CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa trong cuộc sống người Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 55:10-11;  Rm 8:18-23;  Mt 13:1-23)

          Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.  Chúa Giê-su đã dựa vào lời Kinh Thánh này để chiến thắng cám dỗ của ma quỷ khi nó thách thức Người biến hòn đá thành bánh để xoa dịu cơn đói của Người.  Tuy nhiên việc Chúa Giê-su đề cao tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại thái độ của chúng ta đã lãnh nhận lời Chúa và sống lời Chúa như thế nào, dù chúng ta đã từng nghe lời Chúa trong Thánh lễ       hoặc đọc lời Chúa khi chúng ta cầu nguyện riêng.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt là bài đọc trích sách I-sai-a và bài Tin Mừng, trình bày sức mạnh cùng ảnh hưởng của Lời Chúa trên đời sống chúng ta và đâu là cách tốt nhất giúp cho Lời Chúa đem lại kết quả.

          Trước hết, qua ngôn sứ I-sai-a, Chúa đã dùng hình ảnh mưa và tuyết từ trời sa xuống mang theo bao lợi ích cho cây cỏ và đời sống con người để ví với lời Chúa phán dạy chúng ta.  Chúa khẳng định về hiệu quả của Lời Người:  “Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”.  Hiển nhiên Lời mà Thiên Chúa nói đến ở đây ám chỉ về Ngôi Lời là Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, xuống thế làm người phàm.  Lại nữa, Lời ở đây cũng chính là lời Thiên Chúa phán dạy chúng ta, như hai câu mở đầu của thư gửi tín hữu Do-thái đã khẳng định:  “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Do-thái 1:1-2).  Khi mặc lấy xác phàm, Ngôi Lời đã trở thành ngôn ngữ của loài người để Thiên Chúa nói với nhân loại bằng tiếng nói của loài người.  Nếu Lời được Thiên Chúa phán để dựng nên vũ trụ lúc khởi nguyên (Sáng Thế 1), thì cũng chính Lời được Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng và thực hiện kế hoạch cứu độ.  Khi thi hành sứ mệnh rao giảng ơn cứu độ, Chúa Giê-su chính là “mưa với tuyết sa xuống từ trời” thấm nhuần nhân loại và làm cho họ “phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, kẻ gieo có hạt giống và người đói có bánh ăn”.  Quả thực, Lời Chúa có hiệu lực và Chúa Giê-su đã “đạt kết quả, thực hiện ý muốn của Chúa Cha và chu toàn sứ mạng Người giao phó”.

          Nếu chúng ta xác tín về hiệu lực của Lời Chúa theo ngôn sứ I-sai-a loan báo, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Chúa Giê-su giải thích trong dụ ngôn người gieo giống rằng “Hạt giống là lời Thiên Chúa” (Lu-ca 8:11).  Thánh Mát-thêu ngầm hiểu Chúa Giê-su vừa là hạt giống Tin Mừng vừa là người gieo hạt giống, nhưng ngài nhấn mạnh đến vai trò của những kẻ đón nhận lời giảng (tức hạt giống rơi trên các loại đất khác nhau).  Đúng vậy, dụ ngôn cho thấy dù được gieo trên loại đất nào, nếu không bị “chim chóc đến ăn mất”, thì hạt giống vẫn thể hiện được tiềm năng “mọc lên”.  Nhưng nó có “sinh hoa kết quả” hay không là tùy thuộc chỗ nó mọc lên!  Hạt giống Nước Trời luôn có tiềm năng mọc lên và sinh hoa trái nơi tâm hồn chúng ta, còn việc nó có đem lại mùa gặt tốt hay không thì tùy thuộc vào thái độ đón nhận của chúng ta:  “Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Vậy chúng ta phải có thái độ nào để đón nhận Lời Chúa?  Trước hết chúng ta nghe thánh Phao-lô (bài đọc 2) mô tả thân phận “rên siết trong lòng” của chúng ta ở đời này:  “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người”.  Chúng ta đợi chờ ngày hạt giống Nước Trời trong tâm hồn chúng ta sinh hoa kết quả.  Nhưng đợi chờ không có nghĩa là ngồi đấy và đợi, mà phải cộng tác với Thánh Thần là “ân huệ mở đầu” Chúa ban cho chúng ta, để chăm sóc cho hạt giống Lời Chúa sau khi đã mọc lên tránh được những tàn phá của sâu bọ, nóng nực khô cằn… và bao nhiêu nguy hiểm khác nữa.  Tuy nhiên, chúng ta không chỉ chăm sóc bằng sức riêng của mình, mà luôn có Thánh Thần trợ giúp.  Người là ân huệ mở đầu làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.  Người luôn giúp soi sáng chúng ta khi lắng nghe và sống Lời Chúa.  Nếu chúng ta thành tâm yêu mến Lời Chúa và cộng tác với Chúa Thánh Thần, chắc chắn mùa gặt của ta sẽ phong phú!

 

    Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A