CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Chúng ta là người “nghèo khó” trước mặt Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 5:1-12a)

          Thường người đời trước khi làm việc gì lớn, thế nào cũng có một bài diễn văn trình bày kế hoạch, chương trình…  Chúa Giê-su khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng cũng đưa ra một bản đề cương gồm những mối phúc hoặc tin vui.  Nhưng khi nghe những “tin vui” ấy, người ta lại chẳng vui chút nào!  Những điều Chúa cho là hạnh phúc thì người đời cho là bất hạnh.  Làm sao là hạnh phúc khi mình nghèo, bị hà hiếp vì hiền lành, gặp sầu khổ, bị người khác hại?  Quả thực Chúa Giê-su đã đi ngược lại ước vọng của người đời.  Chính vì sự đối nghịch này nên Chúa Giê-su mới đòi người ta phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Ai muốn theo Chúa đều phải quay lưng lại với thế gian và hướng mặt về với Chúa, vì “đường lối của anh em không phải là đường lối của Thiên Chúa”.

          Có phải Chúa Giê-su vô lý hoặc “không giống ai” khi Người đi ngược lại với thói đời không?  Hoàn toàn không phải vậy!  Để hiểu tại sao Chúa Giê-su đi ngược đường, chúng ta cần hiểu tại sao Chúa mở đầu sứ vụ với bài giảng Tám mối Phúc.  Nếu nhìn vào vế thứ hai của mỗi mối Phúc, chúng ta đều thấy Chúa Giê-su đề cao vai trò của Thiên Chúa, hoặc nói khác đi, Người đều trình bày chân lý duy nhất, là chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn được mọi khát vọng của con người.  Nhưng giữa thế giới quá nặng tinh thần thế tục và tự mãn này, liệu có bao nhiêu người thực sự ý thức rằng mình cần đến Thiên Chúa?  Do đó, điều căn bản là người ta phải “thay đổi não trạng” (metanoia), thay thế não trạng của người đời bằng não trạng của Thiên Chúa hay của Chúa Ki-tô, ý thức mình cần đến Thiên Chúa thay vì dựa vào thế lực của tiền bạc danh vọng.  Đấy cũng chính là ý nghĩa sâu xa của lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy sám hối.

          Chúng ta thực sự cần đến Chúa tức là chúng ta nhìn nhận thân phận đích thực và chỗ đứng của chúng ta trước mặt Người.  Mỗi mối Phúc đều giúp chúng ta biết mình là ai và Chúa là Đấng nào.  Trước thân phận không là gì cả của chúng ta, Chúa luôn nâng đỡ, ủi an và thỏa mãn mọi ước vọng tốt của chúng ta.  Trước tất cả những nỗi đau và thống khổ của con người, Chúa luôn giúp chúng ta nhìn qua những điều ấy để nhận thấy hạnh phúc đích thực đang chờ chúng ta nếu chúng ta trung thành với Người trong đức tin.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Là bậc Thầy chí thánh và khôn ngoan, Chúa Giê-su biết phải làm thế nào để giúp chúng ta khởi hành trên đường về nhà Cha trên trời.  Qua bài giảng Tám mối Phúc, Chúa Giê-su trình bày bước đầu tiên, là phải thay đổi não trạng và đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa.  Cũng có thể nói đó là một chương trình đào tạo và tiến triển để giúp chúng ta mỗi ngày trở nên con Chúa xứng đáng hơn.  Đầu có xuôi đuôi mới lọt.  Thiếu não trạng cần đến Thiên Chúa và Thầy Giê-su, chúng ta không thể tiếp tục làm môn đệ Chúa được.

          Có thể vì đã nhiều lần nghe bài giảng này, nên chúng ta chỉ nhìn thấy đây là những “đòi hỏi” hoặc “điều kiện” để làm môn đệ Chúa.  Dĩ nhiên điều này không có gì là sai.  Nhưng cốt lõi của Tám mối Phúc là nhắm đến một thay đổi toàn bộ con người chúng ta trong lối sống.

          Tám mối Phúc cũng là một bản Xét lương tâm giúp Ki-tô hữu nhận định con người mình và được sử dụng để cử hành Bí tích Hòa giải.  Mười điều răn là bản xét mình của Cựu Ước thì chúng ta cũng có thể nói Tám mối Phúc là bản xét mình của Tân Ước mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta.  Rồi giáo lý của Tám mối Phúc này sẽ dần dần được trình bày cho chúng ta qua lời giảng và những việc làm của Chúa Giê-su.  Trong năm Phụng vụ, chúng ta sẽ có dịp để “suy đi nghĩ lại trong lòng” về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, để chúng ta biết Chúa rõ hơn, yêu mến Người tha thiết hơn và bước theo Người sát hơn.            

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi       


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A