CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Cuộc đời Ki-tô hữu là sống đời sống mới

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (2 V 4:8-11, 14-16a;  Rm 6:3-4, 8-11;  Mt 10:37-42)

          Ai mà chẳng muốn có sự thay đổi tốt đẹp hơn?  Người sống trong áp bức và nô lệ thì mong muốn có tự do.  Kẻ nghèo đói mong được no ấm.  Những ai bị tước đoạt nhân quyền thì đứng lên để tranh đấu đòi lại.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta một sự thay đổi cần thiết cho mọi Ki-tô hữu cũng như cho những ai muốn có một đời sống ý nghĩa khi còn ở trên trần gian này, đó là sự sống mới.  Sự sống mới ấy được diễn tả trực tiếp hoặc được ám chỉ trong các bài đọc hôm nay.

          Trước hết là bài trích sách các Vua, quyển thứ hai, kể lại sứ vụ của ngôn sứ Ê-li-sa tại Su-nêm.  Ở đấy có một cặp vợ chồng giàu sang và rất tử tế, đón tiếp ngôn sứ mỗi khi ngài có dịp ghé qua.  Nhưng hai vợ chồng không có con trai.  Cảm kích trước lòng hiếu khách của họ, Ê-li-sa cầu nguyện xin Chúa ban cho họ một đứa con trai.  Trong văn hóa cận Đông, không có con trai nghĩa là dòng họ đã chết.  Thế mà nay nhờ lời cầu nguyện của ngôn sứ, gia đình này không còn bạc phước nữa, vì một năm sau bà vợ đã được bồng trên tay mình đứa con trai chính bà sinh nó ra.  Sự hiện diện của đứa bé khác nào sự sống mới làm thay đổi gia đình bà. Tuy nhiên mấy năm sau, đứa bé đột ngột qua đời và bà mẹ vô cùng đau đớn, sống mà như đã chết.  Một lần nữa, ngôn sứ Ê-li-sa lại can thiệp;  ngài đến làm cho đứa bé đã chết được sống lại và đem đến cho hai mẹ con bà Su-nêm sự sống mới.

          Nếu ngôn sứ Ê-li-sa là người Thiên Chúa dùng để đem lại sự sống mới thể xác và tinh thần cho mẹ con bà Su-nêm, thì Chúa Giê-su là Đấng đem lại cho chúng ta sự sống mới của linh hồn.  Thánh Phao-lô hiểu rất rõ về đời sống mới này.  Ngài dạy rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô đem lại sự sống mới cho chúng ta.  Khi chúng ta được rửa tội là chúng ta “được gìm vào trong cái chết của Người” và “cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.  Rồi thánh Phao-lô kết luận:  “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người:  đó là niềm tin của chúng ta”.  Điều kỳ lạ về sự sống mới này là Chúa Ki-tô đã lấy cái chết của chính mình để chiến thắng tội lỗi, kẻ thù gây nên cái chết thể xác và linh hồn của nhân loại, và Chúa Ki-tô đã dùng sự sống lại của Người để chia sẻ với chúng ta một đời sống mới, sống trong Thánh Thần của Người.  Vậy theo thánh Phao-lô, sống trong Thánh Thần nghĩa là gì?  Đó là sống theo tinh thần của Chúa Ki-tô, tức là “sống cho Thiên Chúa”.

          Chúa Giê-su đã kêu gọi chúng ta làm môn đệ Người và hãy sống theo tinh thần của người môn đệ Chúa.  Đấng đã thí mạng sống mình vì chúng ta giờ đây kêu gọi chúng ta hãy “vác thập giá mình mà theo Thầy” và hãy “liều mạng sống vì Thầy”.  Đó là cách Người dạy chúng ta đón nhận sự sống mới.  Thánh Phao-lô chỉ cách cho chúng ta biết làm thế nào để “liều mạng sống vì Thầy”.  Ngài bảo:  “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su”.  Chắc chắn đã nhiều lần chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của việc vác thập giá và liều mạng sống vì Chúa.  Cố gắng chống lại cám dỗ và quyết tâm làm đẹp lòng Chúa thì có khác gì vác thập giá!  Theo bản năng sa ngã loài người, chúng ta thích sống buông thả, nhưng chúng ta lại phải phấn đấu để sống như con cái ngoan ngoãn và đạo đức của Chúa, thì đó là một cách liều mạng sống vì Chúa rồi!  Như vậy, có hằng trăm hằng ngàn cách để chúng ta vác thập giá và liều mạng sống vì Chúa, mọi ngày và trong mọi hoàn cảnh, thậm chí “cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ một chén nước lã thôi” cũng có thể là một cách chúng ta vác thập giá hằng ngày đấy!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Sự sống mới Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta là ân huệ quý giá, nhưng không phải là món quà để chúng ta cất giữ, mà là ân huệ để chúng ta sống, noi theo lối sống của Người, tức là “sống cho Thiên Chúa”.  Đúng vậy, cả cuộc đời Chúa Ki-tô là sống cho Thiên Chúa, cho thánh ý và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Sự sống mới của ta cũng phải được thể hiện theo cách “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi”.

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A