Lễ Chúa Ba Ngôi A

Thiên Chúa Yêu Thương Thế Gian

 

Gio 3:16-18: 16 Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế (đó), đến đỗi đã thí ban Người Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời. 17 Vì Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian, để xử án thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu. 18 Kẻ tin vào Ngài thì sẽ không bị án xử, kẻ không tin thì đã bị án xử rồi.

 

Tin mừng của lễ Chúa Ba Ngôi năm A nằm trong đoạn 3:13-21, phần thứ hai của đoạn thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu và Nicôđêmô (3:1-21). Cuộc đối thoại nầy chia làm hai phần. Câu 3:9 là câu hỏi cuối cùng của Nicôđêmô, và câu trả lời của Chúa Giêsu chấm dứt ở câu 12, trong đó ngôi thứ hai số nhiều được dùng lần cuối cùng. Bắt đầu câu 13 diễn từ của Chúa Giêsu đổi thành độc thoại cho đến câu 21. Đoạn 3:13-21 có thể chia thành hai phần: - Giáo lý về Con Người (3:13-17); - Những hệ quả về tin và phán xét (3:18-21).

 

Giáo lý về Con Người (3:13-16). Đoạn nầy trình bày việc Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc thế gian. Các từ ngữ chính là “Người Con” trong đó “Con Người (cc. 13.14) và “Người Con duy nhất” (cc. 16.17 và 18); “có sự sống đời đời” (cc. 15.16); “tin” (cc. 15.16 và 18), “phán xét” (cc. 17 và 18). Trong hai câu 13 và 14 Chúa Giêsu nói về mình với danh hiệu “Con Người”. Người Con nầy từ trời xuống. Ở đây gặp thấy hai động từ đối nghĩa nhau là anabainō “đi lên” katabainō “đi xuống”. Câu nầy nhấn mạnh là Con Người là đấng duy nhất đã từ trời xuống. Người được Chúa Cha sai đến thế gian (c. 17) và là tình yêu của Chúa Cha đối với họ (c. 16).

 

Mục đích của việc xuống thế gian là “phải được treo lên” (c. 14). “Dei”, “phải” chỉ việc phải thực hiện do ý định của Thiên Chúa. Con Người được ví như “con rắn đồng treo lên trong sa mạc” (x. Ds 21:8). Hypsoō, “đưa lên cao” gắn liền với tước hiệu “Con Người, luôn ở thể thụ động chỉ tác nhân là Thiên Chúa (3:14; 12:32.34), ngoại trừ 8:28 chỉ những kẻ treo Người lên. Gioan dùng từ hypsoō nầy theo nghĩa là treo trên thập giá. Như Môsê treo con rắn đồng lên trong sa mạc để cứu sống những ai bị rắn cắn, cũng thế Con Người được treo lên để ai tin “có sự sống đời đời” (c. 15).

 

Hai câu 16 và 17 có thể làm thành một đơn vị. Ở đây nói đến căn tính của Con Người và vai trò của Người trong chương trình của Thiên Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại. Con Người trên được gọi là “Người Con duy nhất” (c. 16), và Con của Thiên Chúa (x. 1:14.18). Thiên Chúa ban Người Con nầy cho thế gian, vì Thiên Chúa yêu thương thế gian; Người cũng ban Thánh Thần (x. 14:16). Hiểu như thế nào về ân huệ Người Con? Theo mạch văn có thể nghĩ là Người Con “phải bị treo trên thập giá” (c.14). Chính bởi hành vi cứu chuộc nầy mà “sự sống đời đời” (x. 1:14: ân sủng và chân lý) được ban cho những ai tin vào Người Con nầy. Vậy, thập giá và cái chết của Người Con là bằng chứng mạnh mẽ nhất của tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian: làm cho thế gian được sống đời đời nhờ cái chết của Con mình. Tư tưởng trên được diễn tả lại dưới hình thức phủ định trong câu 17, trong đó “được cứu độ” tương ứng với “có sự sống đời đời”, và đối nghĩa với “phán xét”.

 

          Những hệ quả (cc. 18-21). Nếu đoạn trước mô tả hành vi yêu thương của Thiên Chúa là ban Con Một, đoạn nầy trình bày sự phán xét của Người. Những ai không đón nhận và không tin vào Con của Người sẽ bị Thiên Chúa “phán xét”; động từ ở thể thụ động (c.18 [2x]). Đoạn nầy nối kết với đoạn trước qua các từ ngữ “Tin vào Người Con duy nhất của Thiên Chúa”, “phán xét” (c. 18).

 

          Một nguyên tắc tuyệt đối được đưa ra: “Ai tin vào Người thì không bị phán xét. Ai không tin thì đã bị phán xét rồi” (c. 19). Sự phán xét được thực hiện dựa trên việc làm, ergon. Động từ erkhomai, “đến” (cc. 19.20.21) có ba chủ ngữ khác nhau và diễn tả ba hành động khác nhau. Phía Thiên Chúa: ánh sáng đến thế gian (c. 19); phía con người: người làm điều xấu thì không đến với ánh sáng (c. 20). Ngược lại, người làm sự thật thì đến với ánh sáng (c. 21). Thái độ của thế gian đối nghịch với thái độ của Thiên Chúa: họ không yêu mến ánh sáng cũng có nghĩa là không Người Con mà vì yêu thương Thiên Chúa đã ban cho thế gian (c. 16). Việc yêu thích bóng tối đã được trình bày trong Lời Tựa (1:4-5.9-11).

 

Chúa Giêsu là món quà tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian. Tùy theo thái độ tin hay không tin được diễn tả qua hành động, mà được sự sống đời đời hay mất mạng sống.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A