CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:4-7;  Pl 2:6-11;  Mt 26:14 – 27:66)

          Chúng ta lắng nghe trình thuật cuộc Thương khó của Chúa Giê-su trong các sách Tin Mừng với những tâm tình khác nhau tùy theo cách ta đi vào tâm tình nào của Chúa.  Tôi thường dựa trên những ý tưởng của hai bài đọc 1 và 2 để chọn lấy một điểm nào đó nói lên cung cách của Chúa Giê-su khi Người chịu đựng những đau đớn và nhục nhã trong hành trình Thương khó.  Hôm nay qua bài trích sách I-sai-a, tư tưởng về sự hiện diện của Thiên Chúa hoặc Chúa Thượng giúp tôi hiểu tâm tình của Chúa Giê-su.  Tôi chia sẻ với Chúa trong tâm tình ấy, để nhận ra rằng trong hoàn cảnh thử thách, Chúa Giê-su vẫn giữ được thái độ khiêm nhu, vâng lời và can đảm vì Người luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa Cha là Chúa Thượng của Người. Vậy tôi muốn đồng hành với Chúa, cảm nhận Người đã “thấy” Chúa Cha “ở lại” với Người trong từng chặng đường khổ nạn như thế nào.

          - Tại Bữa Tiệc Ly:  Phải đối mặt với Giu-đa, người môn đệ phản bội, Chúa vẫn giữ bình tĩnh và không ngừng tiếp tục yêu thương hắn.  Với những lời tế nhị đánh động lương tri, Chúa không muốn chỉ mặt gọi tên hắn giữa nhóm tông đồ vì Chúa muốn dành cho hắn cơ hội từ bỏ tội ác và trở về trong tình yêu thầy trò.  Lạy Chúa Giê-su, sao Chúa hành động như vậy?  Thầy muốn tỏ lòng nhân hậu như Chúa Cha, Đấng phù trợ Thầy.

          - Khi Chúa lập Bí Tích Thánh Thể:  Tình yêu là lẽ sống Chúa chia sẻ với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Giờ đây, Chúa đem tất cả sự sống mình (Thịt và Máu) hiến cho các tông đồ và toàn nhân loại làm của ăn của uống để chúng con được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa.  Chúa ở lại trong Chúa Cha là Đấng phù trợ thế nào thì Chúa cũng muốn tạo cơ hội để qua Chúa, chúng con được ở lại trong Chúa Cha như vậy.

          - Tại vườn Ghết-sê-ma-ni:  Đây là khung cảnh cảm động nhất để chúng con nhận ra Chúa Cha đã phù trợ Chúa như thế nào.  Lời cầu nguyện hoàn toàn phó thác của Chúa nói lên lòng tin tưởng của Chúa nơi Chúa Cha.  Hai lần Chúa cầu xin Chúa Cha (“nếu có thể được” và “nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi”) đều đặt trên căn bản là “xin vâng ý Cha”.  Sở dĩ Chúa phó thác xin vâng vì Chúa tin tưởng rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào Chúa Cha cũng giúp đỡ Chúa.  Lúc Chúa bị bắt và các môn đệ bỏ chạy trốn hết, trong nỗi cô đơn, Chúa chỉ còn Chúa Cha mà thôi!  Tại sao vậy?  Vì Chúa Cha là Đấng luôn phù trợ Chúa.

          - Tại dinh thượng tế:  Lạy Chúa Giê-su, người ta làm chứng gian tố cáo Chúa và dồn Chúa phải xưng mình là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, để kết tội Chúa đã phạm thượng.  Nhưng Chúa không sợ chết mà còn dõng dạc tuyên bố:  “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.  Chúa hãnh diện vì có Chúa Cha là Đấng phù trợ Chúa ngay trong giờ phút nguy hiểm nhất.

          - Tại dinh tổng trấn Phi-la-tô:  Lạy Chúa, tại sao Chúa im lặng?  Chắc chắn không phải vì coi thường quyền lực vua chúa trần gian, nhưng Chúa im lặng vì muốn tôn trọng quyền bính của Phi-la-tô, để ông ta hành xử theo công lý.  Rất tiếc ông ta đã không đủ can đảm đứng về phía công lý và sự thật!  Chúa không sử dụng quyền năng Thiên Chúa để bênh vực cho mình, vì Chúa muốn theo gương Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng con người và cho họ quyền tự do để chọn lựa điều tốt hay điều xấu.

          - Trên đường thập giá và tại Gôn-gô-tha:  Trước khi phải tự mình vác thập giá đi chịu chết, Chúa đã chịu cuộc xử án bất công, đã bị đám lính làm hành hạ đánh đập.  Giây phút kinh hoàng nhất là lúc Chúa bị đóng đinh vào thập giá và chịu mọi đau đớn từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín trước khi tắt thở.  Thêm vào đó là màn nhục mạ do dân chúng kẻ qua người lại, do đám thượng tế, Pha-ri-sêu và các kinh sư.  Làm sao Chúa chịu đựng được những đau đớn tâm lý cũng như thể xác như vậy?  Chắc chắn đó là nhờ có Chúa Cha luôn phù trợ Chúa.  Tuy nhiên khi những đau đớn lên tột độ, dường như sức loài người không thể nào chịu nổi nữa, Chúa chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng là Chúa Cha, nên Chúa kêu lên:  “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”  Chắc chắn đây không phải là lời trách móc, nhưng là phó thác.  Chúa hỏi tức là trả lời, vì Chúa vẫn luôn tin vào Chúa Cha là Đấng trung thành phù trợ Chúa cho đến hơi thở cuối cùng của Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta vừa bước theo Chúa Giê-su trong những chặng đường cuộc Thương khó.  Ở bất cứ nơi nào hoặc tình huống nào giữa đau khổ, lòng yêu mến Chúa Cha đã giúp cho Chúa Giê-su thắng vượt được những cám dỗ bỏ cuộc và trung thành với sứ mệnh chịu chết để đền tội cho nhân loại.  Đáp lại tình yêu của Chúa Cha luôn phù trợ, Chúa Giê-su đã tự khiêm tự hạ và hoàn toàn vâng phục Người.  Đây cũng là điều thánh Phao-lô đã suy niệm và để lại bài ca tôn vinh Chúa Giê-su tuyệt diệu chưa từng thấy.  Trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để xuống thế sống thân phận làm người, Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta về lòng tin vào Thiên Chúa là Đấng phù trợ, nhất là những khi chúng ta gặp khó khăn và đau khổ.  Chúa Giê-su đã phó thác tất cả cuộc sống trần gian của Người nơi bàn tay Chúa Cha là Chúa Thượng và Đấng phù trợ cho Người.  Cùng với Người, chúng ta cũng hãy phó thác mọi sự cho Chúa với niềm tin Chúa luôn phù trợ ta.

     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi                


Suy Niệm Lời Chúa Năm A