Chúa Nhật 17 Mùa Thường Niên, A

 

          Loạt dụ ngôn trong bài Tin Mừng tuần trước đã phác họa cho ta thấy những nét chính của Nước Trời và điều kiện phải có để gia nhập Nước Trời.  Tiếp tục đề tài ấy, những dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cũng dùng một vài hình ảnh cụ thể để nói lên mục đích của Nước Trời và những thái độ thích hợp cho việc đón nhận Nước Trời.  Thiên Chúa thiết lập kế hoạch Nước Trời là để kêu gọi ta, làm cho ta nên công chính và được hưởng vinh quang của Người.  Nhưng bên cạnh lời gọi của Chúa, ta còn nghe những lời gọi quyến rũ của ma quỷ tội lỗi.  Do đó ơn khôn ngoan cần cho ta để biết phân biệt điều hay lẽ phải với điều xấu xa tội lỗi.

1.  Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn cứu độ ta (bài đọc Tân Ước – Rm 8:28-30)

          Nhiều người thắc mắc về hai chữ “tiền định” thánh Phao-lô sử dụng trong đoạn thư gửi tín hữu Rô-ma.  Họ lẫn lộn từ tiền định với thuyết định mệnh hoặc số mệnh (determinism) và như thế đương nhiên họ gán cho Thiên Chúa thái độ độc tài, cho rằng Ngài muốn người này lên thiên đàng hay kẻ kia xuống hỏa ngục là điều Ngài đã “tiền định”.  Hậu quả là người ta buông xuôi hoặc sống phóng túng!  Không phải vậy đâu.  Nhưng việc Thiên Chúa tiền định có nghĩa là từ trước muôn đời Người đã có ý định thực hiện một kế koạch có lợi cho nhân loại nói chung, chứ không phải cho cá nhân này hay cá nhân kia.  Bất cứ ai cộng tác với Người trong kế hoạch đó thì họ sẽ thuộc về Người.  Còn ai không muốn là do họ tự ý chọn lựa tình trạng bị hư mất.

          Vậy kế hoạch Thiên Chúa đã tiền định, hoặc có ý thực hiện từ trước muôn đời là kế hoạch gì?  Đó là “những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29).  Đã gọi là kế hoạch thì bao giờ cũng phải tính toán sắp xếp từ trước rồi mới thực hiện khi thời gian chín mùi.  Dĩ nhiên hết mọi người đều được Thiên Chúa “biết” từ trước.  Mà được Thiên Chúa biết cũng có nghĩa là được Người yêu thương.  Đúng vậy, Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và muốn họ được hạnh phúc đời đời và đấy chính là động lực cũng như mục tiêu của kế hoạch.  Phương thức Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ là cho ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của Người”.  Đồng hình đồng dạng là kiểu nói độc đáo của thánh Phao-lô diễn tả cuộc sống của ta phải thay đổi dần dần theo mẫu gương cuộc sống của Con Thiên Chúa là Đức Ki-tô, từ lối suy nghĩ hành động, cách thực hành ý Chúa cho đến cách đối xử với anh chị em, để làm sao ta sống mà không phải là ta, nhưng là Đức Ki-tô sống trong ta.  Viễn tượng của kế hoạch cứu độ là tạo nên một nhân loại mới, với Đức Ki-tô là con đầu lòng và hết thảy những ai “trở nên đồng hình đồng dạng” với Người sẽ là các em của Người, để nhờ Đức Ki-tô họ là con cái Thiên Chúa.  Rõ ràng đó là cuộc tạo dựng mới.  Trong cuộc tạo dựng đầu tiên (St 2), A-đam đã không vâng lời Thiên Chúa mà làm hư nhân loại, thì giờ đây trong cuộc tạo dựng mới, Đức Ki-tô đã vâng phục Thiên Chúa để Người “làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8:28).

          Kế hoạch cứu độ đã được thực hiện theo từng bước:  Thiên Chúa kêu gọi ta, làm cho ta nên công chính và cho ta hưởng phúc vinh quang.  Thiên Chúa kêu gọi tất cả nhân loại không trừ ai.  Tuy nhiên những ai đáp lời thì Người làm cho nên công chính, tức là trở thành con cái Người nơi trần gian.  Sau hết những ai trung thành sống đích thực là con cái Người mới được hưởng phúc vinh quang đời sau.  Trong hành trình ấy, Đức Ki-tô đóng vai trò anh cả kêu gọi ta, chết cho ta được nên công chính và dẫn dắt ta là các em của Người về nhà Cha.  Hành trình ấy chính là Nước Trời của ta.  Như thế, đối với ta, Đức Ki-tô là lẽ sống, là bạn đồng hành Nước Trời với ta, vậy mà ta không quan tâm thì thực là vô tình lắm đó!

2.  Giá trị tuyệt đối của Nước Trời (bài Tin Mừng – Mt 13:44-52)

          Trình bày cho ta hiểu Nước Trời, đó là mối quan tâm lớn của Chúa Giê-su, cho nên Người mới dùng thật nhiều dụ ngôn.  Lại thêm ba câu chuyện nữa lấy từ đời sống dân gian.  Trước hết là chuyện chiếc lưới cá.  Lưới được kéo từ dưới nước lên bãi và người ta lựa cá, cá tốt giữ lại và cá xấu thẩy đi.  Hành trình cứu độ của nhân loại cũng giống như một mẻ lưới cá.  Ngày tận thế là kết thúc hành trình và việc Thiên Chúa phán xét mọi người là để phân biệt kẻ tốt người xấu, ban phúc trường sinh cho người lành và loại bỏ vĩnh viễn kẻ dữ. 

Nhấn mạnh đến chung cuộc của Nước Trời như thế, Chúa Giê-su muốn ta hiểu tầm quan trọng và giá trị tuyệt đối của Nước Trời.  Tương lai vĩnh cửu của ta hoàn toàn tùy thuộc vào việc ta có mở lòng đón nhận Nước Trời, hay nói khác đi, là trung thành bước theo Chúa Giê-su là đường, sự thật và sự sống của ta hay không.  Vì Nước Trời có giá trị tuyệt đối, do đó để đón nhận Nước Trời, ta phải đánh đổi mọi sự, giống như chuyện người tìm thấy kho báu chôn giấu trong ruộng hoặc thương gia tìm được ngọc đẹp, cà hai đã “bán tất cả những gì mình có” để mua cho được thửa ruộng hay viên ngọc ấy. 

Những câu chuyện giản dị như thế bất cứ ai cũng hiểu dễ dàng, nhưng lại nói lên được tất cả giá trị cao cả của Nước Trời.  Tuy nhiên có những người “cố tình không muốn hiểu”, hoặc đúng hơn, không muốn nhìn nhận giá trị tuyệt đối của Nước Trời.  Những người ấy là hầu hết các kinh sư, những kẻ luôn chống đối Chúa Giê-su và giáo lý của Người.  Họ muốn Nước Trời phải được nặn đúc bằng những luật lệ tỉ mỉ và hình thức bề ngoài, chứ không phải lấy tình yêu làm động lực hành động, giữ cái vỏ bỏ cái ruột.  Họ chỉ muốn khư khư ôm lấy cái cũ kỹ của Luật Mô-sê và từ chối cái mới của giáo lý về Nước Trời.  Ông chủ nhà khôn ngoan biết sử dụng “cả cái mới lẫn cái cũ lấy ra từ trong kho tàng của mình”.  Cũng vậy, những kinh sư nào thành tâm học hỏi về giáo lý Nước Trời của Chúa Giê-su cũng sẽ hành động giống như ông chủ nhà kia, biết giữ lấy những điều hay của Luật Mô-sê và đón nhận những điều tốt do Chúa Giê-su rao giảng.  Chúa Giê-su đã khẳng định Người không đến để bãi bỏ Luật Mô-sê, nhưng để kiện toàn (Mt 5:17-19).

Trên đời ai mà chẳng muốn chọn lựa cho mình điều tốt nhất.  Tuy nhiên để nhận ra điều tốt nhất và chọn lựa, ta cần phải có sự khôn ngoan và can đảm.  Tấm gương của vua Sa-lô-môn giúp ta biết thế nào là phân định tốt xấu.

3.  Muốn đón nhận Nước Trời phải biết khôn ngoan phân định tốt xấu  (bài đọc Cựu Ước – 1 V 3:5.7-12)

          Trước khi lên ngôi kế vị phụ vương Đa-vít, vua Sa-lô-môn cảm thấy lo sợ trước trách nhiệm nặng nề.  Thiên Chúa đã hiện ra với ông và hứa ban bất cứ điều gì ông muốn.  Nguyện ước của ông là làm sao chu toàn được nhiệm vụ dẫn dắt dân Ít-ra-en.  Ông thấy điều cần thiết duy nhất xin Chúa ban, đó là “một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3:9).         Thiên Chúa hài lòng về điều ông xin và ban cho ông được khôn ngoan tuyệt vời.  Câu truyện ông phân xử cho hai người đàn bà giành nhau đứa bé sơ sinh còn sống là một điển hình về sự khôn ngoan của ông (1 V 1:16-28).

          Ơn khôn ngoan giúp ta biết phân biệt tốt xấu.  Nước Trời không tách riêng và đứng khơi khơi một chỗ, nhưng là một kho tàng ẩn giấu hoặc viên ngọc báu lẫn lộn giữa sỏi đá tầm tường.  Do đó, cần phải khôn ngoan để làm sao sở hữu được kho tàng hay ngọc báu ấy.  Khôn ngoan là biết và chọn lựa đúng.  Biết là việc của óc, của tri thức, còn chọn lựa là việc của ý chí, của trái tim.  Óc và trái tim phải cùng làm việc, cộng tác với nhau thì đức khôn ngoan mới được thể hiện.  Ta biết Nước Trời có giá trị tuyệt đối, nhưng lại từ chối để đón nhận những giá trị thấp kém hoặc tệ hơn đón nhận những cái vô giá trị, vô đạo đức, thì đâu còn là “khôn ngoan” nữa!

          Tuy nhiên Nước Trời còn bàng bạc trong những quyết định và chọn lựa trong đời sống hằng ngày, trong quan hệ giao tiếp với Chúa và anh chị em.  Khi ta kiên nhẫn không chửi mắng con cái thậm tệ, nhưng lấy tình yêu tha thứ mà khuyên nhủ chúng tức là ta đã “chọn lựa Nước Trời”.  Khi ta tránh lời phê bình chỉ trích người bạn cùng sở làm để chấp nhận một tật xấu của họ cũng là một cách của “khôn ngoan”.  Khi ta hy sinh không làm phụ trội ngày Chúa Nhật để có thì giờ với Chúa và gia đình, đó là ta biết phân định ý Chúa…  Những điều nhỏ nhặt như vậy thôi, nhưng lại là những viên ngọc gắn vào triều thiên Nước Trời của ta đó.

4.  Sống Lời Chúa

          Cũng là những dụ ngôn nói về Nước Trời, nhưng mỗi câu chuyện một vẻ giúp ta đi vào những khía cạnh phong phú của Nước Trời.  Khi nhìn một hạt kim cương với những góc cạnh độc đáo, ta khám phá được ánh sáng kỳ diệu phản ánh từ những góc cạnh ấy.  Nước Trời Chúa ban cho ta là viên kim cương vô giá.  Nhưng bổn phận của ta là phải cho những người chung quanh nhận ra ánh sáng kỳ diệu của Nước Trời qua những chọn lựa hằng ngày phản ánh những chọn lựa mà chính Chúa Giê-su đã thực hành khi Người được sai đến làm Anh Cả của ta trên trần gian này.

Suy nghĩ:  “Bán tất cả những gì mình có” là cụm từ diễn tả lòng can đảm dứt bỏ những gì đi ngược lại giá trị Tin Mừng.  Vậy đâu là “những gì tôi có” và tôi đang “bán đi” như thế nào?  Qua những chọn lựa trong đời sống hằng ngày, tôi đã “mua bán” như thế nào để “lời lãi” được thiên đàng?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm cậy trông của chúng con, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện;  xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với những của cải muôn đời tồn tại.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 17 mùa Thường niên)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà