Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm A

Mọi Người Ðều Phải Sửa Mình

(Ma 1,14b-2,2b.8-10; 1Th 2,7b-9.13; Mt 23,1-12)

 

Phúc Âm: Mt 23, 1-12

"Họ nói mà không làm".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

"Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXXI Thường Niên A

Ma 1,14b-2,2b.8-10; 1Th 2,7b-9.13; Mt 23,1-12

Những lời Chúa Yêsu nói hôm nay về các Luật sĩ và Biệt phái xem ra rất nặng. Nhưng Người không nói với họ, mà chỉ nói với dân chúng và môn đệ. Người dùng những nét về nếp sống bề ngoài của họ, để dạy những người này một bài học. Nói đúng ra, ở thời Giáo hội sơ khai, tác giả Matthêô đã nhớ lại những lời Chúa nói về Luật sĩ và Biệt phái, để cảnh cáo trong Hội Thánh không được có những thái độ như vậy...

Dĩ nhiên những lời này áp dụng trực tiếp hơn cho hàng tư tế ở trong Hội Thánh. Nhưng ai nghĩ chúng không liên hệ đến hết mọi người? Và tại sao chúng ta không lợi dụng những bài Kinh Thánh hôm nay để nói về những quan hệ trên dưới ở trong Hội Thánh? Mặc dù là vấn đề khá tế nhị, và chắc chắn một lần không đủ nói hết mọi khía cạnh; nhưng nhờ được những bài Kinh Thánh hôm nay để nói về các quan hệ ở trong Hội Thánh cũng là một dịp quý hóa, không nên bỏ qua. Chúng ta sẽ học được nhiều điều lý thú cần thiết cho đời sống tốt đẹp ở trong Hội Thánh.

 

A. Mọi Người Ðều Phải Sửa Mình

Ngay bài sách Malaki đã cho thấy Lời Chúa hôm nay không chỉ muốn nói riêng với hàng tư tế. Những câu cuối cùng chất vấn mọi người và gợi lên cho mọi người thấy phải thay đổi cả một nếp sống cho phù hợp với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên hàng tư tế đã bị chất vấn trước. Chúa các đạo binh đã bắt đầu đặt họ trước uy phong của Người. Người là Vị Ðại đế và Danh Người rất uy phong giữa các dân tộc. Tại sao vậy? Chẳng phải vì như tục ngữ thường nói: gần chùa gọi bụt bằng anh sao? Có lẽ hàng tư tế, vì quá quen với bàn thờ, nên nhiều khi không còn ý thức đủ về uy linh của Thiên Chúa.

Malaki sống ở thời Batư đang cực thịnh. Ít ra mọi nơi đều biết hoàng đế Batư như thế nào? Giàu sang, phú quý và uy quyền. Malaki mượn hình ảnh của triều đình để nói Thiên Chúa là vị Ðại đế cho người ta dễ hiểu. Hơn nữa ông biết tôn giáo Batư cũng rất nghiêm ngặt. Thế mà dân ngoại vẫn có truyền thống khiếp sợ uy Danh Yavê kể từ ngày Ngài giúp con cái Israel ra khỏi Aicập và chiếm được Hứa địa. Thật ra Malaki còn muốn nói nhiều hơn nữa. Ông xác tín Yavê là Vua cả trời đất và ông tin rằng "từ phương mặt trời mọc đến phương mặt trời lặn, Danh Yavê lớn thật nơi các quốc gia, và hy sinh được huân yên dâng tiến Danh Người làm một với lễ vật tinh sạch" (1,11). Nói cách khác, ông thâm tín về quyền phép bao la của Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài cai trị tất cả trời đất vạn vật. Chính Ngài giờ đây chất vấn hàng tư tế:

Tại sao các ngươi không để tâm mang lại vinh dự cho Danh Ta?

Ðó là tội lớn lao mà hàng tư tế dễ mắc phải. Họ được đặt lên để làm vinh Danh Thiên Chúa, nhưng nhiều khi họ lại vơ tất cả vinh dự về mình. Bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy mấy nét trong nếp sống hiếu danh, hiếu thắng của họ. Malaki không đi vào chi tiết. Nhưng ông vạch cho họ thấy: Chúa sẽ giáng chúc dữ xuống trên họ. Người sẽ phạt họ trên chính tội họ đang phạm. Họ tìm cách làm cho mình được vinh dự, thì Chúa sẽ để cho họ mọi điều chúc dữ, đến nỗi Người chúc dữ cho chính những sự chúc lành của họ. Thế nên Người sẽ để cho họ thành đồ đáng khinh, làm lũ mạt hạng đối với toàn dân.

Thật ra đâu phải họ chỉ có tội hiếu danh; nhưng chính vì chỉ muốn làm cho mình nổi mà họ đi trệch đường và làm cho người khác đi lầm đường. Lẽ ra họ phải là những người chỉ đường cho người ta đến với Thiên Chúa. Nhưng vì không còn lưu tâm tôn vinh Danh Người và muốn vơ vét vinh dự về mình, họ giáo huấn sai lạc, họ làm cho người ta không còn thấy hướng đi đến với Thiên Chúa. Họ đã phá hoại Giao ước Lêvi rồi còn gì nữa, bởi vì chức vụ của dòng dõi Lêvi là phải giúp người ta giữ Luật Chúa và thờ phượng Người. Thế mà họ lại không quan tâm làm tôn vinh Danh Chúa. Họ bội phản ơn gọi, thì chính họ biến mình thành đồ đáng khinh, làm lũ mạt hạng đối với toàn dân, chứ đâu cần phải Thiên Chúa đánh phạt. Họ gieo gió thì họ gặt bão và tội nào thì đem lại vạ ấy. Chúng ta đừng tưởng Thiên Chúa khắt khe với người nào! Người chẳng khắt khe với hàng tư tế hơn bậc giáo dân.

Thật vậy, sau khi chất vấn riêng hàng tư tế, Thiên Chúa đã nói với mọi người qua miệng ngôn sứ Malaki: "Chúng ta hết thảy chỉ có một cha, không phải thế sao? Cũng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, không phải thế sao? Tại sao chúng ta lại phản bội nhau mà phạm thánh đến giao ước của cha ông chúng ta?".

Malaki trách dân vì tội thiếu bác ái, vì người ta phản bội biến nhau nên xa lạ và thù địch thay vì sống coi nhau như anh em một Cha trên trời và như con cái của một Ðấng Tạo Thành. Malaki vẫn có cái nhìn Thiên Chúa là Vua tất cả trời đất và là Ðấng dựng nên muôn loài. Hơn nữa Người đã muốn ký kết một giao ước với dân: coi dân như sở hữu riêng của Người và thắt chặt mối tình giữa mọi người lại như đồng bào trong một tổ quốc. Thế nên vi phạm luật bác ái yêu thương, phản bội nhau thay vì duy trì tình huynh đệ, không phải chỉ là lỗi phạm đến nhau, nhưng còn phá hoại Giao ước và phủ nhận quyền sinh tử của Cha chung trên trời.

Như vậy cả tư tế lẫn giáo dân đều phạm tội với Chúa, đều vi phạm Giao ước. Một bên hiếu danh nên giảng dạy sai lạc, không đưa người ta đến với Chúa; còn bên kia ham lợi nên phản bội anh em và chia rẽ gia đình Chúa. Chẳng bên nào đáng khen hơn bên nào. Cả hai đều phải trở lại và đến với Chúa Yêsu là Con Chiên gánh tội thiên hạ.

 

B. Ai Tự Hạ Sẽ Ðược Nâng Lên

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Chúa Yêsu nói với quần chúng và môn đệ. Chúng ta có thể tự hỏi: Vì sao nói với những người này, Chúa lại có những lời chỉ trích Ký lục và Biệt phái? Có thể coi những lời phê bình này như để dẫn nhập đưa vào phần giáo huấn môn đệ. Có lẽ đúng hơn nên nghĩ rằng tác giả Matthêô viết bài Tin Mừng này cho Hội Thánh. Và trong thế giới Dothái Kitô giáo của người, không khỏi có những người hay ít ra không khỏi có khuynh hướng muốn tổ chức Giáo hội theo kiểu mẫu Dothái; và hàng tư tế Ðạo Mới có vẻ sắp bắt chước hàng tư tế đạo cũ. Do đó đoạn văn này vẫn cần thiết cho Hội Thánh, và chúng ta nên hiểu nó muốn nói gì với mình.

Ký lục và Biệt phái trước tiên được công nhận như những người có quyền ngự tòa Môsê. Tức là họ giữ quyền giáo huấn và trông coi Luật pháp. Ðịa vị này không nhỏ. Tòa của Môsê ngày xưa đặt ở núi Sinai, nơi ông tuyên bố Luật pháp và làm lễ ký kết giao ước giữa Chúa với Dân. Và núi Sinai thuở ấy có mây trời bao phủ và sấm chớp nổ vang trên chóp đỉnh. Tòa của Môsê được tham dự vào uy phong của Thiên Chúa. Dân khi ấy hãi hùng khiếp sợ. Họ chấp nhận mọi điều Môsê nói thay mặt Chúa.

Ngày nay hàng tư tế ngồi tòa Môsê. Họ tiếp nối địa vị của ông. Họ có quyền giáo huấn . Nhưng họ thi hành quyền ấy thế nào?

Matthêô nhận thấy họ có hai cách: hoặc họ dạy Luật pháp mà không thi hành; hoặc họ thêm thắt vào Luật pháp đến nỗi họ dạy truyền thống loài người chứ không phải Luật Chúa nữa. Với cách trên họ là những con người giả hình; nhưng vì họ rao truyền Lời Chúa, chúng ta vẫn phải thi hành nhưng đừng bắt chước cách ăn ở của họ. Còn với cách sau, họ lấy mình làm luật cho người khác, gò mọi người vào khuôn khổ họ làm ra. Bởi vì như Malaki nói, họ hiếu danh muốn ở tren trốc mọi người. Nhiều khi tính hiếu thắng này trở thành lô bịch: nới rộng hộp đựng kinh, làm to tua áo dài, ưa ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc và thích được chào hỏi khi đi đứng. Họ làm như cả xã hội này chỉ có họ là lớn.

Chính nết xấu này là điều phải tránh trong Giáo Hội Chúa Kitô. Không những nó phân rẽ hàng ngũ Dân Chúa, nhưng nhất là nó muốn choán chỗ của chính Người. Như đã thấy trong bài sách Malaki, người có nết xấu đưa mình lên như thế, không lưu tâm làm vinh Danh Thiên Chúa nữa nhưng chỉ muốn vơ mọi danh dự về cho mình. Và từ chỗ này, người ấy muốn trở thành luật cho người khác và cầm giữ người khác dưới quyền đô hộ của mình. Một xã hội không loại trừ nết xấu đó sẽ không còn lòng mến Chúa và không còn tình anh em. Nó không thể là Giáo hội của Ðức Kitô.

Thế nên khi Chúa Yêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: các con chớ cho gọi mình là Thầy, là Cha, là người chỉ đạo, Người chỉ muốn chúng ta từ bỏ nết xấu đó để ý thức lại quyền của Thiên Chúa ở trên mọi người. Có hướng về Thiên Chúa, người ta mới là anh em với nhau và Giáo hội mới là Hội Thánh. Và điều này hết mọi người phải thi hành, cả tư tế lẫn giáo dân. Có thi hành, tư tế mới giảng đạo chứ không giảng mình và mới khỏi "bó những gánh nặng mà đặt trên vai người khác, còn chính mình lại không muốn tra ngón tay lay thử". Vì thường ách của Chúa thì nhẹ, còn gánh người ta bó mới nặng! Còn giáo dân, khi theo gương khiêm hạ của Ðức Kitô, sẽ dễ tìm thấy bình an giữa mọi người và xây dựng được cộng đoàn bác ái.

Ðấy là giáo huấn. Còn thi hành? Chúng ta hãy đọc thư Phaolô.

 

C. Thái Ðộ Tông Ðồ

Thánh Tông đồ gửi thư cho giáo đoàn Thessalônikê. Ngay lời mở đầu đoạn trích hôm nay đã cho chúng ta thấy thái độ đúng đắn của người. Người đã thi hành Lời Chúa dạy bảo, vì tuy là Tông đồ, người đã "ăn ở dịu hiền giữa anh em". Thái độ của người như láy lại lời Chúa nói: "Hãy học với Ta, này Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng". Thái độ ấy áp dụng triệt để chỉ thị Chúa đã ban khi nói với môn đệ: "Kẻ lớn hơn trong các ngươi sẽ là tôi tớ của các ngươi".

Thánh Tông đồ đã đi vào cộng đoàn Thessalônikê với thái độ ấy, khiến tuy ngồi ở toà Môsê, nắm giữ sứ vụ giảng huấn, Phaolô đã không khác chi "mẹ nuôi con dại ấp ủ con mình". Người có thể nói được như thế và ví được như vậy, vì "đang khi chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với anh em, (người) muốn gắn bó với họ đến đỗi muốn thí cả mạng sống cho anh em nữa". Chính việc rao giảng Lời Chúa trong tinh thần yêu thương như vậy, đã khiến thánh Tông đồ là "mẹ" hơn là "cha", là "thầy", là "người chỉ đạo". Và nhất là nhờ thái độ ấy mà "anh em đã chịu lấy Lời Thiên Chúa... không phải như lời của những người phàm mà là như Lời của Thiên Chúa; và Lời ấy đang thi thố quyền năng nơi anh em là những kẻ tin".

Và để tránh cho việc rao giảng Lời Chúa mọi vẻ gì như bó thành gánh nặng cho người nghèo, cho dù rất chính đáng, thánh Phaolô đã làm việc ngày đêm để sinh nhai, hầu tránh cho anh em mọi quan tâm nặng nề. Nhưng người vẫn khẳng định, đây là thái độ hoàn toàn quảng đại, không phải bao giờ cũng thi hành được và ai ai cũng có thể làm được. Chính người cũng có lúc phải để cho người khác lo cho mình hầu mình có thể làm hết nghĩa vụ rao giảng.

Ðiều cần thiết là khi thi hành nghĩa vụ tông đồ, người ta phải theo chỉ thị của Chúa đã ban trong bài Tin Mừng hôm nay. Người ta phải hạ mình xuống, không được tìm vinh dự cho mình, nhưng phải lưu tâm làm vinh Danh Thiên Chúa. Người ta không được đưa mình lên trên người khác, nhưng phải trở nên tôi tớ mọi người. Không phải người ta phải làm những việc hèn hạ hơn cả, nhưng chỉ cần người ta tỏ lòng mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người khác như chính mình. Với hai lòng mến ấy, thánh Phaolô đã giữ đúng lời Thầy Chí Thánh là "ở dịu hiền giữa anh em". Người giảng dạy với tinh thần phục vụ, khiến người ta thấy rõ khi ấy người không khác chi mẹ nuôi con dại ấp ủ con mình: vì khi cho con ăn sữa, người mẹ còn ban tình yêu cho con, thì thánh Tông đồ khi đem Lời Chúa nuôi dưỡng tín hữu, còn làm cho họ thấy người muốn trao ban cả mạng sống mình cho họ nữa. Người không ở ngoài lời giảng như các Ký lục và Biệt phái, nhưng ở trong lời giảng. Nhờ vậy mà tín hữu thấy lời giảng là Lời Chúa, đem tình yêu cứu thế, đem ân sủng cứu độ.

Anh chị em cầu nguyện cho lời giảng và sứ vụ tông đồ trong Hội Thánh được như vậy. Anh chị em cũng hãy nhớ vinh dự và nghĩa vụ của anh chị em là Kitô hữu cũng là Tông đồ, Tư tế, Hoàng vương giữa xã hội loài người. Lời Chúa hôm nay không nói riêng cho ai cả, nhưng cho mọi người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Lời Chúa trong cử hành phụng vụ này. Sau khi được tuyên bố ở giảng đài, Lời Chúa sắp được công bố nơi bàn thờ. Ở đây Lời Chúa sẽ biến thành Mình Chúa, và trong thái độ khiêm cung tự hạ của mầu nhiệm Thập giá. Nhưng đồng thời cũng là mầu nhiệm tôn vinh... "Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Lời Chúa trở thành hành động trong thánh lễ này cho hết thảy chúng ta, để chúng ta đón nhận, thi hành và xây dựng Nước Thiên Chúa đem hạnh phúc đến cho mọi người.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A