CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY, năm A

Mt 17, 1-9

 

CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH

 

Cuộc đời ngắn ngủi của Chúa Giêsu ở trần gian nói lên sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha của Ngài. Bởi vì đã là Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể kéo dài cuộc sống của Ngài đến vô cùng vô tận. Nhưng ở trần thế chóng qua này, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái mong manh, chóng qua của thân phận con người. Đó là, sau khi Chúa Giêsu chấp nhận sự đau khổ theo ý Thiên Chúa Cha để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã được “ biến hình đổi dạng trên núi cao “ và được Cha Ngài long trọng khen ngợi :” Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người “ ( Mt 17, 2 ).

 

Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê để cho các môn đệ thân tín thấy vinh quang của Ngài. Sự biến hình là phần thưởng cao quí, tuyệt vời Thiên Chúa Cha trao tặng cho Chúa Con, Đức Giêsu Kitô.Chúa biến hình trước mặt các môn đệ để các Ngài cảm nghiệm trước sự sáng láng sống lại của Chúa Giêsu. Biến hình hôm nay, Chúa chuẩn bị các môn đệ dễ dàng đón nhận sự đau khổ, cái chết thương đau của Chúa Giêsu trên thập giá. Bởi vì có đau khổ mới có vinh quang. Miêu tả biến cố biến hình, thánh sử Máccô viết :” Áo người trở nên trắng như tuyết, trắng hơn bất cứ thứ vải nào mà các thợ tẩy có thể tẩy được “. Thánh Matthêu diễn tả :” Sung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng “ ( Mt 17, 2 ). Đây là cuộc biến hình đổi dạng sau khi Chúa Giêsu đã một mực tuân hành ý Thiên Chúa Cha chấp nhận cuộc khổ nan để cứu chuộc nhân loại. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là chấp nhận vâng lời thánh ý Thiên Chúa Cha. Chính vâng phục ý Cha, Chúa Giêsu đã trút bỏ vinh quang, mang thân phận làm người, sống như mọi người ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã chịu đau khổ trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, gánh tội cho con người,mặc dù Người hoàn toàn vô tội.

 

Chính vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu luôn phải thốt trên môi miệng lời của Chúa Giêsu :” Lạy Cha nếu có thể được thì xin Cha cất chén đắng này xa con, nhưng đừng theo ý Con mà là theo ý Cha “ ( Mt 26, 39 ).  Vác thập giá đi theo Đức Giêsu Kitô, người môn đệ Chúa sẽ được thấy sự vinh quang của Chúa. Chúa đã nói :” Mỗi lần anh em cho một trong những kẻ nhỏ mọn này ăn, uống, mặc là các con làm cho chính Ta “. Giúp đỡ, thăm viếng những kẻ tù tội, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những kẻ khó khăn là chúng ta nhận ra khuôn mặt sáng láng của Chúa Giêsu. Người môn đệ Chúa sẽ họa lại được khuôn mặt của Chúa khi họ luôn có bộ mặt an bình, hân hoan vì có Chúa ở cùng họ.

 

Vinh quang của núi Tabôrê quả thực mau qua vì Chúa chỉ cho các môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy sự sáng láng, chói lòa của Ngài trong chốc lát. Người Kitô hữu, môn đệ của Chúa thấy vinh quang thì ít mà đau khổ thì nhiều, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận vì họ cảm nghiệm được Chúa đang có mặt trong cuộc đời mình và như thế, họ sẵn sàng hy sinh vác thập giá để đi theo Chúa.

Vâng, người Kitô hữu luôn phải vượt thắng tội lỗi, bản thân để chiếm lấy vinh quang là Nước Thiên Chúa.


Cả cuộc đời của người Kitô hữu là một cuộc phấn đấu không ngừng. Người Kitô hữu phải bước đi trong cuộc hành trình đức tin. Cuộc hành trình đức tin đòi hỏi con người luôn phải mặc lấy Đức Kitô. Mà đã mặc lấy Đức Kitô, người Kitô hữu phải sống như Ngài. Do đó, người Kitô hữu phải sống khiêm nhượng, sống hiền lành để bộ mặt của Đức Kitô được nổi bật trong đời sống của mình.

 

Mùa chay là cơ hội tốt, là dịp thuận tiện cho chúng ta ăn năn sám hối, quay về với Chúa, với anh em, sống thánh thiện và đạo đức để hướng về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô.

 

Canh tân đời sống, ăn chay, bố thí và cầu nguyện là ba phương thế tốt nhất để người Kitô hữu thực hiện việc sám hối…

 

Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để mỗi lần thực thi việc bác ái, mỗi lần cầu nguyện, mỗi lần dâng thánh lễ là mỗi lần gương mặt chúng con bừng sáng vì Chúa đang khơi lên trong trái tim chúng con ngọn lửa mến, ngọn lửa tình yêu cứu độ. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Tại sao Chúa lại biến hình trên núi Tabôrê trước mặt ba môn đệ thân tín ?

2.Cuộc biến hình của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì ?

3.Thập giá gợi gì cho chúng ta ?

4.Tại sao chúng ta lại phải sám hối ?

5.Canh tân là gì ?

 

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT



 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A