CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN

Có phải không thể yêu kẻ thù?

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 5:38-48)

          Yêu thương kẻ thù chắc chắn phải là một vấn đề vô cùng độc đáo trong giáo lý của Chúa Giê-su và của đạo Công giáo.  Đó cũng là điều nói thì dễ, nhưng thực hành thì hết sức khó, hoặc có thể nói đó là điều không thể thực hiện theo sức riêng của con người.

          Trước khi quảng diễn lời dạy “hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giê-su nêu lên lẽ công bằng của sự thù nghịch theo Lề Luật Mô-sê.  Luật công bằng của người xưa là:  mắt đền mắt, răng đền răng.  Cho nên ý niệm truyền thống về bạn hay thù được xây dựng trên căn bản lẽ công bằng.  Người ta bị ràng buộc trong giới hạn của lẽ công bằng, do đó không thể chấp nhận việc yêu kẻ thù vì làm như thế người ta sẽ không duy trì được sự công bằng nữa.  Nhưng Chúa Giê-su không lấy lẽ công bằng của Luật Mô-sê để dạy chúng ta về việc yêu kẻ thù, mà Người lấy tình yêu của Thiên Chúa Cha làm nền móng cho việc yêu kẻ thù.  Kẻ xấu và tội lỗi đều là “kẻ thù” của Thiên Chúa.  Vậy mà Cha trên trời vẫn “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.  Cha nào con nấy.  Nếu Cha trên trời yêu kẻ thù của Người thì chúng ta là con, cũng phải yêu kẻ thù của Người và của chúng ta.  Quả thực Chúa Giê-su đã “kiện toàn” Lề Luật khi Người mở ra một con đường mới cho một vấn đề bế tắc là hãy yêu kẻ thù.  Vậy theo Chúa Giê-su, thế nào là “yêu kẻ thù”?

          Yêu kẻ thù là dám vượt lên trên lẽ công bằng để thực hiện một việc làm tích cực.  Dĩ nhiên những thí dụ Chúa Giê-su đưa ra, như vả cả hai má, lấy cả áo trong lẫn áo ngoài, hoặc đi thêm dặm đường nữa với kẻ thù, tất cả chỉ là những hình ảnh mô tả thái độ tích cực là động lực của tình yêu.  Chỉ có động lực tình yêu này mới có thể giúp chúng ta vượt trên lẽ công bằng để đến với kẻ thù và yêu thương họ, vì tình yêu bao giờ cũng tích cực.

          Yêu kẻ thù còn là điều kiện để “được trở nên con cái của Cha trên trời” và là dấu chỉ chúng ta khác biệt với những người không phải là con cái Chúa.  Chúng ta hãy nhìn vào gương của Chúa Giê-su, Trưởng Tử của nhân loại mới, đã đối xử thế nào với kẻ thù.  Không kể bao lần “đụng độ” với kẻ thù mà Người vẫn hòa nhã yêu thương, trên thập giá và trước khi nhắm mắt, Người đã xin Cha tha thứ cho những kẻ giết Người.  Người Con Yêu Dấu ấy của Thiên Chúa đã dạy các em Người hãy yêu kẻ thù để xứng đáng làm con cái Thiên Chúa.

          Sau hết, yêu kẻ thù là phương thế nên hoàn thiện như Cha trên trời.  Yêu kẻ thù (tức là những kẻ tội lỗi) là đặc điểm hoàn thiện của Thiên Chúa.  Phải chăng Chúa muốn chúng ta lấy việc yêu kẻ thù làm phương thế tốt nhất để nên hoàn thiện giống như Chúa, nên Người mới để chúng ta có nhiều “kẻ thù” hơn là bạn hữu?

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Thực tế cho thấy yêu kẻ thù là điều không thể thực hiện.  Nhưng chẳng lẽ Chúa Giê-su dạy chúng ta làm một điều vượt ngoài khả năng con người?  Đối với chúng ta, đó là điều không thể, nhưng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lu-ca 1:37).  Chính vì thế Chúa Giê-su mới “kéo” Cha trên trời xuống với chúng ta, để chúng ta ý thức mình là con cái Chúa và chính Người nêu gương yêu kẻ thù, chúng ta mới hoàn toàn có thể yêu kẻ thù.

          Chúa Giê-su đưa ra một thí dụ rất cụ thể để chúng ta thực hành việc yêu kẻ thù, đó là “chào hỏi” kẻ thù.  Trong đời sống hằng ngày, biết bao lần chúng ta không muốn “chào hỏi” nhiều người.  Có thể đấy là người vợ, người chồng hoặc con cái.  Có thể là người làm cùng sở.  Cũng có thể là một người đã gây cho chúng ta một thiệt hại không thể đền bù hay sửa chữa.  Vậy chúng ta phải làm thế nào để xóa đi hàng rào ngăn cản là lẽ công bằng, là niềm tự ái có lý của chúng ta?  Bạn và tôi hãy nhìn lên Cha trên trời, Đấng đã hết lòng yêu thương chúng ta là kẻ tội lỗi và kẻ thù của Người, đến nỗi sai Con Một Người         xuống trần để chết cho chúng ta (Gio-an 3:16).  Nhờ Chúa Cha là Tình yêu, Chúa Con là sự Tha thứ và Chúa Thánh Thần là Sức mạnh hiệp nhất, nhất định chúng ta có thể yêu kẻ thù được!                 

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi       


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A