CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Thánh giá, biểu tượng tình yêu Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 3:13-17)

         Có thể nói đây là tâm điểm sứ điệp Tin Mừng Gio-an muốn gửi đến toàn thể nhân loại:  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Nội dung sứ điệp rõ ràng và đơn giản vậy thôi.  Nhưng địa điểm để sứ điệp này thể hiện hoàn toàn cũng quan trọng không kém.  Địa điểm ấy chính là trên Thánh giá, nơi Chúa Giê-su đã chịu chết để minh chứng tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại vĩ đại như thế nào.  Vì thế, suy tôn Thánh giá là điều tất nhiên chúng ta phải làm.

         Chính Chúa Giê-su đã lấy chuyện con rắn đồng mà ông Mô-sê treo lên cao trong sa mạc để áp dụng vào cái chết cứu độ trên thập giá của Người.  Hình ảnh dân Ít-ra-en ngày xưa đã bị rắn độc giết hại trong sa mạc biểu tượng cho nhân loại đang bị tội lỗi hủy hoại trong sa mạc thế giới này.  Cho nên, như con rắn đồng được treo cao giữa trại Ít-ra-en đã cứu mạng sống dân Do-thái thế nào, thì Chúa Giê-su cũng được giương cao trên thập giá để cứu độ nhân loại như vậy.  Do đó, chúng ta hiểu được cùng một ý nghĩa của hai câu nói trong Kinh Thánh:  “Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”, và “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Dân số 21:8 và Gio-an 3:16). 

         Trong Cựu Ước, vì yêu thương dân Ít-ra-en, Thiên Chúa đã truyền cho ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng và treo lên cột cao.  Việc này không thể nói hết được những chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu Thiên Chúa.  Còn trong thời Tân Ước, khi Thiên Chúa “ban Con Một”, hành động này đã cho chúng ta hiểu được mức độ tình yêu của Người, là  khi Thiên Chúa “giương cao” Con Một trên thập giá, thì đó là tuyệt đỉnh tình yêu của Người rồi!  Thiên Chúa đã dùng Thập giá làm thước đo lường mức độ tình yêu của Người, tình yêu được trả giá bằng cái chết nhục nhã của Chúa Giê-su.  Khi yêu, người yêu càng sẵn sàng chịu nhục nhã cay đắng bao nhiêu thì chứng tỏ tình yêu của người ấy càng lớn lao bấy nhiêu.  Chính Đấng Ki-tô bị đóng đinh thập giá là “điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận” (1 Cô-rin-tô 1:23) đã chứng minh cho tình yêu bao la và vô điều kiện của Thiên Chúa đối với nhân loại.  Đọc lại bài đọc 2 trích thư Phi-líp-phê 2:6-11, chúng ta cảm nhận được rõ ràng mức độ tình yêu gia tăng của Thiên Chúa qua việc Chúa Ki-tô “trút bỏ vinh quang”, từ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa đi dần xuống tận cùng thân phận con người là chết nhục như tên nô lệ trên thập giá.  Diễn tả ấy của thánh Phao-lô là gì nếu không phải là muốn ngầm nói lên vai trò của thập giá là biểu tượng tình yêu Thiên Chúa?  Thập giá là tận cùng của ô nhục thì đồng thời cũng nói lên tột đỉnh tình yêu!

         Trong cuộc đời này, thực khó mà tin vào tình yêu, ngoại trừ những tình yêu chúng ta được mắt thấy tai nghe, thí dụ những hy sinh vất vả của cha mẹ cho chúng ta “thấy” tình yêu các ngài dành cho chúng ta.  Thiên Chúa đã nhiều lần nói với chúng ta trong Kinh Thánh rằng Người yêu thương chúng ta.  Nhưng hôm nay, Người nói tiếng yêu không phải bằng chữ viết hay lời nói nữa, mà bằng cái chết của Con Một và bằng Thánh giá, một biểu tượng Tình Yêu của Người.  Vì thế, ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa đòi chúng ta phải suy tôn biểu tượng Tình Yêu ấy, vì nó nhắc nhở chúng ta về sứ điệp cao cả nhất của Người, là Người yêu thương chúng ta và trao nộp Con của Người để chuộc tội chúng ta và biến đổi thân phận chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Thời ông Mô-sê, “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.  Sự sống thể xác đã quý như vậy, huống chi sự sống linh hồn và sự sống đời đời!  Để được sống đời đời, chúng ta không chỉ “nhìn” vào Chúa Giê-su với đôi mắt bàng quan như nhìn một nhân vật lịch sử, nhưng còn phải “tin” vào Người nữa.  Lòng tin đưa chúng ta vào một quan hệ cá nhân, để quan hệ ấy giúp chúng ta nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô.  Thánh Phao-lô chẳng muốn biết chuyện gì khác ngoài “Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cô-rin-tô 2:2), cho nên Thánh giá không phải là ô nhục, mà là vinh dự của ngài.  Ngài đã suy tôn Thánh giá của Chúa và suy tôn Thánh giá của ngài nữa.  Còn chúng ta?   

  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi




Suy Niệm Lời Chúa Năm A