Chúa Nhật 13 mùa Thường niên

 

          Thiên Chúa yêu thương ta nên trao nộp Con Một Người cho ta.  Nhưng Người vẫn để cho ta được tự do đón nhận quà tặng vô giá ấy.  “Khi thời gian tới hồi viên mãn”, Chúa Giê-su Ki-tô đến với ta như vị Ngôn Sứ tối cao của thời Tân Ước, chỉ dạy cho ta đường đi tới sự sống vĩnh cửu.  Ta phải đón nhận Người như thế nào, đó là cốt lõi của đời sống Ki-tô hữu và cũng là đề tài của Lời Chúa hôm nay.

1.  Tiếp đón “người của Thiên Chúa” (bài đọc Cựu Ước – 2 V 4:8-11.14-16a)

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định:  “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10:41).  Câu truyện người phụ nữ tại Su-nêm đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa đã minh chứng cho lời nói trên của Chúa.  Bà là người giàu có trong thành.  Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, nhưng chỉ tiếc một điều là ông bà đã lớn tuổi mà không có con.  Ngôn sứ Ê-li-sa đã được gia đình bà tiếp đãi ân cần và kính trọng, đến độ họ làm thêm một căn phòng đặc biệt để ngài có chỗ nghỉ ngơi mỗi lần đi qua Su-nêm.  Trước lòng tốt của người phụ nữ ấy, ngôn sứ Ê-li-sa muốn làm một điều gì đó để trả ơn.  Ngài hỏi bà muốn điều gì, nhưng bà đều từ chối.  Đối với bà, đón tiếp vị ngôn sứ, người của Thiên Chúa, là một bổn phận và một vinh dự, chứ không phải là việc có qua có lại.  Tiểu đồng Giê-kha-di đi theo ngôn sứ là người tinh tế, nhận ra được nỗi khổ tâm của bà vì không có con.  Hai ông bà mong có được một đứa con trai, nhưng điều ấy chỉ có quyền năng Chúa mới giúp họ toại nguyện.  Theo đề nghị của tiểu đồng, Ê-li-sa đã cầu xin Chúa ban cho bà một mụn con.  Ngôn sứ nói với bà trước khi lên đường:  “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng”.  Quả thực, bà đã sinh được một đứa con trai.  Nhưng ít năm sau, đứa nhỏ bị bạo bệnh và chết.  Nghe tin, ngôn sứ Ê-li-sa đã đến cầu nguyện và làm cho em được sống lại.

          Lòng tốt và kính trọng của người phụ nữ Su-nêm đối với vị ngôn sứ đã được ân thưởng.  Ân thưởng là việc Chúa làm.  Người đã ban cho bà được thoát khỏi nỗi đau khổ ray rứt vì không có con trai.  Đứa con là sự tiếp nối sự sống của bà mẹ, là đời sống mới phát sinh từ sự sống của người mẹ.  Do đó, ngôn sứ Ê-li-sa cầu xin Chúa ban cho bà một đứa con là ngài giúp cho bà được tiếp tục sống và sống đời sống mới.  Ý nghĩa này có thể giúp ta hiểu được lời Chúa hứa với những ai đón nhận Con Một Thiên Chúa:  “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người (Ngôi Lời), thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12).

2.  “Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (bài Tin Mừng – Mt 10:37-42)

          Đón tiếp một vị ngôn sứ thôi mà người phụ nữ Su-nêm đã được ân thưởng hơn cả lòng mong ước của bà, huống chi là khi ta đón tiếp Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ được Chúa Cha sai đến trần gian.  Ngôn sứ chỉ là vị sứ giả được Thiên Chúa sai đi để mang lời Người đến cho dân Chúa.  Còn Đức Ki-tô, Người không chỉ nói thay cho Thiên Chúa, mà Người là chính Lời của Thiên Chúa nói với ta (Dt 1:1).  Do đó, việc đón nhận Người mang tính cách tuyệt đối đến nỗi không những ta chủ động đón nhận Người, nhưng là ta còn phải bỏ mọi sự mà “theo Thầy” và sẵn sàng “liều mất mạng sống vì Thầy” (Mt 10:37-38).

          Chúa Giê-su đặt việc “đón tiếp Thầy” vào một tương quan rộng lớn và trọn vẹn nhất, đó là tương quan “anh em – Thầy – và Đấng đã sai Thầy”.  Thực vậy, Người được sai đến để làm Con Yêu Dấu liên kết tất cả nhân loại thành một đoàn em đông đúc của Người và đưa họ về với Chúa Cha.  Người là gạch nối giữa mọi người với nhau và giữa mọi người với Thiên Chúa.  Sự liên kết chặt chẽ ấy nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ trong một tương quan hoàn hảo giữa ba thành phần:  Thiên Chúa, Đức Ki-tô và nhân loại.  Nói khác đi, ta được Thiên Chúa cứu độ nhờ Đức Ki-tô và cùng với anh chị em.  Ta đón nhận nhau là ta đón nhận Chúa, ta đón nhận nhau là ta được cùng một phần thưởng với anh chị em đón nhận ta.  Như thế, dù ta là “ngôn sứ” hay ta là “người công chính”, thì ta cũng đều nhận được cùng một phần thưởng là ơn cứu độ.  Ta là giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân thì hết thảy ta sẽ lãnh nhận cùng một phần thưởng là ơn cứu độ nếu ta biết đón nhận Đức Ki-tô.

          Ta sẽ hỏi:  vậy tôi đón nhận Chúa như thế nào?  Câu trả lời của Chúa là ta đón nhận anh chị em là ta đón nhận chính Chúa.  Chúa Giê-su đã nói lên tương quan đón nhận ấy qua một thí dụ cụ thể:  là môn đệ Chúa, nếu ta chỉ cần cho một em nhỏ uống một chén nước lã thôi là ta làm cho chính Người và sẽ được ân thưởng.  Thí dụ đơn sơ ấy cho thấy việc đón nhận Chúa cần phải được thể hiện cụ thể qua cuộc sống hằng ngày.  Một em nhỏ và một chén nước lã biểu tượng cho những gì nhỏ bé tầm thường trong cuộc sống.  Đón nhận Chúa là một hành vi đức tin được thực hiện qua những đối xử nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày.  Nhưng nếu ta làm thì chắc chắn không mất phần thưởng và phần thưởng sẽ to lớn hơn cả điều ta mong ước, giống như người phụ nữ Su-nêm đã được vậy.

3.  Sống đời sống mới:  một phương thức đặc biệt để đón nhận Đức Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Rm 6:3-4.8-11)

          Đón nhận Chúa Ki-tô qua những hành vi nhỏ mọn trong cuộc sống hằng ngày là những cách cụ thể.  Tuy nhiên, những cách này được thực hiện là nhờ ta có một nền tảng đón nhận được xây dựng trên tương quan giữa Chúa Ki-tô và ta, là sống chết với Người, “được mai táng với Người” và “sống một đời sống mới”.  Thánh Phao-lô nhìn cuộc sống của ta dưới hai khía cạnh:  chết đi đối với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.  Tuy nhiên có không phải là hai điều khác biệt không ăn nhập với nhau, trái lại là hai điều ngược nhau của cùng một thực thể.  Thí dụ ta có một bình đựng nước.  Nếu ta bỏ đầy sỏi đá vào trong bình, bình sẽ chứa được ít nước thôi.  Nhưng nếu bình hoàn toàn rỗng, bình sẽ chứa được đầy nước.  Đời sống đức tin của ta cũng vậy.  Nếu ta càng loại trừ đi tội lỗi thì Chúa càng đầy ắp trong linh hồn ta.  Sau khi ta “được dìm vào trong cái chết của Chúa Ki-tô và được mai táng với Người”, nghĩa là sau khi ta được chịu phép Rửa tội, ta liền có được một đời sống mới.  Bí tích Rửa tội là dấu chỉ của khởi đầu một cuộc sống mới.  Nhưng muốn làm phát triển đời sống mới này, ta phải tiếp tục tiến trình chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

          Chết đi cho tội lỗi là lối sống đi ngược lại lối sống của người đời, tức lối sống cho tội lỗi.  Đúng vậy, người đời sống cho tham vọng, cho thù hận, cho tiền của và nhục dục.  Đó là những lẽ sống của họ nên họ làm đủ cách để đạt được những thứ ấy, kể cả việc sử dụng những phương tiện xấu xa như lừa gạt hay bạo lực.  Tội lỗi chỉ lôi kéo được những ai muốn sống cho nó mà thôi.  Còn những ai đã chết rồi đối với nó, tức là không đi theo con đường của nó, thì nó chẳng thiết tha gì.

          Sống cho Thiên Chúa trong Đức Ki-tô là sống theo đúng gương mẫu của Đức Ki-tô.  Vậy Đức Ki-tô đã sống cho Thiên Chúa như thế nào?  Lẽ sống của Người là “thi hành thánh ý Chúa Cha”, chu toàn sứ mệnh cứu độ trần gian.  Người thực hiện tất cả những gì Kinh Thánh đã nói về Người.  Người hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.  Sau hết, Người chấp nhận cái chết khổ nhục trên thập giá để đền tội nhân loại.  Lối sống cho Chúa của Đức Ki-tô là sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhân loại.  Tình yêu là động lực của mọi hoạt động, cho nên Người mới làm được cả những việc sức loài người không làm nổi, thí dụ yêu thương và tha thứ kẻ thù, chấp nhận chết thay cho ta là những kẻ tội lỗi.  Hơn thế nữa, vì thực hiện lý tưởng sống cho Chúa, Đức Ki-tô đã được sống lại từ cõi chết để đem lại sự sống đời đời cho tất cả những ai theo gót Người mà phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

4.  Sống Lời Chúa

          Đón nhận Chúa Ki-tô là việc đưa ta vào một hành trình đức tin với những hy sinh và mất mát đời này.  Đón nhận Chúa Ki-tô không chỉ dừng lại ở việc ta lãnh Bí tích Rửa tội làm con cái Chúa, nhưng đưa ta vào một cuộc sống mới theo khuôn mẫu Đức Ki-tô.  Người là Thầy, còn ta là môn đệ.  Kim chỉ nam để ta sống cuộc sống mới cho đúng nghĩa, đó là ta luôn nhớ mình phải làm mọi sự với danh nghĩa là môn đệ đích thực của Đức Ki-tô.  Do đó, nếu ta nói một đàng làm một nẻo là ta đã phản bội danh nghĩa môn đệ đích thực mất rồi.  Đời sống mới của ta có hai mặt, một đàng là mến Chúa và đàng khác là yêu người.  Quả thực, không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn trên!

Suy nghĩ:  Lý tưởng sống đức tin của tôi không đòi phải làm những điều trọng đại, nhưng là những việc làm nhỏ nhặt hằng ngày, thí dụ “cho một trong những kẻ bé nhỏ uống một chén nước lã”.  Vậy đối với cuộc sống tôi, ai là “những kẻ bé nhỏ” tôi phải phục vụ và “chén nước lã” tôi phải cho là những gì?  Tôi có đón nhận Chúa theo phương cách đó không?  Tại sao?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng;  xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 13 mùa Thường niên)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

27-6-2008

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà