Ngày 25 Tháng 12

Lễ Chúa Giáng Sinh

Thánh Lễ Ban Ngày

Việc Kỳ Diệu

(Ys 52,7-10; Hr 1,1-6; Gn 1,1-18)

 

Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}

"Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

 Suy Niệm:

(Ngày 25 Tháng 12 Lễ Chúa Giáng Sinh - Thánh Lễ Ban Ngày)

(Ys 52,7-10; Hr 1,1-6; Gn 1,1-18)

Thánh lễ bây giờ không còn những màu sắc của Thánh lễ Nửa Ðêm nữa. Chúng ta có thể tiếc bầu khí linh thiêng ấm áp, thi vị của Ðêm Giáng sinh. Chúng ta muốn được nghe lại câu chuyện Chúa ra đời nơi máng cỏ và theo chân các mục đồng đến Bêlem. Giờ đây, trong Thánh lễ này, Phụng vụ còn dẫn ta đến với Hài Nhi; nhưng qua các bài Thánh Kinh nặng chất thần học, phụng vụ mời ta suy nghĩ sâu sắc hơn về việc Chúa Giáng sinh làm người. Thế nên, ta phải dùng hiện tượng để đi vào bản chất của mầu nhiệm Giáng sinh; ta phải đi qua câu chuyện Chúa ra đời để tìm hiểu ý nghĩa việc Chúa Giáng trần.

 A. Việc Kỳ Diệu Chúa Làm Cho Ta

Bài tiên tri Isaia vắn tắt, nhưng muốn thu hút sự chú ý của ta. Này, chân người đem tin mừng đã đến. Chúng ta hãy mở mắt ra nhìn ơn Chúa cứu độ chúng ta. Isaia bấy giờ nói với Yêrusalem trong thời bị bỏ rơi, tiêu điều, xơ xác, lầm than, khổ sở, mất quyền tự chủ, không có độc lập và tự do. Yêrusalem vẫn còn là hình ảnh của tất cả chúng ta, khi chúng ta không làm chủ được bản thân, đời sống và vận mạng của mình. Ai ý thức mình như thế, hãy nghe lời tiên báo của Isaia: đẹp thay bước chân người đem tin mừng, người loan báo hòa bình cứu độ! Chính Chúa đã ra tay trước mặt muôn dân và khắp chốn đã nhìn thấy Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Là vì, theo lời thư Hipri, đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông qua các tiên tri, nay vào thời sau hết, Người đã nói với ta nơi Con Một của Người. Như vậy lễ Chúa Giáng sinh cho ta thấy công việc vĩ đại cuối cùng mà Thiên Chúa làm để dứt khoát cứu độ chúng ta. Không ai còn có thể chờ đợi hành động giải thoát nào khác. Và mọi công việc trước đây chỉ là tạm thời để chuẩn bị hoặc để tiên báo.

Ðể thu hút mọi suy nghĩ của chúng ta vào công việc Chúa làm đây, tác giả thư Hipri cho chúng ta thấy: ngay các thiên thần trên trời bây giờ cũng châu đầu thờ lạy Con Thiên Chúa giáng trần. Nói cách khác, Hài Nhi mới sinh từ nay trở thành trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử. Muốn tìm thấy Thiên Chúa, phải chạy đến với Người. Muốn biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cũng phải tìm hiểu nơi Người Con ấy. Người là mạc khải cuối cùng và toàn vẹn, bao gồm mọi mạc khải trước sau; chúng ta không thể tìm được gì tốt đẹp khác ở ngoài Người. Hạnh phúc và cứu độ của chúng ta tùy ở việc nhận ra Ý Người và thi hành mệnh lệnh Người. Hôm nay Chúa Cha đã sinh ra Người cho ta, để mai ngày cũng chính Chúa Cha sẽ phán: các ngươi hết thảy hãy nghe Lời Người.

Yoan là người hiểu rõ ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng sinh. Ông không dừng lại ở hiện tượng và không mô tả việc Chúa sinh ra. Nhưng ông đã suy nghĩ về việc Chúa ra đời và thấy đó là cả một công trình cứu độ của chúng ta. Ông đã viết nên bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc và Phụng vụ muốn chúng ta suy nghĩ bài Tin Mừng ấy để đón nhận ơn Chúa Giáng sinh.

 B. Bài Tin Mừng Yoan

Yoan nhìn máng cỏ, nhìn mầu nhiệm Chúa ra đời như là một sáng tạo và một thế giới mới. Sách Tin Mừng của ông bắt đầu bằng mấy chữ: "lúc Khởi Nguyên". Lập tức chúng ta phải nghĩ tới những chữ đầu tiên của toàn bộ Kinh Thánh là sách Khởi Nguyên nói đến việc Chúa sáng tạo vạn vật và làm ra lịch sử. Như vậy khi dùng những chữ "lúc khởi nguyên" để bắt đầu nói về Tin Mừng của Ðức Yêsu và gợi lên việc Người sinh ra, Yoan rõ rệt muốn nói với chúng ta rằng: việc Chúa Giáng sinh bắt đầu một sáng tạo mới, một lịch sử mới, không phải để thay thế lịch sử và sáng tạo cũ, nhưng để làm cho chúng nên mới mẻ.

Thế nên trong bài Tin Mừng này, Yoan nói đi nói lại vấn đề ánh sáng, vấn đề sự sống, vấn đề sung mãn, vấn đề vinh quang là những nhân tố trong việc sáng tạo. Chúng ta hẳn còn nhớ bài tường thuật của sách Khởi nguyên về việc dựng nên trời đất. Ngày từ ngày đầu tiên, tác giả đã nói đến ánh sáng, vì không có ánh sáng, ai có thể làm được việc gì? Rồi trong những ngày sau, tác giả nói đến sự sống sinh sôi nảy nở ở trên trời, ở dưới nước và trên mặt đất. Tác giả kết thúc mọi việc sáng tạo bằng một câu: và Thiên Chúa thấy mọi sự đã làm ra đều tốt lành và Ngài chúc phúc cho vạn sự. Ở đây, Yoan cũng luôn luôn nói đến ân sủng và chân lý, tức là chân thiện mỹ, diễn tả sự tốt lành và hạnh phúc.

Và cũng như trong bài sáng tạo của sách Khởi nguyên, tất cả đã quy vào việc dựng nên con người thì chắc chắn câu then chốt của bài Tin Mừng hôm nay cũng có câu: "Và Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng tôi. Chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Người, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, đầy ơn nghĩa và sự thật". Thế nên, ta chỉ đáp ứng nguyện vọng của Yoan và của Phụng vụ, nếu ta chăm chú nhìn vào Hài Nhi mới sinh nơi máng cỏ như là sáng tạo và công trình mới của Thiên Chúa, để đi vào thế giới mới, lịch sử mới, sự sống mới mà Hài Nhi thành Bêlem mang đến cho chúng ta.

 C. Ðiều Kiện Ðón Nhận

Không phải hết mọi người nhận ra điều đó. Và cũng như trong buổi Khởi nguyên của lịch sử đã có cuộc tranh chấp giữa lành dữ, thì bài Tin Mừng Yoan hôm nay cũng cho ta thấy những thái độ của loài người trước kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Vừa nói đến việc Ngôi Lời là ánh sáng và là sự sống thật đến trong thế gian, Yoan đã nhận xét ngay: thế mà thế gian lại không đón nhận Người. Có một cái gì chua chát trong giọng văn của tác giả khi ông viết: Người đến trong nhà của Người, mà người nhà đã không tiếp nhận Người. Yoan ám chỉ đến người Dothái, nhưng cũng gián tiếp nói về mọi người không đón nhận Ðức Kitô với sứ điệp cứu độ của Người, vì tất cả loài người chỉ là công trình của tay Chúa làm ra. Lẽ ra ai ai cũng phải đón nhận Ơn ban của Thiên Chúa khi Ngài ban Con Một Ngài cho ta. Nhưng biết bao người đã từ khước! Người Dothái không đón nhận vì họ dựa vào các tiên tri và còn tin vào Yoan Tẩy Giả, lấy lẽ ông này còn trổi vượt hơn Ðức Kitô. Nhưng chính Yoan Tẩy Giả đã nói: Ðấng đến sau tôi đã có trước tôi; Ngài hơn tôi bội phần. Cũng như Môsê đã chỉ ban được Luật pháp, chứ làm sao có khả năng ban ơn nghĩa và sự thật! Thế mà người Dothái vẫn còn tin vào Yoan và Môsê; thế mà bao người khác vẫn bắt chước họ mà khước từ Ðức Kitô.

Tại sao vậy?

Yoan đáp: tại họ sinh ra bởi huyết nhục và xác thịt; họ kế thừa những ước muốn của nam nhân; họ sống theo dục vọng và suy nghĩ theo thế tục; họ muốn sự cứu độ và hạnh phúc trần ai, ích kỷ; họ không chấp nhận một Thiên Chúa sinh làm Hài Nhi nơi máng cỏ; họ từ khước đi vào con đường Người đã đi khi sinh ra ở đời này và ở cùng chúng tôi. Nói tóm lại, họ muốn xây dựng hạnh phúc theo ý họ, chứ không muốn tập họp trên một con đường dẫn tới hạnh phúc chung.

Thế mà ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cấu tạo bản chất con người cho một hạnh phúc tập thể. Cả mọi người và cả mọi vật đều chỉ mãn nguyện ở trong sự duy nhất. Adam-Evà đã muốn phá cái mối liên kết tất cả, là Thiên Chúa; khiến từ khước Thiên Chúa rồi, mọi người và mọi vật không còn cơ sở nào để duy nhất lại nữa. Nay chính Thiên Chúa phải giáng sinh làm người, kết hợp lại với con người, để rồi con người kết hợp lại với nhau và với vạn vật. Người ban cho những ai tin vào Người, kết hợp với Người Con của Người, được khả năng như thế, tức là được khả năng không còn sống theo ý muốn của huyết nhục xác thịt và nam nhi nữa, một theo ý Chúa, là ý muốn yêu thương cứu độ mọi người, để ai ai cũng như Người Con ấy tràn đầy ơn nghĩa và sự thật. Ðó là những người sinh bởi Chúa, như Yoan nói tức là những người có sự sống của Chúa, sự sống yêu thương đã sinh ra làm người vì chúng ta.

Như vậy, mừng lễ Giáng sinh, đón nhận ơn Chúa ra đời, là tiếp nhận một sự sống mới, mà Chúa Cứu Thế mang tới. Sự sống ấy không nguyên là ơn nghĩa giao hòa chúng ta với Chúa, tức là ơn tha thứ tội lỗi và yêu mến Thiên Chúa; nhưng khi ta chia sẻ sự sống của Người, ta cũng theo sức mạnh tình yêu của Người mà muốn giao hòa với mọi người và mọi vật. Ta bỏ nếp sống ích kỷ tìm tư lợi, để muốn duy nhất tất cả lại trong Ðức Kitô. Và cho được như vậy, ta phải đi vào đường lối Người đã đi, mà giờ đây trong Thánh Lễ, Người còn khẳng định rõ rệt: Này là Mình Ta sẽ chịu nộp vì các con; này là Máu Ta sẽ đổ ra cho muôn người được khỏi tội. Ðức Kitô đã từ bỏ đến cả mạng sống vì anh em. Mà đâu đã có ai đòi hỏi ta đến như thế? Cứ xem Ngôi Lời Thiên Chúa đã phải hy sinh đến mức nào để chấp nhận cuộc đời tại thế hầu làm chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, để chúng ta được thúc đẩy bắt chước Người mà đi vào con đường hy sinh xả kỷ hầu làm chứng chúng ta muốn có tình đồng bào, đồng loại với mọi người.

Xin Thánh Thể Chúa sẽ kết hợp chúng ta vào với Người cũng sẽ kết hợp chúng ta lại với nhau, để không những chúng ta mến Chúa hơn mà cũng yêu người nhiều hơn. Chúa đã xuống thế và đến ở cùng chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải muốn đến với anh em và cùng sống với anh em như anh em một nhà, vì tất cả chúng ta chỉ có một Cha trên trời, Ðấng đã sáng tạo lại tất cả trong Người Con duy nhất mà Người đã ban cho thế gian trong mầu nhiệm Giáng sinh chúng ta đang cử hành.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A