CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su, nguồn sống trong Nước Trời

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 14:13-21)

         Nghe thánh sử Mát-thêu kể lại phép lạ Chúa Giê-su làm cho bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, chúng ta nhiều khi phân vân không biết phải chọn điều nào để suy niệm.  Nhưng bài đọc trích sách I-sai-a và bài trích thư Rô-ma trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra vai trò của Chúa Giê-su là Đấng dưỡng nuôi tất cả những ai được mời gọi vào Nước Trời. 

         Chúa Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để giúp chúng ta có những ý niệm căn bản về Nước Trời, một thực tại gồm những giá trị vô song được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta.  Nếu bài đọc Cựu Ước muốn ám chỉ Chúa Giê-su là nguồn sống và bài đọc Tân Ước diễn tả tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Ki-tô là bảo đảm cho mọi phần tử Nước Trời, thì phép lạ Chúa Giê-su nuôi dân chúng sẽ là thể hiện những gì được nói đến trong hai bài đọc ấy.

         Trước hết, chúng ta tìm ý nghĩa của phép lạ bánh và cá hóa nhiều, dựa trên những lời mời gọi của Thiên Chúa qua ngôn sứ I-sai-a (55:1-3).  Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy chăm chú        lắng nghe Người.  Giống như rượu và sữa, Lời Người chính là thức ăn ngon, là “cao lương mỹ vị” đem lại sự sống cho chúng ta.  Người tha thiết mời hết thảy chúng ta hãy đến, “dầu không có tiền bạc, cứ đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào”.  Lòng quảng đại vô bờ của Thiên Chúa được biểu lộ qua tâm tình của Chúa Giê-su khi Chúa “trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mát-thêu 14:14).  Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su thực hiện lời Thiên Chúa hứa ban cao lương mỹ vị.  Năm cái bánh và hai con cá chỉ đủ làm “chắc dạ no lòng” dân chúng nhất thời thôi, nhưng Chúa Giê-su còn cho họ được no nê tâm hồn bằng những lời ban sự sống đời đời (Gio-an 6:68).  Thánh Mát-thêu ghi lại rằng:  “Ai nấy đều ăn và được no nê”.  Thì ra mọi người đều đáp lại lời mời “Hãy đến” của Chúa nên họ đã được no nê cả thể xác lẫn linh hồn!  Có lẽ dừng lại ở đây, chúng ta sẽ hiểu thấm thía hơn ý nghĩa của dụ ngôn Nước Trời như Tiệc Cưới (Mát-thêu 22:1-14) Thiên Chúa mở để đãi tất cả chúng ta.

         Tiếp đến, tất cả những cử chỉ ân cần và chăm sóc của Chúa Giê-su khi Người làm cho bánh và cá hóa ra nhiều đều là những cach biểu lộ một tình yêu vô cùng lớn lao, tình yêu của Thiên Chúa.  Điều này khiến cho thánh Phao-lô có thể quả quyết với chúng ta chân lý sau đây, là “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:39).  Chúng ta thử nhìn đám đông dân chúng đi theo Chúa Giê-su mà xem.  Họ “đi bộ” một quãng đường dài, băng qua những ngọn đồi cao, không quản mệt nhọc đi tìm Chúa Giê-su, vì họ biết Người yêu thương họ.  Gặp được Chúa Giê-su là gặp được lòng thương xót và tình yêu của chính Thiên Chúa!  Phải ở lại nơi hoang vắng, dù trời đã muộn, lương thực đem theo đã cạn… Nhưng tất cả những trở ngại này cũng không thể tách được họ khỏi tình yêu của Chúa Giê-su, bởi vì Người đã yêu thương đến với họ trước.  Rồi khi gặp lại họ, Chúa Giê-su lập tức “chạnh lòng thương” và sẵn sàng chữa lành không những thân xác mà cả linh hồn họ nữa.  Mệt nhọc không tách được Chúa ra khỏi họ.  Lại nữa, sự chăm sóc của Chúa Giê-su cũng là sự chăm sóc của Thiên Chúa.  Người bảo các môn đệ:  “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”.  Người biết Người sẽ làm gì.  Người là Thiên Chúa kiểm soát mọi sự.  Người “chỉ huy” và sắp đặt tất cả.  Các môn đệ chỉ thừa hành những chỉ thị của Người.  Cho nên tình yêu của Chúa Giê-su ràng buộc chúng ta với Người, để dù gặp “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo”, không gì ngăn cản được Chúa yêu thương chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Chúng ta tham dự Thánh lễ hằng ngày hoặc ít ra ngày Chúa Nhật.  Chúng ta cứ tưởng tượng như mỗi Thánh lễ là một phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, nhờ đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dễ dàng hơn và cảm động hơn.  Nhất là trong khi  “ai nấy đều ăn và được no nê”, thì chúng ta có “ăn” và có “no nê” hay không?

     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A