CHÚA NHẬT XIV THƯƠNG NIÊN,năm A

Mt 11,25-30

 

HÃY KHIÊM NHƯỢNG VÀ HIỀN LÀNH

 

    Cuộc sống của Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo về sự khiêm nhượng và hiền lành. Ngài là Đấng chí tôn, chí thánh. Ngài là Đấng đầy quyền lực uy phong. Với cương vị của Ngài, đáng lẽ ra Ngài phải vênh vang, chiến thắng và không hề nhường bước. Nhưng, Đức Giêsu lại hoàn toàn trái ngược với quan niệm và cách sống của người đời. Chúa đã sống và dạy các môn đệ, cũng như mọi người phải biết tạ ơn tri ân Thiên Chúa Cha, đồng thời làm gương sống động về sự khiêm nhu và hiền lành,rồi mời gọi tất cả hãy học nơi Ngài sự khiêm nhượng và hiền lành.

KHIÊM NHƯỢNG VÀ HIỀN LÀNH : Chúa Giêsu nói :” Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng “( Mt 11, 29 ). Sau lời chúc tụng, tạ ơn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha vì Cha của Ngài đã mạc khải cho những kẻ bé mọn mà không tỏ ra cho những người thông thái và học cao hiểu rộng biết về Nước Trời. Bởi vì, những người tự kiêu tự đại, những kẻ vênh váo, hiếu chiến, hiếu thắng, phô trương, cậy mình tài giỏi, khôn ngoan hơn những người khác,chẳng mấy ai ưa, chẳng mấy ai muốn làm bạn, mà chính Chúa Cha cũng khinh chê, bằng chứng nhan nhản trong Tin Mừng khi Chúa Giêsu nói tới bọn Biệt Phái, Luật Sĩ và Pharisiêu. Đây là những hạng người tự phụ cho mình là đạo đức nhưng họ chỉ là những bọn giả hình, bề ngoài thì tỏ ra bệ vệ, đạo đức nhưng bên trong chứa đầy nọc độc, bẩn thỉu, thúi tha. Những kẻ khiêm tốn, những kẻ bé mọn, những người nghèo của Thiên Chúa là những người hiền hậu, khiêm nhường nhận mình là bé nhỏ, yếu hèn, là không trước mặt Thiên Chúa, nên họ được tất cả mọi người quí mến, kính phục và Thiên Chúa yêu thương, ban cho họ Nước Trời.” Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn “ ( Mt 11, 25 ). Những kẻ tự phụ tự mãn, kiêu căng sẽ không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự trị, chỉ có những kẻ xem mình là trống rỗng mới còn chỗ cho Thiên Chúa hiện diện. Chúa Giêsu đã sống, đã làm gương trước cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta về gương khiêm nhượng và hiền lành. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng Ngài đã tự hạ, mặc xác phàm làm người …”( Philip 2, 7-8 ). Ngài đã thương tha thứ cho Maria Madalêna, cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đã cứu ông Giakêu khỏi danh vọng, tiền của trần gian, đã đồng bàn với những người tội lỗi, yếu hèn. Ngài đã tha thứ cho người con hoang đàng trở về, đã tha thứ cho Phêrô vì ông chối Ngài ba lần, đã cứu Phaolô khỏi sự hung hăng truy lùng Giáo Hội, làm cho ông trở nên tông đồ cho dân ngọai, Ngài đã chăm sóc cho từng con chiên, đến để chiên được sống dồi dào, Ngài đã tha thứ cho tất cả những ai hành hạ, xỉ nhục và giết Ngài. Tuyệt đỉnh của sự khiêm hạ và hiền lành của Ngài là Ngài không kêu ca, không la hét  khi người ta bắt điệu Ngài đem xử án và đem đi giết. Ngài im lặng vâng lời Thiên Chúa Cha:” Lạy Cha nếu được thì xin cất chén đắng này khỏi con nhưng đừng theo ý Con mà theo ý Cha”. Sự cao cả, thánh thiêng và hoàn toàn khiêm hạ ( Kénosis ) của Ngài khi bị treo trên thập giá. Ngài đã qui tụ nhân loại dưới chân thập giá :” Khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta “.

TẤT CẢ NHỮNG AI ĐANG VẤT VẢ MANG GÁNH NẶNG NỀ, HÃY ĐẾN CÙNG TÔI, TÔI SẼ CHO NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG ( Mt 11, 28 ):

Chúa Giêsu sẽ không cất gánh nặng cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta nhận mang lấy ách của Ngài, chúng ta sẽ có thể mang gánh nặng của mình. Aùch là một cái cày bằng gỗ nặng, nó được đóng để tròng vào cổ của đôi bò, để giữ bò lại và để bò kéo xe. Aùch ở đây còn có nghĩa là trò chơi chữ của Chúa, bởi vì người Do Thái thường gọi giáo lý mà học viên  phải học là “ gánh nặng “ và việc học viên phải học thuộc lòng các bài giáo lý là “ ách “. Do đó, chúng ta hiểu được thế nào là ách và gánh của Chúa. Aùch của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng. Lời mời gọi của Chúa làm chúng ta hạnh phúc và an tâm vì chúng ta luôn như thấy có Chúa đang ở bên chúng ta để an ủi, nâng đỡ, và cất đi những u sầu, nhưng thử thách trong cuộc đời của chúng ta. Chúa luôn đến với con người, đến với chúng ta như  Ngài đã đến với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi, những kẻ tật nguyền, những người phong hủi, mhững kẻ bị bỏ rơi bên lề xã hội loài người. Chúa đã đón nhận tất cả mọi người, Ngài đồng hóa với họ, với những con người bé mọn tầm thường nhất, Ngài đã nói :” Ai cho một kẻ bé mọn ăn, cho kẻ khó nghèo uống nước, dù chỉ là chén nước lã cũng là cho chính Ta “. Chúa đã mang lấy tất cả những nỗi khổ đau cho nhân loại, đã gánh tội cho nhân loại dù rằng Ngài hoàn toàn vô tội, Chúa đã bổ sức và tăng sinh lực cho chúng ta để chúng ta được sống và sống dồi dào. Theo gương Ngài chúng ta cũng hãy sống như Ngài:” Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” 

( Mt 11, 29).

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ CUỘC ĐỜI : Chúa đã thương mọi người, đã cứu chuộc mọi người, Ngài không muốn lọai trừ ai. Cuộc đời của Chúa là cả một cuộc đời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Tình thương của Ngài thật vô biên. Do đó, Chúa Giêsu luôn kiên nhẫn và khiêm tốn, giúp chúng ta hiểu ra được lòng thương xót của Thiên trong cuộc đời của chúng ta, trong từng thử thách, từng biến cố xẩy ra trong đời sống chúng ta.

   Chúa gìn giữ và nâng đỡ, củng cố đức tin cho chúng ta. Nên, trong cuộc hành trình đức tin, chấp nhận thử thách, chấp nhận vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa, chắc chắn con người sẽ được bình an và được Chúa yêu thương, bổ dưỡng tâm hồn.

    Tập sống như Chúa hiền lành và khiêm nhượng, chắc chắn chúng ta sẽ được những người khác quí mến.

    Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết học cùng Chúa gương khiêm nhượng và hiền lành.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT