THỨ SÁU TUẦN THÁNH, NĂM A

TÌNH YÊU ĐÃ TOÀN THẮNG

(Is 52,13-  53,12; Dt 4,14-  16-  5,7- 9; Ga 18-  19)

 

Trong xã hội hiện đại, nhiều người không muốn nhắc tới Thánh Giá, bởi vì họ không nhìn thấy sứ điệp tình yêu và cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại ngang qua Thánh Giá và Đấng chịu treo trên đó! Ngược lại, họ chỉ nhìn Thánh Giá như một thập giá là dụng cụ mà những nhà thi hành pháp của Dothái khi xưa dùng để hành hình án tử cho các tử tội nguy hiểm như Đức Giêsu.

Tuy nhiên, với người Công Giáo, thập giá khổ đau ấy đã trở thành Thánh Giá khi Đức Giêsu đón nhận và dùng làm phương thế cứu chuộc nhân loại. Chính vì vậy, Thánh Giá từ đó trở thành biểu tượng của niềm tin và ơn cứu chuộc của chúng ta.

Đây là niềm vinh dự lớn lao, là biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và ma quỷ, là dấu chứng tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho nhân loại và là niềm hy vọng của mọi người Tín Hữu.

Với tâm tình đó, chiều hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm để khám phá ra sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho nhân loại qua Đức Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại.

1.           Đức Giêsu chết để tiêu diệt ma quỷ

Ngay từ khi Đức Giêsu nhập thể và nhập thế, Ngài đã lựa chọn con đường của hạt lúa gieo vào lòng đất và chấp nhận mục nát đi, để từ đó sự sống mới phát sinh như thánh Phaolô nói: “Đức Giê-su Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Nhưng ma quỷ, kẻ thù của Thiên Chúa, luôn luôn tìm mọi cách để ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Vì thế, nó không bỏ lỡ một cơ hội thuận tiện nào mà không cám dỗ Đức Giêsu từ bỏ con đường thập giá… Nó chẳng khác gì như sư tử gầm thét đi tìm mồi. Chúng dùng đủ mọi ngón đòn bằng chính nanh vuốt và nọc độc gian trá để miễn sao đạt được mục đích. Nhưng, khi Đức Giêsu đón nhận thập giá và cái chết trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha để chuộc tội thiên hạ và tẩy rửa tội lỗi cũng như giao hòa con người với Thiên Chúa, thì cùng một trật, Đức Giêsu đã hoàn toàn chiến thắng ma quỷ khi tiêu diệt ý định và kế hoạch của chúng. Thánh Giá chính là cờ chiến thắng được dựng lên trên đồi Canvê để làm cho ma quỷ và những ý định quỷ quyệt của chúng bị tê liệt, bất lực.

Nói cách khác, khi Thánh Giá được dựng lên thì đồng nghĩa với việc Đức Giêsu đẩy lui quyền lực của sự dữ và sự chết, để thay vào đó là chìa khóa mở vào cõi sống. Cũng chính từ khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa Cha được hoàn tất và tình yêu cứu độ được trải dài đến tận chân trời góc bể.

2.           Đức Giêsu chết để nêu cao tình yêu

Trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy rất nhiều chỗ nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Chẳng hạn như trong Tin Mừng Gioan, tác giả đã trình bày: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chính vì yêu thương nhân loại đến trao ban ngay cả Con mình như vậy, nên Đức Giêsu khi đến trần gian, Ngài đã tiếp tục con đường ấy. Vì thế, Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Qua cái chết đau thương của Ngài trên thập giá, tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Bởi vì nơi đó, tình yêu được trở nên vẹn toàn khi đi đến tận cùng của cái chết. Sự vẹn toàn và phổ quát đó được dành cho hết mọi người. Vì thế, tình thương ấy không chỉ dành riêng cho những người tốt lành, mà là cho hết mọi người, và ngay cả những người tội lỗi. Điều này đã được thánh Phaolô viết: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 7-8). 

Thật vậy, Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình qua cái chết, hơn nữa, vì yêu thương nhân loại, nên Ngài đã bị liệt vào hàng tội lỗi và sẵn sàng mang lấy tội lỗi của nhân loại trên thân mình Ngài để cầu nguyện và đền tội thay cho mọi người (x. Is 53,4-11). Vì thế, Ngài đã trở thành Chiên vượt qua (x. 1Cr 5,7),  đến gánh tội trần gian (x. Ga 1,29), thành vật hiến tế (x.1Ga 4,10), để làm của lễ “chuộc tội đời đời” (x. Dt 9, 12.10,10).

Như vậy, thập giá là biểu tượng của đau khổ và chết chóc, nhưng từ khi Đức Giêsu đón lấy bằng tình yêu đối với Thiên Chúa Cha và với con người, thì thập giá ấy có một tên khác, đó là Thánh Giá cứu chuộc.

3.           Sống mầu nhiệm Thánh Giá trong cuộc đời

Mỗi khi cử hành mầu nhiệm Thánh Giá, chúng ta không tôn vinh sự đau khổ, không cổ súy cho sự ác lên ngôi. Nhưng, chúng ta tôn vinh và chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu chuộc, và qua đó, mỗi người biết sống mầu nhiệm Thánh Giá trong cuộc đời của mình để được ơn tha thứ.

Tự bản chất, đau khổ không có giá trị cứu chuộc. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chỉ ra cho chúng ta chìa khóa hạnh phúc ngay trong đau khổ, đó là tình yêu. Điều này đã được Đức Giêsu thi hành ngay trong cuộc đời của Ngài. Đỉnh cao của tình yêu chính là cái chết trên thập giá. Qua cái chết vì yêu đến cùng này, Ngài đã khai mở cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Vì vậy, mỗi khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Một tình yêu hướng tha và luôn luôn đi bước trước. Một tình yêu không phân biệt. Một tình yêu chết cho người mình yêu. Mặt khác, chúng ta cũng rất cần một hành động thống hối vì những tội lỗi của mình gây nên.

Chẳng hạn như những tội phạm tới Thiên Chúa: nhiều khi chúng ta vô ơn với tình yêu của Thiên Chúa; không màng chi đến lời mời gọi của Ngài; không tin tưởng Thiên Chúa tuyệt đối, nhưng thay vào đó là thầy bùa, thày ngải, thày bói, thày mo cũng như những hành vi tôn thờ ngẫu tượng khác…

Tội phạm đến anh chị em đồng loại như: lạnh nhạt, dửng dưng, vô cảm trước nỗi khổ đau của anh chị em; đôi khi vì đồng tiền, địa vị mà sẵn sàng bẻ cong ngòi bút hay sẵn sàng làm chứng gian, vu vạ cho người vô tội; hoặc chỉ vì miếng cơm manh áo, mà sẵn sàng làm đủ mọi thủ đoạn xấu xa nhằm trục lợi cho bản thân.

Nhìn lên Thánh Giá, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta hãy trở thành hiện thân của Đức Giêsu, Đấng đã vì yêu mà mang vào mình mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên lành mạnh, nên công chính cách nhưng không, như bài ca về “Người Tôi Tớ Đau Khổ” đã loan báo.

Vì thế, đến lượt chúng ta, thiết nghĩ, không có gì diễm tả rõ nét về tình yêu của Thiên Chúa cho bằng mang trong mình những ưu sầu, lo lắng và đau khổ của anh chị em mình, để cảm thấu, để nâng đỡ, để yêu thương, để hành động.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu sâu đậm của Chúa nơi Thánh Giá, để chúng con biết sống xứng đáng là con cái của Chúa, Đấng đã cứu chuộc chúng con bằng chính máu của mình. Amen.


Suy Niệm Lời Chúa Năm A