình và đưa ra những lời khuyên thực tế áp dụng cho đời sống cộng đoàn.  Tuy nhiên, để thực hiện được một gia đình cộng đoàn gương mẫu, mỗi Ki-tô hữu cần phải thấm nhuần những nhân đức luân lý căn bản.  Sau khi trình bày những nhân đức căn bản này, thánh Phao-lô muốn họ đem những nhân đức ấy vào đời sống gia đình.  Do đó, ngài đã chỉ thị cho mỗi phần tử trong gia đình, từ cha mẹ, vợ chồng, con cái cho tới kẻ ăn người ở trong nhà, phải sống sao để thể hiện được những đặc nét của một gia đình gồm “những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương”.  Những đặc nét đó là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, tất cả đều được biểu lộ qua những hành vi chịu đựng, tha thứ và bác ái trong khi đối xử với nhau.  Những nhân đức luân lý căn bản nói trên một khi đã được thực hành trong đời sống gia đình, thì cũng giúp ta sống quan hệ tốt đẹp hơn đối với Chúa.  Một gia đình có được những nhân đức trên sẽ thăng tiến đến mức độ có thể giúp đỡ khuyên bảo nhau sống tốt lành và một lòng phụng sự Chúa.

          Nếu thực sự sống những nhân đức gia đình thì việc người vợ phục tùng chồng không phải là cảnh chồng chúa vợ tôi mà là cách biểu lộ lòng yêu thương sâu xa, việc người chồng yêu thương vợ không phải là tỏ ra uy quyền mà là cách nhận biết phẩm giá và sự cao quý của vợ, việc con cái vâng lời cha mẹ không phải là sợ hãi cha mẹ mà là cách nói lên lòng tôn kính và yêu mến đấng sinh thành.  Nói tóm lại, nếu đem những nhân đức luân lý căn bản vào đời sống gia đình, chúng sẽ thay đổi mọi quan hệ giữa những phần tử thuộc gia đình phản ánh những đường nét và tinh thần của Thiên Chúa.

3.  Dù trong hoàn cảnh nào, gia đình luôn gắn bó với Chúa và với nhau (bài Tin Mừng – Mt 2:13-15.19-23)

          Gia đình sống theo tinh thần của Chúa lúc nào cũng giữ được mối hài hòa gắn bó, khi vui cũng như lúc buồn.  Bài Tin Mừng cho ta thấy Thánh Gia Thất đã ứng phó thế nào khi các ngài gặp hoạn nạn.  Sau khi các nhà chiêm tinh phương Đông ra về, vua Hê-rô-đê nổi giận tìm cách giết Hài Nhi.  Được sứ thần Chúa báo tin, thánh Giu-se “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập”.  Trước một cuộc xuất hành xa xôi và không biết ngày về, ta thường chuẩn bị kỹ càng.  Dầu vậy, Thánh Gia Thất làm gì có thời giờ để chuẩn bị.  Điều cần thiết là phải làm sao bảo toàn tính mạng cho Hài Nhi và mẹ Người.  Ta có thể tưởng tượng ra khung cảnh thánh Giu-se chuẩn bị cấp tốc cho một chuyến đi sang tận Ai-cập.  Chuẩn bị mấy đi nữa cũng chỉ có hạn.  Phương tiện chuyên chở căn bản là con lừa.  Đồ đạc phải là những đồ dùng cần thiết nhất.  Tuy nhiên trang bị tối cần vẫn phải là lòng tin, hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.  Đây là điều thánh Giu-se hơn tất cả các gia trưởng của mọi gia đình trong nhân loại.  Có tin tưởng Chúa, Người mới lập tức lên đường ngay giữa đêm khuya.  Có tin tưởng Chúa, Người mới sẵn sàng làm một cuộc hành trình hoàn toàn ngoài dự tính của Người, đến nơi xứ lạ quê người và không rõ tương lai đi về đâu.  Thánh Giu-se là con người của đức tin, giống hệt như tổ phụ Người là Áp-ra-ham, lúc nào cũng tìm cách làm theo thánh ý Thiên Chúa.

          Có thể lối diễn tả của thánh sử Mát-thêu làm cho ta có cảm nghĩ như thánh Giu-se quá thụ động.  Sứ thần Chúa bảo đi là Người đi, bảo về là Người về.  Nhưng chắc chắn là thánh Giu-se không thụ động như vậy đâu.  Một đàng Người mau mắn làm theo ý Chúa, nhưng mặt khác Người cũng phải đối phó với những khó khăn, phải xoay sở tháo vát để chu toàn bổn phận gia trưởng của Người.  Có lẽ chẳng ai dám “xúc phạm” đến lòng khiêm tốn và đức tin mạnh mẽ của Người nên không dám kể ra những công khó của Người trong đời sống của Thánh Gia Thất đấy thôi!  Làm sao ta có thể kể hết công ơn của Đấng đã hiến thân phụng sự trong kế hoạch của Thiên Chúa, “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ:  Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập… và Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.

4.  Sống Lời Chúa

          Gia đình là một đơn vị nòng cốt của nhân loại.  Nhân loại được thăng tiến hay không hoàn toàn do gia đình.  Nhân loại được tăng số “như sao trời, như cát biển” là nhờ gia đình.  Nhân loại nên tốt hay xấu cũng là do gia đình.  Kể từ khi tội lỗi xâm nhập vào nhân loại, nền tảng gia đình bị phá hoại, quan hệ gia đình bị tổn thương, nên gia đình cần phải được phục hồi những gì đã bị tội lỗi tước bỏ.  Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa gia đình qua việc Con Một Người xuống thế làm người con của gia đình Na-da-rét, Thiên Chúa thi hành kế hoạch phục hồi ấy.  Chúa Giê-su giúp ta đặt lại vấn đề của bậc làm con cái.  Thánh Giu-se nói lên gương mẫu của bậc gia trưởng.  Mẹ Ma-ri-a phản ánh những nhân đức đầy tinh thần của Chúa mà Mẹ đã dạy dỗ rèn luyện cho Chúa Giê-su từ khi tấm bé cho thành người “được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”.  Như vậy ta có thể ý thức được tầm mức quan trọng của Thánh Gia Thất như thế nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Suy nghĩ:  Suy tư về sự hiệp nhất trong gia đình, thánh Phao-lô viết:  “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái” (Cl 3:14).  Vậy tôi hiểu tại sao lòng bác ái lại quan trọng như thế?  Từ lâu, nói đến bác ái là tôi thường nghĩ đó là việc đối xử với người ngoài gia đình.  Lời thánh Phao-lô có giúp tôi phải đặt lại vấn đề bác ái không?  Nếu có, tôi phải xét lại đời sống gia đình tôi như thế nào và phải làm gì để mọi người trong gia đình biết sống bác ái đối với nhau?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước.  Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện nhập lễ, lễ kính Thánh Gia Thất).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà