CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Khám phá con người và sứ mệnh của Đức Giê-su

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 16:13-20)

         Sống với nhau cả mấy chục năm trời, nhưng nhiều khi vợ chồng vẫn than phiền người này không hiểu người kia.  Các tông đồ đi theo Chúa Giê-su cũng gần ba năm trời rồi mà các ông vẫn chưa thực sự biết Người là ai.  Các ông chỉ căn cứ vào những nhận xét của người ngoài, như dân chúng, lời đồn thổi, hoặc căn cứ vào những tham vọng của chính mình để đi tới kết luận Người là ai.  Trong biến cố tại Xê-da-rê Phi-líp-phê hôm nay, Thiên Chúa Cha đã trực tiếp can thiệp, hé lộ cho Phê-rô và các bạn ông biết chân tính của Con Một Người.  Tuy nhiên, đây cũng chỉ là khởi đầu cho một cuộc khám phá mới, không phải qua những thông tin này nọ, mà là qua mối tương quan tình yêu mật thiết giữa các ông và Chúa Giê-su.

         Câu chuyện mặc khải cho Phê-rô xảy ra tại vùng sâu vùng xa, ở đó chỉ có Chúa và các tông đồ, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.  Trong khung cảnh “riêng tư” ấy, các môn đệ Chúa dễ thành thực trải lòng và niềm tin không còn bị ảnh hưởng nào chi phối.  Chúa Giê-su nhìn thẳng vào các tông đồ.  Người không quan tâm đến những trả lời cho câu hỏi “Người ta nói Con Người là ai?”, nhưng đến câu trả lời của những bạn hữu đã đi theo Người:  “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”  Giữa anh em và Thầy, từ nay phải có một tương quan tình yêu đích thực.  Tương quan này cần thiết để bắt đầu một hành trình khám phá mới về chân tính của Con Người.  Tình yêu là yếu tố cần thiết để giúp cho cả Chúa Giê-su lẫn các môn đệ chấp nhận được sứ mệnh cứu độ Thiên Chúa Cha trao ban cho Người.  Sứ mệnh của Đấng Ki-tô là sẽ phải chịu đau khổ, chết và sống lại.  Sứ mệnh này đến chính bản thân Chúa Giê-su cũng khó chấp nhận, huống chi là các môn đệ.  Nhưng với tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa Cha và cho nhân loại, Chúa Giê-su đã tùng phục thánh ý Chúa Cha, trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân phận người phàm và nô lệ.  Cũng thế, với tình yêu tha thiết đối với Thầy, các môn đệ phải từ bỏ mọi tham vọng trần tục của mình để “vâng nghe” Thầy và cùng chia sẻ vào sứ mệnh của Thầy.

         Niềm tin của Chúa Giê-su vào tình yêu và thánh ý Chúa Cha đã biến Chúa Giê-su thành “đá góc tường bị thợ xây loại bỏ”, trên đó Thiên Chúa bắt đầu một cuộc tạo dựng mới.  Để tuyên xưng niềm tin này, Chúa Giê-su đã từ bỏ mọi sự và cuối cùng là chính mạng sống mình, chết trên thập giá.  Hôm nay, trong biến cố tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông Phê-rô chỉ mới bắt đầu cuộc tuyên xưng đức tin và khám phá chân tính của Đấng Ki-tô.  Thế mà ông đã được Chúa Giê-su chấp nhận niềm tin ấy và đặt ông làm “tảng đá” để Người bắt đầu xây dựng Hội Thánh của Người!  Nhưng hành trình khám phá của ông mới bắt đầu thôi, vì Chúa Cha chỉ “mặc khải” cho ông biết danh hiệu của Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô.  Còn sứ mệnh của Đấng Ki-tô như thế nào thì chính Chúa Giê-su sẽ từ từ giải thích cho các môn đệ hiểu.

         Như vậy, chúng ta có thể hiểu được thế nào là hành trình đức tin khám phá con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Nó bắt đầu từ “mặc khải” của Thiên Chúa Cha, không dựa trên ý kiến hoặc thông tin của dư luận, nhưng là một tương quan cá nhân và mật thiết với chính Chúa Giê-su, để khởi đi từ lòng yêu mến này, chúng ta vững vàng nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng đã “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”!

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Thánh Phao-lô gọi mặc khải của Chúa Cha về danh hiệu Đấng Ki-tô là “sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa” (Rô-ma 11:L33).  Cũng như thánh Phê-rô, Phao-lô đã suốt đời tiếp tục hành trình khám phá con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Cả hai vị đã kết thúc hành trình ấy bằng cái chết tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa.  Cả hai vị đều là “tảng đá” của tòa nhà Giáo Hội, tảng đá của tình yêu trung thành và tảng đá của nền thần học về Chúa Ki-tô.

         Cũng thế, mỗi hành trình đức tin khám phá của chúng ta về Chúa Ki-tô phải giúp chúng ta trở thành “một viên đá sống động” xây dựng Giáo Hội hôm nay.  Sứ mệnh ấy đòi hỏi chúng ta phải luôn nhìn lại đức tin và lòng mến của mình đối với Chúa Giê-su, để chúng ta có thể chân thành trả lời câu hỏi của Chúa:  “Còn con, con nói Thầy là ai?”

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm A