Chúa Nhật XXII Thường Niên A

Phải Lên Giêrusalem

 

Mt 16:21-28: 21Từ bấy giờ, Ðức Yêsu bắt đầu tỏ cho môn đồ hay: "Ngài phải đi Yêrusalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại. 22Và Phêrô kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách Ngài: "Thiên Chúa thương! Chứ sẽ có đâu như thế!" 23Nhưng quay lại, Ngài nói với Phêrô: "Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".

24Bấy giờ Ðức Yêsu nói với các môn đồ: "Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta. 25 Vì kẻ muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ tìm được lại. 26 Nào có ích gì cho người ta khi được lời lãi tất cả thế gian, mà lại thiệt mất sự sống mình! Hay người ta sẽ cho gì đểchuộc lại sự sống mình?

27Vì chưng Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Ngài với các thiên thần của Ngài, và bấy giờ Ngài sẽ trả cho mỗi người tùy theo hành vi của họ. 28 Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong những kẻ có mặt đây, có người sẽ không nếm biết cái chết trước khi thấy Con Người đến trong Nước của Ngài".

 

Ngay sau trình thuật Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, các tin mừng nhất lãm đều đặt ngay sau đó lời loan báo đầu tiên về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu (Mt 16:21-28: Mc 8:31-33; Lc 9: 22). Thánh sử muốn gắn liền Đức Kitô, Con Thiên Chúa với sứ mạng cứu độ nhân loại bằng con đường thập giá; cụm từ “Con Người”, hyios tou anthrōpou, đóng khung đoạn lớn nầy (16:13-28). Sau đoạn 16:21-28 nầy là trình thuật Chúa Giêsu biến hình. Ngài bày tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài trước khi Ngài vào “trong Nước của Ngài” (16:28).

 

Đoạn 16:21-28 gồm hai phân đoạn bắt đầu bằng “Chúa Giêsu nói với các môn đệ”: - Loan báo cuộc vượt qua của Ngài (cc. 21-23); - Điều kiện của người muốn làm môn đệ Ngài (cc. 24-28). Các hạn từ liên quan đến cuộc vượt qua của Chúa Giêsu và sự từ bỏ để đi theo Ngài: - trong cc. 22-24: “lên Giêrusaelm”, “đau khổ”, giết”, “sống lại”; - trong cc. 24-28: “từ bỏ” “vác thập giá”, “đi theo”, “tìm - mất”, “lời lãi - thiệt mất”, “đến trong vinh quang”, “vào trong Nước của Tôi”.

 

Loan báo cuộc Vượt qua (cc. 21-24)

 

Về cấu trúc, đoạn nầy gồm một tuyên bố của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài (c. 21), tiếp theo là phản ứng của Phêrô trước lời tuyên bố (c. 22), và nhận xét của Chúa Giêsu về cách phản ứng của Phêrô (c. 23). Matthêô mở đầu đoạn bằng apo totē, “Từ bấy giờ” để liên kết với đoạn trước. Thánh sử thay “Con Người” (Mc 8:31) bằng “Ngài”, auton, và thêm “đi lên Giêrusalem”. Lời tiên báo của Chúa Giêsu (c. 21) gồm “Ngài phải” và tiếp theo đó là 4 động từ ở thể nguyên mẫu: “đi lên”, “đau khổ”, “giết” và “chỗi dậy”, một chỉ dẫn nơi chốn là “Giêrusalem”, và “niên trưởng”, “thượng tế” và “kinh sư” là những người lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem.

 

Sau khi xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu nói đến cuộc vượt qua của Ngài. Sứ mạng cứu độ nầy gắn liền mật thiết với tước hiệu “Đức Kitô”. Giêrusalem là nơi cuộc thương khó sẽ xảy ra, và các tác nhân chính là các lãnh đạo tôn giáo. Ngay khởi đầu tin mừng, Matthêô đã cho thấy Giêrusalem và nhóm những người nầy đã hoảng sợ với tin “Vua dân Do thái mới ra đời” (2:3-4). Họ sẽ chủ động trong việc giết Chúa Giêsu (27:1tt; 28:12).

 

Động từ dei, “phải”, chỉ một sự cần thiết vô điều kiện. Điều được nói ra với dei thường được hiểu như là chương trình của Thiên Chúa (x. Cv 5:29; 1 Thess 4:1; Rom 8:26; 1 Co 8:2; 1 Tim 3:2.7. 15; Lc 13:14.16). Ở đây dei diễn tả ý muốn của Thiên Chúa về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ý thức chương trình nầy là của Chúa Cha. Ngài hoàn toàn tích cực tuân theo ý Cha trong cuộc thương khó sắp đến. Ý muốn của Chúa Cha được diễn tả cụ thể trong 4 động từ ở thể nguyên mẫu. Trước hết là “đi lên Giêrusalem”, việc nầy sẽ được thực hiện ở câu 20:18;  rồi “đau khổ”, paschō, rất nhiều trong cuộc thương khó, “bị giết” bởi các lãnh đạo do thái, và sau cùng “được chỗi dậy”. Chính Chúa Cha sẽ làm cho Ngài sống lại, “sẽ được chỗi dậy” (x. Cv 2:22-4; 3:13-15; 4:10; 5:30-31; 10:36-40).

 

Trước lời tiên báo nầy, Phêrô phản đối Chúa Giêsu: “Xin Thiên Chúa thương Ngài”, nghĩa là “xin Thiên Chúa xót thương giữ cho Ngài khỏi điều ấy” (c. 22). Trong trình thuật trước, Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Dân chúng và các môn đệ đã chứng kiến tận mắt những việc Chúa Giêsu đã làm trong suốt thời gian sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Ngài đáp ứng trọn vẹn những nhu cầu thường ngày của mọi người: chữa bệnh, xua trừ ma quỉ, mở mắt người mù, làm cho người phung hủi được sạch… (x. 9:35; 11:5); và gần hơn với trình thuật nầy là việc Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hoá nhiều (14:13-21), và cứu các môn đệ khỏi sóng gió và Phêrô khỏi chìm 14:22.33). Phêrô cũng như dân chúng thời bấy giờ mong đợi một đấng thiên sai đầy vinh quang và quyền năng như thế. Vì thế ông không thể chấp nhận lời tiên báo chết chóc và làm thất vọng như thế được.

 

Khi ngăn cản Chúa Giêsu thực hiện điều Ngài tiên báo về cuộc thương khó, Phêrô phản đối Chúa Cha một cách gián tiếp. Chúa Giêsu ra một mệnh lệnh cho ông “Xéo đi sau Tôi”. Phêrô, thay vì đi theo đằng sau lưng Chúa Giêsu lên Giêrusalem, bấy giờ ông vượt lên đứng trước mặt Ngài mà cản đường. Cách nói opisō mou, “theo sau Tôi” thường được dùng trong ngữ cảnh Chúa kêu gọi ai đó làm môn đệ (4:10; 10:38). Thầy đi trước, môn đệ theo sau. Làm môn đệ là đi theo sau lưng thầy và học cùng thầy. Phản ứng của Phêrô, ra phía trước Chúa Giêsu và ngăn cản Ngài, không phải là phản ứng của người môn đệ, mà là phản ứng của Satan. Chúa Giêsu gọi ông là “Satan”, thay vì “Phêrô” hay một tên nào khác, vì “Satan” đã đứng trước Chúa Giêsu và yêu cầu Ngài quỳ gối thờ lạy nó; nghĩa là thờ phượng và phụng sự nó (4:10). Phêrô đứng trước Chúa Giêsu và muốn Ngài làm theo ý của ông. Như Chúa Giêsu đã đuổi Satan biến đi, Ngài cũng đuổi Phêrô về lại đằng sau lưng Ngài.

 

Phêrô bị trách là không hiểu đường lối/tư tưởng của Thiên Chúa (c. 23). Các bản dịch khác nhau trong cách dịch cụm từ “ta tou Theou  và “ta tou anthrōpōv” nầy. Cụm từ ta tou Theou nầy gặp thêm một lần nữa trong 22:21, lúc nầy có nghĩa là “những gì thuộc về Thiên Chúa” (xem các cách nói tương tự trong Rom 8:5; Phil. 3:19; and Col 3:2). Theo văn mạch ở đây, Phêrô phản đối việc Đức Kitô phải chịu cuộc thương khó, cũng có nghĩa là ông phản đối “đường lối/cách làm của Thiên Chúa” trên Chúa Giêsu. Động từ phroneō, có nghĩa là “chăm chú vào”, “đặt tâm trí vào”. Như thế có thể hiểu là Phêrô đã không để tâm vào đường lối của Thiên Chúa mà chỉ vào đường lối con người, nên không hiểu điều ý muốn của Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu Kitô đã để Thiên Chúa hành động nơi mình. Ngài vâng phục lên Giêrusalem và chịu thương khó, bị giết và sẽ được làm cho sống lại. Phêrô cản trở vì ông không hiểu cách làm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ giải thích rõ hơn cách làm của Thiên Chúa trong đoạn tiếp theo.

 

Điều kiện của người muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (cc. 24-27)

 

Như phần trước, đoạn nầy cũng dẫn nhập bằng câu vắn “Chúa Giêsu nói với các môn đệ”, rồi một tuyên bố tổng quát về việc theo Chúa (c. 24), được giải thích trong ba trình bày “Vì…”, gar (cc. 25.26.27), và kết thúc bằng một loan báo dẫn vào bởi công thức long trọng “Quả thật, Tôi nói cho các anh biết….”, Amēn, legō hymin (c. 28). Phần nầy liên hệ với phần trên bằng từ nối “theo sau tôi” (cc. 23 và 24). Qua phản ứng của Phêrô, Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ về cách đi theo Ngài.

 

Làm môn đệ là đi “theo sau” Chúa Giêsu (c. 24). Đi “theo sau” Chúa còn có nghĩa là người môn đệ không đi con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đang đi. Chúa Giêsu đưa ra một câu điều kiện bắt đầu với động từ thelō, “muốn”. Trong câu nầy, điều kiện “đi theo Chúa” gắn liền với những hậu quả tất nhiên được trình bày trong vế thứ hai là “từ bỏ chính mình”, “vác thập giá” và “đi theo Chúa” (10:38; 27:32). Những hậu quả tất nhiên nầy được rút ra từ cuộc thương khó của Chúa Giêsu do Chúa Cha hoạch định (16:21). Trong cuộc thương khó của mình, Chúa Giêsu sẽ từ bỏ chính mình để làm theo ý của Chúa Cha (26:39), và chịu đau khổ và chịu chết trong nhục hình thập giá (27:32). Bởi đó, đòi hỏi của Ngài đối với người muốn làm môn đệ của Ngài không là gì khác ngoài việc muốn họ thực hiện ý Chúa Cha theo cách Ngài đã làm.

 

Câu giải thích thứ nhất theo cấu trúc đối đảo (c. 25): - a- cứu mạng sống mình; b- mất nó; b’- mất mạng sống mình; a’- tìm được nó. Cấu trúc nầy tập trung trên việc “mất mạng sống mình”. Hơn nữa trong về thứ hai (c. 25b), quan trọng hơn, có thêm yếu tố “vì Tôi”. Các động từ trong vế thứ hai đều ở thì tương lai, apollymiheuriskō (c. 25) và ōpheleō (c. 26), chỉ hậu quả sẽ xảy đến sau nầy. Cụm từ “mạng sống mình”, psychē autou, được dùng 4 lần trong hai câu 25 và 26, có nghĩa là “chính mình”, heautou (Zerwick M., Biblical Greek, §212); “từ bỏ chính mình” ở câu trên (c. 24) được diễn tả ở đâyới một dạng khác “mạng sống mình”. Psychē là tâm điểm của đời sống trần thế và siêu việt; nghĩa là tất cả gì làm nên một con người toàn diện. Khi kêu gọi các môn đệ từ bỏ “mạng sống mình”, Chúa Giêsu muốn họ đừng tìm sự bảo đảm nơi chính mình, nhưng nơi Thiên Chúa. Phêrô đã suy nghĩ theo cách của mình và cho là đúng nên đã ngăn cản Chúa Giêsu. Ngược lại, Chúa Giêsu mời gọi đặt “mạng sống mình” trong ý muốn của Thiên Chúa.

 

Rồi “Từ bỏ chính mình” được so sánh với “thế gian” (c. 26). Câu nầy gồm hai câu hỏi, và nội dung cũng liên quan đến cách đối xử với mạng sống mình. Các câu trả lời phải là “Không”. Nhưu trước, ở đây cũng có các động từ đối nghĩa nhau: “kiếm được”, kerdainō và “thiệt mất”, zēmioō. “Thế gian”, kosmos, nầy là “nước trần gian và vinh quang của ma quỉ” (x. 4:8). Động từ kerdainō hiểu theo nghĩa đen (x. 25:14-30). So sánh nầy gợi đến câu chuyện người giàu có trong Luca 12:16-21. Linh hồn/mạng sống quý trọng hơn sự giàu có thế gian, và không gì có giá trị bằng sự cứu rỗi của linh hồn. Linh hồn là quý nhất.

 

Sau cùng, Chúa Giêsu nói đến việc Con Ngưi đến trong vinh quang sau khi nói về việc “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá” của ai muốn đi theo Chúa (c. 27); giống như lời tiên báo về cuộc khổ nạn được kết thúc bằng loan báo sự phục sinh, “Ngài sẽ được chỗi dậy” (c. 21). Nội dung nầy sẽ được nói lại cho Phêrô khi ông đặt ra vấn đề phần thưởng bởi việc đi theo Chúa. Ngài hứa với ông việc sự phần của những người đi theo Ngài (19:28; 24:30; 25:31). “Vinh quang trong Nước của Ngài” sẽ được tỏ cho các môn đệ thấy trong việc Chúa Giêsu biến hình (17:1-9).

 

 

Con Ngưi đến trong Nước của Ngài (c. 28)

 

Matthêô kết luận trình thuật nầy bằng một loan báo trọng thể bởi cách dẫn nhập “Quả thật”. Loan báo nầy liên quan đến các môn đđang nghe Chúa Giêsu giáo huấn, “những người đang đứng ở đây” (x. 16: 24). Ngài hứa với họ là họ sẽ thấy Ngài “đi vào trong Nước của Ngài”. Điều nầy được thực hiện trong biến cố Ngài lên trời (28:17-18). Chúa Giêsu Kitô sẽ cho họ chứng kiến điều nầy như là một bảo đảm về chính Ngài là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). Ngài đi vào trong Nước của Ngài, cũng là vào trong “vinh quang của Cha” (c. 27); đồng thời cũng là một bằng chứng thật cho Phêrô và các môn đệ là những người “muốn đi theo Ngài” (c. 24). Nếu họ chấp nhận thực hiện ý của Thiên Chúa như Ngài là đi vào đường thương khó (c. 21; cc. 24-27, họ cũng sẽ được cùng Ngài dự phần sự sống vinh quang của Chúa Cha (c. 27).

 

 

Kết luận: Có một sự thống nhất giữa Chúa Giêsu và những người đi theo Ngài là đi chung một con đường từ thương khó đến phục sinh. Những điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ về sự từ bỏ và vác thập giá được rút ra từ cuộc thương khó của Ngài. Ai chấp nhận chương trình của Thiên Chúa trên mình, người ấy cũng sẽ được chung phần vình quang với Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến