LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG

Chúa Nhật 11A Thường Niên

 

 

Thế giới vẫn đang khao khát hòa bình.  Hôm nay Đức Giêsu sai môn đệ đem Tin Mừng hòa bình đến trần gian. Tin Mừng hòa bình cũng là Tin Mừng giải thoát.

 

TÌM MỘT LỐI ĐI

 

Dù sống trong những hoàn cảnh khác nhau, con người vẫn luôn chia sẻ một khát vọng hòa bình.   Con đường hòa bình đúng là đường đi không đến.   Nhiều lúc nhân loại quá mỏi mệt với con đường quá dài và lắm chông gai đó.   Nhưng Đức Giêsu sẽ chỉ cho mọi người thấy hòa bình xuất hiện khi “Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10:7)    Quả thực, “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)   Đó là nội dung sứ điệp Tin Mừng dành cho muôn dân.  Đó cũng là hướng đi chính Đức Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ.

Nhìn vào nhân loại, Đức Giêsu thấy gì ?     Trước hết, “Đức Giêsu thấy họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9:36)   Quá nhiều chiều hướng trái ngược nhau đã làm xáo trộn tâm hồn và cuộc sống con người.    Tinh thần khủng hoảng liên tục khiến nhân loại không thể yên tâm xây dựng hạnh phúc.   Bởi đấy, thế giới giống như một bệnh viện chứa đủ thứ bệnh tinh thần và thể xác, hay như một nghĩa trang đầy những bóng hình ma quái và tiếng than khóc rợn rùng.   Đi vào một thế giới như thế, các môn đệ phải chọn một thái độ nào ?   “Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 10:1) 

Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết.  Trái lại, Tin Mừng đòi các ông phải dấn thân vào một nhân loại đau khổ.  Chính Đức Giêsu chỉ thị: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ.” (Mt 10:8)   Các ông không phải là thày lang chuyên nghiệp, suốt ngày tìm kiếm lợi nhuận trên những khổ đau nhân loại. Trái lại, các ông phải luôn nhớ : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10:8)   Quyền chữa bệnh cũng chỉ là phương tiện phục vụ Tin Mừng mà thôi.   Thánh Phaolô đã theo sát chỉ thị đó: “Khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.” (1 Cr 9:18) Chính vì thế, thánh nhân được mọi người thương mến và thành công rực rỡ trong sứ mệnh Phúc âm hóa thế giới.    Sứ mệnh đó bắt nguồn từ sứ mệnh mười hai Tông Đồ.  Sứ mệnh này đã làm chấn động cả thế giới. Từ đầu, “Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi” (Mt 10:5) làm chứng cho mọi người biết rằng “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8)    Tình yêu đó nở rộ thành mùa màng tươi tốt tức là “một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19:6a) được “hòa giải với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 5:11)  

Đứng trước tương lai tốt đẹp ấy, Đức Giêsu cảm thấy phấn khởi: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:37-38)   Cái nhìn lạc quan về Nước Trời đó đã gieo niềm tin và hi vọng vào tâm hồn các môn đệ.   Niềm tin đến phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.   Hi vọng nuôi sống muôn dân trong nguồn ơn cứu độ.   Từ nay không còn lo lắng về tương lai Nước Chúa.  Điều duy nhất cần lưu tâm là phải hết lòng tin tưởng cầu “xin chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:38)   Thiếu thợ gặt không phải vì thiếu môi trường hay kế hoạch, nhưng là thiếu những con người cầu nguyện mà thôi.   Như thế mới rõ mọi sự đều tùy thuộc Thiên Chúa.

 

Ai là thợ gặt trong cánh đồng đầy lúa chín vàng đó ?   Phải chăng chỉ là các linh mục, tu sĩ ?   Một cánh đồng bao la, dù có hàng triệu tu sĩ, linh mục cũng không thể đáp ứng mọi lãnh vực và nhu cầu nhân loại.   Bởi vậy, hơn lúc nào, vai trò tông đồ giáo dân vô cùng khẩn thiết và cấp bách.   Môi trường quá phức tạp và rộng lớn hôm nay chỉ có hiện diện của giáo dân mới có thểø giải quyết những vấn đề lớn lao, vì họ đã được kêu gọi làm thành “một vương quốc tư tế, một dân thánh,” (Xh 19:6a) giữa trần thế.   Đó là một vương quốc tình yêu, một dân thánh chuyên làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng đời.

 

GIÁO HỘI HÔM NAY.

Chính Đức Giêsu là trung tâm qui tụ và nối kết dân thánh đó thành một mẫu mực liên đới cho nhân loại hôm nay. Từ mẫu mực đó, ĐGH Gioan Phaolô II mới có hứng khởi để viết một sứ điệp cho Hội Nghị Thượng Đỉnh về Lương Thực Thế Giới họp tại Rome trong mấy ngày vừa qua: vấn đề nghèo đói có thể giải quyết bằng tinh thần liên đới.  Thật vậy, sở dĩ cộng đồng quốc tế không đạt mục tiêu giảm thiểu số nghèo đói thế giới, vì “thiếu một nền văn hóa về tình liên đới, và vì các mối tương quan quốc tế thường được nhào nặn bởi một chủ nghĩa thực tiễn thiếu cơ sở tinh thần và luân lý.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 10/06/02)  Chủ nghĩa thực tiễn chỉ biết dựa trên quyền lợi ích kỷ, bất chấp những nguyên tắc tinh thần chi phối cuộc sống nhân loại.

Chính vì thiếu những nguyên tắc liên đới đó, nhân loại mới lâm vào tình trạng nghèo đói hôm nay.  Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế đã cho biết viện trợ phát triển canh nông đã giảm 30 phần trăm trong thập niên 90.   Không phải trái đất không còn khả năng nuôi sống nhân loại.   Nhưng vì con người đánh mất tầm nhìn về một gia đình nhân loại, không còn coi tha nhân như người anh em đang chia sẻ một vận mệnh.   Chính vì thế, ĐGH Gioan Phaolô II viết : “Hơn bao giờ, hôm nay trong tương quan quốc tế phải cấp thiết lấy tình liên đới làm tiêu chuẩn xây dựng mọi hình thức hợp tác, và phải nhận thức rằng những tài nguyên Thiên Chúa đã ủy thác cho ta là để dành cho mọi người.” (Zenit 10/06/02)   Nhận thức đó không dễ dàng xuất hiện.   Chỉ khi nào Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa được rao giảng cho mọi người, nhận thức đó mới có cơ hội bám rễ sâu trong cơ cầu và sinh hoạt nhân loại.    Nếu tất cả đều nhận thức nhân loại thuộc về một gia đình, mọi người là anh em với nhau, tất nhiên tình liên đới sẽ đòi phải chia sẻ và nâng đỡ nhau.   Nhận thức đó tìm được đỉnh cao nơi Tin Mừng cứu độ.  Quả thế, chỉ Tin Mừng tình yêu mới đem lại luồng gió mới cho cộng đồng nhân loại khi mạc khải cho mọi người thấy “Thiên Chúa là tình yêu,” (1 Ga 4:16)   từ đó phát sinh ra cộng đồng nhân loại.    Chính vì thế, nhân loại phải “cam kết để bảo đảm cho mỗi nước có quyền được nuôi sống, trong trường hợp họ không thể thực hiện được điều đó vì tình trạng kém phát triển và nghèo đói của mình.   Cam kết đó có thể được mọi người coi là hoàn toàn khẩn thiết và chính đáng, vì sự nghèo đói có nguy cơ đe dọa sự chung sống giữa các dân tộc, và tạo thành mối đe dọa thực sự cho nền hòa bình và an ninh quốc tế.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 10/06/02)   

Hơn lúc nào, nhân loại phải bừng tỉnh trước tiếng gọi Tin Mừng, Tin Mừng của tình liên đới.   Nếu không, nhân loại sẽ bị xâu xé làm trăm mảnh   Nếu không cảm thấy liên đới với người nghèo, làm sao những người giàu dám bỏ tiền đầu tư cho hạnh phúc của họ.   Hạnh phúc của họ quyết định tương lai nhân loại.   Theo Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), tình hình thế giới hôm nay, mỗi năm phải đầu tư 24 tỉ Mỹ kim trong các nước nghèo mới có thể giảm số người nghèo đói trên thế giới từ 800 triệu xuống 400 triệu vào năm 2015.  Không dễ gì có một số tiền lớn như thế đêå đầu tư cho người nghèo. Riêng Giáo Hội cam kết “ơn gọi thiết thân của Giáo Hội Công giáo là gần gũi với người nghèo trên thế giới,” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 10/06/02) và  Giáo Hội phải tạo điều kiện để “người nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11:5)

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà