CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN

          Muốn làm con cái Chúa, chúng ta phải yêu kẻ thù

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Lv 19:1-2, 17-18;  1 Cr 3:16-23;  Mt 5:38-48)

          Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải yêu thương nhau, vì đó là dấu hiệu nói lên chúng ta là môn đệ Người.  Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Người còn đi xa hơn nữa khi dạy chúng ta phải yêu cả kẻ thù nếu chúng ta muốn nên hoàn thiện như Cha trên trời.  Chúa Giê-su có đòi hỏi quá đáng không?  Không đâu.  Lý do mạnh mẽ là vì Cha trên trời muốn chúng ta hãy nên hoàn thiện giống như Người.  Cha nào con nấy!  Cha yêu kẻ thù thì con cũng phải yêu kẻ thù.  Làm khác Cha thì không phải là con của Cha.  Đơn giản vậy thôi.

          Như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, Chúa Giê-su tuyên bố Người không đến để bãi bỏ Luật Mô-sê, nhưng là để kiện toàn, thì đây, lời Người dạy phải yêu kẻ thù chính là một bằng chứng hùng hồn nói lên Người đã kiện toàn Lề Luật như thế nào.  Bài đọc 1 trích sách Lê-vi dạy dân Do-thái phải yêu đồng loại như chính mình.  Phải chăng đó là bài học yêu thương đầu tiên con người phải học:  tình yêu bắt đầu từ chính mình;  mình phải yêu bản thân và những người thuộc về mình trước khi trải rộng tình yêu?  Tuy nhiên tình yêu đồng loại này không phải là thứ tình yêu ủy mị, nhưng là tình yêu xây dựng, mạnh dạn giúp anh chị em sửa lỗi, không trả thù hay oán hận.  Như thế, tình yêu ấy cũng đã trổi vượt trên thứ tình yêu của thế gian thường tình rồi, dù nó vẫn mang những giới hạn là trong vòng “đồng bào” của mình thôi.

          Còn với Chúa Giê-su, Người muốn tình yêu của chúng ta phải là vô giới hạn và vô điều kiện giống như tình yêu của Cha Người trên trời.  Tình yêu có giới hạn và điều kiện là thứ tình yêu của “kẻ bất chính” và “kẻ ngoại”, chứ không phải thứ tình yêu của “Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.  Đúng vậy, Cha trên trời yêu thương cả kẻ thù của Người.  Nhưng ai là kẻ thù của Thiên Chúa?  Là ma quỷ và mọi kẻ tội lỗi.  Khi chúng ta phạm tội, là chúng ta trở thành “kẻ thù” của Thiên Chúa rồi!  Vậy mà Chúa vẫn yêu thương chúng ta mặc dù chúng ta tội lỗi, nên Người luôn tìm cách đưa chúng ta trở về với Người.  Lại nữa, khi Chúa dạy chúng ta mến Chúa yêu người là phải yêu “hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”.  Như thế không phải là tình yêu vô giới hạn của Cha trên trời sao?

          Đã yêu kẻ thù thì không thể trả thù.  Trả thù là cách tìm sự đền bù khi ta bị xúc phạm.  Do đó Chúa Giê-su đã kiện toàn Lề Luật bằng cách lấy luật yêu kẻ thù để thay thế luật “mắt đền mắt, răng đền răng” trong Cựu Ước.  Ông Cút-xếp, lãnh tụ Nga-sô đã có lần rút giầy đập trên bàn họp Liên Hiệp quốc để bênh vực cho luật trả thù.  Ông bảo:  “Đức Ki-tô dạy nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.  Còn người Cộng sản chúng tôi, hễ ai vả chúng tôi, chúng tôi sẽ vả lại cho nó rụng không còn cái răng nào”.  Chúng ta phải khác với “những người thu thuế và kẻ ngoại” nếu muốn làm con cái của Cha trên trời là Đấng hoàn thiện!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.  Thánh Phao-lô thuộc nằm lòng chân lý này nên ngài mới đi đến kết luận:  “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa” (bài đọc 2).  Chúng ta thường nói tình yêu là tất cả.  Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng tình yêu thuộc về chúng ta vì chúng ta thuộc về Chúa Ki-tô và Chúa Ki-tô thuộc về Thiên Chúa.  Nghe dễ thương ơi là dễ thương!  Cái từ “thuộc về” đã diễn tả căn tính đích thực của chúng ta là con cái của Tình Yêu.  Thiên Chúa là Tình Yêu, nên chúng ta là con cái Thiên Chúa.  Hơn thế nữa, thánh Phao-lô còn nhắc nhở rằng chúng ta là “Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Chúa ngự trong chúng ta”.  Đây là một nhắc nhở thực dụng, nếu chúng ta luôn nhớ mình mang Tình Yêu trong đền thờ là tâm hồn mình.  Cho nên chúng ta đi đâu, ở chỗ nào là người khác có thể nhận ra ngay chúng ta là con cái Chúa.  Tất cả ý nghĩ, lời nói, cử chỉ và việc làm của chúng ta đều do một động lực là Tình Yêu, đều theo một lề luật là Tình Yêu và đều trở nên một dấu hiệu là Tình Yêu.  Quan trọng nhất là chúng ta hãy bước theo Chúa Giê-su, Đấng đã yêu kẻ thù và là sự “thuộc về” gương mẫu, để chúng ta được xứng đáng làm con cái của Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A