Chúa Nhật 22 mùa Thường niên

         

          Theo dòng suy nghĩ của thánh Phê-rô khi ông tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, thì chẳng bao lâu nữa Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem nắm vai trò lãnh đạo Ít-ra-en và thay đổi bộ mặt đất nước.  Vì ý nghĩ sai lầm ấy nên ta dễ hiểu tại sao Chúa Giê-su “cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.  Ta lại càng dễ hiểu tại sao trong câu truyện Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nặng lời quở mắng ông Phê-rô đã cản ngăn Người lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất sứ mệnh Đức Ki-tô với những đau khổ và cái chết nhục nhã Người phải lãnh nhận.  Sứ mệnh đầy khổ đau ấy đã được ngôn sứ Giê-rê-mi-a báo trước, đồng thời cũng là gương mẫu cho ta hoàn tất sứ mệnh Ki-tô hữu trên đường dương thế này.

1.  Ngôn sứ bị sỉ nhục là hình ảnh Đức Ki-tô (bài đọc Cựu Ước – Gr 20:7-9)

          Là người nói thay cho Thiên Chúa, hầu hết các ngôn sứ đều phải chịu cảnh dân chúng bạc đãi, vua chúa tìm cách bách hại, vì các ngài nói thẳng nói thật.  Các ngài được Chúa kêu gọi và trao sứ vụ đem sứ điệp của Người đến cho dân chúng.  Những sứ điệp ấy lại là những điều người ta không muốn nghe vì chúng vạch trần những hành vi hoặc tư tưởng xấu xa của họ, nhất là những khi các ngài báo trước về sự trừng phạt của Thiên Chúa, những tai họa sẽ xảy đến nếu người ta không ăn năn sám hối.

          Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng không tránh khỏi nghiệp chướng ấy.  Những lời ngài tâm sự với Chúa chất chứa đầy những đắng cay, tưởng chừng sức người không tài nào kham nổi sứ vụ nữa.  Trước hết là cảm nghĩ của Giê-rê-mi-a đã “dại dột” để cho Chúa thuyết phục mình làm ngôn sứ.  Mặc dù ông đã viện đủ lẽ để từ chối làm ngôn sứ, nhưng vì “Chúa mạnh hơn con, và Ngài đã thắng”.  Thế là từ đây, Giê-rê-mi-a bắt đầu phải trả cái giá ngôn sứ.  Ông trở thành cái gai trước mắt người đời, cái đích cho người ta đàm tiếu nhạo báng.  Những lời ông công bố dữ nhiều lành ít.  Người ta chỉ nghe những lời đe dọa có chiến tranh, cảnh báo chết chóc khổ đau thay vì những lời chúc phúc, ngọt ngào dễ nghe.  Những điều ông nói không phải do ông nghĩ ra, nhưng là sứ điệp của Chúa.  Do đó, “vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày”.  Đau khổ dằn vặt của đời ngôn sứ đã đẩy Giê-rê-mi-a tới chỗ muốn buông xuôi, từ bỏ sứ vụ để được yên thân.  Nhưng lúc nào Chúa cũng mạnh hơn ông và “lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”.  Giãi bày tâm sự với Chúa lúc quá khổ đau như vậy thôi, chứ Giê-rê-mi-a vẫn tiếp tục làm ngôn sứ và chịu cảnh “phải hao mòn” vì sứ vụ.

          Những điều tâm sự của ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói lên được phần nào tâm sự của Chúa Giê-su.  Người được Thánh Thần “xức dầu tấn phong để đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18).  Cả cuộc đời Chúa Giê-su là một thao thức, sao cho thiên ý của Chúa Cha được chu toàn, “là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:39).  Người giảng dạy giáo lý bác ái yêu thương thì bị kết án là “phá bỏ luật Mô-sê”, dẫn dắt người tội lỗi trở về thì bị coi là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11:19).  Những kẻ chống đối bắt bẻ Người và giăng những cạm bẫy để hạ uy tín Người trước dân chúng.  Sự chống đối của nhóm thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư mỗi ngày một mạnh mẽ hơn, cuối cùng họ “sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại”.  Người bị xỉ nhục và giết chết bằng khổ hình thập giá.  Các ngôn sứ bị bách hại, trốn chạy…  Còn Chúa Giê-su thì hơn thế nữa và Người đã trở thành của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi nhân loại.

2.  Tuyên xưng Đức Ki-tô đích thực (bài Tin Mừng – Mt 16:21-27)

          Chúa Cha đã ban cho ông Phê-rô mặc khải về Con Một Người là Đức Ki-tô.  Đó là một diễm phúc.  Tuy nhiên đón nhận và hiểu biết mặc khải lại phải theo “tư tưởng của Thiên Chúa” chứ không theo tư tưởng của loài người.  Vì thế Chúa Giê-su muốn giải thích cho các môn đệ hiểu thế nào là Đức Ki-tô theo “tư tưởng của Thiên Chúa”.  Theo tư tưởng của loài người, hay nói đúng hơn, tư tưởng của người Do-thái, Đức Ki-tô phải là một người mang sứ mệnh với dân tộc, có khả năng lãnh đạo để giải phóng Ít-ra-en khỏi ách đô hộ ngoại xâm và kiến tạo một quốc gia hùng cường.  Tóm lại, sứ mệnh của Đức Ki-tô hoàn toàn có tính cách thế tục, giống như một vị anh hùng dân tộc.  Ngược lại, Đức Ki-tô theo tư tưởng của Thiên Chúa là Đức Ki-tô “phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Mt 16:21).  Giê-ru-sa-lem phải là nơi chiếu sáng ơn cứu độ, quyền năng Thiên Chúa, chứ không phải thứ quyền lực áp bức của con người.  Con đường khổ giá và cái chết của Đức Ki-tô phải có giá trị tuyệt đối, tức là thay đổi số phận phải chết đời đời của nhân loại và đem lại cho họ sự sống vĩnh cửu.

          Ông Phê-rô vừa nghe Chúa Giê-su giải thích như vậy đã vội vàng phản ứng.  Ông cũng còn đủ tế nhị để “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”.  Có thể ông lo lắng cho Thầy, cũng có thể ông lo lắng cho hy vọng cá nhân của ông, nhưng tựu chung vẫn là những lo lắng “theo tư tưởng của loài người”, lo lắng cho mình hoặc người thân của mình chứ không phải cho toàn thể nhân loại.  Lo lắng của Thiên Chúa là lo lắng của một người Cha, không muốn bất cứ một ai phải hư mất do tội lỗi.  Ông Phê-rô vì ý tốt đã vô tình đi ngược lại tư tưởng của Thiên Chúa và trở thành một thứ phá ngang, kỳ đà cản mũi đối với sứ mệnh của Chúa.  Ông không phải là chính Xa-tan, nhưng là người Xa-tan sử dụng để “cám dỗ” Chúa.  Xa-tan thì chủ ý chống lại Thiên Chúa.  Do đó, khi Xa-tan cám dỗ Chúa trong hoang địa, Người đã thẳng tay đuổi nó:  “Xa-tan kia, xéo đi!” (Mt 4:10).  Còn với Phê-rô, Chúa chỉ quở mắng và bảo ông lui lại đằng sau Người chứ đừng cản trở Người.  Lui lại đằng sau để mà theo, mà học, mà bắt chước và trung thành làm môn đệ Chúa.  Đúng vậy, ông Phê-rô đã làm như thế và ông đã đi trọn con đường Đức Ki-tô đã đi, đưa ông tới cái chết trên thập giá giống như Người.

3.  Làm môn đệ Đức Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Rm 12:1-2; và bài Tin Mừng – Mt 16:24-26)

          Đức Ki-tô chu toàn sứ mệnh cứu thế để thiết lập một vương quốc thiêng liêng quy tụ nhân loại thành con cái Thiên Chúa.  Nhưng Người còn là gương mẫu và chính con đường để tất cả các môn đệ noi theo và đồng hành với Người.  Do đó, sau khi giải thích cho môn đệ hiểu sứ mệnh của Đấng Ki-tô theo tư tưởng của Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã đưa ra một kết luận thực hành cho những ai muốn làm môn đệ Người.

          “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.  Mục đích đi theo Chúa và làm môn đệ Người là để “cứu mạng sống mình”.  Không phải mạng sống thể chất trần gian này, nhưng là mạng sống vĩnh cửu, sống kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình.  Về gương “từ bỏ chính mình”, Đức Ki-tô đã từ bỏ đến độ “trút bỏ vinh quang và địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2:6-8).  Trên đường thi hành sứ vụ rao giảng, Người đã từ bỏ ý muốn và tư tưởng loài người để tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa, không muốn “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống” đời đời của Người.  Về gương “vác thập giá” thì ta đã thấy rõ.  Thập giá của Người không chỉ là hai thanh gỗ Người đã mang trên đường phố Giê-ru-sa-lem lên đồi Sọ, nhưng còn là tất cả những khổ đau của kiếp người và sứ mệnh cứu độ, từ khi sinh ra nghèo hèn tại Bê-lem cho đến lúc tắt thở trên thập giá.  Hình ảnh từ bỏ chính mình và vác thập giá ấy đã được thánh Phao-lô định nghĩa như “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12:1).  Như Chúa Ki-tô vì yêu mến Chúa Cha và nhân loại nên đã hiến dâng thân mình làm của lễ thế nào, Ki-tô hữu cũng phải làm như vậy để đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa.  Theo thánh Phao-lô, từ bỏ chính mình có nghĩa là “đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần”.  Mà phải là tâm thần của Chúa Ki-tô, vì nếu ta không nghĩ bằng đầu óc Chúa Ki-tô, không cảm bằng con tim Chúa Ki-tô và không hành động bằng ý chí Chúa Ki-tô, ta sẽ không thể “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa:  cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2).  Hoặc nói đơn giản như Chúa Giê-su bảo ông Phê-rô:  từ bỏ chính mình nghĩa là phải thay đổi, tư tưởng của anh phải là tư tưởng của Thiên Chúa chứ không phải tư tưởng của loài người.  Còn việc vác thập giá mình sẽ là hậu quả tất nhiên do hành vi từ bỏ chính mình rồi, vì từ bỏ như vậy sẽ gây ra cho ta khổ đau từ nội tâm cũng như từ phía bên ngoài.  Từ bỏ chính mình và vác thập giá tựa như nhân với quả vậy.

4.  Sống Lời Chúa

          Chúa Giê-su thẳng thắn cho ta biết Người là Đấng Ki-tô nào và nếu ta muốn làm môn đệ Người thì ta phải làm gì và chấp nhận hậu quả nào.  Người gọi ta làm môn đệ Người.  Nhưng trước hết Người muốn ta phải xác tín rõ ràng Người là ai để ta theo.   Người cũng để cho ta tự do cân nhắc trước khi quyết định làm môn đệ Người, giống như kẻ xây tháp phải tính toán phí tổn trước khi xây để không bị bỏ dở hoặc như ông vua sắp đi giao chiến phải cân nhắc lực lượng mình và địch (Lc 14:28-33).  Ông Phê-rô, các bạn Tông đồ của ông và không biết bao người khắp nơi từ hai mươi thế kỷ nay đã đáp lại lời gọi của Chúa và quyết định làm môn đệ Người.  Còn ta thì sao?

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô khuyên nhủ ta:  Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.  Vậy đời tôi có thực sự là một của lễ dâng lên Thiên Chúa không?  Và của lễ ấy thế nào?  Giống như của lễ A-ben hay của lễ Ca-in?

Cầu nguyện:          Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo.  Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.  Người hằng sống và hiển trị muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Lễ Lá).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

29-8-08


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà