CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Nhờ Kinh Thánh mà tin vào Chúa Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 24:13-35)

         Trong bài tường thuật của thánh Gio-an về câu chuyện ông Tô-ma tuần trước, chúng ta đã nhận ra vai trò của cộng đoàn đối với việc phục hồi đức tin vào Chúa Phục Sinh.  Hôm nay, thánh Lu-ca cho chúng ta một cái nhìn khác về đức tin ấy:  qua câu chuyện Chúa Giê-su giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường Em-mau, Chúa đã khẳng định tầm quan trọng của Kinh Thánh như nền tảng, để căn cứ vào đó chúng ta tin rằng Người đã sống lại từ cõi chết.

         Đức tin bao giờ cũng có những khó khăn phải thắng vượt.  Khó khăn của ông Tô-ma là “cứng lòng tin”.  Còn hai môn đệ câu chuyện hôm nay thì chán nản, vì Chúa Giê-su đã chết và tất cả hy vọng của họ đã sụp đổ.  Chúa Giê-su đến giữa cộng đoàn đức tin để chữa lành căn bệnh “cứng lòng” của môn đệ Tô-ma.  Còn ở đây trên hành trình Em-mau, Chúa đã đưa ra cái phao cứu hộ để vực hai tâm hồn đang mất hết niềm tin vào Người!  Cái phao ấy chính là Kinh Thánh, tức là những điều Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại, qua ông Mô-sê (Lề Luật) và tất cả các ngôn sứ, về “kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ê-phê-xô 1:9).

         Trên đường Em-mau, cũng may là Chúa Giê-su và hai môn đệ không dùng phương tiện di chuyển nào ngoài việc đi bộ, nên đủ thì giờ để Chúa có thể giải thích cho hai ông “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.  Chắc chắn Chúa Giê-su không dài dòng, nhưng Người dùng cùng một cách giải thích như Người đã làm trong hội đường Na-da-rét, là “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lu-ca 4:21).  Người muốn cho các ông thấy một điều duy nhất:  Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người.  Do đó, Người chỉ chọn lựa trong toàn bộ Sách Thánh những gì liên quan đến cái chết và phục sinh của Người, để giúp cho “lòng họ bừng cháy lên” và làm thay đổi não trạng “chậm tin vào lời các ngôn sứ” của họ!  Có thể các môn đệ chưa hoàn toàn hiểu những gì được nói trong Sách Thánh, nhưng cách trình bày đơn giản và sáng sủa của Thầy Giê-su đã giúp họ nắm vững được những điểm chính.  Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là Chúa Giê-su làm sao có thể thắp lại ngọn lửa đức tin của hai môn đệ đã tắt vì họ chứng kiến cái chết của Người:  Người đã chia sẻ với họ chính lửa yêu mến Kinh Thánh luôn bừng cháy trong tâm hồn Người.  

         Ngay từ đầu, Giáo Hội vẫn đi theo phương thức giải thích Kinh Thánh của Chúa Giê-su, để trình bày cho chúng ta những chân lý trong kho tàng đức tin.  Những trích dẫn Kinh Thánh bao giờ cũng là nền tảng để làm chứng lý cho điều chúng ta phải tin, vì đó là những mặc khải của Thiên Chúa là Đấng chân thật.  Bởi vậy, một lần nữa chúng ta cần xác tín vai trò quan trọng của Kinh Thánh đối với việc bảo toàn và phát triển đức tin của chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Thánh Giê-rô-ni-mô, Tiến sĩ Hội Thánh, đã tóm tắt tầm quan trọng của Kinh Thánh trong một câu nói để đời:  Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô.  Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có rất nhiều điều cũng như hình ảnh báo trước về Chúa Giê-su.  Chẳng vậy mà chính Chúa Giê-su, cùng với các thánh sử và các tác giả Tân Ước, thường xuyên lập lại cụm từ “để ứng nghiệm lời Kinh Thánh…” khi nói về những biến cố trong cuộc đời Chúa Ki-tô.  Nếu đức tin của chúng ta dựa trên nền tảng Kinh Thánh mà chúng ta lại chẳng hề đọc và suy niệm Kinh Thánh, thì thử hỏi đức tin là gì?  Kinh Thánh là phương tiện cần thiết để chúng ta “biết” Chúa Giê-su, biết bằng trí óc, nhưng quan trọng hơn, là biết bằng trái tim chúng ta.  Đức tin và Kinh Thánh là hai thực tại không thể tách rời.  Hiểu biết Kinh Thánh giúp chúng ta phát triển và sống đức tin.

         “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”  Câu hỏi của hai môn đệ làm chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ.  Chúng ta có thực sự lắng nghe Chúa “nói chuyện và giải thích Kinh Thánh” không?  Những thời giờ chúng ta đọc và suy niệm Kinh Thánh có là những lúc chúng ta “nói chuyện” với Chúa và lắng nghe Người không?  Nhất là chúng ta có để cho lòng mình “bừng cháy lên” do tình yêu cứu độ của Chúa Phục Sinh đang tâm sự với chúng ta không?

 

                  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A