CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Đáp lại Tình Yêu

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 26:14 – 27:66)

          Các bài Thương khó trong sách Tin Mừng đều có quá nhiều điểm để chúng ta suy niệm.  Một trong những điểm đặc biệt của bài Thương khó theo thánh Mát-thêu là Chúa Giê-su biết trước những gì sẽ xảy ra và Người làm chủ tình hình, nhưng tại sao Người vẫn sẵn sàng chấp nhận mọi sự.

          Trước khi xảy ra cuộc Thương khó, Chúa Giêsu đã chuẩn bị thời giờ và nơi chốn để cử hành tiệc Vượt qua với các môn đệ.  “Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt qua”.  Trong bữa tiệc, Chúa Giê-su không nổi giận trước thái độ giả nhân giả nghĩa của Giu-đa, nhưng vẫn tế nhị, muốn thầm kêu gọi hắn trở về.  Khi lập Bí tích Thánh Thể, chắc chắn Chúa đã nghĩ tới giây phút “mình Người” bị trao nộp và “máu Người đổ ra cho muôn người được tha tội”, nhưng Người vẫn coi những việc này là cần phải làm để thiết lập Giáo Ước mới và “thứ rượu mới trong Nước của Thiên Chúa”, cho nên Người vẫn có thể “dâng lời chúc tụng” Chúa Cha.  Tiếp đến là đối với thái độ quá tự tin của Phê-rô, Chúa Giê-su chỉ nhẹ nhàng cảnh báo:  “Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”.  Chính sự bao dung và cảm thông của Chúa Giê-su đã đủ để nhắc nhở ông hối cải, vì sau khi ông nghe tiếng gà gáy thì “sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói” và “ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”.  Trong Vườn Dầu, Chúa Giê-su “buồn đến chết được” và cần các môn đệ “ở lại mà canh thức với Người”, nhưng họ không đáp lại nhu cầu của Người.  Vậy mà Người không một lời trách móc, lại còn ân cần nhắn nhủ họ cần phải “canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ”.

          Lúc bị bắt trong Vườn Dầu, một lần nữa Chúa Giê-su đối mặt với kẻ phản bội là Giu-đa.  Chúa vẫn tỏ ra ân cần với hắn và còn gọi hắn là “bạn”, nhắc nhở hắn về những lời tâm huyết Người thố lộ trong bữa Tiệc Ly:  “Thầy gọi anh em là bạn hữu…” (Gio-an      15:15).  Đối với hành động nông nổi của Phê-rô khi ông chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế, Chúa Giê-su nghiêm khắc dạy dỗ ông bài học lấy đức báo oán và tuân thủ thi hành kế hoạch của Thiên Chúa để “lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”.

          Trước mặt các nhà lãnh đạo Do-thái, Chúa Giê-su chỉ lặng thinh hoặc nếu bắt buộc phải lên tiếng thì Người chỉ lên tiếng để xác nhận sự thật.  Đối với tổng trấn Phi-la-tô, Chúa Giê-su tôn trọng quyền xét xử của ông và để mặc ông hành xử theo tiếng lương tâm.  Người không trả lời những lời cáo gian của dân Do-thái, vì Người biết Phi-la-tô đã thừa hiểu cần phải làm gì trước sự bất công ấy.  Khi bị đóng đinh trên thập giá, trước những lời nhục mạ của nhóm thượng tếm kinh sư và kỳ mục, Chúa Giê-su lặng thinh và hướng về một mình Thiên Chúa.

          Những động lực nào đã giúp Chúa Giê-su có một thái độ “kỳ lạ”, khác hẳn với chúng ta, khi đứng trước đau khổ và bất công như thế?  Đó là “để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”.  Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo cuộc Thương khó này trong những “bài ca của người Tôi Trung”.  Chúa Giê-su chính là Người Tôi Trung trong Cựu Ước, đặt tất cả tin tưởng vào Thiên Chúa.  Động lực chính là “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế tôi trơ mặt ra như đá” (I-sai-a 50:7).  Một động lực khác được thánh Phao-lô đề cao trong đoạn thư Phi-líp-phê 2:6-11 nói về Chúa Ki-tô.  Chúng ta có thể gọi đây chính là “Người Tôi Trung trong Tân Ước”.  “Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Tín thác vào Thiên Chúa Cha và vâng lời Chúa Cha là những động lực thúc đẩy Chúa Giê-su vui lòng chịu chết cho chúng ta.  Nhưng chắc chắn còn một động lực quan trọng khác mà Chúa Giê-su đã nói đến:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Gio-an 15:13).  Thiết tưởng chúng ta chỉ suy niệm về tình thương này của Chúa và làm điều gì để đáp lại tình thương ấy, thế là đủ rồi!      

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi   


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A