LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Sự tràn đầy là đặc tính của ơn Chúa Thánh Thần

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 2:1-11;  1 Cr 12:3b-7, 12-13;  Ga 20-:19-23)

          Khi suy niệm về Chúa Thánh Thần, chúng ta thường chỉ căn cứ vào những sinh hoạt của Người để nhận ra phần nào bản chất Thiên Chúa của Người.  Về phương diện giáo lý và thần học, có thể chúng ta không hiểu biết Người nhiều lắm, dù Kinh Thánh Tân Ước nói khá nhiều về Người.  Nhưng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, khi thuật lại những việc làm của Chúa Thánh Thần, cho ta thấy được một điều thật cảm động, đó là đặc tính tràn đầy của Người.  Chính sự tràn đầy này giúp cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất bằng cách quy hướng mọi sự vào Chúa Ki-tô, để nhờ Chúa Ki-tô trở về cùng Thiên Chúa.  Sự tràn đầy ấy được sách Công vụ mô tả trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần (bài đọc 1).  Các anh chị em tân tòng lãnh nhận được sự tràn đầy Thánh Thần sau khi họ chịu phép Thánh tẩy, nhưng đặc biệt thánh Phao-lô coi sự tràn đầy Thần khí này là sức sống của Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Ki-tô (bài đọc 2).  Cuối cùng, bài Tin Mừng dạy chúng ta rằng nguồn gốc sự tràn đầy Thánh Thần chính là từ Chúa Giê-su, Đấng ban Thánh Thần cho các môn đệ khi Người phán:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

          1.  Ai nấy đều được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần.  Diễn tả sự tràn đầy những gì vô hình quả thực là điều khó.  Thí dụ bạn thử diễn tả bạn đầy tràn niềm vui như thế nào, hoặc bạn đầy sợ hãi như thế nào.  Chắc chắn bạn phải căn cứ vào những biểu lộ bề ngoài qua cử chỉ, nét mặt, tiếng cười hoặc sự run rẩy.  Ở đây thánh Lu-ca diễn tả sự tràn đầy Thánh Thần rất sống động.  Bạn tưởng tượng mình đang ở với các môn đệ Chúa Giê-su trong căn phòng lớn, cùng với họ và Mẹ Ma-ri-a cầu nguyện.  Bỗng bạn nghe tiếng động lớn, rồi tiếng gió mạnh “ùa vào đầy cả căn nhà”.  Bạn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” đậu trên từng người.  Cuối cùng là “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”.  Không những các môn đệ Chúa đã cảm nhận được sự tràn đầy Thánh Thần khi họ nghe và thấy, mà còn cảm nhận khi họ nói các thứ tiếng khác nữa.  Cả dân chúng tại Giê-ru-sa-lem cũng cảm nhận được khi họ kéo đến và nghe các môn đệ nói tiếng nước mình.  Ơn Thánh Thần giống như một sức mạnh đầy tràn đã biến đổi mọi người, từ các môn đệ là những người “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” cho đến mọi người thuộc nhiều dân tộc khác nhau đang nghe các môn đệ rao giảng.  Thánh Thần đầy tràn trên mọi người trong một căn phòng, rồi đầy tràn mọi người tại Giê-ru-sa-lem và cuối cùng đầy tràn thế giới để biến đổi bộ mặt trái đất.

          2.  Mọi Ki-tô hữu được đầy tràn cùng một Thần Khí để làm nên thân thể Chúa Ki-tô.  Thánh Phao-lô mời chúng ta suy nghĩ về một khía cạnh khác của sự đầy tràn Thánh Thần khi ngài nói về đặc sủng.  Ơn Thánh Thần là đặc sủng (ân huệ đặc biệt) Chúa ban cho tất cả chúng ta để cùng nhau thực hiện một mục đích duy nhất là xây dựng Giáo Hội.  Thánh Phê-rô đã gọi chúng ta “như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng”.  Còn thánh Phao-lô thì gọi chúng ta là những “bộ phận” của một thân thể là Chúa Ki-tô.  Mỗi bộ phận có một chức năng riêng, hoạt động nhờ sự đầy tràn cùng một Thánh Thần duy nhất để cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể Đức Ki-tô.  Việc xây dựng này phải theo cùng một tinh thần (lý tưởng) là Thánh Thần, được thực hiện bằng những việc phục vụ tuy khác nhau nhưng theo mẫu số phục vụ của Chúa Giê-su và được biểu lộ qua những hoạt động chứng tỏ rằng “một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”.  Tóm lại, thánh Phao-lô muốn nói rằng nếu chúng ta muốn phục vụ và hoạt động để xây dựng Giáo Hội, thì chúng ta phải được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần.  Làm sao chúng ta biết mình được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần?

          3.  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.  Các môn đệ Chúa Giê-su đã được hứa ban đầy tràn Thánh Thần.  Lời hứa ấy đã được thực hiện nơi các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần như thánh Lu-ca kể lại.  Còn chúng ta thì được tràn đầy Thánh Thần khi ta lãnh nhận các Bí tích Rửa tội và Thêm sức.  Chúng ta hãy trở lại hoàn cảnh đặc biệt khi Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các môn đệ.  Chúa Giê-su đã chết trên thập giá và các môn đệ đều rõ điều này.  Cái chết của Chúa đã khiến họ sợ hãi mình bị vạ lây, nên họ cùng ẩn nấp trong một căn nhà, các cửa đều đóng kín vì sợ kẻ thù của Chúa Giê-su.  Chúa Phục Sinh đến với họ giữa cơn sợ hãi, nên điều họ cần nhất lúc này là sự bình an!  Quả thực Chúa xuất hiện để đem lại bình an cho họ với hai lần chúc bình an.  Nhưng bình an để làm gì?  Để họ được sai đi rao giảng Tin Mừng.  Tuy nhiên họ không thể đi rao giảng nếu không nhờ được đầy tràn sức mạnh của Thánh Thần.  Do đó, Chúa Giê-su mới “thổi hơi vào các ông và bảo:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. 

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Nhiều khi chúng ta lầm tưởng rằng Chúa Thánh Thần chỉ đến với ta khi ta lãnh Bí tích Thêm Sức.  Không phải thế đâu.  Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đến với ta qua sự kết hợp mật thiết giữa ta với Chúa Giê-su, qua cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và suy niệm Kinh Thánh.  Kinh nguyện Chúa Thánh Thần nhắc nhở ta rằng nếu ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, chắc chắn Người sẽ hiện xuống!

               Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A